Thứ Sáu Tuần II Phục sinh

Đăng lúc: Thứ năm - 01/05/2014 19:31 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG, TUẦN 2 PHỤC SINH
 
Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích".
 
Thánh nhân sinh năm 295 tại A-lê-xan-ri-a. Người cộng tác, rồi kế vị giám mục A-lê-xan-ri-a. Thánh nhân chỉ có một mục đích: bảo vệ tín điều về thần tính của Chúa Kitô. Tín điều này đãđược xác định tại công đồng Ni-xê-a. Cũng vì đó người bị công kích khắp nơi. Nhưng dù gặp những giám mục nhút nhát, dù bị săn lùng, dù năm lần bị đày ải, người vẫn giữ được tính khí khái; nhất là giữ được lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người. Người đã viết nhiều tác phẩm vừa để làm sáng tỏ vừa để bảo vệ đức tin chân truyền. Người qua đời năm 373.
 
Lời Chúa: Ga 6, 1-15
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút".
Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo người ta ngồi xuống". Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi". Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.


 SỨ ĐIỆP

  1. Sứ điệp nguyên thuỷ :
(1) Khi mời gọi “đọc” Cv 5, 34-42 qua lăng kính Ga 6, 1-15, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy những ai “ở trong” Con, sẽ được lãnh nhận dồi dào Thần Khí tình yêu của Con, cùng với muôn vàn ân huệ dư tràn và, cũng sẽ, như Ngài, sẵn sàng liều cả mạng sống mình cho Thiên Chúa, cho Ngài, cho Giáo Hội và cho tha nhân, như được phản ảnh, trước tiên, trong Ga 6, 1-15 : ở đây, qua phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, cho thấy đó là tiên trưng những ân sủng do Đức Giêsu-Kitô ban cho nhân loại [“Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Ngài cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý.” (6, 11)]…
(2) Thứ đến, trong Cv 5, 34-42 : ở đây, cho thấy một khi được tràn ngập Thần Khí tình yêu của Con, người ta sẽ sống chết cho Thiên Chúa và cho nhân loại [“Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu.” (5, 41)]…
 

  1. Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Sứ mạng quan trọng của người kitô-hữu mọi thời là làm sao cho thế giới tục hoá và giải thiêng nầy hiểu được rằng hành vi tìm cách loại trừ Thiên Chúa hay tha nhân đồng nghĩa với việc người ta đang tìm cách tiêu diệt chính bản thân mình và tha nhân, bởi vì cấu trúc hữu thể học của mọi thụ tạo, đặc biệt, con người, là “Thiên-Địa-Nhân hoà” : thiếu một trong ba yếu tố đó là con người tự hủy chính mình…
 
 
Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung


 
SUY NIỆM 1: Đấng cứu rỗi thế gian

Phép lạ bánh và cá được hóa ra nhiều là phép lạ duy nhất được tường thuật trong cả bốn Phúc Âm. Ðiều này chứng minh cho chúng ta biết tầm quan trọng của dấu lạ này trong toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu, cũng như trong sinh hoạt của cộng đoàn Kitô tiên khởi thời các tông đồ. Những người Kitô đầu tiên thường dùng dấu hiệu bánh và cá để nói lên niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi thế gian, và là của ăn ban sự sống đời đời. Chúa Giêsu sẽ giải thích điểm này rộng rãi hơn trong bài giảng tiếp sau biến cố phép lạ bánh và cá được hóa ra nhiều. Chúng ta sẽ lần lượt suy niệm về những lời giảng dạy này trong những ngày tới.
Trong những phút suy niệm hôm nay, chúng ta hãy chú ý đến thái độ của dân chúng đối với dấu lạ Chúa thực hiện. Có thể nói rằng dân chúng đã hiểu lầm ý định của Chúa Giêsu. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng dân chúng đã trần tục hóa biến cố, họ hiểu biến cố trong lăng kính vụ lợi vật chất cho bản thân. Phúc Âm theo thánh Gioan ghi lại chi tiết này: "Sau biến cố, dân chúng muốn bắt Chúa đi mà tôn lên làm vua", có lẽ để tiếp tục phục vụ cho những lợi lộc vật chất, cho những tham vọng của họ. Thay vì biến đổi con người mình trở nên sẵn sàng hơn để lắng nghe sứ điệp của Chúa muốn nói với họ. Hãy cố gắng để được ăn của ăn không hư nát, để được sống đời đời, thì dân chúng lại giới hạn dấu lạ trong chiều kích trần tục của cơm bánh để nuôi sống thể xác mà thôi. Ðây có thể nói là một trong những cám dỗ thường hằng của con người qua mọi thời đại, cám dỗ bắt buộc Thiên Chúa phải và chỉ phục vụ cho những nhu cầu vật chất trần tục mà thôi.
Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi làm nô lệ cho những tham vọng trần tục. Chúa vẫn luôn tiếp tục thực hiện những dấu lạ trong đời sống của con, để mời gọi con luôn nâng tâm hồn lên mà nhìn nhận và tôn vinh Chúa hằng ngày. Xin cho con được luôn sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa dạy và sống thực hành trong mọi hoàn cảnh. Xin cho con biết đến gặp Chúa trong bí tích Thánh Thể để được Chúa soi sáng và bổ dưỡng thêm sức mạnh và chu toàn trọn vẹn hơn sứ mạng Chúa đã trao phó cho con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Sự cộng tác của con người

Kể từ năm 1891, sau khi Đức Lêô XIII ban hành thông điệp Tân sự, đã có nhiều thông điệp khác về vấn đề xã hội được công bố nhằm đánh dấu sự phát triển và đào sâu giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Năm 1931 có thông điệp kỷ niệm năm thứ 40 do Đức Piô XI ban hành; năm 1961 có thông điệp Mẹ và Thầy của Đức Gioan XXIII; năm 1981, Đức Gioan Phaolô II kỷ niệm 90 năm thông điệp Tân sự bằng Thông điệp về lao động; năm 1987 ngài ban hành thông điệp “Mối quan tâm về vấn đề xã hội” nhằm kỷ niệm 20 năm thông điệp Phát triển các dân tộc của Đức Phaolô VI; năm 1991 ngài ban hành thông điệp kỷ niệm năm thứ 100 thông điệp Tân sự.
Tuy với những hoàn cảnh cụ thể và dưới những góc độ khác nhau, những văn kiện trên của các Giáo Hoàng đều đề cập đến những vấn đề của thời đại, đó là tương quan giữa lao động và phát triển. Giáo Hội không đề cao bất cứ một thứ chủ nghĩa chính trị và kinh tế nào. Giáo Hội không ngừng cổ võ sự phát triển dựa trên công lý và tình liên đới. Theo giáo huấn của Giáo Hội, nếu trên thế giới còn có các quốc gia nghèo khổ, là vì những nước giầu còn quá ích kỷ chưa muốn san sẻ tài nguyên và sự phát triển của họ. Nếu trong cùng một quốc gia, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo càng lúc càng tăng, là bởi vì người giầu không muốn chia sẻ của cải mình cho người nghèo.
Tin mừng hôm nay là một trong những trang từ đó Giáo Hội mức lấy giáo huấn của mình về vấn đề xã hội. Chúa Giêsu là Đấng toàn năng, Ngài chỉ cần phán một lời thì đám đông hơn 5.000 người đi theo Ngài có thể ăn no nê. Nhưng chúa Giêsu đã không làm thế. Phép lạ Ngài thực hiện xem chừng chỉ có thể diễn ra nhờ 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. 5 chiếc bánh và 2 con cá không là gì so với một đám đông như thế; vả lại trong xã hội Do thái thời đó, em bé vốn cũng chỉ là một con số không trong bậc thang xã hội; vậy mà từ con số không ấy, từ một sự đáp trả khiêm tốn ấy, đám đông hơn 5.000 người đã được ăn no nê.
Bài học mà Giáo Hội đón nhận từ phép lạ ấy thật rõ ràng: lòng quảng đại, sự san sẻ của con người là chìa khoá giúp giải quyết vấn đề nghèo đói. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, vào Giaó Hội tin rằng Ngài vẫn tiếp tục nhân bánh và cá ra nhiều cho những người nghèo đói. Qua bao nhiêu thế kỷ, với những đóng góp và chia sẻ của các tín hữu, đã có biết bao người được ăn uống no nê. Những hoạt động từ thiện, những chương trình trợ giúp phát triển của Giáo Hội là những phép lạ mà Chúa Giêsu không ngừng thực hiện cho những người nghèo đói. Những mẹ Têrêxa Calcutta, những cha Pierre, những nữ tu Emmanuel và bao nhiêu gương mặt âm thầm khác trong Giáo Hội, đó là những em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá đã đóng góp vào việc thực hiện phép lạ.
Một em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá, chỉ với một đóng góp ít ỏi đó cũng đủ để Chúa Giêsu làm một phép lạ cả thể. Ngày nay liệu chúng ta có đủ lòng tin để tin rằng với một ít san sẻ do lòng quảng đại của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn còn đó có thể làm phép lạ để bao người đói khổ chung quanh chúng ta được ăn no nê không?
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 3: Dự tính tương lai

Vậy Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Khi họ đã ăn no nê rồi thì Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiế bánh lúa mạch người ta đã ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga. 6, 11-14)
Đã bao giờ chúng ta suy niệm về điểm quan trọng này chưa? Giáo lý thuở ban đầu đã dạy về phép lạ bánh hóa nhiều bằng sáu câu chuyện tương tự được Tin mừng kể lại. Những câu chuyện này chắc chắn có một số nét chung. Hai lần Đức Giêsu đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều: Một lần từ năm chiếc bánh và hai con cá và thu được mười hai thúng còn dư. Một lần từ bảy chiếc bánh và vài con cá, còn thu được bảy thúng còn dư.
Sự dư thừa dồi dào còn được đối chiếu với câu chuyện Cựu ước trong sách Các Vua từ tám thế kỷ trước Đức Giêsu: Ngôn sứ Ê-li-sê đã làm cho hai mươi tấm bánh hóa ra nhiều cho một trăm người ăn, Chúa cũng đã nói với ngôn sứ: “Họ ăn và còn dư”. Cùng đề tài dồi dào dư thừa do lòng quảng đại của Chúa đã được thể hiện lại trong Tin mừng thánh Gio-an ở tiệc cưới Ca-na: Phép lạ nước biến thành rượu, dồi dào đầy những chum nước lớn chứ không chỉ đầy các chai trên bàn tiệc.
Chắc hẳn, việc Đức Giêsu ban dồi dào dư thừa đó không chỉ là rượu, bánh, của ăn vật chất, nhưng chính là Người nữa, vì Người đã nói: “Ta là cây nho thật” và “Ta là bánh ban sự sống”. Tất nhiên chúng ta phải nghĩ đến phép Thánh Thể. Toàn thể mầu nhiệm về Đức Kitô hàm chứa trong những câu: “Ta là” đã được Tin mừng thánh Gio-an ghi lại: “Ta là … ánh sáng thế gian, là mục tử tốt lành, là cửa chuồng chiên, là sự sống lại và sự sống, là đường, là sự thật và sự sống”. Phải là tất cả những gì chúng ta cần: bánh, rượu, ánh sáng, sự sống, che chở, hướng dẫn, Đức Giêsu là tất cả thứ đó. Thánh Gio-an thêm một định nghĩa nữa Đức Giêsu là Ngôi Lời, nghĩa là Lời Hằng Sống. Với Gio-an, Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Đấng nói với chính Gio-an và với thế nhân, Đấng đã tự nói ra qua các tín hữu của mình … Như thánh Phao-lô đã gọi: Đức Kitô toàn diện, Đức Kitô phục sinh đã nhập thể vào tất cả các kẻ tin nhờ Thánh Thần.
Chúng ta cần phải sống với Đức Giêsu, Đấng đã nuôi dưỡng và tái tạo chúng ta trong Thánh Thần, Đấng đã ban Thánh Thần cho chúng ta, đổi mới chúng ta luôn mãi, Đấng là nguồn mạch sự sống không ngừng, đó là nguồn suối trường sinh khôn lường. Con người mới mà thánh Phao-lô nói với chúng ta, phải thanh tẩy không ngừng, làm việc không ngừng để phụng sự Thiên Chúa. Đấng là nguồn suối chặn đứng mọi cơn khát và mọi già nua, suy thoái của chúng ta.
L.P
 
Suy niệm: “Cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát” là hành động rất quen thuộc của Chúa Giê-su. Các Phúc Âm kể lại ít nhất năm lần Ngài thực hiện cử chỉ này: hai lần hoá bánh ra nhiều (Mc 6,32-44; 8,1-10); trong Bữa Tiệc Ly (Lc 22,19-20); hai lần sau Phục sinh (Lc 24,13-35;Ga 21,1-14). Ai ăn bánh đều phải cầm lấy bánh; nhưng Đức Giê-su cầm lấy bánh là để “dâng lời tạ ơn rồi phân phát”. Chính hành động này đã làm nên sự khác biệt giữa Chúa Giê-su và mọi người. Chứng kiến việc “Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát”, dân chúng phải thừa nhận “Hẳn ông này là vị ngôn sứ phải đến thế gian” (c.14). Tuy họ hiểu sai về ý nghĩa ngôn sứ nơi Đức Giê-su (nên Ngài đã lánh đi), để rồi mãi về sau, ý nghĩa trọn vẹn mới được mạc khải qua việc Ngài tự hiến để trở thành Tấm Bánh bẻ ra trao cho mọi người: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em’” (Lc 22,19).

Mời Bạn: Hành động bẻ bánh của Chúa Giê-su là dấu chỉ để các môn đệ nhận ra ChúaPhục sinh. Và hằng ngày Bánh vẫn tiếp tục được bẻ ra và trao cho chúng ta trong mỗi Thánh lễ. Hãy khám phá nét đặc trưng này để nhận ra ý nghĩa trọn vẹn của việc Bẻ Bánh.

Chia sẻ về những lần rước lễ mà bạn cảm thấy xúc động nhất.

Sống Lời Chúa: Đặt Thánh lễ làm trung tâm và chóp đỉnh đời sống tôi.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Tấm Bánh chấp nhận bị bẻ ra để trao ban, hầu giúp chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho con đừng thờ ơ với nghĩa cử cao đẹp này của Chúa. Amen.
 
(Theo kinhthanhvn.org)
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận