Giáo xứ Thanh hải - Tuần lễ Tĩnh tâm, Sám hối

Đăng lúc: Thứ bảy - 05/04/2014 05:51 - Người đăng bài viết: admin
 
GIÁO XỨ THANH HẢI, TUẦN LỄ TĨNH TÂM SÁM HỐI
 
 
Tuần IV Mùa chay, Giáo xứ Thanh Hải tổ chức tuần lễ tĩnh tâm sám hối để dọn tâm hồn chuẩn bị hiệp thông với Đức Giêsu Kitô bước vào cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển.
 
xem hinh

Xuyên suốt từ 4g30 đến 21g00, thứ hai đến thứ sáu, Cha Chính Xứ, Cha Phụ Tá, Quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, Cha Dòng Châu Thuỷ đã dâng lễ, giảng tĩnh tâm, chầu Thánh Thể, giải tội theo từng hội đoàn thật trang nghiêm và sốt sắng.

 
Tuần lễ tĩnh tâm sám hối là một nét son mới trong hoạt động mục vụ, thiêng liêng của Giáo xứ Thanh Hải trong Mùa Chay Thánh 2014. Chính vì thế, các hội đoàn: Gia Trưởng, Hiền Mẫu, Giới Trẻ, Thiếu Nhi và các hội cầu nguyện: Lêgio, Phan Sinh, Mến Thánh Giá Tại Thế, Têrêxa, Lòng Chúa Thương Xót đã tham dự với số lượng rất đông đảo và sốt sắng để tham dự Thánh Lễ, nghe giảng, chầu Thánh Thể và lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải.
 
Tuần tĩnh tâm sám hối đã thực sự mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng trong từng tâm hồn của bà con giáo dân và trong lòng cộng đoàn giáo xứ.
 
BAN TRUYỀN THÔNG
GIÁO XỨ THANH HẢI


 
 
Bài Suy Niệm, Lc 13,1-9 : Lòng Sám Hối

 
         
          1. Nếu xuyên suốt Tin mừng Gioan vang vọng điệp khúc tình yêu và sự sống: Đức Giêsu yêu đến cùng, đến chết để ta được sống; và muốn sống thật sự với Người, thì hãy yêu mến như Người yêu ta. Đề tài chủ yếu của Tin mừng Luca lại là lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, thể hiện tròn đầy nơi Đức Giêsu : "Thiên Chúa yêu thế gian….". Lời rao giảng đầu tiên của Người là một lời mời gọi sám hối: "Hãy sám hối vì Nước Trời đến gần ". Suốt hành trình rao giảng Tin mừng, Người đã sống và biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người: những người bệnh tật, nghèo khổ, bất hạnh, những kẻ tội lỗi bị người đời khinh chê loại bỏ, ngay cả những kẻ thù ghét Người....Người dạy và ban bố lề luật yêu thương mà thánh Phaolo quả quyết là tóm kết mọi lề luật. Người đã hiến mình chịu chết để chúng ta được sống : "Không tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám thí mạng sống mình". Thật cảm động khi đọc lại dụ ngôn con chiên lạc,  nhất là tình cha đối với đứa con đi hoang trở về. Thánh Luca kết thúc cuộc thương khó của Đức Giêsu bằng việc trên thập giá, trước giờ chết, Người đã tha thứ và hứa thiên đàng cho người trộm thống hối ăn năn.

 
          2. Đức Giêsu khẳng định sự sám hối như điều kiện tiên quyết để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Sự tha thứ của Thiên Chúa là điểm khởi đầu cho một đời sống mới, hướng đến sự sống đời đời trong ngày phán xét cánh chung. Trang Tin mừng thuật lại việc người ta thông tin cho Đức Giêsu hai sự kiện thời sự : Quan Philatô giết mấy người đang dâng của lễ làm cho máu họ hòa trộn với lễ dâng và tháp Siloe đổ đè chết một số người. Người thời ấy vẫn có quan niệm là những người này bị chết là do họ đã phạm tội nên bị trời trừng tri! Đồng thời cảnh cáo Đức Giêsu vì lúc ấy Người đang bị các lãnh đạo tôn giáo cũng như đế quốc xâm lăng dòm ngó, ghét bỏ và tìm cách loại trừ.

 
          Trả lời cho họ, Đức Giêsu đưa ra ba khẳng định : Một là các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác. Hai là nếu các ngươi không biết sám hối. Ba là các ngươi sẽ bị chết như thế. Đối với khẳng đinh thứ nhất, Đức Giêsu cho biết những người bị chết trên kia - hoặc do Phialato giết hoặc do tháp đè - chẳng phải do họ đã phạm tội hơn những người chứng kiến. Có lần các môn đệ hỏi Đức Giêsu khi thấy người mù bẩm sinh : có phải vì tội của nó hay của cha mẹ mà nó bị mù như thế. Đức Giêsu trả lời chẳng phải, nhưng là dịp để Chúa tỏ bày vinh quang. Người đời vẩn thường xầm xì kết án khi người khác gặp sự xấu, như thể họ vô tội và hoàn toàn vô cảm trước nổi đau của người khác. Có lần Đức Giêsu  đã trả lời cho những người đòi ném đá một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội : Ai vô tội hãy ném đá trước đi. Lẽ ra khi đứng trước nổi đau bất hạnh hoặc cái chết của người khác, mình cần nhận ra thân phận yếu hèn tội lỗi của mình còn hơn họ để biết mau mắn sám hối và hoán cải. Khẳng định thứ hai nhấn mạnh đến sự sám hối vì hết thảy mọi người đều là tội nhân. Thư 1 Gioan nói ai cho mình là không có tội thì là kẻ nói dối. Câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện: người biệt phái và người thu thuế là một minh chứng cho ta. Và khẳng định thứ ba cho biết vào ngày chung thẩm, Thiên Chúa sẽ phán xét công thẳng mỗi người tùy theo cuộc sống hôm nay của họ.  Cả ba khẳng đinh trên đều quy về việc cần nhận ra mình tội lỗi, mau mắn sám hối trở về với Chúa, nếu không sẽ bị hủy diệt vào ngày thẩm phán cánh chung. Cái chết thể lý đáng sợ, nhưng sự chết đời đời vẫn là đều kinh khủng gấp bội. Do đó, cần phải nhìn mọi sự kiện đang diễn ra trên mặt đất bằng con mắt đức tin để nhận ra rằng Chúa luôn nhẫn nại chờ đợi sự hoán cải để tha thứ. 

 
3.       Sám hối và hoán cải (metanoia) là thay đổi toàn diện từ não trạng đến tâm hồn và đời sống. Chỉ có hoán cải khi nhận ra lòng thương xót nhân hậu của Thiên Chúa và thân phận tội lỗi cần được tha thứ. Ngôn sứ Gioen nói phải xé lòng đừng xé áo. Gioan tẩy giả bảo cho những người đến xin chịu phép rửa sám hối là phải thực hành sám hối cụ thể, như thực hiện lòng bác ái, thể hiện sự công bằng và đối xử nhân hậu với mọi người. Phaolô hoán cải bằng việc từ nay sống hoàn toàn cho thập giá và Tin mừng. Phêrô hoán cải bằng việc biểu lộ tình yêu và sẵn sàng chết để làm chứng cho Chúa. Giakêu đền bù gấp bốn cho những ai ông đã làm thiệt hại và bố thí nửa gia tài còn lại cho người nghèo để đi theo Chúa. Lịch sử Giáo hội minh chứng biết bao tấm gương sám hối và đổi đời.

 
Kết luận :

Chúa mời gọi mọi người sám hối để tha thứ. Chính lúc Chúa tha thứ là lúc Người biểu lộ tình thương và quyền năng hơn cả : Ngày nào treo Ta lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta. Chuyện kể Thượng đế sai các thiên thần xuống trần gian và tìm cho Người một cái gì quý giá nhất ở trần thế. Vàng bạc, vương miện, …lòng tin, lòng yêu mến…những cử chỉ anh hùng…Tất cả đều bị bác bỏ… Cuối cùng Thượng đế chỉ bằng lòng với món quà mà Người cho là quý nhất trên trần gian là giọt nước mắt sám hối của một tội nhân. Hãy sám hối bằng việc chân thành đến gặp Chúa nhân từ trong bí tích hòa giải. Khi đã được Chúa tha thứ, hãy biết tha thứ, hòa giải với mọi người, đúng hơn muốn được tha thứ thì trước hết hãy biết sẵn lòng tha thứ cho anh em mình như dụ ngôn người tôi tớ độc ác với câu kết luận của Đức Giêsu : Nếu ngươi không biết tha thứ cho anh em thì Thiên Chúa cũng không tha thứ cho ngươi. Lòng sám hối chấp cánh cho ta bay sà vào lòng yêu thương của Chúa và có sức đổi mới đời ta. 
  
 
Lm. GB. Hoàng Văn Khanh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận