Tôi ngồi GT

Đăng lúc: Thứ hai - 30/03/2015 22:12 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Tôi ngồi GT


Thoạt đọc tiêu đề bài viết, người Công giáo có thể đoán ra GT là Giải tội. Vâng, là linh mục, tôi được Thiên Chúa trao tặng một hồng ân đặc biệt: quyền thay mặt Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho hối nhân.
Có hối nhân rất nhiệt thành trong đời sống đạo, quỳ nơi tòa cáo giải mà lòng buồn rười rượi vì những thiếu sót không sống tình bác ái với anh chị em của mình.
Có hối nhân bước vào tòa giải tội cất giọng rụt rè e ngại vì đã lâu quên bẵng Thiên Chúa từ bi nhân hậu, để ngập chìm trong đêm đen của tội lụy đam mê tưởng như không bao giờ còn nhìn thấy ánh dương.
Có hối nhân hiên ngang tiến vào tòa giải tội, lòng đầy cương quyết muốn bứt phá khỏi quá khứ nhiều lầm lỗi, những mong hướng về một tương lai tràn đầy ân sủng Thiên Chúa, đong đầy tình nghĩa anh em.
Dù buồn rầu, rụt rè hay cương quyết, những bước chân tiến vào tòa lại có phần tương đồng: nặng nề, nhưng một khi bước trở ra lại nhẹ tựa lông hồng, lâng lâng như mây bay.
Những lúc ít người đến xưng tội, tôi dành nhiều thời gian để khuyên giải và trao đổi. Tuy nhiên, khi dòng người xếp hàng mỗi lúc một dài hơn, dày hơn, tôi sẽ trao đổi với hối nhân ngắn gọn hơn, để có thể mang lại niềm vui được hòa giải cùng Thiên Chúa và anh chị em cho nhiều người hơn trong cùng một khoảng thời gian có ngần có hạn.
Đặc biệt trong Mùa Chay thánh, dòng người mong được giao hòa cùng Thiên Chúa ngày nào cũng có thể gọi là dài ngút mắt (một linh mục đã thống kê số lượng người xin lãnh nhận Bí tích Giao hòa không theo đơn vị bao nhiêu người, mà theo đơn vị “số hàng” và “số mét”: càng nhiều hàng người đợi chờ, hàng người càng dài bao nhiêu thì vị linh mục đó càng giải tội cho nhiều hối nhân bấy nhiêu).
Dòng người đợi chờ càng dài, càng dày thì người ta lại càng mong cho người phía trước có “ít” tội để khỏi phải xưng lâu giờ. Thế nên, một hiện tượng tâm lý phổ biến trong suy nghĩ của nhiều hối nhân là: ai càng quỳ lâu trong tòa, chắc là… nhiều tội lắm đây!? Nào phải thế đâu! Có những hối nhân quỳ khá lâu với cả tiếng khóc nấc nghẹn ngào nữa, nhưng đâu phải vì tội họ quá nhiều hoặc quá nặng, mà bất ngờ hơn: đó là tâm sự khúc mắc trong lòng chẳng biết bày tỏ cùng ai ngoài “người của Thiên Chúa” đang lắng nghe họ cách chân thành và đầy an ủi!
Những nỗi lòng phiền muộn vì con cái chưa ngoan, vì gánh nặng đời sống vẫn hằng ngày đè lên đôi vai gầy guộc mong manh của bà mẹ đông con lại có chồng sáng say chiều xỉn, nỗi lòng xót xa của ông bố đang bất lực nhìn đứa con trai thân yêu ngày mỗi ngày trôi theo dòng “nước lũ cám dỗ” bỏ Chúa, xa nhà thờ, lười đọc kinh…
Những người mang tâm hồn nặng trĩu ưu tư đó không xưng tội, họ như cần vị linh mục lắng nghe họ khóc! Và tôi, đã trở thành người giải tỏa tâm tư ưu sầu khi thinh lặng lắng nghe với sự chăm chú và cảm thông!
Bên cạnh những người quỳ lâu giờ kèm theo tiếng khóc nức nở, chua xót vì phận người, một số người cũng quỳ lâu không kém nhưng họ không khóc, họ đăm chiêu, nhíu mày bóp trán: Họ đang cảm thấy bối rối trước một số vấn nạn trong việc giữ đạo và sống đạo! Chọn theo Chúa, cũng đồng nghĩa với việc chọn lựa theo các tiêu chuẩn Chúa đặt ra cho một môn đệ đích thực: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). Trong thực tế, có những điều có thể dễ dàng chọn lựa “ngay và luôn”, tuy nhiên, cũng có lắm sự ta không thể trong một tích tắc phân định, là có thể chọn đúng ngay được, nên họ bối rối, băn khoăn. Họ đến với vị đại diện Thiên Chúa để tìm đáp án, lối đi cho từng hoàn cảnh! Họ mong được giải thích giúp họ!
Như thế, ngồi GT không chỉ đơn thuần thực hành việc giải tội, mà linh mục chúng tôi còn đảm nhận trách nhiệm giải tỏa ưu tư và giải thích những băn khoăn.
Dẫu cho hiểu và nhìn GT theo khía cạnh nào đi nữa, tựu chung lại, linh mục luôn tìm cách đưa Lòng thương xót của Chúa đến với những tâm hồn đang khao khát tìm gặp Đấng cứu độ: Đấng đã tự nguyện chết trên thập giá thay cho nhân loại, để phục sinh vinh hiển mang lại sự sống đời đời cho những ai tin!

Chiên già
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận