Vài vấn đề liên quan đến bàn thờ

Đăng lúc: Thứ sáu - 10/06/2016 15:23 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Vài vấn đề liên quan đến bàn thờ (P1)

LM. GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS

Có nhiều yếu tố và hành động phụng vụ gắn liền với bàn thờ hay diễn ra tại bàn thờ (trong thánh đường và trong nhà nguyện), chẳng hạn như chất liệu bàn thờ, hình dạng bàn thờ, vị trí bàn thờ, khăn phủ bàn thờ, nến cho bàn thờ, thánh giá bàn thờ, hôn kính bàn thờ, xông hương bàn thờ, xương thánh gắn vào bàn thờ… Bài viết này chỉ giới hạn trình bày 4 vấn đề liên quan đến bàn thờ thường hay xảy ra tại Việt Nam: có vấn đề là nhầm lẫn rõ ràng nhưng cũng có vấn đề chỉ là thiếu sót vì chưa chọn điều tốt nhất.

1. Chất liệu bàn thờ: bằng gỗ hay bằng đá?

Trong lịch sử Giáo hội, người ta đã thấy chất liệu làm bàn thờ khi thì bằng gỗ, khi thì bằng đá hoặc bằng kim loại (chính xác là bọc bàn thờ gỗ hay bàn thờ đá bằng kim loại quý). Như trong đại thánh đường Latran, có đến bảy bàn thờ bằng bạc; trong đại thánh đường Sopia ở Constantinopoli (thế kỷ V), có một bàn thờ bằng vàng do Pulchérie, con gái của Arcadius dâng tặng và sau đó được hoàng đế Justinien sửa lại năm 532.1

Bàn thờ bằng cẩm thạch của Nhà nguyện Đại học Thánh Anthony (Mỹ)

Khi các sách Tân Ước đang được biên soạn, bàn thờ chỉ là cái bàn bình thường trên đó cộng đoàn cử hành bữa tiệc của Chúa. Nhận định này trùng với ý kiến cho rằng thời các tông đồ, bàn thờ chỉ là một cái bàn ăn (mensa, trapeza) và được gọi là “bàn tiệc của Chúa Kitô” (mensa Christi) hay  “bàn ăn của Chúa” (mensa Domini) nơi “Bữa tối của Chúa” (1Cr 11, 20) sẽ được cử hành vì bữa ăn huynh đệ (Agape) liên kết với lễ nghi bẻ bánh (Eucharistia) giữa cộng đoàn.2

Trong 4 thế kỷ đầu, không ai đặt vấn đề làm phép hay xức dầu bàn thờ, vì như đã nói, thực sự cái bàn dùng để cử hành lễ tế bấy giờ không phải là bàn thờ cho bằng chỉ là một bàn [ăn] tiệc. Căn cứ vào hình ảnh trên các vòm hang toại đạo, người ta nhận biết bàn này làm bằng gỗ, kích thước nhỏ, có thể di chuyển được; về hình dạng, thường là hình tròn hay bán nguyệt hoặc đôi khi là hình móng ngựa và có ba chân.3

Sau thế kỷ IV, bàn thờ bằng đá thay thế cho bàn thờ bằng gỗ bởi một số lý do:

Thứ nhất, khi Kitô giáo được tự do hành đạo và dần dần trở thành quốc giáo, nhất là dưới thời Đức Giáo Hoàng Damasus (366-384), các nhà thờ vĩ đại bằng gạch đá được xây dựng nhiều nơi, vì vậy bàn thờ gỗ trở nên không còn thích hợp nữa;

Bàn thờ nhà thờ Thánh Phanxicô ở Nazareth. Tương truyền Bàn thờ này là bàn ăn mà Chúa Giêsu đã dùng bữa với các Tông đồ sau khi ngày sống lại

Thứ hai, chất liệu bằng gỗ không bền vững bằng đá vì dễ bị hư hại và có thể cháy rụi cũng như không đắt giá bằng kim loại quý. Có lẽ vì vậy mà Thánh Giáo Hoàng Sylvester (314-335) đã ra sắc lệnh phải làm bàn thờ bằng đá. Từ đó, người ta cũng nghĩ đến việc cung hiến bàn thờ cùng với lễ nghi cung hiến thánh đường. Bên Đông phương, Thánh Gregorio thành Nyssa và Thánh Gioan Kim khẩu đều xác nhận rằng bàn thờ bằng đá được sử dụng từ thế kỷ IV;4

Thứ ba, bàn thờ làm bằng đá để ám chỉ đây là bàn dâng lễ tế và thánh lễ là một hy tế. Các giáo phụ dạy rằng: “Đức Kitô vừa là lễ tế, vừa là tư tế và là bàn thờ”. Khi cử hành thánh lễ trên bàn thờ bằng đá, Hội Thánh ý thức bàn thờ là hình ảnh Đức Kitô. Trong Kinh Thánh, chủ đề “tảng đá” gợi lên hình ảnh ông Môsê làm nước vọt ra từ tảng đá. Theo thánh Phaolô: “Tảng đá sống động chính là Đức Kitô” (1Cr 10, 4; 1 Pr 2, 4-5; Ep 2, 20);5 Đức Kitô chính là “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường” đang ở giữa cộng đoàn tham dự (Mt 21, 42; Lc 20, 17; Mc 12, 10; Cv 4, 11; 1Pr 2, 7-8; 1Cr 10, 4; Tv 117, 22).6 Chủ đề “bàn thờ bằng đá” cũng đã có trong sách St 28,18 và trở thành quy luật chắc chắn trong Đnl 27, 5-7 để dâng của lễ toàn thiêu;7

Thứ tư, sau thời cấm đạo ở Rôma (thế kỷ IV-V), vì sự kính trọng các thánh tử đạo nên mộ huyệt [bằng đá] của các ngài thường được trang trí và thánh lễ được cử hành trên đó. Người ta đã liên kết hài cốt các vị tử đạo với bàn thờ (nơi cử hành thánh lễ) bằng cách cho xây đài tưởng niệm, đền nhỏ hay nhà thờ trên phần mộ của các ngài. Chẳng hạn như nhiều thánh đường đã mọc lên trên các hang toại đạo hay phần mộ của các tông đồ, trong đó có Vương cung Thánh đường thánh Phêrô và Vương cung Thánh đường thánh Phaolô do hoàng đế Constantine cho xây dựng. Điều này thích ứng với những gì sách Khải Huyền mô tả (Kh 6, 9). Vào khoảng thời gian này (thế kỷ IV-VI), người ta cũng có thói quen chôn các linh mục và giám mục dưới bàn thờ. Nhưng Đức Giáo Hoàng Félix I tuyên bố chỉ mộ huyệt của các thánh tử đạo mới xứng đáng là nơi để dâng thánh lễ, ngài không cho phép cử hành thánh lễ trên bất cứ mộ phần nào khác. Đây là lý do mà trong quá khứ, các nhà kiến trúc đã từng thiết kế bàn thờ như một ngôi mộ, đôi khi có cả thi thể của một vị thánh nằm trong đó. Ngoài việc được xây cất theo dạng một cái mộ, có nơi, bàn thờ còn có cột đỡ một tấm đá phẳng bên trên. Trong một số nghi lễ Ðông Phương, bàn thờ còn tượng trưng cho Ngôi Mộ của Ðức Kitô vì Người đã thực sự chết và sống lại.8

Với những gì vừa trình bày ở trên, nhất là để làm nổi bật tính biểu tượng của bàn thờ như hầu hết các giáo phụ Hy Lạp và La Tinh đã khẳng định (bàn thờ là biểu tượng của chính Chúa Kitô đang hiện diện giữa và ở trong cộng đoàn tín hữu), chúng ta nên chọn chất liệu bằng đá để làm bàn thờ trong các thánh đường. Làm bàn thờ bằng đá là muốn thể hiện “Đá tảng là Chúa KitôChúng ta nhớ rằng, khi mời gọi mọi người cầu nguyện trong nghi thức cung hiến bàn thờ, Đức Giám mục nói: “Khi đến sum họp nơi một bàn thờ, chúng ta tới gần Chúa Kitô là Đá sống động để chúng ta lớn lên thành đền thánh”. Dĩ nhiên Hội đồng Giám mục có thể chấp thuận bàn thờ được làm bằng một chất liệu xây dựng khác rắn chắc,9 chẳng hạn như làm bàn thờ bằng gỗ.10

(còn nữa)

LM. GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS

______________________________________________

1 Xc. Nguyễn Văn Trinh, Thánh Lễ 2 (Lớp BDTH Liên Dòng, knxb), 148.

2 Xc. Lucien Deiss, The Mass (Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 17.

3 Xc. Josefina M. Manabat, “Various Issues on Church Enviroment I” trong Scientia Liturgica, Vol. II, No. 1. 2005

4 Xc. Nguyễn Văn Trinh, Thánh Lễ 2, 146.

5 QCSL 298.

6 Dom Robert Le Gall, La Messe au fil de Ses Rites (Chambray: C.L.D, 1992), 21.

7 Xc. A. G. Martimort, “Structure and Laws of the Liturgical Celegration” trong The Church at Prayer, Vol. I (Minnesota: The Liturgical Press, 1982), 207-208.

8 Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (=GLCG), số 1181.

9 Giáo luật (=GL) 1235; 1236; Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma (=QCSL) 299; Sách Lễ nghi Giám mục (= LNGM) 919; UBGM về Nghệ Thật Thánh (HĐGM Việt Nam), Dựng Xây từ Những Viên Đá Sống Động [= DX] (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2006), số 64.

10 QCSL 30; DX 64.
 

Vài vấn đề liên quan đến bàn thờ (P2)

Hiện nay, có một vài thực hành (tạm gọi là chưa chọn điều tốt nhất) thường xảy ra trong một số giáo xứ tại Việt Nam:

Thứ nhất, theo một tư duy cảm tính hơn là thần học và phụng vụ, ngay từ khi xây dựng nhà thờ mới, giáo xứ đã ưu tiên chọn lựa làm bàn thờ bằng gỗ;

Thứ hai, cũng vậy, thánh đường vốn đang có bàn thờ làm bằng đá và đã được thánh hiến, nhưng giáo xứ lại có chủ trương thay thế bàn thờ bằng đá bằng bàn thờ bằng gỗ với lý do là thứ chất liệu gỗ được chọn lựa quý giá hơn cả đá. Nên nhớ rằng vấn đề là tính biểu tượng của bàn thờ bằng đá chứ không phải chỉ là chất liệu đắt hay rẻ. Nếu vì một lý do nào đó phải thay thế bàn thờ bằng đá hiện hữu thì làm một bàn thờ bằng đá khác chứ không nên chọn lựa “đi xuống” bằng cách làm bàn thờ bằng gỗ;

ĐGM Tôma Nguyễn Văn Trâm cử hành nghi thức cung hiến bàn thờ nhà thờ Hoà Hội GP. Bà Rịa

Thứ ba, bọc bàn thờ bằng đá bằng một loại gỗ nào đó cho phù hợp với không gian cung thánh vốn làm bằng gỗ khá nhiều. Điều này cũng phá vỡ tính biểu tượng của bàn thờ.

Bàn thờ là biểu trưng cho Chúa Kitô, nên bàn thờ được Đức Giám mục thánh hiến bằng dầu thánh một cách long trọng với việc đặt xương thánh nơi bệ bàn thờ, thoa dầu thánh trên cả mặt bàn thờ và xông hương bàn thờ cách đặc biệt.1 Người ta còn đục 5 dấu thánh giá trên mặt bàn để biểu trưng 5 dấu đinh của Chúa biến tảng đá thành biểu tượng của Đức Kitô, Đấng đã được xức dầu Thánh Thần. Thực hành này đã có ít là từ thời thánh Gregôriô Cả (540 – 604).2

Mặt khác, để đạt được sức mạnh của các biểu tượng và ý nghĩa của các nghi lễ một cách trọn vẹn, phải khánh thành nhà thờ mới cùng lúc với việc cung hiến nhà thờ ấy. Theo thói quen và luật phượng tự, cấm cung hiến nhà thờ nếu không cung hiến bàn thờ. Vì cung hiến bàn thờ là phần chính yếu của toàn bộ nghi lễ.3

Hơn nữa, theo chỉ dẫn của sách Lễ nghi Giám mục, của Giáo luật cũng như của Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma: trong mọi nhà thờ nên có một bàn thờ cố định và được cung hiến; ở những nơi khác, dùng vào việc thờ phượng nên có bàn thờ cố định hoặc di chuyển. Theo truyền thống của Hội Thánh và ý nghĩa của bàn thờ, thì mặt bàn thờ cố định bằng đá, mà là một tấm đá tự nhiên duy nhất. Nhưng cũng có thể dùng những vật liệu khác xứng hợp, bền vững và được làm một cách có nghệ thuật, tùy Hội đồng Giám mục quyết định. Chân hay phần dưới bàn thờ có thể làm bằng bất cứ chất liệu nào, miễn là chất liệu đó xứng hợp và bền chắc.4

Từ những gì vừa nói trên, nếu có thể được, ngay từ đầu khi xây dựng nhà thờ, chúng ta nên cố gắng chọn chất liệu bằng đá cho bàn thờ để bàn thờ trở thành vật thể bền vững, cố định và không di chuyển.5 Bàn thờ của nhà thờ chánh tòa đương nhiên nên làm bằng đá để thành một bàn thờ cố định vì chắc chắn sẽ được cung hiến và thuộc về nhà thờ mẹ của các nhà thờ trong giáo phận, cũng như làm nổi bật tính biểu tượng của bàn thờ này. Một nhà thờ giáo xứ được xây dựng kiên cố thì đồng thời cũng nên làm bàn thờ bằng đá cho tương xứng để có một bàn thờ cố định vì tuy mặt bàn thờ cũng có thể làm bằng chất liệu khác nhưng theo tập tục lưu truyền của Giáo Hội, mặt bàn thờ cố định phải làm bằng đá, và hơn nữa, bằng một tảng đá tự nhiên duy nhất.6 Bàn thờ bằng gỗ xét như một bàn thờ lưu động thì thích hợp hơn đối với nhà nguyện hay phòng nguyện mà chỉ đơn giản là được làm phép chứ không cần thánh hiến.7

2. Nến bàn thờ

Đây là những điểm liên quan đến nến bàn thờ trong văn kiện của Giáo Hội:8

Nến bàn thờ là cần thiết mỗi khi cử hành phụng vụ để tỏ lòng cung kính và mừng lễ;

Vị trí của nến bàn thờ là được đặt trên bàn thờ hay chung quanh bàn thờ, tùy theo cấu trúc của bàn thờ và cung thánh, miễn sao cho có sự hòa hợp chung và không cản trở giáo dân nhìn thấy cách dễ dàng những hành động phụng vụ đang diễn ra.9

Cung hiến bàn thờ

Số lượng của nến bàn thờ sử dụng trong Thánh Lễ là 2, 4 hay 6 cây. Việc thay đổi số cây nến này là một cách thức phân biệt ngày lễ và mức độ long trọng của cử hành. Tập tục tốt lành đã phát triển ở một vài nơi và được quy định trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma là sử dụng 2 nến bàn thờ cho lễ thường và lễ nhớ, 4 cho lễ kính và 6 nến cho lễ Chúa nhật cùng lễ trọng hay khi đặt Mình Thánh để chầu. Vào những dịp long trọng, sẽ sử dụng 7 nến khi Đức Giám mục giáo phận chủ tế. Thật ra, chúng ta có thể sử dụng 3, hay 5, hoặc thậm chí hơn 7 cây nến bàn thờ cũng chẳng có gì là không phù hợp. Tất cả tùy thuộc vào việc chúng ta sắp xếp chúng thế nào trong cung thánh.10

Dựa vào chỉ dẫn trên, chúng ta phát hiện ra một số nhầm lẫn trong thực hành tại Việt Nam:

Thứ nhất, đặt 2 cây nến bên cây thánh giá trong khi không có nến đặt ở trên hay chung quanh bàn thờ. Thật ra, có thể tùy nghi đặt hay không đặt nến ở hai bên thánh giá. Sau cuộc rước nhập lễ, nếu thánh giá trong đoàn rước được đặt tại cung thánh [ở trên hay gần bàn thờ] như một cây thánh giá duy nhất trong nhà thờ, thì rất nên để kèm theo hai cây nến vừa đi rước ở hai bên thánh giá. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng hai cây nến này không thể thay thế cho nến bàn thờ vốn có thể lên tới 6 hay 7 cây trong những dịp cử hành long trọng hay khi khi Đức Giám mục giáo phận chủ tế. Hơn nữa, không phải lúc nào thánh giá cũng được xếp đặt ở trên mặt đất hay ở trên bàn thờ để có thể dễ dàng đốt nến hai bên.11 Trong trường hợp vị trí của thánh giá được treo giữa không trung phía trên bàn thờ hay được gắn trên cao sát vào bức tường phía sau cung thánh thì việc đốt nến hai bên thánh giá hàng ngày là công việc rất khó khăn và bất tiện nếu không muốn nói là bất khả thi. Chính vì thế, Giáo hội chỉ trù liệu đốt nến bàn thờ và cho bàn thờ chứ không cho đối tượng thánh giá vì những dấu chỉ xinh đẹp của ánh sáng thánh thiêng phải được tỏ cho mọi người thấy mối liên quan của chúng với bàn thờ, nhằm lôi kéo mọi cặp mắt hướng về bản thờ: điểm tập trung của cộng đoàn phụng tự.

Thứ hai, dùng nến phục sinh quanh năm thay cho nến bàn thờ. Nến phục sinh không thể thay thế cho nến bàn thờ vì từ thế kỷ X cũng như theo các tài liệu phụng vụ gần đây, nến phục sinh thường được đặt để tại một nơi vinh dự gần sách Phúc Âm hay gần giảng đài trong mùa Phục sinh, từ lễ Vọng Phục sinh cho đến lễ Thăng Thiên (nay là cho đến lễ Hiện Xuống). Trong suốt mùa Phục sinh, cây nến phục sinh tiếp tục được thắp sáng ở vị trí này hay một vị trí thích hợp trong cung thánh. Còn ngoài mùa Phục sinh, nến phục sinh không được thắp thường xuyên nữa, mà chỉ được đốt lên mỗi khi cử hành nghi thức an táng hay thánh tẩy. Theo đó, ngoài mùa Phục sinh, chỗ thích hợp nhất để nến phục sinh là bên ngoải cung thánh, gần giếng rửa tội hay gần nơi thường đặt quan tài.

Thứ ba, dùng nến hồng và tím mùa Vọng thay cho nến bàn thờ. Đành rằng có thể trưng vòng hoa mùa Vọng ở trong hay gần cung thánh với 4 cây nến ở giữa vòng hoa này tương ứng với 4 tuần của mùa Vọng (3 nến tím và 1 nến hồng). Tuy nhiên, nên nhớ rằng việc sử dụng chúng là do tập tục và tùy chọn, chúng không phải là nến bàn thờ cũng như không thể thay thế cho nến bàn thờ.

(còn nữa)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

_________________________________________

1 GL 1237; QCSL 302; LNGM 944-950.

2 Nguyễn Văn Trinh, Thánh Lễ 2, 150.

3 LNGM 916.

4 LNGM 919, GL 1235-1236; QCSL 298. 301.

5 QCSL 298; GL 1237.

6 GL 1235-1237; QCSL 300; NLGM 923; 972-980.

7 QCSL 300.

8 QCSL 117; 307.

9 Introduction to the Order of Mass, 52.

10 Xc. Paul Turner, Let Us Pray (Philippines: St. Pauls, 2007), no. 119.

11 QCSL 308.
 

Vài vấn đề liên quan đến bàn thờ (P3)

3. Đặt chén thánh, Đĩa thánh và bình thánh lên bàn thờ quá sớm  

Theo hướng dẫn của Giáo hội, vị trí của chén thánh, đĩa thánh và bình thánh ngay từ đầu lễ được dọn tại bàn phụ chứ không phải trên bàn thờ.1 Thêm nữa, Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma xác định rằng thời điểm đặt trên bàn thờ các đối tượng như khăn thánh, khăn lau chén, sách lễ, chén lễ, đĩa thánh và bình thánh là khi bắt đầu phụng vụ Thánh Thể (và kéo dài cho cho đến khi tráng chén) chứ không phải ngay từ đầu lễ hay đang khi nghe giảng như một số nơi tại Việt Nam quen thực hành.2  Việc đặt chén thánh, đĩa thánh và bình thánh lên bàn thờ quá sớm là thực hành thuộc về Sách lễ 1570 cho tới khi ra đời Sách lễ của Đức Phaolô VI (1970). Thời xưa, vì toàn bộ thánh lễ được cử hành tại bàn thờ cho nên các vật dụng thánh đã sẵn sàng ở đó ngay từ đầu buổi cử hành. Thông thường, vị tư tế đem chén thánh, đĩa thánh và bánh lễ trong cuộc rước nhập lễ rồi đặt tất cả trên bàn thờ ngay lúc bắt đầu thánh lễ.3 Nhưng ngày nay, làm như thế là đảo lộn trật tự của nghi thức thánh lễ, làm mất đi những hành động biểu tượng trong phần chuẩn bị lễ vật cũng như làm cho tín hữu hướng về bàn thờ và phụng vụ Thánh Thể quá sớm.  

4. Các vị đồng tế hôn bàn thờ lúc kết lễ 

Hiện nay, trong thánh lễ, phó tế và chủ tế hôn kính bàn thờ hai lần: đầu lễ và kết lễ. Còn các vị đồng tế chỉ hôn bàn thờ một lần lúc đầu lễ mà thôi. Ý nghĩa của hành vi này là: 1] Chào kính Đức Kitô, có thể hiểu là một cử chỉ tôn thờ, tôn vinh Đức Kitô vì Ngài là ông chủ Ngôi Nhà của Chúa và cũng là người chủ của cộng đoàn đang quy tụ. Điều này cũng gần tương tự như khi hôn lên đất của một quốc gia, Đức Giáo Hoàng muốn tỏ lòng kính trọng đất nước đó;4 2] Bày tỏ lòng mến yêu của vị hôn thê đối với đức lang quân của mình là Chúa Kitô vì hôn là biểu hiện của tình yêu, các tư tế và phó tế hôn bàn thờ như đại diện cho toàn thể Giáo hội; 3] Bày tỏ sự hiệp thông của cộng đoàn phụng vụ với Thiên Chúa, với Đức Kitô và với toàn thể Hội Thánh trên trời, được biểu tượng nơi hài cốt các thánh vì bàn thờ (altus) được coi là nơi nối kết giữa Thiên Chúa và trần gian.5

Trong nghi thức nhập lễ, theo hướng dẫn của Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma: khi đoàn đồng tế tiến vào cung thánh, các ngài đi đến bàn thờ, bày tỏ lòng tôn kính đối với Chúa Kitô qua việc cúi sâu chào bàn thờ, các vị đồng tế và chủ tế hôn bàn thờ (các vị đồng tế từng hai người một). Khi hôn bàn thờ, các ngài đặt cả hai tay trên bề mặt bàn thờ.6 Phó tế giúp lễ cũng hôn bàn thờ. Đối với phó tế mang Sách Tin Mừng, thầy hôn bàn thờ sau khi đã đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ. Tuy nhiên, phó tế không đặt cả hai tay trên bàn thờ.7

Trong nghi thức kết lễ, sau lời giải tán, vị chủ tế và phó tế hôn bàn thờ như thường lệ và sau đó các vị này cùng với các thừa tác viên khác cúi mình sâu kính cẩn bái chào bàn thờ rồi ra về cùng một cách như khi tiến ra.8 Cần lưu ý rằng chỉ có vị chủ tế và phó tế giúp lễ hôn bàn thờ trước khi ra về còn các vị đồng tế không hôn bàn thờ lúc này.9

Nếu có nhiều vị đồng tế và nhà tạm không ở trong cung thánh, các vị cúi mình sâu khi chủ tế hôn bàn thờ, có thể xem như vậy là đủ. Sau đó, các ngài bắt đầu rời chỗ mình trong trật tự, theo sau những thầy giúp lễ hay lễ sinh. Còn nếu trong cung thánh có nhà tạm, sau khi hôn bàn thờ, chủ tế vòng ra đứng phía trước bàn thờ, còn tất cả các vị đồng tế vẫn đứng tại chỗ mình và cúi sâu cùng với chủ tế trước khi bắt đầu đi rước ra khỏi cung thánh. Nếu điều này gây khó khăn cho việc tổ chức, hay nếu không có đủ không gian để các vị đồng tế cúi mình, chỉ cần vị chủ tế cúi mình chào bàn thờ cũng đủ.10

Nếu chỉ có ít vị đồng tế, các ngài nên ra sắp hàng cùng với chủ tế và những người giúp lễ trước bàn thờ, rồi tất cả cùng cúi mình chung chào bàn thờ.

Peter J. Elliott diễn tả như sau:

Nếu đang hát một bài ca kết lễ dài, các vị đồng tế có thể đến trước bàn thờ từng hai người một và cả hai cùng cúi mình (hay bái quỳ). Trong trường hợp này, các người giúp lễ dẫn đầu các ngài sẽ đi từ từ vào phòng thánh để tránh làm đứt khúc đoàn rước. Nếu có nhiều vị đồng tế, và các ngài sắp hàng ở những vị trí xa khu vực cung thánh, các ngài có thể đứng tại chỗ của mình cho tới khi chủ tế, những vị đồng tế khác và các người giúp lễ rời cung thánh, rồi các ngài đi theo trong một cuộc rước riêng biệt. Tuy nhiên, cách thức này không phải là lý tưởng vì nó giảm thiểu vai trò của các ngài.11

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

______________________________________________

1 QCSL 118.

2 QCSL 73; 139; 306.

3 Xc. Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 48.

4 Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 108; Dom Robert Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 22. 

5 Xc. Dom Robert Le Gall, La Messe au fil de Ses Rites, 20-21.

6 QCSL 49, 211 - Sự kiện vị linh mục - chứ không phải phó tê - thường đặt hai tay lên bàn thờ khi hôn kính, chứng tỏ rằng nhờ chức tư tế, linh mục có thẩm quyền hành xử theo tính bí tích đối với bàn thờ.

7 Xc. Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (USA: Ignatius Press, 2004), 249.

8 Nghi thức Thánh Lễ, số 145; QCSL 90d, 169, 186, 251.

9 QCSL 250-251; Xc. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), 148.

10 McNamara, “Veneration of Altar at End of Mass”, Zenit Daily Dispatch, 10 July 2007.

11 Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, 449-450.


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận