Giối Thiệu Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin

Đăng lúc: Thứ ba - 01/04/2014 22:14 - Người đăng bài viết: admin

 

THÔNG ĐIỆP ÁNH SÁNG ĐỨC TIN (Lumen fidei)

Của ĐGH PHANXICÔ

 

Dẫn nhập

            ĐGH Phanxicô đã ban hành thông điệp đầu tiên (29.06.2013) với tựa đề Ánh sáng đức tin, nhằm giới thiệu đức tin là ánh sáng soi chiếu toàn bộ hành trình của các tín hữu. 

 

            Con người ngày nay tự hào về lý trí, coi đức tin như một thứ ánh sáng hão huyền cản trở con đường hướng đến tương lai của nhân loại. Đối lại, có người trình bày đức tin như ánh sáng chủ quan dựa trên cảm xúc cá nhân. Do đó, cần phải tái khám phá đức tin như ánh sáng đến từ Thiên Chúa soi chiếu mọi thực tại nhân sinh, giúp nhìn mọi sự và hướng dẫn đời sống trong ánh sáng mới. Ánh sáng ấy một đàng đến từ quá khứ vì chúng ta đón nhận từ Chúa Giêsu, đàng khác Đức Giêsu đã sống lại, kéo chúng ta ra khỏi cái chết và dẫn chúng ta vào cuộc sống mới. Vì thế, đức tin là sự gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống tỏ lộ nơi Đức Kitô, như người mẹ mang lại ánh sáng và sinh ra nơi tín hữu sự sống thần linh, ban cái nhìn quang minh về cuộc đời. Hành trình tái khám phá đức tin được Thông điệp triển khai qua 4 chương : 

 

Chương I.    Chúng tôi đã tin vào tình yêu (8-22)

Chương II.   Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không hiểu (23-36)

Chướng III. Tôi truyền lại cho anh em điều tôi đã lành nhận (37-49)

Chương IV. Thiên chúa chuẩn bị cho họ một thành đô (50-60)

 

I.Chúng tôi đã tin vào tình yêu  (x. 1Gn 4,16)

 

            a. Đức tin của Abraham. Nổi bật trong Cựu ước đức tin của Abraham, tổ phụ những kẻ tin. Với Abraham, tin gắn liền với lắng nghe và bước vào mối quan hệ cá vị với TC. Lời Chúa nói với Abraham vừa là tiếng gọi lên đường, vừa là lời hứa làm cho ông thành tổ phụ của một dân đông đảo. Abraham đã hoàn toàn tuyệt đối tin tưởng vào Lời Chúa. Trong Thánh kinh, tin ('emunàh) bắt nguồn từ'aman (nâng đỡ), vừa là sự trung tín của Thiên Chúa, vừa là niềm tin của con người vào Chúa. 

            b. Niềm tin của Israel. Tiếp đến là niềm tin của Israel vào Đấng giải thoát họ khỏi cảnh khốn cùng và dẫn đưa họ vào Đất Hứa. Việc tuyên xưng đức tin của Israel được diễn bày qua các nghi lễ phụng tự và được truyền tụng qua các thế hệ. Tuy nhiên Israel đã nhiều lần bất tín, bất trung với Thiên Chúa mà chạy theo các ngẫu tượng. Đức tin chân chính chống lại các thứ ngẫu tượng và chấp nhận để Chúa không ngừng biến đổi, canh tân con người. Trong lịch sử Israel, Môisê là trung gian. Cùng với ông, Israel tập sống đức tin không chỉ cá nhân nhưng còn là toàn dân.

 

            c. Viên mãn đức tin Kitô giáo. Đức Kitô là tâm điểm của đức tin kitô giáo, nơi Người mọi lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện và tình yêu của Người được bày tỏ trọn vẹn. Chính vì thế, đức tin kitô giáo là tin vào một tình yêu tuyệt hảo, làm nền tảng cho mọi thực tại và dẫn đến vận mệnh tối hậu. Bằng chứng của tình yêu ấy là Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Người đã hiến dâng sự sống cho mọi người để biến đổi con tim của họ, giúp vượt lên trên mọi nghi nan và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Hơn nữa sự phục sinh của Đức Kitô là bằng chứng về quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Chính vì thế thánh Phaolô nói nếu Đức Kitô không sống lại, đức tin của anh em thật hảo huyền (x.1Cr 15,17). Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô đã diễn ra trong lịch sử, vì thế người kitô hữu không tin vào một tình yêu mơ hồ, trừu tượng, nhưng là tình yêu đang có mặt trong lịch sử, được bày tỏ trọn vẹn nơi cái chết và phục sinh của Đức Kitô.

 

            Kitô hữu tin vào Đức Kitô và kết hợp với Người. Đức tin không chỉ là nhìn ngắm Đức Kitô mà còn phải nhìn mọi sự như Người. Vì thế, tin vào Đức Kitô là đón nhận Người vào trong đời mình, gắn bó với Người trong tình yêu và bước đi theo Người. Niềm tin vào Đức Kitô mang lại cứu độ vì trong Người, cuộc đời chúng ta thật sự mở ra đón nhận một tình yêu vốn có trước chúng ta, một tình yêu biến đổi chúng ta, hoạt động trong ta và qua chúng ta. Đức Kitô quy tụ mọi tín hữu thành một thân thể, trong đó họ kết hợp với Người và với nhau. Như thế, đức tin kitô giáo mang chiều kích Gíao Hội chứ không chỉ đơn thuần cá nhân.

 

II. Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không hiểu(x. Is 7,9)

 

            a. Đức tin và chân lý. Sợ hãi trước sự tiến quân xâm lăng của kẻ thù, vua Akhaz muốn liên minh với đế quốc Assyri để tìm an toàn. Ngôn sứ Isaia tâu với vua : "Nếu ngài không tin, ngài sẽ không hiểu" (bản dịch Septante); "Nếu ngài không tin, ngài không thể đứng vững"   (bản Hipri). Qua phân tích từ ngữ, thông điệp chọn bản Hipri, qua đó ngôn sứ yêu cầu nhà vua chỉ dựa vào đá tảng thực sự vững chắc là Thiên Chúa bằng cách hiểu biết đường lối của Người, chứ không tìm an toàn nơi quyền lực người đời. Hiểu như thế, lời ngôn sứ đưa đến kết luận: con người cần hiểu biết, cần chân lý, bởi vì không có nó, con người không thể đứng vững được. Đức tin cần chân lý, nếu không thì cũng chỉ là câu chuyện đẹp hoặc cảm giác tạm thời. Với chân lý, đức tin cung cấp một ánh sáng mới cho phép nhìn xa hơn, trong đó bao gồm các hoạt động của Thiên Chúa trung thành với Giao ước và những lời hứa của Người. 

            Nhưng chân lý nào ? Ngày nay, dường như người ta chỉ nhìn nhận như chân lý những sự thật của kỷ thuật đem lại sự thoải mái tiện nghi cho đời sống, và những chân lý của mỗi cá nhân, nhằm loại trừ chân lý phổ quát, tức chân lý về Thiên Chúa. Đức tin kitô giáo đón nhận chân lý nào ?  

 

            b. Chân lý tình yêu.  Theo cách diễn tả của thánh Phaolô : "Tin trong trái tim" (x. Rm 10,10), tức nhận thức của con tim trong hành vi tin, Thông điệp cho rằng chân lý thích hợp với đức tin chính là tình yêu. Đức tin biết theo mức độ gắn liền với tình yêu. Đức tin có khả năng biến đổi toàn thể con người theo mức độ nó mở ra cho tình yêu. Đây không phải là thứ tình cảm chóng qua mà là tình yêu dựa trên chân lý, liên kết với chân lý. Nếu không gắn với chân lý, tình yêu chỉ còn là cảm xúc không đứng vững trước thử thách của thời gian, không thể thiết lập mối quan hệ vững bền, không thể giải thoát chúng ta khỏi cái tôi ích kỷ, không thể ban tặng sự sống và hoa trái. Đáp lại, chân lý cần đến tình yêu. Không có tình yêu, chân lý trở thành khô khan, vô cảm. Đức tin kitô giáo bao hàm cả tình yêu và chân lý. Tin là tin vào Đấng Thiên Chúa trung tín (trong Kinh thánh, chân lý và trung tín đi đôi với nhau) với Giao ước tình yêu mà Người đã ký kết.

 

            c. Tin là "nghe và thấy" theo ngôn ngữ của Gioan: nghe tiếng gọi mời và bước theo, đồng thời mở mắt để thấy mọi sự trong ánh sáng mới. Nghe và thấy được thực hiện trọn vẹn nới ĐG, Ngôi Lời làm người...Tin là nghe, thấy, đụng chạm đến ĐG.  

 

            d. Đức tin và khoa học. Chân lý đích thực là chân lý của tình yêu, giải thoát ta khỏi mọi ràng buộc của ích kỷ cá nhân để hướng đến thiện ích chung, và thấm nhập tận thâm sâu tâm hồn. Niềm tin vào chân lý ấy soi sáng mọi thực tại đời sống. Do đó đức tin không loại trừ khoa học nhưng đem lại lợi ích cho khoa học, ngăn cản thái độ tự mãn và thúc đẩy khoa học không ngừng khám phá huyền nhiệm sâu xa của tạo thành.

 

            e. Đối thoại liên tôn. Ánh sáng đức tin cũng soi chiếu tất cả những ai thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa như ba nhà đạo sĩ trước đây. Những ai thành tâm khao khát tìm Chúa, bước theo ánh sáng và tình yêu, thì đang trên đường dẫn đến đức tin. Với các kitô hữu, trọn vẹn ánh sáng tập trung nơi Đức Kitô; do đó càng đón nhận Người, họ càng có khả năng hiểu biết, đối thoại và đồng hành với những ai thành tâm tìm kiếm Chúa.

 

            f. Thần học không ngừng đào sâu hiểu biết về Thiên Chúa bằng những phương pháp riêng của lý trí để phục vụ đức tin của các tín hữu. Thần học phải khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn của mình trước mầu nhiệm Thiên Chúa, và tuân phục Huấn quyền trong suy tư và nghiên cứu của mình.

 

III. Tôi truyền lại cho anh em điều tôi đã lành nhận (x. 1Cr 15,3)

 

            Chương III tập trung vào việc thông truyền đức tin. Các kitô hữu có bổn phận phải chiếu tỏa ánh sáng của Đức Kitô như ngọn nến trong đêm Vọng Phục sinh. Hội thánh lưu giữ ký ức về Đức Kitô và truyền lại cho chúng ta qua giáo lý, đời sống và việc phụng tự, nhất là việc cử hành các bí tích, đặc biệt bí tích Rửa tội và bí tích Thánh Thể. Cùng với các bí tích là lời tuyên xưng đức tin qua Kinh tin kính. Ngoài ra, Hội thánh còn thông truyền đức tin qua kinh Lạy Cha và Mười điều răn. Bốn yếu tố đó kết thành bốn phần của sách Giáo lý Hội thánh công giáo, làm thành tính duy nhất và toàn vẹn của đức tin. Bảo đảm cho tính cách duy nhất và toàn vẹn này, chính là sự tông truyền.  

 

IV. Thiên Chúa chuẩn bị cho họ một thành đô(x. Dt 11,16).

            Thông điệp đề cập đến vai trò của đức tin trong việc xây dựng công ích. Đức tin gắn kết với tình yêu, nên soi chiếu việc xây dựng công lý và hòa bình. Ánh sáng đức tin không chỉ soi chiếu đời sống nội bộ của Hội thánh, cũng không chỉ hướng về thành đô vĩnh cửu trên trời, nhưng còn giúp xây dựng xã hội trần thế, hướng đến tương lai tốt đẹp.

            - Trước hết, đức tin xây dựng sự bền vững và hạnh phúc của gia đình.

            - Tiếp đến là các mối tương quan xã hội. Niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu thúc đẩy chúng ta xây dựng tình huynh đệ với mọi người, giúp ý thức về phẩm giá con người và thúc đẩy con người sống đúng phẩm giá của mình.

            - Niềm tin vào tình yêu của Đấng Tạo Hóa giúp ta biết tôn trọng thiên nhiên, biết dùng quyền bính mà điều hành xã hội để phục vụ công ích, biết tha thứ...

            - Ánh sáng đức tin là sức mạnh an ủi trong đau khổ và thử thách bằng cách đón nhận và tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời thúc đẩy ta đem tình thương và an ủi đến những người, những nơi khổ đau, niềm tin củng cố và gia tăng niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh hằng đang chờ đợi.

Kết luận:

 

            Thông điệp hướng lòng chúng ta về Đức Maria, người được xưng tụng : "Phúc cho Bà, vì đã tin"(Lc 1,45). Đức Mẹ là gương mẫu tuyệt hảo của đức tin. Nơi Đức Mẹ, cuộc hành trình đức tin của Cựu ước được tiếp tục bằng việc đi theo Đức Kitô cho đến kề bên thập giá. Ở trung tâm đức tin của chúng ta là lời tuyên xưng về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, sinh bởi một người nữ, là Đấng đem chúng ta đến việc làm nghĩa tử, nhờ hồng ân của Chúa Thánh Thần. Lạy Mẹ, xin giúp đỡ đức tin của chúng con.

             

Lm. GB Hoàng Văn Khanh


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận