Thứ Ba tuần 2 Phục Sinh – THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

Đăng lúc: Thứ ba - 25/04/2017 00:15 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Ba tuần 2 Phục Sinh – THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.

"Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng".

 

Thánh Marcô là cháu của thánh Barnaba. Người đã đi theo thánh tông đồ Phaolô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, và theo đến tận Rôma.

Người cũng là môn đệ của thánh Phêrô và là thông ngôn của thánh Phêrô, đã soạn lời giảng của thánh Phêrô thành sách Tin Mừng. Truyền thống cho rằng người đã sáng lập giáo đoàn Alexandria.

 

Lời Chúa: Mc 16, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

 

 

SUY NIỆM 1: Sư Tử Có Ðôi Cánh

Khách du lịch đến thưởng ngoạn Venezia, một thành phố mơ mộng nằm trên sông nước và được làm tăng thêm vẻ đẹp bằng những công trình kiến trúc độc đáo cũng như bằng những tác phẩm nghệ thuật thời danh nằm ở mạn đông bắc Italia, không thể bỏ qua công trường Marcô, công trình mang tên của vị thánh bổn mạng của thành phố Venezia và cũng là vị thánh Giáo hội mừng kính hôm nay.

Trên con đường tiến gần đến công trường Marcô, du khách nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh đứng sừng sững trên một ngọn tháp cao. Hình sư tử này nhắc đến sự nghiệp viết sách Phúc Âm đầu tiên của thánh Marcô, như chứng từ của sử gia Papias, sinh sống vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau:

"Marcô, người thông ngôn của Phêrô, đã viết ra đúng những gì nhớ được, tuy không theo thứ tự, về những điều Ðức Kitô đã nói và đã làm. Marcô không trực tiếp nghe Chúa giảng, cũng không phải là môn đệ của Ngài. Nhưng ông đã tháp tùng Phêrô, người đã giảng dạy theo những gì ông cảm thấy cần thiết, chứ không phải chủ tâm thuật lại lời Chúa một cách có hệ thống".

Marcô là người thông ngôn và lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng, vì thế không lạ gì ở cuối bức thư thứ nhất, Phêrô gọi ông là "Marcô, người con của tôi".

Ngoài sự gần gũi với thánh Phêrô, Marcô cũng tiếp xúc lân cận với Phaolô, bắt đầu vào lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 44, khi Phaolô và Barnaba đưa về Giêrusalem số tiền cộng đoàn Antiokia quyên được để trợ giúp cộng đoàn Mẹ. Khi trở về, Barnaba đem theo Marcô, là cháu của ông.

Sau đó, trong khi đồng hành với Phaolô và Barnaba để hoạt động truyền giáo ở đảo Cypre, vì một sự bất đồng ý kiến nào đó, Marcô đã bỏ về Giêrusalem. Vì lý do này, trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô đã nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnaba.

Nhưng trong những ngày cuối đời, khi chờ đợi ngày hành quyết, Phaolô đã viết thư nhắn với Timôthê: "Hãy đem cả Marcô đến nữa, vì tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy lắm". Bạn bè người ta muốn gặp trong những ngày cuối đời phải là những người đồng sinh đồng tử!

Những chi tiết khác nhau đó của cuộc đời của thánh Marcô không lấy gì làm chắc. Có tài liệu cho là thánh nhân chết tự nhiên. Tài liệu khác lại cho là thánh nhân được phúc tử đạo. Vương cung thánh đường tại công trường Marcô ở Venezia tự hào là còn giữ lại hài cốt của Ngài.

Trong cuộc sống, Marcô đã chu toàn bổn phận mà mọi người Kitô được kêu gọi phải thực thi: Ðó là rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Ðức Kitô. Marcô đã thực hiện công việc này đặc biệt qua công tác viết sách Phúc Âm, những người Kitô khác qua kịch nghệ, âm nhạc, thơ phú hay qua việc dạy đạo cho con em quanh bàn ăn của gia đình hoặc qua cuộc sống chứng tá trong những sinh hoạt và nếp sống hằng ngày.

(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 2: Thánh Sử Marcô

Người ta không chắc chắn Mác-cô là tác giả sách Tin Mừng thứ hai, nhưng người ta rất đồng ý về đời sống của Ngài là một phần tử thực hiện lệnh truyền đi rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô cho mọi dân tộc không phân biệt ranh giới không gian và thời gian. Sách Công Vụ Tông Đồ (13, 13, 15, 38) đã cho chúng ta thấy Mác-cô còn trẻ người non dạ, vì Thánh Phaolô đã thất vọng từ chối không nhận  Mác-cô trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai của Ngài. Tuy nhiên khi trở về Giê-ru-sa-lem quê nhà cha mẹ, Mác-cô đã có nhiều điểm tốt phụng vụ cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi. (Cv. 12,12). Rồi Ngài đi với cậu mình là Bêrnabê đi truyền giáo ở đảo Síp.(Chypre), sau đó đến Rôma nhập đoàn với Thánh Phaolô đang bị tù, và Ngài đã giúp Thánh Phêrô như là một thông dịch viên, có lẽ nhờ công việc này, đã xuất bản cuốn Tin Mừng Mác-cô, rất tượng hình, rất gần kinh nghiệm của Phêrô sống với Đức Giê-su; người ta còn nói Ngài còn là Giám Mục tiên khởi Hội Thánh ở Alexandria, và sau cùng ở Venise, nên Tin Mừng của Ngài có biểu tượng nổi tiếng là con sư tử.

Chúng ta hãy trở lại Tin Mừng của Ngài. Người ta tin tác phẩm Tin Mừng là của Ngài đã để lại một tâm sự trong đoạn 14, 51-52  kể lại: “Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn chỉ một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng”. Đây cũng là dấu chỉ sự sống lại trong những người được sai đi rao giảng Tin Mừng và cũng đủ trả lời khá rõ ràng về tác giả Tin Mừng là của Thánh Mác-cô, một Tin Mừng có một có một sức mạnh rất cụ thể sống động chống lại sức mạnh của quỉ dữ muốn làm hại Đức Giê-su. Ngày nay người ta khá coi thường một thứ Tin Mừng có nhiều phép lạ, nó lôi kéo chú ý về những kỳ lạ hơn về sứ điệp thứ tha và giải tháot của Tin Mừng; may thay bản văn vẫn ưu tiên dành cho lời Chúa. Hãy suy nghĩ đến sức mạnh tâm hồn của các vị truyền giáo, đến những ân huệ các Ngài đã mang đến cho một thế giới trong lầm than được nghe loan báo về Đấng Cứu Thế đã toàn thắng, đã đoạt được vinh quang của ngai tòa Thiên Chúa. Như Mác-cô, khiêm tốn nhưng hăng say, chính Ngài đã tiếp tục theo chân những người nghèo khó nói những lời định mệnh cho đến tận thế để nối đất của chúng ta với trời.

L.P

 

SUY NIỆM 3: Thánh Marcô, Thánh sử

Marcô là ai ? Chắc chắn Ngài không phải là một trong 12 tông đồ. Nhưng một người tên Marcô đã được các cộng đoàn Kitô giáo sơ khai biết đến, nhiều như là người bạn đồng hành của thánh Phaolô và như người bạn thân ái của thánh Phêrô ở Roma (Cl 4,10; 1Pr 5,13; 2Tim 4,11). Sách Công vụ ba lần nói tới một "Gioan cũng gọi là Marcô" (Cv 12,12; 25,15.17) là bạn thiết của thánh Barnaba.

Các học giả thường đồng ý rằng: Marcô đã được nói tới trong các thánh thư, Gioan tên Marcô trong sách công vụ và tác giả Phúc âm thứ II đều chỉ là một người. Đồng ý với sự đồng hóa trên, chúng ta có thể phác họa hình ảnh của thánh sử như sau:

- Ngài là con của Maria. Một góa phụ giàu có ở Giêrusalem có một người giúp việc và căn nhà rộng rãi làm nơi tụ họp các tín hữu.

Năm 43, sau khi thoát khỏi ngục tù, thánh Phêrô đã chọn nhà này làm nơi trú ngụ (Cv 12,12-17). Như thế, Marcô sớm quen thuộc với những ghi nhận của thánh Phêrô. Hai năm sau, tức là năm 45, chúng ta thấy Marcô và thánh Barnaba cùng đi trong cuộc hành trình thứ nhất của Phaolô. Nhưng khi đoàn truyền giáo đi về hướng bắc, Marcô đã từ giã để trở về Giêrusalem (Cv 13,13). Phaolô bất bình và không muốn nhận cho Marcô đi theo trong cuộc hành trình thứ hai. Năm 50, như Barnaba đề nghị, Barnaba về phe với Marcô, và đáp tàu về Cyprus là quê hương của Barnaba (Cv 15,36-39).

Chúng ta không thấy nói gì đến Marcô nữa cho tới năm 61 khi Ngài ở Roma với Phaolô (Cl. 4,10), ba năm sau tức là năm 64 thánh nhân vẫn có mặt ở Roma vì Phêrô có nhắc tới tên Người trong các lời chào của mình (1Pr 5,13). Đây là năm thánh Phêrô chịu tử đạo. Ít lâu sau đó có lẽ thánh Marcô đã bắt đầu viết sách Phúc âm ở Roma, dầu một số tác giả mới đây cho rằng ở Alexandri. Năm 67, thánh sử ở Ephesô vì một ít tháng trước khi qua đời, thánh Phaolô dặn dò Timothêô đưa theo Marcô đến Roma (2Tm 4,14). Mối bất hòa xưa đã được hàn gắn hoàn toàn.

Từ đây, chúng ta phải dựa vào truyền thống để tìm hiểu về Marcô. Có lẽ sau khi thánh Phêrô qua đời, Marcô đi rao giảng ở Alaexandria thành lập và làm giám mục giáo đoàn này. Sự kiện không được chắc vì các bậc tiến sĩ của Alexandria như Clêmente (200), và Origênê (203) không nhắc nhở gì đến.

Cuốn Chronicon-Pascale không mấy có thế giá cho rằng: Marcô đã làm giám mục ở Alexandrie và bị thiêu sống dưới thời Trajanô (năm 98 - 117).

Dựa vào bút pháp của Marcô, chúng ta cố gắng tìm hiểu tính khí của Ngài. Tính chất sống động của Phúc âm thứ II biểu lộ rõ chứng tích mục kiến của Phêrô, chứ không phải của Marcô, dầu có thể là Marcô đã chứng kiến việc bắt bớ Chúa Giêsu vì các nhà chú giải đồng hóa Ngài với người thanh niên vô danh bỏ chạy mình trần (Mc 14,50-52). Dầu vậy, thánh Marcô không phải là một máy ghi âm diễn lại lời của Phêrô, Ngài là tác giả ghi lại ký ức của Phêrô với bút pháp riêng. Ngài là người ít lời (673 câu so với 1068 câu nơi Matthêu) và có giọng văn không chải chuốt.

Người ta có thể cho rằng: Ngài không có đau khả năng viết văn cho duyên dáng. Nhưng với những khiếm khuyết này, Marcô lại tỏ ra rất chân thành, Ngài đã ương ngạnh từ chối việc bỏ bớt những sự kiện vụng về hay là giải thích chúng. Chẳng hạn không thánh sử nào giấu giếm sự chậm hiểu của các thánh tông đồ, nhưng ở Marcô nhấn mạnh: "Lòng họ ra như chai lại" ( Mc 6,51). Marcô cũng không che dấu tham vọng không thể tin nổi của họ (Mc 9,34). Chính Phêrô cũng rất thẳng thắn: "Ông không biết phải đáp ứng làm sao" (Mc 9,6). Có lẽ chứng cớ hùng hồn nhất nói lên sự lương thiện của Marcô là Ngài đã liều tỏ ra mâu thuẫn với chính mình.

Chẳng hạn đối với Ngài Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ "vượt các thiên thần" (3,32) "có quyền tha tội" (2,10). Nhưng rồi Ngài không ngần ngại viết rằng: "Ở Nazareth Người đã không làm được phép lạ nào" (6,5) Ngài cũng không dấu diếm sự kiện bà con Chúa Giêsu nghi ngờ Người thiếu khôn ngoan (3,21) hay sự kiện Chúa Giêsu thất vọng với cây vả không trái (11,13). Những chi tiết loại này khiến cho tựa đề của Marcô được nguyên vẹn (Phúc âm Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa) nhưng lại mang dáng vẻ khó hiểu vì Ngài đã không thèm dấu giếm gì hết. Với một sử gia tài danh như vậy, chúng ta rất an tâm.

Tại đền thờ thánh Marcô người ta nói có chôn dưới bàn thờ thánh nhân do các thương gia mang từ Alexandria về vào thế kỷ IX. Thánh sử được biểu trưng bằng hình con sư tử vì Phúc âm của Ngài mở dầu bằng tiếng nói oai hùng của Gioan tẩy giả từ trong sa mạc. Đọc Phúc âm theo thánh Marcô, chúng ta như có thể nghe tiếng nói thô sơ của thánh sử "Đừng nhìn tôi, hãy nhìn Người".

(Trích ‘Hạnh Tích Các Thánh’)

 

SUY NIỆM 4: Thánh Marcô, Thánh sử

Thánh Marcô, mặc dù mang tên Roma, nhưng lại là người Do Thái, và còn được gọi theo tên Do Thái là Gioan. Tuy không thuộc nhóm Mười Hai Tông Đồ, nhưng rất có thể ngài đã quen biết Chúa Giêsu. Nhiều văn gia Giáo Hội phát hiện ra chữ ký kín ẩn của thánh Marcô trong Phúc Âm của ngài, trong trình thuật người thanh niên bỏ chạy với một mảnh vải trên người, khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Cây Dầu: ý nghĩa ở đây là chỉ có mình thánh Marcô đề cập đến chi tiết ấy. Điều này còn trùng hợp với một chi tiết khác: Marcô là con trai bà Maria, một góa phụ giàu có, sở hữu ngôi nhà, nơi các tín hữu Jerusalem tiên khởi thường tụ họp. Theo một truyền thống cổ xưa, ngôi nhà này chính là ngôi nhà có phòng Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu đã ăn bữa Tiệc Ly và thiết lập bí tích Thánh Thể.

Marcô có bà con với thánh Barnabas; ngài đã đồng hành với thánh Phaolô trong cuộc truyền giáo lần thứ nhất, và ở bên cạnh vị Tông Đồ dân ngoại trong những ngày cuối đời của ngài. Tại Roma, Marcô còn làm môn đệ của thánh Phêrô. Trong Phúc Âm của ngài, với ơn linh hứng Chúa Thánh Thần, thánh Marcô đã trung thành trình bày giáo huấn của vị Tông Đồ trưởng. Theo một truyền thống cổ xưa được thánh Jerome kể lại, sau khi hai thánh Phêrô và Phaolô chịu tử đạo, thánh Marcô đã sang Alexandria, giảng đạo, thành lập giáo đoàn và trở thành giám mục tiên khởi ở đó. Vào năm 825, thánh tích của ngài được dời từ Alexandria về Venice, thành phố hiện nay nhận ngài làm quan thầy.

1. Marcô, người phụ tá của thánh Phêrô.

Ngay từ khi còn rất trẻ, Marcô đã thuộc vào nhóm các tín hữu tiên khởi ở Jerusalem, những người quen biết và được sống bên cạnh Đức Mẹ và các Tông Đồ. Mẹ của ngài là một trong những phụ nữ đã lấy tài sản chu cấp cho Chúa Giêsu và mười hai Tông Đồ. Marcô cũng có bà con với thánh Barnabas, một trong những nhân vật chính yếu trong thời kỳ đầu, và là người đầu tiên dìu dắt ngài trong công cuộc rao giảng Phúc Âm. Marcô đồng hành với thánh Phaolô và thánh Barnabas trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất,1 nhưng khi đến đảo Cyprus, Marcô cảm thấy không thể tiếp tục được nữa nên đã từ giã và trở về Jerusalem.2 Thánh Phaolô dường như rất thất vọng về tính thay đổi của Marcô. Về sau, khi trù định cho hành trình truyền giáo lần thứ hai, thánh Barnabas muốn đem theo Marcô, nhưng thánh Phaolô nhất định không chịu vì nhớ lại sự việc trước đó. Cuộc tranh luận giữa thánh Phaolô và thánh Barnabas căng thẳng đến nỗi sau cùng hai vị đã chia tay, mỗi người tiến hành chương trình của riêng mình.

Khoảng mười năm sau, chúng ta lại thấy Marcô tại Roma, lần này ngài giúp đỡ thánh Phêrô. Lời thánh Phêrô đã viết trong thư: con tôi là Marcô,3 minh chứng mối liên hệ lâu bền và gần gũi giữa hai vị. Thời gian ấy, Marcô là thông dịch viên cho vị Tông Đồ trưởng, việc này đem lại một lợi điểm mà chúng ta nhận ra trong Phúc Âm được ngài viết sau đó ít năm. Mặc dù không ghi lại một bài giáo huấn dài nào của Chúa, nhưng bù lại, thánh Marcô đã mô tả rất sinh động về những biến cố trong cuộc sống của Chúa Giêsu với các Tông Đồ. Trong các trình thuật của ngài, chúng ta thấy hiện lên những thị trấn nhỏ ven bờ biển Galilê; chúng ta cảm nhận được những lời bàn tán của đám đông đi theo Chúa Giêsu, chúng ta như thể tiếp xúc với những cư dân của các địa phương ấy, nhìn thấy những việc kỳ diệu của Chúa Giêsu, và những phản ứng tự phát của nhóm Mười Hai. Tóm lại, chúng ta thấy mình như giữa đám đông dân chúng, được chứng kiến các biến cố Phúc Âm. Qua những mô tả sinh động, thánh Marcô đã in đậm vào linh hồn chúng ta một hấp lực dịu dàng nhưng không sao cưỡng lại của Chúa Giêsu mà dân chúng và các Tông Đồ đã cảm nghiệm được trong cuộc sống với Thầy Chí Thánh. Thánh Marcô đã trung thành ghi lại những hồi tưởng thân mật của thánh Phêrô với Thầy Chí Thánh: những ký ức ấy không phai nhòa theo năm tháng, nhưng càng ngày càng sâu đậm và sinh động hơn, càng thấm thía và hứng thú hơn. Có thể nói Phúc Âm thánh Marcô là tấm gương sinh động về giáo huấn của thánh Phêrô.4

Thánh Jerome cho chúng ta biết, theo thỉnh nguyện của các tín hữu Roma, Marcô, môn đệ và thông ngôn của thánh Phêrô, đã viết Phúc Âm theo những gì ngài đã được nghe thánh Phêrô giảng dạy. Và chính thánh Phêrô, sau khi đã duyệt bản Phúc Âm ấy, đã dùng quyền bính chấp thuận cho sử dụng trong Giáo Hội.5 Đây thực sự là sứ mệnh chính trong cuộc đời thánh Marcô: trung thành ghi lại những lời giảng của thánh Phêrô. Ngài đã để lại cho hậu thế biết bao ích lợi! Ngày nay, chúng ta thực sự phải mang ơn thánh Marcô vì nhiệt tâm ngài đã đặt vào công việc và lòng trung thành với ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần! Ngày lễ kính thánh Marcô là dịp để chúng ta xét lại việc hằng ngày chúng ta đọc Phúc Âm, lời Chúa nói trực tiếp với chúng ta, như thế nào. Chúng ta có thể tự hỏi đã bao lần chúng ta đã sống như người con hoang đàng, hoặc áp dụng cho mình lời cầu khẩn của anh mù Bartimaeus: Lạy Chúa, xin cho con được nhìn thấy – Domine, ut videam! Hoặc lời thỉnh nguyện của người cùi: Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, xin cho tôi được sạch – Domine, si vis, potes me mundare! Bao lần chúng ta cảm thấy tận đáy lòng rằng Chúa Kitô đang nhìn và mời gọi chúng ta hãy sát bước theo Người, kêu gọi chúng ta hãy vượt thắng một thói xấu nào đó làm chúng ta xa cách Người, hoặc như các môn đệ trung thành, hãy sống nhân ái hơn nữa với những người khó hòa hợp với chúng ta?

2. Là khí cụ của Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng thực hiện một cuộc khởi đầu mới.

Thánh Marcô đã giúp đỡ thánh Phêrô nhiều năm tại Roma, ở đó, chúng ta còn thấy ngài phụ giúp thánh Phaolô nữa.6 Quả thế, con người mà thánh Phaolô thấy không thể sử dụng trong hành trình truyền giáo lần thứ hai thì nay lại là một niềm an ủi7 và một người bạn trung thành. Vào khoảng năm 66, thánh Tông Đồ đã viết cho Timothy: Con hãy đem Marcô đi với con, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của cha.8 Sự kiện đảo Cyprus một thời hết sức ảm đạm, thì nay dường như đã bị quên lãng hoàn toàn. Giờ đây, thánh Phaolô và thánh Marcô là bạn hữu và đồng sự của nhau trong công cuộc quan trọng là mở rộng vương quốc Chúa Kitô. Thực sự đây là một tấm gương lớn lao và cũng là một bài học tuyệt vời cho chúng ta học biết: đừng bao giờ kết luận dứt khoát về một ai, khi nào cần thiết một ai, chúng ta hãy biết cách nối lại mối dây thân hữu mà đã có lúc xem như đã tan rã hoàn toàn!

Giáo Hội hôm nay nêu lên mẫu gương thánh Marcô. Thật là một hy vọng và ủi an khi chiêm ngưỡng đời sống vị sử gia thánh thiện này. Mặc dù có những yếu đuối, nhưng chúng ta vẫn có thể như ngài, tin tưởng vào ơn Chúa và sự phù trợ của Mẹ Giáo Hội. Những thất bại và những hành vi nhát đảm của chúng ta, dù lớn hoặc nhỏ, phải làm chúng ta khiêm tốn hơn, liên kết chúng ta mật thiết hơn với Chúa Giêsu, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh mà chúng ta đang thiếu thốn.

Chúng ta đừng để những bất toàn nên cớ làm chúng ta xa cách Chúa hoặc từ bỏ sứ mạng tông đồ, mặc dù đôi khi chúng ta đã không đáp ứng đúng mức với ơn Chúa, hoặc chúng ta đã ngần ngại khi được nhờ cậy. Những hoàn cảnh như thế, nếu có khi nào xảy ra, chúng ta không nên ngạc nhiên, bởi vì như lời thánh Phanxicô Salê đã nói, Không có gì phải ngạc nhiên vì bệnh tật là bệnh tật, yếu đuối là yếu đuối, và gian ác là giac ác. Tuy nhiên, hãy hết sức gớm ghét điều bạn đã xúc phạm đến Chúa, và với lòng tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, hãy quảng đại quay lại con đường mà bạn đã từ bỏ.9

Những thất bại và những hành vi nhát đảm rất quan trọng. Chúng khiến chúng ta trở về bên Chúa để nài xin ơn tha thứ và trợ giúp của Người. Nhưng Chúa vẫn tin tưởng chúng ta, và chúng ta vẫn cậy trông ơn Chúa, nên chúng ta hãy lập tức làm lại và quyết tâm trung thành hơn trong tương lai. Với ơn phù trợ của Đức Mẹ, chúng ta sẽ biết cách rút ra điều hữu ích từ những yếu đuối, nhất là khi kẻ thù, những kẻ không bao giờ nghỉ ngơi, ra sức làm chúng ta thất đảm và từ bỏ cuộc chiến. Chúa Giêsu muốn chúng ta thuộc về Người mặc dù chúng ta đã có một lịch sử yếu đuối với những sai phạm.

3. Sứ vụ tông đồ.

Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo.10 Hôm nay, chúng ta đọc những lời này trong Ca Nhập Lễ. Đây là sứ vụ tông đồ Chúa đã ban và thánh Marcô đã ghi lại. Về sau, được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, thánh nhân đã minh chứng lệnh truyền ấy đã được thực hiện khi ngài chép Phúc Âm: Các tông đồ ra đi và rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố tin mừng bằng những phép lạ kèm theo.11 Đó là những lời thánh Marcô kết thúc Phúc Âm của ngài.

Thánh Marcô đã trung thành với sứ vụ tông đồ mà ngài đã nghe qua lời giảng của thánh Phêrô: Hãy đi khắp thế gian. Chính thánh Marcô và Phúc Âm của ngài đã là một thứ men hiệu quả cho thời đại ngài. Chúng ta cũng phải trở nên một thứ men tốt cho thời đại chúng ta. Nếu sau lần nhát đảm, thánh nhân đã không khiêm nhượng và dũng cảm làm lại, có lẽ giờ đây chúng ta không có những kho tàng lời giảng và việc làm của Chúa Giêsu để thường xuyên suy gẫm, và nhiều người, nếu không nhờ ngài, chắc cũng chẳng bao giờ biết được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của nhân loại.

Sứ mạng của thánh Marcô - cũng như của các Tông Đồ, của các nhà truyền giáo, của các tín hữu tốt lành luôn ra sức sống đúng với ơn gọi của mình - chắc chắn không phải là một sứ mạng dễ dàng. Chúng ta biết ngài đã chịu tử đạo. Ắt hẳn thánh nhân đã trải qua kinh nghiệm chịu bách hại, mệt mỏi, và hiểm nguy trong việc theo bước Chúa.

Chúng ta hãy cám tạ Thiên Chúa, cũng như các tín hữu thời các Tông Đồ, vì sức mạnh và niềm vui Chúa Kitô đã được truyền lại đến ngày nay cho chúng ta. Mọi thế hệ Kitô hữu, mọi cá nhân đều được mời gọi lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm và truyền thụ lại cho người khác. Ơn Chúa không bao giờ thiếu: Non est abbreviata manus Domini – Cánh tay Chúa không bị thu ngắn.12 Người tín hữu biết Chúa đã thực hiện các phép lạ từ nhiều thế kỷ trước kia, và hiện nay Người vẫn đang thực hiện.13 Với ơn Chúa giúp, mỗi người chúng ta cũng sẽ thực hiện những phép lạ nơi tâm hồn thân nhân, bạn bè, và những người quen biết, nếu chúng ta sống trong mối kết hợp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện.

(Trích ‘dongcong.net’)

 

 

SUY NIỆM:

Trong phần này của cuộc đối thoại của Đức Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô, Người tiếp tục nói về ơn tái sinh bởi Thần Khí: “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy”.

Nhưng ngang qua thắc mắc rất đơn sơ của ông Ni-cô-đê-mô: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?” Đức Giê-su dẫn chúng ta thẳng tới chân Thập Giá, để đón nhận ơn tái sinh bởi Thánh Thần: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”.

1. Nghi ngờ Thiên Chúa

Trong sách Sáng Thế (x. St 3, 1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho Evà và Adam nghi ngờ Thiên Chúa. Thiên Chúa nói: ăn vào thì chết; nhưng con rắn nói: ăn vào không chết. Tin vào lời con rắn, chính là cho rằng Thiên Chúa nói dối, rằng Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc độc vào người.

Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến (x. Ds 21, 4-9), chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết; thật vậy, người Do- thái kêu trách: « Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? » . Nghi ngờ Thiên Chúa, đó là để cho mình bị rắn cắn, đó là mang nọc độc vào người. Khi chúng ta nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, đó là lúc chúng ta bị rắn độc cắn. Bị rắn độc cắn, thì đương nhiên là chết, không cần phải ai bắt mình ra xét xử, lên án và thi hành án phạt. Như chính Đức Giêsu nói:

Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; 
nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, 
vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.
(c. 17-18)

2. Mầu nhiệm Thập Giá

Đức Giê-su, ngay từ những lời nói đầu tiên trong đời sống công khai, trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, đã đặt mầu nhiệm Thập Giá mà Người sẽ sống trong tương quan rất trực tiếp với hình ảnh « con rắn », biểu tượng của Tội và Sự Dữ :

Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, 
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (c. 14)

Theo lời này của chính Đức Ki-tô, chúng ta nên hình dung ra, hay tốt hơn là vẽ ra, một bên là « Con Rắn » bị giương cao trên cây gỗ, một bên là Đức Ki-tô được giương cao trên cây thập giá, thay vì là Sự Dữ, là Sa-tan, bởi vì theo luật, chỗ trên cây thập giá phải là chỗ của tử tội, của chính Tội. Như thế, Đức Kitô trong Cuộc Thương Khó, sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn. Thực vậy, thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) ; và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7, 13). Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su dạy, chứ không phải báo trước, các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (x. Mc 8, 31). Vì, thế, chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để nhìn thấy:

– Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối.

– Đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị.

– Chân tay của Người bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính.

– Và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt (x. Dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”). Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

3. Ơn tái sinh

Theo lời của Đức Chúa, Mô-sê khi đó đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên nguyên nhân gây ra cái chết được phô bày ra đó, thì đã được chữa lành, nghĩa là được tái sinh. Nếu hình phạt bị rắn độc cắn là nặng nề, để cho thấy rằng, thái độ nghi ngờ và kêu trách tự nó mang nọc độc giết người, thì ơn chữa lành thật nhẹ nhàng và nhưng không: “ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”. Cũng giống như khi người ta chữa bệnh: trước tiên phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh; và khi tìm được, thì hoặc dùng thuốc hóa giải nó đi, hoặc phải cắt bỏ ra khỏi cơ thể.

Như Dân Chúa trong sa mạc nhìn lên con rắn đồng, chúng ta được mời gọi ngước nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37). Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.

Ơn tha thứ. Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế.

Ơn chữa lành. Đúng là Thánh Gía mặc khải cho con người bản chất của Tội, nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống con người. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời chữa lành, bằng cách làm cho con người nhìn ra hình ảnh thật sự của tội.

Chữa lành khỏi hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Và Thập Giá con mặc khải cho chúng ta rằng thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết (x. St 3 và Ds 21). Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng (x. Ph 2, 5-11), để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử thách và lên án, và thân phân con người, dù có như thế nào, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Ds 21, 4-9 và Ga 3, 13-17 là các bài đọc của Lễ Suy Tôn Thánh Giá, ngày 14 tháng 9.

 

 

Suy niệm Mc 16,15-18 a

         Lời Chúa

         mỗi ngày 

         Song ngữ

Tuesday (April 25): “Go and preach the Gospel to the whole creation”

 

Scripture: Mark 16:15-20 

15 And he said to them, “Go into all the world and preach the Gospel to the whole creation. 16 He who believes and is baptized will be saved; but he who does not believe will be condemned. 17 And these signs will accompany those who believe: in my name they will cast out demons; they will speak in new tongues; 18 they will pick up serpents, and if they drink any deadly thing, it will not hurt them; they will lay their hands on the sick, and they will  recover.” 19 So then the Lord Jesus, after he had spoken to them, was taken up into heaven, and sat down at the right hand of God. 20 And they went forth and preached everywhere, while the Lord worked with them and confirmed the message by the signs that attended it. Amen.

 

Thứ Ba   25-4           Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin mừng cho muôn loài

 

Mc 16,15-20

15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

 

Meditation:  In many churches in the East and West, Mark the Evangelist is honored today. Each of the four Gospel accounts gives us a portrait of Jesus, his life, teaching, mission, and his death and resurrection. Each is different in style, length, and emphasis. But they all have a common thread and purpose – the proclamation of the good news of Jesus Christ, the Savior of the world. Among the four Gospels, Mark’s account is unique in many ways. It is the shortest account and seems to be the earliest. Mark the Evangelist was an associate of the apostle Peter and likely wrote his Gospel in Rome where Peter was based. Mark wrote it in Greek. It was likely written for Gentile (non-Jewish) readers in general, and for the Christians at Rome in particular. 

 

It is significant that Mark, as well as Luke, was chosen by the Holy Spirit to write the Gospel account even though he wasn’t one of the twelve apostles. Augustine of Hippo, explains: “The Holy Spirit willed to choose for the writing of the Gospel two [Mark and Luke] who were not even from those who made up the Twelve [Apostles], so that it might not be thought that the grace of evangelization had come only to the apostles and that in them the fountain of grace had dried up” (Sermon 239.1).

All must hear the Gospel of Jesus Christ until he comes again

Mark ends his Gospel account with Jesus’ last appearance to the apostles before his ascension into heaven. Jesus’ departure and ascension was both an end and a beginning for his disciples. While it was the end of Jesus’ physical presence with his beloved disciples, it marked the beginning of Jesus’ presence with them in a new way. Jesus promised that he would be with them always to the end of time. Now as the glorified and risen Lord and Savior, ascended to the right hand of the Father in heaven, Jesus promised to send them the Holy Spirit who would anoint them with power on the Feast of Pentecost, just as Jesus was anointed for his ministry at the River Jordan. When the Lord Jesus departed physically from the apostles, they were not left in sorrow or grief. Instead, they were filled with joy and with great anticipation for the coming of the Holy Spirit.

Jesus’ last words to his apostles point to his saving mission and to their mission to be witnesses of his atoning death for sin and his glorious resurrection to new life for all who will believe in Jesus, God’s beloved Son. Their task is to proclaim the good news of salvation, not only to the people of Israel, but to all the nations. God’s love and gift of salvation is not just for a few, or for a nation, but it is for the whole world – for all who will accept it. The Gospel is the power of God, the power to forgive sins, to heal, to deliver from evil and oppression, and to restore life. Do you believe in the power of the Gospel?

 

Christ calls every believer to be his ambassador of Good News (the Gospel message)

This is the great commission which the risen Christ gives to the whole church – the people of God. All believers have been given a share in this task – to be heralds of the good news (the Gospel message) and ambassadors for Jesus Christ, the only savior of the world. We have not been left alone in this task, for the risen Lord works in and through us by the power of his Holy Spirit. Today we witness a new Pentecost as the Lord pours out his Holy Spirit upon his people to renew and strengthen the body of Christ and to equip it for effective ministry and mission world-wide. Do you witness to others the joy of the Gospel and the hope of the resurrection?

“Lord Jesus, through the gift of your Holy Spirit, you fill us with an indomitable spirit of praise and joy which no earthly trial can subdue. Fill me with your resurrection joy and help me to live a life of praise and thanksgiving for your glory. May I witness to those around me the joy of the Gospel and the reality of your victory over the grave and gift of everlasting life.”

Suy niệm: Ngày nay, trong nhiều thánh đường ở Tây và Đông Phương, thánh sử Máccô được người ta tôn kính. Mỗi câu chuyện của bốn Tin mừng cho chúng ta thấy được chân dung của Ðức Giêsu, cuộc đời, sứ mạng, và giáo huấn của của Người. Mỗi câu chuyện đều khác biệt trong phong cách, độ dài, và điểm nhấn. Nhưng tất cả đều có chung một sợi chỉ và một mục đích – loan báo Tin mừng của Ðức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Trong bốn Tin mừng, Tin mừng của Máccô là kỳ lạ trong nhiều cách. Nó là Tin mừng ngắn nhất và xem ra có sớm nhất. Thánh sử Máccô là người cộng sự của Phêrô và xem ra đã viết Tin mừng của mình ở Rôma, nơi Phêrô ở. Máccô viết nó bằng tiếng Hylạp. Có lẽ nó được viết cho các độc giả dân ngoại nói chung, và cho các tín hữu ở Rôma nói riêng.

 

 

Có dấu hiệu chứng tỏ rằng Máccô, cũng như Luca, được Chúa Thánh Thần tuyển chọn để viết Tin mừng, mặc dù ngài không phải là một trong số mười hai tông đồ. Thánh Augustine thành Hippo giải thích: “Chúa Thánh Thần đã muốn chọn hai người (Máccô và Luca) cho việc viết sách Tin mừng, thậm chí họ không từ nhóm mười hai, để không ai nghĩ rằng ơn sủng loan báo Tin mừng không chỉ đến với các tông đồ, và nơi các ngài, nguồn mạch ơn sủng đã khô cạn” (bài giảng 239.1).

Tất cả phải lắng nghe Tin mừng của Đức Giêsu Kitô cho tới khi Người lại đến

Máccô kết thúc Tin mừng của mình với sự xuất hiện cuối cùng của Ðức Giêsu với các tông đồ trước khi Người lên trời. Sự ra đi và lên trời của Ðức Giêsu, cả hai đều là sự kết thúc và là sự khởi đầu cho các môn đệ. Trong khi nó là sự kết thúc của sự hiện diện hữu hình của Ðức Giêsu với các môn đệ yêu dấu, nó lại đánh dấu sự khởi đầu của sự hiện diện của Ðức Giêsu với họ trong một cách thức mới mẻ. Ðức Giêsu hứa rằng Người sẽ ở với họ cho tới ngày tận thế. Giờ đây, với tư cách là Đức Chúa và Đấng cứu thế đã vinh quang và phục sinh, đã ngự bên hữu Chúa Cha trên Thiên đàng, Ðức Giêsu hứa sẽ gởi Thánh Thần đến với họ, Đấng sẽ xức dầu tấn phong họ với sức mạnh vào ngày Lễ Ngũ Tuần, cũng như Ðức Giêsu được tuyển chọn tấn phong cho sứ mệnh của mình ở sông Giođan. Khi Ðức Giêsu rời khỏi các tông đồ cách hữu hình, họ không còn buồn phiền hay đau khổ nữa. Thay vào đó, họ tràn đầy niềm vui và tích cực tham dự vào việc Chúa Thánh Thần ngự đến.

Những lời cuối cùng của Ðức Giêsu với các môn đệ nói tới sứ mệnh cứu độ của Người và sứ mệnh làm chứng tá của họ về sự chết cứu chuộc và việc phục sinh vinh quang và công bố Tin mừng cứu độ cho toàn thể thế giới. Công việc của họ là loan truyền Tin mừng cứu độ, không chỉ riêng cho người Israel, nhưng cho tất cả toàn thế giới. Tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho một số ít người, không chỉ cho một quốc gia, nhưng cho toàn thể thế giới – cho tất cả những ai đón nhận Tin mừng. Tin mừng là quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng tha thứ tội lỗi, chữa lành, giải thoát khỏi sự dữ và áp lực, và phục hồi sự sống. Bạn có tin tưởng vào sức mạnh của Tin mừng không?

Đức Kitô kêu gọi mọi tín hữu trở nên đại sứ của Tin mừng (Sứ điệp của Tin mừng)

Đây là nhiệm vụ cao cả mà Đức Giêsu Kitô phục sinh ban cho toàn thể Giáo hội. Tất cả các tín hữu đều được chia sẻ sứ mạng này – trở thành những sứ giả của Tin mừng và đại diện cho Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của thế giới. Chúng ta không bị đơn chiếc trong nhiệm vụ này, vì Chúa phục sinh cùng làm việc trong và qua chúng ta bởi quyền năng của Thánh Thần. Ngày nay, chúng ta làm chứng một lễ Hiện xuống mới khi Thiên Chúa đỗ Thánh Thần Chúa xuống trên dân Người để canh tân và củng cố thân thể của Đức Giêsu Kitô, và để trang bị cho họ về mục vụ và sứ mệnh hiệu quả cho các quốc gia và các dân tộc. Bạn có làm chứng cho người khác về niềm vui Tin mừng và niềm hy vọng của sự phục sinh không?

Lạy Chúa Giêsu, qua hồng ân Chúa Thánh Thần, Chúa lấp đầy lòng con một tinh thần ca ngợi và vui mừng bất khuất mà không có thử thách trên trần gian này có thể khuất phục được. Xin Chúa lấp đầy lòng con niềm vui phục sinh của Chúa, và xin giúp con sống cuộc đời ca ngợi và cảm tạ cho vinh quang của Chúa. Chớ gì con làm chứng cho những người sống xung quanh con về niềm vui Tin mừng và thực tại sự phục sinh của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận