Sự quý trọng thánh Lễ

Đăng lúc: Chủ nhật - 04/05/2014 20:51 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
                 
                   ĐỪNG ĐỂ CHO QUÁ KHỨ TỐT ĐẸP
                                                QUA ĐI ĐỂ PHẢI NUỐI TIẾC

                  
          Thánh Alphonsus đã nói :“Ngay cả chính Thiên Chúa cũng không làm gì thánh thiện hơn, tốt đẹp hơn và cao cả hơn thánh lễ Misa”. Hoặc thánh giáo hoàng Piô X cũng nói :“ Thánh lễ Misa là con đường ngắn nhất, chắc nhất, dễ nhất để vào Thiên đàng”.

          Vì sự cao cả, vì sự tốt đẹp của thánh lễ Misa như vậy, nên từ thuở xa xưa, cách đây gần 500 năm, người giáo dân Việt Nam rất quý trọng thánh lễ, nên luôn tìm kiếm, luôn khát khao và nhất là luôn mong muốn được rước Chúa. Vào thời buổi đó; nhà thờ thì ít, linh mục cũng chưa có là bao, nên nếu ai muốn tham dự thánh lễ, thì phải cơm đùm gạo bới, đi mấy ngày đường mới tới nhà thờ có linh mục để tham dự thánh lễ, hơn nữa, vào thời đó, phương tiện đi lại chưa có, chủ yếu là đi bộ. Nhưng người giáo dân, họ chẳng quản khó nhọc, chẳng quản ngại vất vả gian nguy, song vì lòng yêu mến Chúa mà họ cứ kéo nhau mườm mượp ra đi tìm những nơi có linh mục, có thánh lễ để thực hiện ước mơ, khao khát của họ.
          Sau năm 1975, nhiều người dân phải đi kinh tế mới, về những vùng xa xôi hẻo lánh, về những nơi có đất đai rộng rãi phì nhiêu để khai phá làm ruộng, làm rẫy, lập vườn, để trồng tỉa hoa màu, theo chính sách giãn dân của chính phủ. Trong số đó có rất nhiều người công giáo. Khi đến những nơi hoang vu lạ lẫm như vậy, buổi ban đầu, người dân rất bỡ ngỡ, nhất là trên lãnh vực tinh thần nói chung, người công giáo nói riêng; nhà thờ cũng không, linh mục cũng chẳng có. Người công giáo phải kiếm tìm và tập trung nhau lại để vào những ngày chúa nhật hoặc những ngày lễ trọng, họ cùng nhau âm thầm đọc kinh thay thế cho thánh lễ và giúp đỡ lẫn nhau vào mọi lúc, mọi khi trong những công việc cần thiết nếu có xảy ra. Thánh lễ đối với họ lúc đó, thật quý giá biết bao! Họ khao khát bóng dáng của một vị linh mục, họ gặp được thầy hoặc Soeur là như gặp được vàng, được ngọc. Vào lúc đó, nơi đây cũng chưa có đường giao thông thuận lợi, nếu ai muốn đi tìm nhà thờ để tham dự thánh lễ, thì trước tiên phải có sức khỏe tốt, để băng đồng lội suối đi khoảng 30-40 cây số mới tới nhà thờ, vùng nào may mắn lắm chí ít cũng trên 20 cây số. Nhưng vì quá quý trọng thánh lễ và ao ước muốn được rước Chúa, nên họ chẳng quản ngại, cùng rủ nhau đi tìm tới nhà thờ để tham dự thánh lễ cho bằng được, nhất là trong các ngày lễ chúa nhật, các ngày lễ trọng và họ cứ thế, mãi tiếp tục từ năm nầy qua năm khác…
          Ở các vùng kinh tế mới, trong một năm, may mắn lắm mới có hai lễ trọng là Phục sinh và giáng sinh, linh mục tới trong âm thầm, để giải tôi và dâng thánh lễ chui. Người giáo dân rỉ tai nhau, bỏ hết công ăn việc làm, bỏ hết tất cả mọi sự để đi tham dự thánh lễ, đui què mẻ sứt, ốm đau bênh tật, nếu còn gắng gượng đi được, là họ dìu nhau tới tham dự thánh lễ đầy đủ. Lâu lâu có thầy tới, giáo dân rất vui mầng liền tụ họp nhau lại trong lặng lẽ, để cùng nhau đọc kinh, được rước Chúa trong hoàn cảnh như thế là cả một điều quý giá, quá hạnh phúc. Chuyện kể rằng:“ Có một anh thanh niên nọ ở vùng kinh tế mới Bắc Ruộng, anh ta bị bệnh được gia đình đưa về Sài Gòn chữa trị, khi vừa khỏe, việc đầu tiên là anh ta tìm tới nhà thờ và ở lại đó, có thánh lễ nào là anh ta tham dự thánh lễ đó, không bỏ sót, người nhà tới tìm kiếm nhưng anh ta không chịu rời khỏi nhà thờ, khăng khăng ở lại, người nhà năn nỉ và nhờ Cha xứ ra khuyên giải, anh ta mới chịu ra đi trong tiếc nuối ngẩn ngơ.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          
          Ngày nay, vì sự phát triển của xã hội, sự đổi thay của thời đại, nên phần đông những người ở các vùng kinh tế mới, họ tìm về lại chốn củ và những người giáo dân cũng không ngoại lệ. Còn ai không về, ở lại những nơi đó, thì bây giờ nhà thờ cũng đã được xây dựng thêm nhiều, Linh mục cũng gần như đầy đủ. Nhưng tinh thần đạo đức của người giáo dân bây giờ không còn như xưa nữa. Khi khốn khó, đói nghèo thì Chúa là nguồn an ủi, là nguồn cậy trông, là nơi chốn họ tựa nương, là nơi mà nhờ đó họ đứng lên để có ngày sung sướng hôm nay. Thế mà bây giờ họ ở sát bên Chúa, họ ở ngay cạnh nhà thờ hoặc có xa thì cũng vài ba cây số, với phương tiện hiện đại đủ các loại xe, người nào nghèo lắm cũng có chiếc xe Honda để đi lại, đường sá giao thông thì quá là rộng rãi, thoải mái…Nhưng thánh lễ ngày thường, thì quá ít ỏi so với một ngôi thánh đường khang trang rộng lớn, thật là uổng phí khi một ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ như thế, mà chỉ có vài chục người tham dự thánh lễ, toàn là ông già bà lão, ít khi thấy bóng dáng thanh niên hoặc thiếu nữ tham dự. Còn ngày chúa nhật thì quá là đông đúc, nhưng phần nhiều họ ngồi, đứng ở bên ngoài nhà thờ, ngồi ở các gốc Xoài, gốc Mận hoặc ở các ghế đá để hút thuốc, thoải mái tám chuyện như ở công viên, không mặn mà với thánh lễ mà Chúa Giêsu đang hiến tế trên bàn thờ qua bàn tay kỳ diệu của vị linh mục.
          Khốn thay ngày nay, tinh thần đạo đức của giáo dân đã quá sa sút, đời sống vật chất càng cao thì đời sống tinh thần càng xuống dốc trầm trọng, thê thảm. Có một số, đủ cả mọi giới, đủ mọi thành phần đã bỏ lễ ngày chúa nhật và các ngày lễ trọng, bỏ luôn tòa giải tội đã bao nhiêu năm nay. Họ chạy theo vật chất của cải, họ tìm kiếm tiền tài danh vọng, có tiền của rồi, họ sinh ra ăn chơi sa đọa, đua nhau ngụp lặn trong bùn nhơ tội lỗi, đàn ông cũng như đàn bà, thanh niên cũng như thanh nữ. Buổi sáng họ tụ tập nhau lại, ngồi lê lết tám chuyện ở các quán càfé. Chiều về, thì ngồi đầy dẫy ở các quán nhậu, rồi từ đó, có biết bao nhiêu tệ nạn đã xảy ra! Nào là Karaoké, massage…Ứơc chi, họ dùng một phần thời gian nầy để đến với Chúa thì đẹp đẽ biết là dường nào! Còn có một số lớn các em học sinh mê game, ở suốt trong các tiệm internet, trốn học, bỏ học giáo lý, bỏ luôn cả thánh lễ…Đứng trước thực trạng sa sút trầm trọng và đau xót như thế nầy, chúng ta phải làm gì ? Các đấng bậc phẩm trật trong Giáo hội Việt Nam, trong Giáo phận Phan Thiết đã trăn trở, đã khắc khoải biết bao! Nhiều lần, các Ngài đã dùng những lời rao giảng mạnh mẽ, những lời giảng dạy khôn ngoan, ngọt ngào để lôi kéo, để uốn nắn, để răn đe… Về phía giáo dân, chỉ biết dùng lời cầu nguyện và làm các việc lành đạo đức, để nêu lên những tấm gương sáng, mong họ thấy được cái sai, cái xấu để sửa đổi, song hình như chẳng thấm tháp vào đâu cả.
          Ôi lạy Chúa, chúng con biết phải làm gì đây! Sức lực của chúng con quá yếu đuối, chỉ biết trông cậy vào lòng từ bi nhân hậu, vào sự nhẫn nại và lòng bao dung vô bờ của Chúa. Cầu xin Đức Chúa Thánh Thần hãy soi sáng, để cho họ biết dừng lại, cho họ biết ăn năn sám hối để quay trở về với Chúa, quay trở về với cuốc sống đạo đức mà xưa kia họ từng ao ước và đã thực hiện, đừng để cho một quá khứ tốt đẹp qua đi để rồi phải nuối tiếc, xin cho họ được quay trở về để thiết tha yêu mến Chúa hơn, quý trọng thánh lễ và khát khao được rước Chúa như ngày xưa vậy. Amen.
                                                                                                              Hải-Chi.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận