Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh.

Đăng lúc: Thứ tư - 11/04/2018 02:32 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh.

"Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ".

 

Lời Chúa: Ga 3, 16-21

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.

Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Đi rao giảng Tin Mừng

Câu đầu tiên của đoạn Phúc Âm hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ lại tình trạng tinh thần của các tông đồ lúc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến và trao cho họ sứ mạng làm chứng cho Chúa. Tình trạng đó là tinh thần của nhóm mười một trước và liền sau biến cố Vượt Qua. Các ông chậm hiểu hay chưa hiểu gì về mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Giêsu.

Hơn nữa, sau khi Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho một số đồ đệ để những người này loan báo tin vui Chúa sống lại cho các ông, thì các ông còn cứng lòng không tin, đến độ bị Chúa khiển trách. Phúc Âm ghi lại cho chúng ta như sau: "Sau cùng, Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng. Bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người phục sinh". Các tông đồ còn có thái độ tiêu cực như vậy. Mặc dù đã theo Chúa ngay từ đầu và đã được Chúa huấn luyện đặc biệt hơn dân chúng trong suốt thời gian sống bên cạnh Chúa.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không thất vọng, không bỏ đi chương trình cứu rỗi nhân loại, không rút lại những gì Chúa muốn các ngài thực hiện, vì thế, Chúa ra lệnh cho các tông đồ và cho những ai tiếp tục sứ mạng của Ngài trong dòng thời gian:

"Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Hãy làm chứng cho Chúa khắp nơi", đây là sứ mạng quan trọng nhất liên quan đến tương lai của Giáo Hội Chúa trong lịch sử nhân loại. Sứ mạng được cô đọng lời Chúa Giêsu cho các tông đồ như sau: "Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin thì sẽ bị kết án". Chúa Giêsu Phục Sinh đã không ngần ngại trao phó cho những con người bất toàn một sứ mạng rất cao cả. Chúa tỏ cho thấy Người cần đến sự cộng tác của con người phàm trần, có và còn rất nhiều khuyết điểm để thực hiện sứ mạng cứu rỗi. Những khuyết điểm của những con người đã được tuyển chọn, không thể làm hư chương trình của Người.

Nơi các Phúc Âm khác, chúng ta biết thêm là Chúa ban Thánh Thần xuống trên các tông đồ để biến đổi các ông thành những con người mới, xứng đáng hơn với sứ mạng. "Các con sẽ lãnh nhận Chúa Thánh Thần và sẽ làm chứng cho Thầy". Phần thánh sử Marcô, thì ngài tóm gọn thái độ đáp trả của các tông đồ nơi câu cuối cùng của sách Phúc Âm của ngài như sau: "Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng".

Hiện tại và tương lai của Giáo Hội Chúa được xây dựng trên kinh nghiệm sống căn bản trên. Chúa luôn hoạt động với các ông, với những ai Người đã chọn và trao cho sứ mạng. Chúng ta hãy tin tưởng, vâng phục và ra đi chu toàn sứ mạng theo Lời Chúa dạy.

Lạy Chúa, nhờ lời khẩn cầu của thánh sử Marcô mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay, xin thương biến đổi mỗi người chúng con trở thành những tông đồ, những cộng tác viên xứng đáng và trung thành của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Án xử của Thiên Chúa

Cách đây 2.400 năm, triết gia Hy Lạp là Socrate đã bị mang ra toà và bị kết án phải uống thuốc độc vì hai tội: làm sa đoạ giới trẻ bằng những lý thuyết viển vông và tuyên truyền cho các thần minh mới. Bồi thẩm đoàn xét xử Socrate gồm 501 người được tuyển lựa trong số 6000 công dân Athène. Đây là vụ án nổi tiếng nhất của thế kỷ 4.

Vụ án nổi tiếng nhất cuả thế kỷ 20 hẳn phải là vụ án của Hosê Simon, một cầu thủ bầu dục trở thành tài tử kiêm phóng viên truyền hình về thể thao tại Hoa Kỳ. Simson là một người da đen bị cáo buộc đã giết vợ và bạn trai của cô ta. Đã có quá nhiều chứng cớ hiển nhiên, nhưng sau nhiều tháng xét xử, toà vẫn chưa đưa ra được một phán quyết nào. Nhiều người cho rằng với một bồi thẩm đoàn gồm đa số người da đen và nhất là với những luật sư nổi tiếng mà Simson đã bỏ tiền ra thuê, rồi ra anh ta có thể được trắng án. Và quả thực tin giờ chót vừa cho hay toà tuyên bố Simson vô tội và anh được tha bổng.

Nhà hiền triết bị kết án, kẻ sát nhân được tha bổng, bao nhiêu người vô tội bị đầy ải trong các nhà tù. Công lý của con người vốn bất toàn là thế. Chính vì vậy ở thời đại nào, nỗi khao khát công lý trong lòng người vẫn không bao giờ được toả mãn. Người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng khao khát công lý: Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi sẽ là một quan toà khôn ngoan, có khả năng xoá bỏ bất công, trừng trị kẻ gian ác và tái lập công lý. Các tín hữu tiên khởi phát xuất từ Do thái giáo cũng tiếp tục nuôi dưỡng một niềm mong đợi đó.

Nhưng một cuộc phán xử như thế đã không diễn ra khi Chúa Giêsu đến. Thay cho một quan toà nghiêm khắc, người ta chỉ thấy một vị mục tử tốt lành. Thay cho những phán quyết thẳng thừng, người ta chỉ nghe được những lời tha thứ dịu ngọt. Quả thật như Chúa Giêsu đã giải thích cho Nicôđêmô: Thiên Chúa sai Con Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của ngài mà được cứu độ. Chúa Giêsu không xét xử và luận phạt con người. Chính con người tự xét xử mình bằng cách chọn lựa hay khước từ Chúa Giêsu. Mỗi hành động xấu tự nó đã là một bản án cho con người. Sự phán xét do đó không là một biến cố bên ngoài con người, mà chính là thái độ đáp trả của con người với lời mời gọi của Chúa Giêsu. Nếu tôi bước đi trong ánh sáng của Chúa Giêsu, tôi được bình an thư thái; trái lại, khi tôi chọn lựa bóng tối của ích kỷ, thì tôi đã tự ký bản án, tự đày đoạ chính mình rồi.

Thiên đàng, hoả ngục, ngày chung thẩm vốn được thêu dệt bởi biết bao hình ảnh thần thoại. Đó là những thực tại vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là Thiên đàng, hoả ngục, ngày chung thẩm đều gắn liền với cuộc sống tại thế này. Con người có thể hưởng nếm Thiên đàng ngay từ cuộc sống này khi nó bước đi trong ánh sáng chân lý của Chúa Giêsu. Cũng ngay trong cuộc sống này, mỗi khước từ đối với Ngài đã là một thứ hoả ngục mà con người tự giam mình vào, và ngày chung thẩm cũng đã diễn ra trong con người qua từng chọn lựa của mình.

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một Ngài. Ngài sai Con Một Ngài đến thế gian không phải để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. Đó phải là niềm xác tín thúc đẩy chúng ta luôn sống tin tưởng và yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Yêu? Phán xét? Án phạt?

Thiên Chúa đã yêu thế gian

Đến nỗi đã ban Con Một,

Để ai tin vào Con của Người

Thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

Quả vậy, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian

Không phải để lên án thế gian,

Nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người

Mà được cứu độ. (Ga. 3, 16-17)

Giáo lý dạy chúng ta biết rằng: Những ưu phẩm của Thiên Chúa là tốt lành vô cùng, đáng mến vô cùng, toàn thiện vô cùng, thương xót vô cùng, công bằng vô cùng … Nhưng những ý niệm đó đôi khi có vẻ mâu thuẫn nhau: Làm sao Thiên Chúa thương xót và đáng mến vô cùng lại ra án phạt người ta?

Bài Tin mừng hôm nay cho biết: tình yêu phán xét, hình phạt, cứu độ. Chúng ta hãy chú ý đến lời Chúa Giêsu nói như thế nào.

Điều quả quyết thứ nhất của Đức Giêsu là Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Bằng chứng của tình yêu này là hiến Con Một Ngài cho chúng ta. Không phải ơn ban thụ động, mà ơn ban một con người sống động đến thực hiện cho loài người điều này là ban cho mỗi người sống đời đời. Trong thái độ Thiên Chúa ưu đãi chúng ta, có tình yêu và sự tốt lành vô cùng là Con Một Ngài đã không đến để ra án phạt.

Nhưng tuy nhiên, như thánh Gio-an trưng dẫn quả quyết của Đức Giêsu là chính người ta tự phán xét và tự kết án mình. Người ta tự loại mình khỏi ơn cứu độ khi họ từ chối Đức Kitô, từ chối ảnh hưởng của Ngài, vì họ không tin Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế.

Nhưng chúng ta lại đặt vấn đề này: Người ta là kẻ tội lỗi vì từ chối Chúa, có phải là Thiên Chúa đã không ban đức tin cho họ sao? Câu hỏi này thuộc phạm vi thần học, không thuộc chương trình của Đức Kitô. Người chỉ nói đến vấn đề hành động chối bỏ của người ta như sau: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, sợ rằng các việc họ làm sẽ lên án chê trách họ”.

Người ta rất khôn khéo đổ tội từ chối Đức Kitô đó cho Thiên Chúa vì sợ lời Người tố giác, chỉ có sự phán xét do Thiên Chúa, hệ tại ở chỗ Thiên Chúa nhận biết hoàn cảnh người ta làm và tôn trọng sự lựa chọn của người ta.

C.G

 

SUY NIỆM 4: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU (Ga 3, 16 – 21)

Khi yêu nhau, người ta có thể làm mọi việc vì nhau và cho nhau. Họ sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của người mà họ thương để mong sao người yêu được hài lòng. Như vậy, yêu là chấp nhận tất cả vì người mình yêu.

Thiên Chúa cũng vậy, Người yêu thương con người bằng một tình yêu trọn vẹn. Vì thế, Người chấp nhận tất cả để cho con người được hạnh phúc.

Điều này đã được Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta biết khi nói:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đây là một mạc khải quan trọng, cốt lõi, vì nó tóm gọn nội dung của Tin Mừng.

Mạc khải này vượt lên trên những suy tư triết học hay lý luận của con người, bởi vì chỉ nhờ mạc khải của Đức Giêsu, Ngài là Con Một Thiên Chúa, Đấng từ Thiên Chúa mà đến và là hiện thân của tình yêu mới giúp cho chúng ta hiểu thấu được.

Thật vậy, thế gian là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, vì thế, Người không chỉ yêu thương có một lần trong quá khứ, nhưng Ngài vẫn còn yêu thương luôn mãi, Qua cuộc đời nhập thể làm người của Đức Giêsu, nhất là nơi cái chết và sự phục sinh của Ngài, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người cách trọn vẹn. Nhưng không chỉ có thế, Đức Giêsu tiếp tục hiện diện với con người trong suốt dòng lịch  sử, nhất là qua các Bí tích, để làm bảo chứng tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.

Ước gì chúng ta luôn cảm nhận và tin tưởng vào tình thương của Chúa, và sẵn sàng đi trên cùng một con đường yêu thương mà Thiên Chúa đã đi.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để chúng con sống và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống của chúng con hằng ngày. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Thiên Chúa yêu thế gian

Suy niệm :

Khi nghĩ về Thiên Chúa, người ta hình dung ra Ngài với nhiều khuôn mặt.

Có khi Thiên Chúa giống một ông cảnh sát, luôn để ý theo dõi để trừng phạt,

hay như một quan tòa cứ theo pháp luật mà kết án nghiêm minh.

Có khi Thiên Chúa giống một nhà buôn, tính toán sòng phẳng,

chỉ ban ơn khi nhận được một lợi lộc nào đó, có qua có lại.

Có khi Thiên Chúa giống một nhà độc tài, áp đặt quyền lực trên con người,

không cho con người được tự do, bắt con người phải theo một định mệnh có sẵn.

Có khi Thiên Chúa như một thứ ô dù để người ấu trĩ dựa dẫm trong lúc khó khăn,

hay như một sản phẩm của người bị áp bức tự ru ngủ mình.

Có bao nhiêu hình ảnh méo mó về Thiên Chúa như vậy.

May mắn đó không phải là khuôn mặt Thiên Chúa của các Kitô hữu.

Ngài chẳng phải là cảnh sát hay quan tòa, là nhà buôn hay nhà độc tài.

Ngài cũng chẳng phải là người cha độc đoán không muốn cho con mình khôn lớn.

Đơn giản Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8).

Và Tình Yêu vô lượng ấy được thể hiện bằng hành động:

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (c. 16).

Tình yêu của Thiên Chúa Cha ôm lấy thế gian, dù nó nghiêng chiều về sự dữ.

Như Abraham yêu quý đứa con một là Isaac, và đã chịu sát tế con cho Chúa,

Thiên Chúa Cha cũng yêu quý người Con Một của Ngài là Đức Giêsu,

và đã trao ban người Con ấy cho thế gian.

Cha trao ban Con khi sai Con vào đời mang thân phận xác phàm (Ga 1, 14).

Cha còn trao ban Con cho thế gian qua cái chết của Con trên thập giá.

Nơi máng cỏ Bêlem hay nơi đồi Sọ,

ta thấy Cha đưa hai tay ra để trao món quà tình yêu quý giá nhất cho loài người.

Và Cha chờ con người đáp lại bằng cách đưa hai tay đón nhận.

Con người vẫn có tự do để đón nhận hay từ chối món quà ấy

qua việc tin hay không tin Đức Giêsu.

Đứng trước Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa,

là đứng trước một chọn lựa nghiêm chỉnh có liên quan đến vận mệnh con người.

Ai tin vào Ngài thì có ánh sáng, ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu (cc. 16.17.19).

Tiếc thay có kẻ ghét ánh sáng và thích bóng tối hơn ánh sáng.

Hãy từ bỏ những việc làm tối tăm, dối trá, xấu xa,

bạn sẽ dễ dàng đến cùng ánh sáng Giêsu.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,

còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.

Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối

nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,

con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.

Con an tâm ở lại trong bóng mờ,

vì thấy đó chưa phải là một tội.

Nhưng con cũng áy náy

vì biết rằng bóng mờ là nơi

ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.

Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,

vì con vẫn muốn giữ lại

một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc

để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.

Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con

để con được thuộc trọn về Chúa.

Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,

để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.

Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng

vào những bóng mờ trong đời con.

Và ước gì con được trở nên trong suốt

nhờ để ánh sáng Chúa

tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM:

Chúng ta được mời gọi đọc Lời Chúa được nói cho chúng ta trong phần Cựu Ước của Kinh Thánh, kể về lịch sử cứu độ, để hiểu và cảm nếm sự tương hợp với Đức Ki-tô, nghĩa là lịch sử cứu độ loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất lịch sử cứu độ. 
Và những lời của Người trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay sẽ dẫn chúng ta vào tâm điểm của sự tương hợp, bởi vì không ai giúp chúng ta hiểu và cảm nếm sự tương hợp hơn là chính Người.

1. Tình yêu Thiên Chúa

Sự sống là một ơn, nhưng cũng đầy thử thách thuộc về thân phận và số phận con người. Thử thách lớn đến độ, tương quan với Thiên Chúa trở nên không dễ dàng, và như chúng ta đã có thể nhận ra khi đọc các bản văn Cựu Ước. Con người bị sự dữ chi phối ở ngay trong nội tâm, vốn là nguồn của mọi hành động: thay vì tín thác nơi tình thương và kế hoạch truyền thông sự sống viên mãn của Thiên Chúa, thì con người nghi ngờ Thiên Chúa. Trình thuật Tội Nguyên Tổ và kinh nghiệm của Dân Chúa trong sa mạc mặc khải cho chúng ta sự thật này, một sự thật có ở nơi mọi người trong mọi thời.
Chính vì thế, Thiên Chúa ban Con Một của Ngài cho chúng ta, để thay đổi, để điều chỉnh hình ảnh lệch lạc con người chúng ta có về Thiên Chúa: nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa muốn bày tỏ tình yêu đến cùng của Ngài cho con người. Và tình yêu đến cùng được ban một cách thật quảng đại và nhưng không: chúng ta được mời gọi tin vào Đức Ki-tô, Con của Người, để có thể sống sự sống của Thiên Chúa, không chỉ ở đời sau, mà ngay hôm nay, với ân huệ Thánh Thần, làm cho chúng ta được tái sinh, sống bằng sự hiện diện, sức mạnh, sức sống mới của Đức Ki-tô phục sinh.
Tại sao Thiên Chúa lại hành động như thế, lại yêu con người đến thế? Đơn giản là vì Ngài sinh ra nhân loại. Giống như cha mẹ sinh con, con nó nên người thì vui, nó hư đốn thì buồn, nhưng luôn luôn yêu con, dù nó như thế nào. Vì thế Lời này của Đức Giêsu thật dịu dàng như lời của người Mẹ Hiền, an ủi vỗ về chúng ta, và nhất là làm cho chúng ta có can đảm trở về với Thiên Chúa. Có thể nói, đây là một trong những lời của Đức Giêsu, nói cho chúng ta rõ nhất về khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, về con tim của Thiên Chúa, về cõi lòng của Thiên Chúa:

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời.(c. 16)

2. Lòng tin

Cuộc Thương Khó của Đức Kitô mà chúng ta đã tưởng niệm cách trọng thể vào Tuần Thánh, bí tích rửa tội, bí tích hòa giải và nhất là bí tích Thánh Thể, tỏ bày cho chúng ta tình yêu cho đi chính Con Một, chính bản thân mình của Thiên Chúa. Vấn đế là chúng ta có chịu tin hay không?
Tin có nghĩa đón nhận, đón nhận tình yêu Thiên Chúa, đón nhận Đức Giêsu Con Thiên Chúa vào cuộc đời mình với những may rủi, với những thuận lợi cũng như khó khăn, với những biến cố vui buồn, những thành công và thất bại; tin vào Con Thiên Chúa, là đón nhận ánh sáng của Ngài vào ơn gọi của mình, ơn gọi hôn nhân hay tu trì, vào hướng đi của mình, vào cách sống của mình; tin vào Con Thiên Chúa là để cho Lời của Ngài hướng dẫn những lựa chọn lớn trong cuộc đời của chúng ta, cũng như những lựa chọn nho nhỏ hằng ngày. 
Tin vào Con Thiên Chúa như thế, chúng ta sẽ sống sung mãn, sống bình an, sống hạnh phúc thực sự, không phải ở đời sau, nhưng ngay hôm nay.

3. “Không bị lên án”

Vì thế, chúng ta cần ghi lòng tạc dạ lời này của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian…”; chúng ta đừng bao giờ nghi hoặc, hay đừng để cho bất cứ ai hay lời nói hoặc lời dạy nào làm cho chúng ta nghi hoặc tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, bày tỏ ra cho chúng ta nơi Đức Kitô, và nhất là Đức Kitô chịu đóng đinh.
Khi chúng ta nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, đó là lúc chúng ta bị rắn độc cắn. Bị rắn độc cắn, thì đương nhiên là chết, không cần phải ai bắt mình ra xét xử, lên án và thi hành án phạt. Như chính Đức Giêsu nói:
“Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”.
(c. 17-18)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

thiên chúa, thế gian

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận