10. Gia đình làm tông đồ

Đăng lúc: Thứ năm - 08/05/2014 06:42 - Người đăng bài viết: admin
10. GIA ĐÌNH LÀM TÔNG ĐỒ
*
 
 
Hôn nhân không tạo nên một cộng đồng tình yêu khép kín, ích kỷ giữa những người trong gia đình. Nhưng gia đình là một Giáo Hội nhỏ trong lòng Hội Thánh. Vì thế gia đình phải trở nên một cộng đoàn làm chứng cho Thiên Chúa.
 
I.Gia đình là Nhà Tiệc Ly mới
 
Theo Sách Công vụ Tông đồ thì sau khi Chúa Giêsu về trời, Nhà Tiệc Ly được coi như điểm xuất phát của Nhóm thừa sai đầu tiên của Giáo Hội. Với sứ mệnh củng cố và truyền bá đức tin, gia đình cũng được coi như một Nhà Tiệc Ly Mới. Công Đồng Vaticanô II đã dạy : « Gia đình là môi trường hoạt động và là trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả tổ chức cuộc sống, và dần dần biến đổi các tổ chức ấy. Nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái về lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa, và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế, bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo làm cho thế gian biết tội lỗi mình, đồng thời soi sáng những kẻ đang tìm kiếm chân lý » (GH số 35).
          Gia đình là trường học cho việc tông đồ giáo dân, vì ở đó con người học được những đức tính xã hội cần thiết cho việc tông đồ, như : sự thành thật, sự quên mình, tình liên đới, tinh thần tương thân tương ái, tinh thần hi sinh quên mình, kiên nhẫn, phục vụ…
 
II.Gia đình, môi trường thực tập làm tông đồ
 
-Là Nhà Tiệc Ly mới, gia đình sẽ là môi trường đầu tiên cho việc tông đồ của bạn. Trong  sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, Công Đồng Vaticanô II đã dạy : « Những đôi vợ chồng Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh  và là nhân chứng đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái và các thành phần khác trong gia đình của họ. Chính họ là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái họ. Bằng lời nói và gương sáng, họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ » (TĐ 11).
 
Vì vậy, môi trường đầu tiên cho việc tông đồ chính là gia đình của bạn. Trước tiên bạn hãy cố gắng truyền giáo cho gia đình của mình : người chồng truyền giáo cho vợ, người vợ cho chồng, cha mẹ cho con cái, anh chị em truyền giáo cho nhau. Trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh Phaolô viết : « Người chồng ngoại được thánh hóa nhờ người vợ, và người vợ ngoại thì được thánh hóa nhờ người chồng » (1Cr 7,14). Kinh nghiệm cho thấy, nhiều đôi vợ chồng đã giúp nhau nên thánh và chính họ thánh hóa gia đình, như :cha mẹ của thánh Tê-rê-xa Giêsu Hài Đồng, mẹ của thánh Đôn Bốt-cô, mẹ của thánh Au-gút-ti-nô....
 
Việc tông đồ của gia đình bạn đó là làm chứng cho sự bất khả phân ly của tình yêu hôn nhân bằng đời sống trung thành chung thủy với nhau, sống lương thiện, nêu gương trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái ; nêu gương về tinh thần cầu nguyện và chuyên chăm tham dự các việc phụng vụ trong giáo xứ, nhất là tham dự thánh lễ mỗi ngày[1].
 
III.Cách thức làm tông đồ
 
1/ Cầu nguyện:
Trước hết gia đình chuyên cần cầu nguyện cho Hội Thánh, cho công việc truyền giáo. Trong mọi thánh lễ, trong mọi giờ kinh, trong mọi công việc, trong mọi hy sinh hãy cầu cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến… có nhiều thợ gặt như Chúa Giêsu đã dạy.
Thánh nữ Têrêsa Giêsu Hài Đồng đã được đặt làm Bổn mạng Các Xứ Truyền Giáo cùng với Thánh Phanxicô Xaviê chỉ vì suốt đời Ngài đã cầu nguyện cho Hội Thánh, cho các linh mục, cho công cuộc truyền giáo, cho tội nhân ăn năn trở lại.
Lời cầu nguyện của gia đình là đồ tiếp liệu cần thiết cho công cuộc truyền giáo.
 
2/ Đời sống gương mẫu
Chúa Giêsu nói: Không ai đốt đèn rồi che lại. Người Kitô hữu hãy nêu cao ngọn đèn đời sống gương mẫu của mình trước mặt mọi người.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong bản tông huấn Loan Tin Mừng đã nói về nghĩa vụ làm chứng của người Kitô hữu và gia đình Kitô hữu như sau: Một Kitô hữu hay một nhóm Kitô hữu làm chứng tá bằng cách biểu lộ khả năng cảm thông, đón nhận, chia sẻ đời sống và số phận với những người khác, tỏ tình liên đới trong những nỗ lực nhằm đạt đến những gì là cao quý và tốt đẹp nhất. Hoặc là một cách đơn giản và tự nhiên, họ chiếu tỏa niềm tin của mình nơi những giá trị vượt xa những giá trị thông thường, cũng như niềm cậy trông vào điều mà người khác không thấy, vì có lẽ không dám mơ tưởng tới” (số 21).
Vì thế,

Trước hết vợ chồng hãy làm cho bản thân cũng như gia đình trở nên một thành viên xứng đáng của giáo xứ, của Hội Thánh, bằng cách làm cho gia đình trở thành một cộng đoàn vững mạnh trong niềm tin, lòng cậy trông và thiết tha yêu mến Chúa. Niềm tin và lòng yêu mến cậy trông đó, biểu lộ trong việc gia đình cẩn thận tuân giữ lề luật Chúa, chuyên chăm cầu nguyện, hòa hợp, trật tự, có tình thương nhau chân thành giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, luôn luôn tươi vui và không bao giờ chán nản thất vọng. Đây là ngọn đèn sáng.
Hãy đặt cao ngọn đèn sáng: đời sống đó nhắc nhở vợ chồng nêu cao những giá trị tinh thần và những thái độ tốt đẹp với những người chung quanh như: sự công bình, thành thật, khiêm tốn, khó nghèo, từ bỏ; cư xử tốt với mọi người: sẵn sàng tha thứ hòa giải nhẫn nhục, an ủi giúp đỡ những kẻ ưu phiền, những người bệnh tật, san sẻ cho những người khó nghèo thiếu thốn, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích tập thể. Đây là chứng tích lặng lẽ nhưng rất sống động và hiệu quả.
 
3/ Tiếp xúc
Lợi dụng mọi cơ hội để tiếp xúc, để nói, trao đổi về Chúa, về tin mừng cho người khác, cho những gia đình khác nhất là cho anh em lương dân. Tham gia hành động bênh vực phẩm giá và những quyền lợi cơ bản của gia đình, cổ võ bãi bỏ những tập quán lỗi thời về gia đình: tảo hôn, đa thê, ly dị, tự do luyến ái, hôn nhân thử, hủy diệt sự sống…
 
4/ Cộng tác xây dựng giáo xứ
Giáo xứ là Hội Thánh tại địa phương, là gia đình thiêng liêng của bạn, trong đó mọi người liên kết với nhau bằng phụng vụ và bí tích. Trong gia đình thiêng liêng nầy, Linh mục quản xứ là người cha thiêng liêng và mọi giáo dân trở thành anh chị em với nhau trong niềm tin, trong Phép Rửa và trong một ơn gọi.
Giáo xứ đóng vai trò quan trọng trong đời sống thiêng liêng của mỗi người vì đây là nơi mà cha mẹ chúng ta, rồi đến chúng ta và con cái sau này của chúng ta đón nhận mọi ơn huệ thiêng liêng của Thiên Chúa. Đây cũng là môi trường hoạt động tông đồ gần gũi nhất của bạn. Vì thế hãy nỗ lực làm tông đồ và xây dựng Hội Thánh địa phương nầy bằng:
 
a/ Yêu mến và gắn bó với giáo xứ
Ý thức, hãnh diện mình là con cái của giáo xứ. Cố gắng sống xứng đáng và biết liên kết gắn bó với giáo xứ, với anh chị em của mình. Thông cảm, chia sẻ, thao thức với mọi vui buồn, lo âu, mọi biến cố xảy ra trong giáo xứ. Không tách mình ra khỏi tập thể, không sống thờ ơ như người ngoài cuộc. Luôn cầu nguyện và làm cho giáo xứ được tiến bộ.
 
b/ Cộng tác với Cha xứ
Có thể quả quyết rằng: tất cả những ơn huệ thiêng liêng gia đình đón nhận trong môi trường giáo xứ, đều được ban qua Linh mục quản xứ. Ngài là ân nhân quý nhất của gia đình. Vì thế, hãy luôn nhớ ơn ngài bằng lời cầu nguyện, kính trọng yêu mến và khích lệ nâng đỡ, mau mắn vâng nghe những điều ngài chỉ dạy và cổ vũ người khác cộng tác với ngài trong các việc mục vụ tông đồ nào có thể, giúp đỡ Ngài có phương tiện làm việc cho giáo xứ, tránh tất cả những gì có thể làm thiệt hại cho uy tín và việc phục vụ của ngài.
 
c/ Cộng tác với giáo xứ
Góp phần xây dựng giáo xứ về tinh thần và vật chất:
- Tinh thần: sống đạo đức, đoàn kết, trật tự, cổ võ tình yêu thương bác ái, bài trừ tệ đoan xã hội, giúp nhau thăng tiến đời sống thiêng liêng.
- Vật chất: góp công vào việc xây dựng giáo xứ. Coi việc chung trong giáo xứ như công việc của nhà mình. Đừng lười biếng, ỷ lại hoặc chỉ biết mau miệng chê bai chỉ trích nhưng khi đến công việc thì lẩn tránh, từ chối. Đừng đòi hỏi giáo xứ phải đền đáp, dành ưu tiên hay kể lể công trạng, nhưng khiêm tốn, kín đáo, phục vụ vô điều kiện, vô vị lợi.
 
5/ Ươm trồng ơn thiên triệu
Khi kêu gọi cầu nguyện, cổ võ, nâng đỡ và nuôi dưỡng ơn gọi làm linh mục, thừa sai, tu sĩ để phục vụ việc xây dựng Giáo Hội, Giáo Hội luôn nhắc đến vai trò hàng đầu của Gia đình. Công Đồng Vaticanô II đã viết : « Nhờ đời sống thực sự Kitô giáo, các gia đình phải trở nên vườn ươm trồng việc tông đồ giáo dân, ơn gọi làm linh mục và tu sĩ » (TĐ số 19).
Điều nầy rất dễ hiểu, vì gia đình là tế bào đầu tiên của Giáo Hội. Chính trong gia đình mà những công dân mới của xã hội loài người được sinh ra, để rồi nhờ bí tích Thánh tẩy, họ trở nên con cái của Thiên Chúa. Do đó, gia đình là nơi ươm trồng, cung cấp ơn gọi cho Giáo Hội và khuyến khích hỗ trợ cho việc ươm trồng ơn thiên triệu trong giáo xứ, giáo phận.
Chúa Giêsu đã nói : “Cây tốt sinh quả tốt, cây xấu sinh quả xấu” (Mt 7,17). Vì thế, Giáo Hội không ngừng lưu ý các bậc phụ huynh :
-Về tầm quan trọng của giáo dục gia đình, nhất là đời sống đức tin,
-Về bầu khí lành mạnh, trong sáng và đạo đức của gia đình,
-về gương sáng của cha mẹ.
-về nhiệm vụ khơi dậy, khuyến khích và nuôi dưỡng ơn kêu gọi.
 
Vợ chồng bạn hãy làm nảy sinh ơn kêu gọi bằng những công việc sau đây :
 
-Quan tâm đến việc dạy giáo lý cho con cái hoặc khuyến khích con cái trong việc học giáo lý. Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã tha thiết nhắc nhở công tác nầy : « Cần phải luôn luôn chú ý đến các hình thức giáo huấn trong nhiều địa hạt khác nhau, bắt đầu từ hình thức cơ bản là việc huấn giáo trong gia đình, tức là cha mẹ dạy giáo lý cho con cái » (RH số 19).
-Mỗi người trong gia đình nỗ lực sống Phúc âm, tức là thực hành điều Chúa dạy. Kinh nghiệm cho thấy : chính đời sống gương mẫu của cha mẹ, của các anh các chị trong gia đình, là nhân tố khởi động và nuôi dưỡng ơn thiên triệu hữu hiệu nhất. Hạt giống chỉ nảy nở và phát triển trên những mảnh đất tốt (x.Mt 13,8). Con cái thường bắt chước thái độ và hành động của cha mẹ trong việc tông đồ và sự quan tâm của cha mẹ đến việc chung, đến phần rỗi các linh hồn.


[1] x.Thông điệp Hòa Bình Thế Giới 82.

Tác giả bài viết: Nguyễn Công Vinh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận