Mồng Hai Tết. Kính Nhớ Tổ Tiên Và Ông Bà Cha Mẹ.

Đăng lúc: Thứ bảy - 17/02/2018 02:38 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

MỒNG HAI TẾT. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ.

"Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta".

 

Lời Chúa: Lc 1,67-75

Khi ấy, Dacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: "Chúc tụng Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Chúa đã gầy dựng cho chúng ta một uy quyền cứu độ. trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa, như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa; để giải phóng chúng ta khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng ta; để tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta, và nhớ lại lời thánh ước của Người: lời minh ước mà Người tuyên thệ, với Abraham tổ phụ chúng ta, rằng: Người cho chúng ta không còn sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù, được phục vụ trước tôn nhan Người, trong thánh thiện và công chính trọn đời chúng ta".

 

SUY NIỆM 1: Mồng hai tết – kính nhớ tổ tiên (Lc 1, 67-75)

(Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Truyền thống Dân tộc Việt Nam chúng ta luôn đề cao chữ hiếu. Bởi vì, dù có đi đạo hay không, người Việt Nam từ ngàn xưa đã biết thờ Cha kính Mẹ. Như thế, quả rất thích hợp với điều răn thứ tư trong mười điều răn của Thiên Chúa. Ngày mồng hai tết bao giờ, Giáo Hội cũng dành riêng để kính nhớ ông bà cha mẹ, tổ tiên. Đây là nét son của Giáo Hội.

Vâng, ngay từ khi khởi đầu công cuộc truyền giáo ở đất nước chúng ta, Cha Alexandre de Rhodes đã luôn quan tâm và dạy dỗ con người hãy trung thành, hiếu thảo với Thiên Chúa, với Vua và với Cha mẹ. Đây là giáo lý nói về tam phụ. Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất, dựng nên con người. Nên, con người phải biết ơn Thiên Chúa, trung thành với Ngài. Cha mẹ thừa lệnh Thiên Chúa sinh ra chúng ta, do đó, chúng ta phải hiếu thảo và trung thành với Cha mẹ. Con người có đất nước, có tổ quốc. Đứng đầu nước là Vua, nên con người phải trung với Vua vv… Đây là đạo lý của con người. Tuy nhiên, lúc đó vì chưa hiểu rõ các địa phương, các đất nước. Giáo Hội đã có những thông tư nghịch lại với nghi lễ Trung Hoa. Nên, một thời gian dài đã có những hiểu lầm và nghi kỵ đối với đạo Công giáo.

Ngày nay, với Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã có cái nhìn phù hợp với hoàn cảnh, truyền thống của các đất nước, các địa phương. Nên, mọi Kitô hữu đều cảm thấy thoải mái hơn với việc tôn kính tổ tiên vv… Giới răn bốn trong thập giới đã viết: ”Hãy thảo kính Cha mẹ”. Điều này rất phù hợp với các đoạn Sách Thánh như Cn 6,20,23abc: ”Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm. Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy là chính những lời răn, lệnh truyền. Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân”.

Hoặc Sách Khải Huyền 14, 13 viết: ”Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa. Trải qua bao nhọc nhằn vất vả, giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi, vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi”.

Người công giáo Việt Nam bao giờ cũng có lòng biết ơn và kính nhớ ông bà tổ tiên cha mẹ. Hầu như nhà nào cũng có bàn thờ ông bà tổ tiên với những hoa nến, nhang hương tỏa hương thơm ngát, nghi ngút khói bay… Thật đúng như lời Sách Đức Huấn Ca viết: ”Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên, mả đẹp, và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài, và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen”. Thánh Augustinô cũng viết một đoạn đáng ghi nhớ: ”Các ngài thấy, các thế hệ loài người trên mặt đất cũng giống như những chiếc lá trên cành cây, luôn luôn xanh tươi. Trái đất này cũng mang những con người, như cây mang những chiếc lá. Trái đất đầy dẫy những con người kế tiếp nhau, người này chào đời, trong khi người kia vẫy tay giã biệt. Cây không bao giờ cởi bỏ bộ áo màu xanh của mình, nhưng hãy nhìn xuống gốc cây: các ngài đang đạp trên một tấm thảm dầy những chiếc lá khô mục”. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô đã khuyên nhủ: ”Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ…”.

Thảo kính cha mẹ, tôn kính tổ tiên là truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Cài bông hồng đỏ trên áo để chứng tỏ cha mẹ còn sống. Đó là cách biểu lộ tình thương đối với cha mẹ, do đó, phụng dưỡng cha mẹ, an ủi cha mẹ là tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Cài bông hồng trắng trên áo để tưởng nhớ cha mẹ đã khuất. Con người nhớ để cầu nguyện, dâng lời kinh, tạ lễ cầu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã mất là cách tỏ lòng tôn kính, thảo hiếu đối với các bậc sinh thành…

Xin Chúa cho chúng con luôn biết hiếu thảo với ông bà tổ tiên cha mẹ và quyết tâm nối tiếp sự nghiệp của các ngài, để luôn luôn làm rạng rỡ dòng họ và làm rực sáng gia phong.

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ,

Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo.

Hôm nay nhân dịp đầu năm mới,

Chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.

Xin Chúa trả công bội hậu

Cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con,

Và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. (Lời nguyện nhập lễ, lễ Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ).

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao lại phải hiếu thảo đối với Ông bà cha mẹ và tổ tiên ?

2.Chúa dạy sao về hiếu thảo ?

3.Cài bông hồng đỏ trên áo có nghĩa gì ?

4.Cài bông hồng trắng trên áo có ý nghĩa gì ?

 

SUY NIỆM 2: Mừng xuân với những liên hệ – TGM. Ngô Quang Kiệt

Dịp Tết, ta thường gửi thiệp chúc Tết, thăm viếng và tặng quà cho nhau. Những sinh hoạt ngày Tết như thế là những sinh hoạt của các mối quan hệ. Nếu không có nhưng liên hệ, ngày Tết sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Tết là của người khác chứ không phải của riêng mình. Vì thế, đối với trẻ em, Tết là những ngày hội vui. Nhưng đối với người trưởng thành, Tết là một trách nhiệm:

Người ta sống được ở đời là nhờ những liên hệ. Không ai có thể sống một mình. Ta cần  có cha mẹ để mặt ở đời. Ta cần có thầy cô để khai thông trí hoá. Ta cần có bạn bè để chia sẻ buồn. Ta cần người nông dân để có lúa gạo, rau trái. Ta cần có thợ may để có quần áo. Ta  cần người quét đường để đường phố được sạch sẽ. Có thể tất cả những gì ta có được: từ sự sống đến kiến thức, từ cơm ăn áo mặc đến xe cộ, thuốc men, tất cả đều nhờ người khác.

Những mối liên hệ giống như những con đường chuyên chở đến cho ta những chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống. Những mối liên hệ là những mạch máu đem máu đỏ đến tận những tế bào bé nhỏ nhất trong thân thể ta. Những mối liên hệ chính là chiếc tay vịn giúp ta leo lên những bậc thang làm người và thành đạt.

Đời ta có nhiều liên hệ. Có những liên hệ chiều rộng giúp cho cuộc đời thêm tươi đẹp phong phú. Có những liên hệ chiều sâu tạo bản chất cuộc đời. Gia đình với ông bà cha mẹ tổ tiên nằm trong mối liên hệ chiều sâu của đời ta. Không có ông bà cha mẹ tổ tiên, ta không có  mặt ở đời. Ông bà cha mẹ là những hạt giống chịu vùi chôn dưới những lớp đất vất vả nhọc nhằn để cho cây đời ta được mọc lên xanh tươi. Ông bà cha mẹ đã tự nguyện quên bản thân mình, chịu mục nát như lớp phân bón cho cây đời chúng ta đơm bông kết trái. Ta là điểm tới của một quá trình phấn đấu gian nan dài đằng đẵng của ông bà cha mẹ. Nếu ví đời sống ta như một bông hoa thì những bông hoa ấy đã được tưới bằng những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt của ông bà cha mẹ. Nếu ví đời ta như một toà nhà cao tầng thì ông bà cha mẹ chính là lớp nền móng chịu vùi chôn dưới lòng đất, còng lưng gánh chịu mọi sức nặng cho toà nhà đứng vững, phô trương vẻ đẹp với đời. Hạt mầm hiện hữu vì bông hoa sắp nở. Nền móng có mặt vì ngôi nhà sắp xây. Trọn một đời ông bà cha mẹ đều dành cho hạnh phúc của con cháu.

Đời sống mỗi người, vì thế, đều có một lịch sử rất dầy và rất sâu. Bề dầy ấy không chỉ đo bằng  những trang sách của cuốn gia phả, nhưng còn đo bằng những tranh đời của bao thế hệ tổ tiên. Độ sâu ấy không chỉ đo bằng những cố gắng của bản thân, mà còn đo bằng bề sâu ân nghĩa của biết bao hi sinh vất vả của ông bà cha mẹ.

Ngày Tết là ngày của những mối liên hệ. Mùng Một Tết, chúng ta đã sống mối liên hệ với Chúa, nguồn gốc và cứu cánh của đời ta. Mùng hai Tết, Giáo hội muốn chúng ta sống mối liên hệ với ông bà cha mẹ, những người thay mặt Chúa, trực tiếp ban sự sống cho ta.

Sự sống là món quà nhất nên mối liên hệ với người ban sự sống cũng là mối liên hệ sâu nhất.

Tục lệ lập bàn thờ và kính nhớ tổ tiên trong ngày Tết là một nét văn hoá rất cao của người Việt Nam. Hình ảnh của ông bà cha mẹ trong nhà không chỉ nói lên sự sum họp của một gia đình đầm ấm, hình ảnh ấy còn nhắc ta về lòng biết ơn, cho ta nhìn thấy bề sâu bề dầy của lịch sử đời mình. Và vì thế giúp ta ý thức về trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, đối với bản thân, và đối với những thế hệ kế tiếp.

Muốn xây một căn nhà thật cao thật đẹp, trước hết phải xây dựng nền móng vững chắc. Muốn xã hội tiến nhanh tiến mạnh, phải xây dựng gia đình vững chắc. Thờ kính tổ tiên, nhớ ông bà cha mẹ là nền tảng giúp xã hội tiến bộ vững mạnh.

Nếu những mối liên hệ là những con đường chuyển tải sự sống thì những liên hệ chiều sâu chính là những xa lộ huyết mạch. Nếu những mối liên hệ là những mạch máu nuôi dưỡng sự sống thì mối liên hệ chiều sâu chính là những động mạch chủ. Sửa chữa, củng cố và tăng cường những liên hệ gia đình chính là phát triển sự sống, phát triển xã hội.

Chính trong ý hướng đó mà Giáo hội, muốn ta sống tình gia đình, lòng biết ơn ông bà cha mẹ trong ngày mùng Hai Tết.

 

SUY NIỆM 3: Đạo hiếu dưới cái nhìn Kitô giáo – Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Thế đó thật nhẹ nhàng, nhưng từng lời ru của người mẹ Việt Nam đung đưa bên chiếc nôi của đứa con nhỏ, ngày qua ngày đã dần đi sâu vào trái tim, làm nên dòng máu thắm đỏ của những người con, tạo nên trong tâm thức của từng người dân đất Việt một tâm tình thảo hiếu, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Các cụ ngày xưa cho là hiếu đứng đầu trăm nết: “Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”. Do đó, đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị mọi người kết án nhiều nhất. Bộ luật Hồng Đức ban hành thời Lê Thánh Tông cũng ghép tội bất hiếu vào trọng tội. Không chỉ con trai, con dâu không thờ cha mẹ chồng cũng bị coi là phạm tội “thất xuất” (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, trang 326).

Chính vì thế, vào những ngày Tết, giỗ chạp… trong các gia đình Việt Nam chúng ta, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha, tết mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về để thắp nén hương cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Cùng chung cảm thức đó của dân tộc, Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày Mồng Hai Tết này để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Rồi từ đạo hiếu với cha mẹ, Giáo Hội muốn từng người chúng ta tỏ lòng hiếu kính với người Cha cao cả và tuyệt đối hơn, đó là Thiên Chúa.

1. Đạo hiếu, bổn phận hàng đầu của người Kitô hữu:

Truyền thống cha ông chúng ta rất coi trọng chữ hiếu. Để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ ngày xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ, anh chị em. Thậm chí, các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu: Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu”. Hơn nữa, việc thảo kính cha mẹ, xét về mặt tự nhiên, cũng là hợp với lẽ công bằng, bởi vì cha mẹ là người đã có công sinh thành, dưỡng dục giúp ta khôn lớn thành người.

Mặt khác, đối với người kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản thập giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau. Điều đó, cho thấy, việc hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người kitô hữu. Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu cũng đã lập lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi, Ngài nói: “Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”. Còn thánh Phaolô thì nói: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này”.

Như thế, việc chúng ta thảo kính cha mẹ không còn tùy thuộc vào ý thích cá nhân của chúng ta, nhưng là thánh ý của Thiên Chúa. Được Thánh Thần soi sáng, tác giả sách Huấn ca nhắc nhở chúng ta: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này”. Và vì là ý muốn của Thiên Chúa, nên những ai trung thành tuân giữ việc thảo kính cha mẹ không những là chu toàn bổn phận làm con, nhưng còn được Thiên Chúa chúc phúc. Tác giả Thánh vịnh đã cất lời ca ngợi những ai luôn sống theo đường lối của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may”.

Tóm lại, về mặt tự nhiên, việc hiếu thảo là bổn phận tự nhiên và là dấu chỉ của một con người trưởng thành. Đồng thời, khi sống hiếu thảo cũng là lúc chúng ta chu toàn giới luật của Thiên Chúa và nhờ đó được Ngài chúc lành. Tuy nhiên, trong niềm tin, chúng ta biết rằng tất cả chúng ta: cha mẹ và con cái, đều nhận được sự sống từ nơi Thiên Chúa. Do đó, trong ngày đầu năm kính nhớ tổ tiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và hết lòng yêu thương chúng ta, như lời Ngài phán qua miệng ngôn sứ Isaia: “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi! Này: Ta đã khắc ghi ngươi trên bàn tay Ta” (Is 49, 15-16a).

2. Sống trung thành với Thiên Chúa, dấu chỉ của đạo hiếu:

Dưới cái nhìn của đức tin, cha mẹ là những người được Thiên Chúa cho cộng tác vào chương trình sáng tạo của Người. Cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa để hướng dẫn con cái. Do đó, việc đầu tiên mà các bậc cha mẹ cần làm là giáo dục con cái trung thành với Thiên Chúa theo lời nhắn bảo của thánh Phaolô: “Những người làm cha mẹ,… hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”.

Giáo dục con cái thánh thiện, trung thành với Thiên Chúa, các bậc cha mẹ sẽ có được một kho tàng quý giá không bao giờ hư mất: “Các ngài sống mãi trong dòng dõi các ngài; gia tài quí báu của các ngài để lại là lũ cháu đàn con”. Đây là điều quan trọng mà chúng ta vẫn thường hay quên. Chúng ta thường la rầy con cháu, nhắc nhở chúng hiếu thảo, vâng lời chúng ta, nhưng lại chẳng bao giờ nhắc chúng về bổn phận với Thiên Chúa. Chắc hẳn với kinh nghiệm sống của mình, quý vị cũng nhận ra rằng: những người nào thật sự trung thành với Thiên Chúa, chắc chắn sẽ hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, vì khi họ đến với Thiên Chúa, thì họ sẽ được Thiên Chúa nhắc bảo bổn phận của họ đối với cha mẹ. Còn những người nào quay lưng lại với Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho mình, thì khó mà có lòng hiếu thảo thật với cha mẹ. Cảm nghiệm điều đó, tác giả sách Huấn ca khen ngợi dòng dõi những người trung thành với Thiên Chúa: “Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước, nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các người sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài sẽ được mồ yên mả đẹp, và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế”. Còn tác giả Thánh vịnh thì mô tả: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn”, thật là một khung cảnh ấm êm, hạnh phúc.

Lắng nghe lời Chúa trong những ngày đầu năm này, chớ gì từng người chúng ta một lần nữa ý thức hơn về những hồng ân Thiên Chúa ban cho mình trong một năm qua, để hết lòng tri ân và cảm tạ Ngài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận tiện nhắc nhở chúng ta về bổn phận đối với ông bà cha mẹ, những bậc sinh thành ra chúng ta. Việc thảo kính này, không chỉ là một ít lễ vật, một lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng cần được kéo dài trong suốt cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Lòng thảo hiếu đó được thể hiện qua cách chúng ta nói năng, xưng hô với cha mẹ. Nó còn được thể hiện qua việc chúng ta vâng lời, chăm nom, săn sóc cho cha mẹ khi còn sống, nhất là khi các ngài già yếu, bệnh tật; và cầu nguyện cho các ngài khi đã qua đời, theo đúng truyền thống của cha ông chúng ta: “Sống tết, chết giỗ”. Amen.

 

SUY NIỆM 4: Sống thảo hiếu – Lm. Tạ Duy Tuyền

Theo tục lệ Việt nam, ngày Tết là ngày con cháu dù ở nơi xa cũng sum họp cùng gia đình để chúc tuổi mới ông bà cha mẹ. Đồng thời nói lên lòng yêu mến, biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành.

Nhiều bài ca dao, tục ngữ, nhiều bài hát, câu chuyện, đã kể về công cha nghĩa mẹ và răn dạy con cái cần sống đáp đền công ơn ấy:

“Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.

Nên người con phải xót xa

Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao

Đội ơn chín chữ cù lao

Sinh thành kể mấy non cao cho vừa”.

Khi nhận ra công cha nghĩa mẹ, thì đạo hiếu luôn nhắc nhở chúng ta:

“Ơn ai một chút chớ quên,

Phiền ai một chút để bên cạnh lòng”

Thế nên,

Ai mà phụ nghĩa quên công,

Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm

Lòng hiếu thảo quả là một tấm lòng thơm tho, đáng yêu. Lòng hiếu thảo làm cho con người thêm thanh cao, giá trị. Bởi được người đời kính trọng, yêu thương những ai có hiếu với mẹ cha.

Thế nhưng, giữa dòng đời hôm nay vẫn còn đó những mảnh đời cô đơn nơi các bậc cha mẹ vì thiếu tình thương của con. Ở đâu đó, trong nhiều mái gia đình, ông bà cha mẹ lại là gánh nặng cho con cái. Ở đâu đó, vẫn còn những tiếng nghẹn ngào của những bậc sinh thành bị bỏ rơi ngay giữa đàn con cháu của mình.

Thiết tưởng, ngày đầu xuân chúng ta cùng lắng đọng tâm hồn để nghe lời bộc bạch chân thành từ lá thư của một người cha viết cho con.

Lá thư ấy viết rằng:

Con thân mến,

Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vun vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc… Xin con hãy bao dung!

Con hãy nhớ những ngày giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.

Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ… mà hãy lắng nghe!

Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ… và bố mẹ đã làm vì con.

Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.

Con hãy nhớ… lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.

Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa… hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.

Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng… bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.

Con đừng oán giận và buồn khổ… vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.

Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều…

Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.

Thương con thật nhiều

Là người Ki-Tô, chúng ta cũng được mời gọi sống giới răn: “hãy thảo hiếu cha mẹ”. Đây là lệnh truyền chứ không phải lời khuyên. Lời khuyên thì có thể không làm nhưng lệnh truyền thì buộc phải thi hành.

“Phải thờ cha kính mẹ” còn là lễ dâng đẹp lòng Thiên Chúa. Ngược lại, Kinh Thánh còn ví kẻ khinh rẻ cha mẹ là chọc giận Thiên Chúa: ”Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai khinh rẻ mẹ, là chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3, 16). “Phải thờ cha kính mẹ” đó là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3).

“Phải thờ cha kính mẹ” còn phải được thể hiện qua những lời khuyên nhủ thật chân tình trong sách Huấn Ca: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người” (Hc 3, 12-16).

Người ta nói: ”Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó". Việc thất đức mình làm cho tiền nhân cũng có thể tái diễn ngay chính cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta không muốn con bất hiếu với mình thì chính chúng ta hôm nay cũng phài làm gương sáng về hiếu thuận với mẹ cha. Nếu chúng ta muốn con cái đối xử tốt với mình thì hôm nay chúng ta cũng phải ân cần săn sóc mẹ cha.

Nguyện xin Chúa Xuân chúc lành cho buổi họp mặt gia đình hôm nay. Xin Chúa Xuân cư ngụ đến từng gia đình, mang ơn lành đến cho muôn nhà để mọi người được hưởng nếm những giây phút bình yên nhất bên gia đình và người thân. Amen

 

SUY NIỆM 5: Hiếu kính Cha Mẹ

Có một chàng trai sắp thi tốt nghiệp đại học. Trước đó, anh đã nói với cha về ước muốn có chiếc xe thể thao xinh đẹp và mong rằng nó sẽ là quà tặng của cha nhân ngày tốt nghiệp.

Người cha nghe xong im lặng, không có ý kiến gì.

Sau ngày chàng trai tốt nghiệp, người cha đã gọi anh vào phòng, nói rằng ông rất yêu thương và hãnh diện có được đứa con như anh. Sau đó, ông trao cho anh một hộp quà được gói cẩn thận. Ngạc nhiên, chàng trai mở hộp quà và nhìn thấy đó là một quyển sách thể loại “rèn nhân cách” được đóng gáy và bọc bìa da rất đẹp. Chàng trai nhíu mày, “với tất cả tài sản mà cha mình đã có… và món quà tặng cho con tốt nghiệp đại học chỉ là một quyển sách tầm thường này hay sao?”.

Chán nản và buồn phiền với ý nghĩ đó, chàng trai không nói lời nào với cha mình, rời khỏi phòng, để lại quyển sách trên bàn. Sau đó anh bỏ nhà ra đi…

Trong một thời gian dài, chàng trai không liên hệ với cha mình. Cho đến một ngày anh nhận được tin cha mình đã qua đời và để lại toàn bộ tài sản cho anh ta.

Khi anh về đến căn nhà cũ xưa, sự buồn phiền và hối hận tràn ngập trong lòng chàng trai khi anh nhớ đến sự cư xử lạnh nhạt mà anh đã có với cha trước đây. Anh tìm đọc những giấy tờ quan trọng của cha mình và nhìn thấy cuốn sách “rèn nhân cách” vẫn còn nguyên vẹn trên bàn như ngày anh từ bỏ nó. Chàng trai mở cuốn sách ra, lật từng trang và thấy một bao thư được ép chặt trong đó. Anh đã nhẹ nhàng mở bao thư ra, và bỗng dưng nước mắt anh tuôn trào khi nhận ra đó chính là một chìa khóa xe hơi và tờ hóa đơn của chính chiếc xe mà anh ta yêu thích ngày trước. Tờ hóa đơn ghi đúng ngày anh ta tốt nghiệp với dòng chữ đã thanh toán đầy đủ…

Trong cuộc sống của chúng ta, không ai mà không mắc những sai lầm. Có những sai lầm thì sau đó được sửa chữa và trở nên bình thường. Nhưng có những sai lầm sau khi khắc phục rồi, nó vẫn còn để lại “một vết sẹo” mà khó có thể phai mờ được.

Có thể nói, “vết sẹo” mà chúng ta đã gây ra đối với đấng sinh thành, là đáng trách nhất. Vết sẹo đó sẽ mãi mãi ở bên chúng ta, khiến chúng ta luôn bị nhức nhối lương tâm mỗi khi nhớ đến nó. Như trong câu chuyện trên, chàng trai sau khi thức tỉnh, đã vô cùng ân hận, nhưng người cha đã không còn nữa để anh ta làm một cái gì đó, dù chỉ là một lời xin lỗi…

Ngày Tết là dịp để chúng ta về đoàn tụ bên các đấng sinh thành để xin lỗi, để cầu chúc các đấng an khang trường thọ.

Ngày Tết là dịp để con cái nhìn nhận tình thương của cha mẹ là tình thương không thể thiếu cho con bước đi trong cuộc đời.

Dầu rằng, Tình Cha, Tình Mẹ có khác nhau nhưng nhờ Ơn Cha, nhờ Nghĩa Mẹ mà con cái mới đứng vững trước những sóng gió cuộc đời.

Thực vậy, tình cảm của người cha không bao giờ như người mẹ.

Tình thương của cha luôn giấu kín trong lòng, đôi khi còn tỏ ra nghiêm nghị, cứng rằn mỗi khi dạy con. Cha giống như một thân cây vững chắc, bám rễ thật sâu dưới lòng đất để hút nhựa nuôi dưỡng cành lá, hoa, quả.

Mẹ là tình cảm, cha là lý trí, mẹ mềm lòng, cha phải giữ kỷ cương, mẹ chín bỏ làm người, cha phải cầm cân nảy mực. Cuộc sống đòi buộc cha lăn lộn với đời để kiếm tìm miếng cơm manh áo cho gia đình.

Cha thường xuyên phải xa gia đình, xa con cái, nên tình cảm đôi khi cũng lạt hơn mẹ.

Cha còn thẳng tay trừng phạt những đứa con thiếu ý chí vươn lên, lười biếng, vô dụng.

Cha luôn đòi đứa con phải tự bước đi trên đôi chân của mình, cho dù có té ngã, vẫn phải một mình đứng dậy. Đó chính là một tình thương mà chỉ có người cha mới rèn nên cho con tính đoan trang, tính mực thước và nghị lực khi bước vào đời vốn dĩ luôn ngập tràn những khó khăn.

Nhưng đáng tiếc, chỉ khi nào mất cha, người con mới cảm thấy mất núi Thái Sơn, mất đi cái nóc cột trụ gia đình.

Mất cha, người con mới ngậm ngùi nói rằng:

Còn cha, gót đỏ như son

Mất cha, gót mẹ, gót con đen sì.

Hay:

Thương cha lam lũ một đời,

Tìm trong xa vắng những lời xa xưa.

Bồng bềnh gió đẩy mây đưa,

Bơ vơ con đứng, bóng mưa ngập lòng. (Nguyễn Ánh Hồng)

Vâng, đời của những người làm con sẽ trở nên trống vắng lạc lõng vô cùng nếu như một ngày kia cha mẹ vĩnh viễn ra đi, bỏ lại thân xác trong nấm mồ cô đơn lạnh lẽo. Lúc đó, lòng con lại dâng trào một nỗi buồn mênh mông sâu lắng:

Thấy bơ vơ lạc lõng dấy trong lòng

Khi chợt nhớ mẹ già không còn nữa.

Bởi vì:

Mẹ ơi, trên vạn nẻo đường

Con đi, mới hiểu tình thương mẹ hiền.

Đời con xuôi ngược bao miền

Nhưng tình của mẹ là nguồn yêu thương.

Bởi thế, đạo làm con luôn mời gọi chúng ta hãy thờ cha kính mẹ, để mai này, chúng ta khỏi phải xót xa mà nói rằng:

Tình thương xuôi chảy một miền

Nhưng con nào biết giữ niềm kính yêu

Con nay hầu mẹ tuổi chiều

Nuôi cha dưỡng mẹ, ít nhiều kể công.

Và với lòng hiếu kính đang trào dâng trong ngày Mồng Hai Tết, có lẽ ai trong chúng ta cũng thầm mong ước cho cha mẹ mãi mãi ở cùng chúng ta:

“Ngày đêm khấn nguyện cầu Trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.

Cầu cho cha mẹ sống đời với con, đó là tâm nguyện của tất cả những người con dành cho cha mẹ. Bởi lẽ không có một tình con người nào sâu đậm, gắn bó, chân thành bằng tình cha mẹ yêu con, và càng không có một tình yêu nào trên trái đất này có thể thay thể được tình phụ mẫu yêu con, mà bài cầu cho cha mẹ của Linh mục Nguyễn Duy đã lột tả.

“Này chúng con sinh vào đời nhờ có tay của mẹ cha. Là Thái Sơn cao xa cao xa, là Biển Đông bao la bao la, như một rừng hoa ngát hương cả bốn mùa. Ôi tình mẹ cha nói lên tình Chúa. Đời chúng con yên vui hân hoan, nhờ mẹ cha gian nan lo toan, trong giọt mồ hôi có chung cả máu hồng, luôn dạy lòng con biết câu mặn nồng.

Rồi lớn lên, con vào đời, gặp biết bao nhiêu người thương. Dù có ai hy sinh cho con. Dù được ai cho mâm cơm ngon, đi gần về xa, thấy đâu một mái nhà, như nhà mẹ cha thiết tha từ ấy. Rồi lớn lên, con xây non cao, vượt biển khơi bay lên trăng sao. Khi về nhà xưa với cha và với mẹ, vẫn là trẻ thơ bé như ngày nào”

Vâng, lời ca như muốn mời gọi chúng ta hãy sống trọn tình con thảo ngay từ hôm nay. Hãy sống ngoan hiền bên những người cha mẹ đang còn trẻ để hưởng nếm giây phút ngọt ngào mà ai đó nói rằng: là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày.

Hãy sống thảo hiếu, quan tâm chăm sóc các đấng sinh thành khi đã còng lưng vì một đời lam lũ cho đoàn con.

Vâng, hãy tạ ơn Chúa đi, hãy sống cho trọn vẹn đạo làm con, trọn nghĩa tình với cha mẹ mình, vì cha mẹ là món quà thiêng liêng và quí giá nhất, tình cha mẹ là cái gì rất cao siêu lành thánh, mà lại thật thân mật gần gũi, được Chúa dành cho chúng ta.

Nguyện xin Chúa chúc lành và trả công cho các bậc sinh thành và ước gì những ngừơi con hôm nay đang vinh dự được chúc mừng tuổi mới của cha mẹ, thì cũng biết sống hiếu thảo để đền đáp ân nghĩa cù lao chín chữ mà cha ông ta đã từng khuyên răn rằng:

Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.

Amen.

 

KHÔNG CÓ HIẾU LÀ VẤT ĐI!

MỒNG HAI TẾT NGUYÊN ĐÁN 

(Hc 44,1.10-15; Ep 6, 1-4.18.23; Mt 15, 1-6)

Tôn kính tổ tiên và hiếu nghĩa với ông bà cha mẹ là truyền thống và gia sản tốt đẹp của cha ông ta từ bao đời nay.

Đây là nghĩa cử cao quý mà bất cứ ai, đã sinh ra làm người thì khi đến tuổi khôn đều phải được dạy cho biết gia sản quý báu của dân tộc, đồng thời mỗi người phải coi đây là bổn phận, nghĩa vụ trong lòng mến chứ không chỉ đơn thuần là tình cảm tự nhiên.

Ngược lại, nếu ai sống một cuộc đời bất hiếu, thì có thể kể hạng người đó vào số những người vô giáo dục, hay không phải là con người đúng nghĩa!

Hôm nay, Giáo Hội dành riêng ngày mồng hai tết cổ truyền của dân tộc để mời gọi con cái mình hướng về cội nguồn để cầu nguyện cho các bậc sinh thành, và noi gương sáng của các ngài để lại, hầu có thể làm sáng danh Thiên Chúa, rạng rỡ gia phong và vẻ vang dân tộc... đây chính là: “Của lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Cl 3,20).

1.      Đạo hiếu ngày xưa

Ngày xưa, cha ông ta rất coi trọng chữ hiếu. Chữ hiếu được đưa lên hàng đầu vì: ”Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”.

Vì thế, khi đánh giá một người nào, các cụ ta thường hay xem họ có hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, sống có tình nghĩa với anh chị em trong gia đình và làng xóm không?

Còn khi chọn ai đó làm quan, nhà vua thường dựa trên quy luật: “Tướng – Hàm –Hiếu”. Tức là phải có tướng mạo, học hành giỏi giang và có hiếu với bậc sinh thành. Tuy nhiên, hiếu nghĩa quyết định người đó đậu hay không.

Khi người xưa coi trọng chữ hiếu như vậy, các bậc tiền bối của chúng ta coi chữ hiếu là căn cốt, là bản lề, là cột trụ trong việc hình thành nhân cách cũng như nền tảng xây dựng xã hội và nghề nghiệp.

Theo truyền thống Nho giáo, trong các tội người ta phạm thì tội bất hiếu là tội nặng nhất, bởi lẽ: “Người ta có cha có mẹ, không ai ở chỗ nẻ chui lên”, nên: “Người ta có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn”.

Vì thế, người thời xưa, sáng ngày mồng một, con cháu quy tụ về nhà tổ để làm lễ gia tiên với người đã khuất, sau đó đến phần bày tỏ hiếu nghĩa với người còn sống.

2.      Đạo hiếu ngày nay

Trên đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta khi nói và sống chữ hiếu. Còn ngày nay thì sao?

Nếu ngày xưa, nhà nhà, người người coi lễ giáo gia phong, tôn ty trật tự, hiếu nghĩa thảo hiền là điều quan trọng không thể thiếu trong các mối tương quan, thì ngày nay, có khi: “Mò kim đáy biển”.

Vì thế, trong những ngày giáp tết vừa qua, trên các trang mạng xã hội có đăng tải những tấm hình gây nhiều chú ý, bức xúc kèm theo những lời kết án gắt gao, đó là: hình ảnh một bà cụ già trạc 90 tuổi, bị nhốt dưới bếp và khóa trái cửa, cụ đẩy cửa và nhìn hé ra ngoài, bên dưới là lời nói: “Con ơi, mở cửa cho mẹ, mẹ không lên phòng khách đâu!!!”. Rồi hình ảnh khác, một bà cụ ngồi vệ đường với bát cơm trộn. Cụ vừa ăn vừa khóc! Bên dưới có lời bình: “Cuộc đời vất vả nuôi con, cầu mong con lớn, nhờ con về già! Vậy mà khi tuổi xế tà, sức lực cạn kiệt thân già ốm đau. Con cái thì lại ganh nhau, chăm được ba bữa càu nhàu rên la. Mẹ già cay đắng lệ xa, bát cơm chan lệ như là chan canh”. Ôi đọc mà đau nhói con tim, tê tái tâm hồn!

Rồi nhìn chung quanh, có khi không chừng, ngay cả trong nhà thờ này, vẫn còn đó những đứa con bất hiếu, vô giáo dục khi đối xử với thậm tệ với cha mẹ!

Vì thế, vẫn thấy đây đó nhiều bậc cha mẹ phải bỏ nhà ra đi hay bị đuổi ra khỏi nhà vì cảnh con dâu quá láo, con trai phụ bạc, các cháu hỗn hào... Ôi thật đau xót biết chừng nào!!!

Những hạng người bất hiếu trên, có lẽ họ quên mất một quy luật tất yếu, đó là: “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”.

Có một câu chuyện kể rằng: một hôm, anh con trai mua một cái sọt, rồi nhốt cha già trong đó và mang vào rừng bỏ đói cho chết. Thấy vậy, con trai anh tuy còn nhỏ, nhưng đã ý thức và đau xót nên nói với cha mình rằng: “Ba đem ông vào rừng rồi sau đó mang sọt về cho con nhé”. Người cha liền hỏi: “Mang về làm gì?” Người con đáp: “Để sau này có cái mà nhốt cha!”. Đây quả là quy luật tất yếu dành cho kẻ bất hiếu.

3.      Đạo hiếu trong truyền thống Công Giáo

Đối với người Công Giáo, đạo hiếu không chỉ là một bổn phận phải có đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn là đòi hỏi, là lệnh truyền, là giới răn của chính Thiên Chúa.

Trong thập giới, Thiên Chúa dành ra giới răn thứ tư để truyền phải giữ, đó là: “Thảo kính cha mẹ”. Giới răn này chỉ đứng sau những giới răn tôn thờ Thiên Chúa. Như vậy, ngoài bổn phận với Thiên Chúa, người Công Giáo phải trung thành tuân giữ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên.

Khi hiếu kính với tổ tiên, chúng ta sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và tha thứ lỗi lầm, vì: “Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,3-4). Thánh Phaolô thêm: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3); vì: “Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20) và sẽ được Thiên Chúa sẽ nhận lời người hiếu nghĩa cầu xin (x. Hc 3,8).

Còn với Đức Giêsu, ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo: “Ngươi hãy thờ kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).

4.      Thi hành việc hiếu nghĩa

Như những gì đã chia sẻ ở trên, chúng ta thấy chữ hiếu đối với người Công Giáo thật là quan trọng, nó kéo theo việc được chúc lành hay chúc dữ tùy vào thái độ của chúng ta.

Thiết nghĩ, ngay trong giây phút này, mỗi người hãy làm mới lại tinh thần hiếu nghĩa đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ.

Trước tiên, chúng ta hãy cầu nguyện, kết hợp với những hy sinh để cầu cho linh hồn các bậc tổ tiên đã ra đi, đồng thời cầu nguyện cho những bậc còn sống được bình an. Hãy nhớ nằm lòng câu ca dao sau: “Cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Người ta có gốc từ đâu! Có cha có mẹ rồi sau có mình”.

Thứ đến, hãy vui vẻ lễ phép, chăm lo cơm cháo, đồng quà tấm bánh, nhất là lo thuốc thang khi các ngài ốm đau bênh tật. Sống yêu thương, kính trọng như lời Kinh Thánh dạy: “Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.  Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi con” (Hc 3,12-14).

Cuối cùng, nếu ai đã hỗn sược, lếu láo với bậc sinh thành, ngay lập tức, sau thánh lễ này, hãy xin lỗi các ngài và quyết tâm sửa sai. Nên nhớ rằng, đây là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho mình hay không.

Ước gì, trong dịp tết năm nay, nhất là trong ngày cầu cho tổ tiên, cũng như hằng ngày trong đời sống, mỗi người chúng ta phải thực sự là tấm gương cho con cháu về lòng hiếu nghĩa với các bậc tổ tiên, để như một quy luật tất yếu, con cái sẽ noi gương và báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của chúng ta hôm nay và ngày mai. Amen.

 

CÔNG CHA, NGHĨA MẸ

(Mồng Hai Tết – cầu cho Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ)

Sách Xuất Hành cho biết mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20:12). Tương tự, sách Đệ Nhị Luật cho biết: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5:16).

Chúa Giêsu đã nêu gương về đạo Hiếu để chúng ta noi theo. Sau ba ngày lo việc của Chúa Cha, Cậu Hai Giêsu ở lại Đền Thờ khiến Cô Maria và Chú Giuse lo sốt vó, tìm kiếm xuôi ngược suốt ba ngày. Khi gặp cha mẹ, Cậu Hai Giêsu mau mắn “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2:51). Ba động từ (đi xuống, trở về, vâng phục) chứng tỏ Đức Giêsu Kitô là Thánh Tử hiếu thảo với Cha Mẹ của Ngài.

Người ta có thể chọn nhiều thứ, kể cả chọn vợ/chồng, nhưng không ai có thể chọn cha mẹ. Vì thế, chúng ta phải có bổn phận hiếu thảo đối với song thân phụ mẫu – dĩ nhiên cũng phải hiếu thảo với ông bà, tiền nhân. Ca dao Việt Nam thật thâm thúy, và cũng là bài học đầu đời cho mọi người từ khi bắt đầu học làm người:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Chắc hẳn không ai lại không thuộc lòng câu ca dao này. Câu ca dao bình dị mà thâm sâu. Ai cũng có một gia đình, dù là “ông kia, bà nọ” thì cũng vẫn xuất thân từ một gia đình. Công cha, nghĩa mẹ cao cả biết bao! Thật kỳ diệu, vì không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi gia đình là Tổ Ấm hoặc Mái Ấm. Dấu hiệu đầu tiên của hạnh phúc gia đình là tình yêu gia đình, chính “ngọn lửa” tình yêu làm cho gia đình ấm áp để trở nên Tổ Ấm thực sự.

Dù là Thiên Chúa, là Tạo Hóa, nhưng khi Đức Giêsu giáng sinh làm người, Ngài cũng sinh trưởng trong một gia đình. Điều đó chứng tỏ gia đình rất quan trọng. Hai tiếng “gia đình” đơn giản lắm, nhưng cũng nhiêu khê lắm. Tiểu thuyết gia kiêm thi sĩ Louisa May Alcott (1832-1888, Hoa Kỳ) nhận xét: “Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu”. Sử gia Thomas Fuller (1608-1661, Anh quốc) đề nghị: “Lòng nhân đức bắt đầu từ gia đình nhưng không nên kết thúc ở đó”. Bộ ba Cha-Mẹ-Con là chiếc-kiềng-ba-chân-yêu-thương để “chống đỡ” gia đình trong mọi hoàn cảnh: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao).

Ngày lễ, tết, và những dịp đặc biệt, nhớ tới công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và tiền nhân là điều cần thiết. Trên đời này, không có công ơn nào to lớn bằng công ơn cha mẹ, đặc biệt là người mẹ. Chữ Hiếu (mệnh danh là Đạo Hiếu) không thể nào bù đắp chín Đức Cù Lao (*). Cứ tính đơn giản theo nghĩa đen thì cũng thấy không cân xứng: Một chữ không thể so với chín chữ. Con cái chỉ có một chữ mà vẫn không giữ trọn!

Kinh Thi có đề cập đức cù lao của cha mẹ: “Cù lao vu dã” (nhọc nhằn vất vả nơi đồng nội); và “bi ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” (thương thay cha mẹ nhọc nhằn sinh ta).

Dịp đầu Xuân, thời gian đẹp nhất trong năm – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, sách Huấn Ca mời gọi:“Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ” (Hc 44:1). Tại sao? Lý do minh nhiên: “Họ là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen” (Hc 44:10-15).

Ai cũng có cha mẹ, dù cha mẹ có thế nào thì cũng vẫn là người sinh thành dưỡng dục mình. Ai sống có hiếu thì được Chúa chúc lành: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128:1-2).

Con cái có hiếu thì cha mẹ an tâm, gia đình hạnh phúc: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128:3-4). Chắc hẳn ai cũng mong ước như vậy, vấn đề là phải thể hiện cụ thể, đừng nói suông. Tác giả Thánh Vịnh cầu chúc: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu” (Tv 128:5-6). Nguyện chúc mọi gia đình vui hưởng thái bình như Thánh Gia – hôm nay và mãi mãi, đặc biệt trong những ngày Xuân đoàn tụ này.

Thánh Phaolô nhắc nhở những người con về Đạo Hiếu: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.2 Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6:1-3). Và nhắc nhở những người làm cha mẹ: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6:4). Bổn phận và trách nhiệm với nhau là điều cần thiết: Con cái đối với cha mẹ, và cha mẹ đối với con cái.

Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì là hành động. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6:18-19). Cầu nguyện là việc làm phải liên tục, bất kể thời gian hoặc địa điểm. Thật vậy, cầu nguyện có thể thực hiện ngay tại bàn tiệc, khi đang nói chuyện với người khác, khi chạy xe,… thậm chí ngay khi chúng ta ở giữa một đám đông ồn ào náo nhiệt. Đừng chỉ cầu nguyện khi vào nhà thờ hoặc ở nơi tĩnh lặng, vì cầu nguyện rất dễ: Hướng tâm hồn lên với Chúa, gặp Chúa, có khi không cần nói gì cả. Cầu nguyện liên lỉ là “thói quen” của người sống tâm linh theo tinh thần của Đức Kitô.

Người cha, người mẹ và người con đều sống tâm linh như vậy thì chắc chắn gia đình hạnh phúc, là Tổ Ấm thực sự, ấm trong tình yêu của Thiên Chúa, nóng hổi ngọn lửa thương xót của Thiên Chúa:“Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc” (Tv 112:1-2). Niềm hạnh phúc thánh đức thật tuyệt vời!

Nước có quốc pháp, nhà có gia phong. Truyền thống là điều nên duy trì – nếu đó là truyền thống tốt đẹp và hợp lòng người. Đừng bao giờ câu nệ!

Trình thuật Mt 15:1-6 cho biết: Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và hỏi Ngài: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”. Ngài trả lời bằng một câu hỏi: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?”. Ngài biết chẳng ai trả lời được nên Ngài lý luận:“Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Họ chỉ có nước “ngậm tăm”, im như thóc thối, câm như hến.

Có khi chúng ta cũng như bọn Pharisêu đấy, đầu toàn là “đậu hũ” mà bày đặt lý luận để bắt bẻ người khác. Dốt mà chảnh là thế đấy! Không chỉ vậy, chúng ta lấy lý do “vì, bởi, tại,…” mà biện hộ cho mình. Thật nguy hiểm! Thiết tưởng đôi khi chúng ta phải tự xét lại về các động thái của mình, đừng tưởng những gì chúng ta đưa ra đều là vì Chúa, có thể chính chúng ta “chơi ép” Chúa, “điều khiển” Chúa, rồi lại tự tôn bằng các biện hộ đó là Ý Chúa. Lạy Chúa tôi!

Ngày Xuân, dịp Tết, nếu còn cha mẹ, thật hạnh phúc cho bạn, nhưng hãy “động não” một chút: Khi bạn đang uống ly nước giải khát, hãy nghĩ xem cha mẹ thường uống gì. Khi bạn mặc những bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu, xin hãy nghĩ xem cha mẹ bạn thường mặc ra sao. Khi bạn thoải mái chi tiêu, hãy nghĩ đến những thứ cha mẹ bạn thường dùng thế nào. Cha mẹ đã vì chúng ta mà bỏ bao công sức, đổ bao hạt mồ hôi, đều chỉ vì mong cho bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ bạn đang dùng đều là do công sức cha mẹ tạo ra. Xin hãy yêu quý cha mẹ và cố gắng giữ trọn chữ hiếu cho xứng đáng là người con. Hãy hành động ngay khi cha mẹ còn sống, cụ thể là ngay trong dịp Tết này, biết đâu bạn không còn kịp nữa đâu!

Tết đến bình an nhờ Thiên Chúa

Xuân về hạnh phúc với Thánh Gia

Gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo hội, là “chiếc nôi” của Lòng Chúa Thương Xót. Gia đình có hạnh phúc là nhờ Thánh Ân của Thiên Chúa.

Thiên Chúa phù trì liên vạn đại

Thánh Gia bảo giám mãi thiên thu

Lạy Thiên Chúa, xin cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con có tổ tiên, ông bà và cha mẹ, xin Ngài thương chúc lành cho họ, đặc biệt trong dịp Tết này; xin giúp chúng con biết giữ trọn Đạo Hiếu với Chúa và với ông bà, cha mẹ của chúng con. Xin tình yêu Thánh Gia luôn tràn đầy trong mọi gia đình, hôm nay và mãi mãi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 

(*) Cù Lao là siêng năng, cần mẫn, nhọc nhằn. Chín đức cù lao: [1] Sinh: Cha mẹ đẻ ra, [2] Cúc: Nâng đỡ, [3] Phủ: Vỗ về, vuốt ve, [4] Súc: Cho ăn, bú mớm; [5] Trưởng: Nuôi dưỡng thể xác; [6] Dục: Giáo dưỡng tinh thần; [7] Cố: Trông nom, nhìn ngắm; [8] Phục: Quấn quít, săn sóc không ngơi; [9] Phúc: Bồng ẵm, gìn giữ, lo cho con đầy đủ, bảo vệ con khỏi bị ăn hiếp.

 

KHÔNG CÓ HIẾU LÀ VẤT ĐI!

(Hc 44,1.10-15; Ep 6, 1-4.18.23; Mt 15, 1-6)

Tôn kính tổ tiên và hiếu nghĩa với ông bà cha mẹ là truyền thống và gia sản tốt đẹp của cha ông ta từ bao đời nay.

Đây là nghĩa cử cao quý mà bất cứ ai, đã sinh ra làm người thì khi đến tuổi khôn đều phải được dạy cho biết gia sản quý báu của dân tộc, đồng thời mỗi người phải coi đây là bổn phận, nghĩa vụ trong lòng mến chứ không chỉ đơn thuần là tình cảm tự nhiên.

Ngược lại, nếu ai sống một cuộc đời bất hiếu, thì có thể kể hạng người đó vào số những người vô giáo dục, hay không phải là con người đúng nghĩa!

Hôm nay, Giáo Hội dành riêng ngày mồng hai tết cổ truyền của dân tộc để mời gọi con cái mình hướng về cội nguồn để cầu nguyện cho các bậc sinh thành, và noi gương sáng của các ngài để lại, hầu có thể làm sáng danh Thiên Chúa, rạng rỡ gia phong và vẻ vang dân tộc... đây chính là: “Của lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Cl 3,20).

1.      Đạo hiếu ngày xưa 

Ngày xưa, cha ông ta rất coi trọng chữ hiếu. Chữ hiếu được đưa lên hàng đầu vì: ”Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”. 

Vì thế, khi đánh giá một người nào, các cụ ta thường hay xem họ có hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, sống có tình nghĩa với anh chị em trong gia đình và làng xóm không?

Còn khi chọn ai đó làm quan, nhà vua thường dựa trên quy luật: “Tướng – Hàm –Hiếu”. Tức là phải có tướng mạo, học hành giỏi giang và có hiếu với bậc sinh thành. Tuy nhiên, hiếu nghĩa quyết định người đó đậu hay không.

Khi người xưa coi trọng chữ hiếu như vậy, các bậc tiền bối của chúng ta coi chữ hiếu là căn cốt, là bản lề, là cột trụ trong việc hình thành nhân cách cũng như nền tảng xây dựng xã hội và nghề nghiệp.

Theo truyền thống Nho giáo, trong các tội người ta phạm thì tội bất hiếu là tội nặng nhất, bởi lẽ: “Người ta có cha có mẹ, không ai ở chỗ nẻ chui lên”, nên: “Người ta có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn”.

Vì thế, người thời xưa, sáng ngày mồng một, con cháu quy tụ về nhà tổ để làm lễ gia tiên với người đã khuất, sau đó đến phần bày tỏ hiếu nghĩa với người còn sống.

2.      Đạo hiếu ngày nay

Trên đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta khi nói và sống chữ hiếu. Còn ngày nay thì sao?

Nếu ngày xưa, nhà nhà, người người coi lễ giáo gia phong, tôn ty trật tự, hiếu nghĩa thảo hiền là điều quan trọng không thể thiếu trong các mối tương quan, thì ngày nay, có khi: “Mò kim đáy biển”.

Vì thế, trong những ngày giáp tết vừa qua, trên các trang mạng xã hội có đăng tải những tấm hình gây nhiều chú ý, bức xúc kèm theo những lời kết án gắt gao, đó là: hình ảnh một bà cụ già trạc 90 tuổi, bị nhốt dưới bếp và khóa trái cửa, cụ đẩy cửa và nhìn hé ra ngoài, bên dưới là lời nói: “Con ơi, mở cửa cho mẹ, mẹ không lên phòng khách đâu!!!”. Rồi hình ảnh khác, một bà cụ ngồi vệ đường với bát cơm trộn. Cụ vừa ăn vừa khóc! Bên dưới có lời bình: “Cuộc đời vất vả nuôi con, cầu mong con lớn, nhờ con về già! Vậy mà khi tuổi xế tà, sức lực cạn kiệt thân già ốm đau. Con cái thì lại ganh nhau, chăm được ba bữa càu nhàu rên la. Mẹ già cay đắng lệ xa, bát cơm chan lệ như là chan canh”. Ôi đọc mà đau nhói con tim, tê tái tâm hồn!

Rồi nhìn chung quanh, có khi không chừng, ngay cả trong nhà thờ này, vẫn còn đó những đứa con bất hiếu, vô giáo dục khi đối xử với thậm tệ với cha mẹ!

Vì thế, vẫn thấy đây đó nhiều bậc cha mẹ phải bỏ nhà ra đi hay bị đuổi ra khỏi nhà vì cảnh con dâu quá láo, con trai phụ bạc, các cháu hỗn hào... Ôi thật đau xót biết chừng nào!!!

Những hạng người bất hiếu trên, có lẽ họ quên mất một quy luật tất yếu, đó là: “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”.

Có một câu chuyện kể rằng: một hôm, anh con trai mua một cái sọt, rồi nhốt cha già trong đó và mang vào rừng bỏ đói cho chết. Thấy vậy, con trai anh tuy còn nhỏ, nhưng đã ý thức và đau xót nên nói với cha mình rằng: “Ba đem ông vào rừng rồi sau đó mang sọt về cho con nhé”. Người cha liền hỏi: “Mang về làm gì?” Người con đáp: “Để sau này có cái mà nhốt cha!”. Đây quả là quy luật tất yếu dành cho kẻ bất hiếu.

3.      Đạo hiếu trong truyền thống Công Giáo

Đối với người Công Giáo, đạo hiếu không chỉ là một bổn phận phải có đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn là đòi hỏi, là lệnh truyền, là giới răn của chính Thiên Chúa.

Trong thập giới, Thiên Chúa dành ra giới răn thứ tư để truyền phải giữ, đó là: “Thảo kính cha mẹ”. Giới răn này chỉ đứng sau những giới răn tôn thờ Thiên Chúa. Như vậy, ngoài bổn phận với Thiên Chúa, người Công Giáo phải trung thành tuân giữ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên.

Khi hiếu kính với tổ tiên, chúng ta sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và tha thứ lỗi lầm, vì: “Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,3-4). Thánh Phaolô thêm: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3); vì: “Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20) và sẽ được Thiên Chúa sẽ nhận lời người hiếu nghĩa cầu xin (x. Hc 3,8).

Còn với Đức Giêsu, ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo: “Ngươi hãy thờ kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).

4.      Thi hành việc hiếu nghĩa

Như những gì đã chia sẻ ở trên, chúng ta thấy chữ hiếu đối với người Công Giáo thật là quan trọng, nó kéo theo việc được chúc lành hay chúc dữ tùy vào thái độ của chúng ta.

Thiết nghĩ, ngay trong giây phút này, mỗi người hãy làm mới lại tinh thần hiếu nghĩa đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ.

Trước tiên, chúng ta hãy cầu nguyện, kết hợp với những hy sinh để cầu cho linh hồn các bậc tổ tiên đã ra đi, đồng thời cầu nguyện cho những bậc còn sống được bình an. Hãy nhớ nằm lòng câu ca dao sau: “Cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Người ta có gốc từ đâu! Có cha có mẹ rồi sau có mình”.

Thứ đến, hãy vui vẻ lễ phép, chăm lo cơm cháo, đồng quà tấm bánh, nhất là lo thuốc thang khi các ngài ốm đau bênh tật. Sống yêu thương, kính trọng như lời Kinh Thánh dạy: “Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.  Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi con” (Hc 3,12-14).

Cuối cùng, nếu ai đã hỗn sược, lếu láo với bậc sinh thành, ngay lập tức, sau thánh lễ này, hãy xin lỗi các ngài và quyết tâm sửa sai. Nên nhớ rằng, đây là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho mình hay không.

Ước gì, trong dịp tết năm nay, nhất là trong ngày cầu cho tổ tiên, cũng như hằng ngày trong đời sống, mỗi người chúng ta phải thực sự là tấm gương cho con cháu về lòng hiếu nghĩa với các bậc tổ tiên, để như một quy luật tất yếu, con cái sẽ noi gương và báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của chúng ta hôm nay và ngày mai. Amen.

 

 

SUY NIỆM 3: Đạo Hiếu - Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn

Đạo hiếu dưới cái nhìn Kitô giáo

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Thế đó thật nhẹ nhàng, nhưng từng lời ru của người mẹ Việt Nam đung đưa bên chiếc nôi của đứa con nhỏ, ngày qua ngày đã dần đi sâu vào trái tim, làm nên dòng máu thắm đỏ của những người con, tạo nên trong tâm thức của từng người dân đất Việt một tâm tình thảo hiếu, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Các cụ ngày xưa cho là hiếu đứng đầu trăm nết: “Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”. Do đó, đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị mọi người kết án nhiều nhất. Bộ luật Hồng Đức ban hành thời Lê Thánh Tông cũng ghép tội bất hiếu vào trọng tội. Không chỉ con trai, con dâu không thờ cha mẹ chồng cũng bị coi là phạm tội “thất xuất” (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, trang 326).

Chính vì thế, vào những ngày Tết, giỗ chạp… trong các gia đình Việt Nam chúng ta, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha, tết mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về để thắp nén hương cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Cùng chung cảm thức đó của dân tộc, Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày Mồng Hai Tết này để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Rồi từ đạo hiếu với cha mẹ, Giáo Hội muốn từng người chúng ta tỏ lòng hiếu kính với người Cha cao cả và tuyệt đối hơn, đó là Thiên Chúa.

1. Đạo hiếu, bổn phận hàng đầu của người Kitô hữu:

Truyền thống cha ông chúng ta rất coi trọng chữ hiếu. Để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ ngày xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ, anh chị em. Thậm chí, các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu: Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu”. Hơn nữa, việc thảo kính cha mẹ, xét về mặt tự nhiên, cũng là hợp với lẽ công bằng, bởi vì cha mẹ là người đã có công sinh thành, dưỡng dục giúp ta khôn lớn thành người.

Mặt khác, đối với người kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản thập giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau. Điều đó, cho thấy, việc hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người kitô hữu. Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu cũng đã lập lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi, Ngài nói: “Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”. Còn thánh Phaolô thì nói: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này”.

Như thế, việc chúng ta thảo kính cha mẹ không còn tùy thuộc vào ý thích cá nhân của chúng ta, nhưng là thánh ý của Thiên Chúa. Được Thánh Thần soi sáng, tác giả sách Huấn ca nhắc nhở chúng ta: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này”. Và vì là ý muốn của Thiên Chúa, nên những ai trung thành tuân giữ việc thảo kính cha mẹ không những là chu toàn bổn phận làm con, nhưng còn được Thiên Chúa chúc phúc. Tác giả Thánh vịnh đã cất lời ca ngợi những ai luôn sống theo đường lối của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may”.

Tóm lại, về mặt tự nhiên, việc hiếu thảo là bổn phận tự nhiên và là dấu chỉ của một con người trưởng thành. Đồng thời, khi sống hiếu thảo cũng là lúc chúng ta chu toàn giới luật của Thiên Chúa và nhờ đó được Ngài chúc lành. Tuy nhiên, trong niềm tin, chúng ta biết rằng tất cả chúng ta: cha mẹ và con cái, đều nhận được sự sống từ nơi Thiên Chúa. Do đó, trong ngày đầu năm kính nhớ tổ tiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và hết lòng yêu thương chúng ta, như lời Ngài phán qua miệng ngôn sứ Isaia: “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi! Này: Ta đã khắc ghi ngươi trên bàn tay Ta” (Is 49, 15-16a).

2. Sống trung thành với Thiên Chúa, dấu chỉ của đạo hiếu:

Dưới cái nhìn của đức tin, cha mẹ là những người được Thiên Chúa cho cộng tác vào chương trình sáng tạo của Người. Cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa để hướng dẫn con cái. Do đó, việc đầu tiên mà các bậc cha mẹ cần làm là giáo dục con cái trung thành với Thiên Chúa theo lời nhắn bảo của thánh Phaolô: “Những người làm cha mẹ,… hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”.

Giáo dục con cái thánh thiện, trung thành với Thiên Chúa, các bậc cha mẹ sẽ có được một kho tàng quý giá không bao giờ hư mất: “Các ngài sống mãi trong dòng dõi các ngài; gia tài quí báu của các ngài để lại là lũ cháu đàn con”. Đây là điều quan trọng mà chúng ta vẫn thường hay quên. Chúng ta thường la rầy con cháu, nhắc nhở chúng hiếu thảo, vâng lời chúng ta, nhưng lại chẳng bao giờ nhắc chúng về bổn phận với Thiên Chúa. Chắc hẳn với kinh nghiệm sống của mình, quý vị cũng nhận ra rằng: những người nào thật sự trung thành với Thiên Chúa, chắc chắn sẽ hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, vì khi họ đến với Thiên Chúa, thì họ sẽ được Thiên Chúa nhắc bảo bổn phận của họ đối với cha mẹ. Còn những người nào quay lưng lại với Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho mình, thì khó mà có lòng hiếu thảo thật với cha mẹ. Cảm nghiệm điều đó, tác giả sách Huấn ca khen ngợi dòng dõi những người trung thành với Thiên Chúa: “Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước, nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các người sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài sẽ được mồ yên mả đẹp, và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế”. Còn tác giả Thánh vịnh thì mô tả: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn”, thật là một khung cảnh ấm êm, hạnh phúc.

Lắng nghe lời Chúa trong những ngày đầu năm này, chớ gì từng người chúng ta một lần nữa ý thức hơn về những hồng ân Thiên Chúa ban cho mình trong một năm qua, để hết lòng tri ân và cảm tạ Ngài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận tiện nhắc nhở chúng ta về bổn phận đối với ông bà cha mẹ, những bậc sinh thành ra chúng ta. Việc thảo kính này, không chỉ là một ít lễ vật, một lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng cần được kéo dài trong suốt cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Lòng thảo hiếu đó được thể hiện qua cách chúng ta nói năng, xưng hô với cha mẹ. Nó còn được thể hiện qua việc chúng ta vâng lời, chăm nom, săn sóc cho cha mẹ khi còn sống, nhất là khi các ngài già yếu, bệnh tật; và cầu nguyện cho các ngài khi đã qua đời, theo đúng truyền thống của cha ông chúng ta: “Sống tết, chết giỗ”. Amen.

 

MÙNG HAI TẾT

Mt 15,1-6

HIẾU THẢO VỚI ÔNG BÀ CHA MẸ

 1. LỜI CHÚA: Chúa phán: "Thiên Chúa đã dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa" Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa" (Mt 15,4-6).

2. CÂU CHUYỆN:

Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già tay bị run, thường hay làm bể cái chén kiểu đắt tiền khi ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt mang về một chiếc gáo dừa rồi gọt dũa làm thành một cái chén gáo dừa cho bố anh ta dùng. Đứa con trai thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh ta trả lời con rằng: Để ông nội con dùng khỏi bị bể nếu ăn cơm có bị run tay làm rơi xuống đất.

Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: "Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này bố già dùng nếu bố có bị run tay giống như ông nội bây giờ!".

3. THẢO LUẬN: 1) Về lối sống hiếu thảo với ông bà tổ tiên, bạn có đồng ý với câu người xưa nói: "Sóng trước vố đâu, sóng sau vỗ đó" hay không? Tại sao? 2) Bạn sẽ làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà trong dịp Tết và trong thời gian sắp tới?

4. SUY NIỆM:

1) Ngày Xuân xây dựng tình thân gia đình:

Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết là dịp để các tín hữu chúng ta thực hành bổn phận hiếu thảo với ông bà tổ tiên, cụ thể là các bậc sinh thành là cha mẹ. Sự hiếu thảo được thể hiện qua những lời nói, thái độ cử chỉ và hành động với cha mẹ, cụ thể là món quà chúng ta dâng tặng cha mẹ đượm tình thảo hiếu với các ngài.

Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam đều muốn được chờ đón những giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm bên cha mẹ ông bà và anh chị em con cháu.

2) Phương cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ:

Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ Tết, nhưng còn phải được thể hiện trong suốt những ngày tháng dài sống chung với ông bà cha mẹ trong gia đình.

Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta lá chắn che chở suốt đời mình.

Nếu cha mẹ già yếu, con cháu phải tránh coi thường và coi các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, bú mớm dọn dẹp vệ sinh khi ta còn thơ bé.

Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những ngày Giỗ Tết.

3) Làm gì trong những ngày này?:

Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì:

"Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

"Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó". Chúng ta cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.

Dịp Xuân Mới, bàn sẽ biếu quà gì cụ thể để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà còn sống và những đấng bề trên đã qua đời?

5. LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa Cha là Chúa tể của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con.- Amen.

 

KÍNH NHỚ TỔ TIÊN - ÔNG BÀ CHA MẸ
Bài đọc 1: Hc 44,1.10-15; Bài đọc 2: Ep 6, 1-4.18.23; TM: Mt 15, 1-6
 
Kính thưa cộng đoàn rất thân mến!
Mùng hai tết cổ truyền hàng năm là ngày được chọn để long trọng kính nhớ tổ tiên-ông bà cha mẹ, để vinh danh các bậc tiền nhân. Việc làm tốt đẹp này không nhằm để đính chính những quan niệm, những suy nghĩ lệch lạc của một số người có cái nhìn thành kiến và thiển cận về đạo Công Giáo. Thực ra, truyền thống tôn kính ông bà tổ tiên là một truyền thống rất lâu đời của người Việt Nam, được phản ánh rất nhiều qua kho tàng văn học dân gian cũng như qua nhiều nghi lễ mang tính cổ truyền. Nó đã trở nên gần gũi như nhịp sống và hơi thở, in sâu trong tâm khảm của từng người trong chúng ta. Vì vậy, việc kính nhớ ông bà tổ tiên của người Công Giáo Việt Nam là vô cùng chính đáng và phải đạo.
Nếu đọc lại Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy rằng truyền thống tôn kính ông bà tổ tiên cũng vô cùng phong phú và bàng bạc trong Cựu Ước lẫn Tân Ước. Các bài đọc trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một minh chứng điển hình.
Trong bài đọc 1, tác giả sách Huấn Ca đã không tiếc lời ca tụng các bậc cha ông: “Các ngài là những người nhân hậu, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng…danh thơm các ngài mãi lưu truyền hậu thế. Muôn dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài”.
Trong bài đọc 2, thánh Phaolô đã khuyên nhủ các tín hữu Êphêsô như sau: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo; hãy tôn kính cha mẹ, đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa, để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này”.
Trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã tái xác nhận và đúc kết ý tưởng trên, qua cuộc tranh luận với nhóm Pharisêu.
Trong cuộc tranh luận này, có hai quan niệm tương khắc với nhau, làm trồi hiện lên hai lập trường đối chọi:
- Nhóm Pharisêu, gồm những con người bảo thủ, hình thức, vị luật và giữ luật một cách máy móc. Họ dựa vào truyền thống của cha ông để bắt bẻ Chúa Giêsu. Trong khi  đó, có những truyền thống rất cổ hủ, không còn phù hợp và chẳng đem lại lợi ích gì cho con người mà chỉ tạo nên sự gò bó vô ích trong việc sống đạo, cản trở thực thi bác ái, ví dụ như cấm làm việc xác trong ngày hưu lễ, phải rửa tay trước bữa ăn... Vì vậy, khi nhìn các môn đệ không rửa tay trước khi dùng bữa, theo tục lệ của người Do thái, nhóm Pharisêu đã kết án các ông là “vi phạm truyền thống của tiền nhân”.
- Chúa Giêsu không có ý hủy bỏ truyền thống. Ngài chỉ muốn gọt dũa và kiện toàn truyền thống, làm cho nó trở nên thiết thực, hữu ích cho con người. Ngài không những không phủ nhận đạo hiếu của người Do thái mà còn tái khẳng định lại giới răn thảo hiếu ông bà cha mẹ, khi nói với họ rằng: “Quả thế, Thiên Chúa đã dạy: Ngươi hãy tôn kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử”. Ngài đã mạnh dạn khai triển điều răn thứ tư trong 10 điều răn mà Yavê Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái, qua trung gian của Môisen trên núi Sinai: Thứ Bốn thảo kính cha mẹ. Hơn thế nữa, khi nói rằng “Thiên Chúa đã dạy”, Ngài cũng có ý dạy cho chúng ta biết rằng, chính Thiên Chúa là Cha Mẹ, là Tổ Tiên trên hết các bậc tổ tiên.
Kính thưa cộng đoàn!
Là người Công Giáo, Chúa dạy chúng ta phải hết lòng tôn kính tổ tiên- ông bà cha mẹ, như là của lễ rất đẹp dâng lên Thiên Chúa, để được Chúa thứ tha tội lỗi và chúc lành cho cuộc sống của chúng ta. Đạo lý này không điều gì có thể phá hủy được, vì đó không phải là luật của con người đặt ra, nhưng là điều luật do chính Thiên Chúa đã thiết lập trong Cựu Ước, và trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã tái khẳng định lại.
Là người Việt Nam, việc tôn kính tổ tiên ông bà cũng đồng nghĩa với việc gìn giữ, phát huy di sản tinh thần quí báu mà các bậc tiền nhân đã dày công gầy dựng và di chúc lại cho con cháu. Hơn nữa, nó cũng góp phần hết sức quan trọng trong việc bảo vệ luân thường đạo lý, xây dựng nền tảng vững chắc cho mọi gia đình Việt Nam hôm nay, vốn đang bị lung lay và đang ghánh chịu nhiều áp lực bởi những trào lưu thiếu lành mạnh, của sự giao thoa bởi nhiều nền văn hóa khác nhau đang lan tràn vào đất nước chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xuống trần gian, đã nhập thế vào xã hội Do thái, trong một gia đình có cha có mẹ. Chúa đã chu toàn tốt đẹp bổn phận là con của Thiên Chúa Cha, con của Mẹ Maria và thánh Giuse. Xin giúp chúng con luôn ý thức làm tròn bổn phận thờ phượng Thiên Chúa và bổn phận tôn kính các bậc tổ tiên-ông bà cha mẹ của chúng con. Amen.

 

4. Hiếu thảo với Cha trên trời (Mt 6, 25-34)

 Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

Qua năm mới nầy, xin Cha khai tâm mở trí để chúng con hiểu biết Cha hơn, yêu mến Cha hơn.

Bài Tin Mừng thánh Mát-thêu được trích đọc trong Thánh Lễ Mồng Một tết nầy gửi đến chúng ta hai sứ điệp rất quan trọng.

Thứ nhất: Thiên Chúa là Cha rất tốt lành của chúng ta,

Thứ hai: Ngài hằng yêu thương chăm sóc chúng ta.

Đây là hai sứ điệp liên quan đến hạnh phúc mọi người, nhưng tiếc thay, chỉ có rất ít người tin tưởng và đón nhận.

Trước hết, chúng ta tìm hiểu sứ điệp thứ nhất:

Thiên Chúa là Cha thật của chúng ta.

Nhiều người không chấp nhận Thiên Chúa là Cha sinh ra mình vì họ nghĩ rằng cha mẹ trong gia đình mới thực sự sinh ra họ.

Tuy nhiên, tự sức riêng, người cha người mẹ không thể sinh được một con ruồi, một con muỗi thì làm gì sinh được một đứa con là một kiệt tác tuyệt vời gấp trăm lần ruồi muỗi.

Ngay cả khi người mẹ bị hư một con mắt, người mẹ không thể “đẻ” ra một con mắt khác để thay cho con mắt bị hư.

Khi người mẹ bị hỏng một móng tay, người mẹ cũng không thể “sinh” ra một móng tay khác để thay thế cho móng tay hư.

Một con mắt, một ngón tay mà người mẹ không sinh được, không tạo ra được, thì làm sao mà bà có thể sinh nguyên cả một con người!

Người mẹ sinh được một đứa con chủ yếu là do Chúa.

Như người thợ làm bánh mì trộn men vào bột, nhồi bột cho dậy men, nắn nên từng chiếc bánh, đút bánh vào lò và cho bánh ra lò như thế nào thì Thiên Chúa cũng nhào nặn nên từng người chúng ta trong lòng mẹ rồi sau 9 tháng 10 ngày cho chúng ta ra đời như thế.

Chiếc bánh từ lò nướng xuất ra nhưng không phải lò nướng tạo nên chiếc bánh mà là do người thợ bánh. Cũng thế, đứa con từ lòng mẹ xuất ra nhưng không phải do người mẹ tự sức mình sinh được đứa con mà là do Chúa tác thành.

Không có Chúa tác tạo thì không có người cha người mẹ nào có thể sinh con được.

Chúa sinh chúng ta ra đời nên Chúa thực sự là Cha của chúng ta.

Sứ điệp thứ hai: Thiên Chúa yêu thương chăm lo cho chúng ta.

Không chỉ sinh ra chúng ta mà thôi, Thiên Chúa  còn nuôi chúng ta nữa.

Có người bảo: Tôi tự kiếm ăn hằng ngày chứ Chúa có cho tôi bữa nào đâu ?

Ta cần biết rằng dù không dọn cho ta từng bữa cơm, nhưng Chúa vẫn nuôi chúng ta no đủ hằng ngày.

Một người cha khôn ngoan sẽ không cứ đến bữa thì trao cá cho con ăn, bởi vì nếu ngày nào ông cũng làm như thế thì đứa con sẽ cậy dựa vào cha mẹ và sẽ không chịu học tập, lao động, sản xuất nữa. Tội gì phải học hành, phải lao động đang khi ngày nào cũng có sẵn những bữa ăn. Thế là đứa con sẽ trở thành lười biếng, hư hỏng.

Người cha khôn ngoan thì thay vì trao cá cho con ăn từng bữa, ông sẽ trao cho nó một chiếc cần câu. Nhờ sử dụng cần câu nầy, người con có thể kiếm được rất nhiều cá mà không phải ngửa tay xin.

Thiên Chúa là Người Cha khôn ngoan, nên thay vì trao cá cho ta ăn từng bữa, Chúa cho ta chiếc cần câu để kiếm được nhiều lương thực cho mình.

Cần câu ở đây có nghĩa là gì ? Đó là trí tuệ, là tay chân là sức vóc Chúa ban cho chúng ta.

Nhờ trí tuệ Chúa ban, nhờ tay chân và sức lực Chúa ban, người ta có thể tạo nên nhiều lương thực, nhiều của cải, nhiều tiện nghi để nuôi mình và nuôi người khác.

Nhìn xem dân Singapore. Đất nước họ rất nhỏ bé, tài nguyên thì khan hiếm, không có ruộng vườn, không có đất màu, nước cũng không đủ uống, phải nhập khẩu nước uống từ các nước láng giềng. Thế mà nhờ biết sử dụng cách khôn khéo đầu óc và đôi tay Chúa ban, (tức là chiếc cần câu Chúa ban) họ đã tạo ra rất nhiều của cải, trở thành nước có thu nhập đầu người cao nhất thế giới.

Hơn nữa, khi chúng ta đáng phải chết vì tội lỗi của mình, Thiên Chúa  còn cho Con một Ngài xuống thế nộp mình đền tội thay cho chúng ta.

Chúa sinh ra chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta, yêu thương bao bọc chúng ta, chết thay cho chúng ta, lẽ nào chúng ta không nhận Ngài là Cha chúng ta, lẽ nào chúng ta không yêu mến tôn thờ Ngài.

Để giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha và sống thân mật với Cha trên trời, Chúa Giê-su dạy chúng ta gọi Thiên Chúa bằng tiếng Áp-ba. Áp-ba là tiếng của trẻ thơ Do-thái âu yếm gọi cha của mình, dịch ra tiếng Việt là Bố ơi,  Ba ơi !

Khi dạy ta gọi Thiên Chúa bằng Ba, Bố… Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn nhận Ngài là Người Cha yêu quý trong gia đình và Ngài nhìn nhận chúng ta là đứa con bé bỏng rất đáng yêu trong nhà.

Thế mà dường như lâu nay chúng ta không nhìn nhận Chúa là Cha thật của mình. Chúng ta xem người cha, người mẹ trong gia đình mới thật là mẹ, là cha mẹ; còn Thiên Chúa Cha thì chúng ta không xác tín là Cha, là Mẹ thật của mình, nên chúng ta sống xa cách với Ngài, thậm chí còn gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc đời ta.

Đừng bội bạc với Cha trên trời

Đêm nọ, Thiên Chúa hiện ra (dĩ nhiên là trong giấc mơ) với một người bỏ Chúa lâu năm và Ngài trách anh ta cách nhẹ nhàng:

– Ta là Cha của con, đã sinh ra con, sao con không tưởng gì đến Ta?

Người đó cáu kỉnh đáp :

– Ông sinh ra tôi mặc ông, tôi không cần biết đến ông!

Chúa tiếp:

– Ta ban cho con từng hơi thở, nếu không có không khí Ta ban, làm sao con sống được?

Người đó vẫn bất cần:

– Mặc ông, tôi không cần biết đến ông!

Chúa vẫn kiên nhẫn dìu dắt:

– Ta ban cho con từng hớp nước, không có nước ta ban, làm sao con sống nổi?

Người đó ngoảnh mặt không nhìn vào Chúa và đáp cộc lốc:

– Mặc ông, tôi không cần đếm xỉa đến ông.

Chúa vẫn nhẫn nhục:

– Ta cho con có trí tuệ, có sức khoẻ… như chiếc cần câu để con kiếm sống hằng ngày…

Người đó vội ngắt lời Chúa:

– Mặc ông, tôi bất cần ông !

Chúa tỏ ra vẻ buồn phiền và tiếp:

– Ta cho Con Một của Ta xuống thế chịu khổ nạn, chịu chết thay cho con, đền tội cho con, cứu con khỏi chết muôn đời, chẳng lẽ con không biết điều đó sao ?

Người đó đáp:

– Mặc ông, tôi không thương mến gì ông. Tôi gạt bỏ ông ra khỏi đời tôi. Tôi không thèm đếm xỉa gì đến ông!

Cuối cùng, Chúa hỏi :

– Vậy thì đến khi con từ giã cõi đời nầy, con có cần Ta đón con vào thiên đàng không ?

Bấy giờ người đó đáp :

– Ồ, chuyện đó tính sau. Bao giờ tôi sắp chết thì tôi sẽ quay lại với ông !

Câu chuyện trên đây minh hoạ và phản ánh phần nào tính bội bạc đáng trách của con người đối với Thiên Chúa là Cha đã yêu thương và tạo dựng nên mình.

Có người cả năm trời không đến nhà thờ được một lần để gặp gỡ thân mật Cha trên trời của mình, không mấy khi nhớ đến Cha của mình qua những lời kinh nguyện.

Lạy Cha nhân từ,

Rất nhiều lần Chúa Giê-su khẳng định rằng Cha là Cha nhân lành, là Bố rất thân thương của chúng con, thế mà chúng con vẫn chưa nhìn nhận sự thật nầy nên chúng con sống rất thờ ơ lạnh nhạt với Cha!

Qua năm mới nầy, xin Cha khai tâm mở trí để chúng con hiểu biết Cha hơn, yêu mến Cha hơn, nhờ đó, không còn bội bạc với Cha nữa, nhưng luôn sống đẹp lòng Cha và giữ tròn đạo hiếu với Cha.

 

 

III. THÁNH LỄ MỒNG HAI TẾT GIÁP NGỌ
 

1. Sống Chữ Hiếu
 

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Xin Chúa xuân chúc lành cho những ngày sum họp gia đình được đằm thắm yêu thương.

Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện. Cô con dâu nhăn mặt nói với chồng: “Ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc ba”. Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối: “Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi”. Một cậu con trai khác cau cau lông mày: “Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao?”. Cô con dâu trưởng phán một câu: “Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện”.

Tất nhiên sau đó, sự việc xảy ra đúng như hoạch định của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị nuôi bệnh cho ông cụ luôn. Công việc tỉ mỉ, cần sự chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người, nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút, không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại còn có vẻ hiền hậu, dịu dàng như con đối với cha mẹ.

Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ. Tiếc thay, sự chăm chút của chị phụ nữ không kéo dài bao lâu, chỉ hơn một tuần sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ, và ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang ?… Anh con trai trưởng cầm một xấp tiền đến trả cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình. Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời: “Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền?”.

Đám người đang khóc mếu, cãi nhau… đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài…

Đúng là “một mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con lại không nuôi được một mẹ”. Cho dù câu ca dao xưa dạy rằng:

Đói lòng ăn hột chà là

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng

Thế nhưng, lời dạy ấy dường như chỉ dừng lại nơi môi miệng mà rất khó mang ra thực hành. Dẫu biết rằng đi khắp thế gian cũng không có tình nghĩa nào cao sâu cho bằng tình cha tình mẹ yêu con. Dẫu biết rằng không ở đâu có tình yêu chân thành cao cả như tình cha mẹ yêu con.

Con đi khắp vạn nẻo đường

Giờ con mới hiểu tình thương mẹ hiền

Người con yêu quý nhất trên đời

Chính là mẹ đó tuyệt vời tình sâu

Ngày xuân con cái sum vầy bên cha mẹ không chỉ để nhận phong bao lì xì hay chỉ để kính biếu các ngài đồng quà tấm bánh mà quan yếu là để nhận sự chúc lành của các ngài, để nói lời cám ơn các ngài và tỏ tâm tình tri ân về tình yêu thẳm sâu mà các ngài dành cho con cháu. Ngày xuân là dịp để con cháu thổ lộ chữ hiếu dành cho các bậc sinh thành. Đây là dịp để nói lên tấm lòng chân tình tri ân dâng lên bậc sinh thành:

Tạ ơn cha đã cho con nhìn thấy

Núi rất cao và biển rất tuyệt vời

Tạ ơn mẹ, đã cho con hơi thở

Và trái tim nhân ái làm người

Đây là dịp con cái biểu lộ chữ hiếu qua những hành vi không chỉ dâng hương kính bậc tổ tiên mà còn khiêm cung cúi mình kính lạy các bậc sinh thành.

Lạy thứ nhất con kính mừng tuổi mẹ

Phong sắc hồng hào tâm thể khang an

Những lo toan cơm áo chẳng dễ dàng

Nên quá ít thời gian hầu cận mẹ

Lạy thứ hai xin tạ lòng trời bể

Ơn sinh thành dưỡng dục kể sao khuây

Mỗi lần xuân con cháu tụ về đây

Mừng tuổi mẹ kính dâng thêm một tay

Như thế, mùa xuân còn là mùa của đoàn tụ, của sum họp. Mùa xuân không chỉ có không gian rạng ngời mà lòng người cũng tràn ngập niềm vui vì có nghĩa tình đằm thắm của tình cha mẹ, ông bà, anh em một nhà sum vầy bên nhau. Ước chi mùa xuân mãi ở lại đây để tình nghĩa gia đình mãi hòa hợp  yêu thương, để con cháu mãi sum vầy bên cha mẹ và anh em hòa hợp bên nhau.

Xin Chúa làm chủ thời gian ban cho nhân gian một mùa xuân hạnh phúc sum vầy bên nhau. Xin Chúa xuân chúc lành cho những ngày sum họp gia đình được đằm thắm yêu thương. Amen

 

Bài 3. SỐNG THẢO HIẾU

Lm. Tạ Duy Tuyền

Theo tục lệ Việt nam, ngày Tết là ngày con cháu dù ở nơi xa cũng sum họp cùng gia đình để chúc tuổi mới ông bà cha mẹ. Đồng thời nói lên lòng yêu mến, biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành.

Nhiều bài ca dao, tục ngữ, nhiều bài hát, câu chuyện, đã kể về công cha nghĩa mẹ và răn dạy con cái cần sống đáp đền công ơn ấy:

“Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.

Nên người con phải xót xa

Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao

Đội ơn chín chữ cù lao

Sinh thành kể mấy non cao cho vừa”.

Khi nhận ra công cha nghĩa mẹ, thì đạo hiếu luôn nhắc nhở chúng ta:

“Ơn ai một chút chớ quên,

Phiền ai một chút để bên cạnh lòng”

Thế nên,

Ai mà phụ nghĩa quên công,

Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm

Lòng hiếu thảo quả là một tấm lòng thơm tho, đáng yêu. Lòng hiếu thảo làm cho con người thêm thanh cao, giá trị. Bởi được người đời kính trọng, yêu thương những ai có hiếu với mẹ cha.

Thế nhưng, giữa dòng đời hôm nay vẫn còn đó những mảnh đời cô đơn nơi các bậc cha mẹ vì thiếu tình thương của con. Ở đâu đó, trong nhiều mái gia đình, ông bà cha mẹ lại là gánh nặng cho con cái. Ở đâu đó, vẫn còn những tiếng nghẹn ngào của những bậc sinh thành bị bỏ rơi ngay giữa đàn con cháu của mình.

Thiết tưởng, ngày đầu xuân chúng ta cùng lắng đọng tâm hồn để nghe lời bộc bạch chân thành từ lá thư của một người cha viết cho con.

Lá thư ấy viết rằng:

Con thân mến,

Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vun vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc… Xin con hãy bao dung!

Con hãy nhớ những ngày giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.

Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ… mà hãy lắng nghe!

Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ… và bố mẹ đã làm vì con.

Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.

Con hãy nhớ… lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.

Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa… hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.

Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng… bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.

Con đừng oán giận và buồn khổ… vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.

Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều…

Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.

Thương con thật nhiều

Là người Kitô, chúng ta cũng được mời gọi sống giới răn: “hãy thảo hiếu cha mẹ”. Đây là lệnh truyền chứ không phải lời khuyên. Lời khuyên thì có thể không làm nhưng lệnh truyền thì buộc phải thi hành. “Phải thờ cha kính mẹ” còn là lễ dâng đẹp lòng Thiên Chúa. Ngược lại, Kinh Thánh còn ví kẻ khinh rẻ cha mẹ là chọc giận Thiên Chúa: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai khinh rẻ mẹ, là chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3, 16). “Phải thờ cha kính mẹ” đó là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). “Phải thờ cha kính mẹ” còn phải được thể hiện qua những lời khuyên nhủ thật chân tình trong sách Huấn Ca: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người” (Hc 3, 12-16).

Người ta nói: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Việc thất đức mình làm cho tiền nhân cũng có thể tái diễn ngay chính cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta không muốn con bất hiếu với mình thì chính chúng ta hôm nay cũng phài làm gương sáng về hiếu thuận với mẹ cha. Nếu chúng ta muốn con cái đối xử tốt với mình thì hôm nay chúng ta cũng phải ân cần săn sóc mẹ cha.

Nguyện xin Chúa Xuân chúc lành cho buổi họp mặt gia đình hôm nay. Xin Chúa Xuân cư ngụ đến từng gia đình, mang ơn lành đến cho muôn nhà để mọi người được hưởng nếm những giây phút bình yên nhất bên gia đình và người thân. Amen.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận