Thứ năm đầu tháng, tuần 2 Mùa Chay.

Đăng lúc: Thứ năm - 01/03/2018 02:01 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ năm đầu tháng, tuần 2 Mùa Chay.

“Con đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”.

 

Lời Chúa: Lc 16, 19-31

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng: “Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được”.

Người đó lại nói: “Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”. Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. Người đó thưa: “Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải”. Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu”.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Người giầu có và Ladarô.

Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại rằng một lần nọ đặt chân đến Ethiopi, Mẹ đã ngỏ ý với một vị Bộ trưởng để xin một khu đất xây bệnh viện cho những người cùng khốn nhất. Ông Bộ trưởng trả lời: “Thưa bà, việc săn sóc bệnh nhân và người nghèo là trách nhiệm của chính phủ, không một cá nhân hay đoàn thể nào có thể gánh được công việc này”. Mẹ liền nói: “Nhưng tôi thấy chính phủ các ông đã không chu toàn được trách nhiệm ấy; vả, việc săn sóc người nghèo khổ là trách nhiệm của mỗi người”. Và ông Bộ trưởng đã phải chấp nhận đề nghị của Mẹ.

Câu trả lời và việc làm của Mẹ Têrêxa là một minh hoạ cho giáo huấn của Chúa Giêsu về người giầu có và Ladarô nghèo khổ. Quan tâm đến người anh em, nhất là những người cùng khổ là một bổn phận, một bổn phận mà Chúa Giêsu cũng khẳng định trong diễn từ về ngày chung thẩm. Nhiều người ngỡ ngàng khi nhận ra rằng số phận mai hậu của họ gắn liền với một bát nước lã, một chén cơm họ chia sẻ cho một kẻ vô danh.

Dửng dưng trước khổ đau của người khác là một tội. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nêu bật qua hình ảnh người giầu có trong Tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu không nói đến nguồn gốc của sự giầu có mà người phú hộ đang hưởng. Ngài cũng không nói đến một hành động gian ác nào của ông. Thế nhưng, sự dửng dưng đến độ mù loà của ông trước một người hành khất lê lết trước cửa nhà ông, một thái độ như thế cũng là một tội ác rồi. Mỗi người đều có trách nhiệm về người anh em, nhất là người nghèo khổ trong xã hội. Giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay có lẽ cũng gợi lại câu hỏi Thiên Chúa đặt ra cho Cain sau khi Cain giết Abel em mình: “Cain, em ngươi đâu?”. Cain trả lời: “Tôi có phải là người giữ em tôi đâu”. Câu trả lời ấy có lẽ cũng là thái độ của chúng ta khi đứng trước nỗi khổ đau của người khác. Thiên Chúa đã tạo dựng nhân loại như một gia đình, trong đó tất cả chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau.

Mùa Chay, mùa trở về với Chúa và cũng là mùa trở về với anh em. Nhận ra mỗi người, nhất là người cùng khổ như người anh em con cùng một cha, đó là lời mời gọi mà Cha trên trời luôn ngỏ với chúng ta, và đó cũng là thông hành để chúng ta về gặp gỡ Cha trên trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Hãy thật lòng hoán cải

Chúa Giêsu đã dùng một câu chuyện dài để minh họa mối tương quan đảo ngược giữa cuộc sống đời này với cuộc sống đời sau, nhằm mục đích kêu gọi người Do Thái sống theo lời của tổ phụ và các ngôn sứ được ghi lại trong sách Thánh để được hưởng hạnh phúc mai sau. Khi nghe phần đầu của câu chuyện về ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó trên đây, chắc chắn người Do Thái sẽ nhớ đến lời Chúa Giêsu dạy trong bài giảng về các Mối Phúc Thật, cụ thể là những mối phúc dành cho kẻ nghèo khó, đói khát và khóc lóc. Từ hình ảnh của ông nhà giàu trong âm phủ và anh Ladarô trong lòng tổ phụ Abraham, Chúa Giêsu đưa các thính giả trở về với cuộc sống thực tại ấy. Mượn lời ông Abraham, Chúa Giêsu trách cứ lối sống ương ngạnh của của họ, vì họ không chịu tin vào giáo huấn của ông Môsê và các tiên tri. Họ cứng đầu như thế, thì cho dù người chết sống lại thuyết phục họ, họ cũng sẽ bỏ ngoài tai.

Hạnh phúc đời sau thì ai cũng muốn được hưởng, nhưng gian khổ đời này thì chẳng ai muốn trải qua. Bởi thế, chúng ta thường tìm giải pháp có lợi cho chúng ta hơn hết, chúng ta tìm cách sống như thế nào để được cả đôi đàng, chúng ta trở thành người quá khôn ngoan và cũng quá tham lam, muốn được hưởng hạnh phúc tạm bợ đời này lẫn hạnh phúc đời sau. Lối sống bắt cá hai tay như thế dần dần dẫn chúng ta tới chỗ nhượng bộ hoặc thỏa hiệp với các nhu cầu vật chất của mình, mà coi nhẹ các nhu cầu tâm tình sâu thẳm, đáng ra phải được đáp ứng trước tiên. Cuộc sống thiêng liêng của chúng ta vì thế mà nghèo nàn đi khi đời sống vật chất của chúng ta có thể dư dật ra. Các giá trị Tin Mừng dần dà bị chúng ta coi nhẹ trong khi những giá trị trần tục lại được chúng ta càng lúc càng tôn vinh. Cán cân các giá trị cứ thế mà lệch dần đi. Chúng ta trở nên như người giàu có trong dụ ngôn trên đây, chúng ta yên tâm với những gì mình tích góp được, những gì mình sở hữu trong tay. Mãi lo lắng cho mình, lòng chúng ta đông đặc lại, chúng ta không còn quan tâm đến người chung quanh, chúng ta tự thỏa mãn với thế giới khép kín của mình. Thế rồi, có những lúc nào đó, khi lâm bịnh tật, khi gặp tai ương, chúng ta hốt hoảng nhận ra rằng cuộc đời trần thế chỉ là phù vân, chúng ta hối hận ăn năn, chúng ta hứa với Chúa là nếu Chúa giúp chúng ta ra khỏi nguy nan, chúng ta sẽ làm lại tất cả. Thế nhưng ai trong chúng ta đã giữ trọn lời hứa với Chúa? Hết tai ương hoạn nạn, chúng ta có thể quay về với nếp sống cũ. Qua cơn khốn đốn, chúng ta lại chễm chệ leo lên chiếc ghế trang trọng của mình.

Lạy Chúa Giêsu, con thật cứng đầu chẳng kém gì những người Do Thái thời xưa, có lẽ con còn đáng trách hơn họ nữa, vì con chẳng những không chịu tin lời Môsê và các ngôn sứ, mà ngay cả Lời Chúa dạy bảo con cũng chẳng chịu nghe theo cho tới nơi tới chốn. Trong mùa Chay này, xin Chúa giúp con thật lòng hoán cải và sống trong lòng Tin Mừng để khỏi rơi vào tình trạng bất hạnh như ông nhà giàu trong dụ ngôn được nhắc lại trong đoạn Phúc Âm hôm nay.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Cần có Thiên Chúa

“Có một ông nhà giầu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giầu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng Áp-ra-ham. Ông nhà giầu cũng chết và được đem đi chôn.” (Lc. 16, 19-22)

1) Câu chuyện Tin mừng đã đạt tới tuyệt đỉnh, nó trình bày cho ta thấy một cảnh bi thảm sống động về những kẻ giàu có ích kỷ bị chúc dữ ghê sợ, những kẻ giàu sang này ăn chơi thỏa thích, dưới những lời van xin thảm thiết của những kẻ bần cùng đói khổ than khóc. Đây là bản văn nghiêm khắc cảnh cáo những kẻ giàu và an ủi người nghèo khổ.

La-gia-rô có nghĩa là người nghèo khổ được Thiên Chúa cứu giúp. Anh là một trong những kẻ nghèo khổ biết nhẫn nại chịu đựng cảnh khốn cùng và đầy lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Họ chỉ có thể kiên nhẫn chịu đựng cuộc sống tối tăm của họ nhờ họ cậy trông vào Thiên Chúa. La-gia-rô là một trong số họ được lời hứa của Thiên Chúa an ủi như lời Thánh vịnh và các ngôn sứ nói, là một trong những người được Tám Mối Phúc Thật chúc mừng.

Người phú hộ sống không màng chi đến Thiên Chúa. Ông có tất cả rồi, còn cần chi đến Thiên Chúa? Ông không thấy Thiên Chúa, ông không thấy kẻ khốn khổ. Ông hoàn toàn giàu có và sống dư đầy, ông không chống lại Thiên Chúa, ông không đàn áp kẻ nghèo. Ông chỉ mù thôi, mù đối với Thiên Chúa và những người nghèo khổ, mù đối với Mô-sê và những ngôn sứ.

2) Câu chuyện nhấn mạnh đến đời sau cái chết. Cả hai đều chết, cả người nghèo lẫn người giàu hoàn toàn chết như nhau. Nhưng có khác nhau: Người giàu được đưa chôn long trọng xôm trò. Người nghèo không thấy nói được an táng chi cả, phải chăng nó không đáng được nói tới. Nhưng người nghèo lại được các thiên thần đón rước.

Người giàu phải ở chốn cực hình. La-gia-rô được ngồi bàn tiệc nước trời, trong lòng Áp-ra-ham, nơi hạnh phúc vinh quang.

3) Nội dung Kinh thánh là chính Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại. Ai biết nghe và sống theo lời Đức Giê-su, sẽ không bị số phận như kẻ phú hộ đã bị phạt. Hình phạt được nói rõ trong bản văn Tin mừng này, cho biết chắc có sự chết và sống lại, có hình phạt và phần thưởng đời sau.

J.M

 

SUY NIỆM 4: DỬNG DƯNG VÔ CẢM LÀ TỘI ÁC! (Lc 16, 19 – 31)

Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại một câu chuyện thật ấn tượng rằng: có hai bạn trẻ nghe biết các sơ trong dòng của mẹ hàng ngày nấu ăn cho 7 ngàn người, và cung cấp thực phẩm cho khoảng 9 ngàn người. Vì thế, họ đã tặng cho mẹ một số tiền lớn để giúp người nghèo. Khi được hỏi về nguồn gốc số tiền lớn mà các em dâng tặng, các em trả lời:

Chúng con vừa cưới nhau được hai ngày. Trước ngày cưới, chúng con đã suy nghĩ nhiều. Sau cùng, chúng con quyết định không may đồ cưới, cũng không tổ chức yến tiệc linh đình, và chúng con muốn dùng khoản tiền chi phí cho đám cưới và mua tặng phẩm để cho những người không được may mắn như chúng con". Khi thấy thế, mẹ phân vân! Hai bạn nói tiếp:

Vì chúng con yêu nhau, chúng con muốn có cái gì đặc biệt, đẹp đẽ cho nhau. Vì thế, chúng con muốn tặng cho nhau một món quà cưới thật đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống của mình bằng một hy sinh mà cả hai đều dự phần vào”.

Ôi một nghĩa cử anh hùng! Vì ở bên Ấn Độ, đám cưới mà không có quần áo cưới cũng như tiệc cưới là một điều nhục nhã và gây tủi hổ cho cả hai gia đình, đàng trai cũng như đàng gái.

Câu chuyện trên đây ngược hẳn với câu chuyện của nhà phú hộ giàu có và Lazarô nghèo khổ!

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: giàu không phải là tội, nhưng nó chỉ là cạm bẫy nguy hiểm dễ dẫn đến tội nếu không có lòng bác ái. Ông nhà giàu trong bài Tin Mừng hôm nay đã rơi vào tình trạng tội khi ông vô cảm với người nghèo ngay ở cổng nhà ông. Vì thế, ông đáng phải sa hỏa ngục vì tiền bạc và sự sung túc đã làm cho mắt ông mù lòa, trái tim se thắt, tấm lòng trai cứng và sự dửng dưng đã trở thành tội ác và mất hạnh phúc đời đời...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có trách nhiệm liên đới với nhau, nhất là với người nghèo, người cô thế, cô thân, không nơi nương tựa... Không bao giờ chúng ta được để cho chủ trương: “Sống chết mặc bay” thường trực trong tâm hồn của mình.

Có thế, chúng ta mới xứng đáng được gọi là con Thiên Chúa và đáng được Người cứu chuộc.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết yêu thương những người nghèo khổ hơn chúng con bằng tình yêu vô vị lợi như Chúa. Xin cho chúng con đừng bao giờ để cho tư tưởng phân biệt giàu nghèo, giai cấp, địa vị ngự trị trong tâm hồn chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Có một vực thẳm

Tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới

còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển.

Bill Gates giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất.

Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông, Liên Hiệp Quốc đủ chi tiêu

cho giáo dục cơ bản, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh

cho cả thế giới trong một thời gian dài.

Khi nhìn sự chênh lệch giữa ông nhà giàu và Ladarô,

chúng ta thấy bức tranh hiện thực của thế giới.

Hố sâu ngăn cách giữa giàu nghèo ở đô thị,

giữa đô thị và nông thôn, càng lúc càng lớn.

Có 800 triệu Ladarô đang đói nghèo cùng cực.

Hơn một tỉ Ladarô bệnh tật không được chăm sóc.

Vẫn có bao người chết đói mỗi ngày,

vì không được hưởng gì từ các bàn tiệc rơi xuống.

Ông nhà giàu trong dụ ngôn có thấy, có biết Ladarô,

nhưng thấy mà như không thấy có Ladarô trên đời.

Tiện nghi vật chất đã thành bức tường kín.

Ông sống an toàn mãn nguyện trong khoảng không gian riêng.

Chính ông đã tạo ra một vực thẳm ngăn cách.

Không cần Chúa, cũng chẳng cần biết đến anh em.

Có thể nói vực thẳm đó lớn dần và kéo dài mãi đến đời sau.

Hỏa ngục là sự tự cô lập mình không thể đảo ngược được.

Chẳng ai có thể cho tôi một giọt nước.

Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau

là do chính con người đã tạo ra từ đời này.

Ông nhà giàu bị phạt, không phải vì ông đã bóc lột ai,

nhưng vì ông không bị sốc chút nào

trước sự chênh lệch ghê gớm giữa ông và Ladarô.

Từ sốc mới nẩy sinh thức tỉnh, và dẫn đến hoán cải.

Nhiều nước giàu vẫn trợ giúp các nước nghèo,

nhưng không muốn loại bỏ sự bất bình đẳng.

Các nước nghèo vẫn bị bóc lột về tài nguyên, nhân công,

và bị nô lệ cho những món nợ không sao trả hết.

Ông nhà giàu bị phạt không phải vì ông đã nhận nhiều,

nhưng vì ông đã không san sẻ những gì mình nhận.

Giàu không phải là một tội, của cải tự nó không xấu.

Có bao người giàu tốt như Dakêu, Nicôđêmô, Giuse Arimathia.

Nhưng giàu sang có thể dẫn đến cám dỗ nguy hiểm:

Tích trữ, tham lam, hà tiện, khép kín, tự mãn, hưởng thụ,

bị ám ảnh bởi đồng tiền, bị mê hoặc bởi lợi nhuận.

Chúng ta có thể nghèo của cải, nhưng giàu có về các mặt khác:

giàu kiến thức chuyên môn, giàu thế lực ảnh hưởng,

giàu sức khỏe, giàu tình bạn tình yêu, giàu niềm vui, ơn Chúa.

Hãy tập nhìn xuống để thấy bao người dưới mình.

Chia sẻ là lấp vực thẳm, nâng người khác lên bằng mình.

Ước gì chúng ta để cho Lời Chúa hoán cải,

để thấy trách nhiệm của mình trước những Ladarô

nằm ngay nơi cửa, trong khu xóm...

Chỉ cần bớt chút dư thừa, xa xỉ của chúng ta

cũng đủ làm nhiều người no nê hạnh phúc.

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng

tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,

chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,

tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,

có bao điều con lãng phí

bên cạnh những Ladarô túng quẫn,

có bao điều con hưởng lợi

dựa trên nỗi đau của người khác,

có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công

chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Con phải chịu trách nhiệm

về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,

vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó

là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,

vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo

là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,

nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM:

Câu chuyện về ông nhà giàu và người nghèo, tên là La-da-rô, mà Đức Giê-su kể cho chúng ta nghe trong bài Tin Mừng, rất quen thuộc đối với chúng ta. Nhưng có một chi tiết quan trọng, có thể chúng ta đã không để ý, đó là câu chuyện này là một dụ ngôn : « Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây ».

Dụ ngôn là một chuyện kể phát xuất từ thực tế cuộc sống (hạt giống, nắm men, tiệc cưới, người cha có hai người con, con chiên đi lạc hay đồng bạc bị mất…), nhưng lại chất chứa những chi tiết lạ lùng để mặc khải cho chúng ta, không phải trực tiếp nhưng theo ngôn ngữ ẩn dụ, về Thiên Chúa, về tình yêu và lòng thương xót của Người, về Nước của Người, về cách thức chúng ta đón nhận và sống với Người ngang qua tương quan của chúng ta với tha nhân và với những thực tại thuộc về đời này.

Theo bối cảnh, dường như Đức Giê-su kể dụ ngôn « Ông nhà giàu và người nghèo La-da-rô » cho những người Pha-ri-sêu : « Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc… » (c. 14), nhưng vấn đế mà dụ ngôn nêu ra lại đụng chạm đến mọi người chúng ta ở chiều sâu. Vậy, Chúa muốn nói với chúng ta điều gì, hay đúng hơn chất vấn chúng ta về vấn đề gì, khi kể dụ ngôn này ?

1. Thời gian và vĩnh cửu

Trước hết, đó là sự khác nhau giữa thời gian và vĩnh cửu, hay nói dễ hiểu hơn là sự khác nhau giữa đời này và đời sau. Đời này thì có giờ, có tháng, có năm ; đời sau thì không có giờ, có tháng, có năm, nghĩa là lúc nào cũng là hiện tại, không có thủy không có chung ; đời này thì chóng qua, đời sau thì tồn tại mãi mãi ; đời này thì có thay đổi, đời sau thì không có thay đổi.

Chính vì thế, trong dụ ngôn, tổ phụ Abraham nói với ông nhà giàu sau khi đã chết, nghĩa là đã bước vào đời sau :

Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được. (c. 26)

Trong khi đó, ở đời này, giữa bàn tiệc của ông nhà giàu và người nghèo trước cổng đâu có phải là vực thẳm. Hai bên có thể đi qua đi lại dễ dàng ! Ý nghĩa này cần phải đánh động chúng ta. Bởi vì đời sau sẽ không thể thay đổi được, nhưng một cách nghịch lí, lại luôn luôn mới (x. Tv 136), nên chúng ta được mời gọi thay đổi, nghĩa là hoán cải ngay bây giờ, đặc biệt là trong cách chúng ta sử dụng của cải cũng như tất cả « những sự khác » (Linh Thao, số 23), theo hướng phục vụ và chia sẻ cho người khác, nhất là những người nghèo, những người thiếu may mắn và bất hạnh, và với cả những anh em, chị em nhỏ bé, yếu kém hay đau yếu bên cạnh chúng ta nữa, trong gia đình hay trong cộng đoàn. Hơn nữa, đời này thì rất chóng qua, còn đời sau thì kéo dài mãi mãi.

2. Người nghèo và người giàu

Dụ ngôn còn muốn nói với chúng ta điều thứ hai, đó là những người giàu có ở đời này, sẽ bị lưu đày ở đời sau ; còn những người nghèo khó, sẽ được an ủi. Vấn đề của ông nhà giàu không phải là vì ông giàu có, ông có nhiều của cải, nhưng là ông quá gắn bó với của cải, đến nỗi ông không muốn chia sẻ, không quan tâm đến những người thiếu thốn hơn đang ở trước cổng nhà mình. Ông làm tôi cho của cải, thay vì làm tôi Thiên Chúa.

Trước khi kể dụ ngôn này, Đức Giê-su đã nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16, 13). Điều này không có nghĩa là tiền của tự nó là xấu, và chúng ta phải từ bỏ, hay phải càng có ít càng tốt. Nếu hiểu như thế, chúng ta sẽ “tự lên án” mình, vì chúng ta không thể sống mà không có tiền của, nhất là trong cuộc sống và cách thức làm việc hiện đại hôm nay, càng ngày càng đòi hỏi những chi phí rất lớn và những phương tiện đắt tiền. Tiền Của trở nên xấu trong mức độ, chúng ta coi nó như thần linh, thay thế hay đối lập với Thiên Chúa (trong bản văn Hi lạp, đó là chữ “Mamon” viết hoa). Trong khi nó chỉ là phương tiện.

Làm việc để có tiền có của, qua đó mua sắp những phương tiện là điều cần thiết trong cuộc sống. Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự tai hại của một cuộc sống “làm tôi tiền của”, nghĩa là chỉ chạy theo tiền của, chỉ chạy theo việc mua sắm các phương tiện, chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình. Lúc đó, người ta không còn làm chủ tiền của nữa, nhưng bị tiền của làm chủ, và hậu quả là gây đỗ vỡ những tương quan làm cho chúng ta sống hạnh phúc, đó là tình thương và sự liên đới. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ sống bằng tiền của, bằng phương tiện, bằng việc thỏa mãn nhu cầu, nhưng còn sống bằng tương quan đón nhận, tin tưởng, bao dung, tha thứ, và nhất là hiệp thông, tình bạn và tình thương mà Lời Chúa đem lại cho chúng ta. Thiếu tình thương, thì dù có tiền của, đời sống của chúng ta cũng trở thành chết chóc, thậm chí trở thành địa ngục.

Đời này thì thay đổi được, còn đời sau thì không. Chúng ta hãy thay đổi trong cách chúng ta tìm kiếm và sử dụng của cải, để trở nên nghèo khó trong tâm hồn, và như thế sẽ được Chúa ban tặng Nước Trời mãi mãi ở đời sau.

3. Lời Chúa và các bí tích

Điều thứ ba chúng ta cần lưu ý trong dụ ngôn, đó là ông Mô-sê và các ngôn sứ, nghĩa là Kinh Thánh, là đủ để cho người đang sống hoán cải, thay đổi cách sống của mình ; và không cần phải chứng kiến những điều lạ lùng, như người chết hiện về. Bởi vì, hiện về thì hiện về có một lần ; nhưng thay đổi cách sống là thay đổi suốt đời ; thế mà, sự thay đổi bền vững lại phát xuất từ sự biến đổi của con tim, nhờ tác động của Lời Chúa trong Kinh Thánh, chứ không phải từ những hiện tượng ngoạn mục ở bên ngoài. Những hiện tượng lạ lùng, chỉ là dấu chỉ mời gọi thôi, chứ không tự động đem lại cho chúng ta sự thay đổi sâu xa và bền vững.

Đời này thì thay đổi được, đời sau thì không ; đời này thì chóng qua, đời sau thì vĩnh cửu. Xin cho chúng ta không cần trông cậy vào những điều lạ lùng hay ngoại thường, nhưng hoàn toàn tín thác vào Lời Chúa và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Vì nếu chúng ta hoàn toàn tín thác vào Lời Chúa và các bí tích, chúng ta sẽ nhận ra rằng, đó là những điều lạ lùng nhất, ngoại thường nhất, có sức mạnh hoán cải chúng ta, biến đổi chúng ta thành con của Chúa và thành anh chị em của nhau, làm cho chúng ta biết chia sẻ cách quảng đại. Vì qua Lời Chúa và bí tích Thánh Thể, Chúa chia sẻ cho chúng ta chính sự sống của Chúa cách quảng đại, và khi lãnh nhận sự sống của Chúa và nhận ra rằng, mọi sự chúng ta có là ân huệ Chúa ban, chúng ta được thúc đẩy để chia sẻ cho người khác cách quảng đại.

Như thế, dụ ngôn về ông nhà giàu và người nghèo La-da-rô, mà Đức Giê-su kể cho chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, chất vấn chúng ta thật mạnh mẽ về tương quan của chúng ta với người khác và với những thực tại thuộc về đời này. Xin cho chúng ta, nhờ Lời Chúa, Mình và Máu Thánh của Chúa, làm cho chúng ta thay đổi và hoán cải ngay bây giờ trong cách chúng ta liên đới với những những người chung quanh, nhất là người nghèo khổ và bất hạnh, và với cả những anh em, chị em nhỏ bé, yếu kém hay đau yếu bên cạnh chúng ta nữa.

* * *

Dụ ngôn « Ông nhà giàu và người nghèo La-da-rô » chất vấn chúng ta, nhưng đó chưa phải là sứ điệp chính yếu của dụ ngôn. Sứ điệp chính yếu của dụ ngôn, đó là Thiên Chúa trao ban sự sống viên mãn một cách quảng đại và nhưng không cho « người nghèo ». Chính vì thế mà Người nghèo được nêu tên đích danh « La-da-rô », còn người giầu thì không. Nhưng « người nghèo » là ai ? Đó là những người nghèo thật sự : những em bé bị giết hại ngay từ khởi đầu của sự sống, những em bé bị bỏ rơi, những em bé sinh ra tật nguyền hay mang những căn bệnh hiểm nghèo hay nan y, những người khuyết tật, những người sinh ra và lớn lên trong cùng khổ, trong những hoàn cảnh không xứng đáng với nhân phẩm, trong điều kiện xã hội thấp kém và thua thiệt…

« Người nghèo » còn là mẫu người mà chúng ta được mời gọi trở nên. Vậy, dù là chúng ta là ai, chúng ta được mời gọi sống như người nghèo, theo khuôn mẫu của Đức Giê-su, để đón nhận mọi sự từ lòng tốt của Thiên Chúa, ở đời này và đời sau, như chính Đức Giê-su đã nói trong Tám Mối phúc thật :

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, 
vì Nước Trời là của họ. (Mt 5, 3)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

tiên tri, sống lại

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận