Thứ Hai tuần 8 thuòng niên.

Đăng lúc: Thứ hai - 28/05/2018 02:36 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Hai tuần 8 thuòng niên.

"Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".

 

Lời Chúa: Mc 10, 17-27

Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ". Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao". Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa".

Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".

 

 

 

Suy Niệm 1: Khôn ngoan đích thực

Trong truyền thống Kinh Thánh, Vua Salômôn vẫn được coi như mẫu người biết sống khôn ngoan, bởi vì nhà vua hiểu rằng ai có được khôn ngoan là chiếm hữu được bí mật, là chiếm hữu được ý nghĩa cuộc sống, và đó mới là kho tàng quý báu nhất. Người khôn ngoan như thế là người biết đặt vấn đề về ý nghĩa của đời mình, bởi vì có nhiều tiền bạc, danh vọng, quyền bính để làm gì, nếu sống mà không có lý tưởng và mục đích tuyệt đối để đeo đuổi, và bởi vì chỉ có cái đức mới theo con người sau cái chết và thực sự lợi ích cho con người.

Ðây cũng là ý nghĩa của trình thuật kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thanh niên giàu có, như được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trong truyền thống Do Thái, của cải giàu sang là bằng chứng sự hiện diện và chúc lành của Thiên Chúa, còn nghèo khổ là dấu chỉ xa cách Thiên Chúa và bị Ngài chúc dữ. Chúa Giêsu sửa sai quan niệm duy vật đó của người Do Thái, bằng cách đảo lộn bậc thang giá trị của tâm thức trần gian. Thánh Matthêu và Luca trình bày điều đó qua Hiến Chương Tám Mối Phúc Thật, còn thánh Marcô thì lồng khung nó trong con đường của Chúa Giêsu tiến về thập giá và Núi Sọ, trên con đường ấy thái độ sống đúng đắn nhất, đó là tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa và Lời Ngài.

Qua cuộc đối thoại với người thanh niên giàu có, Chúa Giêsu cho thấy việc tuân giữ lề luật mà thôi không bảo đảm cho ơn cứu rỗi của con người. Muốn được cứu rỗi, phải chia sẻ của cải cho người nghèo khó để được phần trên trời và bước theo Chúa Giêsu. Nói khác đi, đối với Chúa Giêsu, việc tuân giữ luật lệ không đủ để được ơn cứu rỗi; muốn được ơn cứu rỗi, cần phải sống tin yêu, phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, nghĩa là có được kho tàng trên trời, và yêu thương tha nhân bằng cách cho đi những gì mình có, dù đó là của cải vật chất hay tinh thần.

Chúa Giêsu không dạy chúng ta khinh thường của cải trần gian, nhưng Ngài chỉ khuyến cáo chúng ta rằng của cải trần gian có thể là một chướng ngại trầm trọng cho ơn cứu rỗi. Khi nó không được dùng để phục vụ tha nhân, thì của cải có thể trở thành dụng cụ của ích kỷ, nguồn gốc của bất chính hoặc phô trương lừa gạt. Của cải có thể trở thành sự dữ, khi nó khép kín con tim và tâm trí chúng ta trong ngục tù của ích kỷ và hưởng thụ, khi nó ngăn cản chúng ta sống yêu thương và quảng đại, khi nó không cho chúng ta sống hoàn toàn tự do khỏi mọi tù ngục trói buộc con người.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu: hãy bán của cải, chia cho người nghèo, rồi đi theo Ngài, là một lời mời gọi cách mạng, có sức biến đổi tấm lòng và cuộc đời cũng như có sức biến đổi thế giới. Theo Chúa Giêsu là có can đảm từ bỏ tất cả: từ bỏ tội lỗi, từ bỏ kiểu cách sống trái với Tin Mừng yêu thương, từ bỏ tâm thức hẹp hòi ích kỷ, từ bỏ những người thân thương và từ bỏ chính mạng sống của mình nữa. Nhưng tất cả những từ bỏ ấy chỉ có ý nghĩa khi chúng ta chọn Chúa Giêsu và tiến bước theo Ngài. Và đó chính là sự khôn ngoan đích thực của chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Đặt câu hỏi không đúng

Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm phần gia nghiệp?”

Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu một điều, là hãy đi bán hết những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc. 10, 17. 21)

Người giầu có này đặt cho Chúa một câu hỏi kiểu người có óc kinh doanh: “Thưa Thầy, tôi phải đặt gía nào để được thừa hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa Giêsu trả lời anh rằng Người không có tiền mặt trao đổi cho một vụ giao dịch như thế, và anh chàng “buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” đã hoàn toàn mất giá trong một cuộc trao đổi thuộc loại như thế. Cũng như thể ta đem bánh trao đổi với chủ lò bánh để mua nhà của ông ta vậy. Bánh không thể đổi lấy cái nhà tuy là vật sở hữu nhưng đã tham dự vào cuộc sống của chủ lò bánh. Sự sống đời đời không phải để bán. Chẳng thể dùng tiền mà mua được sự sống ấy; trái lại phải rũ bỏ hết mọi khế sở hữu của mình. Nếu lòng ta để hết cả vào cái sở hữu của ta, thì sự sống đời đời dù là đẹp đẽ đến đâu, cũng sẽ trở nên lê thê, buồn chán, bởi lẽ những khát vọng của ta sẽ chẳng được thỏa mãn. Xem ra ý nghĩa của câu truyện là như vậy.

Bạn để lòng ở đâu, thì ở đó có nguồn vui

Khi nói ta không thể dùng những việc lành, việc thực hành các giới răn mà mua được Sự Sống, thì hoàn toàn không có ý khinh chê những hành động này và nếu vì nghèo đói mà ta chỉ mải mê lo cho cuộc sống vật chất này thì thật bất hạnh! Một việc thiện vẫn là một việc thiện cho dù nó không đáng hưởng một Sự Sống mà không gì xứng đáng. Việc tuân thủ luật pháp vẫn là cần thiết để sinh hoạt của con người được trôi chảy, mặc dầu việc tuân thủ kia không thể cho quyền (theo luật) được hưởng Sự Sống đời đời.

Rất nhiều khi chúng ta thường trình bày Chúa Giêsu như một nhà cách mạng đả kích trật tự xã hội, đang khi Người lại làm hết sức mình để ta phải nhận rằng thái độ trên đây không phải là sứ mệnh của Người. Có những giá trị nhân loại, dầu sao vẫn là những giá trị lớn như công bình, ý thức chia sẻ, dù rằng nó không có một giá trị đời đời. Người tín hữu sẽ tự bôi lọ mình khi không quan tâm đến những giá trị trên đây, viện lẽ rằng mình chỉ phải lo cho những gíá trị đời đời. Dầu sao, trong chính bản thân ta, chúng ta có những cái phải quan tâm để đưa tới mức hoàn thiện. Chúng ta đã chẳng có Mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Giêsu để dạy ta làm người hoàn toàn và tuyệt vời sao. Uy thác hoàn toàn cho Chúa sứ mệnh sửa lại một nhân loại đã suy đồi, thiết tưởng là làm hại cho công trình sáng tạo vậy.

Nếu chúng ta được Chúa mời gọi bán hết của cải mà cho người nghèo để đi theo Chúa Giêsu, chính là để ta chọn một con đường mà những của cải này, dù tốt và cần đến đâu để ta sống ở trần gian, thì đều không cần thiết ở nơi ấy, nơi “trời mới đất mới.”

 

Suy Niệm 3: KHÔN NGOAN VÀ KHÔN DẠI! (Mc 10,17-27)

Trong một dịp nói chuyện với các tu sĩ, một linh mục lớn tuổi được đề nghị chia sẻ về kinh nghiệm cầu nguyện của chính ngài. Lúc đầu ngài không muốn vì e rằng rơi vào tình trạng khoe khoang, nhưng sau khi mọi người thuyết phục trong tinh thần đạo đức, ngài đã nhận lời. Ngài chia sẻ rất nhiều ý tưởng, nhưng điều đáng chú ý nhất, ngoài lời cầu nguyện cho mọi người, ngài dâng lời cầu nguyện cho chính mình. Ngài nói: “Tôi thường xin Chúa cho tôi được ơn khôn ngoan, yêu mến Lời Chúa, can đảm đón nhận đau khổ, trung thành với ơn gọi và được chết lành đang lúc có ơn nghĩa với Chúa”.

Thật vậy, người khôn ngoan theo lối hiểu của Kinh Thánh chính là khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời, biết đặt cuộc đời mình trong thánh ý của Thiên Chúa chứ không phải tiền bạc, danh vọng và lợi thú... Biết tìm đến với kho tàng vĩnh cửu, chứ không bám víu và phụ thuộc vào những thứ mau qua, chóng hết ở đời.

Hôm nay, có một chàng thanh niên tốt lành đến để gặp Đức Giêsu nhằm xin Ngài chỉ cho con đường dẫn đến hạnh phúc. Thấy thế, Đức Giêsu đã đem lòng yêu mến và mời gọi anh đi theo mình trên con đường mà chính Ngài đang đi. Tuy nhiên, khi buộc phải để lại mọi sự cho người nghèo thì anh đã không dám và từ từ rút lui!

Như vậy, ơn cứu độ đã đến được với anh thanh niên này, nhưng anh đã để mất bởi sự tham lam, ích kỷ của mình. Anh ta đã coi tiền bạc, của cải là số một trong cuộc đời của anh, nên chính Chúa cũng không còn chỗ đứng nơi tâm hồn người thanh niên đáng thương này thì làm sao ơn cứu độ có thể đến được!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt bậc thang giá trị, và biết lựa chọn đúng để được hạnh phúc đời đời. Hãy cẩn trọng với vấn đề tiền bạc vì tiền bạc có thể sẽ là rào cản lớn chắn đường về trời nếu nó trở thành ông chủ.

Nếu bao lâu chúng ta vẫn còn chạy đua với đồng tiền, bất chấp mọi thủ đoạn để chiếm lĩnh, hay sống ích kỷ, dửng dưng với người nghèo khổ, thì bấy lâu lời mời gọi đánh đổi kho báu Nước Trời sẽ là lời mời gọi xa lạ với chúng ta.

Như thế, lẽ đương nhiên, chúng ta đánh mất kho tàng đích thực và trở thành người dại trước mặt Thiên Chúa vì: “Lợi lãi cả thế giới mà mất linh hồn thì còn ích gì?”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa, vâng nghe và thực hành Lời Chúa, bởi Chúa chính là nguồn mạch khôn ngoan. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Tôi phải làm gì?

Suy niệm:

“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”

Một anh thanh niên vội vã chạy đến, quỳ trước mặt Đức Giêsu

và hỏi Ngài như thế khi Ngài vừa lên đường.

Rõ ràng anh đang háo hức và thao thức

tìm kiếm một lối sống phù hợp ở đời này,

để nhờ đó được hưởng hạnh phúc vững bền mãi mãi.

Anh đã đến với Thầy Giêsu tốt lành để hỏi câu hỏi này,

và anh thực sự chờ nơi Thầy câu trả lời.

Thầy nhắc anh về những giới răn liên quan đến tha nhân.

Đây là những điều anh đã biết, và hơn nữa,

anh thú nhận mình đã giữ chúng từ khi còn nhỏ (c. 20).

Thầy Giêsu như bị cuốn hút bởi con người đạo đức của anh.

Đưa mắt nhìn anh, Thầy đem lòng yêu mến (c. 21).

Đúng là anh đã không làm hại gì đến tha nhân.

Nhưng anh còn thiếu một điều quan trọng, đó là:

Đi. Bán những gì mình có. Cho người nghèo.

Rồi đến. Và theo Thầy Giêsu.

Thầy mời anh đi một vòng, rồi trở lại.

Lúc trở lại với Thầy, anh sẽ nhẹ hơn nhiều,

vì mọi của cải đã được phân phát cho người nghèo khó.

Thầy Giêsu muốn anh trở nên môn đệ của mình,

sau khi đã trở nên tay trắng, không còn gì để nương tựa.

Anh thanh niên sẽ có kho tàng trên trời,

khi anh được giải phóng khỏi kho tàng của anh dưới đất.

Tiếc thay anh đã từ chối lời mời của vị Thầy có lòng mến anh,

và đã chỉ cho anh điều phải làm.

Lúc nãy anh chạy đến với Thầy, bây giờ anh lại bỏ đi (c. 22).

Lúc nãy anh háo hức, vui tươi, bây giờ anh sa sầm nét mặt.

Anh không ngờ Thầy lại đòi hỏi tận căn đến thế.

Anh mong sự sống vĩnh cửu, anh thích làm môn đệ Thầy Giêsu,

nhưng anh lại không muốn bỏ chỗ dựa là của cải đời này.

Lòng gắn bó với của cải đã là một trở ngại khiến anh mất tự do.

Không phải vì anh chiếm hữu nhiều của cải,

nhưng thực ra, vì của cải đã chiếm hữu anh.

Thầy Giêsu chắc còn buồn hơn anh thanh niên,

vì Thầy bị mất một người mà Thầy ưng gọi làm môn đệ.

Đến bao giờ anh thanh niên mới nguôi ngoai nỗi buồn?

Lời mời của Thầy tốt lành vẫn đeo đuổi tâm trí anh.

Anh vẫn suốt đời thiếu một điều.

Khi về nhà, khi tiếp xúc với của cải dư dật,

có khi nào anh lại thao thức đặt câu hỏi :

Tôi phải làm gì để được thừa hưởng sự sống đời đời?

Có khi nào anh nghĩ đến chuyện chia sẻ cho người nghèo?

Có khi nào anh lại muốn đến với Thầy Giêsu?

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM:

Phần đầu của bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay có cấu trúc song song đối xứng như sau:

(A) Người thanh niên đến với Đức Giê-su và nêu câu hỏi (c.17)

(B) Lời của Đức Giê-su về Thiên Chúa nhân lành (c. 18)

(C) Các giới răn (c. 19-20)

(B’) Lời mời gọi đi theo Ngài (c. 21)

(A’) Nghe câu trả lời, anh bỏ đi, buồn rầu (c. 22)

Phần trung tâm (C): biết và giữ các giới răn vẫn chưa đủ, nhất là khi biết và giữ mà không có Thần Khí, không có kinh nghiệm sâu đậm về tình yêu Thiên Chúa, nghĩa là không biết vì ai, nhờ ai và cho ai?
Các phần bao quanh (A tương ứng với A’ và B tương ứng với B’): Đức Giê-su là Đường, Sự Thật và Sự Sống giúp chúng ta hoàn tất Lề Luật theo Thần Khí (x. Mt 5, 17-48).

2. Sự sống đời đời

a. Người thanh niên đạo hạnh

Chúng ta hãy nhìn ngắm một người, có lẽ còn trẻ (x. Mt 19, 20), đến với Đức Giê-su và tỏ bày lòng thao thức sự sống đời đời. Chúng ta có thể trách cứ, xếp loại, thậm chí lên án anh quá gắn bó với tiền của đến độ từ chối lời mời gọi đi theo Đức Giêsu, nhưng trước hết, chúng ta cần thán phục anh và nhất là, cùng với Đức Giê-su, nhìn anh với lòng thương cảm: “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”.

Anh là người có nhiều của cải (nếu anh còn trẻ, thì đó có thể là gia tài cha mẹ để lại cho anh), và vì thế, có thể yên tâm hưởng thụ. Nhưng không, anh giầu có, nhưng lại thao thức về sự sống đời đời. Và anh không chỉ thao thức trong lòng, nhưng còn diễn tả ra bên ngoài ngang qua việc đích thân đi tìm gặp Đức Giê-su. Cuộc gặp gỡ này giả thiết anh đã có cả một thời gian tìm kiếm và tìm hiểu trước đó. Ngoài ra, anh sống rất đạo hạnh, phù hợp với thao thức về sự sống đời đời của mình: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó (nghĩa là những điều răn) tôi đã tuân giữ từ thủa nhỏ”.

Đức Giê-su sẽ giúp anh làm rõ và cụ thể hóa khát khao “sự sống đời đời” của anh, đồng thời làm bật ra sự quyến luyến của con tim với những phương tiện chóng qua, làm cản trở anh sống lòng khao khát của mình.

b. Thiên Chúa nhân lành

Thật vậy, Đức Giê-su dùng chính danh xưng mà người thanh niên gọi Ngài: “Thầy nhân lành” để hướng anh tới chính Thiên Chúa nhân lành: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”. Với câu nói này, Đức Giê-su vừa cho thấy sự khiêm tốn của Ngài, không tự nhận mình là nhân lành, nhưng qui về Thiên Chúa nhân lành, là Cha của Người, vừa thông truyền cho anh con đường để đạt tới sống đời đời. Câu trả lời của Đức Giê-su cho thấy vấn đề thiêng liêng của người thanh niên:

(1) Từ nhỏ, anh đã chu toàn mọi lề luật trong tương quan với người khác: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” Nhưng đâu là sự thật về tương quan của anh với Thiên Chúa?

(2) Sự sống đời đời, không phải là lương bổng Thiên Chúa phải trả cho những người giữ luật hay tự ý giữ nhiều hơn cả những gì luật đòi hỏi, như anh đã nghĩ: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Sự sống đời đời là chính sự sống của Thiên Chúa, được trao ban một cách nhưng không, nhờ Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, cho những ai có lòng khao khát và sống theo khao khát này, trong đó có việc giữ luật.

(3) Chính tương quan ân huệ và tình yêu với Thiên Chúa mới làm cho anh “hoàn tất” lề luật một cách đích thực, khởi đi từ con tim yêu mến và biết ơn Thiên Chúa, đồng thời giúp cho anh có tương quan đúng với những điều mà luật không nói tới hay không thể đụng tới, đó là những quyến luyến của con tim với những gì không phải là Thiên Chúa, hay với những gì không hướng tới Thiên Chúa.

2. Lời mời gọi của Đức Giê-su

Đức Giê-su thấu suốt cõi lòng anh, thương mến anh, nên mời gọi một cách triệt để, nhằm làm bật ra vấn đề có nơi con tim của anh và chữa lành: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Người thanh niên từ chối lời mời gọi của Đức Giê-su, điều này chứng tỏ rằng, dù anh giữ hết các giới răn và khao khát sự sống đời đời, sự gắn bó của lòng anh với của cải vẫn mạnh hơn nỗ lực thực hiện lòng khao khát này.

Lời mời gọi của Đức Giê-su đích thân dành cho riêng anh, chứ không phải là lời mời gọi phổ quát dành cho hết mọi người, để giúp anh làm rõ tương quan của anh với Thiên Chúa và với của cải. Nhưng những vấn đề mà lời này làm bật ra đụng chạm đến hết mọi người chúng ta: chúng ta có thực sự nhận Thiên Chúa làm cứu cánh cuộc đời không, hay là điều gì khác?

Qua lời mời gọi đi theo Ngài với lòng yêu mến, Đức Giê-su không chỉ thông truyền cho anh con đường để đi vào (thay vì sở hữu) sự sống đời đời, nhưng còn mặc khải cho anh rằng, chính Ngài là đường đi. Nói theo ngôn ngữ Linh Thao của thánh I-nhã, “ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình” (LT 23), đó là hiểu biết, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô.

Đi theo Đức Ki-tô, chúng ta sẽ nhận ra tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đích thân dành cho từng người chúng ta như thế nào nơi ngôi vị và mầu nhiệm Thập Giá của Người; bởi vì Ngài chính là hiện thân của sự sống đời đời, là hình ảnh của Thiên Chúa nhân lành, điều mà người thanh niên khao khát.

Với kinh nghiệm tình yêu đến cùng của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô và chỉ với kinh nghiệm này, chúng ta mới có thể yêu mến Thiên Chúa hết sức và trên hết mọi sự, và có thể thân thưa với Người, trong tâm tình cảm mến và tín thác: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại cho Chúa tất cả (LT 234).

* * *

Như người thanh niên trong bài Tin Mừng, chúng ta cũng có mối lo về “của cải”, tượng trưng cho tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, không thuộc về Thiên Chúa, không hướng chúng ta về Thiên Chúa, không giúp chúng ta yêu mến Chúa hơn. Nhưng khi sống như thế, chúng ta có loại trừ Người ra khỏi cuộc sống của chúng ta được không?

– Khi mà mọi sự sẽ qua đi, và chỉ có Ngài là cùng đích và là điểm tới, là vĩnh hằng.

– Khi mà Ngài bao bọc chúng ta cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài đặt trên chúng ta, bằng ân huệ sự sống mỗi ngày (x. Tv 139).

– Khi mà chúng ta sống không nguyên bởi cái thú thỏa mãn mọi nhu cầu, cho dù cần thiết đến mức nào, nhưng nhất là còn sống bằng tương quan nhưng không, yêu thương, tha thứ, đón nhận, bao dung, cảm thông, biết ơn… được tác tạo và duy trì bởi và chỉ bởi Lời và Ngôi vị của Chúa mà thôi.

– Khi mà, những thử thách của cuộc đời, là điều không thể tránh được, sẽ buộc chúng ta phải đặt ra những câu hỏi tận căn: Tôi đang tìm gì hay đang tìm ai? Tôi sống cho bản thân, cho cái gì hay cho ai đó? Tôi sẽ phải chết, vậy đâu là lối đi và ý nghĩa đời tôi? Tôi sống theo ơn gọi hay theo thị hiếu, trào lưu?

– Khi mà sẽ đến lúc, lúc này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, phải buông xuôi tất cả, như thánh Phao-lô nói: “thời gian chẳng còn bao lâu nữa… bộ mặt thế giới này đang qua đi” (1Cr 7, 29.31)

Vậy, đâu là những mối lo của chúng ta trong thời điểm này ? Chúng ta có sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mối lo không ? Chúng ta có những mối lo về những điều nhân bản hơn, cao quí hơn và “thiêng liêng” hơn không? “Thiêng liêng” có nghĩa là trọn vẹn con người của tôi sống hay ước ao sống tương quan với Chúa trong mọi sự và ở mọi nơi mọi lúc ? Và nhất là, ngang qua những mối lo không thể tránh được của chúng ta, chúng ta tìm gì ? Đức Ki-tô hỏi từng người trong chúng ta vào thời điểm quan trọng này của thời gian : « Con tìm gì ?»

3. “Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”

Sau khi người thanh niên giàu có khước từ lời mời gọi đem bán tài sản mình có, phân phát cho người nghèo và đi theo Đức Giê-su, Người nói:

Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!… Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim[1] còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”(c. 24-25)

Câu nói này của Đức Giê-su dường như chỉ liên quan đến “những người giàu có”, chứ không liên quan đến các môn đệ, và cũng không liên quan đến nhiều người trong chúng ta, vốn không phải là “những người giàu có”. Thế nhưng tại sao các môn đệ lại vô cùng sửng sốt và kêu lên: “Thế thì ai có thể được cứu?”

Bởi vì, lời của Đức Giê-su không xét đoán của cải, vì của cải tự nó không phải là điều xấu hay sự dữ, nhưng liên quan đến tương quan gắn bó của con tim đối với của cải, mà “những người giàu có” rất dễ mắc phải. Nhưng vì vấn đề là tương quan với của cải, chứ không phải của cải, nên lời của Đức Giê-su liên quan tất cả mọi người: người có của, người có ít của, và kể cả người không có của. Người thanh niên, tuy đã giữ tất cả Lề Luật từ nhỏ và giữ một cách hoàn hảo, nhưng lòng anh lại gắn bó mật thiết với điều anh có, vốn là đối tượng mà Lề Luật không thể đụng chạm tới được. Bằng lời mời gọi thật triệt để dành cho anh cách đích danh, Đức Giê-su cảm thương anh (x. Mc 10, 21) và muốn giải thoát anh khỏi sự quyến luyến lệch lạc làm cho anh không bình an, mặc dầu đã tuân giữ các giới răn, và hướng lòng anh tới “kho tảng trên trời”.

Các môn đệ, dường như hiểu ra được vấn đề là sự gắn bó của con tim đối với của cải, vốn liên quan đến mọi người, nên đã thốt lên: “Thế thì ai có thể được cứu?” Và Đức Giê-su đã xác chuẩn cách hiểu này và hướng lòng các môn đệ tới sức lôi cuốn mạnh mẽ của chính Thiên Chúa, được thể hiện nơi ngôi vị của Đức Ki-tô (x. Pl 3, 7-6), khiến chúng ta có khả năng tự do với những điều chúng ta có, và thậm chí với chính sự sống của chúng ta. Thật vậy, Người nói:

Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được. (c. 27)

Điều này có nghĩa là, Thiên Chúa có khả năng làm cho “con lạc đà chui qua lỗ kim” được! Đó là điều Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ, đã và đang thực hiện cho các môn đệ của Đức Giê-su thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay.

[1] “Lỗ kim” có lẽ là một cái lỗ nhỏ ở cổng thành mà người ta có thể chui qua.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày Song ngữ

 

Monday (May 28): “Give – and you will have treasure in heaven”

 

Scripture: Mark 10:17-27

17 And as he was setting out on his journey, a man ran up and knelt before him, and asked him, “Good Teacher, what must I do to inherit eternal life?” 18 And Jesus said to him, “Why do you call me good? No one is good but God alone. 19 You know the commandments: `Do not kill, Do not commit adultery, Do not steal, Do not bear false witness, Do not defraud, Honor your father and mother.'” 20 And he said to him, “Teacher, all these I have observed from my youth.” 21 And Jesus looking upon him loved him, and said to him, “You lack one thing; go, sell what you have, and give to the poor, and you will have treasure in heaven; and come, follow me.” 22 At that saying his countenance fell, and he went away sorrowful; for he had great possessions. 23 And Jesus looked around and said to his disciples, “How hard it will be for those who have riches to enter the kingdom of God!” 24 And the disciples were amazed at his words. But Jesus said to them again, “Children, how hard it is to enter the kingdom of God! 25 It is easier for a camel to go through the eye of a needle than for a rich man to enter the kingdom of God.” 26 And they were exceedingly astonished, and said to him, “Then who can be saved?” 27 Jesus looked at them and said, “With men it is impossible, but not with God; for all things are possible with God.” 

Thứ Hai    28-5          Hãy cho đi và anh em sẽ có kho báu trên trời

 

Mc 10,17-27

17 Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? “18 Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.”20 Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! “24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!25Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu? “27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

 

Meditation: What gives hope and satisfaction to our desire for happiness and security? A young man who had the best the world could offer – wealth and security – came to Jesus because he lacked one thing. He wanted the kind of lasting peace and happiness which money could not buy him. The answer he got, however, was not what he was looking for. He protested that he kept all the commandments – but Jesus spoke to the trouble in his heart. One thing kept him from giving himself wholeheartedly to God. While he lacked nothing in material goods, he was nonetheless possessive of what he had. He placed his hope and security in what he possessed. So when Jesus challenged him to make God his one true possession and treasure, he became sad. 

 

Misplaced hope and treasure

Why did he go away from Jesus with great sorrow and sadness rather than with joy? His treasure and his hope for happiness were misplaced. Jesus challenged the young man because his heart was possessive. He was afraid to give to others for fear that he would lose what he had gained. He sought happiness and security in what he possessed rather than in who he could love and serve and give himself in undivided devotion.

The greatest joy possible

Why does Jesus tell his disciples to “sell all” for the treasure of his kingdom? Treasure has a special connection to the heart, the place of desire and longing, the place of will and focus. The thing we most set our heart on is our highest treasure. The Lord himself is the greatest treasure we can have. Giving up everything else to have the Lord as our treasure is not sorrowful, but the greatest joy. [See Jesus’ parable about the treasure hidden in a field in Matthew 13:44.] Selling all that we have could mean many different things – letting go of attachments, friendships, influences, jobs, entertainments, styles of life – really anything that might stand in the way of our loving God first and foremost in our lives and giving him the best we can with our time, resources, gifts, and service.

The priceless treasure of God’s kingdom

Those who are generous towards God and towards their neighbour find that they cannot outmatch God in his generosity towards us. God blesses us with the priceless treasures of his kingdom – freedom from fear and the gripping power of sin, selfishness and pride which block his love and grace in our lives; freedom from loneliness, isolation and rejection which keep his children from living together in love, peace, and unity; and freedom from hopelessness, despair, and disillusionment which blind our vision of God’s power to heal every hurt, bind every wound, and remove every blemish which mar the image of God within us. God offers us treasure which money cannot buy. He alone can truly satisfy the deepest longing and desires of our heart. Are you willing to part with anything that might keep you from seeking true joy with Jesus?

Why does Jesus issue such a strong warning to the rich (as well as to the rest of us who desire to be rich)? Was he really against wealth? We know that Jesus was not opposed to wealth per se, nor was he opposed to the wealthy. He had many friends who were well-to-do, including some notorious tax collectors! One even became an apostle! Jesus’ warning reiterated the teaching of the Old Testament wisdom: Better is a poor man who walks in his integrity than a rich man who is perverse in his ways (Proverbs 28:6; see also Psalm 37:16). Do not wear yourself out to get rich; be wise enough to desist (Proverbs 23:4).

Where do we find true security?

Jesus seems to say that it is nearly impossible for the rich to live as citizens of God’s kingdom. The camel was regarded as the largest animal in Palestine. The “eye of the needle” could be interpreted quite literally or it could figuratively describe the narrow and low gate of the city walls which was used by travellers when the larger public gate was locked after dark. A normal sized man had to “lower” himself to enter that gate. A camel would literally have to kneel and crawl through it. 

Why is Jesus so cautious about wealth?  Wealth can make us falsely independent. The church at Laodicea was warned about their attitude towards wealth and a false sense of security: “For you say, I am rich, I have prospered, and I need nothing” (Revelation 3:17). Wealth can also lead us into hurtful desires and selfishness (see 1 Timothy 6:9-10). Look at the lesson Jesus gave about the rich man and his sons who refused to aid the poor man Lazarus (see Luke 16:19ff). They also neglected to serve God. 

We lose what we keep – we gain what we give away

The Scriptures give us a paradox: we lose what we keep and we gain what we give away. Generosity will be amply repaid, both in this life and in eternity (Proverbs 3:9-10, Luke 6:38). Jesus offers us an incomparable treasure which no money can buy and no thief can steal. The thing we most set our heart on is our highest treasure. Material wealth will shackle us to this earth unless we guard our hearts and set our treasure on God and his everlasting kingdom. Where is your treasure?

“Lord Jesus, you have captured our hearts and opened to us the treasures of heaven. May you always be my treasure and delight and may nothing else keep me from giving you my all.”

 

Suy niệm:  Điều gì đem lại hy vọng và thoả mãn cho sự khao khát về hạnh phúc và bảo đảm của chúng ta? Một thanh niên có đầy đủ những gì mà thế gian đề cử – sự giàu sang và bảo đảm – đến với Đức Giêsu bởi vì anh ta thiếu một điều. Anh ta muốn thứ bình an và hạnh phúc vĩnh cửu mà tiền bạc không thể mua được. Tuy nhiên, câu trả lời mà anh có không phải là điều anh đang tìm kiếm. Anh quả quyết rằng anh đã giữ tất cả các giới răn; nhưng Đức Giêsu nói tới vấn đề trong lòng anh. Một điều ngăn cản anh không dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa. Mặc dù anh có đầy đủ về mặt vật chất, tuy nhiên, anh khăng khăng muốn giữ lấy những gì mình có. Do đó, khi Đức Giêsu thách đố anh lấy Thiên Chúa làm gia sản và kho báu thật sự của mình, anh trở nên nhát đảm.

 

 

Hy vọng và kho báu không đúng chỗ

 

Tại sao anh ta rời bỏ Đức Giêsu với nỗi buồn hơn là niềm vui? Kho báu và niềm hy vọng của anh về hạnh phúc đã đặt không đúng chỗ. Đức Giêsu thách đố anh bởi vì tâm hồn anh gắn chặt với của cải. Anh e sợ rằng khi ban phát cho người khác anh sẽ mất hết những gì anh có. Anh ta tìm kiếm sự hạnh phúc và sự bảo đảm trong những gì anh có hơn là trong những người anh có thể yêu thương và phục vụ, và hiến mình trong sự dâng hiến trọn vẹn.

 

Niềm vui lớn nhất có thể

Tại sao Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ “bán tất cả” để được kho báu nước Chúa? Kho báu có một mối liên kết đặc biệt với tâm hồn, nơi của mọi ước muốn, mọi ý định và chú tâm. Điều gì mà lòng trí chúng ta hướng về nhiều nhất, chính là kho báu cao quý nhất. Chính Thiên Chúa là kho báu lớn nhất chúng ta có thể có. Cho đi tất cả để có được Thiên Chúa là kho báu của mình không phải là một điều đau buồn, nhưng là niềm vui lớn nhất. (Xem dụ ngôn của Đức Giêsu về kho báu chôn trong ruộng – Mt 13,44). Bán tất cả những gì chúng ta có, có thể ám chỉ đến nhiều thứ khác – dứt bỏ những dính bén, những mối quan hệ bạn hữu, những thế lực, nghề nghiệp, vui chơi giải trí, những lối sống – thật sự có thể cản lối không cho chúng ta yêu thương Chúa trên hết và ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống chúng ta, và dâng cho Người những gì quý báu nhất chúng ta có thể có như thời giờ, của cải, ơn sủng, và sự phục vụ.

Kho báu vô giá của nước Chúa

Những ai quảng đại với Thiên Chúa và với tha nhân sẽ nhận thấy rằng họ không thể dâng hiến cho Thiên Chúa như Người đã quảng đại ban cho mình. Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta với những kho báu vô giá của nước Trời – sự giải thoát khỏi sợ hãi và quyền lực ghê gớm của tội lỗi, ích kỷ, và kiêu ngạo, ngăn cản tình yêu và ơn sủng của người trong đời sống chúng ta; giải thoát khỏi sự cô độc, cách ly, và sự loại trừ, ngăn cản con cái của Người không sống với nhau trong yêu thương, bình an, và hiệp nhất; và giải thoát khỏi sự tuyệt vọng, chán nản, và sự hủy diệt, làm chúng ta mù quáng trước quyền năng của Chúa, chữa Luyện ngụch mọi đau khổ, băng bó mọi vết thương, và cất đi mọi vết nhơ làm hư hoại hình ảnh của Chúa trong chúng ta. Thiên Chúa đề cử với chúng ta kho báu mà tiền bạc không thể mua được. Duy chỉ mình Người mới có thể thật sự làm thỏa mãn khát vọng sâu kín và những ước muốn của tâm hồn chúng ta. Bạn có sẵn sàng từ bỏ bất cứ điều gì có thể ngăn cản mình đi tìm niềm vui thật sự với Đức Giêsu không?

Tại sao Đức Giêsu đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ đối với người giàu có (cũng như với hầu hết chúng ta, những người ước muốn trở nên giàu có)? Chúa thật sự có chống lại sự giàu có không? Chúng ta biết rằng Đức Giêsu không chống lại sự giàu có tự bản chất, hay chống lại những người giàu có. Người có nhiều bạn hữu giàu có, kể cả một số người thu thuế có tiếng xấu xa! Thậm chí một người trong số họ trở nên tông đồ của Chúa! Lời cảnh cáo của Đức Giêsu lặp lại lời khôn ngoan trong sách Cựu ước: “Thà nghèo mà ăn ở vẹn toàn, còn hơn giàu mà ăn ở quanh co” (Cn 28,6; và Tv 37,16). “Chớ nhọc công thu tích của cải, và cũng đừng bận tâm tới nó” (Cn 23,4).

Chúng ta tìm sự an toàn thật sự ở đâu?

Xem ra Đức Giêsu muốn nói rằng những người giàu có dường như khó trở thành công dân nước Trời. Con lạc đà được xem là con vật lớn nhất ở nước Palestine. “Lỗ kim” có thể được giải thích hoàn toàn theo nghĩa đen, hay một cách ẩn dụ, nó có thể mô tả cái cổng thành chật hẹp và thấp mà những người lữ khách sử dụng khi cổng lớn đã đóng lúc trời tối. Một người có kích thước bình thường cũng phải “cúi mình” xuống khi đi qua cổng đó. Theo nghĩa đen, con lạc đà phải quỳ xuống và bò qua nó.

Tại sao Đức Giêsu quá thận trọng về sự giàu có? Sự giàu có có thể làm cho chúng ta độc lập một cách giả dối. Giáo hội ở Laodicea bị cảnh cáo về thái độ của họ đối với sự giàu có và ý nghĩa giả tạo của sự bảo đảm: “Ngươi nói, tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Kh 3,17). Sự giàu có cũng có thể dẫn chúng ta tới những ước muốn và sự ích kỷ tai hại (1Tm 6,9-10). Hãy xem bài học Đức Giêsu đưa ra về người giàu có và con cái ông đã từ chối giúp đỡ người nghèo Lagiarô thế nào (Lc 16,19). Họ cũng quên lãng việc phụng sự Chúa.

Chúng ta mất những gì giữ lại – chúng ta được những gì cho đi

Kinh thánh cho chúng ta một sự nghịch lý: chúng ta mất những gì chúng ta giữ, và chúng ta có những gì chúng ta cho đi. Lòng quảng đại sẽ được đáp trả thật bội hậu, cả đời này lẫn đời sau (Cn 3,9-10; Lc 6,38). Đức Giêsu giới thiệu với chúng ta một kho báu khôn sánh mà không tiền bạc châu báu nào có thể mua được, hay không có người trộm nào có thể lấy được. Điều chúng ta quan tâm nhất, đó chính là kho báu quý nhất của chúng ta. Sự giàu có về của cải vật chất sẽ trói buộc chúng ta vào thế giới này, trừ khi chúng ta cảnh giác và lấy Chúa và nước Trời làm kho báu của mình. Kho báu của bạn ở đâu?

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa chiếm hữu lòng con và tỏ cho con thấy kho báu nước Trời. Ước gì Chúa luôn luôn là kho báu và niềm vui của con và không có gì ngăn cản con dâng cho Chúa tất cả mọi sự.

 

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận