Thứ tư tuần 24 thường niên

Đăng lúc: Thứ tư - 16/09/2015 00:57 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ tư tuần 24 thường niên – Thánh Cornêliô giáo hoàng, và thánh Cyprianô giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

"Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc".

 

* Thánh Conêliô làm giám mục giáo phận Rôma năm 251. Người đã chống lại giáo phái Novaxianô. Chưa được bao lâu, người bị hoàng đế Ganlô bắt đi đầy ở Xivitavéckia và đã qua đời ở đây (253). Người đã được thánh Síprianô kính trọng và quý mến. Chính vì thế, ngay từ thế kỷ IV, Hội Thánh Rôma đã mừng lễ thánh Conêliô trong chính hang mộ của người vào ngày lễ thánh Síprianô.

Thánh Xíprianô sinh tại Cácthagô quãng năm 210, trong một gia đình ngoại giáo. Người lãnh nhận đức tin, làm linh mục, rồi làm giám mục năm 249. Trong cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Valêrianô, người bị lưu đày, rồi ngày14 tháng 9 năm 258, người chịu chết để làm chứng cho Chúa Kitô. Các thư từ và các tác phẩm của người viết ra cho thấy người có tâm hồn của một vị mục tử đích thực, luôn đứng ở chỗ nguy hiểm nhất để nâng đỡ các anh em đang phải chịu bách hại và để duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Trong mọi việc, người lo nêu gương sáng về lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô.

 

Lời Chúa: Lc 7, 31-35

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: "Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. "Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc". Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: "Người bị quỷ ám". Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi". Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".

 

SUY NIỆM 1: Thái Ðộ Thiếu Nhất Quán

Ngày nay, nhân danh dân chủ, tự do ngôn luận, nhiều người muốn có một Giáo Hội của mình, một Giáo Hội được định đoạt theo những suy nghĩ của mình, chứ không là giáo lý do Chúa mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội nữa. Muốn là Kitô hữu, nhưng lại không muốn chấp nhận giáo huấn của Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội, đó là một thái độ thiếu nhất quán. Chúng ta có thể thấy được một thái độ như thế trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu mượn hình ảnh nhóm trẻ chơi ngoài phố chợ để nói lên thái độ ấy. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời Chúa Giêsu cũng có phản ứng đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài phố chợ này. Họ mong chờ Ðấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả loan báo về Ngài, nhưng họ không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỉ ám; Chúa Giêsu khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại bảo rằng Ngài là tên ăn nhậu, hòa nhập với phường thu thuế và tội lỗi.

Mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời cứu thế; trông đợi Ðấng Cứu Tinh, nhưng phải là Vị Cứu Tinh do mình tạo ra, đó là thái độ của những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các Kitô hữu thời đại chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta". Chúng ta mang danh hiệu Kitô, chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, nhưng có lẽ chúng ta chưa từ bỏ chính mình để chấp nhận và sống theo giáo huấn của Ngài.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy sự khôn ngoan của con cái Chúa, đó là sự khôn ngoan của trẻ thơ luôn biết sống khiêm tốn và tin tưởng. Xin Ngài củng cố chúng ta trong tâm tình ấy, để chúng ta luôn được trung thành với giáo huấn mà Ngài đã ủy thác cho Giáo Hội.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Bất tín kinh niên

“Vậy tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói:

Tụi tôi thổi sáo cho các anh,

mà các anh không nhảy múa;

tụi tôi hát bài đưa đám,

mà các anh không khóc than.” (Lc. 7, 31-32)

Dù là ai, dù làm thế nào cũng luôn luôn có những kẻ chối bỏ mọi thứ, chối bỏ tất cả. Đó là trường hợp một số những kẻ đồng hương của Đức Kitô, họ mang bệnh kinh niên không tin gì hết, chối bỏ mọi chứng cớ hiển nhiên tới cùng. Đức Kitô gọi họ là “Dòng giống này”, một từ ngữ mang tính chất phán xét. Họ vẫn có ảo tưởng về một dân tộc được tuyển chọn, nhưng trong bốn mươi năm vượt sa mạc dầu được hưởng bao nhiêu phép lạ họ chứng kiến rõ ràng, họ vẫn không muốn theo Chúa.

Đức Giêsu so sánh họ với lũ trẻ ranh con quậy phá cứng đầu ngoài chợ. Chúng chơi dỡn để làm cho nhiều người múa nhảy, mà không ai theo, chúng hát bài đưa ma để làm cho người ta khóc, mà không ai thèm khóc. Chắc hẳn Đức Kitô muốn nói quá về những quậy phá của hạng người tai to mặt lớn quá ngu muội trong dụ ngôn nực cười này.

Khi kém lòng tin, không gì có thể mở tai mở mắt cho họ được. Ngôn sứ Gio-an Tẩy Giả đến và sống khắc khổ đến nỗi không ăn bánh, không uống rượu, họ xử với ông như kẻ bị quỷ ám. Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế đến ăn uống như mọi người, không phải để hùa theo kẻ mê ăn uống, nhưng họ coi Người là tay ăn nhậu và họ xỉ nhục tố cáo Người là bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. “Bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” đó là điều Đức Kitô muốn và đó là lý do Người đến trần gian: để cứu chữa những người tội lỗi và tật xấu. Người không ngừng nhắc đi nhắc lại điều đó, nhất là bằng việc làm. Điều đó làm cho kẻ chống đối và bất tín kinh niên giận dữ cho đến tận thế, những ai muốn theo Đức Kitô trên con đường này, đều vấp phải tâm thức trẻ con cố chấp này. Họ không bao giờ có lòng thương xót tha thứ. Giáo Hội biết rõ thế và đã quyết chí trở về với con đường của Đức Giêsu.

GF
 

Suy niệm 3

A- Phân tích (Hạt giống...)

Chúa Giêsu trách thế hệ của Ngài:

Không chịu nghe lời của Gioan Tẩy giả và của Chúa Giêsu mà hoán cải, lại còn viện cớ đổ thừa là vì Gioan là người bị quỷ ám, còn Chúa Giêsu thì là tay ăn nhậu, tội lỗi.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Viện cớ đổ thừa là điều người ta thường làm để tự biện hộ cho những việc làm xấu xa của mình:

Chúa Nhật không đi lễ: tại vì trời mưa…

Đi ngủ không đọc kinh tối: tại quên, tại bệnh…

Không giúp đỡ người khác: tại vì nó không nói…

2. Lắm khi, để biện hộ cho mình, người ta không ngại đổ tội cho người khác: “Gioan là người bị quỷ ám”, “Giêsu là tay ăn nhậu”.

3. Chúng ta chỉ mong ước Chúa thực hiện chương trình của chúng ta. Chúng ta chán nản buông xuôi thất vọng vì thấy công việc Chúa không như chúng ta mong muốn. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống hòa hợp với chương trình của Chúa. (Trích: “Mỗi ngày một tin vui”)

4. “Khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: 'Người bị quỷ ám'. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: 'Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi'” (Lc 7,33-34)

Trong làng kia có một nông dân rất khô khan nguội lạnh, không sống đạo theo đức tin của mình. Một sáng Chúa Nhật nọ ông bảo đứa con trai của mình rằng:

- Sáng nay con ra đồng làm việc với ba nhé.

Cậu điềm tĩnh trả lời:

- Thưa ba, hôm nay là ngày Chúa Nhật mà.

- Chúa Nhật thì sao? Bộ Chúa Nhật không làm việc được hả? Ý con thế nào?

Thưa ba, con muốn nói giới răn thứ ba của Chúa dạy phải thánh hóa ngày Chúa Nhật và phải cầu nguyện. Nghe vậy người cha bực tức gắt lên:

- Giới răn là cái quái gì!

Một ý tưởng loé lên trong trí, cậu con nhanh nhẩu thưa lại:

- Thưa ba, nếu ba nói như vậy thì con không tuân giữ các giới răn của Chúa, kể cả giới răn thứ tư là Chúa dạy vâng lời cha mẹ!

Lạy Chúa, xin ban cho con có được sức mạnh của lòng tin, để con đón nhận tình yêu của Chúa. (Hosanna)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cám tạ Chúa đã sống thật đơn hèn để gần gũi với chúng con. Chúa đã mang lấy thân phận con người để sống hoà nhập với loài người chúng con. Chúa còn trở thành tấm bánh đơn sơ để trao ban chính sức sống thần linh của Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình cùa Chúa để chúng con luôn biết sống chân thành với nhau, và mặc lấy tâm tình trẻ thơ để sống khiêm tốn trước mặt Chúa.

Lạy Chúa, tuy mang danh là Kitô hữu, nhưng chúng con vẫn chưa đủ dứt khoát để dấn bước theo Chúa, chưa đủ xác tín vào lời Chúa. Chúng con chưa nhất quán trong đời sống hằng ngày với lời Chúa và lề luật của Chúa. Chúng con tin Chúa nhưng lại không dám sống theo những đòi buộc của đức tin. Chúng con mang danh là Kitô hữu nhưng lại không dám mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa để sống với tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ban cho chúng con sức mạnh của lòng tin, để chúng con can đảm làm chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)


Từ khóa:

thế hệ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận