Ngày thứ hai chuyến tông du của Đức Phanxicô tại Cuba

Đăng lúc: Thứ ba - 22/09/2015 17:29 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Ngày thứ hai chuyến tông du của Đức Phanxicô tại Cuba
Vũ Van An9/20/2015
Sau đây là bản tường trình từng giờ của A.P. về các biến cố của ngày thứ hai chuyến tông du của Đức Phanxicô tại Cuba:

8 giờ 15 sáng: Mặt trời đã xuất hiện trên Quảng Trường Cách Mạng của Havana và hàng ngàn người đã đứng chật quảng trường trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới cử hành Thánh Lễ đầu tiên của ngài trên đất Cuba. 

Các tín hữu và những người không có đức tin đã kéo nhau vào quảng trường, chờ Đức Giáo Hoàng tới trên giáo hoàng xa. Bức tượng Che Guevara bằng kim khí đầy ấn tượng ở quảng trường như đang đua tranh với tấm bích chương khổng lồ vẽ Chúa Kitô đặt đối diện với bàn thờ nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ.

Người Cuba biết rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng giúp thúc đẩy Hoa Kỳ và Cuba thực hiện việc xích lại gần nhau có tính lịch sử của họ, và họ kéo nhau từng đoàn để được thấy vị giáo hoàng Mỹ Châu La Tinh đầu tiên trong lịch sử.

Jose Rafael Velazquez là một công nhân 54 tuổi, tới quảng trường cùng vợ, cả ba tiếng đồng hồ trước khi Thánh Lễ được dự trù khởi đầu. Ông cho hay: ông không phải là người có tôn giáo nhưng tới đây để chứng kiến một biến cố lịch sử thì đúng hơn. 

Ông nói: “chúng tôi rất hy vọng đối với chuyến viếng thăm này, vì Đức Giáo Hoàng là chìa khóa mở cuộc thương thảo với Hoa Kỳ, và từ đó lúc thông báo, đã có nhiều thay đổi và chuyến viếng thăm này đem lại cho tôi nhiều hy vọng nó sẽ tốt hơn”.

8 giờ 30 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang chạy vòng quanh đám đông tụ tập để tham dự Thánh Lễ đầu tiên của ngài tại Havana, thỉnh thoảng dừng giáo hoàng xa lại để thăm hỏi tín hữu và hôn trẻ em được nâng lên cho ngài. 

Cờ Vatican và Cuba tung bay giữa các hàng tín hữu tại Quảng Trường Cách Mạng của Cuba. 

Chủ Tịch Cuba, Raul Castro, có mặt trong số những người tụ tập tham dự Thánh Lễ. 

9 giờ 15 sáng: Nhân viên an ninh Cuba đã giam giữ ít nhất ba người hình như đang cố gắng phân phát truyền đơn trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh Lễ tại Quảng Trường Cách Mạng của Havana. 

Các viên chức này lôi họ đi và thu lượm các tờ truyền đơn vương vãi trên một trong những đường phố quanh Quảng Trường. Không rõ họ phản đối điều gì. Ba người vận áo thung trắng và hô hoán trước khi bị túm giữ và lôi đi. 

9 giờ 45 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc giục người Cuba chăm sóc lẫn nhau và đừng phê phán người khác dựa trên tư cách hay hành động của họ. 

Đức Phanxicô ngỏ sứ điệp của ngài trước hàng ngàn người Cuba đang tụ tập vào hôm Chúa Nhật để tham dự Thánh Lễ đầu tiên của ngài tại Quảng Trường Cách Mạng của Havana. Ngài nói vói họ rằng những ai muốn làm lớn phải phục vụ người khác, chứ không để người khác phục vụ mình. Ngài cho hay: người Cuba nên tránh “những cái nhìn đầy phê phán”.

Ngài nói: “tất cả chúng ta đều được Chúa Giêsu yêu cầu, đúng hơn, được Người thúc giục chăm sóc lẫn nhau vì yêu thương… Không nhìn phía này phía kia để thấy người láng giềng mình đang làm gì hay đang không làm gì”. 

Lúc này, chưa rõ Đức Phanxicô muốn nói gì. Nhưng nhiều người Cuba than phiền về sự cứng ngắc của một hệ thống trong đó hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống đều bị nhà nước kiểm soát, từ các định chế văn hóa tới các ủy ban khu xóm chuyên dòm ngó, một hệ thống trong đó con người bị loại trừ hay mất phúc lợi nếu bị coi là không trung thành với các nguyên tắc cách mạng. 

Trong mấy năm gần đây, hệ thống trên đã được nới lỏng phần nào, nhưng đối với nhiều người trong nước và các quan sát viên ngoại quốc, trọng điểm của vấn đề vẫn còn đó.

Nhiều người Cuba cũng càng ngày càng quan tâm tới việc gia tăng bất bình đẳng, khi những người được tư bản ngoại quốc nâng đỡ thì sống phè phỡn trong khi người khác phải chật vật lắm mới có miếng ăn, sinh ra ghen tỵ và chia rẽ giữa các gia đình và trong xã hội nói chung.

10 giờ 21 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẩn khoản yêu cầu chính phủ và nhóm du kích quân lớn nhất của Colombia chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài nhất ở Nam Mỹ; ngài nói rằng họ không thể cho phép mình một lần nữa phạm sai lầm trong việc làm trật đường các cố gắng đạt hòa bình.

Đức Phanxicô đưa ra lời kêu gọi trên vào hôm Chúa Nhật từ Quảng Trường Cách Mạng ở Havana, nơi đang diễn ra các cuộc thương thuyết hòa bình trong hơn hai năm qua giữa Lực Lượng Võ Trang Cách Mạng Colombia và các đại diện của Bogota nhằm chấm dứt nửa thế kỷ đánh nhau. 

Ngài nói: “Mong rằng máu do hàng ngàn người vô tội đổ ra trong suốt những thập niên lâu dài của cuộc tranh chấp võ trang” có thể nâng đỡ các cố gắng tìm được một nền hòa bình dứt khoát. 

Đức Phanxicô nói thêm: “Làm ơn, chúng ta không có quyền tự cho phép mình sai phạm một lần nữa trong nẻo đường hoà bình và hoà giải này”. 

Vị giáo hoàng đầu tiên người Mỹ Châu La Tinh của Giáo Hội gần đây đã giúp đẩy nhanh việc hòa giải có tính lịch sử giữa Hoa Kỳ và Cuba bằng cách đích dân kêu gọi các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia. 

10 giờ 40 sáng: Chủ Tịch Cuba, Raul Castro là người đầu tiên chào kính Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau khi ngài cử hành Thánh Lễ tại Quảng Trường Cách Mạng ở Havana.

Đức Phanxicô cũng chuyện trò ít phút với Tổng Thống Á Căn Đình, Bà Cristina Fernandez, và các nhà lãnh đạo tôn giáo trong nước. 

Hai phụ tá nâng Đức Giáo Hoàng khi ngài leo lên các bậc thang của bàn thờ, và lúc ngài bước xuống. Ngài vốn bị chứng đau thần kinh tọa và thường bước đi cách hơi khó khăn. 

11 giờ 10 sáng: Truyền thông điện tử của chính phủ Cuba, Cubadebate, đã thay đổi biểu trưng (logo) trên trang mạng và trên chương mục “Hót” của họ nhân chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Biểu trưng quen dùng gồm các bán nguyệt đỏ và đen và các dải trắng đã được thay thế bằng chiếc mũ giáo hoàng với cây Thánh Giá và hàng chữ “Chào Mừng Tới Cuba” thay vì hàng chữ quen dùng “Chống Khủng Bố Truyền Thông”. 

1 giờ 05 chiều: Phát ngôn viên Vatican cho hay: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp Fidel Castro khoảng nửa giờ tại căn nhà của người cựu lãnh đạo Cuba. 

Cha Lombardi nói rằng buổi đàm đạo không có gì trịnh trọng và diễn ra trước sự hiện diện của cả con lẫn cháu của Castro.

1 giờ 15 chiều: Phát ngôn viên Vatican còn cho hay: Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Fidel Castro trao đổi sách làm quà tặng lẫn nhau trong cuộc gặp gỡ kéo dài nửa tiếng tại nhà viên cựu lãnh tụ này.

Cha Lombardi nói rằng Đức Giáo Hoàng tặng Castro một tác phẩm do một tu sĩ Dòng Tên viết, vị này vốn dạy Fidel tại một trường Công Giáo lúc ông ta còn nhỏ. 

Castro thì tặng Đức Giáo Hoàng một bộ ghi lại các cuộc đàm đạo của ông về tôn giáo với giáo sĩ người Ba Tây, tên là Frei Betto.

3 giờ 05 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đích thân mời người ta cùng với ngài tới Philadelphia cuối tuần tới. Liệu có tới một triệu người hay không sẽ tham dự, như dự tính, vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. 

Một chiến dịch để khuyến khích việc tham dự Thánh Lễ đại trào và các biến cố khác đã được phát động với khẩu hiệu “Tôi Sẽ Ở Đó”
Trong một sứ điệp video, Đức Giáo Hoàng nói rằng “Tôi sẽ ở đó vì các bạn sẽ ở đó! Hẹn gặp các bạn tại Philadelphia!”

Một số hạn chế về du lịch đã được nới lỏng, giúp cắt ngắn các đoạn đường phải đi bộ. Nhưng vẫn còn nhiều phòng khách sạn và rất nhiều vé xe lửa chưa có người giữ chỗ.

Địa điểm an toàn cho hai biến cố lớn nhất của Đức Giáo Hoàng là Benjamin Franklin Parkway dài một dặm. Các ước lượng mới cho biết sức chứa của nó vào khoảng 250,000 người.

Các khách viếng thăm khác sẽ phải coi các màn hình vĩ đại đặt gần đó hay tại các địa điểm khác trong thành phố. Các giới chức Giáo Hội cho biết kế hoạch đã luôn như thế rồi. 

3 giờ 45 chiều: Một bức hình cho thấy cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Fidel Castro tại nhà của cựu lãnh tụ Cuba.
Cựu chủ tịch và Đức Giáo Hoàng nhìn thẳng vào mặt nhau khi bắt tay nhau. Đức Phanxicô mặc đồ trắng, còn Castro thì mặc một sơmi trắng và một áo ấm thể thao.

Bức hình do Alex Castro, con trai Fidel và là nhiếp ảnh gia chính thức, chụp và gửi cho Associated Press.

4 giờ 15 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Dinh Cách Mạng, trụ sở của chính phủ Cuba, để dự cuộc hội kiến với chủ tịch Raul Castro. 

Hai vị đang thăm hỏi các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Cuba và các giới chức chính phủ. 

Trong số những người tham dự có đệ nhất Phó Chủ Tịch Miguel Diaz-Canel, người được nhiều giới cho là sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch vào năm 2018 khi Castro nói mình sẽ từ chức. 

4 giờ 45 chiều: Món quà Đức Giáo Hoàng Phanxicô tặng Fidel Castro khiến nhiều người cau mày.

Ngài mang tới cho cựu lãnh tụ Cuba một bộ sưu tầm các bài giảng của vị thầy Dòng Tên trước đây của Fidel, tức linh mục Amando Llorente, và hai CD ghi lại các bài giảng của vị linh mục Tây Ban Nha này. Cha Llorente dạy tại một trung học Dòng Tên nơi Fidel theo học, nhưng ngài bị buộc phải rời Cuba sau khi Castro nắm được quyền hành vào năm 1959 không bao lâu và ra tay trục xuất các giáo sĩ ngoại quốc. Ngài qua đời tại Miami năm 2010.

Người viết tiểu sử Đức Giáo Hoàng Phanxicô là Austen Invereigh cho hay: theo ông, Đức Giáo Hoàng muốn gửi một thông điệp tế nhị cho một người có nền cai trị được đánh dấu bằng tranh chấp với Giáo Hội Công Giáo và nhiều nhóm khác. Trong chuyến viếng thăm của ngài, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới việc hoà giải giữa những người Cuba sống trong nước và sống ở ngoại quốc. 

Invereigh nói: ông “không thể không nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn mời gọi Fidel Castro giải quyết quá khứ của ông cách thoả đáng”.

5 giờ 20 chiều: Chủ Tịch Cuba, Raul Castro, đang chỉ cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem điều hình như là quà tặng chính thức dành cho ngài, được trưng bày tại Dinh Cách Mạng: một tượng chịu nạn lớn được làm từ những mái chèo do nghệ sĩ Cuba tên Kcho thực hiện, và một bức vẽ Nữ Trinh Bác Ái El Cobre, Quan Thầy Cuba.

5 giờ 35 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô cám ơn ông Raul Castro vì sự nghinh đón của ông tại phi trường hôm Thứ Bẩy và việc ông ân xá cho 3,522 tù nhân phạm những tội tương đối nhẹ. 

Trong cuộn băng của Associated Press ghi âm cuộc trao đổi giữa hai vị trước khi họ gặp riêng nhau, mà một phần nghe không rõ, người ta thấy Đức Phanxicô nói: “Trước nhất, tôi muốn cám ơn ngài vì sự nồng hậu của cuộc nghinh đón, sự kiện là trong bài diễn văn của ngài, ngài đã trích dẫn những điều thực sự là đấu chỉ (nghe không rõ) và đầm ấm. Tôi cũng muốn cám ơn ngài về lệnh ân xá”. 

5 giờ 45 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang chủ tọa buổi kinh chiều tại Nhà Thờ Chính Tòa Vô Nhiễm Thai và Thánh Cristobal ở Havana, xây từ thế kỷ thứ 18. 

Các chuông nhà thờ đã được dóng lên và mấy trăm linh mục cùng nữ tu phấn khởi vỗ tay và hô to “Phanxicô!” khi Đức Giáo Hoàng tới. Chiếc đại phong cầm bật lên bài thánh ca hân hoan. 

Ngôi nhà thờ chánh tòa này đầu tiên được khởi công bởi các cha Dòng Tên và mặt tiền của nó do kiến trúc sư người Ý tên Borromini vẽ kiểu. Nhà thờ có tượng lớn bằng thau của Thánh Gioan Phaolô II, người là vị giáo hoàng đầu tiên thăm Cuba năm 1998, cũng như bản sao tượng Nữ Trinh Bác Ái El Cobre, quan thầy Cuba. 

6 giờ 30 tối: Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lần đầu tiên trong chuyến tông du này, đã nói ứng khẩu khá dài, ra ngoài bản văn đã soạn sẵn, trong một bài giảng tập chú nhiều vào sự quan trọng của đức khó nghèo đối với Giáo Hội Công Giáo. 

Ngài cũng cảnh giác trước các nguy hiểm rơi vào cạm bẫy bị cám dỗ giầu sang. Ngài nói: “Mẹ Giáo Hội ta sống nghèo. Thiên Chúa muốn Giáo Hội nghèo, như Người từng muốn cho Mẹ Thánh Maria của Người sống nghèo vậy”. 

8 giờ 10 tối: Hai người bất đồng nổi tiếng của Cuba nói rằng Vatican mời họ dự buổi kinh chiều của Đức Giáo Hoàng tại Nhà Thờ Chánh Tòa Havana nhưng cơ quan an ninh Cuba bắt giam họ và tạm thời giam giữ họ.

Marta Beatriz Roque và Miriam Leiva, cả hai đều là những người bất đồng đã lâu, cho biết: họ nhận được lời mời từ văn phòng Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Havana để tham dự buổi lễ, nhưng họ bị bắt khi lên đường tới nhà thờ chánh tòa.

Bà Roque nói rằng bà cũng được Vatican mời gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Tòa Khâm Sứ không bao lâu sau khi ngài tới đây hôm Thứ Bẩy, nhưng bà cũng đã bị bắt giữ cùng một lúc và được thả trước khi bị bắt lại vào chiều Chúa Nhật. 

Theo hai bà Leiva và Roque, các nhân viên an ninh minh nhiên nói với họ rằng họ không thể tới dự buổi cầu nguyện với Đức Giáo Hoàng tại Cuba. 

Bà Roque nói: "họ bảo tôi rằng tôi không có tư cách, nên tôi không thể tới tham dự các biến cố của Đức Giáo Hoàng đang diễn ra tại Quảng Trường Nhà Thờ Chánh Tòa”. 

8 giờ 30 tối: Phát ngôn viên Vatican xác nhận rằng một số người bất đồng được kêu gọi và được mời tới tham dự các biến cố để được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chào hỏi. 

Nhưng ngài cho hay: không có cuộc gặp gỡ đặc biệt nào đã được hoạch định. Cha Lombardi cho hay: các người bất đồng này đã không tới nhưng ngài không thể xác nhận là do họ bị bắt giữ. 

Trước đó, hai người bất đồng nổi tiếng nói rằng các nhân viên an ninh Cuba đã bắt giữ họ và nói với họ rằng họ không được lui tới các biến cố của Đức Giáo Hoàng.


Diễn văn của Đức Phanxicô với các sinh viên trẻ tại Trung Tâm Văn Hóa Félix Varela, Havana
Vũ Van An9/20/2015
Các bạn thân mến,

Tôi rất vui được hiện diện với các bạn tại đây ở Trung Tâm Văn Hóa này, nơi quan trọng xiết bao đối với lịch sử Cuba. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì dịp may này, được gặp mặt rất nhiều bạn trẻ, những người, qua việc làm, việc học hành và huấn luyện của họ, đang mơ về và đang thực sự tạo ra tương lai cho Cuba. 

Tôi cám ơn Leonardo vì những lời chào mừng của bạn, và nhất là vì, dù nói tới biết bao nhiêu điều quan trọng và cụ thể như các khó khăn, các mối lo sợ, các niềm hoài nghi của chúng ta, có tính vừa thực chất vừa nhân bản, bạn vẫn đề cập với ta về hy vọng. Bạn ấy đã nói với chúng ta về các giấc mơ và khát vọng từng bén rễ vững chắc trong tâm hồn người trẻ Cuba, vượt lên trên các dị biệt của họ về giáo dục, văn hóa, niềm tin và ý nghĩ. Leonardo thân mến, xin cám ơn bạn, vì khi tôi nhìn tất cả các bạn, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi cũng là chữ "hy vọng". Tôi không thể tưởng tượng được việc một người trẻ lại không có sức sống, không có giấc mơ hay lý tưởng, không khát mong một điều gì đó vĩ đại hơn. 

Nhưng ở giờ phút lịch sử này, một người trẻ Cuba nên có loại hy vọng nào? Không có gì hơn hay kém niềm hy vọng của bất cứ người trẻ nào tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Vì hy vọng nói với ta về một điều gì đó bén rễ sâu trong mọi trái tim con người, độc lập với các hoàn cảnh cụ thể và điều kiện lịch sử của ta. Hy vọng nói với chúng ta về nỗi khát mong, niềm hoài bão, lòng mong mỏi có được một cuộc đời thành toàn, niềm khát vọng hoàn thành những điều cao cả, những điều làm tâm hồn ta ngập tràn và nâng tinh thần ta lên những thực tại cao thượng như chân, thiện, mỹ, công lý và tình yêu. Nhưng nó cũng bao gồm việc chấp nhận rủi ro. Nghĩa là sẵn sàng không để mình bị quyến rũ bởi những lời hứa hẹn hạnh phúc mau qua, giả dối, lạc thú tức khắc và vị kỷ, bởi cuộc sống tầm thường và tự lấy mình làm trung tâm, một cuộc sống chỉ có thể đổ đầy lòng ta bằng buồn bã và đắng đót. Không, hy vọng phải mạnh dạn; nó phải biết nhìn quá bên kia tiện ích bản thân, những an toàn và bù đắp nhỏ mọn chỉ giới hạn chân trời ta; nó phải mở lòng ta cho những lý tưởng lớn lao giúp làm cho đời ta nên tươi đẹp và đáng sống hơn. Tôi muốn hỏi mỗi người trong các bạn: Điều gì lên khuôn đời các bạn? Điều gì đang nằm sâu trong trái tim các bạn? Các hy vọng và khát vọng của các bạn đặt ở đâu? Các bạn có sẵn sàng đặt mình lên tuyến phục vụ một điều gì đó lớn lao hơn không?

Có lẽ các bạn sẽ thưa: "có, thưa cha, con được các lý tưởng đó lôi cuốn mạnh mẽ. Con cảm nhận được lời mời gọi của chúng, vẻ đẹp của chúng, ánh sáng rạng rỡ của chúng trong trái tim con. Nhưng con thấy mình yếu đuối quá, con chưa sẵn sàng quyết định đi theo con đường hy vọng. Mục tiêu thì cao cả đấy nhưng sức con thì yếu quá đi. Tốt nhất là bằng lòng với những điều nhỏ mọn, không cao cả gì nhưng thực tiễn hơn, trong vòng với hơn". Tôi có thể hiểu được phản ứng này; cảm thấy bị trĩu nặng bởi khó khăn và các điều quá đòi hỏi là chuyện thông thường thôi. Nhưng các bạn hãy ý tứ đừng để mình bị cám dỗ mà nhụt chí là thứ làm tê liệt lý trí và ý chí ta, hay lãnh cảm là hình thức bi quan triệt để trước tương lai. Các thái độ này kết thúc ở chỗ một là trốn chạy khỏi thực tế mà sa vào ảo tưởng vô ích, hai là ích kỷ tự cô lập hóa và hoài nghi bịt tai trước tiếng kêu than đòi công lý, sự thật và tình người đang nổi lên giữa ta và trong chính ta. 

Nhưng ta phải làm gì? Làm thế nào tìm thấy các nẻo đường hy vọng ngay trong các hoàn cảnh ta đang sống? Làm thế nào biến các niềm hy vọng thành toàn, chân thực, công lý và chân lý trở thành một thực tại trong cuộc sống bản thân của ta, trong đất nước ta và trong thế giới ta? Tôi nghĩ: có ba ý tưởng có thể giúp duy trì niềm hy vọng của ta luôn sống động:

Hy vọng là một con đường gồm cả ký ức lẫn biện phân. Hy vọng là nhân đức để đi khắp nơi. Nó không đơn thuần là nẻo đường ta theo vì thích nó, nhưng nó có một cùng đích, một mục tiêu rất thực tế và soi dẫn đường ta đi. Hy vọng cũng được nuôi dưỡng bằng ký ức; nó không chỉ nhìn tương lai mà còn nhìn cả dĩ vãng và hiện tại nữa. Để luôn tiến tới trong đời, ngoài việc biết mình muốn đi đâu, ta cũng cần biết ta là ai và ta từ đâu đến. Các cá nhân hay các dân tộc nào không có ký ức và xóa bỏ dĩ vãng của mình đều liều mình đánh mất bản sắc và tiêu diệt tương lai của mình. Thành thử ta cần nhớ ta là ai, và di sản thiêng liêng và luân lý của ta bao gồm những gì. Tôi tin rằng điều này chính là kinh nghiệm và cái nhìn thông sáng của Cha Félix Varela, người Cuba vĩ đại. Biện phân cũng cần thiết, vì điều chủ yếu là cởi mở đối với thực tại và biết giải thích thực tại này mà không sợ thiên kiến. Các giải thích phiến diện và có tính ý thức hệ là điều vô ích; chúng chỉ làm méo mó thực tại bằng cách cố gắng nhét nó vào những khuôn khổ tiên kiến, chỉ tổ gây thất vọng và tuyệt vọng. Ta cần biện phân và ký ức, vì biện phân không mù quáng; nó được xây dựng trên các tiêu chuẩn đạo đức và luân lý vững chắc, giúp ta nhìn thấy điều thiện và điều chính đáng. 

Hy vọng là con đường ta cùng người khác tiếp nhận. Một tục ngữ Phi Châu nói rằng: "Muốn đi nhanh, thì đi một mình; muốn đi xa, thì đi với người khác". Cô lập và sống xa cách không bao giờ phát sinh được hy vọng; nhưng gần gũi và gặp gỡ người khác thì có. Để một mình, ta sẽ không đi tới đâu cả. Mà với loại trừ, ta cũng không thể xây dựng tương lai cho ai được, cho cả ta cũng không. Đường hy vọng đòi phải có nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại, một nền văn hóa vốn có khả năng thắng vượt tranh chấp và kình chống khô cằn. Muốn tạo ra nền văn hóa này, điều sinh tử là coi các phương thức suy nghĩ khác nhau không hẳn là nguy cơ mà là phong phú và phát triển. Thế giới cần nền văn hóa gặp gỡ này. Nó cần những người trẻ biết tìm cách biết nhau và yêu nhau, cùng nhau đồng hành trong việc xây dựng xứ sở, một cuộc hành trình mà José Martí từng mơ ước: “với mọi người, và vì lợi ích mọi người".

Hy vọng là con đường liên đới. Nền văn hóa gặp gỡ tự nhiên sẽ dẫn ta tới nền văn hóa liên đới. Tôi rất thán phục trước điều Leonardo nói lúc đầu, khi bạn ấy đề cập tới tình liên đới, coi nó như nguồn tạo sức mạnh để lướt thắng mọi trở ngại. Không có liên đới, không nước nào có tương lai cả. Vượt lên trên các tính toán và tư lợi khác, ta không những phải quan tâm tới những người có thể là bằng hữu ta, người đồng hành với ta, mà cả những ai suy nghĩ khác với ta, những ai có ý nghĩ riêng nhưng không kém nhân bản và có tính Cuba như ta. Khoan dung không thôi chưa đủ; ta còn phải đi xa hơn thế, từ thái độ nghi ngờ và phòng ngự phải tiến qua thái độ chấp nhận, hợp tác, phục vụ cụ thể và giúp đỡ hữu hiệu. Đừng sợ liên đới, phục vụ và giúp một tay, để không ai bị loại trừ khỏi con đường này. 

Con đường sống trên đươc soi sáng bởi một niềm hy vọng cao hơn: đó là niềm hy vọng phát sinh từ đức tin vào Chúa Kitô. Ngưòi tự làm Người trở thành người đồng hành với ta. Không những Người khuyến khích ta, Người còn đồng hành với ta nữa; Người ở bên cạnh ta và giơ bàn tay thân hữu của Người cho ta. Là Con Thiên Chúa, Người muốn trở thành một người như ta, đồng hành với ta trên đường. Niềm tin vào sự hiện diện của Người, vào tình bạn và tình yêu của Người làm sáng lên mọi hy vọng và mọi giấc mơ của ta. Với người cạnh bên, ta học được cách biện phân điều có thực, gặp gỡ và phục vụ người khác, và bước theo con đường liên đới. 

Các bạn trẻ Cuba thân mến, nếu chính Thiên Chúa đã bước vào lịch sử ta và trở thành nhục thể nơi Chúa Giêsu, nếu Người đỡ lấy các yếu đuối và tội lỗi của ta, thì các bạn không nên sợ hy vọng, hay tương lai, vì Thiên Chúa ở cạnh bên ta. Người tin tưởng các bạn và Người hy vọng nơi các bạn. 

Các bạn thân mến, tôi xin cám ơn các bạn vì cuộc gặp gỡ này. Xin niềm hy vọng nơi Chúa Kitô, người bạn của các bạn, luôn hướng dẫn các bạn trên đường đời của các bạn. Và xin các bạn nhớ cầu nguyện cho tôi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các bạn.

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Fidel Castro
Đặng Tự Do9/20/2015

Fidel và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Fidel và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16
Fidel và Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Trưa Chúa Nhật 20 tháng 9, sau thánh lễ tại quảng trường cách mạng của thủ đô Havana, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với nhà cựu độc tài Fidel Castro tại tư gia của ông ta trong vòng 30-40 phút. Hiện diện trong cuộc gặp gỡ có cả vợ con và cháu chắt của Fidel Castro.

Đức Thánh Cha đã trao cho ông Fidel Castro nhiều cuốn sách, trong đó có một cuốn của một vị linh mục người Ý là cha Alexander Pronzato, và một cuốn khác bằng tiếng Tây Ban Nha của linh mục Dòng Tên Segundo Llorentea. Cha Segundo Llorentea sinh năm 1906 và qua đời năm 1963. Ngài là một nhà triết học lẫy lừng của Dòng Tên đã viết nhiều sách bàn về quan hệ giữa đức tin và triết học. Sau 40 năm truyền giáo tại những vùng quê ở Alaska, Hoa Kỳ, năm 1960 ngài đắc cử dân biểu quốc hội lập hiến khóa 2 của tiểu bang Alaska và là linh mục Công Giáo đầu tiên tại Hoa Kỳ đảm nhận một chức vụ công quyền như vậy.

Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, không cho biết chi tiết về 2 cuốn sách nói trên nhưng hầu chắc cuốn sách của cha Segundo Llorentea là một cuốn sách về triết học. Còn cuốn sách của cha Alexander Pronzato được dự đoán là sách về đàng thiêng liêng. Đức Thánh Cha cũng tặng cho Fidel Castro một cuốn sách và hai đĩa DVD những bài giảng của ngài, cũng như hai bản sao Thông Điệp Lumen Fidei và Laudetop Sí.

Đáp lại, Fidel Castro đã tặng cho Đức Thánh Cha một cuốn sách nhan đề "Fidel và Tôn Giáo," được viết vào năm 1985 bởi một linh mục người Brazil là cha Frei Betto. Trong lời đề tặng Fidel viết: "Kính tặng Đức Thánh Cha Phanxicô, nhân chuyến viếng thăm của ngài tại Cuba, với lòng ngưỡng mộ và kính trọng của nhân dân Cuba." 

Qua cuốn sách này, rõ ràng Fidel muốn đáp trả lại những cuốn sách Đức Thánh Cha đã viết về Fidel và đảng cộng sản Cuba trong thời gian trước và sau khi ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Buenos Aires.

Cha Federico Lombardi, cho biết cuộc họp đã diễn ra "thân thiện và không nặng về nghi thức". Cha cho biết thêm chủ đề chính được thảo luận là việc "bảo vệ môi trường và các vấn đề lớn của thế giới đương đại."

So sánh cuộc gặp gỡ hôm Chúa Nhật 20 tháng 9 với cuộc gặp gỡ đã diễn ra giữa Fidel Castro và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2012, Cha Federico Lombardi nói trong cuộc họp trước Fidel Castro đặt nhiều câu hỏi hơn với Đức Bênêđíctô thứ 16. Lần này, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ động đưa ra nhiều câu hỏi với Fidel.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận