Gia trưởng - Hiền mẫu với gia đình

Đăng lúc: Thứ năm - 10/04/2014 19:56 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
GIA TRƯỞNG - HIỀN MẪU VỚI GIA ĐÌNH
 
 
LỜI NGỎ
NHỮNG NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC CƠ BẢN
ĐỐI VỚI VIỆC GIÁO DỤC CON TRẺ
DẠY TRẺ BIẾT TIẾT KIỆM NHƯNG KHÔNG ÍCH KỶ
NGHỆ THUẬT ĐỘNG VIÊN QUA LỜI KHEN
TÁM CÔNG VIỆC CỦA MỘT NGƯỜI CHA
BẢY ĐIỀU NÊN TRÁNH KHI DẠY CON
NGƯỜI CAO TUỔI MƯỜI THẾ MẠNH CỦA TUỔI TÁC
RƯỢU VÀ SỨC KHỎE
Vai Trò Cha Mẹ Trong Việc Giáo Dục Con Cái
Thời Đại Công Nghệ và Internet
NHỮNG YẾU TỐ ĐỂ XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
MỘT SỐ ĐIỀU GIA ĐÌNH CẦN QUAN TÂM VỀ GIỚI TRẺ
VIỆC HỌC HÀNH CỦA NGƯỜI TRẺ
(Và chuẩn bị nghề nghiệp)
VIỆC CHỌN BẠN BÈ CỦA GIỚI TRẺ
GIA ĐÌNH VÀ VIỆC GIẢI TRÍ CỦA NGƯỜI TRẺ
GIỚI TRẺ VỚI TIỀN BẠC & PHƯƠNG TIỆN VẬT CHẤT
TÌNH CẢM & TÌNH YÊU & HÔN NHÂN
NHỮNG ĐẶC TÍNH TỔNG QUÁT CỦA NGƯỜI TRẺ
GIA ĐÌNH PHỤC VỤ SỰ SỐNG
TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH  THEO GIÁO LUẬT
A. LỜI HAY Ý ĐẸP VỀ GIÁO DỤC KITÔ GIÁO.
B. MƯỜI LỜI KHUYÊN VỀ GIÁO DỤC KITÔ GIÁO
 

LỜI NGỎ

Kính Quý Cha,
Theo tinh thần Quyết Định Thực Hành Năm 2014 của Giáo Phận:
Mỗi tháng trong Năm Tân Phúc Âm hóa Gia đình 2014, mỗi Họ đạo cần có buổi sinh hoạt dành cho Giới Gia Trưởng & Hiền Mẫu.
Để Quý Cha có nội dung trình bày thích hợp, Ban Mục Vụ Giáo Phận kính gửi đến Quý Cha 18 Bài soạn về “Gia Trưởng - Hiền Mẫu Với Gia Đình”.
Kính mong sẽ hỗ trợ hữu hiệu cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa các Gia đình trong Giáo phận chúng ta.
Thân mến
Cần Thơ ngày 01/04/2014
Ban Mục Vụ Giáo Phận.
 
 
 

NHỮNG NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC CƠ BẢN

ĐỐI VỚI VIỆC GIÁO DỤC CON TRẺ

Lm. GB. Trương Thành Công (01-06)
 
01.     Không nên quan tâm đến trẻ một cách thái quá. Nếu không, rất dễ khiến trẻ nuôi một tâm lý "mình là quan trọng, là trung tâm", cho rằng mọi người phải tôn trọng quyền lợi của chúng, nhất là con một. Kết quả chúng sẽ trở thành một con người ích kỷ, tự tư tự lợi.
 
02.     Không để trẻ ỷ lại người lớn. Chúng ta hãy để con cái cùng sinh hoạt, vui chơi với những người bạn đồng lứa, để trẻ hiểu rõ cách chung sống với mọi người. Nếu lúc nào cũng để con trẻ sống gần với người lớn thì tâm lý ỷ lại và tự ti ở trẻ sẽ rất khó sửa đổi. Sau này khi bước vào xã hội, tâm lý đó sẽ gây một bất lợi lớn cho chúng.
 
03.     Không nên thỏa mãn tất cả những gì mà trẻ đòi hỏi. Trẻ con ngay từ bé đã cần biết mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Nếu không cố gắng chu toàn nghĩa vụ thì sẽ không được hưởng quyền lợi. Phải giúp trẻ hiểu hưởng thụ và lao động luôn có liên hệ với nhau.
 
04.     Không nên "hối lộ" con trẻ. Cha mẹ đôi lúc muốn tránh sự quấy rầy nhất thời của con, thường hay cho tiền hoặc mua đồ chơi, sách, truyện...cho con. Điều này thật không nên bởi vì sẽ khuyến khích sự quấy nhiễu của con trẻ, tạo ra thói quen "hạch sách", đòi hỏi chúng. Ví dụ : Cứ đến nhà thờ là được ăn...
 
05.     Không nên nói dối với trẻ. Trẻ sau khi phát hiện ra mình bị dối gạt thì sự tín nhiệm của chúng đối với cha mẹ cũng mất dần. Những lời nói, hứa hẹn của cha mẹ sau này sẽ ít có hiệu lực đối với chúng.
 
06.     Không nên hăm dọa trẻ. Những lời lẽ như: "Con mà không nghe lời bố mẹ thì con sẽ bị đánh đòn", "Con không học bài thì mai mẹ sẽ bắt nghỉ học"...Nếu cứ hăm dọa mà không thực hiện thì trẻ sẽ "nhờn", không vâng lời cha mẹ nữa.
 
07. Không nên phê bình hay chế nhạo, giễu cợt trẻ trước mặt người cao tuổi bè chúng. Điều này nhằm tránh cho trẻ tâm lý "nuôi hận" cha mẹ, hoặc "xấu hổ mất mặt" trước bạn bè.
 
08.     Cha mẹ không nên bất đồng quan điểm về cách phạt con trước mặt chúng. Cha rầy, mẹ bênh ; cha khoá cửa trước, mẹ mở cửa sau … Nếu cha mẹ không thống nhất ý kiến với nhau về cách giáo dục, con trẻ sẽ nảy sinh tâm lý không phục tùng, không nghe lời ai cả ; khi thì theo cha, khi lại đi theo mẹ.
 
09.     Không nên quá nghiêm khắc với trẻ. Cha mẹ nếu cứ thường xuyên quát nạt trẻ, nghiêm khắc, đòi hỏi quá cao, sẽ hình thành tâm lý sợ hãi quá mức hay tính cách "bằng mặt không bằng lòng" nơi trẻ : bề ngoài chúng hòa nhã, bên trong thì chống đối.
 
10.     Không nên quá ca ngợi, đề cao con trẻ. Con trẻ làm đúng thì chỉ cần khen nhẹ nhàng là được. Quá mức ca ngợi chúng, nhất là trước mặt mọi người, dễ gây ra tâm lý "hám danh" ở trẻ.
 
11.     Trước khi trẻ bắt tay vào làm bất cứ một việc gì, cha mẹ nên đứng ở góc độ "tham mưu", hướng dẫn trẻ những việc đáng làm. Phân tích thật rõ ràng cho trẻ hiểu "lợi, hại" của việc sắp làm đó.
 
12.     Không nên bắt ép trẻ con làm những việc quá sức, không thể đảm nhận được. Tính tự tin của trẻ phần lớn đều bắt nguồn từ những thành đạt. Bắt trẻ con làm những việc quá sức, có thể dễ thất bại và phá hủy tính tự tin nơi trẻ.
 
13.     Nên xem xét và đánh giá đúng tài năng tự nhiên của trẻ, để hướng dẫn chúng những công việc, ngành nghề thực sự phù hợp với năng lực. Không nên dùng cái nhìn chủ quan của mình để quyết định, hay ép trẻ làm những việc không sát với thực lực của chúng.
 
14.     Hãy để trẻ tự do hoạt động, miễn sao những hành động của chúng không vượt quá giới hạn cho phép. Không nên can thiệp quá sâu hay cấm trẻ vui chơi hoạt động bởi "hoạt động là mẹ của học tập"
 
15.     Lúc khuyên răn dạy dỗ con trẻ, nên có một thái độ bình tĩnh; nhìn vấn đề cách khách quan, không nên vì chuyện con trẻ làm sai mà mất bình tĩnh, trút hết mọi cáu giận, phẫn nộ lên đầu trẻ.
 
16.     Cần cương quyết ngăn cấm trẻ khi chúng đi quá đà, có những hành động vượt quá giới hạn, để tránh mọi hậu quả đáng tiếc sau này.
 
17. Giúp đỡ trẻ một cách thích hợp, phân tích phải trái, đánh giá những hành vi của trẻ, giúp chúng giải quyết khó khăn, nhưng cũng không nên thay chúng giải quyết tất cả. Trẻ càng lớn thì càng nên tự mình làm những việc trong tầm tay. Cần nhớ rằng hình thành nhân cách và tiến bộ về thể lực, phần lớn đều nhờ sự thực hành và luyện tập.
 
 
 

DẠY TRẺ BIẾT TIẾT KIỆM NHƯNG KHÔNG ÍCH KỶ

Tiết kiệm và ích kỷ là hai khái niệm thường là hệ quả của nhau. Người biết tiêu dùng hợp lý và biết để dành tiền bạc thường vun quén cho bản thân và ít rộng lòng giúp đỡ người khác. Vì thế việc giáo dục cho con biết tiết kiệm  nhưng không ích kỷ là những đức tính cần có trong đời sống mà trẻ em cần được rèn luyện thành thói quen.
 
Dạy con biết sử dụng đồng tiền : Không ít gia đình muốn con mình đừng đụng đến tiền bạc, vì theo họ đồng tiền sẽ làm hư con trẻ. Tuy nhiên, trong cuộc sống với nhiều nhu cầu có liên quan đến xã hội, việc cấm con sử dụng tiền bạc là điều không thích hợp. Tốt nhất là dạy con biết dùng tiền như thế nào.
 
Muốn con sử dụng tiền bạc không lãng phí, trước hết con trẻ cần biết lao động ; làm ra tiền không phải là điều dễ dàng. Trẻ cũng cần biết khả năng tài chính của gia đình, kế hoạch chi tiêu, để dành.... hầu trẻ biết tiết kiệm. Khi con xin tiền để tiêu vào việc nào đó, cha mẹ cần phải cùng con phân tích xem nên chi tiêu hay không.
 
Dạy cho con không mua sắm những thứ không cần thiết: Trẻ con thường đòi hỏi mua sắm những vật dụng, mà không nghĩ đến sự cần thiết. Có thể là hữu ích, nhưng chưa chắc đã cần thiết. Cha mẹ nên phân tích cho chúng thấy sự lãng phí khi mua các món đồ này.
 
Không nên trả thù lao bằng tiền một cách bừa bãi: Một số người quan niệm nên giáo dục con có ý thức lao động từ thuở nhỏ và họ thường tính công bằng tiền khi sai bào con làm một việc gì. Quan niệm này không phải là sai lầm. Tuy nhiên, nếu bất cứ việc gì cũng trả tiền công cho con, đôi khi sẽ phản tác dụng. Trẻ sẽ không phân biệt đâu là nghĩa vụ, đâu là việc làm thêm. Và như thế trẻ chỉ biết vun quén cho bản thân, không nghĩ đến lợi ích chung của gia đình.
 
Làm cho tính tiết kiệm trở thành thói quen: Muốn vậy, mỗi khi cần mua sắm gì cần tập cho trẻ những điều tự hỏi : có thật cần thiết phải mua hoặc có cách nào mua rẻ hơn không ? Khi được một món tiền, nên nghĩ đến việc để dành với tỉ lệ bao nhiêu ? Dần dần, tính tiết kiệm sẽ trở thành thói quen nơi trẻ.
 
Lòng nhân ái: Khi được kêu gọi lòng tốt đóng góp cho nạn nhân thiên tai, bảo lụt, trẻ sẽ mau chóng đáp ứng hơn là sự giúp đỡ cho người khó khăn trong đời thường. Điều đó rất dễ hiểu : trẻ được tác động bởi lời kêu gọi của toàn xã hội và được tưởng thưởng bằng lòng tự hào. Trong khi những hành động trong cuộc sống thường lặng lẽ, vô danh, ít người biết đến.
 
Nhường nhịn anh chị em: Một gia đình giáo dục tốt, trước hết nhìn vào thái độ đối xử giữa các anh em, chị em với nhau. Khi ăn một miếng ngon đều có sự chia sẻ, kể cả dành cho người vắng mặt. Thái độ ích kỷ với anh chị em được xem là một thói xấu nghiêm trọng.
 
Giúp đỡ bạn bè khi khó khăn: Một đứa trẻ có kế hoạch tiết kiệm vẫn sẵn sàng trích tiền dành dụm được để giúp đỡ cho bạn cùng lớp bị bệnh tật, tai nạn. Đó là nghĩa cử cao đẹp hình thành đạo đức cuộc sống.
 
Giúp đỡ người thân, hàng xóm, những người cơ nhỡ: Có thái độ mau mắn trước những lời thỉnh cầu, những cảnh đời khó khăn mà không cần lưu lại tên tuổi. Cho người nghèo quần áo cũ. Dắt người già qua đường....Nếu lòng nhân ái được rèn luyện từ lúc nhỏ, trẻ sẽ tự biết tính toán khi nào tiết kiệm và khi nào thì thể hiện lòng nhân ái.
 
 

NGHỆ THUẬT ĐỘNG VIÊN QUA LỜI KHEN

 
Mỗi lần chúng ta - bậc cha mẹ giáo huấn con cái bằng những mệnh lệnh kèm theo chữ "không được..." , bạn có nghĩ rằng khi còn bé chính ta cũng từng ấm ức thắc mắc về những mệnh lệnh khó hiểu ấy không? Thực vậy, nếu muốn con mình biết suy nghĩ độc lập, tốt hơn hết bạn nên chọn lời giáo huấn kiểu khác : những lời khen và động viên.
 
Các cụ ta vẫn dạy : " Nhân vô thập toàn", và một lời động viên khen ngợi đúng lúc sẽ có tác dụng giúp trẻ hoán cải hành vi tốt hơn. Có một sai lầm rất lớn ở người lớn là họ không nhớ rằng trẻ em vốn nhạy cảm hơn người lớn vẫn tưởng. Khi trẻ đứng trước một thách thức đời thường - nhảy qua một vũng nước, tập đi xe đạp chẳng hạn - cái chúng cần là được hướng dẫn cách làm và lời động viên "được, nhưng nhớ cẩn thận con nhé". Lời khuyến khích này có tác dụng vừa công nhận quyết định của trẻ là đúng, vừa giúp chúng cẩn thận và phấn khởi hơn.
 
Qua lời khen của người lớn, trẻ em sẽ học được cách tự đánh giá công việc và cố sao để làm nhiều việc "giỏi" như thế. Song, để có được lời khen thích hợp - với chúng ta, không phải dễ. Tùy theo tầm mức thành công và tên gọi công việc trẻ làm được, ta có lời khen mạnh, nhẹ khác nhau. Vì sao? Được khen quá đáng vì một thành tích bình thường - trẻ em sẽ thấy khó chịu. Cách hoặc lời khen không phù hợp sẽ gây phản tác dụng. Khen mạnh cho một việc bình thường sẽ khiến trẻ mất đi khả năng hiểu đâu là việc nhỏ việc lớn, tốt đến mức nào. Lại có những cha mẹ đã dùng tiền để thay lời khen(?). Tặng 5-10 ngàn đồng cho mỗi điểm 10 của con. Như vậy vô tình họ khuyến khích con chỉ chú tâm làm sao có nhiều điểm 10 càng tốt - kể cả quay cóp bài tập của bạn bè.
 
Muốn con em mình thực sự tiến bộ, ta chỉ khen thưởng đặc biệt cho những thành tích đặc biệt của chúng. Chẳng hạn, khi trẻ tự xếp một ô chữ, hình hay tự giải một bài toán khó. Còn những cử chỉ ngoan ngoãn ở đời thường (đi thưa, về trình, biết chào khách của cha mẹ... ) ta chỉ bảo "được rồi, con được quyền làm việc riêng". Như vậy, ta vừa công nhận hành vi đẹp, vừa cảnh báo "không được vòi vĩnh khi cha mẹ đang bận". Trong bất cứ thành tích nào của trẻ, ta không nên quy định khen bằng ... tiền. Nhiều bậc cha mẹ cứ than phiền "ối giời, con với cái. Mới tí tuổi đã vội đua đòi..." Nhìn vào cách cư xử của những gia đình "hay" than kiểu trên, tôi thấy hầu hết họ đã áp dụng kiểu khen bằng tiền hoặc bằng hiện vật đắt tiền, nếu có người cho rằng tặng nhiều tiền bạc sẽ khuyến khích trẻ học và cư xử "giỏi" hơn, thì nhóm từ "trẻ em nghèo hiếu học" chắc chắn sẽ không tồn tại. Lời khen quá đáng (ôi, con của mẹ tuyệt vời làm sao!) cho những việc vặt (chải răng sau khi ăn, ngủ, thức dậy đúng giờ...) sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ (có vậy mà mẹ cũng khen tuyệt). Cách diễn đạt lời khen cũng tùy vào giới tính của trẻ. Trẻ em trai thường thích được "tâng bốc" trước mặt cha, mẹ. Với bé gái thì thích việc bạn nhìn và chỉ tay vào thành tích của chúng - kèm theo cái xoa đầu hay nụ hôn trên má.
 
Đặc biệt hơn nữa, xin bạn đừng vội khoe khoang trẻ hết lời khi chúng có mặt cùng với bạn bè, cha mẹ của bạn bè chúng. Nếu điều này xảy ra, thì lòng trẻ sẽ nảy sinh sự so sánh việc nó đã làm với việc gì đó của đứa bạn mà nó biết. Con của bạn sẽ cảm thấy xấu hổ hoặc tự mãn. Đối với các bé, vừa tập tễnh chựng đi, thì khen "giỏi, hay quá !" kèm theo cái vỗ tay  kêu khẽ của bạn sẽ động viên bé rất nhiều. Khen lúc nào ? Vào mỗi lần bé gọi đúng chức danh của ông bà cô cậu, hay nhìn và gọi đúng tên đồ vật - bé sẽ há miệng cười tít mắt cho xem ! Và khi trẻ càng lớn thì càng có dịp đối đầu với những thử thách lớn hơn. Chúng ta cần quan tâm đến từng loại việc để khen tặng. Đây chính là nguồn động viên khuyến khích trẻ hoàn thành nốt công việc nào đó.
 
Xa hơn nữa, chính chúng ta cũng cần học cách và khen tặng nhau trước mặc con cái. Như thế không khí trong gia đình sẽ đầm ấm vui tươi hơn với những con người luôn quan tâm đến người khác.
 
 
“HÃY ĐỂ TRẺ NHỎ ĐẾN CÙNG THẦY
VÌ NƯỚC TRỜI THUỘC VỀ NHỮNG AI NÊN GIỐNG NHƯ CÁC EM”
(Mt 19, 14)
 
 

TÁM CÔNG VIỆC CỦA MỘT NGƯỜI CHA

1.  Đề ra và kiểm tra việc thực hiện những quy tắc sinh hoạt gia đình.
Công việc này thể hiện vai trò và quyền lực cao nhất của người chủ gia đình. Gia đình là tổ chức nhỏ nhất của xã hội  mà bất kỳ tổ chức nào cũng có nội quy sinh hoạt như  ăn, uống, nghỉ ngơi, học tập, lao động và mối quan hệ giữa cha- mẹ- con cái. Nếu không có các quy định sẽ không có tổ chức và từ đó vai trò của người cha sẽ không rõ nét.
 
2.Biết thưởng phạt nghiêm minh và làm đòn bẩy cho sự tiến bộ của con cái.
Người cha đúng nghĩa không thờ ơ với những lỗi lầm và tiến bộ của con cái. Việc thưởng, phạt nghiêm minh là động lực giúp cho con cái phát huy mặt tốt và hạn chế mặt xấu để tự rèn luyện, tiến bộ.
 
 Luôn quan tâm theo dõi tình trạng sức khỏe và kết quả học tập của con cái.
Sức khỏe rất quan trọng cho mọi hoạt động của trẻ. Người cha không chỉ giúp con điều trị bệnh tật mà còn luôn theo dõi định kỳ trọng lượng, chiều cao và xem xét các biểu hiện hoạt động để có thể bồi dưỡng về ăn uống, thể lực, kiểm tra sổ liên lạc hàng tháng, mỗi học kỳ để cùng trao đổi với con có kế hoạch học bổ sung những môn yếu để có sự tiến bộ toàn diện.
 Dạy con biết dùng tiền cách hợp lý, biết tiết kiệm và làm chủ đồng tiền.
Tạo cho con có thói quen tính toán sự cần thiết khi tiêu dùng, thái độ tiết kiệm và để dành tiền bạc. Biết dè sẻn trong chi tiêu nhưng cũng biết thương yêu, thông cảm với những khó khăn của người khác bằng cách hết lòng giúp đỡ.
 Biết phân công sử dụng và bảo vệ tài sản gia đình một cách hợp lý.
Nếu biết bảo vệ tài sản gia đình sẽ biết bảo vệ của công, không tham ô, lãng phí.
 Biết cách chuyện trò và lắng nghe ý kiến của con.
Một người cha đúng nghĩa không bao giờ tạo một khoảng cách với con cái. Đôi khi người cha cũng biết chuyện trò với con cái như một người bạn; làm sao để con cái có thể nói chuyện với cha một cách bình thường. Qua đó có thể hiểu được tâm sự, tình cảm, năng lực của con để giúp chúng phát triển.
 Biết định hướng cuộc đời và nuôi dưỡng ước mơ của con cái.
Thế giới của trẻ thơ như cánh cửa sổ mở ra chân trời mơ ước bao la. Người cha nên tìm hiểu ước mơ cao đẹp của con, biết nuôi dưỡng ước mơ đó trở thành hiện thực ở tuổi trưởng thành. Định hướng không có nghĩa là bắt con phải theo ý thích của mình mà luôn tôn trọng ước mơ của con. Nếu thấy không hợp lý chỉ nên trao đổi, tranh luận.
 Không độc đoán.
Cần tạo cơ chế dân chủ trong gia đình. Tránh tạo môi trường quá ngột ngạt, nặng nề trong gia đình khiến con cái khó sống.
 
 
 

BẢY ĐIỀU NÊN TRÁNH KHI DẠY CON

 Thái độ nuông chiều con quá đáng, con làm gì sai thì xuê xoa, bỏ qua, không nói cho nó biết đúng sai chỗ nào hoặc thay vì dùng lẽ phải dạy bảo con thì lại tìm cách "mua chuộc". Chẳng hạn, "con nín đi, con học giỏi đi, mẹ sẽ cho tiền ăn bánh, sẽ cho đi chơi công viên... " như vậy trẻ không phân biệt đúng sai và nó sẽ có tật xấu là làm việc vì lợi ích vật chất, lỡ cha mẹ quên thực hiện lời hứa hoặc cố tình đánh lừa thì trẻ không tin ở lời nói của cha mẹ, thậm chí sẽ nhiễm tính không trung thực của cha mẹ trong quan hệ với bạn bè và những người khác.
 
 Trẻ mắc sai lầm gì đó, thay vì lấy lời hay, lẽ phải giảng giải cho con thấy đúng sai  thì lại đi nói những lời ngược lại, như "ừ, mầy giỏi thật, cứ tiếp tục như vậy". Trẻ sẽ hoang mang, dù biết bị nói mỉa, trong lòng không phục.
 
Trong việc dạy con, cha mẹ không được trái ý nhau, "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", làm cho đứa trẻ hoang mang hoặc sẽ bám vào ý kiến nào có lợi cho nó để không nhận khuyết điểm. Mặt khác, trẻ sẽ gần gũi, yêu thương người nào hay bênh nó.
 
 Đánh con vì quá nóng giận nhưng khi bình tĩnh trở lại, thay vì tự thấy lỗi của mình lại đi oán trách chồng (vợ mình) sao không khuyên ngăn lúc mình nổi nóng. Đứa trẻ mà nghe lời oán trách đó sẽ coi thường cha mẹ : chỉ vì nóng giận mà vô lý đánh nó. Nó sẽ nghĩ : khi nóng giận thì tôi cũng có quyền đánh em.
 
Không biến chuyện của trẻ con thành chuyện của người lớn. Thấy con mình bị bạn đánh, liền chạy qua nhà bên để mắng vốn. Hãy để trẻ con giải quyết các xích mích giữa chúng với nhau. Nếu cần thì người lớn đứng ra hòa giải với thái độ bình tĩnh, công bằng.
 
 Không coi thường những biểu hiện sai dù rất nhỏ của đứa trẻ, vì "cái sảy nảy cái ung". Chẳng hạn, nó lấy cây thước kẻ của bạn đem về dùng, cha mẹ cho rằng vật ấy không đáng giá gì, nên không bảo nó đem trả. Chuyện nhỏ nhưng hậu quả có thể nghiêm trọng  khi đến một ngày nào đó, đứa trẻ sẽ lấy cắp tiền hay đồ vật quý giá của cha mẹ hay của bạn bè. Đến lúc này cha mẹ mới dạy bảo con thì đã muộn.
 Không tập cho con cách chưng diện không thích hợp với lứa tuổi  trẻ thơ, vì như vậy sẽ tập cho con thói chuộng hình thức. Trái lại, phải nhắc nhở trẻ: "Cái nết đánh chết cái đẹp."
 
 

NGƯỜI CAO TUỔI MƯỜI THẾ MẠNH CỦA TUỔI TÁC

 
Những sợi tóc bạc, những nếp nhăn trên khuôn mặt chính là kẻ thù của tuổi xuân. Tuy nhiên, những dấu hiệu này cũng là bằng chứng cho những trải nghiệm của cuộc sống - cái mà lớp trẻ không thể mang ra so bì. Chính vì vậy, các chuyên gia tâm lý đã đưa ra 10 lý do để người cao tuổi có thể tổ chức mừng sinh nhật sắp tới của mình.
 
1. Người cao tuổi trở nên khôn khéo :
Có tóc muối tiêu không có nghĩa là đầu óc suy nghĩ không còn minh bạch nữa. Nếu tiếp tục đọc, suy nghĩ, sáng tạo, kiến thức mà người cao tuổi thu được sẽ làm mở mang trí tuệ của mình. Nếu cho họ đủ thời gian, người cao tuổi sẽ đạt điểm ngày càng cao trong trắc nghiệm để đo chỉ số IQ khi tuổi già đi. Tốc độ lý luận và trí nhớ có thể giảm đi, nhưng về chất lượng thì hoàn toàn không.
 
2. Người cao tuổi trở nên cứng cỏi hơn :
Khi có tuổi, người già thực sự đương đầu tốt hơn với những đau khổ của cuộc sống. Đó là vì người già có thể đã có lần bị đuổi việc, hoặc đã mất một người thân...Người cao tuổi cũng khoan dung với những việc ngớ ngẩn nho nhỏ của đời sống hơn trước. Ít khi chúng ta thấy một bậc cao niên điên tiết khi xếp hàng chờ xe. Điều này có lẽ dễ xảy ra hơn ở một người trẻ tuổi đang vội vã. Xét về mặt tâm lý học, người cao tuổi đã vững vàng.
 
3. Người cao tuổi cảm nhận được năng lực của mình :
Đa số những người ở tuổi trung niên đang ở trên đỉnh của đời sống hoạt độngcủa mình. Đây là thời kỳ của sự vững vàng về nghề nghiệp và cũng là lúc mà người ta cảm thấy mãn nguyện và an toàn vì họ ý thức được họ có cái gì để trao tặng cho những người khác.
 
4. Tình yêu của người cao tuổi trở nên sâu sắc hơn :
Người cao tuổi cảm thấy an tâm hơn trong mối quan hệ vợ chồng. Kết hôn càng lâu chừng nào, thì người cao tuổi càng có khả năng duy trì hôn nhân lâu hơn. Và nếu người cao tuổi có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, thì nó có cơ hội trở nên tốt đẹp hơn, sau khi con cái của họ đã ra ở riêng.
 
5. Người cao tuổi trở nên là chính mình nhiều hơn :
Càng có tuổi, người già càng trở nên độc đáo hơn. Người cao tuổi xác tín hơn về những gì mình suy tư, về những gì mình thích và những gì mình không thích. Người cao tuổi biết mình là ai.
 
6. Người cao tuổi trở nên vị tha hơn :
Ở tuổi trung niên, con người có lòng trắc ẩn nhiều hơn. Vì vậy một khi con cái đã lớn khôn, những tình cảm về dưỡng dục còn dai dẳng trong người cao tuổi, và những tình cảm đó có thể mở rộng ra ngoài phạm vi gia đình. Đó là tiềm năng mạnh mẽ, thôi thúc người cao tuổi tham gia nhiều hơn vào cộng đồng và công tác xã hội.
 
7. Người cao tuổi trở thành "ông, bà" :
Có một niềm vui mới khi người cao tuổi được sống với một thế hệ hậu sinh, và họ cảm nhận ý nghĩa lớn lao mối liên hệ giữa mình, với con cháu đang lập lại tiến trình cuộc sống họ đã đi qua.
 
8. Thế giới của người cao tuổi mở rộng ra :
Một trong những lo sợ của tuổi già là cuộc sống cô độc. Nếu người cao tuổi để tình trạng đó xảy ra, thế giới của họ sẽ bị co lại. Nhưng nếu người cao tuổi biết nuôi dưỡng các mối quan hệ, họ sẽ có một mạng lưới quan hệ thật phong phú : những người bạn cũ thuở nào, những người bạn đồng nghiệp, những người quen biết…  Quả là một gia đình mở rộng.
 
9. Người cao tuổi trở nên tích cực hơn :
Trong khi những người cao tuổi được tự do sử dụng thời gian theo cách họ muốn, họ cũng biết rằng họ còn ít thời gian lắm. Điều đó cũng làm cho họ ý thức được sự quí giá của thời gian, và suy xét đúng đắn hơn về cách họ sử dụng thời giờ.
 
10. Người cao tuổi trở nên linh hoạt hơn về phương diện tinh thần :
Người cao tuổi có thời gian suy ngẫm, và hiểu được kinh nghiệm đời người mình đã trải qua. Kết quả là người cao tuổi có được niềm tin cậy sâu đậm hơn, nghĩa là họ có được đời sống nội tâm phát triển sâu sắc hơn. Nói cách khác, đó chính là sự khôn ngoan của người đầu bạc.
 
 

RƯỢU VÀ SỨC KHỎE

 
A. Những phần cơ thể chịu tác động của rượu.
1. Não : Não gồm 2 bán cầu
          - Bán cầu bên phải với chức năng tưởng tượng và sáng tạo
          - Bán cầu bên trái với chức năng ghi nhớ và làm chủ
 * Rượu kích thích bán cầu phải, làm yếu bán cầu trái
2. Dạ dày : Rượu cũng là một thứ thực phẩm mà dạ dày phải xử lý.
3. Gan : Gan là một nhà máy lọc hóa chất, trong đó có chất ethanol có trong rượu.
4.5. Phổi và tim mạch : Hợp tác với nhau trong việc lọc máu. Rượu kích thích hệ thống này.
6. Thần kinh
 
B. Tác động của rượu trên cơ thể
- Chất quan trọng nhất trong rượu có tác động lên cơ thể là chất ethanol.
- Tác động này có thể tốt mà cũng có thể xấu tùy theo liều lượng.
- Liều lượng : Đối với người cơ thể 70 kg, gan có khả năng oxy hóa chất ethanol (cồn) tối đa mỗi giờ 15 ml (tương đương 25 ml rượu trắng ; hay 50 ml rượu trái cây, hay 300 ml bia)  Từ liều lượng đó trở xuống thì tác động tốt, từ đó trở lên là tác động xấu.
 
I. Tác động tốt :
1. Rượu chứa nhiều chất dinh dưỡng (Nhất là bia và rượu vang – Rượu trắng, do chứa nhiều ethanol quá nên hạn chế giá trị dinh dưỡng): đường, tinh bột, acid hữu cơ (carbohydrate, albumin), acid amin, sinh tố (C và D), khoáng chất (calci, sắt, phosphore), calori…
2. Thúc đẩy tiêu hóa : rượu kích thích dịch vị bài tiết nhiều hơn nên làm cho dạ dày và ruột dễ hấp thu chất dinh dưỡng.
3. Giúp ích cho tim : a/ Rượu làm gia tăng thành phần albumin trong huyết dịch nên giảm chứng xơ cứng động mạch và ngừa bệnh nhồi máu cơ tim ; b/ Khống chế sự tích tụ của các tiểu cầu, đồng thời tăng cường được sự hòa tan của chất fibrin nên ngăn ngừa được sự lắng đọng đông kết của máu trong động mạch vành, từ đó giảm được sự phát sinh những bệnh tim mạch.
4. Tăng tuần hoàn huyết dịch nên giúp điều tiết, cải thiện trao đổi sinh hóa trong cơ thể.
5. Kích thích bán cầu não bên phải nên gia tăng sức tưởng tượng và sáng tạo, làm cho người ta vui vẻ lạc quan.
 Bởi vậy mới có câu "Rượu đứng đầu trăm loại thuốc".
 
II. Tác động xấu :
1. Làm tê liệt bán cầu não bên trái khiến (a) thần kinh suy nhược ; (b) suy giảm trí nhớ và (c) giảm khả năng tự chủ.
2. Hại gan : (a) Giảm chức năng trao đổi mỡ  Gan nhiễm mỡ ; (b) Làm cho tế bào gan biến tính, hoại tử  Xơ cứng gan.
3. Giảm sức đề kháng của cơ thể  dễ bị cảm và viêm phổi.
4. Kích thích dạ dày quá mạnh  nôn mửa, viêm dạ dày.
5. Hại khả năng sinh dục  vô sinh, hại thai nhi.
6. Giảm tuổi thọ : Vì những ảnh hưởng xấu nêu trên nên tuổi thọ cũng giảm. Theo thống kê, những người nghiện rượu có tuổi thọ thấp hơn 10 năm so với những người không uống rượu.
7. Có thể khiến người uống bị trúng độc cồn : khi trúng độc cồn thì trước hết là đại não bị tác động làm cho thần kinh hưng phấn trong một thời gian ngắn (nói năng lung tung), tiếp đó thì đại não rơi vào trạng thái tê liệt (nói năng, cử chỉ thất thường, có khi bất tỉnh nhân sự). Nếu phát triển tiếp thì tê liệt trung khu thần kinh, ngưng hô hấp, tim ngừng đập và… chết !
 
* TÓM LẠI:
 
Rượu vừa tốt vừa xấu. Điều quan trọng là uống rượu trong liều lượng hợp lý. Không nên uống quá nhiều. Đừng để rơi vào tật nghiện rượu.
 
C. Trả lời một số cớ để uống rượu :
Người nghiện rượu thường đưa ra những lý lẽ sau để chống chế cho việc uống rượu :
 
1. Uống rượu cho ấm ?
 Thực ra có cảm giác ấm thật, nhưng như vừa nói trên, vì rượu làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên khi say rượu thì dễ bị cảm và viêm phổi. Chắc các ông cũng biết có nhiều người say rượu té ngã dọc đường nằm đó ngủ luôn và sau đó… chết luôn. Tại sao vậy ? Do bị cảm nặng trong khi sức đề kháng của cơ thể hầu như đã mất hết.
 
2. Uống cho vui ?
 Cũng đúng, vì rượu kích thích bán cầu bên phải khiến người ta hưng phấn, nhưng đồng thời rượu cũng làm tê liệt bán cầu bên trái, tức là bán cầu có chức năng làm chủ bản thân. Vì thế uống rượu thì cảm thấy vui nhưng là vui một cách không tự chủ, dễ đưa đến những lời nói và hành động quá đáng.
 
3. Uống để có sức làm việc ?
 Nhiều người thường cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ không có sức làm việc. Nhưng khi có chút rượu vào thì họ thấy như mạnh thêm và có sức làm việc. Tuy nhiên các bác sĩ cảnh cáo rằng đó là báo hiệu một tình hình sức khoẻ rất nguy hiểm. Người đó giống như một con ngựa đã quá mệt mỏi, lẽ ra phải được nghỉ ngơi, nhưng vì bị roi quất nên cố gắng chạy tiếp. Rất có thể khi chạy đến nơi thì con ngựa sẽ ngã ra chế!
Lm Carôlô.
 (Tham khảo : Nguyễn khắc Khoái,
"Liệu pháp trị bệnh bằng Trà và Rượu",
Nxb Trẻ, Tp HCM, 1999)
 
 
 

Vai Trò Cha Mẹ Trong Việc Giáo Dục Con Cái

Thời Đại Công Nghệ và Internet

Thiên Vy – 2014
 
Là những bậc làm cha mẹ trong thế giới hôm nay, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức mà các thế hệ đi trước không phải trải qua. Một trong những thách thức cam go ấy chính là đối phó với vấn đề “công nghệ đã xâm nhập thế giới.” Con cái chúng ta được trao cho rất nhiều cơ hội, trong đó có việc kết nối với thế giới ảo. Chúng ta cần phải thận trọng trong việc theo dõi các cháu, đặc biệt là cách sử dụng các loại máy tính và điện thoại di động.
 
Không thể phủ nhận rằng trong thời đại internet hôm nay, việc tiếp cận với công nghệ cao tạo ra sự chênh lệch hiểu biết về công nghệ và internet giữa cha mẹ và con cái. Vì thế, nhiều bậc cha mẹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giáo dục con cái về lãnh vực này; nhưng không phải vì những khó khăn khách quan ấy, mà chúng ta lại bỏ qua vai trò chính của cha mẹ trong việc giáo dục con cái thời @.
 
I. Thời đại công nghệ, tin học và internet.
 
1. Công nghệ là gì?
Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm. Như vậy công nghệ là việc phát triển và ứng dụng của các dụng cụ, máy móc, nguyên liệu và quy trình để giúp đỡ giải quyết những vấn đề của con người (Tài liệu về Công nghệ của Chính phủ 2014).
Ví dụ: Quy trình sản xuất bánh pía trước đây tại Sóc Trăng đều dùng các phương tiên thủ công. Hiện nay, quy trình này đã được tự động hoá khá nhiều. Từ khâu nhập nguyên liệu cho đến việc cho ra các sản phẩm bánh pía đều có máy móc làm thay. Nhiệm vụ của các công nhân là học cách điều khiển các loại máy này, sao cho chính xác và hiệu quả.
 
2. Tin học và Internet là gì?
Tin học là ngành nghiên cứu về việc tự động hóa xử lý thông tin bởi một hệ thống máy tính cụ thể hoặc trừu tượng. Với cách hiểu hiện nay, tin học bao hàm tất cả các nghiên cứu và kỹ thuật có liên quan đến việc xử lý thông tin. Trong nghĩa thông dụng, tin học còn có thể bao hàm cả những gì liên quan đến các thiết bị máy tính, hay các ứng dụng tin học văn phòng (Wiki 2011).
 
Ví dụ: Một cái máy laptop đơn thuần chỉ là những linh kiện vô tri vô giác (phần cứng - hardware), nhưng nó hoạt động được là nhờ phần mềm (software). Các chuyên gia tin học đã viết ra những phần mềm điều khiển chiếc máy này, biến nó thành công cụ xử lý thông tin, phục vụ các nhu cầu của con người.
 
Internet là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy cập công cộng, gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Hệ thống này truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu (packet switching) dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa (giao thức IP). Hệ thống này bao gồm hàng ngàn mạng máy tính nhỏ hơn của các doanh nghiệp, của các viện nghiên cứu và các trường đại học, các chính phủ trên toàn thế giới và cá nhân người dùng (FPT 2010).
 
Ví dụ: Mạng Internet mang lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, một trong các tiện ích phổ thông của Internet là hệ thống thư điện tử (email), trò chuyện trực tuyến (chat), máy truy tìm dữ liệu (search engine), các dịch vụ thương mại và chuyển ngân, và các dịch vụ về y tế giáo dục, như chữa bệnh từ xa hoặc tổ chức các lớp học ảo (FPT 2010).
 
Qua internet, máy tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh (smart phone) cung cấp một khối lượng kiến thức vô cùng đa dạng, trong mọi lãnh vực của cuộc sống (cả thiên thần lẫn quỷ dữ).
 
Qua các loại sản phẩm công nghệ tân tiến như laptop, iPad, iPhone… các học sinh có thể học tiếng Anh qua Youtube, trao đổi thông tin qua Facebook, Twitter…
 
II. Sự cách biệt hiểu biết về công nghệ và Internet giữa cha mẹ và con cái
 
Một người bạn của tôi rất ưu tư về chuyện con cái sử dụng các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, Google+, YouTube, Yahoo, Skype...), nên chị đã tìm hiểu Facebook và lập một tài khoản (account) dưới một bí danh (nickname) để kết bạn với con của mình. Mục đích của chị là muốn tìm hiểu con mình đang làm gì trên trang Facebook.
 
Một trường hợp khác, xảy ra ở Mỹ, liên quan đến việc thiếu hiểu biết khi sử dụng trang mạng xã hội Facebook đã gây ra tai họa cho gia đình: Một em học sinh thông tin công khai với các bạn của mình rằng: gia đình sẽ đi nghỉ mát ngày nào, ở đâu và bao giờ mới về. Lợi dụng những thông tin này, kẻ trộm đã đem xe tải đến, cạy cửa và dọn sạch sẽ đồ đạc trong nhà.
 
Chúng ta được sinh ra và làm cha mẹ trong một thời đại mà công nghệ, tin học và internet đã và đang làm thay đổi hoàn toàn thế giới. Con cái chúng ta đang tiến vào một lãnh vực mà chúng ta hầu như không biết gì về nó cả, và chúng ta gần như không có khả năng tiếp cận, hoặc quá bậm bịu với công việc kiếm sống, nên không còn thời gian tìm hiểu, và cứ để mặc con cái muốn làm gì thì làm.
 
Có nhiều bậc cha mẹ sắm máy laptop, iPad, iPhone hay smart phone cho con cái, nhưng lại không biết chúng ứng dụng những máy móc này vào việc gì. Dùng vi tính để học hay để chát (thậm chí chát sex), chơi game hoặc vào xem những trang vô bổ, thậm chí độc hại? Mua máy tính bảng iPad hay Galaxy cho con để học hay để đua đòi với bạn bè, chơi game, chát video, chát tiếng...? Có người vì thương con, khi chúng đòi điện thoại di động, liền sắm ngay cho con mình một cái riêng, mà không biết: chúng dùng để liên lạc khi cần thiết, hay để nhắn tin (texting) thâu đêm với bạn trai hoặc bạn gái? Có những em còn dùng ngôn ngữ @ (một loại ngôn ngữ do giới trẻ tạo ra) để che mắt cha mẹ và người thân. Vì thế, cho dù có theo dõi, nhưng cha mẹ gần như đọc mà chẳng hiểu gì hết!
 
Việc sử dụng internet quá nhiều sẽ gây nên tình trạng nghiện, cũng chẳng khác nào nghiện thuốc lá, rượu, thậm chí thuốc phiện. Khi tiếp xúc với thế giới ảo quá nhiều, các em tự nhiên trở nên những người xa lạ với thế giới mình đang sống. Sống giữa mọi người, nhưng tâm hồn các em lại để ở một thế giới hoàn toàn khác; không còn quan tâm đến gia đình và cộng đồng, thậm chí, không thiết tha cả đến việc ăn uống. Nhiều em thay đổi tính tình một cách kỳ lạ, trở nên lầm lì, ít nói, cuộc sống co cụm lại; một số khác lại mắc căn bệnh trầm cảm, và xa lánh những người xung quanh.
 
Bên cạnh đó, một số trang mạng xã hội, chẳng hạn Facebook đã tạo nên tình trạng chán học nơi học sinh và sinh viên. Các em dành quá nhiều thời gian để lang thang và gặp gỡ những người quen biết trên trang mạng xã hội. Hậu quả là việc học giảm sút, thậm chí phải thi lại cũng vì Facebook. Khả năng tập trung của bộ não con người có giới hạn. Nếu các em dành quá nhiều thời gian và sức lực để trò chuyện, tìm hiểu hết vấn đề này đến thông tin kia qua Facebook, thì bộ não không còn sức lực để tập trung cho bài vở và những khó khăn của công việc đèn sách nữa.
 
III. Giải pháp nào cho việc giáo dục con cái thời công nghệ, tin học và Internet.
 
Nếu chỉ dừng lại ở đây thôi, có lẽ chẳng ai trong chúng ta dám sắm cho con mình những máy vi tính, máy tính bảng hay điện thoại di động. Vả lại, theo đà tiến của xã hội hôm nay, chúng ta không thể cấm đoán con cái sử dụng máy vi tính, các máy móc điện tử và internet, vì đó là cánh cổng mở rộng đưa chúng vào thế giới khoa học, định hình kiến thức và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế, xin đề nghị các bậc cha mẹ nên làm những việc sau đây:
 
1. Sống đạo và dạy con sống đạo.
Tôi vẫn nhớ lời cha cố Antôn Nguyễn Hữu Văn nói với tôi, khi tôi có dịp gặp gỡ ngài sau ngày chịu chức: "Cha mới à, một người mẹ đạo đức sẽ nuôi dạy một thế hệ con thật tốt lành". Việc sống đạo và dạy con cái sống đạo là yếu tố cần và đủ cho một gia đình Công Giáo hạnh phúc.
 
Trước hết, cha mẹ nên kiểm soát chặt chẽ việc đi lễ, các sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể và việc học giáo lý của các cháu tại nhà thờ. Nếu như công nghệ và internet chiếm hết thời gian rảnh của các cháu thì các sinh hoạt tại nhà thờ sẽ đem lại cho chúng niềm vui và trách nhiệm khác. Các cháu sẽ tận dụng những thời gian này để cân bằng lại việc học hành ở trường, cũng như xây dựng tương quan và trách nhiệm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc học giáo lý là những chỉ dẫn cần thiết cho đời sống của người Kitô hữu, sẽ giúp các cháu có được tương quan mật thiết hơn với Chúa và với tha nhân, bớt đi những đam mê xấu và tránh được những cám dỗ.
 
Tiếp đến, cầu nguyện và dâng con cái cho Chúa mỗi ngày sẽ là động lực giúp cho các bậc cha mẹ siêng năng hơn trong việc tham dự các bí tích, cũng như các sinh hoạt đoàn thể của giáo xứ. Cha mẹ có nhiều cơ hội hơn để cùng với những anh chị em khác cầu nguyện cho gia đình của nhau, cũng như chia sẻ và học hỏi những khó khăn và thuận lợi của nhau, trong việc giáo dục con cái trong thời đại công nghệ. Khi cha mẹ là những người siêng năng cầu nguyện, chắc chắn sẽ nhắc nhở con cái mình trong việc lãnh nhận các bí tích, tham gia sinh hoạt đoàn thể hay học giáo lý.
 
Mỗi ngày, gia đình hãy ngồi lại đọc kinh chung với nhau. Mỗi gia đình hãy có một lịch đọc kinh chung cụ thể để các cháu biết và sắp xếp. Cho dù đang lên mạng, chát với bạn bè hay nhắn tin, các cháu sẽ tự động ngưng lại và dành thời gian cho việc cầu nguyện chung của gia đình.
 
2. Xây dựng tương quan cha mẹ với các con và là bạn đồng hành của chúng.
Cách giáo dục "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" dường như không còn thích hợp với con cái chúng ta trong thời đại @ này. Các cháu thường ưa sự nhỏ nhẹ, nói ngọt; nhưng đừng chiều con quá đáng, ngược lại phải cương quyết.
 
Hãy trở thành bạn của con cái mình, để đồng hành, giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn của các cháu và hiểu chúng hơn. Đừng chê hay than phiền các cháu không giống thế hệ của mình, hay dùng những so sánh giữa hai thế hệ làm cho các cháu tự ái và xa cách mình. Một khi trở thành bạn của con cái, chúng ta có nhiều cơ hội hơn để hiểu biết tâm tư tình cảm, cũng như tương quan xã hội của chúng. Biết được sở thích, năng khiếu, việc học tập, bạn bè… của con cái là một cố gắng đáng kể của các bậc cha mẹ, và trở thành bạn của chúng là một thành công tuyệt vời của chúng ta.
 
Nếu chúng ta là những cha mẹ trẻ, hãy học cách sử dụng internet và các trang mạng xã hội. Chúng ta không tốn nhiều thời gian để có được một tài khoản trên Facebook và học cách sử dụng nó. Sau đó, kết bạn với chính con cái của mình, để đồng hành và chia sẻ với chúng trong không gian ảo.
 
3. Bảy giải đáp cho những khúc mắc của các bậc phụ huynh.
Dưới đây là một số trả lời cho những khúc mắc của các bậc cha mẹ, và những gì cha mẹ có thể làm, để bảo đảm rằng con cái của mình được an toàn khi sử dụng công nghệ số (Tác giả Farley Hugh Robert, M.S.).
 
3.1. Hỏi: Cách tốt nhất để bảo vệ các cháu khỏi bị lạm dụng tình dục liên quan đến công nghệ là gì?
Thưa: công nghệ điện tử thay đổi hàng ngày, cha mẹ hoặc người có trách nhiệm cần:
Thứ nhất: giám sát việc sử dụng internet ở nhà và điện thoại di động của các cháu cách chặt chẽ.
Thứ hai: Quy định một thời lượng lên mạng thích hợp cho các cháu mỗi ngày, và thực hành cách nghiêm chỉnh.
Thứ ba: đặt máy vi tính ở nơi sinh hoạt chung trong nhà, chẳng hạn như phòng khách hay nhà bếp, chớ bao giờ đặt trong phòng ngủ của các cháu. Cách làm này không phải là xâm phạm quyền riêng tư của các cháu, mà là một giới hạn an toàn, và là một phần trách nhiệm của những bậc làm cha mẹ hay của những người có trách nhiệm với các cháu.
Thứ tư: không cho các cháu lên mạng ngay khi vừa đi học về. Khuyên các cháu dành thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cùng gia đình. Khi chúng lên mạng ngay, có thể chúng đang hẹn hò gì đó…trong khi những vị có trách nhiệm chẳng biết gì. 
 
3.2. Hỏi: Sống trong một gia đình thời đại công nghệ số, chúng ta phải làm gì để bảo vệ các cháu?
Thưa: Khi các cháu bắt đầu sử dụng Internet cách độc lập, đó là lúc phải đưa ra các quy định cho việc sử dụng internet trong gia đình (family Internet rules), để mọi người trong gia đình thống nhất với nhau.
 
Quy định này cũng phải bao gồm những websites các cháu có thể sử dụng, hoặc các trang mạng xã hội nào chúng được phép truy cập, và sử dụng chúng thế nào.
Khi cần thiết, chúng ta có thể kiểm tra history, để xem các cháu đã xem hay đọc những gì, nếu cần, kiểm tra nội dung của những websites đó.
 
Điều quan trọng là giáo dục các cháu về sự cần thiết của các trang mạng xã hội hôm nay, những lợi ích và tác hại nếu lạm dụng quá đáng. Sự hiểu biết không những bảo vệ các cháu chống lại những kẻ xâm hại trẻ em, mà còn chỉ ra những nguy hiểm của mạng xã hội, như việc sử dụng mạng để bắt nạt lẫn nhau, tranh luận ồn ào, chỉ trích làm mất thanh danh người khác…
 
3.3. Hỏi: Tôi có nên cho phép các cháu tham gia vào một trang mạng xã hội nào đó không?
Thưa: Trước khi đưa ra quyết định, bạn phải học biết về các trang mạng xã hội. Một khi bạn đã xác định được các trang mạng xã hội nào mà con bạn thường dùng rồi, thì phải lượng định xem các trang mạng đó có chính sách bảo mật, luật vận hành, và các quy định khác không. 
 
Tiếp đó, bạn cũng nên tìm hiểu xem nhà quản lý có theo dõi nội dung người sử dụng đăng trên đó hay không. Độ tuổi cho phép đăng ký các trang mạng xã hội thường là từ 13 tuổi trở lên, nhưng vẫn có rất nhiều cháu ở dưới độ tuổi này tham gia bằng cách rất đơn giản là khai gian số tuổi. Nếu các con của bạn ở độ tuổi nhỏ hơn số tuổi cho phép sử dụng các trang mạng này, thì đừng cho các cháu sử dụng.
Khi bạn đã cho phép các cháu tham gia và tạo một “profile – (trang cá nhân)” rồi, nên kiểm tra định kỳ nội dung “profiles” của các cháu và “profiles” của các bạn chúng. Chúng ta không chỉ hiểu cách làm việc của các trạng mạng đó thôi, mà nên tích cực tham gia giám sát các cháu trong việc sử dụng các trang mạng xã hội nữa.
 
3.4. Hỏi: Tôi có nên cho phép các cháu đăng những thông tin cá nhân trên một trang mạng xã hội không?
 
Thưa: Tốt nhất vẫn là hạn chế đăng những thông tin cá nhân. Khi con bạn muốn tạo một “profile,” hãy cho cháu biết là không nên cho đầy đủ họ tên vào đó, chỉ sử dụng tên gọi hoặc biệt danh mà thôi; cũng đừng bao giờ lấy một biệt danh nào đó, mà chính nó tạo nên sự hấp dẫn đối với những kẻ xâm hại qua mạng.
 
Ngoài ra, đừng cho các cháu đăng đầy đủ họ và tên bạn bè chúng trên “profiles” của chúng nó. Cũng cấm chỉ đăng tải “thông tin nhạy cảm” trên “profiles” của các cháu, chẳng hạn địa chỉ nhà, số điện thoại di động, ngày tháng năm sinh.
 
3.5. Hỏi: Tôi có nên cho phép các cháu đăng hình trên mạng không?
Thưa: Khi một bức ảnh đã được đăng trên Internet, sẽ ở đó vĩnh viễn. Người đăng chẳng bao giờ biết những ai xem nó hoặc sao chép nó và gửi nó cho những ai.
Nếu muốn đăng một tấm hình, cách tốt nhất là thận trọng với nội dung của tấm hình đó. Hiệu quả nhất là giải thích cho các cháu biết rằng: tự những tấm hình đó đã tiết lộ những thông tin cá nhân.
 
Hãy khuyến cáo các cháu không nên đăng những bức hình của chúng cũng như bạn bè mà trong đó có những thông tin nhạy cảm như tên đường, giấy phép sử dụng xe, địa chỉ nhà, tên trường học và tên các cháu trên phù hiệu.
 
3.6. Hỏi: Một kẻ xâm hại trẻ em trực tuyến sử dụng trang mạng xã hội thế nào để tấn công vào những điểm yếu nơi các cháu?
Thưa: Là một người có trách nhiệm, bạn có thể đã từng khuyến cáo các cháu không nên giao tiếp với những người lạ qua mạng. Tuy nhiên, các cháu sử dụng các trang mạng này để viết những bài báo và nhật ký mà thường thể hiện nhiều xúc cảm mạnh mẽ. Hãy giải thích cho các cháu biết rằng, những gì các cháu viết, ai cũng có thể đọc được, ngay cả khi đã được khai báo ở chế độ cá nhân (trường hợp này có thể bị lộ mật khẩu), và những kẻ nguy hiểm kia luôn rình rập tấn công vào những nhược điểm của các cháu. Một khi cháu nào đó bị kẻ xấu theo dõi rồi, thì trước hết nó kết bạn với cháu, rồi trở nên bạn tâm giao của một nạn nhân tương lai.
 
3.7. Hỏi: Các con tôi có nhiều bạn bè trực tuyến để nói chuyện, có gì nguy hiểm không?
Các cháu cần được khuyến khích sử dụng công nghệ truyền thông số, nhưng chỉ với bạn bè hoặc những người mà các cháu thực sự đã tiếp xúc (gặp con người thật) – chứ không phải thế giới ảo. Các cháu đang gặp nguy hiểm thực sự khi chúng gặp gỡ “bạn bè Internet”, những người quả thật là xa lạ mà chúng liên lạc qua mạng. Là người được trao phó trách nhiệm, bạn phải cương quyết không bao giờ cho phép các cháu gặp bất kỳ ai cách thể lý, mà thực tế họ chỉ là người gặp gỡ cháu qua mạng internet.
 
Tài liệu tham khảo
-         Farley, Robert Hugh. Protecting Children, Young People and Yourself from Technology Dangers. 5 22, 2013. http://www.virtus.org (truy cập 10 01 2014).
-         Tài liệu của Chính phủ. Luật Khoa học và Công nghệ. 10 01 2014. http://www.haiphong.gov.vn (truy cập 01 10, 2014).
-         Wiki. Tin học. 22 11 2011. http://www.vi.wikipedia.org (truy cập 11 01 2014).
 
 
 
  
 
 

NHỮNG YẾU TỐ ĐỂ XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Lm. Antôn Nguyễn Phi Hùng.   
 
Một đôi nam nữ Công giáo sau khi cử hành lễ Hôn phối tại Nhà thờ dưới sự chứng giám của Cha Sở đại diện Giáo hội, có hai nhân chứng, cùng với sự tham dự của đông đảo bà con hai họ và giáo dân, họ chính thức trở thành một gia đình công giáo mới. Trong buổi tiệc thành hôn, Cô dâu Chú Rể nhận được nhiều quà, với những lời chức mừng, nhất là "Chúc hai bạn trăm năm hạnh phúc". Hạnh phúc là điều mà mọi gia đình đều tìm kiếm và mong ước sở hữu được nó. Nhất là gia đình trẻ này.
 
Vậy hai bạn tìm nó ở đâu? Khi nào? Cái gì làm nên hạnh phúc? và làm sao để hai bạn có thể giữ được hạnh phúc mãi trong gia đình? Chìa khoá để mở cửa hạnh phúc được tiềm ẩn trong nghi thức Hôn Phối mà hai bạn vừa thề hứa với nhau. 
Trong Nghi thức hôn phối, tôi thấy nổi bật những điểm sau đây: (1) Chúa Kitô rộng rãi chúc phúc tình yêu này; (2) sự tự do; (3) Chung thủy; (4) Yêu thương và tôn trọng nhau; (5) Sinh sản và giáo dục con cái.
 
(1) "Chúa Kitô rộng rãi chúc phúc cho tình yêu này".
Như vậy tình yêu của hai bạn đã được Chúa chúc phúc, Chúa kết hợp hai bạn, vì vậy không ai có thể phân ly hai bạn được. Hai bạn có Chúa soi sáng, dẫn đường qua Lời của Ngài, Giáo lý và các Bí tích. Thêm vào đó, hai bạn được Giáo hội là Hiền thê của Chúa Kitô, là hiện thân của Chúa Kitô, đồng hành với hai bạn, qua mọi thành phần Dân Chúa. Vì thế, hai bạn hãy mạnh dạn tiến bước xây dựng hạnh phúc gia đình trong ân sủng của Chúa Kitô, bằng cầu nguyện, kinh nguyện sáng tối, lắng nghe và tìm biết ý Chúa, bàn hỏi với các vị đại diện của Chúa, siêng năng đến với các Bí tích. Đó chính là những nền tảng vững chắc, để xây dựng hạnh phúc lâu dài cho gia đình hai bạn.
 
(2) "Sự tự do".
Chính trong sự  tự do, hai bạn đã quyết định chọn nhau cho suốt đời sống gia đình của hai bạn; chớ không bị ép buộc để kết hôn với nhau. Và chính trong sự tự do, hai bạn đã, đang và sẽ chấp nhận cả con người của nhau, từ gia phả (nguồn gốc gia đình, bản xứ, kiều cư, hay di cư), gia cảnh (ở chung với ông bà, chú bác, cô dì, và cha mẹ hay chỉ cha mẹ, hoặc "gà trống nuôi con"...), gia sản (giàu, khá hay nghèo...), gia thế (sang hay hèn, ảnh hưởng, tiếng tăm của gia đình...), gia phong (nền giáo dục, nề nếp hay bất ổn, bầu khí gia đình...), đến gia đạo (tôn giáo, lòng đạo, sống đạo...), những yếu tố này làm thành con người của hai bạn, với những điều tốt lẫn những điều cần bổ túc cho nhau. Thêm nữa, trong chính sự Tự Do này mà hai bạn sẽ sẵn sàng đón nhận những bổn phận, những công việc liên quan đến đời sống gia đình.
 
(3) " Chung Thủy với nhau".
Chung thuỷ là trung thành, trung thực, trung tín, thật tâm yêu người bạn đời mình cho đến chết trong tình yêu nhất phu nhất phụ. Sự chung thuỷ là mối dây kết chặt chồng vợ với nhau, xây dựng lòng tin tưởng nhau, là động lực giúp hai người luôn cảnh tỉnh với ngũ quan (mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, và tay sờ) của mình khi sống và giao tiếp với người khác. Lòng Chung thủy luôn cần được thể hiện khi hai bạn "thịnh vượng cũng như lúc gian nan", khi một trong hai "bệnh hoạn cũng như lúc cả hai đều mạnh khỏe". Vì đây là những thời điểm sẽ xảy đến trong cuộc sống gia đình của hai bạn. Khi hiểu biết giá trị của sự Chung Thuỷ như thế, hai bạn sẽ có thái độ ứng xử xứng hợp trong giao tiếp; nghĩa là vừa hài hoà nhưng cũng kiên nghị giữ vững quyết tâm để từ chối những gì làm tổn thương đến việc bảo vệ và nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình của hai bạn. Tuy nhiên, với khả năng của bản thân, thật khó mà Chung Thuỷ với nhau suốt đời; khi vấp ngã, hai bạn hãy mau mắn chạy đến với Chúa, qua các Bí tích và với ân sủng của Chúa, hai bạn lại tiếp tục hành trình của mình. Những lần được hoán cải sẽ là dịp để ta biết mình hơn, khiêm tốn hơn, tha thứ và chấp nhận nhau hơn, yêu nhau hơn và cậy dựa vào Chúa hơn.
 
(4) "Yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày trong suốt đời".
Yêu là cốt lõi của gia đình. Điểm thứ (4) là điểm nối kết (1, 2, 3, và 5 sẽ đề cập sau). Bởi vì, có yêu, hai bạn mới cùng nhau cầu nguyện (1), tự do chọn cả con người của nhau và lãnh lấy trách nhiệm của hôn nhân (2), Chung thuỷ và Tôn trọng nhau suốt đời (3). Thêm nữa, Có yêu, hai bạn mới tin nhau, chia sẻ công việc cũng như những vui buồn riêng tư cho nhau, mới quan tâm chăm sóc cho nhau trong lúc bệnh tật, lúc thất bại hay khi cô đơn , mới hy sinh gánh vác gia đình của nhau, mới kiên trì chịu đựng, thông cảm, và tha thứ cho những khiếm quyết của nhau, mới có những ước mơ và cùng nhau chung sức xây đắp những hoài bảo đó. Nổi bậc hơn cả là có yêu thì mới "Tôn Trọng nhau mọi ngày và suốt đời". Thật vậy, khi Tôn Trọng nhau như thế, hai bạn sẽ luôn giữ được cái thuở ban đầu của tình yêu thời đính hôn; đó là cái nhẹ nhàng tế nhị, chiều chuộng, đều độ và phóng khoáng của chàng để người yêu được vui; đó là cái vui vẻ, đoan trang, thuỳ mị, đạo đức, ít nói, tươm tất, và siêng năng của nàng để người yêu được hạnh phúc. Đó là hai bạn luôn nói tốt cho nhau, bênh vực nhau và cùng nhau nhận lỗi trước mặt ba mẹ hai bên; cùng nhau làm việc, cùng nhau đi chơi nhiều giờ, lúc nào cũng nghĩ về nhau "không gặp một ngày mà tưởng chừng như đã xa nhau hằng năm trời", đi ra đường nhìn người khác mà tưởng là người yêu của mình; Đó là lúc hai bạn luôn giữ thể diện cho nhau trước mặt bạn bè, cha mẹ hai bên, bà con họ hàng và láng giềng. Những khi trễ hẹn, phật ý của người này, người kia coi như không có; lúc đó hai bạn dễ nhận lỗi và dễ dàng xin lỗi nhau một cách vô tư. Vậy, bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình lâu bền tiếp tục được tìm thấy ở đây, chính là "Yêu và sự Tôn Trọng nhau mọi ngày và suốt đời".
 
(5) " Sinh sản và Giáo dục con cái".
Điểm thứ (5) này là thành quả của bao nhiêu cố gắng từ điểm (1, 2, 3, và 4) và cũng là một mục đích của Hôn nhân Kitô giáo. Sinh sản và giáo dục những đứa con là bổn phận và trách nhiệm trước hết của hai bạn. Đứa con là kết quả sự kết hợp những gì là tinh tuý và hạnh phúc nhất của hai bạn, là quà tặng của Chúa Kitô, là gia sản của dòng họ, là gia tài và là tương lai của hai bạn, của Giáo hội, và của đất nước. Từ đây, những đứa con sẽ là trung tâm của gia đình hai bạn; con sẽ là sợi dây vô hình nối kết hai bạn trong moi hoàn cảnh. Vì thế, cũng từ lúc này, tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc, tôn trọng của hai bạn bắt đầu được chia sẻ cho đứa con yêu của mình. Bao nhiêu điều tốt lành, khả năng, kinh nghiệm, và tâm quyết của hai bạn sẽ dành để giáo dục con. Tất cả vì các con. Niềm vui ấy sẽ được nhân lên mãi khi hai bạn nhìn thấy sự lớn lên không ngừng của con mình. Bao nhiêu mệt nhọc, khổ cực, chịu đựng vất vả của hai bạn điều dành cho những đứa con. Vậy hai bạn hãy tạ ơn Chúa và giữ mãi những hình ảnh đẹp trong ký ức; Đó là lúc đứa con mình chào đời. Người cha sẽ thốt lên rằng: "Tôi có con rồi! Tôi làm cha rồi", họ hàng hai bên sẽ nói "Ôi sao mà con giống bố mẹ thế"; lúc con biết gọi tiếng "Ba", "Má" "Chúa ơi! con tôi gọi tôi"; lúc con mới bắt đầu biết đi; ngày đầu tiên hai bạn đưa rước con đến trường; lúc con Rước Lễ Lần Đầu, Thêm Sức; lúc con gái mình tuyên khấn lần đầu; lúc con trai mình chịu chức Linh mục; cũng như lúc hai bạn dự lễ Hôn Phối của các con, và lúc hai bạn chứng kiến cháu của hai bạn chào đời. Tất cả những điều đó không phải là hạnh phúc gia đình mà suốt một đời hai bạn đã mơ ước và cố công vun trồng hay sao? Vậy giờ đây, xin mời hai bạn mạnh dạn bắt đầu hành trình gia đình trong niềm tin, tự do, yêu thương, tôn trọng và để giáo dục các con. 
 

MỘT SỐ ĐIỀU GIA ĐÌNH CẦN QUAN TÂM VỀ GIỚI TRẺ

Lm. Mt. Hoàng Đình Ninh (10-15)
 
 
TỔNG QUÁT VỀ GIỚI TRẺ
 
I. ĐÔI LỜI NHẬP ĐỀ VỀ ĐỀ TÀI GIỚI TRẺ.
- Quyết định thực hành năm 2014 của GP. Cần Thơ là: “Tân-Phúc-Âm hoá gia đình”.
- Trong gia đình có nhiều thành phần, già trẻ lớn bé.
- Phạm vi mà bài này chủ yếu đề cập tới giới trẻ, là thành phần dễ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong gia đình. Đây là những người con đang tuổi lớn như thổi, mà bình dân quen gọi là “tuổi teen”, tuổi nhầng nhầng. Đây có thể là tuổi “Gái 17 bẻ gẫy sừng trâu”, cũng có thể là chàng trai mới lớn, “giở ông, giở thằng”, chưa ra người lớn, mà cũng không hẳn còn là con nít. Vậy có thể tạm xác định chữ “tuổi trẻ” bao gồm những đứa con trong gia đình từ độ tuổi mới dậy thì, cho đến khi lập gia đình, dù lập gia đình sớm, hoặc trễ ở tuổi “tam thập nhi lập”.
- Nói chung, giới trẻ có nhiều hoàn cảnh cá biệt khác nhau. Có những em thuộc gia đình nông thôn, có em ở thành thị. Có em sớm lăn lộn từng trải cuộc đời, sớm biết gánh vác trách nhiệm để tiếp đỡ cha mẹ, nhưng cũng có em vẫn được bảo bọc che chở chưa có dịp thử lửa với cuộc sống. Có những em vẫn êm đềm ở bên cha mẹ, nhưng cũng có những em vì hoàn cảnh nào đó sớm phải xa mái ấm gia đình, đang tạm trú tại nhà trọ nào đó ở tỉnh xa.
- Dù ở hoàn cảnh nào, các em vẫn luôn là mối bận tâm của gia đình.
- Với trách nhiệm của mình, gia đình Công giáo sẽ phải làm gì cho các em?
- Gia đình phải chuẩn bị gì cho tương lai của các em?
- Phải đề phòng cho chúng những gì, và vạch hướng gì cho tương lai?
- Gia đình dựa vào những giáo huấn và tiêu chuẩn nào để lo cho con cái?
- Làm sao để cuộc đời các em được hạnh phúc, để tương lai của các em được bảo đảm cả về mặt đạo lẫn mặt đời?
- Việc dạy dỗ các em về giáo lý, về lịch sự lễ phép... sẽ được bàn ở dịp khác. Ở đây chúng ta sẽ lưu tâm về một số khía cạnh cụ thể. Những khía cạnh này ta nên quan tâm để lo cho tương lai của lứa tuổi đang chuẩn bị bước vào đời.
- Những khía cạnh đó là:
1. Việc học hành của giới trẻ, và chuẩn bị nghề nghiệp cho giới trẻ.
2. Việc hướng dẫn và lựa chọn bạn bè tốt cho giới trẻ.
3. Việc hướng dẫn và chọn lựa cách giải trí lành mạnh cho giới trẻ.
4. Vấn đề tình cảm và chuẩn bị đi đến hôn nhân của giới trẻ.
5. Vấn đề tiền bạc và việc sử dụng các phương tiện vật chất của giới trẻ.
- Những vấn đề này nếu không lo xa, không chuẩn bị trước, rất dễ gây khổ đau cho cả con cái lẫn gia đình, cha mẹ. - Cổ nhân có câu: “Nhân vô viễn lự, tắc hữu cận ưu” (Người không biết nghĩ xa, ắt có buồn gần). 
 
II. NHỮNG ĐẶC TÍNH TỔNG QUÁT CỦA NGƯỜI TRẺ.
(Dựa theo một vài tài liệu của Giáo Hội):
- Muốn bắt tay vào việc giúp đỡ, dạy dỗ cụ thể cho người trẻ, trước hết cần nắm bắt một số đặc tính chung của giới trẻ, rồi từ đó sẽ tuỳ cơ ứng biến, mới mong giúp đỡ các em cách hữu hiệu. Sau đây là mấy tài liệu của Giáo Hội nói về giới trẻ, mà ta có thể tham chiếu:
1.Bản Chỉ-dẫn-căn-bản về đào tạo linh mục: nói về các ứng viên trẻ sẽ gia nhập chủng viện:
- Người trẻ chân thành và thích sự thật.
- Thích cái mới, cái chưa từng có, cái độc đáo (gọi là: hàng độc, hàng khủng...).
- Dễ đua đòi, chạy theo thần tượng (các siêu sao...).
- Có khuynh hướng ngưỡng mộ đối với thế giới, đối với tiến bộ, khoa học kỹ thuật.
- Có khuynh hướng thích liên đới, thích hoà vào cộng đoàn.
- Không dễ vâng phục; nhưng dễ chống đối và phê phán chỉ trích đối với quyền bính, sẵn sàng phản kháng.
- Hay thay đổi, đôi khi không nhất quán.
- Mong và cần được thông cảm, được thấu hiểu.
- Nhậy bén về phẩm giá và tư cách của mình, của sự vật và của con người.
- Dễ sống phóng túng.
- Đôi khi có những ước vọng không tưởng.
2.Tài liệu Đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay, số 7 & 8:
- Người trẻ có khuynh hướng theo Chủ nghĩa duy lý - Duy chủ quan - Chủ nghĩa cá nhân – Chủ nghĩa khoái lạc và trốn tránh trách nhiệm: thích sống thử nghiệm mãnh liệt về cảm xúc và cảm giác, điều này dễ đưa đến thái độ dửng dưng vô cảm với dấn thân cho tình liên đới.
- Bị nhiễm cách sống theo thuyết vô thần thực tiễn và hiện sinh: Do đó sẽ nặng tinh thần tục hoá, chỉ bận tâm về mình, coi mình là trung tâm, là nguyên lý là lý lẽ cho mọi sự. 
- Sống trong xã hội tiêu thụ: dễ có khuynh hướng sống thoải mái.
- Họ quan tâm tới “Cái mình có, hơn là Cái mình là”.
- Họ quan tâm tới vấn đề tính dục.
- Họ quan tâm tới vấn đề về tự do.
- Họ quan tâm tới vấn đề cộng đoàn, đoàn thể.
3. Thư Mục vụ của HĐGM VN 2008, về môi trường giáo dục trong gia đình.
(Một số nét  không trực tiếp nói tới giới trẻ, nhưng có thể có ảnh hưởng, ít là gián tiếp).
- Gia đình VN đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương.
- Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa.
- Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người.
- Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều.
- Những phương tiện thông tin đề cập thường xuyên đến nhiều vụ việc tội phạm, mà cả nạn nhân và hung thủ đều là vị thành niên. Phần lớn những em này đều xuất thân từ những gia đình bất hòa, ly tán, đổ vỡ.
- Cùng với những mâu thuẫn và khủng hoảng gia đình, những con số thống kê cho thấy nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng, ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò. Cùng với những hậu quả tất yếu về thể lý, phá thai đã để lại những vết thương tâm lý thê thảm nơi đương sự và những người liên quan.
 
 III. TUỔI TRẺ: TUỔI Ở NGÃ 3 ĐƯỜNG.
- Tuổi trẻ là tuổi như đang đứng trước ngã 3 đường, muốn giã từ quá khứ tuổi thơ, vươn tới lãnh địa mới là thế giới người lớn, trưởng thành. Xét chung, tuổi trẻ còn thiếu nhiều kinh nghiệm, chưa biết người, biết đời, và chưa biết rõ cả bản thân mình. Tính nết và lập trường sống chưa định hình rõ rệt.
- Nơi người trẻ nhiều khi có những mâu thuẫn ngay trong lập trường sống.
+ Họ bực bội khi có người hướng dẫn, dạy bảo. Nhưng than phiền là bị coi là con nít, chưa được coi trọng. Thế mà có lúc khác lại buồn tủi than vãn là mình bị bỏ rơi không được quan tâm dìu dắt.
+ Họ vừa muốn độc lập, vừa có nhu cầu lệ thuộc, được bảo vệ.
+ Vừa muốn độc đáo, nhưng lại thích bắt chước, đua đòi, chạy theo thần tượng.
+ Muốn sống thụ hưởng, sống tự lập, nhưng lại quen sống dựa vào sự chu cấp tiền bạc của gia đình.
- Tuổi này đang dần định hình nhân cách của mình. Họ đang trên đường khám khá con người của mình, chưa hiểu biết về mình nhiều, đang hướng về tương lai.
(Có thể coi một số bài đọc thêm, có đính kèm, đề tham khảo: bàn về  tổng quát về  giáo dục giới trẻ):
- Nhân bản Kitô giáo dẫn đến trưởng thành (Những vấn nạn về giáo dục giới trẻ thời @ ) .
- Đức Giêsu: Điểm tựa các gia đình.
- Chuyện minh hoạ: Khi con cái không là ưu tiên số một.
- Tông huấn Evangelii Gaudium, số 105, nói về giới trẻ.
 
LƯU Ý của người soạn bài:
- Đối với các đề tài cụ thể để giúp giới trẻ, Giáo hội và xã hội đã nêu lên nhiều nguyên tắc tổng quát và đề ra những mục tiêu để đi tới.
- Nhưng khi đi vào thực tế, cần có những kinh nghiệm mục vụ cụ thể thích ứng với hoàn cảnh người trẻ tại địa phương.
- Với khả năng giới hạn, dưới đây, chỉ dám nói sơ qua vài ý kiến, và tiếp đó là giới thiệu kinh nghiệm cụ thể đây đó để tuỳ nghi tham khảo.
- Mong rằng mỗi người chúng ta, với kinh nghiệm riêng, sẽ chia sẻ, bổ sung cho đề tài này trong suốt năm gia đình ngày càng phong phú thêm, góp phần giúp giới trẻ được thăng tiến.
- Từng đề tài cụ thể dưới đây, có thể không đứng tách biệt. Và mỗi khi phải trình bày một đề tài riêng biệt, chúng ta trở lại phần “Những đặc tính tổng quát của tuổi trẻ” -  “Những tệ nạn tuổi trẻ dễ vướng”.
  
 
 
 

VIỆC HỌC HÀNH CỦA NGƯỜI TRẺ

(Và chuẩn bị nghề nghiệp)

Lời Chúa:
+ “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).
+ “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1).
 
NHỮNG ĐẶC TÍNH TỔNG QUÁT CỦA NGƯỜI TRẺ
(Dựa theo một vài tài liệu của Giáo Hội)
Muốn bắt tay vào việc giúp đỡ, dạy dỗ cụ thể cho người trẻ, trước hết cần nắm bắt một số đặc tính chung của giới trẻ, rồi từ đó sẽ tuỳ cơ ứng biến, mới mong giúp đỡ họ hữu hiệu.
 
Sau đây là mấy tài liệu của Giáo Hội nói về giới trẻ, mà ta có thể tham chiếu:
 
1.Bản Chỉ-dẫn-căn-bản về đào tạo linh mục: về các ứng viên trẻ sẽ nhập chủng viện:
- Người trẻ chân thành và thích sự thật.
- Thích cái mới, cái chưa từng có, cái độc đáo (gọi là: hàng độc, hàng khủng....).
- Dễ đua đòi, chạy theo thần tượng (các siêu sao...).
- Có khuynh hướng ngưỡng mộ đối với thế giới, đối với tiến bộ, khoa học kỹ thuật.
- Có khuynh hướng thích liên đới, thích hoà vào cộng đoàn.
- Không dễ vâng phục; nhưng dễ chống đối và phê phán chỉ trích đối với quyền bính, sẵn sàng phản kháng.
- Hay thay đổi, đôi khi không nhất quán.
- Mong và cần được thông cảm, được thấu hiểu.
- Nhậy bén về phẩm giá và tư cách của mình, của sự vật và của con người.
- Dễ sống phóng túng.
- Đôi khi có những ước vọng không tưởng.
 
2.Tài liệu Đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay, số 7 & 8:
- Người trẻ có khuynh hướng theo chủ nghĩa duy lý - Duy chủ quan - Chủ nghĩa cá nhân – Chủ nghĩa khoái lạc và trốn tránh trách nhiệm: thích sống thử nghiệm mãnh liệt về cảm xúc và cảm giác, điều này dễ đưa đến thái độ dửng dưng vô cảm với dấn thân cho tình liên đới.
- Bị nhiễm cách sống theo thuyết vô thần thực tiễn và hiện sinh: Do đó sẽ
nặng về tinh thần tục hoá, chỉ bận tâm về chính mình, coi mình là trung tâm, là nguyên lý là lý lẽ cho mọi sự. 
- Sống trong xã hội tiêu thụ: Họ dễ có khuynh hướng sống thoải mái.
- Họ quan tâm tới “Cái mình có, hơn là cái mình là”.
- Họ quan tâm tới vấn đề tính dục.
- Họ quan tâm tới vấn đề về tự do.
- Họ quan tâm tới vấn đề cộng đoàn, đoàn thể.
x x
- Lợi ích và tầm quan trọng của việc học hành, trau dồi kiến thức là điều quá hiển nhiên, không cần bàn cãi.
- Học hành hầu như là điều căn bản, giúp người ta sống xứng với nhân phẩm.
- Mọi thứ giao dịch hằng ngày, kể cả giải trí, coi TV, đọc báo, coi quảng cáo... đều đòi người ta phải biết chữ, có trình độ, có kiến thức.
- Để người trẻ mù chữ, hoặc không được đi học thích đáng, có thể là lỗi nghiêm trọng của gia đình và của xã hội nữa. Nhiều quốc gia việc giáo dục phổ thông là bắt buộc, và được coi như là một thứ nhân quyền.
- Nếu gia đình chật vật, nhưngcha mẹ, gia đình cố gắng phấn đấu, có khi phải vay mượn, phải bán tài sản để con cái có điều kiện học hành, đây là một hy sinh lớn lao, một cách biểu lộ tình thương đáng kính phục.
- Nếu gia đình có điều kiện khá giả, mà không cho phép, không khuyến khích, không hỗ trợ cho con em đi học, quả là một thứ tội của gia đình. Tội càng nặng khi vì cái lợi trước mắt, bắt trẻ con nghỉ học sớm để kiếm tiền (bán vé số...).
- Kiến thức, trình dộ, bằng cấp, trong xã hội đang phát triển hiện nay, trở thành chìa khoá căn bản để bước vào cuộc đời một cách xứng đáng.
- Nếu đến tuổi trưởng thành, đi xin việc, mà con cái không có đủ trình độ tối thiểu về văn hoá, bằng cấp, chuyên môn... để được tuyển chọn, thì trách nhiệm của gia đình rất lớn. Khi đó, người trẻ chỉ được xếp vào loại “lao động phổ thông”, (thí dụ: đào đất, phu hồ, chạy bàn...) thì thật là đáng tiếc cho cuộc đời người trẻ.
- Người ta tránh để con khỏi mù chữ, nhưng cũng nên trách cho con khỏi mù về nhiều lãnh vực khác: mù vi tính, mù về nhân cách, mù về ứng xử có văn hoá giáo dục. Tại họ đạo, tránh cho con cái mù về giáo lý, mù về phong cách sống chan hoà trong các đoàn thể...
- Hãy nhớ lời Đức cố Giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang nhắc nhở vào năm 1975, khi một số người ngại cho con đi học trường nhà nước, sợ bị lung lạc đức tin, Ngài nói: “Người công giáo không được quyền dốt”.
 (Có thể coi thể coi bài đọc thêm, có đính kèm, để tham khảo: - Lời Tâm Huyết Gửi Giới Trẻ Tại Quê Nhàm, khuyến khích học Anh Văn, Vi tính )
- Câu hỏi gợi ý thảo luận:
+ GĐ cần quan tâm và chuẩn bị gì cho tương lai con cái về phương diện học hành?
+ Những hậu quả bất lợi nào cho con cái khi bước vào đời nếu chúng không được chuẩn bị đầy đủ về học hành, trình độ, bằng cấp?
+ Những hy sinh nào gia đình thường gặp khi cố giúp con cái theo đuổi việc học, dù gia đình không khá giả? Và những lý do gì thường khiến gia đình không mặn mà khuyến khích và tạo điều kiện cho con cái đi học?  
 
 
 

VIỆC CHỌN BẠN BÈ CỦA GIỚI TRẺ

Lời Chúa:
+ Gương Chúa Giêsu:
“Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).
+ Chung vui với bạn bè:
“Người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó ” (Lc15,6).
NHỮNG ĐẶC TÍNH TỔNG QUÁT CỦA NGƯỜI TRẺ
(Dựa theo một vài tài liệu của Giáo Hội):
Muốn bắt tay vào việc giúp đỡ, dạy dỗ cụ thể cho người trẻ, trước hết cần nắm bắt một số đặc tính chung của giới trẻ, rồi từ đó sẽ tuỳ cơ ứng biến, mới mong giúp đỡ họ hữu hiệu.
Sau đây là mấy tài liệu của Giáo Hội nói về giới trẻ, mà ta có thể tham chiếu:
 
1.Bản Chỉ-dẫn-căn-bản về đào tạo linh mục: về các ứng viên trẻ sẽ gia nhập chủng viện:
- Người trẻ chân thành và thích sự thật.
- Thích cái mới, cái chưa từng có, cái độc đáo (gọi là: hàng độc, hàng khủng....).
- Dễ đua đòi, chạy theo thần tượng (các siêu sao...).
- Có khuynh hướng ngưỡng mộ đối với thế giới, đối với tiến bộ, khoa học kỹ thuật.
- Có khuynh hướng thích liên đới, thích hoà vào cộng đoàn.
- Không dễ vâng phục; nhưng dễ chống đối và phê phán chỉ trích đối với quyền bính, sẵn sàng phản kháng.
- Hay thay đổi, đôi khi không nhất quán.
- Mong và cần được thông cảm, được thấu hiểu.
- Nhậy bén về phẩm giá và tư cách của mình, của sự vật và của con người.
- Dễ sống phóng túng.
- Đôi khi có những ước vọng không tưởng.
 
2.Tài liệu Đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay, số 7 & 8:
- Người trẻ có khuynh hướng theo Chủ nghĩa duy lý - Duy chủ quan - Chủ nghĩa cá nhân – Chủ nghĩa khoái lạc và trốn tránh trách nhiệm: thích sống thử nghiệm mãnh liệt về cảm xúc và cảm giác, điều này dễ đưa đến thái độ dửng dưng vô cảm với dấn thân cho tình liên đới.
- Bị nhiễm cách sống theo thuyết vô thần thực tiễn và hiện sinh: Do đó sẽ
   nặng về tinh thần tục hoá, chỉ bận tâm về chính mình, coi mình là trung
  tâm, là nguyên lý là lý lẽ cho mọi sự. 
- Sống trong xã hội tiêu thụ: Họ dễ có khuynh hướng sống thoải mái.
- Họ quan tâm tới “Cái mình có, hơn là Cái mình là”.
- Họ quan tâm tới vấn đề tính dục.
- Họ quan tâm tới vấn đề về tự do.
- Họ quan tâm tới vấn đề cộng đoàn, đoàn thể.
 
***
 
- Con người là sinh vật có xã hội tính, đặc tính này sẽ đậm nhạt tuỳ mỗi cá nhân.
- Nói chung, người trẻ thích có bạn bè, nhất là bạn cùng trang lứa, để giao lưu trao đổi, để chan hoà tình cảm, để kết thân, để học hỏi, hoặc để kết bè kết đám.
- “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chơi với bạn tốt thì dễ nên người tốt, với bạn xấu thì dễ hư thân.
- Nhiều người có nhận xét rằng hiện nay bạn xấu thì nhiều, bạn tốt thì ít, đây cũng là điều đáng quan tâm.
- Có khi cả đời người không kiếm ra được một bạn thân. Có được một người bạn thân là một điều rất quý giá trong cuộc đời.
- Nếu gia đình biết hướng dẫn thích hợp, giúp tránh bạn xấu, giới thiệu bạn tốt thì thật quý giá.
- Khuynh hướng thích tìm bạn, kể cả “bạn bốn phương” của giới trẻ cần được giúp đỡ. Có những nhóm bạn giúp nhau nên người, biết khuyên bảo nhắc nhở nhau lo học hành, lo sống tốt. Nhưng cũng có những nhóm bạn không được như thế, nhẹ thì rủ nhau đi trêu chọc, phá làng phá xóm kiểu trẻ con, nặng thì trở thành băng đảng, đẩy nhau vào tệ nạn rượu chè, cờ bạc, hút sách, và cả trộm cướp, dâm đãng. Việc xúi bẩy, thách đố nhau trong nhóm bạn bè xấu, nhiều khi đã đẩy đến những tội ác tầy trời.
- Chính vì thế, biết “lựa bạn mà chơi”, hoặc cha mẹ giới thiệu, lọc lựa bạn cho con là điều quan trọng.
- Kết thân làm bạn với cùng phái hoặc khác phái đều có những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Nhưng làm quen và kết thân với bạn khác phái, đối với giới trẻ cần được gia đình đặc biệt quan tâm. Làm sao duy trì được mối quan hệ trong sáng, lành mạnh, đừng quá trớn, kẻo sẽ có những hậu quả khó lường.
- Hiện nay, với trình độ thông tin điện tử phát triển  cao, cơ hội và phương thế tìm bạn và kết bạn khá dễ dàng. Người ta có thể ngồi trong nhà, không cần gặp mặt, không cần ai giới thiệu, mà vẫn có thể tìm được bạn, thậm chí cách nhau cả nửa vòng trái đất. Cũng có những trường hợp chỉ quen nhau trên mạng, mà đi đến hôn nhân tốt đẹp.
- Vì thế sự quan tâm của gia đình cũng trở nên khó khăn hơn, có khi vượt quá tầm hiểu biết của cha mẹ.
(Có thể đọc thêm bài đọc thêm, có đính kèm, để tham khảo: - Về Tìm hiểu tính tình – Tiếng gọi bầy đàn).
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
Gia đình cần: -  đề phòng để giúp con cái tránh chơi với bạn bè xấu – khuyến khích, giới thiệu con chơi với bạn tốt – nếu con đã lỡ chơi với bạn xấu, giúp con xa tránh. Trong kinh nghiệm thực tế, gia đình có thể làm được gì để đạt những mục tiêu trên?
 
 

GIA ĐÌNH VÀ VIỆC GIẢI TRÍ CỦA NGƯỜI TRẺ

Lời Chúa:
“Anh hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ, cố gắng trở nên người công chính, giàu lòng tin và lòng mến, ăn ở thuận hoà cùng những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch” (2Tm 2,22).
Giáo Huấn Giáo Hội:
Ý nghĩa và lợi ích của giải trí: Giải trí đem lại niềm vui khi được giãn xả và giải khuây. Hiến chế Vui Mừng và Hy vọng số 67 cho biết:  Con người ta cân bằng lại thời  gian lao động bằng sự nghỉ ngơi thư  thái vui tươi. Sự giải trí trở thành hành vi tràn trề hy vọng, mong tìm gặp lại một thiên đường phúc lạc xưa kia đã hứa cho những con người trong trắng vô tội. Đây là một sự tiên hưởng niềm vui tối hậu  được hứa ban cho con cái Chúa.
NHỮNG ĐẶC TÍNH TỔNG QUÁT CỦA NGƯỜI TRẺ
(Dựa theo một vài tài liệu của Giáo Hội):
Muốn bắt tay vào việc giúp đỡ, dạy dỗ cụ thể cho người trẻ, trước hết cần nắm bắt một số đặc tính chung của giới trẻ, rồi từ đó sẽ tuỳ cơ ứng biến, mới mong giúp đỡ họ hữu hiệu.
Sau đây là mấy tài liệu của Giáo Hội nói về giới trẻ, mà ta có thể tham chiếu:
 
1.Bản Chỉ-dẫn-căn-bản về đào tạo linh mục: Nói về các ứng viên trẻ sẽ gia nhập chủng viện:
- Người trẻ chân thành và thích sự thật.
- Thích cái mới, cái chưa từng có, cái độc đáo (gọi là: hàng độc, hàng khủng....).
- Dễ đua đòi, chạy theo thần tượng (các siêu sao...).
- Có khuynh hướng ngưỡng mộ đối với thế giới, đối với tiến bộ, khoa học kỹ thuật.
- Có khuynh hướng thích liên đới, thích hoà vào cộng đoàn.
- Không dễ vâng phục; nhưng dễ chống đối và phê phán chỉ trích đối với quyền bính, sẵn sàng phản kháng.
- Hay thay đổi, đôi khi không nhất quán.
- Mong và cần được thông cảm, được thấu hiểu.
- Nhậy bén về phẩm giá và tư cách của mình, của sự vật và của con người.
- Dễ sống phóng túng.
- Đôi khi có những ước vọng không tưởng.
 
2.Tài liệu Đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay, số 7 & 8:
- Người trẻ có khuynh hướng theo Chủ nghĩa duy lý - Duy chủ quan - Chủ nghĩa cá nhân – Chủ nghĩa khoái lạc và trốn tránh trách nhiệm: thích sống thử nghiệm mãnh liệt về cảm xúc và cảm giác, điều này dễ đưa đến thái độ dửng dưng vô cảm với dấn thân cho tình liên đới.
- Bị nhiễm cách sống theo thuyết vô thần thực tiễn và hiện sinh: Do đó sẽ
   nặng về tinh thần tục hoá, chỉ bận tâm về chính mình, coi mình là trung
  tâm, là nguyên lý là lý lẽ cho mọi sự. 
- Sống trong xã hội tiêu thụ: Họ dễ có khuynh hướng sống thoải mái.
- Họ quan tâm tới “Cái mình có, hơn là Cái mình là”.
- Họ quan tâm tới vấn đề tính dục.
- Họ quan tâm tới vấn đề về tự do.
- Họ quan tâm tới vấn đề cộng đoàn, đoàn thể.
***
- Người trẻ thường ham vui.
- Giải trí là nhu cầu quan trọng và chính đáng của người trẻ.
- Có những người trẻ ham vui, ham chơi, khiến lơ là các bổn phận khác. Họ tốn tiền, tốn giờ dành cho việc giải trí quá mức cần thiết.
- Trên thế giới, người ta biến giải trí thành cả một kỹ nghệ khồng lồ, bỏ ra rất nhiều tiền bạc để thu hút con người tham gia giải trí theo chiều hướng của họ. Khi người ta đã thương mại hoá ngành giải trí, người ta sẽ hướng tới mục tiêu chính là lợi nhuận. Do đó người ta sẽ cung ứng những sản phẩm đáp ứng thị hiếu rẻ tiền của khách hàng để thu hút khách hàng. Từ đó phát sinh những sản phẩm khiêu dâm, bạo lực, bóp méo sự thật, thí dụ trường hợp cuốn phim “Cơn Cám dỗ cuối cùng của Chúa”. 
- Có những giải trí lành mạnh, bổ ích, giúp người trẻ phát triển thể xác lẫn tinh thần.
- Giải trí lành mạnh đem lại nhiều lợi ích:
+ Để khuây khoả đầu óc, làm cho đầu óc được thảnh thơi: Giải trí.
+ Để luyện kỹ năng khi chơi.
+ Để quen sống cộng tác, phối hợp với người khác: Đội banh...
+ Đề khẳng định mình, thể hiện mình qua trình độ, tài năng...
+ Để dùng thời giờ vào mục tiêu lành mạnh, bổ ích...
+ Để hoà mình với thiên nhiên, phong cảnh, sông núi, biển cả, chim muông, thú vật...
+ Để có dịp động tay động chân, để những năng lượng dư thừa của sức trẻ có dịp xả bớt cách lành mạnh, thay vì quá dư năng lượng và đi phá làng phá xóm, gây hấn, đánh lộn...
- Nếu gia đình, xã hội, giáo xứ tạo điều kiện và giới thiệu cho người trẻ những sân chơi lành mạnh và bổ ích, sẽ đem lại nhiều điều lợi và tránh được nhiều điều đáng tiếc cho người trẻ.
- Đâu là những sân chơi lành mạnh, những hình thức giải trí đáng khuyến khích: - Thể dục, thể thao – Văn nghệ (Đàn, ca hát, múa...) – Nghệ thuật, văn chương (Viết văn, làm thơ, kịch, phim...) – hành hương, dã ngoại, du lịch – Tham gia các đoàn hội có mục tiêu lành mạnh (Ca đoàn, Giáo Lý viên, Nhóm giúp lễ...) – Săn  sóc thú cưng, chim chóc, hoa kiểng... - Làm việc từ thiện bác ái, hoặc lao động phụ giúp gia đình...
- Một số tổ chức, hội đoàn quen giúp giới trẻ giải trí: -  Dòng Don Bosco – Hội Hướng Đạo – Phong trào thiếu Nhi Thánh Thể...
- Nếu người trẻ được hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện vui chơi giải trí lành mạnh, sẽ ích lợi cho chính người trẻ, gia đình đỡ phải lo lắng, và xã hội tránh được nhiều tệ nạn. Nếu cứ để người trẻ mặc tình giải trí theo ý thích của mình, không được hướng dẫn sẽ có thể trờ thành tai hại cho người trẻ: Phụ huynh cần hướng dẫn người trẻ khi coi TV, coi phim, vào Internet, để họ biết lọc lựa cái tốt, tránh cái xấu.
- Vai trò giáo dục trong giải trí: giúp điều chỉnh để biết phê phán và nhận ra những mặt tiêu cực: thông tin sai sự thật, bạo lực, quen phê phán vô căn cứ, thiếu tôn trọng và bác ái.
 
MỘT SỐ TỆ NẠN GIỚI TRẺ DỄ VƯỚNG PHẢI
1. Nạn nhậu nhẹt, rượu chè.
2. Nạn bài bạc, số đuôi số đề, đá gà, bi da, cá độ...
3. Ham mê chơi “game” trên máy tính, mất giờ “chat” trên điện thoại, trên các mạng xã hội như Facebook để “giao lưu” quá lố, vào các website xấu, khiêu dâm để  thoả mãn tò mò...
4. Nạn bạo hành.
5. Nạn trộm cắp, lừa đảo, cướp giựt.
6. Nạn côn đồ hung hãn.
7. Nạn sống chung không hôn nhân, sống thử, phá thai.    
8. Nạn HIV/AIDS. 
(Có thể đọc bài đọc thêm, có đính kèm, để tham khảo: - Linh đạo về Rảnh rỗi và giải trí – Thời gian rảnh rỗi).
 
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
+ Đâu là những hình thức giải trí lành mạnh thường gặp, dành cho giới trẻ?
+ Đâu là những những hình thức giải trí không lành mạnh người trẻ dễ vướng phải tại địa phương chúng ta? – Làm sao để giúp giới trẻ tránh xa chúng? – Nếu người trẻ đã lỡ vướng phải, cách nào giúp họ thoát ra?
+ Gia đình, họ đạo có thể tạo ra sân chơi lành mạnh nào cho giới trẻ? (Thể thao, văn nghệ, hội đoàn, mời chuyên viên tới giúp, tổ chức đi du lịch dã ngoại, đi giao lưu họ đạo khác, tạo công tác phục vụ bác ái, tại nhà xứ có Wifi để hướng dẫn giới trẻ sử dụng Internet lành mạnh....?
 

GIỚI TRẺ VỚI TIỀN BẠC & PHƯƠNG TIỆN VẬT CHẤT

Lời Chúa:
- “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).
- “Anh em phải coi chừng, phải giữ nình khỏi nọi thứ tham lam, vì không  phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của  cải mà được bảo đảm đâu” (Lc 12,15).
Giáo huấn của Giáo Hội:
Trong tài liệu Pastores Dabo Vobis, số 7 & 8 có ghi nhận về người trẻ:
- Người trẻ có khuynh hướng theo Chủ nghĩa duy lý - Duy chủ quan - Chủ nghĩa cá nhân – Chủ nghĩa khoái lạc và trốn tránh trách nhiệm: thích sống thử nghiệm mãnh liệt về cảm xúc và cảm giác, điều này dễ đưa đến thái độ dửng dưng vô cảm với dấn thân cho tình liên đới.
- Bị nhiễm cách sống theo thuyết vô thần thực tiễn và hiện sinh: Do đó sẽ
   nặng về tinh thần tục hoá, chỉ bận tâm về chính mình, coi mình là trung
  tâm, là nguyên lý là lý lẽ cho mọi sự. 
- Sống trong xã hội tiêu thụ: họ dễ có khuynh hướng sống thoải mái.
- Họ quan tâm tới “Cái mình có, hơn là Cái mình là”.
- Họ quan tâm tới vấn đề tính dục.
- Họ quan tâm tới vấn đề về tự do.
- Họ quan tâm tới vấn đề cộng đoàn, đoàn thể.
 
1.Bản Chỉ-dẫn-căn-bản về đào tạo linh mục: về các ứng viên trẻ sẽ gia nhập chủng viện:
- Người trẻ chân thành và thích sự thật.
- Thích cái mới, cái chưa từng có, cái độc đáo (gọi là: hàng độc, hàng khủng....).
- Dễ đua đòi, chạy theo thần tượng (các siêu sao...).
- Có khuynh hướng ngưỡng mộ đối với thế giới, đối với tiến bộ, khoa học kỹ thuật.
- Có khuynh hướng thích liên đới, thích hoà vào cộng đoàn.
- Không dễ vâng phục; nhưng dễ chống đối và phê phán chỉ trích đối với quyền bính, sẵn sàng phản kháng.
- Hay thay đổi, đôi khi không nhất quán.
- Mong và cần được thông cảm, được thấu hiểu.
- Nhậy bén về phẩm giá và tư cách của mình, của sự vật và của con người.
- Dễ sống phóng túng.
- Đôi khi có những ước vọng không tưởng.
 
***
- Giới trẻ của chúng ta đang sống trong một xã hội nặng về tiêu thụ.
- Hằng ngày họ bị tác động nặng nề của các chiến dịch quảng cáo tinh vi, đến mức họ như đã bị điều kiện hoá, bị người khác giật giây từ xa. Người ta vẽ ra những nhu cầu, những kiểu tiêu thụ mới, và người trẻ dễ bị cuốn hút vào vòng xoáy này.
- Dần dần, người trẻ như bị đồng hoá nhân cách của mình với những tiện nghi mà họ đang sở hữu: Xe tay ga, laptop, di dộng, Ipad, Iphone, quần áo thuộc hàng hiệu...
- Người trẻ dễ bị cuốn hút chạy theo mốt, theo thời trang, thích và kết với “hàng độc, hàng khủng”, hàng hiệu. Và làm như đời họ được khẳng định qua những máy móc, những đồ dùng, những trang phục họ có được. Như vậy, giá trị đời người được đánh giá ở đồ vật, hơn ở là nhân cách.
- Khi một xã hội mà quá nhiều người trẻ chạy theo giá trị bề ngoài, se sua chạy theo mẫu mã như thế, những ai không theo kịp vì không có đủ khả năng (tiền bạc, nhậy bén...) sẽ bị coi thường, bị coi là tụt hậu. Từ đấy dễ đưa đến những mặc cảm tự tư, tự tôn.
- Trong một xã hội đua đòi như thế, nhiều người trẻ yếu thế cảm thấy buồn. Và cha mẹ cũng bị ảnh hưởng lây. Có khi sợ con mình thua sút bạn bè, sợ con tủi, gia đình cũng gồng lên mua sắm cho con, dù kinh tế còn yếu kém.
- Còn chính các em, cứ sống trong bầu khí đua đòi theo kiểu “Con gà hơn nhau tiếng gáy”. Người ta chạy theo giá trị hời hợt khoe mẽ, đua đòi, hào nhoáng nông cạn bề ngoài. Người ta càng ngày càng có thêm như cầu, vì các sản phẩm cứ nâng cấp hoài hoài với các mẫu mã mới, tính năng mới.
- Khi có nhu cầu mua sắm như vậy, dễ xảy ra xung khắc giữa người trẻ và gia đình. Người trẻ thì chưa đến tuổi làm ra tiền, nhưng lại có nhu cầu mua sắm nhiều, tạo nên sức ép nơi gia đình.
- Nếu gia đình có khả năng cung cấp, và cung cấp thoải mái cho con cái, vô điều kiện, có thể dễ đưa con cái sa đà quá lố; nhưng nếu gia đình không sẵn lòng chiều theo, thì dễ đi đến cảnh tiêu cực, như chôm chỉa, trộm cắp trong nhà hoặc ở ngoài, trừ trường hợp người trẻ có bản lãnh, và tự kiếm tiền một cách lành mạnh.
- Trên đây chỉ mới chỉ bàn tới việc sẵm sửa các vật dụng, tiện nghi máy móc. Còn việc sử dụng chúng ra sao, cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
- Muốn mua sắm, cần có tiền. Gia đình có định hướng, có “chánh sách” thế nào đối với vấn đề tiền bạc cho con cái. Điều kiện nào thì được chu cấp? Việc sử dụng tiền bạc  được chu cấp kèm theo những điều kiện và định hướng nào? Người trẻ có biết nghĩ đến hoàn cảnh thực tế của gia đình không? Có biết “liệu cơm gắp mắm”, biết nghĩ đến quyền lợi của người khác trong gia đình không? Có nghĩ đến công khó vất vả của cha mẹ làm ra đồng tiền không? Có lưu tâm đến những người nghèo khổ bất hạnh cần giúp đỡ... hay là chỉ biết nghĩ đến cái tôi, và chỉ biết đòi hỏi ?
- Người trẻ cần được hướng dẫn sử dụng của cải và tiện nghi sẵn có một cách hữu ích cho mình, cho tương lai đời mình... Hoặc ngược lại, mải mê chạy theo tiện nghi, vì các tiện nghi mà mất giờ mất sức, không đầu tư cho tương lai, thí dụ tối ngày bận rộn với “Chat”, vào Facebook để tán gẫu, “giao lưu” tùm lum, gây rối rắm cho mình, cho họ đạo?
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
- Gia đình nên hướng dẫn và quy định cho con cái về vấn đề của cải tiền bạc ra sao, - để chúng biết quý trọng đồng tiền, - quý trọng công khó của cha mẹ, - không hoang phí, - không ích kỷ chỉ nghĩ đến mình – biết sử dụng tiền bạc và các tiện nghi cách hữu ích cho hiện tại và tương lai?
 
 
 

 TÌNH CẢM & TÌNH YÊU & HÔN NHÂN

Lời Chúa:
- “Đức Chúa là Thiên Chúa phán: ‘Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó’ ” (St 2,18).
- “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).
 
Giáo huấn Giáo hội:
+ Những bóng tối đe doạ Hôn nhân:
Nhưng phẩm giá của định chế ấy không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau, vì đã bị lu mờ bởi chế độ đa thê, nạn ly dị, bởi cái mà người ta gọi là tự do luyến ái, cùng những hình thức lệch lạc khác. Hơn nữa, tình yêu hôn nhân rất thường bị hoen ố vì lòng ích kỷ, khoái lạc chủ nghĩa và những lạm dụng bất hợp pháp cản trở sự sinh sản. Ngoài ra, các hoàn cảnh hiện tại về kinh tế, xã hội, tâm lý và chính trị đang gây cho gia đình những xáo trộn trầm trọng. Sau hết, tại một vài nơi trên thế giới, người ta không khỏi lo lắng nhận thấy những vấn đề được phát hiện do sự gia tăng dân số. Tất cả những điều ấy đang làm khắc khoải lương tâm con người. Tuy nhiên, có một điều chứng tỏ sức mạnh và sự bền vững của định chế hôn nhân và gia đình, đó là các biến đổi sâu xa của xã hội hiện tại, mặc dù gây ra nhiều khó khăn, nhưng vẫn rất thường bộc lộ bản chất đích thực của định chế trên bằng nhiều cách (Gaudium et Spes,47).
 
+ Vai trò của gia đình:
Gia đình là một trường học phát triển nhân tính. Nhưng để gia đình có thể sống trọn vẹn và chu toàn sứ mệnh mình, cần phải biết hòa hợp tâm hồn: vợ chồng phải cùng nhau bàn định cũng như cha mẹ phải ân cần cộng tác trong việc giáo dục con cái. Sự hiện diện tích cực của người cha giúp ích rất nhiều cho việc đào tạo con cái, nhưng cũng phải làm sao giữ được cho người mẹ vai trò chăm sóc gia đình,  .... Phải giáo dục con cái thế nào để khi đến tuổi trưởng thành chúng có thể chọn bậc sống và theo ơn gọi, ngay cả ơn gọi tu trì, với ý thức trách nhiệm đầy đủ; và nếu kết hôn, chúng có thể lập gia đình riêng trong những điều kiện luân lý, xã hội và kinh tế thuận lợi. Bổn phận của cha mẹ hay người giám hộ là hướng dẫn những người trẻ khi lập gia đình, dùng lời khuyên nhủ khôn ngoan sao cho họ sẵn sàng nghe theo; tuy nhiên, phải cẩn thận, không dùng áp lực trực tiếp hay gián tiếp ép buộc họ kết hôn hay chọn bạn đường. Các vị thông thạo khoa học, nhất là các khoa sinh vật học, y học, xã hội và tâm lý học, có thể giúp ích rất nhiều cho hôn nhân, gia đình cũng như sự an bình lương tâm (Gaudium et Spes 52).
Sách Giáo lý Công Giáo, số 2230:
Khi đến tuổi trưởng thành, con cái có bổn phận và có quyền lựa chọn nghề nghiệp và bậc sống của mình. Con cái đảm nhận những trách nhiệm mới trong tương quan đầy tin tưởng đối với cha mẹ, sẵn sàng bàn hỏi và đón nhận các ý kiến và lời khuyên của cha mẹ. Cha mẹ phải lưu ý để không ép buộc con cái trong việc chọn nghề nghiệp hoặc chọn bạn trăm năm. Bổn phận giữ sự chừng mực này không ngăn cản họ - mà trái lại – trong việc trợ giúp con cái bằng những lời khuyên không ngoan, nhất là khi con cái có ý định lập gia đình.
 

NHỮNG ĐẶC TÍNH TỔNG QUÁT CỦA NGƯỜI TRẺ

(Dựa theo một vài tài liệu của Giáo Hội):
Muốn bắt tay vào việc giúp đỡ, dạy dỗ cụ thể cho người trẻ, trước hết cần nắm bắt một số đặc tính chung của giới trẻ, rồi từ đó sẽ tuỳ cơ ứng biến, mới mong giúp đỡ họ hữu hiệu.
Sau đây là mấy tài liệu của Giáo Hội nói về giới trẻ, mà ta có thể tham chiếu:
 
1.Tài liệu Chỉ-dẫn-căn-bản về đào tạo linh mục, về các ứng viên trẻ sẽ gia nhập chủng viện:
- Người trẻ chân thành và thích sự thật.
- Thích cái mới, cái chưa từng có, cái độc đáo (nay ta gọi là: hàng độc, hàng khủng....).
- Dễ đua đòi, chạy theo thần tượng (các siêu sao...).
- Có khuynh hướng ngưỡng mộ đối với thế giới, đối với tiến bộ, khoa học kỹ thuật.
- Có khuynh hướng thích liên đới, có thích hoà vào cộng đoàn.
- Không dễ vâng phục; dễ chống đối và phê phán chỉ trích đối với quyền
  bính, sẵn sàng phản kháng.
- Hay thay đổi, đôi khi không nhất quán.
- Mong và cần được thông cảm, được thấu hiểu.
- Nhậy bén về phẩm giá và tư cách của mình, của sự vật và của con người.
- Dễ sống phóng túng.
- Đôi khi có những ước vọng không tưởng.
 
2.Tài liệu Đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay, số 7 & 8:
- Người trẻ có khuynh hướng theo Chủ nghĩa duy lý - Duy chủ quan - Chủ nghĩa cá nhân – Chủ nghĩa khoái lạc và trốn tránh trách nhiệm: thích sống thử nghiệm mãnh liệt về cảm xúc và cảm giác, điều này dễ đưa đến thái độ dửng dưng vô cảm với dấn thân cho tình liên đới.
- Bị nhiễm cách sống theo thuyết vô thần thực tiễn và hiện sinh: Do đó sẽ
   nặng về tinh thần tục hoá, chỉ bận tâm về chính mình, coi mình là trung
  tâm, là nguyên lý là lý lẽ cho mọi sự. 
- Sống trong xã hội tiêu thụ: Họ dễ có khuynh hướng sống thoải mái.
- Họ quan tâm tới “Cái mình có, hơn là Cái mình là”.
- Họ quan tâm tới vấn đề tính dục.
- Họ quan tâm tới vấn đề về tự do.
- Họ quan tâm tới vấn đề cộng đoàn, đoàn thể.
 
***
Một trong những dấu hiệu trưởng thành, hoặc được coi là trưởng thành, đó là con cái lập gia đình.
Từ nay nó có bổn phận và quyền lợi chính thức đảm nhiệm cuộc đời của nó. Cuộc đời của nó có hạnh phúc hay không, chẳng những ảnh hưởng tới nó, mà còn đối với các người khác: Vợ, chồng, con cái, các bên thông gia, giáo hội, và cả xã hội nữa.
Có người nói rằng trên đường đời, có thất bại gì thì cũng tạm chịu được, chứ đừng thất bại về hôn nhân, sẽ gây ảnh hưởng dài dài, và liên luỵ đến nhiều người.
Nếu gia đình biết lo xa và chuẩn bị cho con cái (Sức khoẻ, tính nết, học hành, nghề nghiệp, bạn bè, giải trí...) thì có nhiều cơ may cuộc sống hôn nhân dễ hạnh phục, bằng không sẽ có nhiều nguy cơ tai hại.
Ngoài những chuẩn bị trên, tạm gọi là chuẩn bị xa, nay gia đình phải chuẩn bị gần cho người trẻ những gì?
Nên chuẩn bị cho trẻ biết chọn người yêu thích hợp, vừa dựa theo tình cảm tình yêu, vừa dựa trên một số tiêu chuẩn khách quan.
Dựa theo những bổn phận vợ chồng phải có đối với nhau, như đã ghi trong giáo lý hôn nhân, từ trong gia đình, hãy giúp người trẻ tập sống quen với các đức tính: - Trung thành – Cảm thông – Chấp nhận người khác – Chấp nhận sự khác nhau giữa nam nữ - Biết quan tâm tới người khác và giúp đỡ - Điềm tĩnh chín chắn, đừng quá bốc đồng, “hứng ẩu” – Biết cách kiếm tiền và xài tiền – Phục thiện – Biết giải quyết các bất hoà – Nên có tính hài hước...
 
***
Chuyện minh hoạ việc con cái không được chuẩn bị đủ để cáng đáng, bảo vệ gia đình, gây hậu quả đau đớn: RƯỚC DÂU (x.“Chuẩn bị vào đời sống Hôn Nhân và Gia Đình”, Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, 2003, GP. Cần Thơ).
Cô dâu chú rể và đoàn đưa rước ngồi chật ních trong một chiếc ghe máy miền quê. Ghe khẳm đang chạy giữa sông, mọi người vui vẻ. Bỗng một ghe máy khác chạy gược chiều, tốc độ lớn rẽ sóng, nhận chìm chiếc ghe rước dâu. Ai nấy lo thoát thân bơi lội vào bờ. Cô dâu mặc áo loà xoà quýnh lên bám vào chú rể. Chú rể bơi yếu và sợ chết chùm nên đành đẩy cô dâu ra để cứu lấy thân mình. Cô dâu bí quá đành bám vào chú phụ rể. Chú thanh niên rán sức đưa cô dâu bụng đã no nước vào bờ. Cô dâu cương quyết không vào nhà chú rể và tuyên bố từ hôn. Về sau, cô dâu đã ráp lại với chú phụ rể là người đã cứu sống mình.
 
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
- Những gì gia đình cần làm để chuẩn bị xa và chuẩn bị gần cho người trẻ đi đến hôn nhân?  Phải chuẩn bị như thế nào?
- Khi có những khó khăn, xung đột trong hôn nhân ở thuở ban đầu, gia đình nên làm gì giúp giải quyết êm đẹp?
 
 
 

GIA ĐÌNH PHỤC VỤ SỰ SỐNG

Lm. Pr.Lê tấn Lợi.
 
Tông huấn về gia đình (Familiaris Consortio) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói đến 4 bổn phận của gia đình: (1) Đào tạo cộng đoàn ngôi vị; (2) Phục vụ sự sống; (3) Tham dự vào việc phát triển xã hội; (4) Tham dự vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh.
Trong bài viết này, chúng ta dừng lại bổn phận thứ hai của gia đình, đó là "Phục vụ sự sống". Bổn phận này bao gồm 2 việc: Truyền sinh và giáo dục.
 
I. TRUYỀN SINH
 
1. Nét cao quý của việc truyền sinh và phẩm giá con người
Ngay những trang đầu, Thánh Kinh viết: "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho con người, và Thiên Chúa phán với họ: 'Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất'” (St 1,27-28).
Những dòng này cho chúng ta hai điều cơ bản:
 
a. Phẩm giá cao quý của con người
Thánh Kinh dạy rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Chỉ một câu ngắn ngũi mà hai lần nói Thiên Chúa tạo dựng con người "theo hình ảnh mình". Trong các tạo vật Chúa dựng nên, không có loài nào được tạo dựng "theo hình ảnh Thiên Chúa". Hơn nữa, trong tình thuật tạo dựng này, khi tạo dựng các tạo vật khác, Thiên Chúa liền phán mà không có suy nghĩ đắn đo. Nhưng khi sáng tạo con người, Thiên Chúa lại suy nghĩ và tính toán. Cuối cùng Người quyết định tạo dựng con người theo hình ảnh của Người. Cử chỉ ấy muốn nói lên rằng con người là tạo vật quý giá, cao trọng hơn mọi loài vì được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
 
Địa vị cao quý ấy của con người cũng được tác giả thánh vịnh ca tụng: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,6-7). Do đó, con người không ngừng khâm phục sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Tạng phủ con chính Ngài cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng; công trình Ngài xiết bao kỳ diệu, hồn con đây biết rõ mười mươi” (Tv 139,13-14). Lời của bà mẹ có bảy người con tử đạo: “Mẹ không rõ các con hình thành trong dạ mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con” (2Mcb 7,22). Những lời này mặc nhiên khẳng định sự sống con người là do chính Thiên Chúa ban tặng.
 
b. Truyền sinh-vinh dự của hôn nhân
Khi tạo dựng con người theo hình mình, Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ. Người đã chúc lành và phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28). Trong lệnh truyền này, trước hết con người được ban quyền thống trị mọi loài chim trời, cá biển và mọi vật bò trên mặt đất. Kế đến, con người nhận một mệnh lệnh là sinh sôi nẩy nở thật nhiều cho đầy mặt đất. Lệnh truyền này cũng được lập lại với gia đình Nôe sau cơn lụt đại hồng thuỷ: “Thiên Chúa ban phúc lành cho ông Nôe và các con ông, và Người phán với họ: 'Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất'” (St 9,1). Như thế, sinh sản của đời sống hôn nhân trong ý định của Thiên Chúa chính là một vinh dự. Vợ chồng sinh sản con cái không phải theo tự nhiên như bao con vật khác, mà đó là vinh dự: vinh dự được tham gia vào việc sáng tạo của Thiên Chúa, sáng tạo ra những "con người mới", những "hình ảnh của Thiên Chúa". Chỉ có con người mới được ban vinh dự này.
 
Quả thật, trong Thánh Kinh, sinh sản là phúc lành của Thiên Chúa: “Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127,3). Ngược lại, hiếm muộn là dấu hiệu bị chúc dữ, là nỗi nhục. Bà Isave đã vui mừng thốt lên sau khi được Chúa cho mang thai: “Chúa đã làm cho tôi thế đó, khi Người cất nỗi hổ nhục của tôi trước mặt người đời” (Lc 1,25).
Như thế, sinh sản là một ân ban, đồng thời cũng là một trách nhiệm vì cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo ra những con người mới, những hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, những đôi vợ chồng phải nhận ra vinh dự và trách nhiệm cao cả mà Thiên Chúa đã trao ban cho mình. Trái lại, khi cố ý tách rời việc sinh sản ra khỏi quan hệ vợ chồng, con người cách nào đó phủ nhận ân ban và trách nhiệm cao cả ấy.
 
2. Bóng tối của xã hội:
Rất tiếc, nhiều người trong xã hội hôm nay không nhận ra phẩm giá cao quý của sự sống con người, cũng không nhận ra vinh dự của hôn nhân khi cộng tác với Thiên Chúa qua việc truyền sinh. Người ta coi quan hệ vợ chồng như để thoả mãn xác thịt, hoặc vì ích kỷ cá nhân mà coi thường mạng sống con người với những hình thức xúc phạm ghê gớm như buôn bán phụ nữ trẻ em, lạm dụng tình dục, ngừa thai, nhất là phá thai. Phá thai được nhìn như một việc hết sức bình thường chứ không phải là một tội giết người. Chúng ta thử lấy một vài thí dụ:
 
Về nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, theo Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 2,5 triệu nạn nhân bị buôn bán. Riêng tại Việt nam, mỗi năm có khoảng 7.000 nạn nhân.
 
Về tội ác phá thai, hàng năm, trên thế giới, khoảng 50 triệu thai nhi bị giết. Riêng Việt nam, mỗi năm có gần 1,5 triệu phá thai theo số lượng chính thức, chưa kể những trường hợp phá thai lậu. Tại TPHCM, năm 2011 có 68.640 trẻ được sinh ra. Nhưng số phá thai (theo số liệu) bằng 4/5 số sinh ra, nghĩa là khi có 100 em sinh ra, thì bên cạnh đó có 80 em bị giết.
 
Hơn nữa người ta còn đối xử với thai nhi bằng những hình thức rất là tàn bạo như:
- Máy hút: xé nát bào thai khỏi tử cung và hút ra.
 
- Nông và nạo: Người ta dùng một cái kẹp có răng, thường bào thai trên 18 tuần, vĩ xương đã cứng, người ta phải vặn và cắt. Đầu phải bị đập nát bằng cách đục một lỗ hổng ở sọ và dùng máy hút để hút não bộ ra ngoài cho sọ nảo xẹp lép mới kéo thân xác nát tan của thai nhi ra khỏi cung lòng mẹ được (hình ảnh phá thai theo cách nông và nạo)
 
- Cắt dạ con: Người ta cắt một đường trên bụng của Người mẹ để lôi thai nhi ra. Thường thai nhi sinh ra còn sống, người ta phải giết thai nhi bằng cách vặn cổ, bóp mũi, miệng, hoặc nhận chìm trong nước.
- Bơm nước muối mặn làm cháy da non và phỏng người rồi ngộp chết.
Ngoài ra, người ta còn đối xử với những thai nhi như rác, phá xong bỏ vào bọc rồi ném vào thùng rác. Thậm chí họ dùng những bào thai này để chế ra những viên thuốc. Họ lấy những bào thai này giữ đông lạnh trong các tủ đá trước khi được sấy khô để tạo bột. Bột này được trộn với thảo dược để chế ra những viên thuốc trị bá bệnh. Giá mỗi viên tại Hàn Quốc khoản 35 USD.
Chúng ta từng lên án cuộc diệt chủng hàng triệu người do thái bởi chính quyền Đức Quốc Xã độc tài. Nhưng nạn phá thai ngày hôm nay còn khủng khiếp hơn gấp ngàn lần cuộc diệt chủng trên, vì đây không phải và một vài triệu, mà là 50 triệu sinh mạng bị tàn sát mỗi năm trên thế giới.
 
3. Lý do xúc phạm
Có rất nhiều lý do người ta dựa vào đó để giết chết thai nhi:
 
a. Phá bỏ thai nhi vì có cái nhìn bi quan về cuộc sống. Cha mẹ quá nghèo, sợ để con ra đời thì tương lai mù mịt. Hoặc có khí thấy thai nhi có dấu hiệu bị dị dạng (do siêu âm). Trong những trường hợp này, họ không muốn những đứa con ra đời vì sự ra đời của chúng vừa làm khổ gia đình, xã hội và cả chính bản thân thai nhi nữa .
 
b. Phá bỏ thai nhi vì bảo vệ danh giá. Thường xảy ra đối với những trường hợp bị hiếp dâm, ngoại tình…Giết thai nhi để bảo vệ danh giá bản thân và gia đình.
 
c. Phá bỏ thai nhi để bảo vệ sự nghiệp. Thường xảy ra với các bạn sinh viên. Vì một phút mềm lòng nên phải mang "của nợ" vào thân. Nếu giữ lại sẽ gây ảnh hưởng cho việc học. Tương tự đối với công nhân viên, cán bộ với chính sách không được sinh con thứ ba. Nếu lỡ vượt rào thì gặp khó khăn. Trong những trường hợp này, người ta thường tìm đến giải pháp là phá bỏ thai nhi để bảo vệ con đường công danh hay sự nghiệp của mình.
 
d. Phá bỏ thai nhi vì trọng nam khinh nữ. Những trường hợp này ít xảy ra ở Việt nam, nhưng thường có ở Trung Quốc với chính sách một con. Người ta siêu âm và hay bỏ đi những thai nhi là gái, chỉ giữ lại thai nhi trai. Việc làm này không chỉ xúc phạm đến sự sống thai nhi mà còn gây hậu quả trong tương lai về tỉ lệ nam nữ không cân bằng.
 
e. Vì lý do kinh tế. Người ta cho rằng dân số đông ảnh hưởng đến kinh tế. Vì vậy, hạn chế sinh sản bằng mọi cách để phát triển kinh tế. Nhưng có đúng vậy không? Theo một số nghiên cứu thì không hẳn như thế. Thí dụ, nước Mỹ cũng dùng chính sách hạn chế sinh sản để kích thích kinh tế, nhưng thực tế thì kết quả ngược lại. Không chỉ kinh tế không phát triển mà còn xuất hiện tệ hại do hậu quả của chính sách ngừa thai và phá thai mang đến như thai nghén ngoài hôn nhân tăng cao; những phản ứng phụ do dùng thuốc ngừa thai hay phá thai tăng cao như nhồi máu cơ tim, đông máu, vô sinh . Về vấn đề kinh tế và dân số này, Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã phát biểu tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào năm 1965 rằng: "Khoa học của nền văn minh là phải làm dồi dào thêm thức ăn trên bàn tiệc cuộc đời, chứ không phải là tìm cách loại bớt đi những thực khách".
 
4. Thái độ của Hội thánh
Hội thánh không ngừng lập lại giáo huấn về sự sống  và luôn khẳng định giáo huấn này đến từ Thiên Chúa. Hội thánh chỉ là người thừa hành, có nhiệm vụ truyền lại và truyền lại cách trung thực.
 
a. Về phá thai
Hội thánh không thể làm ngơ trước tội ác ghê ghớm này của con người ngày nay. Hội Thánh khẳng định sự sống con người bắt đầu từ lúc tinh trùng và trứng gặp nhau, nên phải tôn trọng sự sống ngay từ những giây phút này. Thật vậy, sách GLGHCG khẳng định rằng: "Vì sự sống con người đã bắt đầu ngay từ khi còn là phôi thai, lúc tinh trùng và trứng gặp nhau. Nên sự sống của những phôi thai ấy cũng phải được bảo vệ và tôn trọng như một con người" (số 2270, 2274). Công đồng Vatican II cũng khẳng định: "Sự sống ngay từ lúc thụ thai đã phải được gìn giữ hết sức cẩn thận: phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê gớm" (GS 51). Huấn thị "Ơn ban sự sống" thêm vào: "Ngay từ giây phút thụ tinh, sự sống của mỗi người phải được tôn trọng cách tuyệt đối, vì con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính nó, và linh hồn của mỗi người được Thiên Chúa trực tiếp ban cho" . Tông huấn Familiaris consortio đã khẳng định rằng Hội Thánh tin tưởng rằng, sự sống con người, dù có yếu ớt và đầy đau khổ, vẫn luôn luôn là một hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa. Hội Thánh luôn đứng về phe sự sống, chống lại những kẻ và những hình thức đe dọa và làm hại sự sống .
 
b. Ngừa thai và thụ thai nhân tạo
- Nguyên tắc chung: Hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa là để yêu thương nhau và sinh sản con cái. Quan hệ vợ chồng (kết hợp) là dấu hiệu của tình yêu phải được liên kết với việc thông truyền sự sống (truyền sinh). Hai yếu tố này (kết hợp và truyền sinh) luôn phải đi đôi với nhau: "mỗi khi vợ chồng giao hợp với nhau, việc hôn nhân phải được mở ngõ có thể lưu truyền sự sống" .
 
- Ngừa thai:
Dựa theo nguyên tắc chung đó, ngừa thai bị cấm vì nó tách rời ý nghĩa "kết hợp" ra khỏi ý nghĩa "truyền sinh" đã được Đấng Tạo Hoá khắc ghi cả hai vào trong người nam và người nữ. Nó chỉ nhắm đến yếu tố "kết hợp'" và phủ nhận yếu tố "truyền sinh". Trong trường hợp này vợ chồng tự mình đứng ra đóng vai trò "trọng tài" thay cho Thiên Chúa với kế hoạch của Ngài. Họ làm thay đổi ý nghĩa của tính dục con người, hiểu sai ý nghĩa về giá trị trao hiến trọn vẹn, vì hai người không trao hiến cho nhau một cách trọn vẹn, không những chỉ vì chối bỏ việc mở đường cho sự sống, nhưng còn là một việc làm trái với sự thật nội tại về tình yêu hôn nhân luôn được mời gọi để trao hiến hoàn toàn cho nhau.
 
Hội Thánh không phủ nhận sự ảnh hưởng của việc bùng nổ dân số. Phương pháp mà Hội Thánh chấp nhận để hạn chế sinh sản, đó là ngừa thai tự nhiên . Tông huấn về gia đình có nói: Khi đôi bạn bằng cách thuận theo những thời kỳ không thụ thai, tôn trọng mối dây bất khả phân ly giữa hai mặt kết hợp và truyền sinh của tính dục con người, họ đã coi mình là những "người thừa hành" ý định của Thiên Chúa và họ sử dụng tính dục như những "kẻ hưởng dùng", theo tác động đầy năng lực từ nguyên thuỷ của việc trao hiến "trọn vẹn" chứ không hạ giá hay làm sai lạc. Bên cạnh đó, chọn theo những nhịp tự nhiên ở đây là chu kỳ của người nữ, đòi sự đối thoại, kính trọng lẫn nhau, tinh thần trách nhiệm chung, sự tự chủ. Như vậy mới là nhìn nhận tính cách vừa tinh thần vừa thể xác của sự hiệp thông vợ chồng, và cũng là sống tình yêu ngôi vị theo như sự đòi hỏi phải trung thành của họ.
 
- Thụ thai nhân tạo:
Việc làm này chỉ nhắm đến yếu tố "truyền sinh" mà bỏ qua yếu tố "kết hợp". Một hình thức thụ thai cũng không còn lưu ý đến tình yêu hôn nhân nữa. Đây là một hành động xúc phạm đến sự sống con người, bởi vì hành vi vợ chồng là một cách diễn tả cao quý về việc trao hiến cho nhau. Nó phải là nơi chốn tự nhiên làm phát sinh sự sống mới. Chỉ lòng ao ước sinh con mà thôi chưa đủ, cần phải biết tôn trọng cách thế truyền sinh sự sống theo kế hoạch của Đấng Tạo Hoá nữa .
 
II. GIÁO DỤC
 
1. Quyền và bổn phận giáo dục của cha mẹ
Khi nói về bổn phận giáo dục của gia đình, Công Đồng Vatican II nhắc nhở: "Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu xót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hổ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể" .  Bổn phận giáo dục bắt này nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa: khi sinh ra một ngôi vị mới mang sẵn nơi mình ơn gọi phải lớn lên và phát triển, bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ cho ngôi vị ấy được sống một đời sống nhân bản trọn vẹn. Những đặc tính của quyền và bổn phận giáo dục của cha mẹ là ưu tiên, không thể thay thế và bất khả nhượng. Ưu tiên vì mối tương quan giữa họ với con cái là một tình yêu không thể thay thế được. Nó có tính cách độc đáo và cơ bản, nên cũng không thể chuyển nhượng được, cũng không thể khoán trắng cho người khác hay bị người khác cưỡng đoạt. Những đặc tính này chỉ đặt trên nền tảng của tình phụ tử và mẫu tử của cha mẹ. Tình phụ tử và mẫu tử phải trở nên cội nguồn, linh hồn, nguyên tắc cho mọi hoạt động giáo dục. Thật vậy, như một nguồn mạch, tình yêu thương của cha mẹ trở thành linh hồn và là nguyên tắc gợi hứng và hướng dẫn tất cả hành động giáo dục cụ thể, bằng cách phong phú hoá nó với những giá trị như sự dịu dàng, kiên trì, nhân hậu, phục vụ vô vị lợi, tinh thần hy sinh, là những bông hoa quí báu nhất của tình yêu. Hơn nữa, nhờ Bí tích Hôn phối, sứ mạng giáo dục được nâng lên thành phẩm giá và ơn gọi của một "thừa tác vụ" đích thực trong Hội Thánh để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Hội Thánh. Họ xây dựng Hội Thánh qua việc giáo dục con cái mình.
Nhưng giáo dục điều gì? Giáo dục nhân bản và giáo dục Kitô giáo.
 
2. Giáo dục nhân bản
Trước hết, cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái mình thành người, nghĩa là phải giáo dục con cái họ theo những giá trị chính yếu của đời người.
 
a. Giáo dục về tự do trước của cải
Cha mẹ phải giúp cho con em của họ được lớn lên trong một sự tự do chân chính trước của cải vật chất, biết chọn một nếp sống giản dị và khắc khổ, vì xác tín mạnh mẽ rằng: "giá trị của con người là do cái mình làm hơn là do cái mình có".
 
b. Giáo dục về công bằng và lòng yêu thương
Trong một xã hội đã bị phân hoá do những xung khắc vì sự đối đầu khốc liệt giữa các chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ đủ loại, trẻ em cần phải có được ý thức về sự công bằng đích thực, vì chỉ có sự công bằng ấy mới đưa đến sự kính trọng phẩm giá ngôi vị của từng người. Hơn thế nữa, chúng phải có ý thức về tình yêu đích thực, tình yêu dệt bằng mối quan tâm chân thành và việc phục vụ vô vị lợi đối với kẻ khác và đặc biệt là đối với những người nghèo. Sự tự hiến mình là qui luật hướng dẫn gia đình và làm cho gia đình tăng trưởng và sinh động. Đó là kiểu mẫu và nguyên tắc cho sự hiến mình cần có giữa anh chị em trong nhà. Đó chính là khoa sư phạm cụ thể và hữu hiệu nhất để làm cho trẻ em có thể hội nhập vào xã hội một cách tích cực, có trách nhiệm và kết quả.
 
c. Giáo dục về tính dục
Trước một văn hoá chỉ liên kết tính dục với thể xác và với lạc thú ích kỷ, thì việc phục vụ giáo dục của cha mẹ càng phải nhắm đến một nền văn hoá tính dục là một sự phong phú của toàn thể ngôi vị - thể xác, tình cảm, linh hồn - và biểu lộ ý nghĩa thâm sâu của nó bằng cách đưa ngôi vị ấy đến chỗ tự hiến mình trong tình yêu, chứ không phải là hành vi thoả mãn xác thịt cách ích kỷ.
Việc giáo dục tính dục, là quyền lợi và bổn phận căn bản của cha mẹ. Giáo dục tính dục tại gia đình cũng như ở các trung tâm giáo dục, phải luôn được cha mẹ chọn lựa và kiểm soát. Và khi cộng tác vào việc giáo dục tính dục, nhà trường phải đặt mình trong tinh thần của bậc làm cha làm mẹ.
 
3. Giáo dục Kitô giáo
Việc giáo dục của cha mẹ không chỉ nhắm đến khía cạnh làm người mà còn giúp con cái mình trở nên người con Thiên Chúa. Cha mẹ phải ý thức rằng Chúa đang ký thác cho họ sự tăng trưởng của một người con Thiên Chúa, một người em của Đức Kitô, một đền thờ của Chúa Thánh Thần và một chi thể của Hội Thánh. Công Đồng Vat. II xác định nội dung của việc giáo dục Kitô giáo, không những chỉ giúp nhân vị được trưởng thành...nhưng còn nhằm giúp họ ngày càng ý thức hơn về hồng ân đức tin đã nhận lãnh, biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x.Ga 4,23), nhất là qua việc cử hành phụng vụ cũng như được huấn luyện để biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Ep 4,22-24). Hơn nữa, vì ý thức ơn gọi của mình, chính họ phải tập quen làm chứng về niềm cậy trông nơi họ (x.1Pr 3,15) đồng thời phải giúp vào việc biến đổi thế giới theo tinh thần Kitô giáo" .
 
Giáo dục thế nào?
a. Trong gia đình
Cha mẹ là những người đầu tiên rao giảng Tin mừng cho con cái bằng lắng nghe lời Chúa và cầu nguyện trong gia đình, nhất là qua các giờ kinh chung, dạy đọc kinh hôm, kinh mai; biết cầu nguyện trong mọi biến cố của gia đình… Hơn nữa, cha mẹ cũng phải hướng dẫn con cái kết hợp với ĐKT qua việc học giáo lý và lãnh nhận những bí tích khai tâm.
 
b. Cộng tác với các cấp giáo dục khác
Mặc dầu gia đình là cộng đồng giáo dục đầu tiên, nhưng không phải là cộng đồng độc nhất hoặc lẻ loi, vì bên cạnh đó còn có Nhà Nước, Hội Thánh cũng như các nhóm khác luôn sẵn sàng hoạt động cho việc giáo dục. Vì vậy cần phải luôn có sự cộng tác giữa cha mẹ và các cộng đồng Kitô hữu, giữa các nhóm giáo dục khác nhau và các chủ chăn.
 
- Các trường học
Tất cả những ai đang đứng đầu các trường học, đều không bao giờ được quên rằng, cha mẹ đã được chính Thiên Chúa đặt làm những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu cho con cái của họ, và đó là một quyền tuyệt đối không thể chuyển nhượng. Phải tuyệt đối bảo đảm cho cha mẹ được quyền chọn một nền giáo dục phù hợp với đức tin của họ.
 
- Các vị chủ chăn
Trong việc giáo dục, gia đình cần nhận được những trợ giúp đặc biệt từ phía những vị chủ chăn, và các vị này không thể quên rằng cha mẹ có quyền ký thác con cái họ cho cộng đồng Hội Thánh và đây cũng là một quyền không thể chuyển nhượng.
 
Tóm lại Phục vụ cho sự sống là một trong những bổn phận chính yếu của gia đình. Bổn phận này gồm có 2 việc: truyền sinh và giáo dục. Truyền sinh là một nhiệm vụ cao cả của hôn nhân gia đình vì được vinh dự cộng tác với Thiên Chúa tạo ra những con người mới, những hình ảnh của Thiên Chúa. Vì vậy, cần phải biết tôn trọng sự sống. Tôn trọng bằng cách là không xúc phạm đến sự sống bất cứ hình thức nào. Tôn trọng sự sống còn phải có trách nhiệm, nhất là cha mẹ, là giúp cho sự sống đó được lớn lên và phát triển thành người và thành con Thiên Chúa qua việc giáo dục. Gia đình hãy ý thức trách nhiệm cao cả của mình để cố gắng bằng chính nổ lực cá nhân, cộng tác với ơn Chúa để giúp cho sự sống con người ngày một được tôn trọng và phát triển.
 
Một bài thơ thật cảm động của Phan Văn Dũng tại nghĩa trang thai nhi, với tựa đề
 
"Con xin được sống".
 
"Dẫu con là đứa trẻ chẳng được mong
Thì xin mẹ hãy cho con được sống.
Được ngắm nhìn ánh nhật quang sáng rực,
Được chìm ngập trong vàng giãi trăng thanh
 
Dẫu con là một bào thai dị tật,
Xin mẹ thương con đừng chối bỏ con đi,
Cho nhân gian hôm nay còn đong đếm,
Lượng tình thương trắc ẩn của con người,
 
Dẫu con là đứa con ngoài giá thú,
Thì mẹ ơi, quyền sống cũng như ai,
Quyền ước ao được lên tiếng khóc chào đời,
Quyền ước nghe một lời ru ngắn ngủi.
 
Dẫu con là một đứa trẻ thừa dư,
Vẫn là con máu thịt của mẹ mà.
Cũng ước mong một vòng tay ấm áp,
Cũng mong dòng vị ngọt của sữa thơm.
 
Dẫu con là một bào thai tai họa,
Thì mẹ ơi, đâu phải lỗi do con!
Xin đừng giết con đi mà tội nghiệp,
Con của mẹ còn bé lắm, mẹ ơi!..."
 
Mẹ ơi, mẹ, con van xin được sống,
Được làm người để gọi tiếng mẹ ơi.”
 
 
 
 
 

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH  THEO GIÁO LUẬT

Lm. Gioan Trần trọng Dung
 
Năm 2014 này, Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung và Giáo phận Cần Thơ nói riêng chọn chủ đề ‘Tân phúc âm hóa gia đình” như là định hướng cho chương trình mục vụ của mình. Để góp phần thực hiện việc Tân phúc âm hóa gia đình, chúng ta hãy tìm hiểu xem Giáo luật nói gì về hôn nhân và gia đình. Giáo luật về hôn nhân và gia đình dựa trên nền tảng Kinh thánh và giáo huấn của Giáo hội.
 
I. Giáo huấn của Kinh thánh.
          1. Ý định nguyên thủy của TC Sáng tạo về hôn nhân trong Cựu Ước: Từ nguyên thủy, TC đã tạo dựng nên người nam Adam và người nữ Eva. TC đã truyền cho họ kết hôn với nhau và sinh sản con cái. Đây được gọi là hôn nhân tự nhiên theo trật tự sáng tạo của TC (x. Stk 1, 27-28).
          2. CGK kết án ly dị làm méo mó ý định nguyên thủy về hôn nhân của TC Sáng tạo và là sự nhượng bộ của ông Môi-sê trước sự cứng lòng của dân Do thái. CGK nâng hôn nhân tự nhiên lên thành hôn nhân Bí tích giữa những người tin CGK và chịu phép Rửa tội ( x. Mt 19,3-12 ; Mt 5,31-32; Mk 10,2-12; Lk 16,18).
          3. Giáo huấn của Thánh Phao-lô dạy về hôn nhân, ly dị và sự đồng trinh (x.1 Cor 7). Ngài trình bày giao ước hôn nhân tương tự như giao ước giữa TC và dân của Ngài cũng như giao ước giữa CGK và Giáo Hội (x. Eph 5,22-23).
 
II. Giáo huấn Giáo hội.
Trong Hiến Chế Mục vụ của Giáo Hội trong Thế giới ngày nay, số 47-52, Công Đồng Vatican II đã gọi :
 
1. Hôn nhân là một cộng đồng của sự sống và tình yêu được TC, Đấng Tạo Hóa thiết lập. Nghĩa là chính TC là Đấng tác tạo hôn nhân.
2. Hôn nhân không chỉ là một khế ước nhưng còn là một giao ước, nghĩa là hôn nhân do sự ưng thuận không thể rút lại của từng người phối ngẫu.
3. HN giữa những người đã được Rửa tội là một Bí tích vì những lý do sau đây:
+ CGK hiện diện và chúc phúc cho tình yêu của hai vợ chồng để họ trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau như CGK đã yêu thương Giáo hội và đã nộp mình vì Giáo hội.
+ Bí tích hôn nhân là hình ảnh giao ước giữa TC và dân Ngài cũng như giao ước giữa CGK và Giáo hội. Đôi vợ chồng được thánh hiến để đảm nhận các bổn phận và sống đúng phẩm giá bậc sống của họ nhờ Bí tích hôn phối.
 
III. Hôn nhân và gia đình theo Giáo luật.
          Bộ Giáo luật 1983 cố gắng chuyển tải những giáo huấn của Kinh thánh và của Giáo hội trong ngôn ngữ của luật. Dưới đây là những nét cơ bản của hôn nhân theo Giáo luật.
          1. Giao ước hôn nhân giữa một người nam và một người nữ tạo nên một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống (x. đ. 1055,1). Nghĩa là hai vợ chồng cùng chia sẻ cuộc sống với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh tật cũng như khi mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.
2. Giao ước hôn nhân này có hai mục đích: 1/ Hướng về lợi ích của hai vợ chồng; 2/ Hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái.
          3. CGK đã nâng Giao ước Hôn nhân giữa hai người đã được Rửa tội thành một Bí tích như giáo huấn của Công Đồng Vat II (x. đ. 1055,1-2) .
Chính vì thế, hôn nhân của hai người đã rửa tội không thể có khế ước hôn nhân thành sự, nếu đồng thời không phải là Bí tích. Nghĩa là, hai người nam nữ đã được rửa tội chỉ kết hôn dân sự mà không cử hành hôn nhân theo Giáo luật thì không được Giáo hội công nhận là một hôn nhân thành sự.
4. Hôn nhân CG có hai đặc tính chính yếu là sự đơn nhất và sự bất khả phân ly.
+ Sự đơn nhất nghĩa là hôn nhân Công giáo chỉ chấp nhận một vợ và một chồng, và không chấp nhận đa thê và đa phu đồng thời.
+ Sự bất khả phân ly nghĩa là không có quyền lực nào trên trần thế hoặc bản thân hai vợ chồng có quyền tự ý cắt đứt dây hôn nhân.
Giáo luật nhìn nhận sự bền chặt của hôn nhân có những loại sau đây:
+ Hôn nhân tự nhiên giữa hai người không rửa tội: Giáo hội nhìn nhận dây hôn nhân này có sự bền chặt, nhưng chỉ tương đối. Dây hôn nhân này có thể bị tiêu hủy do Đặc ân thánh Phao-lô.
+ Hôn nhân được chuẩn ngăn trở khác đạo: Đây không phải là hôn nhân bí tích vì có một người không được Rửa tội. Vì thế, dây hôn nhân này cũng có sự bền chặt tương đối.
+ Hôn nhân Bí tích nhưng chưa hoàn hợp: nghĩa là hôn nhân được cử hành theo Giáo luật giữa 2 người được rửa tội là Bí tích. Nhưng họ chưa bao giờ có quan hệ vợ chồng với nhau sau hôn lễ thì mối dây hôn nhân này chỉ có sự bền chặt tương đối.
+ Hôn nhân Bí tích và hoàn hợp: nghĩa là hôn nhân được cử hành theo Giáo luật giữa 2 người được rửa tội là Bí tích. Và họ đã có quan hệ vợ chồng với nhau sau hôn lễ thì mối dây hôn nhân này có sự bền chặt tuyệt đối. Không người nào có quyền cắt đứt hay phá bỏ dây hôn nhân này, ngoại trừ cái chết của một trong hai người phối ngẫu.
 
IV. Những thách đố nổi cộm ngày nay đối với mục đích và đặc tính của hôn nhân Ki-tô giáo
 
          1. Vấn nạn ly hôn:
Theo số liệu thống kê của TAND Tối cao, năm 2010 cả nước VN có 88.591 vụ ly hôn, trong đó các cặp vợ chồng tuổi từ 18-30 tuổi chiếm gần 80% tổng số vụ án ly hôn đã giải quyết. Khi ly hôn là hiện tượng xã hội càng ngày càng gia tăng đáng lo ngại, thì nó cũng là vấn nạn và là bóng tối của gia đình Công giáo Việt Nam ngày nay.
          Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn như là lý do kinh tế, người phụ nữ không còn trinh tiết….. Nhưng qua thực tiễn xét xử tòa án, nhiều thẩm phán cho biết những nguyên nhân dẫn đến ly hôn  thường là do mâu thuẫn về lối sống, do ngoại tình, do bạo hành gia đình, và do gia đình chồng.
Sách Giáo lý Công Giáo xác định rõ ly dị là một sự xấu (x. số 2382-2386 ):
 
1/  Ly dị là một xúc phạm nghiêm trọng đối với luật tự nhiên: Ly dị phá vỡ giao ước đã được hai vợ chồng tự do ưng thuận ký kết để sống với nhau cho đến chết.
2/ Ly dị cũng mang tính vô luân do nó làm cho gia đình và xã hội bị xáo trộn và kéo theo những tổn hại nghiêm trọng cho người phối ngẫu bị ruồng bỏ; cho con cái do bị tổn thương sâu xa bởi sự phân ly của cha mẹ. Ly dị là một tai ương cho gia đình và xã hội.
 
3/ Ly dị xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá của hôn nhân Ki-tô giáo. Nó tạo nguy cơ gây cho hai người ly hôn tái hôn làm tổn thương BTHP.
 
4/ Những người Công giáo đã ly dị và tái hôn theo luật đời không được GH công nhận là hôn nhân thành sự. Họ ở trong tình trạng vi phạm luật TC một cách khách quan. Sự tái hôn làm cho họ xúc phạm nặng nề BTHP mà họ đã lãnh nhận. Người ly dị tái hôn sống trong tình trạng ngoại tình công khai và thường xuyên nên không được xưng tội-rước lễ. Kể từ lúc họ tái hôn, họ không được xưng tội, rước lễ và cũng không được đảm nhận một số trách nhiệm trong Giáo hội. Họ chỉ có thể được cho phép xưng tội và rước lễ nếu họ từ bỏ hôn nhân do tái hôn và quyết tâm sống hoàn toàn tiết dục (x. số 1650).
 
Tuy nhiên, các Ki-tô hữu này không bị tách lìa khỏi Giáo hội. Họ được khuyến khích nghe Lời Chúa, tham dự Thánh lễ, cầu nguyện và góp phần làm việc bác ái và giáo dục con cái theo tinh thần Ki-tô giáo…….
2. Nạn phá thai và sử dụng những phương thế ngừa thai nhân tạo
Bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho biết hiện nay ở VN tổng số ca nạo phá thai hằng năm khoảng 300.000 ca, cao nhất so với các nước Đông Nam Á.
Thông điệp Humanae Vitae của ĐGH Phaolo VI đã minh nhiên cấm người Ki-tô hữu Công giáo sử dụng bất cứ hình thức ngừa thai nhân tạo nào, vì nó đi ngược lại ý định của TC về hôn nhân và gia đình. Điều 1398 của bộ Giáo luật nói rằng người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả , thì bị và tuyệt thông tiền kết.
 
V. Mục vụ hôn nhân Công Giáo (x. đ. 1063).
          Các vị mục tử có trách nhiệm giúp các Ki-tô hữu chuẩn bị kết hôn hữu hiệu và sống hạnh phúc, thánh thiện, biết chu toàn những nghĩa vụ, quyền lợi trong bậc sống hôn nhân của họ. Việc mục vụ này phải được thực hiện nhất là bằng những việc sau đây:
1.Giáo huấn về ý nghĩa hôn nhân Ki-tô giáo và về vai trò của người phối ngẫu cũng như của các bậc cha mẹ Ki-tô giáo.
2.Chuẩn bị cá nhân để kết hôn, nhờ đó hai vợ chồng được sẵn sàng hướng đến sự thánh thiện cũng như những bổn phận của bậc sống mới.
3.Cử hành hôn nhân cách hữu hiệu theo phụng vụ, để minh họa rằng hai người phối ngẫu là biểu hiện của mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Ki-tô và Giáo hội, và họ tham dự vào mầu nhiệm ấy.
4.Giúp đỡ các đôi vợ chồng sau hôn lễ, để khi trung thành gìn giữ và bảo vệ giao ước hôn nhân, họ biết sống cuộc đời đôi bạn ngày càng thánh thiện và hoàn hảo hơn.
 
VI. Xây dựng Gia đình Kitô giáo bền vững và hạnh phúc
          Ở đây, xin đề nghị các đôi vợ chồng thực hiện vài điểm cần lưu ý để xây dựng và bảo vệ hôn nhân và gia đình của người Công giáo trong việc Tân Phúc âm hóa gia đình.
Điểm quan trọng đầu tiên là vợ chồng hãy dành cho nhau những tâm tình, lời nói và cử chỉ biểu lộ lòng yêu thương trìu mến. Tâm tình, cử chỉ và lời nói trìu mến, chính là món quà quí báu mà mỗi người có thể trao tặng người bạn đời và con cái của mình trong đời sống hàng ngày. Một người chồng đã nói với tôi: “Con chỉ cần vợ con nói những lời nhỏ nhẹ và tôn trọng con là đủ. Nếu cô ta bảo con nhảy vào lửa, con cũng sẽ làm.” ĐGH Phanxico đề nghị các đôi vợ chồng nên biết thường xuyên sử dụng những cụm từ đơn giản để nói với nhau: xin lỗi, xin phép, và cám ơn.
Điểm quan trọng thứ hai là, tránh xa mọi chỉ trích tiêu cực trong gia đình. Thông thường, việc chỉ trích luôn ẩn chứa một tâm tình xấu, một ý hướng xấu: vạch trần một khuyết điểm, để hạ nhục người bạn đời, để trút bỏ nỗi hậm hực giận dữ đang sùng sục nung nấu trong lòng! Chỉ trích là liều thuốc độc giết chết sự bình an trong gia đình.
Điểm quan trọng thứ ba là, hãy biến gia đình thành nơi chốn của lời khen tặng. Vợ khen chồng. Chồng khen vợ. Cha Mẹ khen tặng con cái. Hãy quảng đại trong lời khen, và cẩn trọng dè xẻn trong tiếng chê. Hãy nhìn thấy cái hay, cái đẹp, cái tích cực nơi người bạn đời, nơi người khác, để khuyến khích và để phát huy tối đa.
Điểm quan trọng thứ tư là hãy xây dựng lòng đạo đức yêu mến Lời Chúa và sống Lời Chúa trong gia đình. Chính sự hiện diện, tình yêu của Chúa và ơn Chúa sẽ giúp gia đình vượt qua những khó khăn thử thách để sống chung thủy và hạnh phúc với nhau. Vì thế, vợ chồng phải cầu nguyện cho nhau và với nhau hằng ngày.
Tóm kết:
Hôn nhân và gia đình trong bối cảnh xã hội phức tạp và biến đổi nhanh chóng ngày nay đòi hỏi phải được Tân phúc âm hóa. Ngoài những giáo huấn của Kinh thánh và Giáo hội về hôn nhân và gia đình, mọi thành phần dân Chúa cần quan tâm đến những chỉ dẫn của Giáo luật để thực hiện việc Tân Phúc âm hóa có hiệu quả. Nếu các vị mục tử và các đôi vợ chồng chu toàn những nghĩa vụ và quyền lợi của mình về lãnh vực này theo Giáo luật chỉ dẫn, thì hôn nhân và gia đình Công giáo có thể được đổi mới và thánh hóa để trở thành những Giáo hội tại gia, những Thánh gia tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
 

A. LỜI HAY Ý ĐẸP VỀ GIÁO DỤC KITÔ GIÁO.

1.
“Người ta sẽ trở nên tất cả, hoặc sẽ không ra gì cả
tuỳ theo nền giáo dục được hấp thụ”.
(ĐGH Clêmentê XIV)
2.
“ Dạy giáo lý là bổn phận đầu tiên và lớn nhất”
(Công đồng Triđentinô)
3.
“ Hỡi giáo dục, ngươi mang tên là nhẫn nại”
(Marcel Prévost)
4.
“ Tôi nghĩ rằng:
người ta sẽ đổi mới được nhân loại,
nếu người ta đổi mới được nền giáo dục tuổi trẻ”
(Leibnitz)
5.
“ Yêu con trẻ, và làm cho con trẻ yêu mình,
đó luôn là bí quyết lớn lao của giáo dục” (Kieffer)
6.
“ Một ngày không có người giáo dục
trong đường ngay nẻo chính, là một ngày lùi về thú tính”
(Tagore)
7.
“ Phước thật cho những ai được Thiên Chúa cho sinh ra trong một gia đình tốt lành và thánh thiện”
(Lamartine)
8.
“ Nền giáo dục tốt là gia tài giàu sang nhất
mà cha mẹ có thể trối lại cho con mình” (Algarotti)
 
9.
“ Hãy giáo dục cho các thanh thiếu niên biết rằng:
các em có một thân xác kỳ diệu,
mà các em cần bảo vệ và phát triển, như là tác phẩm và đền thờ của Thiên Chúa”
(Baden Powell)
10.
“ Lòng trí con trẻ là thửa đất tốt,
nhưng sẽ không khai trổ nhân đức,
nếu không được giáo dục vun xới
và các điều tốt đẹp gieo vào”
(Thánh Gioan Kim Khẩu)
 
 

B. MƯỜI LỜI KHUYÊN VỀ GIÁO DỤC KITÔ GIÁO

CỦA THÁNH GIOAN BỐTCÔ
BỔN MẠNG THANH THIẾU NIÊN CÔNG GIÁO
 
1.       “Hạnh phúc đầu tiên của một thanh thiếu niên là biết mình được yêu mến.
Các em là niềm vui của Thiên Chúa”.
2.       “Thời gian chúng ta dùng để hướng dẫn thanh thiếu niên cầu nguyện,
là thời gian được sử dụng tốt nhất.
Tốt hơn thời gian chúng ta dạy dỗ hoặc cho các em giải trí”.
3.       “Ai xấu hổ, ngại ngùng khi phải khuyên người khác sống đạo đức, thì không xứng đáng là nhà giáo dục”.
4.       “Chúng ta phải khóc thương những người vô ơn, vì họ không được hạnh phúc”.
5.       “Khen khi người ta làm tốt, khiển trách khi họ sai lỗi đã là phần thưởng hay hình phạt rồi”.
 
6.       “Làm việc là một vũ khí hữu hiệu chống lại mọi kẻ thù của linh hồn. Các con thân mến, cha khuyên các con hãy làm việc, làm việc và làm việc”.
7.       “Cha không mong đợi các con điều gì khác, hơn là các con sống tốt và luôn vui vẻ. Các con hãy vui đùa mặc sức, miễn là đừng phạm tội”.
 
8.       “Ai trong các con biết cầu nguyện, thì sẽ bước đi hiên ngang như  một vị vua”.
 
9.       “Một giờ kiếm được vào buổi sáng,
là một kho tàng cho buổi chiều.
Mỗi phút giây là một kho tàng quý giá. Nó giá trị vô cùng, nó có giá trị như chính Thiên Chúa”.
 
10.     “Năng Xưng tội, Dự lễ, Rước lễ, Lần chuỗi mân côi hằng ngày, là những cột trụ nâng đỡ tòa nhà giáo dục thanh thiếu niên”.

nguồn:gpcantho.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận