Gia đình là đền thờ bảo vệ ơn đời sống con người

Đăng lúc: Thứ sáu - 11/07/2014 22:35 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
GIA ĐÌNH LÀ ĐỀN THỜ
BẢO VỆ ƠN ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
 
 
Mạng Sống Con Người Trong Cơn Khủng Hoảng Toàn Diện
 
Trước nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loại thực vật, động vật trên hành tinh nầy, các tổ chức quốc tế bảo vệ và bảo tồn sinh vật quý hiếm được thành lập và hoạt động tích cực, chấp nhận không giới hạn mọi tốn kém công của, chỉ để tránh cho hậu thế một ngày nào đó khi muốn xem hình dáng những loài thực động vật nói trên, khỏi buộc lòng phải vào bảo tàng cổ sinh vật học như một lựa chọn độc nhứt.
 
Với viễn kiến được cảm hứng của Chúa Thánh Thần, Đấng Ban Sức Sống, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến một nguy cơ tuyệt chủng khác gắn chặt vào lẽ tồn vong của nhân loại: tuyệt chủng ơn đời sống con người.
 
Điều nầy có nghĩa là, trừ phi tìm ra được một giải pháp hữu hiệu và kịp thời, loài người sẽ sớm phải đối diện với nạn tuyệt chủng theo hai phương diện: một là loài người sẽ hoàn toàn biến mất khỏi sân chơi vũ trụ; hai là con người phải biến đổi thành một chủng loại khác để sinh tồn. 
 
Thật vậy, có vô vàn vô số lý do khiến mối bận tâm nói trên trở thành xác thực và cấp bách. 
 
Thứ nhứt là do khủng hoảng môi trường sống. Tình trạng ô nhiễm không khí, nước uống và thực phẩm đã đến mức báo động đỏ. Con người đang thở một bầu độc khí dầy đặc bụi khói hóa chất, bom đạn thải ra mỗi ngày. Con người đang uống một dòng nước nhung nhúc khuẩn độc và siêu vi gây đủ mọi thứ bịnh nan y. Con người đang ăn cơm, thịt, cá, rau, củ, quả tẩm thuốc độc, vì được nuôi trồng, chế biến toàn bằng hóa chất nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Tác hại của độc chất trên môi trường sống còn kéo dài đến nhiều thế hệ tương lai.
 
Thứ hai là do khủng hoảng môi trường văn hóa. Khác với loài vật vốn chỉ có đời sống vật chất theo bản năng tự nhiên, con người còn có đời sống văn hóa với nhu cầu thiết yếu cho bước phát triển nhân vị và phẩm giá. Nhu cầu nầy chẳng những đang lùi xuống hạng thứ yếu, nhưng còn bị đầu độc và hủy hoại bằng những sản phẩm phản văn hóa, cổ xúy bạo lực, thù hận, thỏa mãn lạc thú bản năng, suy tôn ý thức hệ duy vật.
 
Thứ ba là do khủng hoảng môi trường đạo đức. Tình trạng mất cân đối giữa một bên là việc phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng xã hội văn minh vật thể hưởng thụ, và bên kia là nỗ lực giáo dục nhân bản, bảo tồn các giá trị luân lý, khiến con người càng ngày càng giảm thiểu và đánh mất cảm thức về thiện ác, về trách nhiệm luân lý, ngộ nhận về quyền tự do của lương tri, nghèo đói và lạc hậu về nhân phẩm và nhân quyền.
 
Sau cùng, nhưng lại hết sức quan trọng, là do khủng hoảng về môi trường tâm linh và tôn giáo.  Một đàng, những tiến bộ vượt bực trong khoa học, kỹ thuật khiến con người tưởng như mình đã đạt tới đỉnh điểm của mọi khát vọng - vật chất cũng như tinh thần - do đó có khả năng tự làm chủ đời mình, tự quyết định lẽ sống còn của mình, để rồi = như một hệ lụy tất yếu - thái độ ngạo mạn ấy đẩy con người tới chỗ gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, khỏi cõi sâu kín, linh thiêng của lòng mình. Đàng khác, con người vẫn phải đối diện với một thực tế kép: thứ nhứt, con người rốt cục phải rất đau đớn thú nhận biết bao bất toàn, bất lực trong cố gắng chế ngự chính bản thân mình;[1] thứ hai, bởi vì không thể làm ngơ cơn đói khát tâm linh luôn gào thét trong tâm hồn mình,[2] con người phải liên tục tự đánh lừa minh, bằng cách đúc tạc ra đủ mọi thứ tượng bò vàng[3] - những tôn giáo nhân tạo - như cách chị bảo mẫu nhét vội cái núm vú bằng nhựa vào miệng đứa trẻ để cháu khỏi quấy vì vắng mẹ. 
 
Tình Trạng Dễ Bị Thương Tổn Của Mạng Sống Con Người
 
Trong một xã hội bị khủng hoảng sâu rộng như hiện nay, mạng sống của con người, nhứt là trẻ em và người già yếu, bịnh tật, trở thành hết sức mong manh, dễ bị xâm phạm. Một xã hội chỉ chú trọng đến thành tựu kinh tế, tìm cách thụ hưởng văn minh vật chất như đích điểm của cuộc sống con người, tất nhiên phải ưu đãi chăm lo cho những ai còn có khả năng lao động, để sản xuất ra thêm nhiều của cải, theo chính sách cho bò ăn no chỉ để kéo xe hoặc để vắt sữa.
 
Những người khỏe mạnh, giàu có và quyền lực biết dùng đủ mọi cách thức họ sở hữu để vui sống một cuộc đời vương đế, từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời, trên nhung lụa đắt giá và giữa yến tiệc linh đình, thừa mứa rượu thịt.
 
Thành phần còn lại, tuy chiếm đa số trong xã hội, nhưng lại không có tài sản, không có quyền lực, không có tiếng nói, đều bị loại ra khỏi sân chơi cuộc đời. Những người mất sức lao động, những phụ nữ và trẻ em – nhứt là các thai nhi - phải chịu chung số phận là sống hay chết đều tùy ở lòng hảo tâm - một phẩm chất càng ngày càng teo tóp và vô cùng quý hiếm - của giai cấp đang thống trị thế giới. Bức tranh tương phản giàu nghèo—giữa người ăn mày La-da-rô và tay trọc phú[4] -chưa bao giờ đậm nét và xác thực đến kinh hoàng, nhức nhối như lúc nầy. Những mụn bánh - những điều kiện tối thiểu của một cuộc sống xứng phẩm giá con người - được bố thí nhỏ giọt, thường bị từ chối, bị cướp đoạt.
 
Trong một xã hội đã sụp lún mọi nền tảng nhân bản và tâm linh, thân phận con người - cả giai cấp ăn trên ngồi trốc lẫn kẻ mạt hạng dưới đáy xã hội - đều bi đát và đáng thương như nhau. Kẻ nầy thì bị tước đoạt quyền được sống như con người, còn kẻ nọ thì tự đánh mất phẩm giá cao quý của con người, khi chọn lấy lối sống theo bản năng, theo thú tính, mạnh được yếu thua, và còn tệ hại hơn hành động của thú dữ ăn thịt đồng loại nữa, khi sống trục lợi trên mồ hôi nước mắt, trên thân xác, và trên bao nỗi bất hạnh của tha nhân.
Để sống sót, người yếu phải thu mình lại, chui rúc vào hang hốc, ẩn náu trong xó kẹt tăm tối của cuộc đời, che giấu đi căn tính con người, quên đi phẩm giá và quyền làm người để sống gần với kiếp cầm thú, sâu bọ. Cũng do hết sức bận tâm bảo vệ địa vị và quyền lợi của giai cấp mình, người có thế lực càng ngày càng mài sắc hơn nanh vuốt, tạo nên một cung cách hành xử đặc trưng của loài lang sói mang bộ mặt người.
 
Tình trạng xã hội con người vốn đã phân hóa trầm trọng lại còn bị kích bẫy thêm do loại triết học định hình con người như một sinh vật hiếu chiến, tự bản chất có máu đấu tranh không khoan nhượng một mất một còn.[5] Thậm chí, người ta còn vận dụng cả một hệ thống giáo lý nào đó để trường cửu hóa tình trạng phân chia xã hội loài người thành nhiều giai cấp bẩm sinh, do số trời tiền định, không thể và không được phép thay đổi, vì chính Thiên Chúa quyết định cho ai sinh vào giai cấp nào thì phải chấp nhận suốt đời ở trong giai cấp ấy.[6]  Theo quan niệm như vậy thì tùy số kiếp “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao.”[7] Thân phận con người quả là khốn khổ, chẳng có nghĩa lý gì trong vũ trụ nầy, và mạng người, cuộc sống con người trở thành rẻ mạt như bèo, phù du cát bụi gì đâu!
   
Mạng Sống Con Người Theo Quan Điểm Ki-tô Giáo
 
Con người có mặt trong vũ trụ càn khôn nầy không như một điều ngẫu nhiên, tình cờ, nhưng là do chủ ý của Thiên Chúa, Đấng đích thân tác tạo con người theo hình ảnh của mình,[8] để đặt tác phẩm ưng ý nầy vào tâm điểm của công trình sáng tạo,[9] khiến cho tất cả đột nhiên bừng sáng, vô cùng sống động, hết sức đáng yêu, đến nỗi Thiên Chúa phải rất mực hài lòng, mãn ý mà thốt lên “Rất tốt đẹp!”[10]
 
Thiên Chúa trọng đãi con người, trao cho con người quyền thống trị trên toàn thể tạo thành.[11]  Có thể nói, vì yêu thương con người mà Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ càn khôn nầy. Toàn thể tạo thành chỉ có ý nghĩa khi được cắt đặt phục vụ đời sống con người, giúp con người hoàn thành ơn gọi phụng sụ Thiên Chúa trong cuộc sống hôm nay, trên cõi đời nầy, và đạt tới cuộc đoàn tụ vĩnh viễn với Đấng Thiên Phụ Vô Cùng Yêu Mến. Tiềm tàng trong con người vừa là Hình Ảnh, vừa là Vinh Quang của Thiên Chúa.
 
Do vị trí vô cùng quan trọng của con người trong toàn bộ kế sách Thiên Chúa hoặch định, việc bảo vệ mạng sống con người được quy định trong Điều Thứ Năm của Thập Giới.[12]  Thiên Chúa là Chúa Tình Thương,[13] là Chúa của người sống,[14] là Đấng không tạo ra cái chết,[15] Người muốn cho con người được sống thật sung sức.[16]
 
Sau khi sáng tạo con người, chẳng những Thiên Chúa ban cho họ được sống, mà Người còn trao cho họ quyền cộng tác với Người trong công cuộc bảo tồn và phát triển đời sống.[17] Thiên Chúa thực hiện chương trình ban ơn mạng sống cho nhân loại khi sáng tạo con người có nam có nữ,[18] tác hợp họ thành vợ chồng, để xây nên gia đình đầu tiên trên địa cầu.[19]
 
Gia Đình Là Đền Thờ Bảo Vệ Đời Sống Con Người
 
Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh tuyên bố:
 
Tự bản chất thì tình yêu vợ chồng luôn sẵn sàng đón nhận đời sống. Vốn là một sinh vật được kêu gọi phải lên tiếng công bố lòng nhân hậu và đặc tính phong phú của Thiên Chúa, nên phẩm giá của con người xuất hiện trọn vẹn trong nhiệm vụ truyền sinh. Tuy về phương diện sinh học vai trò làm cha mẹ của con người cũng giống như vai trò của các loài vật khác trong thiên nhiên, nhưng vai trò nầy có hàm chứa hình ảnh của Thiên Chúa một cách thiết yếu và độc nhứt vô nhị. Hình ảnh nầy là nền tảng của gia đình, được quan niệm như một cộng đoàn của đời sống con người, một cộng đoàn của các nhân vị, hiệp nhứt với nhau trong tình yêu.
 
Việc truyền sinh mô tả rõ ràng vị thế chủ động của gia đình trong xã hội và thúc đẩy tính chất năng động của tình yêu, của tinh thần liên đới giữa các thế hệ, trên nền tảng các thế hệ nầy xã hội được xây dựng. Cần phải tái khám phá phẩm chất xã hội của thành phần công ích gắn liền nơi mỗi một nhân vị mới xuất hiện. Mỗi một đứa trẻ “trở thành một quà tặng cho các anh chị, cho cha mẹ, và cho cả gia đình em.  Cuộc sống của em trở thành tặng phẩm cho chính bậc sinh thành đã trao ban cho em cuộc sống, khiến họ không thể không cảm nhận được em đang hiện diện, đang chia vui sẻ buồn trong cuộc đời của họ, và đang góp phần vào công ích của họ và của cộng đoàn gia đình.[20] 
 
Qua thông điệp nói trên, Hội Thánh nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò của gia đình nơi cha mẹ đón nhận cuộc sống của một con người, nâng niu chăm sóc với lòng yêu thương, kính trọng và tri ân, coi đó như một quà tặng của Thiên Chúa ban cho cả gia đình.
Thiết nghĩ, cần chú ý đến 5 điểm căn bản sau đây:
 
a)              Tình Yêu Vợ Chồng Tự Bản Chất Luôn Đón Nhận Ơn Đời Sống Con Người

Gia đình được xây dựng trên nền tảng hôn nhân. Hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa là cuộc sống chung của một người nam và một người nữ hiệp nhứt trong tình yêu không chia sẻ và bất khả phân ly.[21] Tình yêu đó nhứt thiết phải nở hoa kết trái như lời chúc phước của Đấng Tạo Hóa trên đôi vợ chồng, ban cho họ vinh dự được cộng tác vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa.[22]  Trừ phi vì lý do bịnh tật hoặc tai nạn gây ra tình trạng vô sinh, mọi hình thức từ chối nhiệm vụ truyền sinh trong đời sống hôn nhân là trái quy luật thiên nhiên và phụ bạc lòng tốt của Thiên Chúa.
 
b)              Vai Trò Làm Cha Mẹ Của Con Người Cao Quý Vì Diễn Đạt Sống Động Hình Ảnh Thiên Của Thiên Chúa

Bản năng sinh tồn và truyền sinh nơi con người cùng chia sẻ nhiều điểm chung với các loài vật khác. Nhưng chỉ có con người mới ý thức được rằng sinh vật bé bỏng người mẹ cưu mang, sinh hạ và chăm sóc, dưỡng nuôi cũng là một con người giống như mình, cùng có trọn vẹn phẩm giá của một con người như mình, cũng là hình ảnh của Thiên Chúa như mình. Cung cách cha mẹ chăm lo nuôi nấng, dưỡng dục đứa con là hành vi nhân linh cao đẹp vượt quá quy luật tự nhiên của bản năng, vì được thúc đẩy bởi tình phụ tử và mẫu tử - nguồn cảm hứng dạt dào vô tận cho bao tác phẩm nghệ thuật - là bản sao sắc nét của Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng sáng tạo con người giống hình ảnh của Người, và luôn chăm lo cho con người, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, cẩn trọng hết mức “tựa con ngươi mắt Chúa.”[23] 
 
c)              Gia Đình Là Cộng Đoàn Của Các Nhân Vị Hiệp Nhứt Trong Tình Yêu

Nhìn thấy một bầy đàn thú vật, chúng ta thường dùng chính khái niệm gia đình của con người - cha mẹ, con cái - để minh họa những thái cử của loài vật.[24] Song thực ra, chỉ có con người mới có đời sống gia đình. Ngôi nhà nơi gia đình sinh sống không đơn giản là một mái che mưa nắng, nhưng trên hết đó là một mái ấm, một điểm quy tụ những con người cùng chia sẻ một huyết thống, một tình yêu, một sinh mạng, một số phận, một hoài niệm, một ước mơ. Mỗi một con người, với phẩm giá của một nhân vị, sinh ra, lớn lên, và sẽ chết đi, với biết bao mối tương quan thắm thiết và sâu đậm ấy ràng cột đời mình khôn ngơi, khôn nguôi, không sao dứt bỏ, với mọi thành viên trong gia đình.
 
d)              Nhiệm Vụ Truyền Sinh Khẳng Định Vị Trí Chủ Động Của Gia Đình Trong Việc Xây Dựng Xã Hội

Thật không sao có thể tách rời ý tưởng xây dựng xã hội ra khỏi thực tế hiện hữu của gia đình.  Không có gia đình, xã hội có thể là nơi chen chúc những sản phẩm của các xưởng chế tạo người máy, hoặc của các phòng thí nghiệm nhân bản vô tính. Đạo quân rô-bốt khổng lồ ấy có thể làm được tất cả mọi việc, nhanh hơn, mạnh hơn, khéo hơn, hiệu năng hơn rất nhiều lần so với con người bằng xương bằng thịt, chỉ trừ một điều là chúng không bao giờ có thể xây dựng được một xã hội nhân văn của con người.  Điều nầy cũng hàm chứa nguy cơ là chúng cũng sẵn sàng chém. giết, hủy diệt trăm ngàn lần tàn nhẫn hơn, máu lạnh hơn.
 
Do đó, gia đình có một sứ mạng cao cả, bất khả thay thế, trong việc lưu truyền dòng giống con người. Chính những con người xuất thân từ gia đình - môi trường tự nhiên đào tạo nên nhân vị và nhân phẩm chuẩn mực - là chủ thể xây dựng, bảo vệ và phát triển xã hội loài người. Vì thế, thật không sai lầm khi cho rằng gia đình luôn đóng vai trò chủ động và quyết định trong tiến trình hình thành một xã hội nhân văn, văn hóa và văn minh của con người, do con người, và vì con người.
     
e)              Một Đứa Trẻ Phải Được Đón Nhận Như Quà Tặng Của Thiên Chúa Cho Cha Mẹ Và Mọi Thành Viên Trong Gia Đình  

Ngoại trừ trường hợp gia đình lâm cảnh hiếm muộn, nơi mọi người đều tha thiết cầu khấn và mong chờ đứa trẻ ra đời để đem lại niềm vui, sức sống và hy vọng cho tương lai dòng tộc, thì việc xuất hiện của một thành viên mới trong gia đình không mấy khi được nhìn nhận đúng ý nghĩa.  Không ít trường hợp đứa trẻ bị đối xử như một kẻ không mời mà đến, nếu không bị xua đuổi, loại bỏ, thì cũng trở thành một gánh nặng cực chẳng đã cha mẹ phải mang vác, một miệng ăn mọi người phải giảm bớt khẩu phần để cứu đói. Tóm lại, đứa trẻ hầu như luôn luôn là đối tượng của lòng bác ái từ thiện từ các thành viên trong gia đình.
 
Giáo Huấn Xã Hội khẳng định một quan điểm đúng đắn, dựa trên truyền thống Thánh Kinh Ki-tô Giáo, theo đó, Ơn Đời Sống - tiêu biểu nơi một đứa trẻ vừa chào đời - luôn luôn là một quà tặng vô giá, song hết sức hào phóng và hoàn toàn biếu không, do Thiên Chúa ban cho cha mẹ và mọi người trong gia tộc. Đã là quà tặng, mà là quà tặng của Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương bằng hành động không ngừng ban phát sức sống cho muôn vật muôn loài, thì con người chỉ có một cách đáp ứng hợp tình hợp lý là cung kính lãnh nhận với lòng tri ân chân thành và thẳm sâu, để - với một sinh mạng con người trong vòng tay cha mẹ, tuy còn bé bỏng, mong manh, nhưng chất chứa bao tiềm năng vĩ đại khôn dò - mãi mãi nghiền ngẫm, cảm kích và chúc tụng Đấng là Tác Giả của Quà Tặng Đời Sống.
    
Gia Đình: Ngôi Đền Thờ Bảo Vệ Ơn Đời Sống Con Người
 
Khi Ông Mô-sê, vị đại ngôn sứ và thủ lãnh cuộc Xuất Hành lịch sử, bước đến xem bụi gai rực lửa, thì lịnh truyền của Thiên Chúa lập tức vang lên như sấm rền: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra. vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.”[25]
 
Tất cả mọi người, mọi tổ chức, mọi định chế, mọi quyền lực kinh tế, chính trị phàm tục, đều phải biết giới hạn của mình trước những thực tại linh thánh chỉ dành riêng cho một mình thẩm quyền của Thiên Chúa. Trong những vùng đất thánh đó, mái ấm gia đình, ngôi đền thờ bảo vệ ơn đời sống của con người, phải được tôn trọng như một nơi bất khả xâm phạm, nơi con người phải dừng chân, cởi dép, quỳ gối, cúi đầu.
 
Cứ xem khi Thiên Chúa muốn trở thành một con người thật sự, Người đã chọn được đào tạo trong môi trường gia đình thì đủ biết giá trị thánh thiêng của gia đình hiển nhiên đến mức nào!
 
 
Lm. Fx. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.
 
 
 
 

[1] Xin coi Rm 7:14-24.
[2] Thánh Au-gu-ti-nô tin rằng: Thiên Chúa đã sáng tạo con người dành riêng cho Chúa, nên chỉ có Thiên Chúa mới thỏa mãn mọi khát vọng của con người.
[3] Từ câu truyện trong Sách Xuất Hành 32:1-6, “con bò vàng” là biểu tượng của việc thờ các thần thánh giả trá do con người tạo ra.
[4] Xin coi Lc 16:19-21.
[5] “Đấu tranh giai cấp” là một con chủ bài của thuyết Mác-xít để xây dựng xã hội cộng sản bằng cách mạng bạo lực.
[6] Ấn Giáo dạy rằng Thượng Đế quy định xã hội có 4 hạng người: 1) Brahmins: giới tư tế, học giả, chuyên nghiên cứu và giảng sách thánh; 2) Kshatriyas: giới chiến binh, cầm quyền cai dân trị nước; 3) Vaishyas: giới thương gia, thợ chuyên môn; 4) Shudras: nông dân, công nhân không có tay nghề.  Sau nầy, Ông Mahatma Gandhi thêm vào 5) Pariah: giới cùng đinh mạt dân.
[7] Cụ Nguyễn Du, “Truyện Kiều.”
[8] Xin coi St 1:27; 2:7.
[9] Xin coi St 2:8.
[10] Xin coi St 1:31.
[11] Xin coi St 1:28; 2:15.19; Tv 8:4-7.
[12] Xin coi Xh 20:13.
[13] Xin coi 1 Ga 4:16.
[14] Xin coi Mt 22:32.
[15] Xin coi Kn 1:13.
[16] Xin coi Ga 10:10.
[17] Xin coi St 1:28.
[18] Xin coi St 1:27.
[19] Xin coi St 2:18.21-24.
[20] Số 230.
[21] Xin coi các chú thích cuối trang số 16, 17, và Mt 19:4-6.
[22] Xin coi chú thích cuối trang số 15.
[23] Xin coi Đnl 32:10; Mt 6:25-34; 10:29-31.
[24] Một thí dụ điển hình là câu truyện dẫn tới thành ngữ “đoạn trường—đứt ruột.”  Người thợ săn tình cờ gặp thấy vượn mẹ đang cho con bú.  Ông giương cung bắn trúng con mẹ.  Biết mình sắp chết, vượn mẹ trao con cho vượn bố ẵm đi trốn rồi buông tay rớt xuống đất.  Khi người ta xẻ thịt con vượn mẹ thì thấy ruột nó đứt thành 9 khúc vì nỗi đau phải chia lìa “chồng con”.   
[25] Xh 3:5.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận