Thứ Ba sau CN III PS

Đăng lúc: Thứ hai - 05/05/2014 19:15 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THỨ BA TUẦN 3 PHỤC SINH.
"Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực".
 


Lời Chúa: Ga 6, 30-35


Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Chúa Giêsu đáp: "Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian". Họ liền thưa với Ngài rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi". Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".
 
SUY NIỆM 1: Bánh trường sinh

Trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, mức tiêu thụ đã gia tăng nhanh chóng và xâm nhập vào hầu hết mọi chiều kích của cuộc sống con người, đến độ chúng ta gọi nền văn minh hiện nay là văn minh tiêu thụ. Từ năm 1975 đến năm 2000, mức tiêu thụ của thế giới đã gia tăng gấp đôi. Tổng cộng mức tiêu thụ của thế giới trong hai mươi lăm năm qua đã lên đến hai mươi bốn ngàn tỉ Mỹ kim. Ðây là một hiện tượng tích cực hay tiêu cực.
Sự gia tăng của mức tiêu thụ có gia tăng với sự phát triển đích thực của con người không? Ðây là những câu hỏi cơ bản mà bản báo cáo cuối cùng của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc đã nêu lên, để rồi cuối cùng đưa ra khẳng định như sau: "Sự tiêu thụ của cải và các dịch vụ là một sinh hoạt thường hằng trong đời sống mỗi ngày. Tuy nhiên, đó không phải là cứu cánh tối hậu của mỗi cá nhân. Hơn nữa, cho dẫu của cải và và các dịch vụ có thừa mứa và mức tiêu thụ có gia tăng theo một mức độ làm chóng mặt, trật tự xã hội vẫn không tốt đẹp hơn."
Theo bản báo cáo của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc, hiện nay một gia đình trung lưu tại Phi Châu tiêu thụ hai mươi phần trăm ít hơn cách đây hai mươi lăm năm. Hai mươi phần trăm dân số thế giới vẫn còn đứng bên lề sự gia tăng mức tiêu thụ của thế giới. Trong bốn tỉ bốn những người đang sống trong các quốc gia đang phát triển, gần ba phần năm vẫn chưa có được những hạ tầng cơ sở về vệ sinh. Một phần ba thiếu nước uống. Một phần tư không có được cái bếp ăn chốn ở cho đàng hoàng. Một phần năm không biết thế nào là các phương tiện chăm sóc sức khỏe hiện đại. Một phần năm trẻ em không được cắp sách đến trường cho hết bậc tiểu học và một phần năm khác không có đủ chất đạm và một chế độ ăn uống đầy đủ. Trong số hai tỉ người thiếu máu trên khắp thế giới chỉ có năm mươi lăm triệu sống tại các nước tiên tiến. Chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo, chênh lệch ngay trong cùng một nước. Ðây là hiện tượng không thể chối cãi được trong nền văn minh tiêu thụ ngày nay. Khoảng cách giữa các nước giàu và những nước nghèo càng xa; khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong cùng một nước lại càng xa hơn. Nguyên nhân của sự chênh lệch ấy chắc chắn chỉ có thể là sự ích kỷ của con người mà thôi, càng có con người càng muốn có thêm và chỉ muốn chiếm giữ cho riêng mình. Sự giàu có về của cải vật chất do đó cũng đương nhiên làm cho con người được phong phú hơn. Ðây là chân lý mà Giáo Hội không ngừng nhắc nhở cho con cái mình.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về cùng đích của cuộc sống chúng ta là chính Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn được khát vọng thâm sâu của con người. Ðám đông những người Do Thái được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau đã tìm đến Ngài. Chúa Giêsu biết rõ họ đi tìm Ngài không phải vì đã thấy được ý nghĩa của phép lạ hoặc lắng nghe lời giáo huấn của Ngài, mà chỉ vì của ăn nuôi thân xác. Ngài kêu gọi họ hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu mà Ngài đã muốn thể hiện qua phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều. Quả thật, qua phép lạ ấy, Chúa Giêsu báo trước bánh trường sinh là Ngài. Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho mọi người, ai tin nhận Ngài, đón nhận sự sống của Ngài, người đó sẽ được trường sinh, người đó sẽ tham dự vào chính sự sống của Ngài, nghĩa là cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra để san sẻ và trao ban cho người khác. Chỉ có một cuộc sống như thế mới thực sự đáng sống, vì nó mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người. Với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã có thể nuôi nấng một đám đông trên năm ngàn người. Quả thật, Ngài chỉ cần nói một lời, múa cây đũa thần cũng đủ để nuôi sống cả nhân loại, nhưng Chúa Giêsu đã không đến như một phù thủy, Ngài cũng chẳng đến để mang lại bất cứ một giải pháp kinh tế nào, Ngài đến là để trở thành tấm bánh được bẻ ra và trao ban. Ai thực sự ăn tấm bánh ấy cũng có thể trở thành một tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho người khác. Nhân loại thiếu ăn không phải vì thiếu cơm bánh mà chỉ vì thiếu lòng quảng đại khi những bàn tay được mở ra để trao ban và san sẻ với người khác mà thôi. Cái đói khủng khiếp của nhân loại hẳn không là đói cơm bánh mà chính là đói tình thương và lòng quảng đại của con người.
Ước gì được nuôi sống bằng tấm bánh bẻ ra là Chúa Giêsu, các tín hữu cũng trở thành tấm bánh được bẻ ra cho người khác.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
 
SỨ ĐIỆP
 
  1. Sứ điệp nguyên thuỷ :
(1) Khi mời gọi “đọc” Cv 7, 51 – 8, 1a qua lăng kính Ga 6, 30-35, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy Đức Giêsu-Kitô chính là Bánh từ Trời do Thiên Chúa ban cho thế gian và ai “ăn” Ngài sẽ được sống sự sống vĩnh hằng, như được phản ảnh, trước tiên, trong Ga 6, 30-35 : ở đây, chính Đức Giêsu cho biết Cha Ngài là Đấng ban Bánh từ trời và Ngài chính là Bánh đó [“Đức Giêsu đáp : ‘…Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực…Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ’.” (6, 32.35)]…
(2) Thứ đến, trong Cv 7, 51 – 8, 1a : ở đây, cho thấy con người và cuộc đời của Têphanô chính là chứng tá của con người đã được “ăn” Bánh mang lại Sự sống vĩnh hằng đó :  trong vụ án của ngài, Têpanô đã phản ứng gần như hoàn toàn giống những phản ứng của Đức Giêsu-Kitô trong Biến cố Thụ nạn của Ngài [“Rồi Têphanô quì gối xuống, kêu lớn tiếng : ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội nầy’.” (7, 60)]…
 
  1. Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Đối với thế giới tục hoá và giải thiêng, vẫn thường ưa thích những lương thực chóng hư nát (tiền của, danh vọng, quyền lực thống trị kẻ khác, những thú vui chóng tàn), những loại “thức ăn nhanh”, những chứng tá như Têphanô, mẹ Têrêxa thành Calcutta quả thật vô cùng cần thiết cho con người ngày nay, vốn ưa thích những chứng nhân hơn là những thầy dạy…
 
Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung
 

SUY NIỆM 2: Cái nhìn thiển cận

Một gia đình ếch sống dưới một đáy giếng tăm tối, không thấy ánh sáng mặt trời cũng không biết những gì đang xẩy ra bên ngoài. Ngày nọ, có một con chim sơ ca bay xuống nói với dòng họ ếch về thế giới của mặt trời, của hoa cỏ, của tình yêu. Nghe thế, tộc trưởng ếch liền nới với đồng bào mình: “Các ngươi nghe chưa, thế giới của bạn sơn ca mô tả là một thứ thiên đàng không tưởng, nơi chỉ có những con ếch tốt, tức những con ếch chịu đau khổ dưới đáy giếng mới được lên tới mà thôi”. Tuy nghe những lời mỉa mai đó, một số ếch vẫn tin vào lời chim sơn ca. một chú ếch sau khi nghiên cứu tình hình đã giải thích: “Thế giới mà bạn sơn ca loan báo không phải là thế giới khác đâu, đó chính là thế giới của chúng ta; thêm một chút ánh sáng, một chút gió mát, một chút thực phẩm, chúng ta có ngay thiên đàng dưới đáy giếng này”. Thế nhưng đa số đồng bào ếch đã thấy được sự phỉnh gạt của lời giải thích ấy, chúng vùng lên ra khỏi đáy giếng và thấy được thế giới có mặt trời, trăng sao, hoa cỏ, tình yêu.
Những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là đại biểu của vô số những người không muốn nhìn lên khỏi đáy giếng tăm tối của họ. Dù chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa, nhất là đã được Ngài cho ăn no thoả, nhưng cái nhìn của họ không vượt lên khỏi bao tử của họ. Khi Chúa Giêsu cho họ ăn bánh no nê và mời gọi họ đến thứ bánh không hư nát, họ đã chối từ Ngài; đôi mắt họ chỉ dán chặt vào thứ cơm bánh chóng qua; họ chỉ hướng đến cái trước mắt.
Đức tin là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa cho con người. Đức tin ấy chính là ánh sáng chiếu dọi vào đáy giếng tăm tối mà con người đã rơi xuống. Đức tin ấy là sức mạnh lôi kéo con người khỏi cái tăm tối ấy. Đức tin ấy cũng chính là cái nhìn về chân trời đầy ánh sáng Thiên Chúa ban cho con người.
Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta đức tin ấy. Cảm tạ Chúa đã cứu độ vào lôi kéo chúng ta ra khỏi vùng tăm tối của tội lỗi. Xin cho chúng ta được mãi là con người mới với Đức Kitô Phục sinh, được cùng tiến bước với Ngài để luôn sống như Ngài, nhìn đời bằng chính đôi mắt của Ngài và yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 

SUY NIỆM 3: Hãy tin

Đức Giêsu bảo họ:
“Chính tôi là bánh trường sinh.
Ai đến với tôi, không hề phải đói;
Ai tin vào tôi chẳng hề khát bao giờ!” (Ga. 6, 35)
“Hãy cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh đó”.
“Hãy cho chúng tôi uống mãi thứ nước đó”.
Lúc đó không còn phải vất vả lao khổ nữa! Người Ga-li-lê cũng như người Sa-ma-ri chỉ biết có xin cho, xin cho để Chúa làm những phép lạ cho mình.
Thứ tôn giáo dễ dãi, mê tín dị đoan, ỷ nại, vị kỷ. Thứ tôn giáo làm suy thoái con người cầu đảo, ném tất cả mọi tham vọng của mình vào Thiên Chúa. Họ lợi dụng Thiên Chúa. Họ quên rằng Thiên Chúa đặt đường lối cho họ đến gặp Ngài, đường lối của Thiên Chúa không thể theo đường lối của chúng ta. Ngài luôn luôn đòi ta phải ăn năn sám hối trở về với Ngài để “ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Cũng không phải trên trời phải như dưới đất.
Người Do thái cũng không lầm khi tin Đức Giêsu: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa?”. Và Đức Giêsu cũng chẳng lầm khi trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn là hãy tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến”. Làm là gì? làm ở đây là thực hiện đức tin, là việc nội tâm, là tự tạo mình để tỏ lòng tin, tự đón nhận tận đáy lòng thuận theo chương trình của Thiên Chúa. Thuận theo, vâng phục là một ơn phải cầu xin cho mình chỉ thực hiện trong chân lý, chúng ta phải chứng tỏ chúng ta chân thật trước tôn nhan Chúa, phải vượt qua những ước muốn hời hợt phàm trần bên ngoài như lối cầu xin “xin cho chúng tôi được bánh đó mãi mãi”. Để tiến tới lối cầu xin những điều cần thiết sâu thẳm: xin ánh sáng chân lý chiếu soi, xin được can đảm hy sinh, xin được tận tâm hiến thân. Tận đáy nền của việc cầu nguyện là gắn bó, cam kết, hiệp nhất.
Như thế toàn diện đời sống chúng ta mới có thể đến với Đức Kitô, sống với Người làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa.
Cầu nguyện không phải là trốn trách nhiệm, nhưng xin Chúa giúp mình làm tròn trách nhiệm. Cầu xin hòa bình không phải xin phép lạ, chính là xin để mọi người sáng suốt, can đảm và khả năng xây dựng hòa bình.
Man-na là bằng chứng Thiên Chúa ở với Mô-sê. Bánh hóa nhiều có nghĩa là chính Đức Giêsu là bánh từ Chúa Cha ban cho thế gian được sống vô cùng hơn của ăn vật chất, vì nhờ đức tin vào Người, chúng ta được tham dự vào chương trình Thiên Chúa. Thay vì rước Thánh Thể như một bánh ảo thuật, tín hữu phải nhìn thấy Đức Giêsu đến ban tặng tình yêu cho ta được làm bạn với Người để giải khát cơn đói chân lý, đói sự sống của ta, cho ta được hiệp thông với Thiên Chúa.


Suy niệm 4: 

Người Do-thái đổ xô đi tìm Chúa Giê-su sau khi được Ngài cho ăn bánh no nê. Giấc mơ về một Đấng Cứu Thế sẽ cho họ “’ăn bánh bởi trời” như Mô-sê đã cho cha ông họ ăn Man-na trong hoang địa ngày xưa, giờ đây họ nghĩ rằng sắp được hiện thực nơi Đức Giê-su. Chúa Giê-su vạch rõ ý nghĩ thực dụng này của họ: “Các ông đi tìm tôi… vì đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Ngài mời gọi họ đừng dừng lại ở thứ lương thực vật chất đó mà vươn lên tìm kiếm thứ “bánh bởi trời đích thực”, “bánh đem lại sự sống đời đời.” Và Ngài cho biết chính Ngài là thứ Bánh đó: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,36).

Mời Bạn: Người ta ưu tư về nạn đói cơm bánh, vấn đề muôn thuở của con người; điều đó là đúng và thật khẩn thiết. Thế nhưng, người ta dễ quên bên cạnh đó cũng tồn tại “cơn đói” đời sống vĩnh cửu, “cơn đói” Thiên Chúa, “đói” Lời của Ngài. Chúa dạy chúng ta khi lo toan vì cơm bánh ăn hằng ngày thì cũng đừng quên tìm kiếm “Bánh bởi trờiđích thực” là tấm bánh hằng sống Ngài ban cho những ai tin vào Ngài.

Sống Lời Chúa: Tham dự Thánh Lễ và rước lễ sốt sắng với tâm tình cảm tạ.
 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con món quà vô giá là chính Thánh Thể Chúa. Xin cho chúng con luôn tìm thấy sức mạnh và ân sủng để tiếp tục trên hành trình theo Chúa về quê hương vĩnh cửu.


kinhthanhvn.ỏg




Suy niệm 5:

Trong bốn ngày liên tiếp, từ hôm nay đến thứ sáu, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại toàn bộ lời của Đức Giê-su về “Bánh Trường Sinh” (Ga 6, 30-58). Bản văn Tin Mừng theo thánh Gioan về “Bánh Trường Sinh” này có thể được chia làm 3 phần: phần 1 (c. 30-40): bài Tin Mừng của ngày thứ ba và thứ tư; phần 2 (c. 41-51): bài Tin mừng của ngày thứ năm; và phần 3 (c. 52-58): bài Tin Mừng của ngày thứ sáu; và có cấu trúc song song luân phiên như sau:

1. Những vấn nạn

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, mỗi đoạn đều được bắt đầu bằng một vấn nạn của người Do Thái
- Khi Đức Giê-su nói: “Công trình của Thiên Chúa, là các ông tin vào Đấng Người sai đến” (c. 29). Họ chất vấn Đức Giê-su: “Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?” (c. 30)
- Khi Đức Giê-su nói: “Tôi là bánh từ trời xuống”; họ nêu vấn nạn: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giuse đó sao?” (c. 42)
- Và khi Đức Giê-su nói: “Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Họ liền tranh luận sôi nổi với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (c. 52)
Các vấn nạn đều đòi hỏi những bằng chứng hiển nhiên (khách quan, bên ngoài), thể lý và hữu hình, nghĩa là thuộc bình diện của “nhu cầu”: nhìn dấu lạ, biết nguồn gốc và ăn đồ ăn. Những vấn nạn có thể được coi như những lời lẩm bẩm, giống như Dân Chúa trong sa mạc đã lẩm bẩm, vì Đức Giê-su nói với họ: “các ông đừng có xầm xì với nhau” (c. 43). Chúng ta đừng quên, trong số những người nghe, có các môn đệ; và trong số họ, có những môn đệ sẽ bỏ Ngài ra đi sau khi nói: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi?” Trong mức độ nào đó, lời “lẩm bẩm” này còn nghiêm trọng hơn những vấn nạn của người Do Thái, vì phản ứng như thế là từ chối đối thoại. Những vấn nạn này luôn tồn tại trong lịch sử và ngày nay vẫn còn rất thời sự.
Có lẽ chúng ta chỉ cầu nguyện được với đoạn Tin Mừng này, nếu chúng ta ở mức độ nào đó, nhận những vấn nạn làm của mình, hay đó cũng là những vấn nạn của chính chúng ta. Xin cho chúng ta có được kinh nghiệm thiết thân, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, là Đức Ki-tô. Chứ không phải là không phải là thấy, biết, hay ăn uống Đức Ki-tô một cách vật chất.

2. Nhu cầu và ước ao

Đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an khá dài về Bánh Hằng Sống mở đầu và kết thúc với hình ảnh Manna: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời” (c. 31); “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đãchết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (c. 58) Xin cho chúng ta cảm nhận được sự sống mới, khi “ăn” bánh từ trời xuống, là chính Đức Giê-su. Để hiểu lời của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống, chúng ta cần phân biệt nhu cầu và ước ao có nơi mỗi người chúng ta.
Thực vậy, con người không thể ăn bánh ăn mà lại, ngang qua nhu cầu rất căn bản này, không ước ao sự hiện diện, không hướng tới sự hiện diện. Chúng ta vẫn nói: “rượu ngon, phải có bạn hiền”. Ngang qua việc đón nhận lương thực hàng ngày, con người chúng ta còn ước ao sự hiện diện nhân linh (nhân linh nghĩa là điều thuộc riêng con người, điều thuộc về nhân tính); và không chỉ sự hiện diện nhân linh, mà còn sự hiện diện thần linh nữa (ước ao trọn vẹn thay vì dở dang, tuyệt đối/tương đối, mãi mãi/mau qua).
Ước mơ có được “thần lương” nói lên ước ao này, đó là bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên không thể không ước ao Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa gieo vào nơi sâu thẳm của con người lòng ước ao. Ngài làm thế, chính là để làm thỏa mãn; Thiên Chúa làm thỏa mãn ước ao của con người nơi Đức Giêsu Kitô. Chúng ta thử tưởng tượng: một quà tặng cho một người hoàn toàn không có ước ao gì hay khao khát nào, thì chẳng có ý nghĩa gì, và không thể tạo ra niềm vui. Lòng ước ao nơi con người là một khoảng trống mà chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy được thôi.
Chính Đức Giêsu là bánh đích thực, là lương thực đích thật đem lại sự sống. Bánh sự sống không phải là bánh ăn mãi không hết, cũng không phải là thứ bánh cải lão hoàn đồng, trường sinh bất tử, không phải thứ bánh ăn vào là no luôn, nhưng là căn tính của Đức Giêsu, là ngôi vị của Đức Giêsu, mà người ta được mời gọi đích thân “cảm nếm”. Đây chính là điều mới mẻ hoàn toàn so với Xuất Hành, với toàn bộ lịch sử cứu độ, lịch sử loài người.
Vì thế, lời của Đức Giêsu không thể dựa trên bất cứ một bằng chứng nào, cho dù đến từ trời; Lời của Ngài vượt quá mắt phàm, vì người ta chỉ thấy Ngài là con ông Giuse; và Lời của Ngài cũng quá chướng tai, vì Ngài tuyên bố mình là lương thực đem lại sự sống đích thực cho con người. Đó là vì Lời của Ngài chỉ có một “đối tác” duy nhất, có một chỗ vang vọng duy nhất: đó là lòng ước ao (khác với nhu cầu). Ước ao là một chuyển động hướng đến một Đấng Khác mà tôi không thể tạo ra được, và ước ao cũng là một chuyển động hướng tới một ơn huệ mà tôi không thể tự ban cho mình. Thế mà, Bánh Thánh Thể, là mình và máu Đức Kitô, nhằm làm no thỏa lòng ước ao của loài người chúng ta, nhưng không bỏ qua cấp độ “nhu cầu”:
- Đó là bánh ngon và rượu ngon.
- Đó là sự hiện diện nhân linh và vừa thần linh, vì đó là Đức Giê-su Nazareth, Ngôi Lời Thiên Chúa.
Khởi đi từ bánh rượu (nhu cầu), giống như phép lạ bánh hóa nhiều, nhưng cũng chính nơi bánh rượu, chúng ta được mời gọi tin tưởng, hiểu biết, yêu mến, ở lại với một Ngôi Vị, là Đức Ki-tô, là Bánh Hằng Sống, để sống sự sống đời đời mà Ngài thông truyền cho chúng ta ngay hôm nay.
Với mỗi vấn nạn, Đức Giêsu trả lời khá dài. Nhưng Ngài không trả lời bằng cách đưa ra những bằng chứng, hay bằng những lí luận khúc chiết để bắt người ta phải cúi đầu khuất phục. Đó không phải là con đường hay lí lẽ của lòng tin, bởi vì đối tượng của lòng tin, thì không thể thấy được. Đức Giêsu chỉ nói điều mình là thôi. Bởi lẽ chân lí không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình; chẳng hạn như hương vị thơm ngon của trái xoài không thể chứng minh được, nhưng chỉ được thưởng thức trực tiếp mà thôi).

3. “Chính tôi là Bánh Trường Sinh”

Thay vì đòi ăn mãi, Đức Giêsu mời gọi dấn thân: làm việc vì lương thực khác, đó là tin vào Ngài. Như xưa kia, Dân Chúa được mời gọi đi từ Manna sang lựa chọn đặt niềm tin vào hành động của Thiên Chúa, tin vào sự dẫn dắt của Môsê (x. Xh 14, 31). Tuy nhiên, đã chứng kiến một dấu lạ, họ còn đòi một dấu khác lớn hơn (c. 30). Tin với điều kiện có một dấu lạ lớn hơn, đó là thử thách Thiên Chúa, đó là ngụy biện, vì người ham muốn dấu lạ, là người không có khả năng tin (c. 64). Sau này, họ cố ý đóng đinh Đức Giêsu và yêu cầu Ngài xuống khỏi Thập Giá để họ thấy và họ tin. Đòi thấy hết rồi mới tin, sẽ tự chuốc lấy sự hổ thẹn.
Được ăn bánh no nê, nhưng xét cho cùng bánh này không đến trực tiếp từ trời, nhưng từ giỏ xách của một em bé (Ga 6, 8); vì thế, họ đòi dấu lạ từ trời giống như Manna xưa kia (c. 30). Chúng ta được mời gọi nhận ra và cảm nếm ơn sáng tạo, nhất là ơn lương thực, khi lắng nghe Lời Chúa trong trình thật Sáng Tạo Bảy Ngày (St 1; và nên đọc Tv 104): những gì đến từ đất, từ thế giới sáng tạo cũng là đến từ trời cao, từ Thiên Chúa. Ai không nhận ra điều này, sẽ không có khả năng tin và nhận ơn huệ đến trực tiếp từ Thiên Chúa, mà ơn huệ tuyệt đỉnh là Mình và Máu Đức Kitô:
Chính tôi là bánh trường sinh.
Ai đến với tôi, không hề phải đói;
ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!


Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 
Từ khóa:

không hề

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận