Suy Tôn Thánh Giá. Lễ kính.

Đăng lúc: Thứ năm - 14/09/2017 01:55 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Suy Tôn Thánh Giá. Lễ kính.

“Con Người phải bị treo lên”.

 

* Lễ Suy Tôn Thánh Giá được cử hành sau lễ Cung Hiến Thánh Đường Phục Sinh, được xây ở Giê-ru-sa-lem trên mồ thánh (335). Từ cõi chết phục sinh, Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết. Thánh giá của Người tiêu biểu cho cuộc chiến thắng này. Truyền thống còn thấy ở đây dấu chỉ của Con Người, Đấng sẽ xuất hiện trên trời để loan báo ngày Người trở lại.

 

Lời Chúa: Ga 3, 13-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

“Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Thập Giá, con đường về trời

Chúa ban cho chúng ta mỗi người một khuôn mặt, bất kỳ lúc nào cũng có thể ngước nhìn lên trời. Khi thức cũng như khi ngủ, và ngay cả khi đã bị chôn vùi trong lòng đất, mặt chúng ta cũng vẫn còn hướng lên trời. Vậy hướng lên trời để làm gì? Tôi xin thưa là để chúng ta nhớ rằng chúng ta còn có một người Cha đang mong chờ chúng ta, cũng như để chúng ta xác tín rằng Nước Trời mới chính là quê hương đích thực của chúng ta. Vậy thì để tìm về với Chúa, để đạt tới quê hương Nước Trời, chúng ta phải làm gì?

Hẳn chúng ta còn nhớ có lần Chúa đã xác quyết: Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Thế nhưng con đường ấy như thế nào? Phải chăng là một con đường ngợp những cánh hoa. Tôi xin thưa không phải là như thế, nhưng là một con đường vừa khúc khuỷ, vừa nhỏ bé mà ít người muốn đặt chân vào. Và cụ thể hơn nữa, đó là con đường đau khổ, con đường thập giá như lời Người đã xác quyết: Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Đó là con đường duy nhất, rẽ ngang vào một lối khác, chắc chắn thế nào chúng ta cũng bị lạc.

Thực vậy, muốn được vào Nước Trời, chúng ta phải có công nghiệp, mà muốn có công nghiệp, chúng ta phải vác lấy thập giá mình. Công nghiệp của chúng ta mặc dù là nhỏ bé nhưng lại là một sự cộng tác cần thiết cho chính bản thân chúng ta được cứu rỗi. Bởi đó chúng ta đừng vội lẩm bẩm kêu trách mỗi khi gặp phải những gian nguy thử thách. Trái lại hãy coi đó là một diễm phúc vì được làm chính việc của Chúa, vì được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ. Hơn nữa những khổ đau chúng ta phải chịu trong cuộc sống hiện tại, sẽ không thể nào sánh ví được với hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu mà chúng ta sẽ được đón nhận trên quê hương Nước Trời.

Có một vị ẩn sĩ sống trong một khu rừng vắng, ngày đêm không lúc nào ra khỏi chiếc lều ẩm thấp và chật hẹp. Ấy là chưa kể đến những hình khổ mà thầy dùng để đánh tội. Ngày kia có mấy người quý phái đến thăm, họ hết sức ngạc nhiên khi thấy thầy hãm mình một cách nghiêm ngặt. Họ hỏi thầy làm sao mà thầy có thể chịu đựng nổi. Thầy bèn chỉ vào một kẽ nứt bằng bàn tay trên vách núi và nói: Chính cái đó đã giúp đỡ tôi. Vì mỗi khi thân xác tôi muốn nổi loạn, thì qua kẽ nứt ấy tôi nhìn thấy bầu trời, và qua bầu trời tôi nhớ tới quê hương vĩnh cửu và đích thật của tôi.

Thực vậy, những giọt nước mắt ngày hôm nay nhỏ xuống, thì ngày mai sẽ kết thành những trái chín của hạnh phúc Nước Trời, bởi vì nhờ những giọt nước mắt khổ đau ấy mà chúng ta trở nên giống Đức Kitô. Hay như lời thánh Phaolô đã nói: Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô thì chúng ta cũng sẽ được sống lại với Người. Bởi vì chính Ngài đã long trọng công bố: Phúc cho những ai than khóc, vì họ sẽ được ủi an.

 

Suy Niệm 2: Ba cuộc đời - ba cách chết

(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Trên đồi Golgotha cách đây hơn hai ngàn năm, có 3 tử tội trên thập giá. Ba con người đều chết trên thập giá với ba thái độ khác nhau. Đó chính là Thầy Giêsu ở giữa. Một người bên hữu được gọi là trộm lành. Một người bên tả truyền thống vẫn gọi là trộm dữ. Tại sao cùng một hoàn cảnh mà cách thức đón nhận lại khác nhau? Đâu là điểm khác biệt giữa ba con người?

Trước hết đó là Thầy Giêsu, một con người đã tự nguyện vác thập giá để cứu độ chúng sinh. Ngài chấp nhận đi vào cái chết không phải do tội của mình mà vì tội của nhân gian. Ngài đã chết để thí mạng vì bạn hữu. Cả cuộc đời của Ngài đã sống vì người khác. Ngài đã sống một cuộc đời để yêu thương và yêu thương cho đến cùng. Ngài đã đi đến tận cùng của yêu thương là thí mạng mình vì bạn hữu. Cái chết của Ngài là bằng chứng cho tình yêu. Đau khổ Ngài chịu cũng vì yêu thương nên Ngài không than vãn, không uất hận vì đời đen bạc. Không nguyền rủa cuộc đời vì những gánh nặng đang đè trên vai. Vì yêu đối với ngài không chỉ là tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, mà còn dám chết cho người mình yêu được sống và sống dồi dào. Thế nên, đau khổ đối với Ngài là niềm vui. Và ngài đã đi vào cái chết trong thanh thản vì đã hoàn thành sứ mạng đời mình: "yêu thương và phục vụ cho" người mình yêu. Ngài không hối tiếc về cuộc sống đã qua. Ngài không hối hận vì việc mình đã làm. Ngài rất vui vì đã đi trọn con đường của tình yêu. Ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong an bình khi Ngài nói cùng nhân loại "mọi sự đã hoàn tất" và nói cùng Chúa Cha "Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn trong tay Cha".

Người thứ hai là anh trộm lành. Anh là một tội nhân. Anh đón nhận hình phạt và cái chết vì chính tội của mình. Nhưng anh là một con người biết phải trái. Anh biết việc mình làm là đáng tội, là đáng phải chịu hình phạt. Cuộc đời anh chưa làm điều gì tốt cho tha nhân. Anh đã sống một cuộc đời chỉ làm hại người khác. Thế nên, anh đã nói với Chúa: "Tôi đã bị như thế này là xứng đáng với tội của tôi". Anh đón nhận thập giá để đền bù những lầm lỗi đã qua. Anh chấp nhận cái chết nhục nhã như là hình phạt đích đáng vì tội của mình. Anh đã tìm được bình an trong giờ phút cuối cùng của đời người. Anh cũng biết rằng anh không xứng đáng chung phần hạnh phúc thiên đàng với Thầy Giêsu, anh chỉ mơ ước Thầy Giêsu nhớ tới anh khi Thầy về thiên đàng. Đối với anh thập giá là cơ hội để anh để anh đền bù lầm lỗi. Thập giá là nhịp cầu đưa anh vào thiên đàng. Thế nên, anh đón nhận thập giá với lời xin vâng theo mệnh trời. Anh không oán trời, oán đất. Anh đi vào cái chết với tâm hồn thanh thản vì anh đã đền bù những lầm lỗi của quá khứ cuộc đời.

Người thứ ba là anh trộm dữ. Anh lao vào cuộc đời như con thú đang tìm mồi. Cuộc đời anh chỉ tìm hưởng thụ cho bản thân. Vì ham muốn danh lợi thú anh đã sẵn sàng hạ thấp nhân phẩm mình và chà đạp phẩm giá của tha nhân. Anh đang có nhiều toan tính để hưởng thụ. Thế nên, anh không chấp nhận thập giá trên vai anh. Anh không chấp nhận kết thúc cuộc đời bằng cái chết bi thảm trên thập giá. Anh đòi quyền sống. Sống để hưởng thụ. Anh nổi loạn vì đời anh còn quá trẻ, còn quá nhiều tham vọng nên anh không thể chấp nhận cái chết đến với mình. Thế nhưng, anh vẫn phải chịu hình phạt vì tội của mình. Công lý đòi buộc anh phải thi hành, dầu anh không muốn. Thập giá làm cho anh đau khổ. Cái chết làm cho anh nổi loạn. Anh nguyền rủa trời, nguyền rủa đất và xúc phạm cả đến Thầy Giêsu, một con người đang phải chịu cái chết vì đã liên đới với anh. Anh đã chết trong sự hoảng loạn và khổ đau.

Mỗi người chúng ta đang sống một cuộc đời cho chính mình. Mỗi người chúng ta đang đón nhận thập giá với thái độ khác nhau. Có người chấp nhận thập giá để đền tội. Có người chấp nhận thập giá vì lòng yêu mến tha nhân. Và cũng có người đang từ chối thập gía trong cuộc đời. Hạnh phúc hay đau khổ tuỳ thuộc vào việc chọn lựa sống của chúng ta. Nhưng dù con người có muốn hay không? Thập giá vẫn hiện diện. Thập giá của bổn phận. Thập giá của hy sinh từ bỏ những tham lam bất chính, những ham muốn tội lỗi, những ích kỷ tầm thường. Đón nhận thập giá sẽ mang lại cho ta tâm hồn bình an vì đã sống đúng với bổn phận làm người. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta đền bù những thiếu sót trong cuộc sống của mình và của tha nhân. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta tiến tới vinh quang phục sinh với Chúa trên thiên đàng.

Nguyện xin Chúa là Đấng đã vui lòng đón nhận thập giá vì chúng ta, nâng đỡ và giúp chúng ta vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Xin giúp chúng ta biết sống một cuộc đời hy sinh cao thượng để chúng ta không hối hận vì quá khứ, nhưng luôn bình an vì đã sống chu toàn bổn phận của mình với lòng mến Chúa, yêu người. Amen.

 

Suy Niệm 3: Suy tôn Thánh Giá

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – Radio Veritas Asia)

Tuần báo Thế Kỷ Kitô, xuất bản bên Hoa Kỳ có kể lại kinh nghiệm sau đây của một vị linh mục công giáo tại bang Carolina vào Tuần Thánh.

Để giúp các tín hữu trong giáo xứ suy niệm về mầu nhiệm thập giá, linh mục này cho dựng một cây thập giá cao to, bằng gỗ sơn đen ngay trong sân nhà thờ. Chẳng may trong ngày hôm đó, có người xưng mình là đại diện cho hãng du lịch trong vùng gọi điện thoại đến khiếu nại. Lý do như sau: khách du lịch đi qua trước nhà thờ không thích nhìn thấy cây thập giá đen thui này, họ muốn xem những gì vui tươi hơn. Đó là câu chuyện của đời này ở bên Hoa Kỳ. Nhiều người đã quên hay cố quên mầu nhiệm thập giá trong đời sống đức tin, nhưng không phải chỉ là chuyện đời này mà thôi, ngay từ thời xa xưa, thời các thánh tông đồ cũng đã xảy ra như thế. Thánh Phaolô đã thốt lên rằng: "Nhiều người sống nghịch lại thập giá Chúa. Họ chỉ sống theo cái bụng, chạy theo lợi lộc, ham vui". Thập giá Chúa còn có ý nghĩa gì đối với người Kitô hôm nay chăng?

Trước khi mạc khải về ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá, Chúa Giêsu nhắc lại cho ông Nicôđêmô về nguồn gốc thần linh từ trời xuống của chính mình như là Con Thiên Chúa: "Không ai đã lên trời, ngoài trừ Con Người, Đấng từ trời xuống". Tự nó, thập giá là chặng dưới đất và thực tại đau buồn do con người tạo ra, nhưng để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của nó thì cần phải đóng đinh Con Thiên Chúa vào đó, cần phải hiểu mầu nhiệm thập giá trong cái nhìn từ trên cao, trong cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng muốn và đã sai Con Một mình xuống trần gian và chịu chết treo trên thập giá, để biến dấu chỉ của sự trừng phạt trở thành dấu chỉ của tình yêu cứu rỗi. "Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, như con rắn đồng của Môsê, để ai tin vào Con Người thì được sống muôn đời". Chúa muốn ông Nicôđêmô nhìn về thập giá từ trên cao theo cái nhìn của chính Chúa, và lúc đó con người sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa dùng thập giá để mạc khải tình yêu thần linh, để hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau.

Như lời mời gọi của Chúa cho ông Nicôđêmô, cần phải đặt Con Thiên Chúa vào thập giá, cần phải treo Con Thiên Chúa lên thập giá, con người chúng ta có hiểu được ý nghĩa của thập giá? Thập giá mạc khải cho con người biết tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ của sự khước từ của con người đối với Thiên Chúa, là dấu chỉ của sự thù ghét của con người đối với con người, của con người say mê quyền hành và danh vọng, muốn làm mọi cách để loại bỏ đối thủ của mình như những người biệt phái Pharisiêu ngày xưa đã dùng thập giá để loại bỏ Chúa Giêsu, Đấng đang lôi kéo dân chúng bỏ họ mà theo Chúa.

Mỗi người Kitô chúng ta hôm nay, nhân ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, hãy kiểm điểm lại thái độ của mình đối với thập giá Chúa. Phải chăng thập giá Chúa đã bị tục hóa, bị chúng ta biến trở thành món trang sức để khoe của, để củng cố địa vị, để lường gạt anh chị em? Chúng ta làm dấu thánh giá trên mình, chúng ta mang dấu thánh giá trên áo, trên cổ nhưng chúng ta đã sống ý nghĩa của thập giá như Chúa đã mạc khải như thế nào?

Lạy Chúa,

Xin thương dạy con hiểu biết, đón nhận và sống mầu nhiệm thập giá trong chính đời sống của con. Xin cho con một tâm hồn quảng đại, không chạy trốn trước lời mời gọi của thập giá Chúa, nhưng sẵn sàng để cho cuộc đời con được đóng đinh vào thập giá với Chúa, trở thành của lễ hy sinh, giúp anh chị em nhận ra tình yêu Chúa.

 

Suy Niệm 4: Học yêu Thánh Giá

(Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Tình cờ tôi nghe bài hát “học yêu Thánh Giá”, từ web: mp3.zing.vn/bai-hat/Hoc-yeu-Thanh-Gia.

Lời ca ngắn gọn mà sâu sắc, giai điệu nhẹ nhàng cho tôi cảm nhận sâu lắng về tình yêu Thánh Giá Chúa Giêsu.

Thánh Giá là chữ T.

Người nằm giang tay chữ Y.

Là tình yêu, yêu đến tận cùng.

Yêu nhân gian chiều ngang.

Yêu đời mình chiều sâu.

Yêu Chúa là chiều cao.

Để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu.

Thập giá là chữ T được tạo nên do hai thanh gỗ. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Trên thập giá, Chúa Kitô chịu đóng đinh dang tay thành chữ Y. Tình yêu là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống. Cả ba chiều kích ngang, sâu, cao của thập giá đều quy tụ nơi tình yêu của Đấng chịu đóng đinh. Chúa Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh. Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).

Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.

Ca nhập lễ ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá đã mượn lời của Thánh Phaolô trong thư Galat 6,14 để hân hoan hát lên: “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta”.

Kinh Tiền Tụng đã chú giải: “Thật vậy, xưa vì cây trái cấm, loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô, Chúa chúng con”.

Thánh Bonaventura viết: “Thánh Giá là cây tòan hảo, được thánh hóa bởi Máu Chúa Kitô, mang đầy trái thơm ngon“. Cây Thánh giá còn được phong phú hóa như là một loài cây quý hiếm và tươi thắm diễm lệ, hoa trái tràn đầy trong lời trong kinh ‘A Rất Thánh Giá’: “Khen cây thánh giá ở giữa rừng phàm, nên giống báu lành, nên cây sang trọng, nên đơn linh nghiệm, nên tàu vượt qua biển hiểm thế nầy….Cây thánh giá tốt lành rất mực dìm dà êm mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình. Cội rễ, nhành lá, búp bông, hoa quả. Từ xưa đến nay, cây nào dám ví bằng cây thánh giá, từ cây thánh giá chở mình Chúa Cả đóng đinh trên cây thánh giá”.

Tại bãi biển Copacabana tối thứ sáu 26-7-2013 đi Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giảng Thập giá là: “Một tình yêu tuyệt vời khi đi vào tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho nó, đi vào đau khổ của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đi vào cái chết để chiến thắng nó và cứu vớt chúng ta. Thập giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài. Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt vào đó tất cả niềm tin của chúng ta, nơi chúng ta có thể tin tưởng. Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy phó thác vào Người một cách trọn vẹn! (x. Ánh Sáng Đức Tin, 16). Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, chúng ta mới có thể tìm thấy phần rỗi và ơn cứu độ. Với Ngài, sự dữ sự đau khổ và cái chết không còn quyền thế, bởi vì Ngài cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thập giá từ một công cụ của sự thù ghét, sự thất bại và sự chết thành một dấu chứng của tình yêu, sự khải hoàn và sự sống”.

Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã muốn tín thác Thập Giá Chúa cho người trẻ và ngài nói: “Các con hãy đem Thánh Giá vào trong thế giới như dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ nơi Chúa Kitô chết và phục sinh, mới có sự cứu rỗi và ơn cứu độ” (Diễn văn với giới trẻ, 22 tháng 4 năm 1984). Kể từ đó, Thập Giá đã rong ruổi qua mọi đại lục, và đi qua các thế giới khác nhau nhất của cuộc sống con người, hầu như được thấm nhập bởi các tình trạng sống của biết bao nhiêu người trẻ đã trông thấy và đã mang Thập Giá đó. Không có ai đụng tới Thập Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính mình, và không đem một cái gì đó của Thập Giá Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của mình.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25). Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Chúa Giêsu chết trên thập giá, muốn minh chứng rằng Người yêu thế gian hơn yêu chính mình. Nơi thập giá, Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu ở dạng thức cao nhất: Tình Yêu đến mức tận cùng, một Tình Yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa. Yêu là hiến tế, là hy sinh chính mình. Hiến dâng chính mình vì thiện ích của kẻ khác. Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trên thập giá như là sự đền bù vì ơn cứu độ nhân loại.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá.Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Đức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.

 

Suy Niệm 5: Suy niệm của ĐGM. Phaolô M. Cao Đình Thuyên

Một nhà thông thái nằm mơ thấy mình để cả cuộc đời đi tìm một cuốn sách hay nhất gồm tóm mọi sự trên đời, cuốn sách đó chỉ tóm gọn trong một trang hay nhất, rồi trang ấy gồm trong một dòng hay nhất, rồi dòng ấy trong một chữ hay nhất. Ông giật mình tỉnh dậy, trên bàn ông có một chữ to tướng: Crux, Thánh Giá.

Phải, Thánh Giá là chữ hay nhất gồm tóm những bài học hay nhất, của một dòng chữ hay nhất, của một trang hay nhất, của một cuốn sách hay nhất. Vậy Thánh Giá là gì? Chắc chắn ta không nhìn và giải thích về mặt thể lý: 2 thanh gỗ, sắt, đồng, chì, vàng, bạc đóng vào nhau thành hình chữ thập, dù có gắn ảnh chuộc tội hay không.

Thánh Giá là tình thương vô biên của Thiên Chúa qua Chúa Kitô, đã tỏ cho loài người bằng cách hứng chịu mọi đau khổ trên thập giá để cứu độ chúng ta, và ngược lại, Chúa muốn chúng ta cũng qua Thánh Giá đóng góp phần mình vào ơn cứu độ để cứu mình và anh em, để tất cả được sống lại vinh quang với Chúa. Chỉ một vài dòng đơn sơ, nhưng nói đến Thánh Giá là động chạm đến bao vấn đề hết sức quan trọng và sâu sắc.

Trước hết, Thánh Giá là tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Thánh Gioan viết: “Tình yêu Thiên Chúa cốt tại điều này là không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước nhưng chính là Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước. Tình yêu của Thiên Chúa biểu hiện qua việc Ngài đã sai Con Một Ngài vào trong thế gian để làm của lễ đền tội chúng ta”. Như thế, tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu nhưng không, vô vị lợi. Chúa yêu chúng ta không phải vì chúng ta tốt hay vì Ngài cần chúng ta, nhưng chỉ vì Chúa tốt lành vô song. Tiên tri Giêrêmia đã nói rất cảm động: “Ta đã yêu con bằng tình yêu muôn đời, bởi thế Ta đã giữ bền ân nghĩa với con” (Giêrêmia 31,3). Thánh Augustin cũng nói: “Nguồn nước có được lợi gì khi kẻ khát nước đến uống ở đó, mặt trời có lợi gì khi con mắt được ánh sáng chiếu tới”. Nhà thần học Don Scot dòng Phanxicô, vào thế kỷ 14 còn nói mạnh hơn: “Giả thiết loài người không phạm tội thì vì yêu ta Chúa cũng có thể làm người và chịu nạn chịu chết”. Giả thiết vậy để kích thích ta thêm lòng đạo đức, đào sâu thêm huyền nhiệm tình yêu, chứ thực tế loài người đã phạm tội và Chúa đã sai con Ngài xuống thế gian thật để cứu chúng ta bằng cả cuộc sống của Ngài, mà cao điểm là cuộc khổ nạn và chết trên thập giá. Trước một tình yêu cao cả và vô vị lợi như thế sao ta lại dễ thất vọng chán nản mỗi khi gặp thử thách? Là con cái Chúa, là tu sỹ, nhất là tu sỹ Mến Thánh Giá lại ngã lòng mỗi khi Chúa muốn chúng ta chia sẻ Thánh Giá với Ngài? Phải chăng ta còn quá ích kỷ trong việc mến yêu Chúa? Ta yêu Ngài chỉ vì ta cần đến Ngài chẳng khác gì coi Ngài như cái vòi nước, khi cần thì đến vặn dùng, xong lại đóng sập lại ngay.

Một nhà mục sư Tin Lành giảng về câu Kinh Thánh của Thánh Gioan trên rất hay: 2 gia đình, 1 Công giáo, 1 Tin lành đi lại với nhau rất thân, gia đình Công giáo có 5 người con, ông bà Tin lành đã già mà không có con. Họ quý mến nhau lắm và mọi sự thông cảm chia sẻ với nhau rất quảng đại. Một hôm ông bà Tin lành mạnh dạn nói với ông bà Công giáo: Cả 2 ta cùng thờ một Chúa Giavê, một Chúa Kitô, tuy là 2 Hội Thánh nhưng chúng ta vẫn quý mến nhau vì cũng gặp ở một Chúa. Chúa cho gia đình bác nhiều cô cậu, còn tôi trong cảnh già nua buồn bã, tôi muốn xin bác cho chúng tôi 1 cô hoặc 1 cậu để ông bà làm vui. Tôi hứa sẽ yêu thương giáo dục cháu hết sức! Ông bà Công giáo cảm động quá về bàn với nhau xem nên cho đứa nào.

- Con cả là một cậu trai tuấn tú, thông minh, ngoan ngoãn, nhất định không được. Vả ai lại cho trưởng nam đi.

- Con thứ là một cô gái xinh đẹp đạo đức lại vừa đính hôn với một thanh niên xứ bạn, ai lại cho đi đứa con chỉ vài ba tháng nữa sẽ về nhà chồng.

- Con thứ ba là cậu trai tàn tật, què chân. Hai vợ chồng buồn bã cho số phận hẩm hiu của con nên càng đem lòng ưu ái con để bù thiệt cho nó, thì sao có thể cho nó đi và lại cho bạn một đứa con tàn tật, làm sao coi được.

- Con thứ tư là một cô thiếu nữ 10 tuổi. Vừa nói tới bà đã khóc tru trếu vì bà coi cô như hòn ngọc. Bà coi cô là hình ảnh sống động của mình vì lời ăn tiếng nói, nụ cười, cả dáng đi đều giống hệt như bà.

- Con thứ 5 là cậu trai út, 4 tuổi, suốt ngày nói nói cười cười, khi ngồi trên gối mẹ, lúc lại nằm trên tay cha. Đi nhà thờ, đi dạo chơi luôn kèm theo mẹ cha sao có thể rời được. Rút cuộc đành phải báo lại cho ông bạn Tin lành là không thể cho ông bạn được đứa nào cả

Nhà mục sư cao giọng: Con người thân thiết nhau đến thế mà người có 5 con không thể cho ông bạn 1 đứa. Thế mà Thiên Chúa và nhân loại có thân thiết nhau được như thế không? Tội lỗi đã làm con người nên tử thần với Chúa, Chúa Cha lại chỉ có 1 người con vô cùng quý hóa, ấy mà Ngài lại cho con mình xuống trần gian tội lỗi chịu trăm ngàn đau khổ mà cao điểm là Thánh Giá để loài người được an vui.

Chúng ta nghĩ sao về tình yêu Chúa đối với ta và tình mến ta với Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ cho nỗi vong ân bội nghĩa của chúng con!

Cũng vì thế mà đứng trước Thánh Giá chúng con vẫn không một chút mủi lòng. Vì không cảm hết được tình yêu Chúa đã tự triệt tiêu mình vì chúng con. Chúng con mang Thánh Giá trong mình mà chúng con lại mau mắn xua đuổi Thánh Giá đi xa dù chỉ là một Thánh Giá nhỏ nhẹ – một chút nhức đầu sổ mũi, một lời nói đùa cợt, một sự góp ý xây dựng đã đủ làm con phản ứng gay gắt, đỏ mày đỏ mặt, cử chỉ thô bạo, lắm lúc còn ấm ức tìm cách báo thù.

Ôi thật là lạ lùng! Thế mà con còn dám hãnh diện vì mình là người yêu Thánh Giá. Lạy Chúa, nghĩ lại chúng con thật đáng xấu hổ thẹn thùng. Thật đáng Chúa quở trách: Bọn này thờ ta bằng môi bằng miệng. Chúng con thật đáng liệt vào hạng ngoại giáo, thu thuế và bọn Biệt phái trong Phúc Âm.

Cũng vì không cảm hết được tình Chúa yêu con đến triệt tiêu mình cho con, nên con thường mắc bệnh chủ quan và luôn nhìn và phóng đại đau khổ mình mà không biết nhìn đến những thánh giá kẻ khác. Đau khổ mình thì dùng kính hiển vi mà phóng đại để tủi thân, để phàn nàn, để than trách. Còn đau khổ kẻ khác thì lại coi nhẹ, cho là việc nhà giàu đứt tay, không đáng kể. Ôi thật là ích kỷ! Sao con không nhìn lên Thánh Giá với những đau khổ dữ dằn hồn xác của Chúa đã gánh chịu cho con và cho tha nhân con. Tự hào là những người yêu Thánh Giá hơn ai, mến Chúa hơn ai mà con lại không biến cải những Thánh Giá chúng con thành những cây Thánh Giá để nên giống Chúa, để biểu lộ tình yêu Chúa yêu tha nhân? Thánh Têrêxa Avila thì nói: “Hoặc đau khổ hoặc chết”. Thánh Mađalêna de Passi: “Không chết nhưng xin đau khổ mãi mãi”. Thánh Rosa Lima: “Lấy vòng gai có mũi nhọn đội lên đầu, vác cây khổ giá nặng lâu giờ trong một ngày, ban đêm tự treo 2 tay lên khổ giá để kết hợp với Chúa hấp hối trên thánh giá xưa. Thế mà con, tu sỹ Thánh Giá thì lại khiếp sợ Thánh Giá, chê chối tránh né Thánh Giá. Thật dân này chỉ mến ta bằng môi bằng miệng. Nhà văn Montalenebat viết trong cuốn “Các đan sỹ Phơng Tây” miêu tả lời than của cây gỗ Thánh Giá rất cảm động như sau: Từ năm xửa năm xưa, lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ nữa, lúc đó tôi mọc ở khu rừng, họ đã hạ tôi xuống đất, cưa chặt và mang tôi đi. Những kẻ thù thô lỗ đã chiếm lấy tôi để thành một trò hề. Họ đem tôi lên một ngọn núi và chôn tôi xuống đất. Ở đó tôi thấy Chúa tể loài người trong uy quyền đi tới trèo lên tôi. Để khỏi bất tuân với người tôi không dám gẫy cũng không dám cong, tôi cảm thấy đất run rẩy dưới chân tôi. Tôi cũng run khi thấy vị anh hùng ôm lên lấy tôi, nhưng tôi không dám cúi mình xuống, cũng không dám lún sâu xuống đất. Dù sao tôi cũng phải đứng thẳng và vươn lên để dương cao trên dân chúng Đấng là vua cao cả, là Chúa trời đất. Họ xuyên thủng tôi bằng những cái đinh màu xám, những vết thương còn biểu hiện trên mình tôi ngày nay. Cả Ngài lẫn tôi đều bị chửi rủa. Máu từ cạnh sườn Ngài loang đổ trên mình tôi. Mặt trời tối sẫm, cả vũ trụ than khóc vua họ bị ngã xuống. Trong cuộc thương khó trên Núi Sọ, cây gỗ giá đã đồng hóa mình với Chúa Giêsu, đã góp phần vào ơn cứu chuộc – Cây gỗ giá đã tuyên bố không dám gãy không dám cong mà cứ đứng thẳng và vươn lên. Còn ta, những người tự hào mình là kẻ hợp tác với ơn cứu độ, chuyền thông ơn cứu độ lại không dám đồng hóa với Chúa Kitô, không dám vươn lên, không dám vươn cao cho thế giới biết Đấng chịu đóng đinh là Chúa Trời Đất yêu thương ta vô cùng sao? Lạy Chúa, xin cho con can đảm như Cha Charle de Foucauld: Khi tôi ôm lấy Thánh Giá thì một trật tôi ôm lấy Chúa Kitô chịu đóng đinh vào đó.

 

Suy Niệm 6: Sùng kính hay là vác thập giá

Tôi không rõ việc sùng kính thập giá Đức Kitô khởi sự từ đâu và vào thời gian nào, nhưng chắc chắn việc đó phải có từ thời hoàng đế Constantin, hay nói rõ hơn từ năm 335 là năm mà truyền thuyết cho rằng đã tìm lại được thập giá Đức Kitô; và nhân biến cố đó, hoàng đế đã cho xây một thánh đường ngay chính nơi mộ Đức Kitô, ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá 14 tháng 9 là để kỷ niệm ngày cung hiến ngôi thánh đường này.

Như vậy, việc sùng kính thập giá quả đã có từ lâu đời, nhưng cũng không phải là một truyền thống có từ ban đầu. Vậy thì từ ban đầu thập giá có ý nghĩa gì?

Tôi xin thưa, ngay từ ban đầu thập giá đã là dấu chỉ của hồng ân cứu độ:

- Như Maisen treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Ngài thì được sống đời đời.

Đồng thời thập giá còn là dấu chỉ của một tình yêu to lớn mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại:

- Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.

Cũng như thập giá là dấu chỉ của người môn đệ Chúa:

- Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.

Đối với người môn đệ Đức Kitô thì không có gì là vinh dự ngoài thập giá, bởi vì nhờ thập giá mà chúng ta được giải thoát, được cứu độ. Nhưng vinh dự vì thập giá nghĩa là gì? Phải chăng, là vì chúng ta có thập giá như là một kỷ vật châu báu, quí giá hơn vàng bạc. Nếu thế thì chẳng lẽ Đức Kitô lại làm giàu cho chúng ta với cây thập giá của Ngài sao?

Hẳn là không. Nhưng phải nhìn nhận rằng, chúng ta nhiều khi đã lợi dụng thập giá Chúa để làm giàu. Thánh giá trở nên một đồ vật cho người ta buôn bán: Nào thánh giá vàng, thánh giá bạc và như thế thánh giá trở thành phương tiện để người ta khoe khoang, vinh dự khi ấy không còn là vinh dự được Đức Kitô cứu chuộc bằng giá máu của Ngài. Làm như thế thánh giá trở nên một đồ vật quí giá chứ không phải là một kỷ vật nhắc nhở cái chết của Chúa. Và kẻ đeo thánh giá đó không cần phải tin Đức Kitô, lại càng không thể làm môn đệ của Ngài vì người môn đệ chân chính của Ngài là phải luôn vác thập giá trên vai, và nhất là phải chịu đóng đinh vào đó vì yêu thương và yêu thương cho đến cùng.

Đã hơn hai ngàn năm nay, người ta đã tạo ra biết bao kiểu thánh giá, to có nhỏ có và thánh giá đã có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng càng ngày càng ít người chịu vác thánh giá trên vai và càng ít người hơn nữa chịu đóng đinh vào đó. Đáng buồn nhất là có những kẻ không ngần ngại đóng đinh người khác hay bắt kẻ khác vác những thánh giá nặng nề, đang khi chính mình vẫn đưa miệng hôn kính thánh giá.

Đức Kitô mời gọi chúng ta tình nguyện vác thập giá đi theo Ngài, nhưng chính Ngài cũng vác thập giá của mình mà đi trước chúng ta. Không bao giờ Ngài chất thập giá trên vai kẻ khác. Còn chúng ta, nhiều khi đã không chịu vác thập giá của mình thì chớ, mà lại còn chồng chất trên vai những người nghèo khổ và bé mọn, những người mà bình thường thập giá của họ đã nặng nề, mà không một ai giúp đỡ như Simong, mà không ai lau mặt cho như Veronica thuở trước.

Nay đã đến lúc phải đặt thập giá vào đúng vị trí của nó, nghĩa là trên vai mỗi người chúng ta. Bởi đó, việc hôn kính thánh giá không quan trọng bằng việc vác thập giá, và việc suy tôn thánh giá cũng chẳng lợi ích gì nếu không sẵn sàng chịu đóng đinh mình vào thập giá.

 

Suy Niệm 7: Phải được giương cao

(‘Manna’)

Nhiều người ngoài Kitô giáo cảm thấy sợ khi vào nhà thờ, nhìn lên thánh giá, thấy một người bị đóng đinh, máu chảy đầm đìa. Tại sao lại thờ một người khủng khiếp như vậy?

Một số nơi đã đặt tượng Chúa Phục Sinh trên thánh giá. Hẳn nhà thờ sẽ tươi hơn, ít gây sốc hơn, mầu nhiệm phục sinh được nổi bật hơn...

Nhưng chúng ta vẫn không được quên Chúa chịu đóng đinh. Không có cái chết ấy thì cũng chẳng có ơn cứu độ. Không có thánh giá thì cũng chẳng có phục sinh.

Khi suy tôn thánh giá, chúng ta không suy tôn hai thanh gỗ xếp hình chữ thập. Chúng ta suy tôn chính Đấng đi đóng đinh vào thánh giá. Ngài là Đấng vô tội, là Con Thiên Chúa làm người, là "Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gl 2, 20).

Chúng ta cũng không suy tôn đau khổ và cái chết, nhưng chúng ta suy tôn Tình Yêu: Tình Yêu của Cha dám trao cho thế gian người Con Một, Tình Yêu của Con dám sống hết mình cho Cha và anh em. Đau khổ và cái chết là cái giá phải trả cho một tình yêu. Tình yêu lớn nhất là tình yêu hiến mạng.

Thập giá là một thất bại của Tình Yêu.

Quà tặng của Cha bị loài người từ khước: Người Con yêu dấu bị làm nhục và đóng đinh.

Quà tặng của Con bị loài người rẻ rúng: Con chẳng đáng giá bằng tên sát nhân Baraba.

Thiên Chúa thất bại vì Ngài khiêm tốn. Ngài để cho con người có tự do chối từ. Ngài đau đớn lặng thinh khi Con Ngài hấp hối...

Nhưng thập giá lại là một thành công của Tình Yêu.

Nơi thập giá, tội ác con người lên đến cao điểm. Cũng nơi thập giá, Tình Yêu Thiên Chúa lên đến tột cùng.

Và Tình Yêu đã thắng tội ác, sự sống thắng sự chết, ánh sáng thắng bóng tối, tha thứ thắng hận thù.

Cha không đưa Đức Giêsu xuống khỏi thập giá, nhưng đưa Ngài ra khỏi nấm mồ hiu quạnh.

Thất bại của thập giá đã biến thành chiến thắng.

Thập giá trở thành Thánh Giá đem lại sự sống đời đời.

Thánh Giá đã trở nên biểu tượng của Kitô giáo.

Thánh Giá có mặt cả trên nến phục sinh.

Thánh Giá ở trên thân xác ta, mỗi lần ta làm dấu, nhưng Thánh Giá còn ở với người Kitô hữu suốt đời: "Ai muốn theo Tôi hãy vác thánh giá mình mà theo Tôi".

Đừng sợ hãi tránh né dù đau đớn xót xa. Đừng kéo lê, bạn sẽ thấy thánh giá nhẹ hơn và sinh trái.

Hãy hôn kính Thánh Giá của mình, của quê hương, của Giáo Hội, dù chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được mầu nhiệm.

Ước gì chúng ta thấy được ý nghĩa của khổ đau nhờ tin tưởng nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu.

Gợi Ý Chia Sẻ

Đứng trước những thất bại và khổ đau trong cuộc sống, bạn thường có thái độ nào (chán nản, bực tức, nổi loạn, đón nhận, phấn đấu vượt qua...)? Có khi nào nhờ thất bại và khổ đau mà bạn thấy mình lớn lên không?

Có khi nào bạn chấp nhận một chút hy sinh, một chút đau khổ, để người khác được hạnh phúc không?

Cầu Nguyện

Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả, đó là ơn nhận ra Thánh Giá của Con Cha trong mọi nỗi khổ đau của đời con, và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh Giá, bao lâu tuỳ ý Cha định liệu.

Xin đừng để con trở nên chua chát nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ và lòng khát khao nóng bỏng có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau. Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ của những người đã yêu mến Cha, đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ, tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.

Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con nói lên lòng tin của con vào những lời hứa của Cha, lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha, và lòng mến mà con dành cho Cha.

Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân, và yêu Cha chỉ vì Cha, chứ không mong phần thưởng.

Ước gì Thánh Giá trở nên mẫu gương cho con, là ánh sáng cho đêm tăm tối, nhờ đó con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý, nhưng như một dấu chỉ cho thấy con đang thuộc về Cha mãi mãi. (Karl Rahner)

 

Suy Niệm 8: Thập Giá và cuộc sống

Thập giá nắm giữ vai trò nào trong cuộc sống mỗi người chúng ta?

Chúng ta thường thấy: nơi bản thân, Thập giá được dùng làm đồ trang sức chúng ta đeo trên tai, trên cổ. Trong mỗi gia đình đều có một bàn thờ. Và trên bàn thờ ấy, chính giữa thường là cây thập giá, vì đó là vị trí chúng ta lấy làm ưng ý nhất. Tại giáo xứ, chúng ta nhìn thấy thập giá trên tháp chuông, trên cung thánh hay trên những phần mộ.

Thập giá đã quá quen thuộc với chúng ta ngày từ hồi còn tấm bé. Chúng ta không thể diễn tả niềm tin Kitô giáo mà không cần đến cây Thập giá. Thế nhưng, còn trong cuộc sống thì sao?

Phải thành thật mà nói: nhiều khi Thập giá đã làm cho chúng ta run sợ và chúng ta đã tìm mọi cách để lẩn tránh. Thập giá dường như đã trở nên một cái gì thù địch, trái ngược với bản tính và niềm hạnh phúc của chúng ta.

Thế nhưng, kinh nghiệm cho thấy: chúng ta không thể nào lẩn tránh khỏi Thập giá, bởi vì Thập giá là một cái gì nằm sẵn trong thân phận con người. Sự chọn lựa của chúng ta không phải là có hay không có Thập giá, nhưng là có biết vác Thập giá mình cho nên hay không mà thôi. Bởi vì Thập giá sẽ đem lại nhiều lợi ích nếu chúng ta biết vác lấy vì lòng yêu mến Chúa.

Thực vậy, đứng trước thập giá, Chúa Giêsu đã có một thái độ hoàn toàn khác biệt với chúng ta. Phúc âm kể lại rằng:

Bấy giờ Chúa Giêsu và các môn đệ đang ở Giêricô, cách thủ đô Giêrusalem khoảng bốn mươi cây số, mà ngày lễ Vượt qua thì lại sắp tới, từng đoàn người hành hương hát vang những câu thánh vịnh. Và rồi một lần nữa Chúa Giêsu nói trước cho các ông về cuộc tử nạn của Ngài:

- Này Ta lên Giêrusalem, Con người sẽ bị nộp trong tay kẻ ngoại. Họ sẽ khạc nhổ, đánh đòn và sẽ giết chết Ngài.

Các môn đệ không muốn tin vào điều ấy. Lên Giêrusalem giữa một tình hình căng thẳng như lúc này, thì quả là một việc điên khùng và dại dột, nếu không muốn nói đó là một hành động tự sát, bởi vì đã từ lâu, bọn biệt phái và luật sĩ tại đó đã quyết định giết Chúa Giêsu.

Thế nhưng, các ông lại không đủ can đảm can ngăn Chúa Giêsu, bởi vì đã một lần Phêrô lên tiếng:

- Ước gì Thày không phải như vậy đâu.

Và ông đã bị Ngài quở trách nặng lời:

- Hỡi Satan hãy xéo đi, vì ngươi chỉ biết những việc thuộc về thế gian, mà chẳng biết chi đến những việc thuộc về Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã nhìn thấy trước những khổ đau và cái chết nhục nhã Ngài sẽ phải chịu, thế mà Ngài vẫn cương quyết đi lên Giêrusalem.

Cuộc hành trình đi lên Giêrusalem phải chăng chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Còn thái độ của các môn đệ, phải chăng cũng chính là thái độ của chúng ta.

Thực vậy, cuộc đời chúng ta thì chất đầy những khổ đau và lo lắng: nào đau ốm bệnh tật, nào hận thù chiến tranh, nào nghèo túng khổ cực… Chúng ta cảm thấy như bất lực, không thể nào giải quyết được. Trong khi đó, Chúa Giêsu đã can đảm bước đi và Ngài đã bước đi cho tới cùng, bởi vì sau thập giá sẽ là vinh quang phục sinh.

Có hai bà già mắc bệnh lao, nằm bên cạnh nhau trong một căn phòng bệnh viện. Họ biết rằng cơn bệnh của họ không còn phương cách nào cứu chữa, chỉ còn chờ ngày được nghỉ yên dưới lòng đất lạnh mà thôi.

Một bà thì cô độc, chỉ có một mình, bởi vì gia đình và những người thân đều đã chết vì trúng đạn pháo kích. Còn bà kia thì đã có chồng, nhưng ông chồng này đã bỏ bà từ lâu và hiện đang sống với người vợ lẽ. Bà biết rõ điều ấy.

Trước những nỗi đớn đau và bất hạnh như thế, mọi lời an ủi và khích lệ dường như đã trở nên thừa thải, nếu không muốn nói là đã trở nên lẩm cẩm và ngu ngốc. Thế nhưng, mỗi lần viếng thăm, tôi đều thấy hai bà cầm cây Thánh giá và nói với tôi:

- Cuối cùng chỉ còn lại cây Thập giá. Bởi vì chính tại Thập giá, Chúa Giêsu đã đau khổ trước chúng tôi và hơn chúng tôi bội phần. Cây Thập giá của Chúa đã nói với chúng tôi nhiều điều và đã đem lại cho chúng tôi niềm an ủi tuyệt vời nhất giữa những đắng cay chua xót của cuộc đời.

Hôm nay, chúng ta không phải chỉ suy tôn Thánh giá trong lời kinh tiếng hát hay trong những nghi thức phụng vụ, mà còn phải biết suy tôn Thánh gía trong chính cuộc sống chúng ta, bằng cách chấp nhận những hy sinh gian khổ mà chúng ta gặp phải vì lòng yêu mến Chúa, bởi vì đó chính là cây thập giá đời thường Ngài muốn chúng ta vác lấy để bước theo Ngài.

Bên trên những gai nhọn là cánh hồng nở thắm. Bên trên thập giá đời đời thường là vinh quang phục sinh chờ đón.

 

Suy Niệm 9: Thập giá: Quyển sách cao siêu nhất

Người ta thường mượn câu chuyện sau đây để nói đến tinh thần hy sinh, chấp nhận trong cuộc sống.

Có một người kia cứ phàn nàn trách Chúa vì đã gửi đến cho mình một thập giá quá nặng... Chúa bèn đưa người đó đến một cửa hàng có các thập giá đủ cỡ để người đó chọn lựa. Người đó hăm hở bước vào cửa hàng và dựng cây thập giá của mình vào tường. Người đó tự nhủ trong lòng: "Đây là chuyện cả đời người, ta phải hết sức cẩn thận". Thế là anh ta đi rảo khắp hết mọi lối đi của cửa hàng và thử hết cây thập giá này đến cây thập giá khác.

Nhưng không có một cây nào làm anh vừa lòng. Cây thì quá dài, cây thì quá ngắn. Cây thì quá nhẹ, cây thì quá nặng... Anh lại tiếp tục tìm kiếm. Cuối cùng, anh đã tìm được cây thập giá mà anh cho là ưng ý nhất. Anh mang đến với Chúa và nở nụ cười mãn nguyện: "Lạy Chúa, đây chính là cây thập giá mà con hằng tìm kiếm. Con xin vác lấy". Khi anh vừa hí hửng ra khỏi cửa hàng, thì Chúa mỉm cười nói với anh: "Ta rất vui mừng vì con đã chấp nhận cây thập giá. Đây cũng chính là cây thập giá mà con đã vác vào và dựng ở tường của cửa hàng".

Hôm nay Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội mời gọi chúng ta đào sâu Mầu Nhiệm Thập Giá trong đời sống Đức Tin của chúng ta.

Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars bên Pháp, đã nói: "Thập giá là quyển sách cao siêu nhất... Chỉ có những ai yêu mến, nghiền ngẫm quyển sách này, những người đó mới thật sự là người thông thái".

Thập giá Chúa Giêsu là quyển sách cao siêu nhất, bởi vì, đó là dấu chứng cao cả nhất của Tình Yêu. "Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng vì người mình yêu".

Từ một khí cụ độc ác đê hèn nhất của con người đã có thể nghĩ ra để hành hạ người khác, Chúa Giêsu đã biến nó thành dấu chứng của Tình Yêu: Tình Yêu vâng phục đối với Chúa Cha và Tình Yêu dâng hiến cho nhân loại...

Suy tôn Thánh Giá Chúa, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta được đi vào Mầu Nhiệm Tình Yêu của Chúa. Trong Mầu Nhiệm ấy, cuộc sống của chúng ta không còn bị đè bẹp dưới sức nặng của những đau khổ nữa, nhưng luôn mang lấy một ý nghĩa: đó là ý nghĩa của Tình Yêu.

 

Suy Niệm 10: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh hoạ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ XVII đó là bức tranh “Ba thập giá.” Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt.

Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra để giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông.

Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng, họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một:

Loài người càng tội lỗi Chúa càng yêu thương, yêu thương đến nỗi trao ban hết những gì thuộc về mình là Người Con duy nhất. Tình thương ấy được cụ thể hóa bằng việc Chúa Giêsu đã chịu treo trên thập giá. Trên thập giá Chúa đã giải nghĩa yêu thương. Một tình yêu quá cao vời vượt quá sức mường tượng của con người. Thế nên chỉ có hành động, những hy sinh cụ thể mới cảm hóa được lòng người hầu mong cứu họ thoát khỏi cảnh tội lỗi. Chính vì thế, thập giá đã trở thành Thánh Giá; Thánh Giá trở thành biểu tượng tình yêu cứu độ, biểu tượng của sự sống, của vinh quang. Vì thập giá được đón nhận trong tình yêu thì thập giá sẽ trở thành Thánh Giá.

Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá là dịp nhắc nhớ mỗi chúng ta hãy tạ ơn tình Chúa cao vời. Đồng thời nhắc chúng ta cũng biết sống hy sinh cho tha nhân, hy sinh vì những lý tưởng cao đẹp, hy sinh chịu thiệt thân để bảo vệ đức tin. Và nhất là hãy biết yêu người như Chúa yêu ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xưa Chúa đã dùng thập giá để cứu chuộc chúng con. Chúa cũng có thể cứu chúng con bằng những phương thế khác. Nhưng Chúa đã không chọn cách nào khác ngoài việc chết trên thập giá. Và như thế chúng con mới hiểu được Chúa yêu chúng con đến cùng. Chúa đã mang lại cho thập giá một ý nghĩa mới: ý nghĩa của tình yêu trọn hảo. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con cũng biết đón nhận thập giá của bản thân với tron vẹn tâm tình yêu thương: Yêu Chúa và yêu mọi người, để tình Chúa luôn mãi ở trong con. Và cuộc đời con luôn diễn tả tình yêu Chúa. Amen.

 

 

SUY NIỆM:

Dân Chúa kinh nghiệm về tội của mình đối với Đức Chúa trong dòng lịch sử, và những suy tư về kinh nghiệm này đã làm cho Dân Chúa khám phá bản chất của tội. Suy tư này được trình bày bằng ngôn ngữ biểu tượng trong trình thuật St 2-3, mặc khải cho chúng ta bản chất hay yếu tính của tội, nghĩa là cái có mặt trong mọi thứ tội. Và mọi tội đều tự nó có “nọc độc” gây chết chóc cho mình và cho người khác.

Lời Chúa trong sách Dân Số và trong Tin Mừng Gioan, qua hình ảnh “Con Rắn”, sẽ đưa chúng ta đi xuyên suốt lịch sử cứu độ, khởi đi từ kinh nghiệm phạm tội trong sa mạc (Ds 21,6), trở về với thời điểm khởi đầu của sự sống (St 3), sau đó đi đến ngôi vị của Đức Ki-tô (Ga 3, 14) và vươn xa tới tận thời cánh chung (Kh 12, 7-10). Các trình thuật này nêu ra cho chúng ta ba câu hỏi:

  • Tại sao lại là rắn ?
  • Tại sao Con Người cũng sẽ phải được giương cao, như con rắn đồng trong sa mạc ?
  • Tại sao cái nhìn có khả năng chữa lành?    

1. Tại sao lại là con rắn ?

a. Nghi ngờ Thiên Chúa

Đi trong sa mạc trong một thời gian dài, thiếu ăn thiếu uống. Đó là một thử thách rất thật và rất lớn, vì của ăn của uống là nhu cầu thiết yếu cho sự sống. Tuy nhiên, vấn đề là lòng họ hướng về đâu ? Họ tìm gì khi bỏ Ai Cập ra đi theo tiếng gọi của Đức Chúa dưới sự hướng dẫn của Mô-sê ? Nếu con tim của họ chỉ hướng về việc thỏa mãn những nhu cầu của mình thôi, thì tất yếu đến một lúc nào đó, họ sẽ mất kiên nhẫn. Bởi vì nhu cầu thì không có cùng tận.

Trước hết là nhu cầu của cái nhìn, họ đi theo Chúa dưới sự hướng dẫn của Môsê là nhằm để thỏa mãn cái nhìn. Vì thế, họ nhìn thấy bao dấu lạ, nhất là dấu lạ vượt qua Biển Đỏ khô chân, nhưng họ vẫn không chịu tín thác vào Đức Chúa (Tv 106). Chẳng lẽ Chúa lại phải làm cho họ dấu lạ mỗi ngày ? Ngang qua một vài dấu lạ, họ được mời gọi trao ban lòng tin, lên đường và đi đến cùng. Giống như, những người cùng thời với Đức Giêsu, chứng kiến bao dấu lạ Ngài làm, và chính ngôi vị của Ngài là một dấu lạ, thế mà vẫn cứ đòi dấu lạ từ trời. Lúc Đức Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá, họ vẫn đòi dấu lạ: “xuống khỏi Thập Giá đi để chúng ta thấy, chúng ta tin”. Họ cứ nghĩ là thấy thì tin, đó là ảo tưởng. Bởi vì thấy, thì thấy một lần trong một thời điểm và nơi chốn nhất định; trong khi tin là tin vào một ngôi vị, tin suốt đời ở mọi nơi mọi lúc. Tin lúc Chúa ban dấu lạ ; và tin cả lúc Chúa không ban dấu lạ, như tác giả Thánh Vịnh nói: “tôi đã tin, cả khi mình đã nói: ôi nhục nhã ê chề” (Tv 116, 10). Trong thực tế cuộc sống, như mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm, và chính Dân được Đức Chúa tuyển chọn cũng có cùng một kinh nghiệm, những ngày không có dấu lạ gì mới là nhiều ; và có những ngày, những giai đoạn đầy đau khổ và thử thách :

Tôi tự bảo : điều làm tôi đau đớn,
là Đấng tối cao chẳng còn ra tay nữa. 
(Tv 77, 11)

Hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta cũng thế, chúng ta nhận ra dấu lạ nào đó Chúa ban cho mình và chúng ta được mời gọi tin vào tình yêu trung tín của Chúa và chúng ta đáp lại suốt đời ngang qua đời sống hàng ngày, những ngày rất đỗi bình thường cũng như những ngày đầy thách đố, khó khăn. Nhưng chúng ta cũng có kinh nghiệm này: khi tin rồi, chúng ta sẽ thấy mọi sự đều lạ.

Mà ham muốn nhìn cũng chính là ham muốn ăn: đói thì Chúa cho ăn; ăn manna một hồi thì thèm thịt, Chúa cho ăn thịt chim cút; ăn chim cút một hồi, rồi thì cũng chán: “chúng tôi chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này”. Nhất là khi chứng kiến dân ngoại, họ ăn uống cao lương mĩ vị, dân sẽ càng thèm muốn hơn nữa. Những chuyện như vậy cứ lập đi lập lại nhiều lần : điều Ngài đã làm hôm qua, Ngài sẽ làm hôm nay không ? Đức Chúa có ở giữa chúng ta hay không ? (Xh 17, 7) Làm sao « biết » được đây ? Ham muốn của cái nhìn, ham muốn của cái bụng, ham muốn của cái biết gặp gỡ nhau. Và cuối cùng, thái độ của con người được hình thành, khi kêu trách: « Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? » À ra như thế, Thiên Chúa muốn chúng ta chết, Mô-sê muốn chúng ta chết. Đó chính là thái độ « thử thách ».

Trong Kinh Thánh, câu nói “thử thách Thiên Chúa” mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là không tin Thiên Chúa: trong sa mạc, Dân Chúa thử thách Thiên Chúa đến 10 lần, nghĩa là lúc nào cũng thử thách Thiên Chúa, cũng không tín thác nơi Thiên Chúa (Ds 14, 22: thử thách 10 lần; Tv 106, 14); và tội nguyên tổ cũng là một dạng của hành vi thử thách Thiên Chúa, nghĩa là không tin Thiên Chúa không tín thác nơi Chúa trong thực tế cuộc sống. Vì thế, yếu tính của tội nguyên tổ, nghĩa là của mọi tội, là không tin nơi Thiên Chúa, không tín thác nơi ngài trong thiếu thốn, trong gian nan khổ đau của thân phận con người. Hành vi vi phạm giới răn chỉ là hệ quả của một thái độ nội tâm, quên ơn huệ và vì thế nghi ngờ Thiên Chúa.

Như thế, tất cả mọi sự Thiên Chúa đã làm cho họ trở thành vô nghĩa, thậm chí trở thành kế hoạch giết chết. Chúng ta hãy dừng lại đây thật lâu để nghiệm được hết mức độ nghiêm trọng của những lời dân Israen thốt ra đây. Đó là chính là thái độ nghi ngờ Thiên Chúa, và tội nghi ngờ Thiên Chúa tất yếu dẫn đến những hành vi gây chết chóc, gây chết chóc cho chính mình và cho người khác. Nghi ngờ Thiên Chúa, nên họ quay ra thờ ngẫu tượng, vì ngẫu tượng có vẻ “linh” hơn; “linh” có nghĩa là có khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, phát xuất từ lòng ham muốn ; ham muốn nhìn, ăn và biết của họ. Và vì nghĩ rằng mình được dẫn vào sa mạc là để bị bỏ mặc cho chết (trong khi mục đích của hành trình là Đất Hứa, nghĩa là Miền Đất Sự Sống trong Đức Chúa), nên họ nổi loạn ném đá toan giết chết Môsê (x. Xh 17).

b. Con rắn

Trong trình thuật về Tội Nguyên Tổ (St 3, 1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho bà Evà và ông Adam nghi ngờ Thiên Chúa : Thiên Chúa nói rằng, ăn trái cây đó thì chắc chắn sẽ chết, nhưng con rắn nói: « chẳng chết chóc gì đâu ! » Tin vào lời con rắn, đồng nghĩa với việc cho rằng Thiên Chúa nói dối ! Đó là cho rằng, Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình ; đó là nghĩ rằng, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc đọc vào người. Và hậu quả là tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người bị phá vỡ. Hậu quả tất yếu là chết chóc, như Thiên Chúa đã báo trước : « Ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi sẽ phải chếhắc chắn ngươi sẽ phải chết » (St 2, 17). Mười một chương đầu của sách Sáng Thế cho thấy rõ, Lời Chúa là chân thật.

Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến, chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết. Nghi ngờ Thiên Chúa, đó là để cho mình bị rắn cắn, đó là mang nọc độc vào người.

Chắc chắc chúng ta cũng có kinh nghiệm nghi ngờ Thiên Chúa, nghi ngờ ý định tốt lành của Thiên Chúa, khi cho chúng ta được làm người và sống trong một ơn gọi : Tại sao Chúa lại sinh ra con như thế này: thiếu đủ thứ, kém cỏi đủ thứ, thua thiệt đủ thứ ? Sao con không như anh kia, chị nọ? Tại sao con lại ra nông nỗi này, rơi vào tình cảnh khổ sở như thế này, Chúa dẫn vào đây để làm gì? Những lúc khủng khoảng như thế, chúng ta cũng kinh nghiệm được những hậu qủa tại hại của thái độ nghi ngờ. Trong khi đó, mỗi người chúng ta, theo Tv 139, là một tuyệt tác, mà nhiều khi chúng ta lại mù quáng không nhận ra: « Chúa dựng nên con cách lạ lùng ».

2. Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” ?

Đức Giê-su, ngay từ những lời nói đầu tiên trong đời sống công khai, trong Tin Mừng theo thánh Gio-an (3, 14), đã đặt mầu nhiệm Thập Giá mà Người sẽ sống trong tương quan rất trực tiếp với hình ảnh « con rắn », biểu tượng của Tội và Sự Dữ :

Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Theo lời này của chính Đức Ki-tô, chúng ta nên hình dung ra, hay tốt hơn là vẽ ra, một bên là « Con Rắn » bị giương cao trên cây gỗ, một bên là Đức Ki-tô được giương cao trên cây thập giá, thay vì là Sự Dữ, là Sa-tan, bởi vì theo luật, chỗ trên cây thập giá phải là chỗ của tử tội, của chính Tội. Như thế, Đức Kitô trong Cuộc Thương Khó, sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn. Thực vậy, thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) ; và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7, 13). Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su dạy, chứ không phải báo trước, các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (x. Mc 8, 31). Vì, thế, chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để nhìn thấy:

  • thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối;
  • đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị;
  • chân tay của Người bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính;
  • và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt (x. Dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”). Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

3. Tại sao cái nhìn có khả năng chữa lành?

Theo lời của Đức Chúa, Mô-sê khi đó đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên nguyên nhân gây ra cái chết được phô bày ra đó, thì đã được chữa lành. Nếu hình phạt bị rắn độc cắn là nặng nề, để cho thấy rằng, thái độ nghi ngờ và kêu trách tự nó mang nọc độc giết người, thì ơn chữa lành thật nhẹ nhàng và nhưng không: “ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”. Cũng giống như khi người ta chữa bệnh: trước tiên phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh; và khi tìm được, thì hoặc dùng thuốc hóa giải nó đi, hoặc phải cắt bỏ ra khỏi cơ thể.

Như Dân Chúa trong sa mạc nhìn lên con rắn đồng, chúng ta được mời gọi ngước nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37). Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.

Ơn tha thứ. Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế.

Ơn chữa lành. Đúng là Thánh Gía mặc khải cho con người bản chất của Tội, nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống con người. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời chữa lành, bằng cách làm cho con người nhìn ra hình ảnh thật sự của tội. Nghi ngờ Thiên Chúa là căn bệnh nan y, nhưng được chữa lành tận căn bằng Thập Giá: Tình yêu đi đến mức “điên rồ” đến như thế; chúng ta cũng được mời gọi yêu Chúa “điền rồ” như thế.

Chữa lành khỏi hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Và Thập Giá con mặc khải cho chúng ta rằng thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết (St 3 và Ds 21). Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng (Ph 2, 5-11), để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử thách và lên án, và thân phân con người, dù có như thế nào, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

So must the Son of Man be lifted up

Thursday (September 14): “So must the Son of Man be lifted up”

 

Gospel reading: John 3:13-17 

13 (Jesus answered) “No one has ascended into heaven but he who descended from heaven, the Son of man. 14 And as Moses lifted up the serpent in the wilderness, so must the Son of man be lifted up, 15 that whoever believes in him may have eternal life.” 16 For God so loved the world that he gave his only Son, that whoever believes in him should not perish but have eternal life.  17 For God sent the Son into the world, not to condemn the world, but that the world might be saved through him.

Thứ Năm     14-9             Nên Con Người cũng phải được giương cao như vậy

 

Ga 3,13-17

13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

Meditation:  Do you know the healing transforming power of the cross of Jesus Christ? The Lord Jesus came to unite earth with heaven and to raise those on earth to the glory of heaven. Jesus explains to Nicodemus, one of the chief leaders of the Jewish nation, that he is the “Son of Man” sent by the Father in heaven to restore our broken relationship with God. The “Son of Man” is a key Old Testament title for the Messiah who comes from heaven to establish God’s kingdom on the earth (see the prophecy of Daniel 7:13-14). 

 

Moses delivers his people from death in the wilderness

What does Jesus mean when he says the “Son of Man must be lifted up?” Jesus links this expression with Moses who “lifted up” the bronze serpent in the wilderness in order to bring about healing and restoration of life to those who were bitten by deadly serpents. This plague of death was the result of the peoples’ stubborn refusal to follow God’s counsel and direction for their welfare. God in his mercy heard the prayer of Moses to free his people from this curse. God instructed Moses to “make a fiery serpent, and set it on a pole; and every one who is bitten, when he sees it, shall live” (Numbers 21:8).  Moses lifted high the image of a bronze serpent fixed to the wood of the pole, which resembled a cross. Those who put their faith in God by repenting of their disobedience were healed and restored to wholeness of life.

Jesus links his victory on the cross with Moses’ act of deliverance

Jesus clearly links Moses’ act of deliverance in the wilderness with his own impending sacrificial death when he will be “lifted up” on the wood of the cross at Calvary. Unlike Moses’ deliverance in the wilderness which only resulted in temporary relief for the people, Jesus’ atoning death on the cross brought decisive victory over sin, Satan, and death. Jesus’ victory on the cross cancels the debt of our sin, and releases us from guilt and condemnation. His death and victory brings us new life – the new abundant life in his Holy Spirit which lasts forever. 

Jesus’ victory on the cross also brought about his glorious bodily resurrection to new unending life and his ascension to the right hand of the Father in heaven, where he now rules and intercedes for us. The result of Jesus “being lifted up on the cross,” and his rising and ascending to the Father’s right hand in heaven, is our “new birth in the Spirit” and adoption as sons and daughters of God. God not only has redeemed us from sin in Christ, he also fills us with his own divine life through the gift of his Spirit that we might share in his own glory.

The proof of God’s love for us

There is no greater proof of God’s love for us then the sending of his Son to become one with us in our humanity and to lay down his life for us. “To ransom a slave God gave his Son” (an ancient prayer from the Easter vigil liturgy). God sent his Son to free us from the worst of tyrannies – slavery to sin and the curse of death. Jesus’ sacrificial death was an act of total love through self-giving. Jesus gave himself completely out of love for his Father. And he willing laid down his life out of selfless love for our sake and for our salvation. His death on the cross was both a total offering to God and the perfect sacrifice of atonement for our sin and the sin of the world.

 

John tells us that God’s love cannot be limited because it is boundless and encompasses all of creation (John 3:16). His love is not limited to a single nation or a few chosen friends. His love is limitless because it embraces the whole world and every individual created in “his image and likeness”. God is a persistent loving Father who cannot rest until all of his wandering children have returned home to him. Saint Augustine says, God loves each one of us as if there were only one of us to love

The love of God is rooted in truth, goodness, and mercy

God gives us the freedom to choose whom and what we will love and not love. We can love the darkness of sin and unbelief or we can love the light of God’s truth, goodness, and mercy. If our love is guided by truth, goodness, and that which is truly beautiful, then we will choose for God and love him above all else. What we love shows what we prefer. Do you love God who is the supreme good above all else? And do you seek to put him first in all your thoughts, cares, choices, and actions?

 

God’s love sets us free to love and serve others

God’s love has been poured into our hearts through the gift of the Holy Spirit (Romans 5:5). Do you allow God’s love to purify your heart and the way your treat others? Do you allow God’s love to transform your mind and the way you think of others? Do you allow God’s love to conquer every unruly passion and addiction that would enslave you to sin and harmful behavior? The Holy Spirit gives us his seven-fold gifts of wisdom and understanding, right judgment and courage, knowledge and reverence for God and his ways, and a holy fear in God’s presence (see Isaiah 11) that we may live God’s way of life and serve in the power and strength of his enduring love and mercy. Do you thirst for new life in the Spirit?

“Lord Jesus Christ, your death brought life for us. Fill me with your Holy Spirit that I may walk in freedom and joy as a child of God and as an heir with Christ of an eternal inheritance.”

Suy niệm: Bạn có biết sức mạnh chữa lành của thánh giá Đức Kitô không? Chúa Giêsu đến để hiệp nhất đất với trời và nâng cao những người ở trần thế lên tới vinh quang nước trời. Đức Giêsu giải thích cho ông Nicôđêmô, một trong số các nhà lãnh đạo chính của nước Dothái, rằng Người là “Con Người” được Cha trên trời sai tới để phục hồi mối quan hệ đỗ vỡ của chúng ta với Thiên Chúa. Con Người là một tước hiệu báo trước của Cựu ước dành cho Đấng Mêsia, Đấng sẽ đến từ trời để thiết lập vương quốc của Thiên Chúa trên trái đất (Đn 7,13-14).

 

 

Môisen cứu thoát dân tộc mình khỏi chết trong hoang địa

Đức Giêsu có ý gì khi Người nói “Con Người phải được treo lên?” Đức Giêsu liên kết câu nói này với Môisen, người đã “treo” con rắn đồng trong hoang địa để đem lại sự chữa lành và phục hồi sự sống cho những ai bị rắn độc cắn. Tai họa chết chóc này là kết quả của sự bướng bỉnh của dân từ chối nghe theo lời dạy dỗ và hướng dẫn của Thiên Chúa cho lợi ích của họ. Thiên Chúa thương xót lắng nghe lời cầu xin của Môisen hầu cứu thoát dân người khỏi tai họa này. Thiên Chúa đã hướng dẫn Môisen “Làm một con rắn đồng, treo nó lên cây cột, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên nó sẽ được cứu sống” (Ds 21,8). Môisen đã giương cao hình ảnh con rắn đồng được gắn vào cây gỗ giống như cây thập giá. Những ai đặt niềm tin nơi Thiên Chúa qua việc hối hận về sự bất tuân của họ đã được chữa lành và phục hồi sự sống hoàn toàn.

 

 

Đức Giêsu liên kết sự chiến thắng của Người trên thập giá với hành động cứu thoát của Môisen

Rõ ràng Đức Giêsu liên kết hành động cứu thoát của Môisen trong hoang địa với cái chết hy sinh sắp đến của chính Người khi Người được “treo lên” cây gỗ thập tự ở đồi Canvê. Không giống như sự cứu thoát của Môisen trong hoang địa chỉ có kết quả nơi sự đau đớn tạm thời cho dân Israel, cái chết đền tội của Đức Giêsu trên thập giá đem lại sự chiến thắng dứt khoát trên tội lỗi, Satan, và sự chết. Sự chiến thắng của Đức Giêsu trên thập giá xóa bỏ món nợ của tội lỗi, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và án phạt. Cái chết và sự chiến thắng của Người đưa chúng ta tới sự sống mới – cuộc sống mới sung mãn trong Thánh Thần của Người sẽ tồn tại mãi mãi.

Chiến thắng của Đức Giêsu trên thập giá cũng đưa dẫn sự phục sinh vinh quang thân xác của Người đến sự sống vĩnh cửu và sự lên trời ngự bên hữu Cha trên trời, nơi mà giờ đây Người cai trị và thỉnh cầu cho chúng ta. Kết quả của Đức Giêsu “bị treo trên thập giá” và sự sống lại, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, là “sự tái sinh trong Thần Khí” của chúng ta và sự tiếp nhận chúng ta như những người con của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ cứu chuộc chúng ta mà còn lấp đầy chúng ta với chính sự sống và quyền lực thần linh của Người để chúng ta có thể chia sẻ với Người trong vinh quang.

Bằng chứng tình yêu của TC dành cho chúng ta

Không có bằng chứng nào lớn hơn tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta bằng việc sai Con của Người đến để trở nên một với chúng ta trong bản tính nhân loại và hiến mạng sống Người cho chúng ta. “Để cứu chuộc một người nô lệ, Thiên Chúa đã ban Con của mình” (lời cầu nguyện xưa từ giờ kinh chiều vọng Phục sinh). Thiên Chúa đã sai Con mình đến giải thoát chúng ta khỏi sự tồi tệ nhất của những sự thống trị – nô lệ cho tội lỗi và sự dữ của cái chết. Cái chết hy sinh của Đức Giêsu là một hành động của tình yêu cho đi hoàn toàn. Đức Giêsu đã hoàn toàn hiến mình vì tình yêu Chúa Cha. Và Người sẵn sàng hy sinh mạng sống mình với tình yêu quảng đại vì mưu ích và phần rỗi chúng ta. Cái chết của Người trên thập giá vừa là lễ toàn hiến cho TC, vừa là lễ đền tội hoàn hảo cho tội lỗi chúng ta và tội lỗi của thế gian.

Thánh Gioan nói với chúng ta rằng tình yêu Thiên Chúa không có giới hạn (Ga 3,16). Tình yêu của Người không chỉ dành riêng cho một dân tộc hay một số người được tuyển chọn. Tình yêu của Người không biên giới bởi vì nó ôm ấp toàn thế giới và từng người đã được tạo dựng “giống hình ảnh của Người”. TC là người Cha yêu thương cách kiên trì, không thể yên nghỉ cho tới khi tất cả những người con đi hoang của mình được trở về nhà. Thánh Augustinô nói, TC yêu thương mỗi người chúng ta như thể chỉ có một người duy nhất để yêu.

Tình yêu của Thiên Chúa được xây dựng trên sự thật, lòng nhân, và thương xót

Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do để chọn lựa ai và cái gì chúng ta sẽ yêu và không yêu. Chúng ta có thể yêu thích bóng tối của tội lỗi và hoài nghi, hoặc chúng ta có thể yêu thích ánh sáng chân lý, nhân hậu, và thương xót của Chúa. Nếu tình yêu của chúng ta được hướng dẫn bởi sự thật, lòng nhân, và những gì thật sự đẹp đẽ, thì chúng ta sẽ chọn lựa Thiên Chúa và yêu mến Người trên hết mọi sự. Những gì chúng ta yêu thích cho thấy những gì chúng ta mong muốn. Bạn có yêu mến TC, Đấng toàn thiện trên hết mọi sự khác không? Bạn có tìm kiếm Người trước tiên trong tất cả mọi tư tưởng, bận tâm, lựa chọn, và hành động của bạn không?

Tình yêu TC giúp chúng ta tự do yêu thương và phục vụ người khác

Tình yêu Thiên Chúa tuôn đỗ vào lòng chúng ta qua ơn sủng của Thánh Thần (Rm 5,5). Bạn có để cho tình yêu Thiên Chúa thanh tẩy tâm hồn và cách thức bạn đối xử với người khác không? Bạn có để cho tình yêu Thiên Chúa biến đổi tâm trí bạn và cách thức bạn nghĩ về người khác không? Bạn có để cho tình yêu Thiên Chúa thống trị mọi đam mê phóng túng và nghiện ngập, có thể làm cho bạn thành nô lệ cho tội lỗi và hành vi tai hại không? Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta bảy ơn sủng của Người: khôn ngoan, hiểu biết, biện phân đúng đắn, can đảm, biết lo liệu, nhiệt thành với Chúa và đường lối của Người, và lòng kính sợ sự hiện diện của Chúa (Is 11), để chúng ta có thể sống lối sống của Chúa và phục vụ trong uy lực của tình yêu và lòng thương xót bền vững của Người. Bạn có khao khát sự sống mới trong Thần Khí không?

Lạy Chúa Giêsu Kitô, cái chết của Người đem lại sự sống cho chúng con. Xin Chúa lấp đầy lòng con Thần Khí của Chúa, để con có thể bước đi trong tự do và vui mừng như một người con của Chúa và như người thừa tự sản nghiệp đời đời với Đức Kitô.”

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận