Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.

Đăng lúc: Thứ tư - 04/10/2017 00:53 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.

Ngày Trung Thu. Cầu cho thiếu nhi.

"Chúa đã giấu các điều ấy cùng kẻ khôn ngoan thông thái, và đã tỏ bày ra cho những kẻ bé mọn".

 

* Thánh nhân sinh năm 1182 tại Assisi. Từ ngày trở lại, gặp Chúa Kitô ở nhà thờ thánh Đa-mi-a-nô cho tới ngày từ trần ở Poóc-ti-un-cu-la (1226), thánh nhân -con người được mệnh danh là Người Nghèo thành Assisi- cùng với các anh em tu sĩ của mình sống nghèo khó, rảo khắp nơi loan báo tình yêu của Thiên Chúa. Người cũng đặt nền tảng cho ngành nữ đan sĩ của Dòng và huynh đoàn giáo dân hãm mình. Người còn tha thiết với việc giảng thuyết cho những người chưa tin. Suốt đời, thánh nhân không có bận tâm nào khác ngoài mối bận tâm theo Đức Giêsu trong tinh thần vui tươi, đơn sơ, tha thiết phục vụ Hội Thánh và dịu dàng yêu thương maọi người.

 

LỜI CHÚA: Mt 11, 25-30

Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy.

"Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".

 

 

THÁNH PHANXICÔ ASSIDI, SỨ GIẢ HÒA BÌNH

Ngày 04-10 hàng năm, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được nhắc nhớ, yêu mến và tôn kính nhiều nhất, đó là Thánh Phanxicô Assisi, vị sứ giả hoà bình. Cuộc sống của ngài thật đơn sơ thanh thoát, sống hòa bình, thực thi hòa giải, đã trở thành lý tưởng cho con người của mọi thời đại.

 

1. Thánh Phanxicô chọn nếp sống nghèo khó

Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi phía bắc Rôma. Cha của ngài là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ. Mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức.Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên mặc sức ăn chơi phung phí. Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gauthie de Brienneur đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa. Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn. Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát !”. Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại các Nhà thờ cạnh Assisi. Trong hai năm, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Assisi: nhà thờ Thánh Đamianô, nhà thờ Thánh Phêrô và nhà thờ Đức Bà Porziuncula.Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.

Ngày 24-2-1208, đang dữ lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm : “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng... Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy...” (Mt 10,10). Phanxicô nhận ra tiếng gọi của Chúa, nên quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Giá (Mt 19,21 ; Lc 9,1-6 ; Mt 16,24). Phanxicô công khai từ bỏ cha ruột của mình để thuộc trọn về Chúa. Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè để đi giúp những người phung cùi, những kẻ vô gia cư và những người bị xã hội khai trừ.Với tình yêu sự khó nghèo, Phanxicô yêu những người nghèo, những bệnh nhân. Ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. Ngài chỉ muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ.

Lối sống của ngài thu hút trước tiên hai anh bạn đồng hương: anh Bernađô Cantavalê giàu có và anh Phêrô Catanê, nhà giáo luật. Tiếp đó có 9 anh khác nhập đoàn. Họ trở thành 12 "người đền tội" và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định. Lúc đầu Phanxicô soạn một ít quy luật sống và đã được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III chấp thuận bằng miệng; cuối cùng, ngài viết ra bản Luật Dòng Anh em Hèn mọn và đã được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III phê chuẩn năm 1223 bằng sắc dụ.

Phanxicô bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tàu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.

Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, "Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần." Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô.Ngài qua đời vào ngày 3-10-1226. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16-7-1228.

 

2. Thánh Phanxicô được nhận Năm Dấu Thánh.

 “Sáng tinh sương ngày 14 tháng 9 năm 1224, tức là ngày lễ Suy tôn Thánh giá, trên đỉnh Alverna đã xảy ra một phép lạ tân kỳ. Lúc mặt trời gần dãi lên nền trời những tia sáng vàng tươi, Phanxicô quì tựa lưng vào một tảng đá, hướng về phương đông, mắt tuôn đôi hàng lệ, ngài than thở: “Lạy Chúa, trước lúc qua khỏi đời này, con chỉ xin Chúa ban cho con hai ơn: một là, xin Chúa cho tâm hồn cũng như thể xác con cảm thông hết nỗi đau đến thê thảm Chúa chịu trong giờ tử nạn; hai là, xưa kia khi Chúa tử nạn, Chúa yêu loài người tội lỗi chúng con đến độ nào, thì xin cho lòng con cũng được yêu Chúa đến độ ấy”. Bỗng vụt như làn chớp, một thiên thần Chí ái tự trời bay xuống. Sáu cánh chói loà. Hai cánh phủ đầu, hai cánh dương bay và hai cánh khép che toàn thân. Thiên thần hiện xuống đứng trên phiến đá, rõ hình một người chịu đóng đinh vào thánh giá. Thiên thần ấy chính là Chúa Giêsu tử nạn, mặc hình người hiện đến với Phanxicô. Ngài nhìn Phanxicô, đôi mắt như thiết tha, như thiêu cháy cả tâm hồn rồi vụt biến. Phanxicô, quỵ xuống, ngất đi. Khi bừng tỉnh dậy, ngài thấy tay chân đã bị đinh đóng thâu qua. Đầu đinh tròn và đen nổi rõ giữa lòng bàn tay và trên mặt bàn chân. Đinh đóng thâu qua tay chân, mũi đinh quắp lại trên lưng bàn tay và giữa gan bàn chân. Ngực bên phải, cạnh trái tim, dấu một lưỡi đòng đâm qua còn nguyên nét, máu chảy rìn rịt thấm ướt đến tận lớp áo ngoài”.

Phép lạ Năm Dấu là lời đáp trả ân cần của Chúa cho bao nỗi khao khát và bao nỗ lực của Phanxicô để được nên giống với Người trong cuộc thương khó.

Nhìn lên huy hiệu và khẩu hiệu của Dòng Anh Em Hèn Mọn, người ta có thể biết phần nào nền linh đạo Phan sinh. Khẩu hiệu đó là: Caritas (Tình yêu) và huy hiệu là một thập giá với hai cánh tay bắc chéo nhau, một của Chúa Kitô và một của Thánh Phanxicô sau ngày lãnh Năm Dấu. Nghèo khó, khiêm hạ, phục vụ vô điều kiện, yêu mến cách riêng những người nghèo khổ bé mọn … là hậu quả tất nhiên của việc thường xuyên chiêm ngưỡng thánh giá và lòng yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh. (Lm Nguyễn Hồng Giáo. ofm)

3. Phanxicô, sứ giả hoà bình

Khi thánh Phanxicô cư ngụ tại Agodio, có một con chó sói hung dữ đã xuất hiện, quấy nhiễu và gieo rắc tai hoạ cho mọi người. Mỗi lần đi ra ngoài, ai ai cũng phải trang bị khí giới sẳn sàng giao chiến với con thú dữ, có người sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà. Thấy vậy, ngày nọ thánh nhân quyết định đến chạm chán với con thú dữ, Ngài làm dấu thánh giá, đặt tất cả tin tưởng vào Chúa, rồi tiến thẳng đến trước mặt con vật. Vừa thấy thánh nhân, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công, nhưng thánh nhân không lùi bước. Ngài tiến lại gần, làm dấu thánh giá và gọi nó lại. Ngài nói với nó như trò chuyện với một con người: - Này anh sói, anh lại đây, nhân danh Chúa Kitô tôi truyền cho anh đừng hãm hại ai nữa.

Như một phép lạ, con chó sói hung dữ ngoan ngoãn khép miệng lại và quấn quýt bên thánh nhân, thánh nhân lại tiếp tục bài giảng : - Này anh sói, anh đã gây ra không biết bao thiệt hại cho vùng này, anh giết hại những tạo vật của Chúa mà không có phép Ngài, anh không những sát hại súc vật mà còn giết hại cả loài người là hình ảnh của Thiên Chúa nữa, anh đáng bị trừng phạt vì tội giết người, ai cũng ca thán kêu ca vì anh. Nhưng tôi, tôi muốn giàn hoà giữa anh và họ để anh không còn hãm hại ai nữa.

Thánh nhân vừa nói xong những lời đó thì con sói vặn mình ra chiều sám hối và chấp nhận đề nghị của Ngài, thánh nhân nói tiếp : - Này anh sói, hẳn anh thích được làm hoà với mọi người. tôi hứa rằng : bao lâu anh còn sống anh sẽ không bị đói khát nữa, anh có hứa với tôi là sẽ không hãm hại bất cứ người và vật nào nữa không ? Con vật cúi đầu như đoan hứa, thánh nhân đặt tay trên nó và đại diện cho thị dân Agodio long trọng cam kết những lời Ngài vừa hứa với con chó sói.

Con chó sói đã được sống 2 năm tại Agodio, ngày ngày ra vào bất cứ nhà nào như chính nhà của nó, nó không làm hại ai mà cũng chẳng ai hãm hại nó, sau 2 năm, con vật qua đời giữa tiếng thương khóc của dân Agodio.

Giai thoại về con chó sói Agodio và bài ca vạn vật của thánh Phanxicô chứng minh ngài là hiện thân của hoà bình, là sứ giả của bất bạo động. Ngài giao hoà với vạn vật, với thiên nhiên, với chim trời, với núi rừng, với không khí, với nước non. Chỉ với một tâm hồn thanh thản và hài hoà với thiên nhiên với con người như thế mới có thể xây dựng hoà bình. Thánh Phanxico chính là vị sứ giả hoà bình.


Tình huynh đệ của Phanxicô không dừng lại nơi loài người, nhưng còn nới rộng ra tới mọi tạo vật, sống động cũng như vô tri vô giác trong vũ trụ. Ngài không coi tạo vật là xấu xa, nguy hiểm phải đề phòng. Ngài cũng không có thái độ chủ nhân ông, nhìn tạo vật chỉ là đối tượng cho mình khai thác tùy thích. Nhưng ngài thiết lập một mối quan hệ thân ái, hài hòa với mọi vật. Ngài đã sáng tác “Bài ca vạn vật” để ca ngợi mọi công trình tạo dựng của Thiên Chúa: mặt trời, mặt trăng, tinh tú, gió, nước, lửa, trái đất với ngàn hoa, cây cỏ và trái trăng. Ngài gọi tạo vật là anh, chị : anh Cá, anh Chim, chị Trăng, chị Nước... không chỉ theo nghĩa thi phú, mà theo một cảm nghiệm sâu xa rằng tất cả đều là công trình của Cha trên trời và mang dấu ấn của tình thương.

Phanxicô muốn người ta quí chuộng thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên; ngài dạy các môn đệ mình khi đốn cây sử dụng theo nhu cầu, thì đừng chặt tận gốc, để cây còn có thể đâm chồi mới. Con người thời đại chúng ta có thể học biết bao nhiêu điều nơi thái độ của thánh nhân. Chắc chắn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nghĩ như thế khi ban Tông Thư ngày 29-9-1979 công bố thánh Phanxicô là bổn mạng các nhà môi sinh học. Suốt cuộc đời, Thánh Phanxicô luôn quan niệm sống là sống với, sống chung chan hòa với con người và muôn tạo vật.

Lạy Chúa, nhờ lời cầu bầu của thánh Phanxicô, Xin cho chúng con biết yêu chuộng hoà bình, hòa bình với mọi người và nhất là với những người đối nghịch với chúng con. Xin cho lời kinh Hoà Bình mà thánh Phanxicô để lại được thấm vào tim, vào phổi, vào khối óc của chúng con biến chúng con thành người sứ giả hoà bình của Chúa. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

 

 

SUY NIỆM 1: Bí Quyết Trẻ Trung

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Phanxicô Assisi.

Sống cách chúng ta trên 7 thế kỷ, thánh Phanxicô Assisi vẫn mãi mãi để lại một hình ảnh trẻ trung. Chưa có vị thánh nào trong Giáo Hội được nhắc nhở, yêu mến như thánh nhân. Chưa có vị thánh nào đã gợi lên nhiều cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật cho bằng thánh nhân. Chưa có vị thánh nào được các nhà chính trị, các nhà cách mạng ca tụng cho bằng thánh nhân.

Sứ điệp của thánh nhân siêu việt thời gian, bởi vì con người của thánh nhân là hiện thân của tuổi trẻ. Thật thế, suốt cả cuộc đời của mình, thánh Phanxicô Assisi luôn biết giữ một tâm hồn tươi trẻ. “Tuổi tác không phải là điều kiện thể lý cho bằng bầu khí của tâm hồn”. Có lẽ thánh nhân không phải là người đã nói lên châm ngôn ấy, nhưng hẳn ngài đã sống theo châm ngôn ấy.

Ngài biết giữ mãi cho tâm hồn tươi trẻ bằng cách hạn chế tối đa các nhu cầu, bằng cách chống cự lại các ước muốn. Ngài đón nhận mọi sự. Không thắc mắc, không lo lắng, không buồn giận.

Những khám phá của khoa học tâm lý ngày nay, thánh Phanxicô Assisi đã từng biết và sống một cách trọn vẹn. Thật thế, để có một thể xác lành mạnh, một tâm hồn tươi trẻ, các nhà tâm lý học khuyên chúng ta như sau:

- Hãy tập yêu thích những gì không quá đắt giá.

- Hãy tập yêu thích việc đọc sách, chuyện vãn, nghe nhạc.

- Hãy tập yêu thích những thức ăn thanh đạm.

- Hãy tập yêu thích tiếng chim hót, sự hiện diện của thú vật, tiếng cười đùa rộn rã của trẻ em.

- Hãy tập yêu thích trồng trọt, làm việc tay chân.

- Hãy tập yêu thích ánh bình minh cũng như hoàng hôn, tiếng mưa rơi trên mái nhà cũng như cảnh tuyết rơi.

- Hãy tập yêu thích những nhu cầu đơn giản nhất.

- Hãy tập yêu thích công việc và cảm nhận được niềm vui khi làm tốt một công việc.

- Hãy tập yêu người, dù người không giống ta.

Không khí, ánh sáng, mặt trời, niềm vui, hạnh phúc, cuộc sống, con người: đó là những yếu tố cần thiết để tạo cho bầu không khí tươi trẻ trong tâm hồn. Phải chăng đó không là những yếu tố mà người ta cũng bắt gặp trong bài ca vạn vật của thánh Phanxicô Assisi?

Một tâm hồn luôn luôn tươi trẻ: đó không chỉ là một bí quyết để được hạnh phúc trên đời này, nhưng còn là một đòi hỏi đối với người Kitô. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những ai giống chúng. Ta nói thật với các con: nếu các con không đón nhận nước Trời như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Một Vị Thánh Khó Nghèo (Lc 9, 57-62)

Nói về một vị thánh, đề cập đến cuộc đời của một con người là để hiểu biết về người đó: ca ngợi, bắt chước, noi gương người đó trong những việc làm tốt của họ. Thánh Phanxicô Assise là vị thánh của tình yêu. Người là một con người triệt để, vui tươi, trung thực. Cái trung thực của Người đã trở nên nét đẹp nhất của vị thánh thời danh. Sử gia Joseph Lortz đã từng nói:” Điều mà thế kỷ XX thiếu nhiều nhất là tính trung thực”. Thánh Phanxicô Assise là người đã làm rõ nét và sự nổi bật nét trung thực của con người. Chính sự thực tế, bền bỉ, sâu sắc của con người thánh Phanxicô Assise đã nói lên tình yêu của Ngài đặt nơi đâu? Ngài luôn muốn họa lại hình ảnh của một Giêsu Nagiarét khó nghèo, một vị vua tình yêu cao vời, nhưng lại sống chân thực không hoa mỹ, không hời hợt, không lòe loẹt. Thánh nhân đã sống hết mình, đã sống con người thực nhất của mình. Ngài đã tự ví mình như “một người điên kiểu mới giữa thế gian”.

Phanxicô điên vì Ngài nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa chan hòa khắp nơi, khắp chốn, khắp trời đất, khắp vũ trụ, nhưng tất cả đều xoay chung quanh Chúa Kitô. Vì chính Chúa Kitô là trung tâm của tất cả mọi sự trên trời dưới đất, trung tâm của lịch sử cứu rỗi con người. Thánh Phanxicô Assise muốn kéo mọi người lại với Chúa Giêsu vì Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi loài thọ sinh ( Col 1, 15-17).

Vào khoảng năm 1182, thánh nhân được sinh ra tại Assise trong một gia đình đạo đức. Cha Ngài là ông Bênađô là một thương gia tơ sợi nổi tiếng. Mẹ Ngài là bà Pica, một bà mẹ nổi tiếng đạo hạnh. Cả hai ông bà đã hun đúc Phanxicô trở thành vị thánh nổi tiếng thời danh. Thánh nhân đã được cảm hóa bởi câu Kinh Thánh:” Lạy Cha chúng tôi ở trên trời “. Bị bắt, bị cầm tù một năm, bị lâm trọng bệnh và được chữa lành, thánh nhân đã cảm nghiệm sâu xa lời Thiên Chúa. Ngài quyết định bỏ tất cả, sống cuộc đời hoàn toàn nghèo khó để nên giống Chúa Kitô năm 1206. Bị Cha già phản đối, dù rằng hiếu thảo là trên hết, nhưng Phanxicô Assise không dám chống lại ý Chúa. Ngài đã bán tất cả của cải của mình, phân phát cho những người nghèo khó và chỉ khoác trên mình một chiếc áo choàng cũ kỹ, rồi đi loan báo Tin Mừng cho Thiên Chúa. Con đường của Chúa huyền diệu. Ngài được chính Thiên Chúa thúc đẩy thành lập Dòng Anh em hèn mọn, khó nghèo. Rồi, Ngài lui về Alverne, một nơi cô tịnh, hoang sơ thuộc phía bắc Assise để suy niệm, ăn chay, cầu nguyện. Lúc xuất thần, thánh nhân nhìn thấy thiên thần Sêraphim và một cây thánh giá. Tỉnh dậy, Ngài thấy được Chúa in năm dấu thánh trên thân xác Ngài lúc đó vào năm 1224. Hai năm sau đó, Ngài lâm bệnh nặng. Trước khi ra đi về với Chúa, Ngài đã khuyên nhủ anh em trong Dòng:” Hãy sống khó nghèo và sống đức tin sâu xa vào Hội Thánh Chúa”. Ngày 04/10/1226, thánh nhân ra đi về với Chúa trong sự an bình và thánh thiện tuyệt vời. Đức Thánh Cha Grêgoriô đã tôn Ngài lên bậc hiển thánh.

Thánh Phanxicô đã sống khó nghèo tuyệt đối. Ngài muốn bắt chước Chúa, muốn noi gương đức Mẹ để sống cuộc đời khó nghèo. Do đó, Ngài đã kéo mọi người, kéo mọi vật, mọi thụ tạo lại gần Thiên Chúa. Ngài đã gọi nhân đức nghèo là” Bà Chúa nghèo”, Ngài đã gọi Mặt Trời là Anh Mặt Trời, Mặt Trăng là chị Mặt Trăng, thần chết là chị chết vv…Ngài muốn nói lên một thực tế là tất cả đều do Tình Yêu của Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, mọi sự, mọi vật, mọi loài, kể cả con người đều hòa quyện nơi Tình Yêu của Chúa và như thế, tất cả đều trở nên bài ca tình yêu muôn thuở, cảm tạ tri ân Thiên Chúa Ba Ngôi.

Xin Chúa ban cho chúng con được bắt chước đời sống khó nghèo của thánh Phanxicô Assise mà biết lướt thắng vinh hoa phú quý để càng ngày càng gia tăng lòng yêu mến Chúa và cảm thông chia sẻ với anh chị em nghèo khó. Amen.

(Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

 

SUY NIỆM 3: Cần trở nên bé mọn

Con người có thể khước từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người; Ngài luôn mời gọi con người trở về để lãnh nhận ân sủng và sự thật của Ngài. Thiên Chúa mời gọi mọi người, không phân biệt, nhưng từ phía con người có thể có một trong hai thái độ: thái độ của những kẻ bé mọn khiêm tốn để cho Chúa dạy dỗ; và thái độ của những kẻ thông thái, tự cao, cho mình thuộc một nhóm nhỏ tách rời khỏi đại đa số dân chúng.

Những kẻ thông thái được Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến trong Tin Mừng hôm nay là nhóm Biệt Phái đang đứng trong hành lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo và chống đối Chúa. Họ đến với Chúa bằng con đường của sự thông hiểu về luật Môsê; họ cho rằng chỉ cần am tường lề luật Môsê trong Kinh Thánh cũng như trong truyền khẩu là con người có thể đến với Chúa: họ tự phụ mình biết Thiên Chúa, nhưng thực ra họ lìa xa Ngài.

Con đường Chúa Giêsu mạc khải để giúp con người đến với Thiên Chúa chính là Ngài, mà mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". Nếu cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, con người sẽ không gặp được Thiên Chúa, nhưng nếu để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, con người có thể đạt tới sự thông hiệp với Thiên Chúa và được cứu rỗi: "Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những người bé mọn".

Chúng ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Ðức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người. Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp mọi thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý loại bỏ những bậc thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh những ai cậy dựa vào sự thông thái rằng họ sẽ không đến được với Chúa, không có đủ điều kiện để lãnh nhận mạc khải của Chúa. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp có sự hòa hợp giữa thông thái và đức tin Kitô giáo. Thánh Tôma Tiến sĩ là một điển hình. Nói chung, thái độ khiêm tốn để Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.

Xin Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để lắng nghe Lời Chúa với tâm hồn khiêm tốn, mến yêu. Xin cho chúng ta biết sống theo sự soi sáng của Thánh Thần để đến với Chúa và anh em.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Kinh nghiệm thiêng liêng

Con người có thể khước từ Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người, không bao giờ ngưng mời gọi con người trở về lãnh nhận ân sủng và sự thật Người ban cho nhưng không: "Hết thảy những ai mệt mỏi và vất vả hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ, ủi an". Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người, không phân biệt một ai, nhưng từ phiá con người, khi đáp lại lời mời gọi của Chúa, mỗi người chúng ta có thể có một trong hai thái độ: thái độ đơn sơ, khiêm tốn đón nhận Chúa để cho Ngài hướng dẫn dạy dỗ; hoặc ngược lại, thái độ tự cao của kẻ cho mình là khôn ngoan, không cần đến Thiên Chúa.

Những kẻ khôn ngoan thông thái mà Chúa Giêsu nhắm đến trong đoạn Tin Mừng trên đây là những người biệt phái tinh thông Lề Luật và lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo của dân Israel. Có thể nói, những kẻ khôn ngoan thông thái này đến với Chúa bằng con đường hiểu biết, nhất là sự thông thái Lề Luật Môsê. Họ nghĩ rằng chỉ cần am tường những Lề Luật của Môsê là họ có thể đến với Thiên Chúa. Họ ỷ lại vào sự hiểu biết và sự tự phụ cho mình biết rõ Thiên Chúa, nhưng thật ra, họ đang xa lìa Ngài.

"Lạy Cha, con chúc tụng Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã giấu những điều đó ngoài những kẻ khôn ngoan thông thái, nhưng lại mạc khải cho chúng con, những kẻ bé mọn". Mỗi người chúng ta cần trở nên bé nhỏ đơn sơ theo tinh thần Phúc Âm để cảm mến và sống mầu nhiệm Thiên Chúa. Ðức tin Kitô hướng ta đến gặp một con người cụ thể, một vì Thiên Chúa chấp nhận đến với con người. Ðức tin Kitô không dựa trên những lý lẽ thần học cao siêu. Ðức tin là một hồng ân cần được khiêm tốn đón nhận hơn là kết quả của cuộc sống sưu tầm trí thức.

Thánh Têrêsa Avila tuy không được học hành nhiều nhưng có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa. Thánh nữ đã trình bày những kinh nghiệm thiêng liêng của mình cách tốt đẹp đến độ Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố thánh nữ là tiến sĩ của Giáo Hội, bởi vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp các thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đoạn Tin Mừng hôm nay không có ý nói là Chúa Giêsu hoàn toàn loại bỏ những nhà thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh rằng những ai ỷ lại vào sự hiểu biết thông thái của mình, thì sẽ không đến được với Thiên Chúa. Không thiếu những trường hợp có sự hài hòa giữa sự thông thái và đức tin Kitô như thánh Thomaso thành Aquino. Trong mọi trường hợp, thái độ khiêm tốn chấp nhận để cho Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.

Lạy Chúa,

Xin thương mở rộng tâm hồn cho con được lắng nghe Lời Chúa với hết lòng khiêm tốn và biết ơn. Xin thương giúp con sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để đến với Chúa và anh chị em một cách dễ dàng và sâu xa hơn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Đường lối cư xử của Chúa

Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết điều này, nhưng lại mắc khải cho những người bé mọn.” (Mt. 11, 25)

Không giống như mọi người

Thiên Chúa không hành động như phần đông người ta, không suy nghĩ như họ, không xét đoán theo cùng tiêu chuẩn như họ.

Đối với phần đông, quy luật chung vẫn là: “Mạnh được yếu thua.” Người giầu có nhiều cơ may thăng tiến, kẻ nghèo thì họa chăng mới được, người khôn ngoan thông thái được mọi người kính trọng, hạng thứ dân ít học vốn bị coi thường. Kẻ có tiền, có quyền giống như: “Miệng quan có gang có thép.” Kẻ trắng tay lý lẽ cũng không. Ai có địa vị, người ấy có quyền ăn quyền nói, kẻ thấp hèn lên tiếng chẳng ai nghe.

Nhưng đối với Chúa lại khác hẳn, kẻ làm đầu phải trở lên người rốt hết, người rốt hết sẽ lên kẻ đứng đầu. Người mạnh trở lên yếu, kẻ yếu được lên mạnh, những bậc khôn ngoan thông thái đã bị giấú không cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, trong khi những kẻ bé mọn lại được Chúa mặc khải cho những thực tại tuyệt vời ấy.

Lời tiên báo cho những kẻ bé mọn.

Khi thấy những người khôn ngoan thông thái bịt tai không nghe những lời giáo huấn của Chúa, còn những kẻ bé mọn lại dễ dàng tiếp nhận, Chúa Giêsu trong trạng thái hứng khởi, liền cất tiếng ngợi khen Cha.

Những kẻ bé mọn mà Phúc Âm nói đến ở đây, ta có thể gặp họ ở khắp nơi. Đó là những con người ít được học hành. Những người chẳng có địa vị cao trong xã hội, những người không thành đạt mấy trong cuộc đời, những người sống khiêm tốn. Họ có được sự nhạy bén để mở lòng ra đón nhận những sự thuộc về Chúa, một sự nhạy bén mà những người khác không có.

Nhưng những kẻ bé mọn của Phúc Âm cũng có thể là những người khôn ngoan và thông thái chân thật. Tuy nhiên không phải bất cứ người khôn ngoan thông thái nào cũng là chân thật cả. Mà chỉ có những ai không vênh vang kiêu hãnh về sự hiểu biết và khôn ngoan của mình mới là những người khôn ngoan thông thái chân thật. Chỉ có những người ấy mới có được tâm hồn của những kẻ bé mọn vậy.

J.Y.G

 

SUY NIỆM:

1. Đi theo Đức Ki-tô

Bài Tin Mừng theo thánh Luca của Thánh Lễ hôm nay kể lại câu chuyện có ba người xin đi theo hay được mời gọi đi theo Đức Giê-su, khi Người đang đi trên đường cùng các môn đệ.

  • Người thứ nhất đến xin đi theo Người với lòng quảng đại : « Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo ».
  • Nhưng với một người khác, thì chính Đức Giê-su mời gọi : « Anh hãy theo tôi ». Điều lạ lùng là, Đức Giê-su ngỏ lời với người này, đúng vào lúc anh đang « đeo tang » bố, và thậm chí anh vẫn chưa lo hậu sự cho bố. Vì thế, anh sẵn lòng đáp lại lời mời gọi đi theo Đức Giê-su, nhưng chỉ xin được chôn cất người cha trước đã.
  • Và còn người thứ ba, anh cũng có lòng ước ao đi theo Đức Giê-su như người thứ nhất, và anh chỉ xin làm một điều rất bình thường, nhưng hợp tình hợp lí : « Xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã ».

Ba trường hợp, ứng với ba người, và mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, mỗi người có kinh nghiệm về ơn gọi đi theo Đức Giê-su khác nhau. Dù chúng ta sống trong ơn gọi nào, với tư cách là người Ki-tô hữu, chúng ta cũng được mời gọi đi theo Đức Ki-tô. Vậy chúng ta thấy mình giống trường hợp nào trong ba trường hợp trên ; hay chính mỗi người chúng ta, sẽ là trường hợp thứ tư !

2. Lời của Đức Giê-su

Như chúng ta đã nhận thấy, ba lời xin rất đỗi bình thường : người thứ nhất xin đi theo Đức Giê-su, người thứ hai xin về chôn táng người cha trước khi đi theo Ngài, và người thứ ba xin chỉ xin về từ biệt người thân thôi, rồi sau đó đi theo Ngài, nhưng những lời đáp của Đức Giê-su thì không bình thường chút nào, và phải làm cho người nghe ngạc nhiên. Thật vậy,

  • Với người thứ nhất, Ngài trả lời : Con chồn (hay con cáo) có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ đặt đầu. Có lẽ Ngài muốn nói đến đời sống nghèo khó tột bậc khi đi theo Ngài, trong tương quan của người môn đệ với phương tiện, của cải.
  • Với người thứ hai, Ngài nói : « Hãy Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ ». Theo sự nhạy cảm của một người bình thường, nhất là người Việt Nam chúng ta, một câu trả lời như thế thật không nhân bản, không có tình người và nhất là không tôn trọng chũ hiếu, khi chúng ta có người thân yêu qua đời !
  • Và với người thứ ba, chỉ xin về từ biệt thôi, nhưng Đức Giê-su cũng từ chối và nói những lại thật mạnh mẽ : « Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa ». Dường như, Đức Giê-su muốn chúng ta phải đoạt tuyệt với gia đình, bạn bè, với quá khứ, với cuộc đời đã qua, khi đi theo Người. Hơn nữa, Người dùng hình ảnh « cầm cày » để nói về hành trình đi theo Ngài có thể gây lo lắng nhiều hơn là niềm vui và bình an.

Chúng ta có thể nhớ lại, trong những tình huống khác, lời của Đức Giê-su cũng không kém triệt, không thể áp dụng ngay được : « Nếu mắt hay tay gây cớ phạm tội, hãy móc hay chặt ngay đi ! ». Cũng như chúng ta không thể sống mà không tựa đầu vào một chỗ nào đó, không thể để mặc kẻ chết chôn kẻ chết, và cũng không thể « chạy xe » mà không ngoái lại đằng sau.

Đó là vì lời của Đức Giê-su không phải là chữ viết hay lề luật, cứ thế mà đem ra thực hành, nhưng lời của Ngài là thần khí, mặc khải cho chúng ta một hướng đi, một năng động sống ; và mỗi người và mỗi thời được mời gọi sống theo cách của mình, theo khả năng của mình, mức độ trưởng thành thiêng liêng của mình, theo tình yêu của mình dành cho Chúa và cho tha nhân. Lề luật thì không chấp sự khác biệt khi thực thi, trong khi đó, cùng một thần khí, nhưng có những cách thể hiện khác nhau, như thánh Phao-lô nói về những ơn huệ khác nhau của cùng một Thần Khí ; luật thì không quan tâm đến ngôn vị, trong khi thần khí là một năng động sống khởi đi từ ngôi vị, với lịch sử, vấn đề, vết thương, nỗi khổ đau…

3. Con đường « Mầu nhiệm Vượt Qua »

Thật vậy, chúng ta sẽ khám ra cả một năng động sống, cả một con đường thiêng liêng trong những lời khó nghe của Đức Giê-su, nếu chúng ta đặt mình vào bối cảnh của mầu nhiệm Vượt Qua, như Đức Giê-su đã nói trong bài Tin Mừng hôm qua : « Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem ».

  • Đức Giê-su nói với người thứ nhất: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giê-su trên Thập Giá, để nhận ra đầu của Ngài tựa vào đâu : chẳng vào đâu hết, mà chỉ tựa vào lời kêu cầu dâng lên Cha : « Lạy cha, trong tay Cha, con xin phó thác hồn con ». Ngài chỉ tựa vào lòng Cha, vào sự Quan Phòng yêu thương của Cha.
  • Người nói với người thứ hai : « Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa» Đi theo Chúa, chúng ta phải vượt qua Biển Đỏ, vượt qua nguy hiểm, thử thách và chính sự chết để đi vào sự sống của Thiên Chúa, đi vào miền đất dành cho người sống. Nơi Thiên Chúa và Triều đại của Người, không có sự chết và những người chết, nhưng chỉ có sự sống, và những người sống cho Chúa và loan báo Triều Đại của Người mà thôi.
  • Và với người thứ ba, chỉ xin về từ biệt thôi, nhưng Đức Giê-su nói : « Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa ». Con đường Vượt Qua của Đức Giê-su là đường hiền lành, tín thác, hướng về Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.

Đức Giê-su quyết định đi về cùng Cha, bằng con đường Vượt Qua, nghĩa là bằng con đường « yêu thương đến cùng » (x. Ga 13, 1), bởi vì :

Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài/ trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót.

(Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót)

Người thì xin đi theo, kẻ thì xin đi về. Còn chúng ta, hôm nay hay trong giai đoạn sống này của hành trình đi theo Chúa, chúng ta xin Ngài điều gì ?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

Luke 9,57-62

Wednesday (October 4):  “Fit for the kingdom of God”

 

Scripture: Luke 9:57-62 

57 As they were going along the road, a man said to him, “I will follow you wherever you go.” 58 And Jesus said to him, “Foxes have holes, and birds of the air have nests; but the Son of man has nowhere to lay his head.” 59 To another he said, “Follow me.” But he said, “Lord, let me first go and bury my father.” 60 But he said to him, “Leave the dead to bury their own dead; but as for you, go and proclaim the kingdom of God.” 61 Another said, “I will follow you, Lord; but let me first say farewell to those at my home.” 62 Jesus said to him, “No one who puts his hand to the plow and looks back is fit for the kingdom of God.”

Thứ Tư     4-10           Thích hợp với vương quốc của Thiên Chúa 

 

Lc 9,57-62

57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.”58 Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”59 Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi! ” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.”60 Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”61 Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.”62 Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

Meditation: Are you ready to follow the Lord Jesus wherever he may lead you? With the call the Lord gives the grace to respond and the strength to follow all the way to the end. Why does Jesus issue a challenge with the call? Jesus was utterly honest in telling people what it would cost to follow him. When a would-be disciple approached Jesus and said he was ready to follow, Jesus told him it would require sacrifice – the sacrifice of certain creaturely comforts. Jesus appealed to this man’s heart and told him to detach himself from whatever might hold him back. Spiritual detachment is a necessary step for following the Lord. It frees us to give ourselves without reserve to the Lord and his service. While many of us may not need to give up the comfort of our own home and bed to follow Jesus, we, nonetheless, must be willing to part with anything that might stand in the way of doing God’s will. 

 

Don’t let anything hold you back from following the Lord Jesus

Another would-be disciple said he would follow as soon as he had buried his father. What he meant by this expression was that he felt the need to return to his home to take care of his father through old age until he died. The third had no obligation to return home, but simply wanted to go back and say good-bye. Jesus surprised these would-be disciples with the stark truth that nothing should hinder us from following the Lord. Was Jesus being harsh and rude to his would-be followers? Not really. We are free to decide whether we will take the path which Jesus offers. But if we choose to go, then the Lord wants us to count the cost and choose for it freely.

 

 

Don’t miss the good path God has set for you – it will lead to joy and freedom

What does the story of a plowman have to do with the journey? A plowman who looked back while plowing his field caused the line or furrow he cut into the soil to become crooked. One crooked line easily leads to another until the whole field is a mess. The plowman had to look straight ahead in order to keep the plow from going off course. Likewise, if we look back on what we have freely left behind to follow the Lord – whether that be some distraction, attachment, or sinful habit which leads us away from doing God’s will – our path will likely diverge and we’ll miss what God has for us. 

Will you say “yes” to the Lord’s call for your life?

The Gospel does not record the response from these three would-be disciples. We are only left with the question which Jesus intends for us as well.  Are you ready to take the path which the Lord Jesus offers? His grace is sufficient and his love is strong. There is nothing greater we can do with our lives than to place them at the service of the Lord and Master of the universe. We cannot outmatch God in his generosity. Jesus promises that those who are willing to part with what is most dear to them for his sake “will receive a hundred times as much and will inherit eternal life” (Matthew 19:29). The Lord Jesus offers us a kingdom of lasting peace, unending joy, surpassing love, enduring friendship, and abundant life. Is there anything holding you back from pursuing the Lord and his will for you life?

“Take, O Lord, and receive my entire liberty, my memory, my understanding, and my whole will. All that I am and all that I possess you have given me. I surrender it all to you to be disposed of according to your will.  Give me only your love and your grace – with these I will be rich enough and will desire nothing more.” (Prayer of Ignatius Loyola, 1491-1556)

Suy niệm: Bạn có sẵn sàng đi theo Chúa bất cứ nơi nào Người dẫn bạn đến không? Cùng với ơn gọi, Thiên Chúa ban ơn sủng để đáp trả và sức mạnh để bước theo tất cả mọi nẻo đường cho đến cùng. Tại sao Đức Giêsu đặt ra vấn đề ơn gọi? Đức Giêsu hoàn toàn thành thật trong việc nói với người ta những gì đòi hỏi để theo Ngài. Khi một người muốn trở thành môn đệ đến gần Đức Giêsu và nói anh sẵn sàng theo Đức Giêsu, Ngài nói với anh điều đó đòi hỏi sự hy sinh – hy sinh những an ủi thụ tạo nào đó. Đức Giêsu đã đụng tới tâm hồn người thanh niên này và nói với anh phải tách mình ra khỏi bất cứ điều gì có thể cầm giữ anh lại. Sự từ bỏ thiêng liêng là bước tiến cần thiết để đi theo Chúa. Nó giải thoát chúng ta để dâng mình trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho việc phụng sự Người. Trong khi nhiều người trong chúng ta không cần từ bỏ sự an toàn của nhà cửa và tiện nghi để theo Đức Giêsu, tuy nhiên, chúng ta phải sẵn sàng dứt bỏ bất cứ điều gì có thể ngăn cản thực hiện thánh ý Chúa.

 

Đừng để điều gì lôi kéo bạn không theo Chúa Giêsu

Một người muốn trở thành môn đệ khác nói rằng anh sẽ theo Chúa ngay sau khi anh chôn cất cha mình. Điều anh muốn nói qua lời diễn tả này có nghĩa là anh ta cảm thấy cần trở về nhà săn sóc cha mình trong lúc tuổi già cho đến khi cha anh chết. Người thứ ba không có lý do để quay về nhà, nhưng đơn giản muốn quay lại chào tạm biệt. Đức Giêsu đã khiến cho những người muốn trở thành môn đệ này phải kinh ngạc với lời quả quyết rằng không gì có thể ngăn cản chúng ta trong việc đi theo Chúa. Đức Giêsu có khắc nghiệt và cứng rắn với những người này không? Thực sự không phải thế. Chúng ta có thể tự do quyết định chúng ta có muốn đi theo con đường Đức Giêsu đề ra hay không. Nhưng nếu chúng ta chọn theo Chúa, thì Chúa muốn chúng ta phải trả giá và chọn nó một cách tự nguyện.

Đừng bỏ qua con đường tốt Thiên Chúa đã dành cho bạn, nó sẽ dẫn bạn tới niềm vui và tự do

Câu chuyện người cày ruộng có liên hệ gì đến cuộc hành trình này? Người cày ruộng nhìn lại phía sau trong khi cày tạo ra một đường hay một luống bị méo đi. Luống cày bị méo dễ dàng dẫn tới một luống cày khác, rồi cả đám ruộng bị lộn xộn. Người cày ruộng phải nhìn thẳng về phía trước để giữ cho cái cày đi đúng hướng. Tương tự, nếu chúng ta nhìn lại phía sau những gì chúng ta đã tự do bỏ lại để theo Chúa – có thể là sự giải trí, dính bén, hay thói quen tội lỗi, dẫn chúng ta xa rời thánh ý Chúa – con đường chúng ta đi sẽ giống như bị trệch hướng và chúng ta bỏ lỡ những gì Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Bạn sẽ thưa “vâng” trước lời mời gọi của Chúa dành cho cuộc đời bạn không?

Tin mừng không thuật lại phản ứng của ba người muốn trở thành môn đệ này. Chúng ta chỉ còn lại câu hỏi mà Đức Giêsu cũng muốn dành cho chúng ta. Bạn có sẵn sàng đi theo con đường Đức Giêsu mời gọi không? Ơn sủng của Chúa luôn đầy đủ và tình yêu của Ngài luôn mạnh mẽ. Chúng ta không thể làm gì lớn lao hơn cho cuộc đời mình bằng dành nó cho việc phụng sự Thiên Chúa và Chủ tể của vũ trụ. Chúng ta không thể vượt trổi hơn Chúa về sự quảng đại. Đức Giêsu hứa rằng những ai sẵn sàng từ bỏ những gì đáng yêu nhất đối với họ vì Ngài “sẽ nhận được gấp trăm và sẽ thừa hưởng sự sống đời đời” (Mt 19,29). Đức Giêsu đề cử với chúng ta một vương quốc bình an vĩnh cửu, niềm vui bất tận, tình yêu vượt trổi, tình bằng hữu vững bền, và sự sống sung mãn. Có điều gì níu kéo bạn, ngăn cản việc tìm kiếm Chúa và thánh ý Người cho cuộc đời bạn không?

Lạy Chúa, xin nhận lấy toàn bộ sự tự do của con, ký ức của con, sự hiểu biết của con, và trọn vẹn ý chí của con. Tất cả những gì con là và tất cả những gì con có đều do Chúa ban cho. Con xin dâng lại tất cả cho Chúa để Chúa tùy ý sử dụng. Xin chỉ ban cho con tình yêu và ơn sủng của Chúa – với những điều này, con sẽ giàu có và sẽ không còn mong ước gì nữa. (Lời cầu nguyện của thánh Inhaxiô, 1491-1556).

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận