Thứ ba tuần 23 thường niên.

Đăng lúc: Thứ ba - 12/09/2017 02:17 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ ba tuần 23 thường niên.

“Suốt đêm, Người cầu nguyện, Người chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ”.

 

Lời Chúa: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Đó là Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.

Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Chọn Nhóm Mười Hai

Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Ở khởi đầu lịch sử này, từ trong đám dân du mục vô danh tại miền Lưỡng hà địa, Thiên Chúa đã chọn Abraham; trong những người con của ông, Ngài chỉ chọn Isaac; và trong những người con của Isaac, Ngài chỉ chọn Yacob làm người cha của mười hai chi tộc Israel. Ðể thực hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môsê làm thủ lãnh. Sau khi Israel đã được Ngài chọn làm dân riêng và qua đó thực thi chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa cũng tiếp tục một đường hướng: Ngài chọn lựa một số người và trao cho họ một trách vụ đặc biệt: Ngài đã chọn Ðavít làm vua, thay thế cho Saul; Ngài đã chọn một số người làm ngôn sứ cho Ngài.

Tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người. Từ Abraham qua Môsê, đến các ngôn sứ và Ðavít, tất cả đều được chọn lựa không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Môsê chỉ là một người ăn nói ngọng nghịu; Ðavít là cậu bé kém cỏi nhất trong số anh em mình, Yêrêmia, Isaia đều nhận ra nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ.

Tiếp tục đường lối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm cột trụ Giáo Hội, không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê; có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế tức là hạng người thường bị khinh bỉ.

Thánh Luca đã ghi lại một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Không ai biết rõ nội dung, nhưng sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn đúng không dựa vào tài đức của con người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện, bởi vì Ngài biết rằng tự sức riêng, con người không thể làm được gì. Phêrô đã cảm nghiệm thế nào là sức riêng của con người khi ông chối Chúa ba lần; sự đào thoát của các môn đệ trong những giờ phút nguy ngập nhất của cuộc đời Chúa, và nhất là sự phản bội của Yuđa, là bằng chứng hùng hồn nhất của sức riêng con người. Bỏ mặc một mình, con người chỉ chìm sâu trong vũng lầy của yếu đuối và phản bội.

Từ mười hai người dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo Hội ấy đứng vững đến độ sức mạnh của hỏa ngục không làm lay chuyển nổi. Thánh Phaolô, người đã từng là kẻ thù số một của Giáo Hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", hoặc "Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà thôi, vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh".

Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để chúng ta nương tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó, thì dù phải trải qua lao đao thử thách, chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại những điều thiện hảo cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Giáo Hội Mới Của Chúa

Trong đoạn Phúc Âm trên thánh sử Luca đã trình bày cho chúng ta một cộng đoàn quanh Chúa Giêsu. Cộng đoàn này là hình ảnh loan báo trước trong cộng đoàn Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ thành lập và trao phó cho sứ mạng sau khi Người đã phục sinh từ cõi chết. Tất cả mọi thành phần của cộng đoàn này đều quy về một trung tâm duy nhất là Chúa Giêsu, lắng nghe lời Người giảng dạy và được quyền năng Người chữa lành khỏi bệnh tật cũng như được bảo vệ khỏi những quyền lực của ma qủy. Chúng ta nhìn thấy rõ ràng những thành phần của cộng đoàn quanh Chúa Giêsu lúc đó. Trước hết là nhóm Mười Hai tông đồ vừa được tuyển chọn sau một đêm dài cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, rồi đến các môn đệ và cuối cùng là đám đông dân chúng từ nhiều nơi trong và ngoài lãnh thổ dân Israel. Từ Giuđêa, Giêrusalem, nằm trong lãnh thổ của dân Chúa, và từ miền duyên hải Tia và Xiđon là miền nằm ngoài lãnh thổ của Do Thái Giáo.

Ðọc lại đoạn văn, chúng ta có thể lưu ý đến hai đặc điểm chính của cộng đoàn quanh Chúa Giêsu, tiêu biểu cho cộng đoàn Giáo Hội Chúa trong tương lai. Trước hết, có thể nói đây là một cộng đoàn phổ quát, vượt ra bên ngoài ranh giới của dân tộc Do Thái. Sự độc quyền nhờ ân sủng Chúa nơi một dân tộc đã chấm dứt. Mọi người, mọi dân Chúa đã mời gọi gia nhập vào cộng đoàn này.

Ðặc tính thứ hai là trật tự mới của cộng đoàn được thiết lập qui về Chúa là trung tâm và có mười hai tông đồ được Chúa Giêsu chọn riêng ra, được Người huấn luyện và trao cho sứ mạng, chăm sóc, hướng dẫn cộng đoàn mới.

Tông đồ Phêrô được nhắc đến trong đoạn văn là kẻ đứng đầu nhóm Mười Hai: "Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con". Các tông đồ và cộng đoàn theo Chúa đã nghe lời Ngài nhiều hơn sau những biến cố vượt qua của Chúa, khi Giáo Hội được khai sinh. Chúa Giêsu đã chuẩn bị để nhóm Mười Hai tông đồ này trở thành nền tảng cho toàn thể Giáo Hội mới của Chúa. Hơn nữa, con số mười hai tông đồ là biểu hiện thứ nhất có ý nghĩa nhắc đến mười hai chi tộc của toàn dân Do Thái trong thời Cựu Ước. Dân mới của Chúa thời Tân Ước được mở rộng đón nhận toàn thể nhân loại không ai bị loại ra khỏi chương trình cứu rỗi của Chúa.

Lạy Chúa,

Chúng con tin và cảm tạ Chúa vì đã thiết lập Giáo Hội như một cộng đoàn qui tụ dân Chúa, một cộng đoàn có tổ chức được các tông đồ hướng dẫn qua mọi thời đại. Chúa không ngừng tuyển chọn những con người mới trong dòng lịch sử để tiếp tục sứ mạng của Chúa trên trần gian này. Sự yếu đuối của con người có thể xảy ra như đã xảy ra với Giuđa Ítcariốt, kẻ phản bội Chúa, nhưng chương trình cứu rỗi của Chúa không vì thế mà bị hư mất. Xin thương qui tụ chúng con lại trong tình yêu Chúa và củng cố đức tin chúng con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Chọn mười hai tông đồ

Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ. (Lc. 6, 12-13)

Đây là một ngày đặc biệt với Đức Kitô. Đã đến giờ Người nghĩ phải tiến lên. Người sẽ phải ra đi, ngày đó không còn xa lắm. Cần phải bảo đảm tiếp tục công việc của Người. Cần cho lời Người được loan truyền đến tận cùng thế giới. Cần cho sứ điệp cứu độ đến chúc phúc cho mọi người. Vậy cần có những sứ giả đem giao ước Tin Mừng được Thiên Chúa quyết định hoàn tất cho loài người. Một giao ước mới vượt trên mọi giao ước đã có từ trước đến lúc này.

Ai có thể bảo đảm lãnh trách nhiệm này? ai xứng đáng trong những chàng thanh niên đang đi theo Người? Người biết những giới hạn và lòng quảng đại của họ. Người lên núi cầu nguyện suốt đêm cùng Thiên Chúa để biết rõ chọn lựa chắc chắn. Tin Mừng Thánh Lu-ca kể Đức Giêsu cầu nguyện mười một lần, những lần đó luôn luôn là những lần quan trọng trong cuộc đời của Chúa: ở sông Gióc-đan trước lúc Thánh Thần ngự xuống trên Người, khi đông đảo dân chúng đến nghe Người giảng, trước khi Phê-rô tuyên xưng đức tin, lúc Chúa biến hình, trước khi loan báo về cái chết của Người, lúc các môn đệ đi truyền giáo lần thứ nhất về, lúc dạy kinh lạy cha, trước khi chịu thương khó, cầu cho đức tin của Phê-rô đứng vững, lúc hấp hối trong vườn cây dầu, trong lúc treo trên thánh giá, lúc phó linh hồn trong tay Chúa Cha.

Khi chọn muời hai tông đồ, Người hướng về Đấng đã sai Người mà cầu nguyện xin ơn soi sáng và sức mạnh. Rồi xuống với các môn đệ và chọn mười hai người, ai sẽ chối Người và ai sẽ phản bội Người. Một đội quân biệt động! vô học thức, vô giáo dục, vô trường lớp, chẳng ai biết tiếng tăm họ. Họ thuộc loại phó thường dân, quá tầm thường, phần đông là dân chài. Chính trên đó Đức Giêsu xây Giáo Hội. Thật nghịch lý! một ông thầy sau khi đã dạy như điên về thập giá, sẽ chịu đóng đinh treo trên thập giá. Và các tông đồ cũng chẳng có vẻ gì nổi, họ tiếp tục cuộc mạo hiểm mâu thuẫn, vẫn kéo dài và sẽ kéo dài vô cùng.

GF

 

Suy niệm 4:

Đức Giêsu là con người cầu nguyện: 
đây là nét nổi bật của Tin Mừng Luca. 
Ngài cầu nguyện suốt cuộc đời trần thế, 
từ khi nhận phép rửa của Gioan ở sông Giođan (Lc 3, 21) 
đến khi hấp hối trên thập giá (23, 34. 46). 
Đối với Ngài, cầu nguyện là chuyện Con đi gặp Cha, 
là cuộc chuyện trò thân mật giữa Cha và Con. 
Chính vì thế các lời cầu nguyện của Ngài (10, 21; 22, 42; 23, 34. 46). 
đều bắt đầu bằng hai tiếng Abba, Cha ơi, thân thương. 
Cần một không gian tĩnh lặng và riêng tư để gặp Cha (9, 18), 
nên Đức Giêsu thường lên núi (6, 12; 9, 28) 
hay vào chỗ hoang vắng (5, 16). 
Nhưng có khi Ngài cầu nguyện tự phát trước mặt môn đệ (10, 21), 
hay dẫn các môn đệ đến nơi mình sắp cầu nguyện (9, 28; 22, 39). 
Gặp Cha là hơi thở đem lại sự sống và hạnh phúc cho Đức Giêsu. 
Ngài múc lấy toàn bộ ý nghĩa đời mình qua các cuộc gặp gỡ đó. 
Bài Tin Mừng hôm nay 
cho thấy một lần cầu nguyện đặc biệt của Đức Giêsu. 
Ngài đã thức suốt đêm nơi một ngọn núi (c. 12). 
Ngài cố ý đến ngọn núi này để gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của Ngài. 
Đức Giêsu có điều cần hỏi ý Cha trước khi đi tới một quyết định. 
Và đây là một quyết định quan trọng. 
Đã có một đám đông môn đệ theo Ngài (Lc 6, 17), 
bây giờ Đức Giêsu muốn tuyển chọn một nhóm nhỏ 
để họ ở gần Ngài hơn và cộng tác với Ngài sát hơn. 
Đức Giêsu không muốn tự chọn cho mình những cộng sự viên. 
Ngài muốn đặt việc chọn lựa này trong bầu khí cầu nguyện. 
Ngài coi nhóm đặc biệt này là “những kẻ Cha đã ban cho Con,” 
“những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian” (Ga 17, 6. 9). 
Đức Giêsu chỉ muốn chọn những người Cha đã chọn cho mình. 
Đến sáng Ngài mới rõ ý Cha, mới làm xong việc chọn lựa. 
Như thế cả Đức Giêsu cũng phải vất vả tìm kiếm ý Cha. 
Cuối cùng Ngài đã chọn được Mười Hai ông mà Ngài gọi là tông đồ. 
Đời người được đan kết bằng những chọn lựa lớn nhỏ. 
Có những trường hợp dễ phân biệt trắng đen. 
Nhưng có khi tôi phân vân không rõ điều nào tốt hơn, 
và đâu thực sự là điều Chúa muốn cho đời tôi. 
Gặp gỡ Chúa trong lặng lẽ cô tịch, với tâm hồn tự do thanh thoát, 
chúng ta có cơ may nhận được ánh sáng từ trên cao. 
Nếu tôi làm theo ý Chúa, đời tôi sẽ được hạnh phúc, dù phải hy sinh. 
Nếu tôi cương quyết làm theo ý mình, dù biết ngược với ý Chúa, 
thì lòng tôi sẽ chẳng được bình an. 
Thiên Chúa muốn vén mở cho tôi biết ý định của Ngài về tôi, 
nhưng Ngài đòi tôi cất công tìm kiếm. 
Hạnh phúc cho ai tìm thấy ý Chúa sau những đêm dài trăn trở! 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa, 
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, 
không có giờ đi vào sa mạc 
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài. 
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con. 
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu 
là con có thể tạo ra sa mạc. 
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa 
mà con đã bỏ mất : 
Khi chờ một người bạn, 
chờ đèn xanh ở ngã tư, 
chờ món hàng đang được gói. 
Khi lên cầu thang, 
khi đến nơi làm việc, 
khi kẹt xe, 
khi cúp điện bất ngờ. 
Thay vì bực bội hay nóng ruột 
con lại thấy mình sống an bình 
trong sự hiện diện của Chúa. 
Lạy Chúa, 
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày 
giúp con tỉnh thức 
để nhạy cảm với ý Chúa. 
Xin cho con yêu mến Chúa hơn 
để tìm ra những sa mạc mới 
và vui vẻ bước vào. 
(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl) 

 

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

 

SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta ơn kêu gọi của các Tông Đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ giúp chúng ta hiểu được ơn gọi của chính chúng ta ; bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là khuôn mẫu của mọi ơn gọi ; và mọi ơn gọi khơi nguồn từ ơn gọi của các Tông Đồ và tham dự vào ơn gọi của các Tông Đồ.

1. Đức Giê-su lên núi

“Đức Giêsu đi lên núi cầu nguyện”. Bởi vì, trong lịch sử cứu độ, núi là biểu tượng của nơi Thiên Chúa hiện diện:

Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong Nhà Chúa,
được ở trên núi thánh của Ngài. (Tv 15)

Con yêu mến Ngài Lạy Chúa, là sức mạnh của con,
Lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con. (Tv 18)

Với câu Thánh Vịnh được trích dẫn ở trên, núi còn là một tên gọi của Đức Chúa: “Người là Núi Đá”. Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần một nơi diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa.

Trước đó, Đức Giêsu ở trong hội đường giảng dạy và chữa bệnh; bây giờ Ngài lên núi để cầu nguyện. Đó chính là hai chiều kích làm nên chính cách sống của Đức Giê-su, chiều kích hoạt động (hay làm việc) và chiều kích cầu nguyện. Và đó cũng là hai chiều kích làm nên đời sống của tất cả những ai đi theo Đức Giê-su trong ơn gọi gia đình, và nhất là trong ơn gọi dâng hiến, dù đan tu hay tông đồ. Và quả thực, hàng ngày chúng ta vẫn sống theo nhịp sống của Đức Giê-su: hoạt động và cầu nguyện đan xen nhau mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi giai đoạn huấn luyện và cả đời sống Ki-tô hữu và đời sống dâng hiến của chúng ta.

Đôi khi, nhịp sống này đối với chúng ta trở thành nặng nề, nhất là cầu nguyện. Nhưng dưới ánh sáng cuộc đời của Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là một ơn huệ, ơn huệ được trở nên giống Chúa ở mức độ đơn sơ nhưng thiết yếu nhất. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng đi vào tâm tình tạ ơn và làm trổ sinh hoa trái trong đời sống của chúng ta.

2. Đức Giêsu “chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”

Mỗi lần Đức Giê-su lên núi cầu nguyện và cầu nguyện suốt đêm, chính là để chuẩn bị làm một việc hệ trọng. Giống như chúng ta đi tĩnh tâm, trong những thời điểm quan trọng trong hành trình làm người và nhất là trong hành trình ơn gọi. Trước khi Đức Giê-su chọn mười hai vị mà Ngài gọi là Tông Đồ, có thể nói Người đã “tĩnh tâm” tĩnh tâm trước. Điều này có nghĩa là, ơn gọi của các tông đồ và ơn gọi của chính chúng ta, không phải là một chuyện may rủi, hay do nỗ lực “trụ lại bằng mọi giá”, nhưng là một việc hệ trọng đối với Chúa, Chúa phải chuẩn bị bằng một đêm cầu nguyện trên núi với Thiên Chúa Cha. « Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông ». Như thế, ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của Chúa. Và ơn gọi của chúng ta cũng vậy, cho dù chúng ta đã đến với đời sống ơn gọi của chúng ta như thế nào, bởi những động lực hay lí do nào. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời sống ơn gọi của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đỗ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.

Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời ; nhưng theo Thánh Phao-lô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời. Xác tín này giúp chúng ta nhận ra rằng, ơn gọi là một ơn hoàn toàn nhưng không, chúng ta được Chúa tạo dựng là để sống ơn gọi mà chúng ta đang sống (Tv 139; Gl 1, 15).

Và Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng gọi tên từng người chúng ta. Chúng ta hãy hình dung từng khuôn mặt ngang qua tên gọi : ngoại hình, nguồn gốc, tương quan, khuynh hướng, nghề nghiệp, thao thức… Như thế, các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đầy giới hạn, bất toàn như chúng ta. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa là nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người được gọi. Ghi nhớ lòng tin « muôn ngàn đời » của Chúa đặt để nơi chúng ta, khi chúng ta chưa là gì và khi đã « là gì », thì là gì một cách rất bất xứng và sẽ mãi mãi « là gì » rất bất xứng, sẽ khởi dậy nơi chúng ta lòng khát khao đáp trả cách quảng đại và nhưng không.

3. Đức Giêsu và các tông đồ xuống núi

Các tông đồ được chọn ở trên núi, nhưng chính là để theo Đức Giê-su xuống núi, vì cả một nhân loại đông đúc đang mong chờ để nghe lời Đức Giê-su và để được chữa lành. Nhưng các ông chưa phải làm gì cả, chỉ lắng nghe Đức Giê-su giảng và nhìn ngắm Ngài chữa lành bệnh tật, nhất là nhìn ngắm sự kiện: “Tất cả đám đông tìm cách đụng vào Ngài, vì có một năng lực tự nơi Ngài phát ra, chữa lành hết mọi người”.

* * *

Các tông đồ và cả chúng ta nữa, sẽ được Đức Giê-su tin tưởng trao ban sứ mạng thực hiện cùng những gì mà Ngài đã làm, nghĩa là rao giảng Lời Chúa và phục vụ sự sống của nhiều người. Nhưng dù chúng ta làm việc gì, có chức vụ gì, sứ mạng của chúng ta vẫn là giúp người ta “đụng chạm” cho được Đức Ki-tô. Nhưng thật ra, Ngài vẫn đến “đụng chạm” chúng ta hằng ngày ngang qua Lời của Ngài và Thánh Thể của Ngài. Xin cho chúng ta biết để cho Chúa “đụng chạm”, như khi chúng ta còn nằm trong bụng mẹ (x. Tv 139, 13-16) và cảm nhận được, từ nơi Ngài, xuất phát một sức mạnh chữa lành tất cả và tái sinh chúng ta cho sự sống và cho Gia Đình Nhân Loại mới của Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

110_01_0322_BiblePaintings

Tuesday (September 12):  “Say the word – be healed”

 

Scripture:  Luke 7:1-10  

1 After he had ended all his sayings in the hearing of the people he entered Capernaum. 2 Now a centurion had a slave who was dear to him, who was sick and at the point of death. 3 When he heard of Jesus, he sent to him elders of the Jews, asking him to come and heal his slave. 4 And when they came to Jesus, they besought him earnestly, saying, “He is worthy to have you do this for him, 5 for he loves our nation, and he built us our synagogue.”6 And Jesus went with them. When he was not far from the house, the centurion sent friends to him, saying to him, “Lord, do not trouble  yourself, for I am not worthy to have you come under my roof; 7 therefore I did not presume to come to you. But say the word, and let my servant be healed. 8 For I am a man set under authority, with soldiers under me: and I say to one, `Go,’ and he goes; and to another, `Come,’ and he comes; and to  my slave, `Do this,’ and he does it.” 9 When Jesus heard this he marveled at him, and turned and said to the multitude that followed him, “I tell you, not even in Israel have I  found such faith.” 10 And when those who had been sent returned to the house, they found the slave well.

Thứ Ba    12-9               “Hãy nói một lời – thì sẽ được phục hồi”

 

Lc 7,1-10

1 Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um.2 Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm.3 Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.4 Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho.5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.”6 Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi.7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh.8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi! là nó đi; bảo người kia: “Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này! là nó làm.”9 Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.”10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.

Meditation: Do you approach the Lord Jesus with confidence and pray with expectant faith? A Roman military officer boldly sought Jesus with a daring request. What made him confident that Jesus would receive his request and act favorably towards him? Like a true soldier, he knew the power of command. And he saw in Jesus both the power and the mercy of God to heal and restore life. 

 

In the Roman world the position of centurion was very important. He was an officer in charge of a hundred soldiers. In a certain sense, he was the backbone of the Roman army, the cement which held the army together. Polybius, an ancient write, describes what a centurion should be: “They must not be so much venturesome seekers after danger as men who can command, steady in action, and reliable. They ought not to be over-anxious to rush into the fight, but when hard pressed, they must be ready to hold their ground, and die at their posts.”

The centurion who approached Jesus was not only courageous, but faith-filled as well. He risked the ridicule of his Roman companions by seeking help from a Jewish preacher from Galilee, as well as mockery from the Jews who despised the Roman occupation of their land. Nonetheless, this centurion approached Jesus with confidence and humility. Augustine of Hippo (354-430 AD) notes that the centurion regarded himself as unworthy to receive the Lord into his house: “Humility was the door through which the Lord entered to take full possession of one whom he already possessed.” 

The centurion was an extraordinary man because he loved his slave. In the Roman world slaves were often treated like animals and disposable property who had no rights of their own. The centurion was also an extraordinary man of faith. He believed that Jesus had the power to heal his beloved slave. Jesus commends him for his faith and immediately grants him his request.

Do you approach the Lord Jesus with doubt, fear, or disbelief? Seek him earnestly with expectant faith and humble trust in his merciful love and compassion. 

“Lord Jesus you came to set us free from the tyranny of sin, selfishness, and fear. Increase my faith in the power of your saving word and give me joy and freedom to love and serve others generously for their sake just as you have generously laid down your life for my sake.”

Suy niệm: Bạn có tiếp cận Chúa Giêsu với lòng tự tin và cầu nguyện với đức tin kiên vững không? Một viên sĩ quan Roma táo bạo tìm kiếm Đức Giêsu với một lời thỉnh cầu liều lỉnh. Điều gì đã khiến ông tự tin rằng Đức Giêsu sẽ nhận lời cầu xin của ông và ban phúc lành cho ông? Là một người lính thật sự, ông biết rõ quyền lực của sự ra lệnh. Ông thấy nơi Đức Giêsu có cả hai vừa có quyền năng vừa có lòng thương xót của Thiên Chúa để chữa lành và phục hồi sự sống.

 

Trong thế giới Lamã, vai trò người lính rất quan trọng. Ông là một viên sĩ quan cai quản cả trăm quân lính. Trong một ý nghĩa nào đó, ông là cột trụ của quân đội Rôma, là xi măng gắn chặt đội quân lại với nhau. Polybius, một tác giả thời cổ mô tả về đội quân Lamã như sau: “Họ không phải là những người liều lĩnh đi tìm nguy hiểm khi người ta có thể ra lệnh, bình tĩnh hành động, và đáng tin cậy. Họ không quá lo lắng về chiến đấu, nhưng khi đang gặp cảnh nguy khốn, họ quyết tâm gìn giữ mãnh đất của mình, và sẵn sàng hy sinh tính mạng vì nhiệm vụ”.”

Viên sĩ quan đến gần Đức Giêsu không chỉ với lòng can đảm, mà còn có lòng tin tràn đầy. Ông dám chịu sự chế nhạo của bạn bè đồng nghiệp qua việc tìm kiếm sự giúp đỡ của một thầy giảng lưu động ở Galilê, cũng như sự mỉa mai từ những người Dothái. Tuy nhiên, ông đã đến với Đức Giêsu với lòng tự tin và khiêm nhường. Thánh Augustinô Hippo (354-430 AD) ghi chú rằng người sĩ quan nhận mình bất xứng để tiếp đón Chúa vào nhà: Khiêm nhường là cánh cửa, qua đó Thiên Chúa đi vào để chiếm hữu hoàn toàn người mà đã thuộc về Người.

 

Viên sĩ quan là một người đặc biệt, bởi vì ông yêu mến người nô lệ của mình. Trong thế giới Rôma, người ta coi những người nô lệ như súc vật hơn là con người. Viên sĩ quan Lamã cũng có một niềm tin lạ thường. Ông tin rằng Đức Giêsu có quyền năng chữa lành người tôi tớ yêu dấu của mình. Đức Giêsu khen ngợi lòng tin của ông ấy, và ngay lập tức ban cho ông điều mà ông cầu xin.

 

Bạn có tiếp cận Chúa Giêsu với sự nghi ngờ, sợ hãi, hay vô tín không? Hãy tìm kiếm Người với lòng tin kiên vững và sự phó thác khiêm tốn nơi tình yêu thương xót và lòng trắc ẩn của Người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để giải thoát khỏi sự nô lệ tội lỗi, ích kỷ và sự sợ hãi. Xin gia tăng lòng tin của con vào quyền năng lời cứu độ của Chúa, và ban cho con niềm vui và sự tự do để yêu thương và phục vụ tha nhân với lòng quảng đại vì lợi ích của họ, như Chúa đã quảng đại hiến mạng sống mình vì con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận