Giảng Trong Thánh Lễ

Đăng lúc: Thứ năm - 03/07/2014 17:30 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
GIẢNG TRONG THÁNH LỄ
 
Trong bài trước, cha giám đốc chủng viện Ni-cô-la đã trình bày Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng qua cái nhìn tổng hợp. Người chỉ cho thấy sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm nền tảng cho suy tư của Đức thánh cha Phanxicô. Trong bài nầy, chúng tôi trình bày một khía cạnh cụ thể của Tông huấn liên quan đến việc mục vụ của các vị có chức thánh, đó là bài giảng trong Thánh Lễ và việc dọn giảng. Công tác này được Đức Thánh Cha nhìn trong viễn tượng thông truyền Niềm vui của Tin Mừng. 

Qua Tông huấn, Đức Thánh Cha cống hiến cái vốn liếng kinh nghiệm mục vụ lâu năm của Người trong việc giảng Lễ và đặc biệt quan tâm tới công tác nầy. Cứ nhìn vào con số các đoạn, chúng ta thấy điều đó : nếu Người chỉ dành một đoạn để lên án nạn phá thai và duy trì lập trường từ chối kếp nạp nữ giới vào hàng linh mục, thì trái lại Người dành tới 24 đoạn, không dưới 19 trang giấy, để bàn về những vấn đề liên quan đến bài giảng trong Thánh Lễ. Đây cũng là lần đầu tiên một văn kiện quan trọng của Đấng kế vị thánh Phêrô lại đề cập tới bài giảng. Người quan tâm đến bài giảng vì hai lý do : một là vì bài giảng tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người, Đức Thánh Cha viết như sau: « Người giảng có nhiệm vụ tuyệt vời nhưng khó khăn là nối kết những trái tim yêu thương, trái tim của Chúa và của dân Người. » (số 143). Và lý do thứ hai khiến Đức thánh cha quan tâm đến bài giảng, đó là : trong một thế giới tục hóa ngày nay, dựa theo những phân tích của Tông huấn, bài giảng là phương tiên để loan báo và truyền đạt Tin Mừng bằng cách đặt Tin Mừng vào trong thực tế hằng ngày của người tín hữu.

Về việc giảng trong Thánh Lễ, Đức Thánh Cha chia làm hai phần : bài giảng và chuẩn bị bài giảng.

I.   BÀI GIẢNG

Bài giảng là thể hiện niềm khao khát khôn nguôi của Thiên Chúa muốn đi vào đối thoại với con người qua vị giảng thuyết, như xưa kia Môisê là vị trung gian giữa Người và dân Israel và như Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đã giảng dạy và « chinh phục trái tim của dân chúng » ( số 136). Những bài giảng trong Thánh lễ lại khác xa so với bất cứ một cuộc trao đổi, giảng thuyết, diễn thuyết nào. Chính vì sự khác biệt ấy, Đức Thánh Cha lưu ý một số điểm sau đây :

1.      Trước tiên phải chú ý đến khung cảnh phụng vụ

a. Cũng như Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, Phanxicô lưu ý rằng bài giảng nằm trong bối cảnh của Thánh Lễ, cho nên nó mang một sắc thái riêng biệt. Thật thế, Thánh Lễ là điểm hẹn ưu việt, nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau và hiệp thông với nhau qua Bí tích Thánh Thể. Nói đến gặp gỡ là nói đến đối thoại. Đối thoại để thấy rõ những việc lạ lùng Thiên Chúa đã thực hiện cho con người trong giòng lịch sử cũng như để thấy rõ những đòi hỏi của Giao ước mà người tín hữu đã ký kết với TC qua Bí tích Rửa tội. Do đó, theo hai  Đức Thánh Cha, bài giảng có một giá trị đặc biệt vượt lên trên mọi bài suy niệm hay bài giáo lý, bởi vì nó là giây phút cao điểm của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người, trước khi thông hiệp qua bí tích Thánh Thể (x. số 137 của Tông huấn Evangelii Gaudium và số 41 của Tông thư Dies Domini (Ngày của Chúa).
b. Chính vì bài giảng được đặt trong bối cảnh phụng vụ mà nó trở thành « một phần của của lễ dâng lên Chúa Cha và là một trung gian cho ân sủng mà Đức Kitô tuôn đổ trong cuộc cử hành (phụng vụ) […]. Nó phải hướng cộng đoàn và người giảng tới sự hiệp thông với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể là Bí tích giúp họ thay đổi cuộc sống » ( số 138). Chính vì mục đích nầy mà bài giảng phải ngắn gọn, không chiếm một chỗ thái quá, bằng không người giảng sẽ nổi bật hơn là chính Thiên Chúa. Cũng chính vì mục đích ấy, giảng lễ không phải là lúc người mục tử khoe mớ kiến thức của mình về triết học hay thần học, và lại càng không phải là lúc giải trí, thuyết trình hay trình bày một giáo trình.

2. Bài giảng phải có dáng dấp của cuộc đối thoại giữa mẹ-con.

Người giảng là đại diện của Hội thánh. Mà Hội thánh là người mẹ yêu thương con cái của mình và dạy dỗ chúng. Do đó bài giảng phải « giống như cách một người mẹ nói chuyện với con » (số 139). Cách giảng như thế đem lại kết qủa nào? Thưa là người nghe dễ đón nhận lời  giảng hơn. Ai cũng biết rằng một người con, khi biết mình được mẹ yêu thương, thì tin tưởng rằng mẹ dạy gì cũng là vì ích lợi của nó và nó nghe theo. Và để giáo dân cảm nghiệm được điều ấy, cần có « sự gần gũi của người giảng, sự ấm áp của âm giọng, sự dịu dàng trong văn phong và sự vui vẻ được biểu lộ qua điệu bộ của người giảng. » (số 140). Và Đức Thánh cha kết luận: « Cho dù bài giảng đôi khi có phần tẻ nhạt, nhưng nếu giáo dân cảm nhận được tinh thần từ mẫu và hội thánh, thì bài giảng vẫn mang lại hoa trái, tương tự như những lời khuyên bảo nhàm chán của người mẹ, khi đến lúc, cũng sinh hoa kết quả trong lòng các con của bà. » (số 140). Về điểm này, chúng ta có thể học được nơi Chúa Giêsu. Người đã lôi cuốn dân chúng đến nghe Người bằng một bí quyết, đó là cáí nhìn trìu mến của Người đối với họ, một cái nhìn « vượt lên trên những yếu đuối và vấp ngã của họ » (số 141) để dẫn họ tới một chân trời mới và một niềm hy vọng mới.

3.      Bài giảng phải làm cho trái tim bừng cháy

Bài giảng là cuộc đối thoại giữa những người yêu thương nhau, một bên là Thiên Chúa và bên kia là con người qua trung gian của vị giảng lễ. « Đối thoại không chỉ là thông truyền một chân lý, nó phong phú hơn rất nhiều » (số 142), bởi vì trước tiên nó là sự trao ban chính mình qua lời nói, một sự thông truyền « từ trái tim đến trái tim ». Qua bài giảng, người giáo dân sẽ nhận ra được những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện trên thế giới và trong cuộc đời của họ và từ đó, như một lời đáp trả, họ vui vẻ dâng lời cảm tạ, tôn vinh Người và tự ý thực thi huấn lệnh của Người. Điều đó đòi hỏi bài giảng phải làm sao giúp người giáo dân « cảm nhận rằng lời của Kinh Thánh là một quà tặng trước khi là một đòi hỏi. » (số 142). Vì thế, bài giảng không thể chỉ nhắm trình bày chân lý, dạy đạo đức, đạo lý hoặc chú giải Kinh Thánh, mà còn phải nêu bật cái thiện và cái đẹp, bởi vì « chân-thiện-mỹ đi đôi với nhau. » Đức Thánh Cha khuyên các mục tử : « Thay vì nói về các chân lý trừu tượng và dùng các kiểu lập luận khô khan, bài giảng truyền đạt vẻ đẹp của các hình ảnh đã được Chúa dùng để khuyến khích người ta hành thiện. » (số 142.) Một bài giảng gây phấn chấn cho giáo dân, động viên họ hành thiện là một bài giảng thành công.

II. CHUẨN BỊ BÀI GIẢNG

Chính vì bài giảng có một tầm ảnh hưởng lớn lao đến cuộc sống của người kitô hữu mà Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh việc dọn giảng. Người khẩn thiết kêu mời các mục tử phải « dành một lượng thời gian dài cho việc học hỏi, cầu nguyện, suy tư và óc sáng tạo mục vụ. » (số 145) và đề nghị một phương pháp dọn giảng.

1.      Trước tiên, phải dành thời gian cho việc dọn giảng

Một số mục tử lấy nê hoặc thật sự là vì quá bận công tác mục vụ, nên không có thời gian để dọn giảng. Nhưng Đức Thánh Cha khẩn nài xin các vị ấy « mỗi tuần phải dành một thời gian cần đủ để lo cho công việc ấy, dù có phải bớt xén thời gian của các công việc khác, cũng quan trọng không kém. » (số 145). Như thế, đối với Đức Thánh Cha, dọn giảng là ưu tiên số một trong các ưu tiên.
Ngoài ra khi dọn giảng, còn cần phải ý thức về sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên niềm tín thác vào sự hoạt động của Chúa Thánh Thần « không chỉ hoàn toàn thụ động, nhưng phải chủ động và sáng tạo. » (số 145). «Chủ động và sáng tạo » ở đây có nghĩa là người giảng phải « trao hiến mình và mọi khả năng của mình như dụng cụ cho Chúa sử dụng. » Và  Đức Thánh Cha kết luận : « Một người giảng thuyết không chuẩn bị thì không « có thần khí ; kẻ ấy là người bất lương và vô trách nhiệm đối với các ân huệ đã lãnh nhận. » (số 145).

2.      Thứ đến, lòng kính cẩn đối với chân lý.

a.        Sau khi đã cầu khẩn xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, bước đầu tiên trong việc dọn giảng là  chú tâm đọc bản văn Kinh Thánh và tìm hiểu sứ điệp Chúa trao gởi trong bản văn. Thái độ cần có lúc này là lòng kính cẩn đến mức « kính sợ » đối với chân lý được chứa đựng trong bản văn. Chân lý ở đây là chân lý về Thiên Chúa, chân lý về con người và số phận huyền nhiệm của con người, chân lý về thế giới. Trong số 78 của Tông huấn Evangelii  Nuntiandi, Đức Thánh Cha Phaolô VI viết rằng : “Người rao giảng Tin Mừng không bao giờ được phản bội hay che đậy chân lý vì muốn làm vui lòng người nghe, vì muốn gây ngạc nhiên, vì muốn tạo nên giựt gân, hay vì muốn lập dị háo danh.”
Để hiểu ý nghĩa của bản văn, tức là khám phá ra chân lý được ẩn chứa trong bản văn, Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị phải tìm hiểu trước tiên « ý nghĩa mặt chữ của bản văn. Nếu không, chúng ta có thể dễ dàng bắt bản văn nói điều chúng ta nghĩ là thuận tiện, ích lợi để xác nhận các quyết định trước đó của chúng ta, hợp với lối suy nghĩ của chúng ta. Rốt cuộc, sẽ chẳng khác gì sử dụng một điều thánh thiêng để thủ lợi cho mình và sau đó chuyển sự lẫn lôn này sang cho dân Chúa. » (số 152). Một thái độ khác nữa cần phải có khi đọc và tìm hiểu sứ điệp Lời Chúa, đó là lòng khiêm tốn, bởi vì phải « nhìn nhận rằng Lời Chúa luôn luôn vượt quá khả năng của lý trí chúng ta và rằng chúng ta không phải là chủ, người sở hữu, nhưng là người giữ gìn, người loan báo và là người phục vụ Lời Chúa. » (số 146). Xét cho cùng, lòng kính cẩn đối với Lời Chúa và sự khiêm tốn nói lên thái độ biết lắng nghe của người môn đệ đích thực.

b. Như Đức Thánh Cha đã nêu rõ, bản văn Kinh Thánh là cơ sở cho bài giảng, cho nên việc cần thiết là phải « khám phá ra sứ điệp chính của bản văn, sứ điệp tạo nên cấu trúc và sự thống nhất của nó. » (số 147). Nếu người giảng thuyết không làm được việc nầy, thì « bài giảng của họ thường sẽ không có sự thống nhất hay trật tự ; những điều họ nói sẽ chỉ là sự chồng chất các ý tưởng rời rạc, thiếu liên kết với nhau và do đó không thể tạo được cảm hứng cho người nghe. » (số 147). Ngoài ra, sứ điệp chính hay còn gọi là sứ điệp trung tâm là sứ điệp mà tác giả Kinh Thánh muốn thông truyền trước tiên. Sứ điệp ấy giúp chúng ta không chỉ « nhận ra các ý tưởng của tác giả », mà còn nhận ra « tác dụng mà tác giả muốn tạo ra. » Để minh họa cho khẳng định trên, Đức Thánh Cha đan cử vài thí dụ, Người viết : « Nếu một bản văn được viết ra để an ủi, ta không được dùng nó để sửa sai các lầm lạc ; nếu nó được viết ra để khuyến dụ, ta không được dùng nó để dạy dỗ; nếu nó được viết ra để dạy một điều gì đó về Thiên Chúa, ta không được dùng nó để giải thích các ý kiến thần học khác nhau; nếu nó được viết ra để động viên việc ngợi khen, ta đừng dùng nó để thông báo các tin tức mới nhất. » (số 147).

c. Tiếp theo, Đức Thánh Cha nhắc lại một nguyên tắc của khoa chú giải Kinh Thánh, đó là : « để hiểu đúng sứ điệp trung tâm của một bản văn, cần phải nối kết nó với giáo huấn của toàn bộ Kinh Thánh ». Lý do là vì « Chúa Thánh Thần đã linh hứng không chỉ một phần, nhưng toàn bộ Kinh Thánh và vì, trong một số vấn đề, dân chúng đã đạt được sự hiểu biết về Thiên Chúa qua kinh nghiệm bản thân của họ. » (số 148). Nhờ nguyên tắc nầy, người ta tránh được những lối giải thích sai lạc hay cục bộ, vốn mâu thuẫn với các giáo huấn khác của cùng bộ Kinh Thánh.

3.      Cá nhân hóa Lời Chúa

a.  Mở đầu cho tiết mục nầy, Đức Thánh Cha Phanxicô quả quyết : « Người giảng thuyết trước tiên phải có một sự thân mật cá nhân sâu xa với Lời Chúa. Hiểu biết các khía cạnh ngôn ngữ hay chú giải chắc chắn là cần, nhưng không đủ. Họ phải đón nhận Lời Chúa với con tim ngoan ngoãn và cầu nguyện  để Lời Chúa thấm sâu vào tư tưởng và tình cảm của họ và làm phát sinh nơi họ một tinh thần mới. » (số 149). Những giòng trên của Đức giáo hoàng đương kim hẳn vang vọng lại tư tưởng của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trong số 26 của Tông huấn Đào tạo linh mục (Pastores dabo vobis) như sau : « Linh mục trước tiên là người phục vụ Lời Chúa. Ngài được Thánh hiến và sai đi loan báo Tin Mừng Nước Chúa cho mọi người, trong khi kêu gọi mọi người vâng phục đức tin và hướng dẫn các tín hữu tới sự hiểu biết và hiệp thông ngày càng sâu sắc hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa đã được mạc khải và thông truyền cho chúng ta qua Đức Kitô. Vì thế, chính bản thân linh mục trước hết phải làm quen, thân thiết với lời Chúa. Biết khía cạnh ngôn ngữ, biết chú giải là cần, nhưng không đủ. Ngài phải biết đón nhận lời Chúa với một tâm hồn dễ dạy và cầu nguyện, để lời Chúa thấm sâu vào tư tưởng tình cảm của mình và tạo ra trong Ngài một tinh thần mới : "tâm tư của Chúa"(1Cr 02,16). Như thế, lời nói của linh mục và hơn nữa những lựa chọn và thái độ của Ngài sẽ luôn trong sáng với Tin Mừng, sẽ loan báo và làm chứng cho Tin mừng. Chỉ khi "lưu lại" trong Lời Chúa thì linh mục mới trở nên đồ đệ hoàn hảo của Chúa, mới nhận biết chân lý và mới thực sự được tự do, thắng vượt tất cả những điều kiện sống trái ngược và xa lạ với Tin Mừng” (xem Ga 08,31-32). Một khi đã "lưu lại" trong Lời Chúa, tức là đã để cho Lời Chúa thấm sâu vào tư tưởng và tình cảm của mình và làm phát sinh nơi mình mới một tinh thần mới, thì bài giảng của linh mục mới sống động và vang dội nơi tâm hồn các tín hữu.

b. Để rao giảng Lời Chúa, thừa tác viên Lời Chúa phải là người trước tiên sống Lời Chúa. Về điểm nầy, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên chúng ta như sau : « Ai muốn giảng thì trước tiên phảỉ để cho Lời Chúa lay động mình một cách sâu xa và thấm nhập vào trong đời sống của mình » (số 150). Điều đó có nghĩa là : chính vì phải giảng Lời Chúa mà người linh mục càng phải ý thức nhu cầu thường xuyên được Lời Chúa biến đổi. Nếu không, người linh mục cũng bị Chúa Giêsu quở mắng là hạng người “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính mình lại không buồn động ngón tay vào.” ( Mt 23,4). Đàng khác, tuy rằng Lời Chúa tự bản thân có khả năng biến đổi lòng người, nhưng cuộc sống thánh thiện của người giảng cũng tạo trọng lượng cho bài giảng. Ở đây hẳn chúng ta nhớ lại đoạn văn của Đức Thánh Cha Phaolô VI viết trong Tông huấn Loan báo Tin mừng (Evangelii Nuntiandi ) ở số 76 như sau: “ Ngày nay, người ta thường lặp đi lặp lại rằng thế giới hôm nay khao khát sự chân thực. Đặc biệt giới trẻ kinh tởm sự giả tạo, sự giả mạo, và tìm kiếm trước hết và trên hết sự thật và sự trong sáng. Những “thời điềm ấy” đòi hỏi chúng ta phải tỉnh thức. Dù là âm thầm hay lớn tiếng, người ta luôn cật vấn chúng ta: “Các ngài có thực sự tin vào điều các ngài loan báo không? Các ngài có thực sự giảng điều các ngài sống không? Hơn bất cứ lúc nào, chứng tá đời sống đã trở thành điều kiện thiết yếu để cho lời giảng mang lại hiệu quả sâu xa.”

c. Về sự thánh thiện của người giảng thuyết, Đức Thánh Cha Phancô tỏ ra rất bao dung và quân bình, Người viết: “Không ai đòi hỏi chúng ta phải vô tì tích, nhưng chúng ta buộc phải không ngừng lớn lên từng ngày và thật lòng muốn tiến tới trên con đường của Tin Mừng, và chúng ta buộc phải không được buông xuôi bỏ cuộc.” (số 151). Nhưng nếu người giảng thuyết không có thiện chí thực hiện những việc cụ thể để vươn lên, thì quả thưc, theo Đức Thánh Cha, họ là “một ngôn sứ giả, một kẻ lừa đảo, một kẻ huênh hoang trống rỗng”.

4. Lắng nghe dân chúng

a. Theo Đức Thánh Cha, một trong những mục tiêu của bài giảng là “nối kết sứ điệp của bản văn Kinh Thánh với một tình huống nhân loại, với một kinh nghiệm kêu gào ánh sáng của Lời Chúa.” (số 154) . Điều đó có nghĩa là bài giảng phải có khả năng đáp ứng những thao thức, khát vọng cụ thể của dân Chúa, có khả năng trả lời những câu hỏi họ đặt ra. Để thực hiện điều đó, “Người giảng thuyết […] cần phải để tai nghe người dân để khám phá xem các tín hữu cần nghe những gì. ”( số 154).  Như thế, người giảng thuyết là người chiêm ngắm Lời Chúa và cũng là người chiêm ngắm người dân. Chiêm ngắm người dân là để nắm bắt những tình cảnh cụ thể của họ. Chiêm ngắm Lời Chúa để tìm ra ánh sáng soi dọi cho vô số những biến cố của đời sống và những tình cảnh cụ thể ấy của người dân. Để có thể kết nối sứ điệp của Lời Chúa với tình huống cụ thể của người dân, nhà giảng thuyết cần có sự tiếp xúc gần gũi với cuộc sống của người dân và lắng nghe họ. 
Tuy nhiên Đức Thánh Cha không loại trừ một cách giảng khác, đó là khởi đi từ những hoàn cảnh cụ thể. Thật thế, những biến cố xảy ra trong đời thường có thể tạo dịp tốt để loan truyền một cách kín đáo, nhưng sâu đậm, những gì Chúa muốn nói trong những biến cố ấy. Chỉ cần có một sự nhạy cảm thiêng liêng thực sự, ta sẽ đọc được sứ điệp của Chúa qua các biến cố. Nói cách khác, cái chúng ta muốn khám phá là Chúa muốn nói gì, muốn kêu gọi người kitô hữu làm gì trong và qua những biến cố ấy.

b. Theo Đức Thánh Cha, những biến cố, tình huống xảy ra rất nhiều trong cuộc sống thường nhật, chẳng hạn, “niềm vui phát xuất từ một cuộc gặp gỡ mới, những thất vọng, nỗi sợ cô đơn, niềm cảm thông những đau khổ của người khác, sự bất an trước tương lai, sự quan tâm đối với một người thân thương, v.v…Tuy nhiên cần phải có một sự nhạy cảm cao độ hơn để nhận ra điều họ thật sự quan tâm.” (số 155) Điều họ thực sự quan tâm mới là điều cần được ánh sáng Lời Chúa soi dọi, còn “những câu hỏi mà không có ai đặt ra, thì không cần phải trả lời”.

5. Các nguồn hỗ trợ giảng thuyết

a. Nói cho gọn, ít lời, nhiều ý. Trong số 42 của Tông huấn Loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phalô VI viết rằng : “ […]con người hiện đại chán ngấy những bài diễn văn, họ thường tỏ ra mệt mỏi khi nghe và tệ hơn nữa họ còn tỏ ra chai đá đối với ảnh hưởng của lời nói. Ta cũng biết quan niệm của nhiều nhà tâm lý và xã hội. Họ xác quyết rằng người hiện đại đã vượt quá văn minh của lời nói, lời nói từ nay trở thành vô hiệu và vô dụng”. Tuy nhiên Đức Thánh Cha viết tiếp: “Mặc dù con người ngày nay mệt mỏi vì những bài diễn văn trống rỗng, và mặc dù đã có nhiều hình thức truyền thông hiện đại khác, tuy nhiên điều đó không nên làm suy giảm sức mạnh vẫn có của lời nói cũng như giảm bớt sự tin tưởng vào lời nói. Lời nói luôn luôn hiện thực, nhất là khi nó mang lại sức mạnh của Thiên Chúa (1Cr 2,1-5). Vì vậy danh ngôn của Thánh Phaolô vẫn còn hiện thực : “Tin là do bởi đã được nghe” (Rm 10,17). Chính nhờ nghe Lời mà được dẫn tới đức tin.” Để dung hòa hai khuynh hướng đối lập trên đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra một lời khuyên khả dĩ đem lại hiệu quả thiết thực: “Hãy nói cho gọn, ít lời, nhiều ý” ( Hc 32,8) ( số 156), tức là phải tiếp tục giảng day bằng lời, nhưng phải gọn gàng, súc tích.

b. Sử dụng hình ảnh là một trong những phương pháp giúp cho bài giảng trở nên “phong phú và hấp dẫn hơn”. Thật thế, “một hình ảnh hấp dẫn làm cho người nghe cảm nhận được sứ điệp như một cái gì thân quen, gần gũi, có thể thực hiện, có liên quan tới cuộc đời của họ. Một hình ảnh thích hợp có thể giúp người ấy cảm nếm được sứ điệp, đánh thức ước muốn và đánh động ý chí hướng tới Tin Mừng.” ( số 157).

c. Đơn giản trong việc dùng từ và rõ ràng trong kết cấu là hai yếu tố khác giúp người nghe dễ nắm bắt bài giảng. Đức thánh cha lưu ý là không nên dùng ngôn từ qúa chuyên môn của thần học và huấn giáo, bởi vì đa số giáo dân không quen và không hiểu ý nghĩa của chúng (x. số 158). Người cũng lưu ý rằng bài giảng cần phải rõ ràng. Sự rõ ràng ở đây hệ tại bài giảng phải có môt cấu trúc mạch lạc, chứ không là những ý tưởng chồng chất lên nhau, lôn xộn. Để đạt được mục tiêu này, bài giảng cần nêu lên một “chủ đề thống nhất, với một trật tự rõ ràng và sự mạch lạc giữa các câu. để giáo dân có thể dễ dàng theo dõi và nắm bắt được triền lý luận của bài giảng.” (số 158).

d. Một bài giảng còn phải mang tính tích cực. Nó không nên nói quá nhiều về “những gì không được làm”, trái lại nó nên “gợi ý chúng ta có thể làm những gì tốt hơn”. Một cách cụ thể, bài giảng không nên có quá nhiều “lời phàn nàn, than vãn, phê bình và trách móc”, trái lại phải “luôn cống hiến hy vọng, vạch ra tương lai.” ( số 159).
 
Tóm lược phần bài giảng và chuẩn bị bài giảng.
Trước tiên Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến bài giảng. Người quan niệm bài giảng là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người qua sự trung gian của vị giảng lễ. Bài giảng còn là viên đá thử để đánh giá  sự gần gũi và khả năng truyền thông của người mục tử với dân Chúa. Nó có một giá trị đặc biệt trong bối cảnh cử hành Thánh Lễ, vì nó hướng giáo dân tới sự hiệp thông trong Bí tích Thánh Thể. Vì những lý do trên, bài giảng không nên dài, không thiên về luân lý, không để dạy giáo lý hoặc biến thành một khóa học chú giải Kinh Thánh.
Về việc chuẩn bị bài giảng, Đức Thánh Cha khuyên phải đầu tư thời gian, chú ý tới bản văn Kinh Thánh, tới ý nghĩa nguyên thủy của nó, tới phân tích văn chương để khám phá sứ điệp chính của bản văn.

Cuối cùng Đức Thánh Cha gợi lên vài nguồn hỗ trợ giảng thuyết giúp bài giảng trở nên sống động và phong phú hơn: sử dụng hình ảnh thích hợp và hấp dẫn cũng như quan tâm tới ngôn ngữ của dân chúng và sự thống nhất chủ đề.
Một bài giảng được đánh giá là tốt khi nó chứa đựng “một ý tưởng, một tâm tình, một hình ảnh”(157), khi nó « tích cực, luôn cống hiến hy vọng, vạch ra tương lai, không nhốt người giáo dân trong tiêu cực » (159). Một bài giảng tốt là « một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với Lời Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên » (135). Một bài giảng tốt luôn diễn tả được tinh thần từ mẫu và hội thánh, đặc biệt bởi « sự gần gũi của người giảng, sự ấm áp của âm giọng, sự dịu dàng trong văn phong và sự vui vẻ được biểu lộ qua điệu bộ của người giảng. » (140).
Là một Tông huấn thiên về mục vụ, Niềm vui của Tin Mừng cung cấp cho các thừa tác viên có chức thánh những kinh nghiệm, những hướng dẫn quí giá để biến bài giảng trong Thánh Lễ trở nên công cụ đem lại niềm vui cho dân Chúa khi nghe Lời của Người.                                                         

Lm Giuse Nguyễn văn Lừng.

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận