Thánh Giuse Thợ

Đăng lúc: Thứ tư - 30/04/2014 18:43 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
                       THỨ NĂM ĐẦU THÁNG, TUẦN 2 PHỤC SINH – Thánh Giuse thợ.

"Đức Chúa Cha thương mến Con Ngài, nên ban toàn quyền trong tay Con Ngài".
 
Thánh Giuse thợ
Là một người thợ ở làng Galilê, thánh Giuse là mẫu gương người Kitô hữu phải noi theo để chu toàn các bổn phận nghề nghiệp, vì thánh Giuse đã làm việc trong tâm tình liên kết với Đức Giêsu.
Lao động thì vất vả nhưng cũng đem lại niềm vui. Lao động phục vụ con người nhưng cũng giúp đưa tới gần Thiên Chúa: đó là điều ta học được nơi trường học Nagiarét.
 
Lời Chúa: Ga 3, 31-36
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Đấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Đấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Điều gì Người thấy và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chấp nhận. Ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Đấng chân thật. Đấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa, vì được Chúa ban cho thần linh khôn lường. Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con. Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy".
 
SUY NIỆM 1: Tình yêu thương

“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một Ngài cho thế gian, để những ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống đời đời". Ðó là một sự thật quan trọng được Chúa Giêsu mạc khải cho ông Nicôđêmô trong cuộc đối thoại ban đêm, được ghi lại nơi chương 3, Phúc Âm thánh Gioan. Lời quả quyết trên về tình thương của Thiên Chúa đối với con người được Chúa Giêsu lập lại một lần nữa trong bữa Tiệc Ly như sau: "Thật vậy, Thiên Chúa Cha đã yêu thương các con vì các con đã yêu mến Thầy và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến" (Ga 16,27).
Thử hỏi, có ai có uy tín hơn Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, để mạc khải cho chúng ta biết tình thương của Thiên Chúa Cha đối với thế gian, đối với toàn thể tạo vật đã được dựng nên và nhất là đối với tất cả mọi người đã được dựng nên giống hình ảnh của Ngài?
Lý trí tự nhiên của con người qua những suy tư triết học khó có thể, nếu không muốn nói là không bao giờ có thể đạt đến kết luận chắc chắn rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài yêu thương con người đến mức độ cho đi điều quí nhất là chính Con Một Thiên Chúa, để cứu chuộc con người khỏi nô lệ tội lỗi, khỏi phải chết. Chỉ nhờ mạc khải của Chúa Giêsu Kitô, con người chúng ta mới nghe được sự thật đầy an ủi này, Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, Thiên Chúa Cha hằng yêu thương con người. Lý do thôi thúc hành động của Thiên Chúa cứu rỗi con người chính là tình yêu thương, và Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho mọi người biết và cho cả ông Nicôđêmô, là người có đủ uy tín để nói như vậy, bởi vì Người từ nơi Thiên Chúa Cha mà mạc khải cho chúng ta biết.
Những lời tâm sự trên xác nhận căn cứ và nguồn gốc của Chúa Giêsu từ trên cao, từ Thiên Chúa Cha. Những lời này nhắc cho chúng ta nhớ lại những suy tư cao sâu của tác giả Phúc Âm theo thánh Gioan, nơi khởi đầu sách Phúc Âm của ngài như sau: "không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một Ngài là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu Kitô". Làm cho những sự thật được Chúa mạc khải cho con người có được giá trị trỗi vượt hơn mọi lý thuyết, hơn mọi lẽ khôn ngoan do trí khôn con người nghĩ ra. "Kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Ðấng từ trên trời mà đến thì ở trên mọi người". Người làm chứng về những gì Người đã thấy và đã nghe trực tiếp từ Thiên Chúa Cha, vì Người hằng ở cùng Thiên Chúa Cha, được sai xuống trần gian để mạc khải cho con người biết.
Ðáp lại mạc khải của Chúa Giêsu, con người cần khiêm tốn, vâng phục và kính tin. Ðây là điều Chúa mời gọi ông Nicôđêmô ngày xưa và mọi người ngày nay hãy thực hiện: "Ai tin vào Con Thiên Chúa thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời".
Chúng ta đã đáp lại mạc khải của Thiên Chúa như thế nào?
Thảm trạng của con người bắt đầu khi con người tin không có Thiên Chúa và nếu có Thiên Chúa thì họ vẫn lãnh đạm thờ ơ không tin vào Thiên Chúa, và cũng không tin, không quí trọng sự thật được Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, mạc khải nữa. Nhưng thử hỏi, con người có thể dập tắt khát vọng hướng về Thiên Chúa đã ăn rễ sâu trong tâm hồn của mình hay không?
Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha vô cùng vì đã ban cho chúng con Chúa Giêsu Kitô để chỉ cho chúng con biết con đường sống như những con cái Cha, và trở về cùng Cha an toàn. Xin thương giúp cho chúng con trưởng thành trong đức tin mỗi ngày một hơn. Xin củng cố đức tin chúng con trước những thách đố của môi trường xã hội trần tục, không ngừng tìm cách chối bỏ Chúa cũng như cố ý làm méo  và cười nhạo những sự thật do Chúa mạc khải.
Lạy Cha, xin thương củng cố đức tin của chúng con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Hướng nhìn lên cao

Tạp chí Time số tháng 4/95 có ghi lại chứng từ rất cảm động của một cựu tù nhân Mỹ tại Việt Nam, ông Avares. Là một phi công Hải quân, ông đã bị bắn hạ trong một phi vụ dọc theo duyên hải Bắc Việt ngày 5/8/1964. Ông đã bị giam tại Hoả lò trong vòng 8 năm rưỡi. Năm 1993, một nhà sản xuất phim mời ông và một nhóm cựu tù binh Mỹ trở lại Việt Nam để thực hiện một cuốn phim tài liệu. Avares đã trở lại căn phòng nơi ông bị giam, điều duy nhất ông muốn nhìn lại là hình Thánh giá trên bức tường đàng sau phòng giam mà ông đã nhìn lên đó để cầu nguyện. Lời cầu nguyện đã nâng đỡ ông trong những tháng ngày dài thiếu thốn và cô đơn. Ngày nay bức tường đã được tô vôi, cây Thánh giá đã bị một lớp sơn vẽ chồng lên, và ông cho biết có một cái gì đó đã được chôn chặt trong ông, đó không phải là hối hận hay căm thù, mà là tâm tình tri ân Thiên Chúa đã cho ông về với gia đình và đã ban cho ông ơn biết tha thứ và quên đi.
Chứng từ của Avares cho thấy khi con người biết nhìn lên cao, con người sẽ cảm nhận được ơn Chúa trong cuộc sống của mình. Đó có lẽ là ý tưởng mà Tin mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta. Thánh Gioan ghi lại hai cái nhìn về Chúa Giêsu: một của Nicôđêmô và một của Gioan Tẩy giả. Nicôđêmô nhìn vào Chúa Giêsu với những hiểu biết uyên bác nhưng hoàn toàn phàm tục của ông; ông lượng giá về Chúa Giêsu theo thước đo thông thường của loài người, đó là cái nhìn từ dưới đất. Trong khi đó, Gioan Tẩy giả mời gọi các môn đệ ông vượt qua cái nhìn từ dưới đất để có cái nhìn từ trên cao. Và thánh Phaolô đã nói: “Anh em hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô”. Với tâm tình của Chúa Kitô, nghĩa là với cái nhìn của tin yêu và hy vọng, người ta có thể đứng vững trong mọi nghịch cảnh và thử thách; với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nhận được ơn Chúa ngay những lúc như bị bỏ rơi và đánh mất tất cả; với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nhận được tình thương và tha thứ ngay giữa nơi chỉ có hận thù và chết chóc.
Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta trong tâm tình ấy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 3: Trời và đất bất hòa sao?

Đấng từ trên cao mà đến,
Thì ở trên mọi người;
Kẻ từ đất mà ra,
Thì thuộc về đất
Và nói những chuyện dưới đất.
Đấng từ trời mà đến,
Thì ở trên mọi người;
Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe,
Nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người.
Ai nhận lời chứng của Người
Thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. (Ga. 3, 31-33)
Từ Công đồng Vatican 2 đã cho chúng ta ý thức lại giá trị và tự trị của những thực thể trái đất thuộc dự tính của con người. Trái đất không phải là thung lũng nước mắt, vật chất và thân xác không là đồ bỏ. Ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô phải ảnh hưởng tới tất cả mọi thực thể. Thánh Phao-lô đã nói: “Toàn thể tạo vật đang rên xiết mong chờ sự giải thoát”.
Kitô hữu không thể núp mình trong phạm vi hoàn toàn tinh thần và trong thế giới bên kia. Marx đã tố cáo loại người này, họ lãnh đạm trước đau khổ trên trái đất để đi tìm chỗ tốt hơn nơi cao xa, họ còn chẳng làm gì trước bất công và tàn ác, vịn lẽ rằng Thiên Chúa sẽ phạt kẻ giàu và thưởng kẻ nghèo.
Thực ra, rất khó phân lìa và liên kết đất và trời, cũng như những giá trị đất và trời. Hôm nay, Đức Kitô phân biệt một cách như sau: Người nói rằng trời và đất có ngôn ngữ riêng của nó.
Tiếng nói của đất dễ giải nghĩa, vì nó thuộc giác quan của ta. Nhờ đó chúng ta nhận được kiến thức và thông truyền kiến thức.
Tiếng nói của trời khá khó lãnh hội, đó là thứ tiếng chứng từ: Chỉ có Đấng từ trời xuống làm chứng về điều đã thấy, đã nghe, chứng nhận, xác quyết về sự này, điều kia là thực. Còn ngay cả những người được nghe những lời chứng đó cũng không thấy được, biết được sự này, Đấng kia thế nào. Họ cũng không được sống trong diễn biến đó.
Đức Giêsu là chứng nhân của Thiên Chúa, Người đã kể lại những gì đã tồn tại trong Thiên Chúa. Đến lượt chúng ta, chúng ta trở nên chứng nhân của Thiên Chúa, nếu chúng ta là thành phần trong thân thể của Đức Kitô.
Tiếng nói trong Thánh lễ là tiếng làm chứng rằng: Đức Kitô hiện diện trong cộng đồng, chứng thực Thiên Chúa đang hành động qua các dấu chỉ của Thánh lễ. Và người ta sẽ không hiểu gì về những dấu chỉ này trong Thánh lễ hàng ngày và Chúa nhật, nếu người ta không đón nhận tiếng nói của chính Thiên Chúa.
C.G
 
 
Thánh Giuse thợ

Lời Chúa: Mt 13, 54-58
"Ông ta không phải là con bác phó mộc sao?"
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: "Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? và Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?" Và họ lấy làm gai chướng về Người. Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: "Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình". Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.
 

SUY NIỆM 1: Sự thật cứu rỗi

Không phải chỉ trong thời đại văn minh này người ta mới lịch sự đón tiếp đại sứ của một chính phủ hay nguyên thủ của một quốc gia đúng theo địa vị đại diện của họ. Nhưng ngay từ thời xưa, hậu đãi hay ngược đãi sứ giả của một vua là đã phụ đãi hay ngược đãi chính nhà vua và chính quốc gia mà người ấy đại diện. Không phải vì tiếng tăm, học vấn hay tài trí của sứ giả làm cho họ được kính trọng mà chính vì thay mặt nhà vua và một quốc gia mà họ có quyền được hậu đãi như thế. Ðây cũng là điều mà Chúa Giêsu nói với những người Do Thái thời xưa như được kể lại trong đoạn Tin Mừng vừa trích dẫn trên đây.
Câu hỏi mà họ đặt ra trong lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy tại đền thờ làm ta nhớ đến câu hỏi của thượng tế Caipha trong phiên họp thượng hội đồng: "Nếu ông là Ðấng Kitô thì xin hãy nói thẳng ra đi. Ông có phải là Ðấng Mêsia không?". Trong câu chất vấn này, Chúa Giêsu đã không phủ nhận. Chỉ có điều Chúa Giêsu trả lời một cách hơi gián tiếp như sau: "Tôi đã trả lời câu hỏi này mà các ông không tin". Nhưng dù vậy, Chúa Giêsu không bỏ rơi họ để giúp họ tìm thấy sự thật, tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu đã khéo léo làm cho họ chú ý đến quan hệ mật thiết giữa Ngài với Thiên Chúa Cha, mật thiết đến độ Ngài gọi Thiên Chúa là Cha Ngài và làm chứng cho mối quan hệ mật thiết đó bằng việc làm nhân danh Cha Ngài, và việc cao trọng nhất là ban cho kẻ tin Ngài được sự sống đời đời: "Ta sẽ cho họ sống đời đời. Họ sẽ không chết bao giờ và không ai có thể cướp họ khỏi tay Ta".
Nếu đã nhìn nhận mối quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, thì hẳn những người Do Thái sẽ biết trả lời cho câu hỏi "Ông là ai?" như thế nào rồi. "Ta và Cha Ta, chúng ta là một". Ðây là mạc khải quan trọng nhất nhắc ta nhớ lại những suy tư mở đầu Phúc Âm thánh Gioan: "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời sống với Thiên Chúa ngay từ đầu. Vạn vật do bởi Ngài mà có và nếu không có Ngài thì sẽ không có gì cả". Tác giả Phúc Âm thánh Gioan đã có những suy tư cao siêu như vậy khi nhìn về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong viễn tượng Chúa Phục Sinh.
Ước chi mỗi người đồ đệ của Chúa trong ngày hôm nay cũng tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi nhân loại.
Lạy Chúa, với sự kiện Chúa sống lại, không ai trong chúng con nên hồ nghi về mối quan hệ giữa Chúa và Chúa Cha. Xin thương ban ơn giúp mỗi người chúng con sống xứng đáng với niềm tin vào Chúa và đừng bao giờ để con lìa xa Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 

SUY NIỆM 2: Thắc mắc đến bao giờ

Chọn theo đức tin mà Đức Giêsu đòi hỏi không phải là để yên tâm nghỉ ngơi. Đức tin không cất đi những thắc mắc căng thẳng. Chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng lơ lửng: “Hãy nói cho chúng tôi biết ông có phải là Đức Kitô không?”. “Nếu ông là Đấng sống lại thì xin nói cho chúng tôi biết”. “Nếu ông là bánh ban sự sống thì xin nói cho chúng tôi hay”.
Trái lại, gắn bó với Đức Giêsu bằng đức tin chỉ có sự chắc chắn theo kiểu tin cậy của người yêu đối với người được yêu, khi đó dù có chuyện gì xảy ra, thì chẳng có gì quan trọng. Tôi sẵn sàng gắn bó quyến luyến anh, thì tôi luôn trung tín với anh. Cũng thế, chính niềm tin cậy vào Đức Giêsu, được đặt nền trên tình liên kết với Người, mà chúng ta chấp nhận lời Người như một bảo đảm bất biến.
Hôm nay, trong cuộc đàm thoại với chúng ta Người đã bảo đảm sự trung tín và sự cam kết của Người với chúng ta.Người biết rõ chúng ta, Người ban sự sống đời đời và giữ gìn chúng ta trong tay Người. Lòng trung tín của Chúa đã in đậm trong Cựu ước, giờ đây được xác nhận lại rõ ràng nồng nàn đậm đà hơn nữa bởi chính Con Chúa. Chúa không bao giờ bỏ giao ước của Ngài.
Nhưng có lần nào chúng ta nhắc lại lòng trung thành của chúng ta với Đức Kitô không? Nếu chúng ta không trung thành với những người chung quanh thì kể như chưa trung tín với Ngài. Nếu chúng ta thông phần vào đời sống Đức Kitô thì chúng ta phải hội nhập với mọi người.
Nếu chúng ta không biết sát cánh hoạt động với mọi người, không biết liên đới với họ trong tình huynh đệ, chúng ta không trung tín. Như thế chưa có thể nhận biết ai là Đức Giêsu Kitô. Chắc chắn rằng Đức Kitô chăm lo săn sóc cho mọi người đến tột đỉnh, thì những Kitô hữu cũng phải thực hiện theo hình ảnh trung tín của Người như vậy.
 
SUY NIỆM 3: Thái độ đáp trả của chiên

“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Đó là khẳng định của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay. Nghe tiếng chủ chiên là nghe hiểu và đáp trả. Thái độ đó sẽ được đền bù xứng đáng: người chăn chiên sẽ dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi, sẵn sàng liều mạng để bảo vệ chúng. Nghe để rồi tách khỏi bầy, tìm cho mìmh một lối đi riêng thì đâu còn phải là nghe theo tiếng của người chăn. Người chăn sẵn sàng băng rừng vượt suối để tìm con chiên lạc, chứ chẳng bao giờ muốn chiên lạc xa bầy. Đồng cỏ mà người chăn dự tính trong đầu được dành cho cả bầy, tách rời khỏi bầy chắc chắn chiên không thể đến được đồng cỏ này. Tưởng rằng chỉ một mình thức tỉnh nghe và theo tiếng gọi, trong lúc cả bầy chiên chưa nghe biết, rất có thể đó là tiếng gọi giả hiệu của sói dữ muốn chiên rời xa sự chăm sóc của chủ để dễ dàng tấn công.
Giáo Hội là đàn chiên của Chúa. Lời hứa chăm sóc bảo vệ đàn chiên của Chúa Giêsu không chỉ dành riêng cho thời các Tông đồ hoặc các cộng đoàn tiên khởi, nhưng đã trải dài suốt 20 thế kỷ nay. Biết bao thế lực chống đối chủ trương triệt hạ Giáo hội, nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại nhờ sự bảo về đầy quyền năng của chủ chăn. Trong đàn chiên Giáo Hội này, mỗi con chiên đều được người chăn biết rõ, và gọi tên và chiên có bổn phận phải nghe và đáp trả. Sự đáp trả có thể mang nhiều sắc thái khác nhau, nhưng dù sao vẫn không thể ra ngoài lối đi của tất cả đàn chiên, vì đó là lối dẫn đến sự sống.
Ước gì chúng ta biết lắng nghe và đáp lại tiếng gọi của Chúa, đồng thời trung thành với đàn chiên Giáo Hội, bởi vì một khi lạc xa đàn, chúng ta sẽ không thể tìm được đồng cỏ và suối nước trong, nơi mà người chăn chiên muốn cho cả đàn chiên vui hưởng.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 4: Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn

"Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn..."
Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse... Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 - 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.
Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang... dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp...
Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...
Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực...
Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao...
Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...
(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – Radio Veritas Asia)
 
SUY NIỆM 5: Thánh Giuse: người lao động.

“Con bác thợ mộc”! Lời phát biểu này không có gì là khinh chê, chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên, người ta không thể tưởng tượng được cậu con trai tầm thường, mà mọi người trong làng Nadarét đều biết con của Giuse sống trong tối tăm. Thế mà mọi người đều thấy cậu khôn ngoan, đầy quyền lực làm phép lạ. Luca đã dẫn hai câu châm ngôn ngắn gọn: Ngôn sứ không ở quê nhà! thầy thuốc không thiêng cho bà con! để giải thích hoàn cảnh này, họ còn đi xa hơn nữa biến đổi sự ngạc nhiên ra sự xúc phạm: họ dận dữ và quyết định giết đi cho khuất mắt. Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều có nói: Đức Giê-su không muốn và cũng không thể làm được phép lạ vì họ cứng lòng tin... Những Phúc Âm hoang đường đã viết, Người đã làm nhiều điều kỳ diệu để tỏ cho họ biết Người là vị anh hùng vĩ đại, chỉ giản dị với danh hiệu: “Con bác thợ mộc”. Bác thợ mộc không có một ngôn sứ, không biết ăn nói, Giêsu chỉ là con ông Giuse thinh lặng thôi...
Giuse, Ngài đã nhận những lệnh của trời không qua cuộc đàm thaoị như Ma-ri-a và Giacaria, nhưng qua giấc mơ, Ngài không thể nói gì; chỉ biết tỉnh dậy vâng lời Giouse chỉ nói một tiếng như thiên sứ bảo; đặt tên con trẻ sinh ra bởi Ma-ri-a là Giêsu (có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ như Giosuê). Ngài đã nhận lệnh đặt tên, để biểu lộ Ngài được những đặc quyền thuộc dòng dõi David. Đó là dấu chỉ ân phúc cho Ngài như thiên sứ nói để giải tỏa nỗi âu lo của Ngài trước sự mang thai của Ma-ri-a: Giuse con dòng David... đó là vai trò thừa kế, không phải bằng đời sống huyết nhục, nhưng bằng sự nghiệp phong phú của lịch sữ Israel để thực hiện lời hứa với David. Nơi người con nuôi duy nhất của mình... vâng, Giuse chỉ nói một tiếng Giêsu, nhưng tiếng nói này quyết định cho lịch sử cứu độ. Rồi Ngài lại đi vào thinh lặng. Như Claude đã viết: “Khi những dụng cụ được xếp vào chỗ của chúng rồi thì công việc trong ngày đã xong. Khi con lạc đà ở sông Giócdan Israel ngủ trong cánh đồng, lúa về ban đêm... thì Giuse đi vào trong cuộc nói chuyện của Thiên Chúa với những tiếng thở dài không dứt...”.
L.P


LAO ĐỘNG VÌ YÊU THƯƠNG

“Ông ta không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,55)

Suy niệm: “Hãy yêu thích lao động không phải vì lợi nhuận hay phần thưởng; tuy vậy Thiên Chúa đã quyết định rằng lợi lộc lớn lao sẽ là hoa trái cho mọi lao động do yêu thương” (E. White). Thánh Giu-se nhiệt tình trong công việc hằng ngày của nghề thợ mộc, không chỉ vì “tay làm hàm nhai,” nhưng còn vì Ngài đặt vào đó trọn tình thương dành cho Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su mà ngài có nhiệm vụ chăm sóc. Ngài trở thành mẫu gương cho mọi người lao động muốn sử dụng công ăn việc làm như món quà yêu thương đối với những người thân yêu của mình. Thánh Giu-se làm nghề thợ mộc, một nghề thủ công bình thường, tiêu biểu cho sự đóng góp của đám đông công nhân vô danh cho cho sự phát triển của nhân loại, cho ấm no hạnh phúc của con người.

Mời Bạn: Bên cạnh những tên tuổi tầm cỡ có ảnh hưởng đến thế giới, vẫn có đám đông khổng lồ đang âm thầm cộng tác cho việc nâng cao điều kiện sống an vui của xã hội. Thánh Giu-se là quan thầy của những con người vô danh ấy, trong số đó có bạn. Ngài ở bên cạnh bạn, nâng đỡ niềm hãnh diện khiêm tốn của bạn trong tư thế người lao động.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín công việc lao động có giá trị hay không tùy theo ý hướng tôi làm vì ai và tôi đã có những đức tính nào khi làm công việc ấy. Ý hướng của tôi từ nay sẽ là vì Chúa, vì những người thân yêu, vì người nghèo...
 
Cầu nguyện: Lạy Thánh Giu-se, cảm tạ ngài đã nêu gương lao động miệt mài vì muốn bày tỏ tình thương mến dành cho Đức Mẹ và Chúa Giê-su. Xin cho chúng con ngày hôm nay cũng biết sử dụng công việc lao động như món quà quý giá cho người thân yêu. Amen.

 kinhthanhvn.org



SUY NIỆM: 

Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của thánh lễ kính Thánh Giuse Thợ được Giáo Hội chọn, đó là vì người cùng quê với Đức Giê-su đã kinh ngạc về sự khôn ngoan trong lời giảng dạy của Người và đã thốt lên :
Ông không phải là con bác thợ sao?
Một đàng, lời nói này diễn tả sự vấp ngã, nghĩa là không tin, của người Do Thái cùng quê với Đức Giê-su, nhưng đàng khác, lại vô tình cho chúng ta nhận ra rằng, mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa thật đến mức nào, đặc biệt ngang qua đời sống ẩn dật : Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa thực sự dưới mắt mọi người là “Con Bác Thợ” !
Chính trong mức độ này mà Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu vừa tôn vinh Thánh Giuse Thợ của chúng ta, nhưng thật là kín đáo, và vừa tôn vinh căn tính thần linh của Đức Ki-tô. Phải chăng đó cũng là lựa chọn của Thánh Giuse khi đảm nhận vai trò lớn lao là đón nhận, bảo vệ và làm cho Con Thiên Chúa nhập thể lớn lên, ngang qua đời sống bình dị của một người thợ ? Và người đã sống đến cùng lựa chọn này đến cùng trong sự thinh lặng tín thác, quảng đại và yêu thương.

1. Nghịch lý đức tin

Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về một nghịch lý lớn nhất thuộc về đức tin Ki-tô của chúng ta, nghĩa là về niềm tin nơi Đức Giê-su Nazareth, Đấng đến từ chính Thiên Chúa. Một đàng, những người nghe Đức Giê-su đều biết hết về Ngài, bởi vì họ là những người cùng quê với Ngài. Họ biết cha mẹ của Ngài, là bác thợ và bà Maria ; họ cũng biết anh em của Ngài và gọi đích danh họ : Gia-cô-bê, Gio-xếp, Simon và Giu-đa ; và họ còn biết rõ hơn nữa tất cả chị em của Ngài, bởi vì các cô là bà con lối xóm của họ. Đó chính là cái biết chắc chắn và khách quan về gốc gác nhân loại của Đức Giê-su.
Nhưng đàng khác, những người cùng quê với Đức Giê-su lại nghe nói về những gì Ngài đã làm, nhất là về những phép lạ ; và giờ đây, họ còn nghe trực tiếp Đức Giê-su giảng dạy trong hội đường, và lời giảng của Ngài làm cho họ sửng sốt : “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” Câu hỏi lại được đặt ra một lần nữa, sau khi họ đã kể ra một cách chính xác những gì họ biết về Ngài : “Vậy bởi đâu ông ta được như thế ?”
Như thế, nơi ngôi vị của Đức Giê-su, nơi hành động và lời nói của Ngài, có điều gì đó vượt qua cái biết khách quan thuộc bình diện lịch sử. Đức Giê-su vừa là một con người như chúng ta, vừa siêu vượt con người. Đó chính là nghịch lý của đức tin Ki-tô.
Nhưng khởi đi từ nghịch lý, mà chính họ đích thân trải nghiệm, những người cùng làng với Đức Giê-su đã không tin, tin rằng Đức Giê-su có một tương quan duy nhất với Thiên Chúa, tin rằng Ngài là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Cũng vậy, nhờ vào các phương pháp và phương tiện rất hiệu quả, con người thời nay có được một kiến thức sâu rộng về con người Đức Giê-su trên bình diện tôn giáo, văn hóa, lịch sử, và họ cũng phải công nhận nơi nhân cách của Ngài có điều gì đó siêu phàm ; nhưng đàng khác họ cũng có cùng một lựa chọn không tin. Dường như, người ta càng dấn mình vào lãnh vực kiến thức lịch sử về Đức Giê-su, người ta càng gặp khó khăn trong niềm tin, rằng Ngài đến từ Thiên Chúa, và Ngài là Thiên Chúa. Chắc chắn, đó cũng là khó khăn trong niềm tin của chính chúng ta ở một mức độ nào đó hay trong một giai đoạn nào đó.

2. Ơn huệ đức tin

Người ta, hoặc cả chúng ta nữa, gặp khó khăn trong đức tin, bởi vì đối tượng của đức tin, ở đây là căn tính thần linh của Đức Giê-su, không phải là điều để biết hay để thấy. Tin nơi Đức Giê-su Ki-tô, là Con Người và là Con Thiên Chúa là ơn huệ Thiên Chúa ban ; và về phía chúng ta, chúng ta liều mình dấn thân và cho đi cả cuộc đời trong lựa chọn tin nơi Đức Giê-su Ki-tô. Và niềm tin của chúng ta hoàn toàn không mù quáng, bởi vì chúng ta có kinh nghiệm cảm và nếm thần tính ngọt ngào nơi lời nói, hành động và nơi ngôi vị của Đức Giê-su, chúng ta đã đón nhận những hoa trái tốt đẹp cho sự sống này của chúng ta, và nhất là niềm tin nơi Đức Giê-su làm no thỏa lòng khao khát vô biên có nơi con người chúng ta, chữa lành những “bệnh hoạn tật nguyền” có nơi tương quan của chúng ta với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa. Bởi vì, Chân Lý Thần Linh không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình.
Chắc chắc có những lúc chúng ta ước ao có được những ơn phúc như thế : thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, vì chúng ta thường nghĩ rằng, với những ơn phúc như thế sẽ dễ dàng tin Ngài là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Nhưng Lời Chúa trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, kể lại điều hoàn toàn ngược lại : những người thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, lại vấp ngã không tin, đến độ Đức Giê-su lấy làm lạ ; và vì không tin, nên Ngài không thể làm những điều lạ lùng cho họ.
Tại sao lại như vậy ? Điều người ta phải tin, tin Đức Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, thì vượt xa tất những gì người ta thấy, nghe và biết. Tin Đức Giê-su Ki-tô là ơn phúc lớn nhất Chúa ban cho các môn đệ, cho Giáo Hội và ngang qua Giáo Hội, cho từng người chúng ta hôm nay, dù chúng ta không có những ơn phúc của những người đồng hương với Đức Giê-su.
Và chúng ta được mời gọi mở lòng mình ra, mở cuộc đời của chúng ta ra, mở từng ngày sống của chúng ta ra, để đón nhận Đức Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chính khi đó, Chúa sẽ làm cho mỗi người chúng ta, cho Gia Đình chúng ta và cho Cộng Đoàn chúng ta những điều lạ lùng.

3. Hoa trái đức tin

Hơn nữa, dưới ánh sáng của ngôi vị Đức Giê-su Ki-tô, vừa con người và vừa Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra chiều kích thần linh hiện diện ở khắp nơi trong sáng tạo, trong lịch sử và trong chính cuộc đời và ngôi vị của chúng ta. Bởi vì, vạn vật được tạo dựng bởi Ngôi Lời (Ga 1, 3), theo hình ảnh của Ngôi Lời, cho Ngôi Lời và được làm cho viên mãn bởi Ngôi Lời (x. Ep 2, 3-14).
*  *  *
Xin cho chúng ta mỗi ngày biết nhận ra ơn phúc đức tin Chúa ban và quảng đại đón nhận và sống đức tin, để Chúa làm cho chúng ta những điều lạ lùng mỗi ngày : đó là mầu nhiệm Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ, có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của ma quỉ, và những điều xấu xa thuộc về ma quỉ, để làm cho chúng ta hiệp nhất trong tình thương với Chúa và với nhau, với những người còn sống cũng như với những người đã qua đời hôm nay và mãi mãi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận