Bài 12: Gia Đình và Xã Hội

Đăng lúc: Thứ ba - 08/07/2014 23:15 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
 
                                                                          
 
*
 
“Xã hội là một tổng thể những cá vị được liên kết với nhau một cách hữu cơ, theo một nguyên lý hợp nhất nào đó, vượt quá mỗi cá vị. Là một cộng đồng vừa hữu hình, vừa tinh thần, xã hội tồn tại trong thời gian: nó tiếp nhận quá khứ và chuẩn bị tương lai. Nhờ xã hội, mỗi người trở thành người thừa tự, lãnh nhận các nén bạc làm phong phú căn tính của mình và họ phải làm cho chúng tăng thêm hoa trái. Theo lẽ phải, mỗi người phải tận tâm với các cộng đồng mà mình là thành viên, và phải tôn trọng các người cầm quyền có nhiệm vụ mưu cầu công ích”[1].
 
       
 “Gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội. Gia đình là một xã hội tự nhiên, trong đó, người nam và người nữ được kêu gọi trao tặng bản thân mình trong tình yêu và trong việc trao tặng sự sống. Quyền bính, sự bền vững và sự sống của các tương quan trong gia đình làm nên các nền tảng cho sự tự do, sự an toàn và tình huynh đệ trong xã hội”[2]. Vì thế, ai phá hoại sự liên kết nền tảng nầy của cuộc sống nhân loại, cũng tạo nên một vết thương sâu xa cho xã hội và gây tai hại lớn lao khó chữa lành[3].
 
Công  Đồng Vaticanô II đã nói về sự liên hệ giữa gia đình và xã hội như sau: “Gia đình trở thành nền tảng của xã hội, vì là nơi nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp nhau nên khôn ngoan đầy đủ hơn, cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội” (MV 52). Gia đình là nền tảng xã hội. Gọi như thế rất đúng, vì về số lượng thì xã hội là sự tập họp của nhiều gia đình, còn về phẩm chất thì xã hội là tấm gương phản ánh đời sống của các gia đình liên hệ. Gia đình và xã hội có ảnh hưởng hỗ tương. Các gia đình tốt sẽ đặt nền tảng cho một xã hội tốt. Một xã hội tốt sẽ giúp các gia đình tốt hơn nhờ luật lệ, tập quán tốt, bầu khí lành mạnh.
 
1/ Gia đình giáo dục đức tính xã hội
 
Là nền tảng xã hội, gia đình phải làm nhiệm vụ nền tảng ấy bằng cách giáo dục cho con người những đức tính xã hội cần thiết. Công Đồng Vaticanô II đã coi gia đình là “trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể” (GD 3). Cha mẹ trở nên thầy dạy cho con cái về đời sống xã hội. Trong môi trường cơ bản này, con cái phải được giáo dục tập luyện:
- Yêu và tôn trọng sự thật: trong tư tưởng, lời nói và hành động. Sự thật về mình, về tha nhân, về tập thể.
- Giữ công bình: công bình giữa anh chị em trong gia đình, với các bạn đồng tuổi. Công bình đối với danh tiếng, của cải và bản thân của mọi người cũng như của xã hội. Công bình trong sự đóng góp, trao đổi và phân phối. Tôn trọng tài sản chung xã hội, không tham ô nhũng lạm.
- Lòng yêu thương: yêu người thân cận, người đồng hương, đồng bào, yêu đất nước quê hương và sẵn sàng chu toàn nghĩa vụ chính đáng của người công dân. Thư chung Đại Hội Giám Mục Việt Nam năm 1980 viết: “Các nỗ lực để xây dựng gia đình công giáo theo tinh thần Phúc Âm phải đồng thời làm phát triển nơi anh chị em và con cái những đức tính của người công dân tốt, nhất là ý thức về chân lý và công bình và tinh thần sẵn sàng phục vụ lợi ích của tổ quốc” (số 12).
- Yêu quý tự do: không để mình nô lệ, nhất là nô lệ tính xấu, đam mê dục vọng, của cải tiền bạc, quyền lực…
 
2/ Sống giữa trần thế
 
Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt của người Kitô hữu giáo dân. Vì thế, gia đình có trách nhiệm tìm kiếm Nước Thiên Chúa, bằng cách thi hành các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Trần gian là nơi Chúa gọi gia đình, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc âm, như men trong bột, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những những nhiệm vụ của mình, và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, nhất là với chứng tá đời sống, họ tỏ bày Chúa Kitô cho người khác[4].
 
Tính cách trần thế của người giáo dân đòi hỏi họ:
 
1.Sống trọn vẹn mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô, bằng cách hòa mình và hiệp thông với mọi người. Đồng hành và chia sẻ trách nhiệm, khó khăn, xây đắp những hoài bão với người đương thời, trong xã hội mình đang sống.

2.Dùng lời nói, chứng tá đời sống, ảnh hưởng nghề nghiệp, để đem những giá trị Tin Mừng vào cuộc sống và môi trường sinh hoạt, để xây dựng trật tự trần thế theo thánh ý Chúa. Hãy luôn nhớ mình là men trong bột, là muối cho đời, là ánh sáng cho thế gian[5].
 
 
3/ Sống thánh giữa đời
 
Gia đình phải nên thánh trong môi trường xã hội mình sống. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới năm 1987 đã khẳng định điều đó: “Người giáo dân phải tự thánh hóa bản thân trong cuộc sống hàng ngày, nghề nghiệp và xã hội. Để có thể đáp ứng được ơn gọi, người giáo dân phải coi cuộc sống hàng ngày của họ như một cơ hội để kết hợp với Thiên Chúa và chu toàn thánh ý Người; đồng thời coi đó là cơ hội phục vụ người khác, bằng cách đưa họ về hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô”.
 
Để thực hiện được điều nầy, gia đình của bạn hãy nỗ lực:
  -Loại trừ những tật xấu xã hội, như: cờ bạc, rượu chè, hút xách, dâm bôn…hầu làm cho bầu khí xã hội được lành mạnh.
  -Cổ võ một nếp sống công bằng trên mọi bình diện, bằng việc tôn trọng của cải, quyền tư hữu, sự sống, quyền lợi, phẩm giá, danh dự của người khác, nhất là những người nghèo, những người bị áp bức.
  -Cổ vũ sự bình đẳng, tình liên đới, đoàn kết, tương thân tương ái giữa mọi người.
  -Bênh vực và phát huy những giá trị tinh thần và luân lý, như: sự thật, công bằng, tự do, tình yêu. Bảo vệ sự thánh thiện, chung thủy và bền vững của hôn nhân và gia đình[6].
 
Đây là bước đi lên của gia đình và cũng là bước đi lên của xã hội. Một gia đình hiệp nhất, gương mẫu, chắc chắn sẽ là một bảo đảm cho việc xây dựng một xã hội có trách nhiệm. Bởi vậy, mỗi người hãy hoạt động trong lãnh vực tôn giáo,xã hội và chính trị để bênh vực, phát triển gia đình, và để bảo vệ sự sống con người trong tất cả mọi giai đoạn[7].
 

Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
 
 
 

[1] x. Sách GLCG số 1880.
[2] Id.số 2207.
[3] X.Gioan-Phaolô II, Huấn từ cuộc họp Forum các Hiệp Hội Gia Đình 2004.
[4] x.Công Đồng Vaticanô II, GH số 31.
[5] x.HTVDC tr.691.
[6] x..id. tr.701.
[7] x.Gioan-Phaolô II,Huấn Từ Năm Thánh của Cộng Hòa Tiệp Khắc 2000.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận