Thứ Tư tuần 6 Phục Sinh.

Đăng lúc: Thứ tư - 24/05/2017 02:59 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Tư tuần 6 Phục Sinh.

"Thần Chân lý sẽ dạy các con biết tất cả sự thật".

 

Lời Chúa: Ga 16, 12-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai.

Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.

Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: "Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

 

 

SUY NIỆM 1: Công việc Thánh Linh

Có một thanh niên nọ, trong thời gian còn trai trẻ, anh ta là một tín đồ Ấn Giáo. Anh lại có tính tò mò ưa tìm hiểu các tôn giáo khác. Sự tò mò nay đã thay đổi người thanh niên đến một bước ngoặc biến đổi cuộc đời. Anh ta đã gặp một chủng sinh Công giáo trong một khóa Kinh Thánh học về bài giảng trên núi. Chẳng bao lâu họ trở thành đôi bạn tâm đắc. Anh đã tâm sự với chủng sinh nọ như sau: "Tôi biết bài giảng trên núi đã ảnh hưởng trên thánh Gandhi như thế. Và tôi cũng muốn sống theo lời dạy trong bài giảng, nhưng tôi sợ rằng nó quá cao, quá khó đói với một người bình thường như tôi. Người chủng sinh không nói gì, anh chỉ lấy diễn từ của Chúa Giêsu trước khi ly biệt các tông đồ trao cho người thanh niên.

Thời gian cứ trôi qua theo năm tháng, và đến cuối khóa học, người thanh niên đã hớn hở chia sẻ như sau: "Quả thật, những lời dạy trong bài giảng trên núi đòi hỏi thật nhiều, có thể nói là rất khó thực thi. Tuy nhiên, tôi đã gặp được lời hứa của Chúa Giêsu. Ngài hứa ban Chúa Thánh Thần để hướng dẫn và thêm sức mạnh cho những ai muốn sống theo Ngài. Bây giờ chẳng còn gì làm cho tôi phải bận tâm suy nghĩ, lo lắng nữa". Và hôm nay người thanh niên ấy đã trở thành tư tế muôn đời của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến!

Khi trao cho anh thanh niên người Ấn Giáo diễn từ của Chúa Giêsu, người chủng sinh đã gởi cho anh sự bình an tâm hồn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội cũng muốn gởi đến chúng ta một phần nữa của sự bình an của Chúa Thánh Thần.

Có thể nói được rằng, hiểu biết là chìa khóa mở của sức mạnh. Tuy nhiên, không phải hiểu biết nào cũng tạo cho con người sức mạnh, một hiểu biết chủ quan chỉ đưa con người đến mù lòa; mù lòa trong phán đoán, mù lòa trong hành động. Và có những hiểu biết giả hiệu khác bằng các danh xưng thật hào nhoáng, nhưng thực chất lại trống rỗng, chẳng đưa con người tới đâu.

Ba năm chung sống với Thầy, biết bao dịp để tiếp cận với lời Thầy giảng dạy, với những công việc Thầy làm, nhưng các môn đệ cũng chẳng hiểu gì nhiều về Thầy mình. Mỗi lần Ngài loan báo cuộc tử nạn là mỗi lần các ông lại rơi vào lầm lẫn và thất vọng. Bởi thế, Chúa Giêsu đã phải hứa là ban Thánh Thần Chân Lý đến để phù trợ cho các ông. Khi Ngài đến, Ngài sẽ dạy dỗ các ông biết tất cả sự thật, sẽ cho các ông hiểu biết trọn vẹn về Ðức Giêsu, Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Ðón nhận hiểu biết từ Thánh Thần đối với các môn đệ là một khám phá lại về Chúa Giêsu, vì Thánh Thần loan truyền những gì đã lãnh nhận từ Ngài. Ðây chẳng phải là một vòng luẩn quẩn hay dư thừa, vì dù cho đã sống ba năm hay hơn nữa, các môn đệ vẫn chưa hiểu về Thầy, nếu không được Thánh Thần hướng dẫn.

Biến cố hiện xuống của Chúa Thánh Thần là lật lại trang sử cuộc đời của Chúa Giêsu. Nếu trước đây các tông đồ đã sống trong những trang sử ấy và đã không hiểu gì thì bây giờ nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần, các ông sẽ đọc được ý nghĩa của các dấu chỉ. Bây giờ Phêrô sẽ không còn khó chịu khi thấy hai bàn tay đã làm nhiều phép lạ lại sẵn sàng đưa ra cho người ta bắt trói. Ông cũng sẽ không còn trốn chạy trước khổ hình Thập Giá. Nhờ Thánh Thần, Phêrô và các tông đồ đã thực sự hiểu biết. Sự hiểu biết đã mang lại cho các ông sức mạnh, vì hiểu biết giúp các ông sáp nhập vào Ðức Kitô. Họ sống nhưng không còn là họ sống nữa mà là chính Ðức Kitô sống trong họ. Và cũng chẳng có một sự thật, một con đường và một sự sống nào khác ngoài Chúa Kitô, nên người tín hữu hôm nay cũng được mời gọi hướng về Ngài. Như các tông đồ xưa, họ đã chẳng khám phá ra Ðức Kitô, nếu không được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thiếu vắng Thánh Thần, cái nhìn của tín hữu chỉ là cái nhìn chủ quan, hiểu biết cũng hạn hẹp, mù lòa. Chính khi đã khám phá ra sự thật, họ mới vững niềm tin và mạnh dạn bước theo tiếng gọi của Ngài.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mỗi người trong chúng ta sẽ biết khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa trong các điều quen thuộc của cuộc sống. Có thể hằng ngày chúng ta vẫn tiếp cận với tình yêu Ngài, vẫn hưởng nhận tình yêu Ngài, nhưng rồi chẳng bao giờ nhận ra để dâng lời cảm tạ Ngài. Nguyện xin Thánh Thần Chân Lý chiếu tỏa trên chúng ta ánh sáng của Ngài. Amen.

(Trích “Suy Niệm Hằng Ngày” – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 2: Hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa

Một đồ đệ luôn khao khát tìm Chúa hỏi thầy mình: "Thưa thầy, con đã theo thầy bấy lâu trên con đường tu đạo, nhưng đến nay vẫn chưa một lần được nhìn thấy Chúa và hiểu được Ngài. Vậy xin thầy chỉ cho con cách để nhìn thấy Chúa?"

Thầy nói với trò: "Hãy nhìn thẳng vào mặt trời ngay giữa trưa! Con có thấy gì không?"

Đồ đệ đáp: "Mặt trời chói sáng quá, con không thể nhìn được!"

Thầy đáp: "Mặt trời phát sinh từ vật chất như bao vật khác, vậy mà con không thể nhìn nó cách rõ ràng. Thế thì đối với Thiên Chúa là Đấng Cực Thánh thì làm sao với mắt phàm con có thể hiểu và thấy rõ Ngài được!"

Bài Tin Mừng hôm nay Chính Chúa Giêsu đã xác nhận rằng "Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn". Đúng là mỗi người chúng ta luôn có khát khao, ước vọng được gặp Chúa một lần trong đời, hoặc thấu hiểu tất cả về Thiên Chúa. Thế nhưng sự thật là con người chúng ta vẫn có những giới hạn, chúng ta chịu sự chi phối của những quy luật vật lý, sinh lý. Vì vậy sự hiểu biết của chúng ta không thể bao trùm toàn bộ vũ trụ, chúng ta không thể hành động với sự tự do tuyệt đối nhưng cần phải đặt ra những giới hạn cho mình. Đi ngược lại với những điều này, tất yếu sẽ dẫn chúng ta tới con đường diệt vong. Nhận ra sự giới hạn của con người chúng ta cũng chính là phương thế để chúng ta hoàn thiện mình trên con đường dẫn tới Thiên Chúa.

Cuộc đời của mỗi người Kitô hữu chúng ta trên hiển nhiên sẽ có những khúc mắc, những băn khoăn về sự hiện diện của Thiên Chúa. Câu trả lời về Ngài trong một thời điểm, một giai đoạn không thể nào làm chúng ta thỏa mãn được. Đó là thân phận tất yếu của sự giới hạn của con người nhân loại chúng ta. Cũng như một đứa trẻ học lớp 5 không thể nào giải được bài toán lớp 9, nhưng không thể nói rằng nó suốt đời không giải được bài toán lớp 9. Đúng hơn khi đến giai đoạn học lớp 9, khi cả thân xác và trí khôn của nó đủ điều kiện thì nó sẽ hiểu được những điều mà trước đây hoàn toàn mù mịt đối với nó. Nếu Chúa có hiện ra cho chúng ta, nói với chúng ta mọi điều về Ngài thì liệu rằng với sự giới hạn của con người, hay chúng ta thiếu những điều kiện cần thiết để hiểu về ngài thì việc đó cũng chẳng có ích lợi gì cho chúng ta cả!

Điều gì đúng vẫn luôn là đúng, hay cái gì thật thì không thể nào là giả được. Thiên Chúa là sự thật và là sự sống, Ngài không thể là giả dối. Chính khi chúng ta hành động trong sự thật, dấn thân cho sự thật thì không có điều gì bảo rằng đó là giả. Thiên Chúa ngự trị trong sự thật, lương tâm là tiếng nói của Ngài cho con người. Chúng ta lắng nghe và làm theo tiếng lương tâm, dấn thân quyết liệt cho những đòi hỏi của giá trị Tin Mừng cũng là cách thức để Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn!

(Suy niệm của Giuse Đinh Thành Đạt SDB)

 

SUY NIỆM 3: Đấng Mặc Khải

Đức Giê-su Ki-tô, khi tiếp xúc với các tông đồ đã biết rõ sự yếu đuối của con người và sự khó hiểu của loài người về mặc khải của Thiên Chúa. Vì thế, ngày hôm nay, Đức Giê-su loan báo cho chúng ta về Tin mừng này là “Thánh Thần sẽ đến dẫn đưa anh em đến sự thật toàn vẹn … Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

Đức Giê-su đã hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ được dẫn tới sự thật toàn vẹn có phải để chúng ta biết được mọi bí mật trong vũ trụ ? Có phải cho chúng ta một kiến thức bách khoa không ? Có phải không có chi vượt ra ngoài sự hiểu biết của chúng ta không ? Tôi không tưởng như vậy. Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta một chiều kích khác, đó là sự thật toàn vẹn về một người. Chân lý của giáo lý Công giáo chỉ cho chúng ta biết, người đó chính là Đức Giê-su, Đấng làm chứng về Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Đức Giê-su còn làm chứng rằng đời sống của chúng ta được mời gọi đến sự sống đời đời sau cái chết. Người lấy chính bản thân mình làm chứng rằng hiến mạng sống mình cho người khác là phương thế biến đổi đời sống diệt vong này ra đời sống trường sinh bất diệt. Theo giáo lý, tin là tin vào một người chân thật, lời chứng của họ mới chân thật. Người ta không tin những nguyên lý, những mầu nhiệm, những chân lý suông. Tin là tin vào một người. Mặc khải của Thiên Chúa chính là mặc khải về một người đã hành động đầy nhân ái đối với con người.

Điều quan trọng là chúng ta gắn bó liên kết nhiều với Đấng của công thức đức tin, chứ không phải công thức tín lý làm cho có đức tin như chúng ta tưởng. Chúng ta không bao giờ tới được Đấng mà các nhà thần học chôn vùi trong hàng ngàn từ ngữ.

Trong Thánh lễ, chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa đã cho chúng ta được tới với Ngài trong đức tin, và hãy cảm tạ Ngài vì đã ban tặng Thần khí của Ngài mặc khải cho chúng ta Đấng lạ lùng này là Đức Giê-su Ki-tô. Người là chân lý, là sự thật. Trong người chúng ta có thể hãnh diện biết bao.

C.G

 

SUY NIỆM 4: CHÌA KHÓA CỦA SỨC MẠNH

Có thể nói hiểu biết là chìa khóa của sức mạnh. Tuy nhiên, không phải hiểu biết nào cũng tạo nên sức mạnh. Một sự hiểu biết chủ quan chỉ đưa con người đến mù lòa: mù lòa trong phán đoán, mù lòa trong hành động; lại có sự hiểu biết giả hiệu được gán cho những danh xưng hào nhoáng, nhưng thực chất trống rỗng chẳng đưa con người tới đâu cả. Ba năm chung sống với Chúa Giê-su, biết bao lần được tiếp cận với lời Ngài giảng, việc Ngài làm, nhưng các môn đệ cũng chẳng hiểu gì nhiều về Ngài. Mỗi lần Ngài loan báo cuộc tử nạn của Ngài là mỗi lần các ông rơi vào lầm lẫn, thất vọng. Chính vì thế, Chúa Giê-su hứa ban Thần Chân lý, để khi Ngài đến, Ngài sẽ đưa các ông vào tất cả sự thật, sẽ hiểu biết trọn vẹn về Chúa Giê-su, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Đón nhận hiểu biết từ Thánh Thần đối với các môn đệ là khám phá lại về Chúa Giê-su, vì Thánh Thần sẽ dạy dỗ những điều đã lãnh nhận từ Ngài. Đây không phải là cái vòng luẩn quẩn hoặc dư thừa, bởi vì cho dù đã sống với Chúa Giê-su ba năm, các ông vẫn chưa hiểu về Ngài.

Biến cố Hiện xuống lật lại trang sử cuộc đời Chúa Giê-su. Nếu trước đây các môn đệ đã sống trong những trang sử ấy và đã chẳng hiểu gì, thì giờ đây nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần, các ông sẽ đọc được ý nghĩa của các dấu chỉ. Phê-rô sẽ không còn khó chịu khi thấy hai bàn tay đã từng làm phép lạ lại sẵn sàng đưa ra cho người ta bắt trói, ông cũng không hổ thẹn đến trốn chạy trước khổ hình Thập giá nữa. Nhờ Thánh Thần, Phê-rô và Phao-lô cũng như các môn đệ khác đã thực sự hiểu biết, một sự hiểu biết đem lại sức mạnh vì đã làm cho các ông được sát nhập vào Đức Ki-tô.

Người Ki-tô hữu chúng ta cũng được mời gọi hướng về Thánh Thần, bởi vì không có Ngài, chúng ta sẽ chẳng khám phá ra Đức Ki-tô. Không có Ngài, cái nhìn của chúng ta chỉ là cái nhìn chủ quan, và sự hiểu biết của chúng ta chỉ là sự hiểu biết hạn hẹp, nông cạn.

Nguyện xin Thần Chân Lý chiếu tỏa trên chúng ta ánh sáng của Ngài.

 

SUY NIỆM 5: Suy niệm của Lm. Trọng Hương

A. Hạt giống...

Tiếp bài giáo lý về Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần là Thầy dạy kitô hữu.  Ngài sẽ dạy kitô hữu biết sự thật, sự thật toàn vẹn

B. ... nẩy mầm.

1. “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con nhưng bây giờ chúng con không chịu nổi. Khi nào Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dẫn chúng con tới sự thật toàn vẹn”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta biết về Chúa Thánh Thần: Sau khi vạch cho chúng ta thấy những sai lầm của mình, Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn chúng ta đến sự thật, sự thật toàn vẹn:

- Xã hội mà chúng ta đang sống là một xã hội nhiều gian dối, ngay cả mỗi người đối với bản thân mình mà cũng thường tự dối gạt mình: mình xấu mà mình nghĩ mình tốt, mình sai mà mình nghĩ mình đúng. Tất cả những sự dối trá đều gây hại, ngược lại, sự thật thì có lợi, như lời Chúa nói “Sự thật sẽ giải thoát chúng con”. Bởi thế mỗi người chúng ta đều cần biết sự thật, nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần: thỉnh thoảng chúng ta nên xét mình thành thật trong ánh sáng Chúa Thánh Thần, xin Ngài cho ta hiểu rõ con người mình như thế nào, còn những gì yếu kém cần sửa đổi.

2. Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật, không phải chỉ là sự thật về bản thân mình như vừa nói trên, mà còn là sự thật toàn vẹn. Sự thật toàn vẹn là gì ? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không có sức chịu nổi”. Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút thì các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu thôi không nói nữa. Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại “Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không ?” Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không dám xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói rõ chính là chén đắng. Một lần khác Chúa Giêsu vừa mở miệng báo tin Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết chết, thì Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là mầu nhiệm đau khổ của Thập giá. Trong đêm thứ năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô lại một lần nữa không chịu nổi nên cự nự “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con”. Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ. Tóm lại sự thật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm tự hạ, phải chịu đau khổ chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng trong tất cả những lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý nghĩ của mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi. Về sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy, và khi đó, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu: một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng Hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân nguy hiểm vì loan báo Tin Mừng, ngài nói “Tôi sung sướng vì được thông phần cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô trong thân xác tôi”. Ngài còn nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”, cái thập giá mà những người trí thức hy lạp coi là điên rồ và những người do thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm.

3. “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”

“Giê-su, ông là ai ?”. Đó là câu hỏi của nhân vật Giuđa Iscariot trong tác phẩm “Giê-su, ông là ai ?” của nhà văn Dominico Donrio. Câu chuyện được mở ra với bầu khí chờ đợi Đấng Mêssia của dân Israel . Khi Đức Giê su đến chịu phép rửa, Gioan đã loan báo về Người; lúc đó, Đức Giê su biến mất. Mọi người đổ xô đi tìm Người. Chính quyền thì lùng bắt để giết đi. Quân cách mạng thì tìm để tôn vinh. Trong khi ấy, Đức Giê su lại âm thầm đến với cộng đoàn Esseniens, nơi Giuđa Iscariot làm thủ lãnh.

Họ hiểu Ngài, đón Ngài, nhưng họ lại không thể chấp nhận Ngài, vì không chịu nổi những gì Ngài nói, cách Ngài sử thế và Giáo lý Ngài truyền dạy.

“Giê-su, Ngài là ai ?” là câu hỏi của các môn đệ và người đương thời.“ Giê-su, Ngài là ai?” cũng là câu hỏi cho tôi khi đối chất với lời Ngài, nhất là khi giáo lý của Ngài đòi tôi phải lội ngược dòng.

Lạy Chúa, chỉ trong Chúa Thánh Thần, các muôn đệ mới hiểu và tin vào lời Ngài, một hiểu biết mang lại sức mạnh cho các ông đón nhận mầu nhiệm tử nạn và Phục Sinh của Ngài. Và con cũng thế, sẽ chẳng hiểu được lời Ngài dạy trong cuộc sống, nếu không có thần khí của Ngài hướng dẫn Nguyện xin Thánh Thần Chúa toả trên chúng con. (Epphata)

 

 

SUY NIỆM: 

1. Thánh Thần sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn (c. 12-13a)

Đức Giê-su nói với các môn đệ : « Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi ». Chúng ta có thể tự hỏi, đó là những điều gì, lớn lao và nặng nề đến độ các môn đệ không thể « chịu nổi », hay dịch sát nghĩa tiếng Hi-lạp, không thể « mang lấy » ?

Đức Giê-su nói lời này trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly, nên đó chỉ có thể là mầu nhiệm Vượt Qua mà Người sắp hoàn thành mà thôi. Thế mà, lịch sử cứu độ hướng về mầu nhiệm Vượt Qua, như trong mầu nhiệm hiển dung, hình ảnh ông Mô-se và ông Ê-li-cùng đàm đạo với Đức Giê-su và nội dung cuộc đàm đạo, nói cho chúng ta biết : « Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem » (Lc 9, 30-31). Và mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất lịch sử cứu độ, như chính Đức Ki-tô phục sinh nói với các môn đệ : « Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm » (Lc 24, 44).

Mầu nhiệm Vượt Qua có tầm mức lịch sử cứu độ, và ngang qua lịch sử cứu độ, có tầm mức lịch sử phổ quát, trong đó có lịch sử của từng môn đệ và của từng người chúng ta. Một mầu nhiệm như thế, làm sao các môn để có thể « chịu nổi » ? Chịu nổi ở đây là « mang lấy », là hiểu và sống với lòng tín thác, như chính Đức Giê-su sẽ « mang lấy » trong cuộc Thương Khó. Chỉ có Chúa Thánh Thần sự thật mới có thể dẫn các môn đệ tới « sự thật toàn vẹn » mà thôi ; « Sự thật toàn vẹn » về Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, « hoàn tất mọi sự » (Ga 19, 28) nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Người.

2. Đức Ki-tô được tôn vinh (c. 13b-14)

Đức Giê-su nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” Và sự thật toàn vẹn là chính ngôi vị của Người trong tương quan với lịch sử cứu độ. Chính vì thế,

  • Thánh Thần không tự mình nói điều gì.
  • Người nghe và người nói lại, người loan báo cho các môn đệ.
  • Và Người nghe từ chính Đức Ki-tô chết và phục sinh.

Như thế, sứ mạng của Thánh Thần là “tôn vinh Đức Ki-tô”, bằng cách dẫn chúng ta đến với Đức Ki-tô, khơi dậy nơi chúng ta lòng tin nơi Đức Ki-tô, soi sáng trí khôn của chúng ta để giúp chúng ta hiểu sâu xa Đức Ki-tô và đốt cháy tình yêu của chúng ta dành cho Đức Ki-tô. Vậy, mỗi khi chúng ta tin, hiểu và yêu Đức Ki-tô, chúng ta sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta chịu ơn Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần tôn vinh Đức Ki-tô như thế đó, hoàn toàn xóa mình đi để hướng loài người và từng người chúng ta về với Đức Ki-tô, như Đức Giê-su đã nói:

Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.

(Ga 15, 26)

Chúng ta được mời gọi tôn vinh Đức Ki-tô theo cách của Chúa Thánh Thần, trong đời sống và sứ vụ của chúng ta.

3. Chúa Cha nguồn của mọi sự và thông truyền mọi sự (c. 15)

Chúa Thánh Thần lấy những gì là của Đức Ki-tô, và Người không tự mình nói điều gì. Nhưng, mọi sự của Đức Ki-tô lại có nguồn gốc nơi Thiên Chúa Chúa : « Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy », bởi vì mọi sự của Cha là của Con và mọi sự của Con là của Cha.

Như thế, những gì Chúa Thánh Thần thông truyền cho chúng ta có nguồn từ chính Thiên Chúa Cha, và đến từ sự hiệp thông trọn vẹn của chính Ba Ngôi Thiên Chúa.

* * *

Chúng ta được mời gọi mở lòng ra để đón nhận sự hiện diện và sự thôi thúc của Thánh Thần, để Người làm cho chúng ta nên một, như Thiên Chúa Ba Ngôi Thiên Chúa là một, bằng cách chia sẻ cho chúng ta tình yêu và sự sống của chính Ba Ngôi Thiên Chúa ngay hôm nay và luôn mãi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Wednesday (May 24): The Holy Spirit will guide you into all the truth

Scripture: John 16:12-15

12 “I have yet many things to say to you, but you cannot bear them now.13 When the Spirit of truth comes, he will guide you into all the truth; for he will not speak on his own authority, but whatever he hears he will speak, and he will declare to you the things that are to come. 14 He will glorify me, for he will take what is mine and declare it to you. 15 All that the Father has is mine; therefore I said that he will take what is mine and declare it to you.

Thứ Tư  24-5        Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn anh em đến mọi sự thật

 

Ga 16,12-15

12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

Meditation: Are you hungry for truth? Jesus proclaimed that he is the Truth, the Way, and the Life (John 14:6). Truth is not something we create nor is it our discovery. It is the gift of God who is the possessor and giver of all truth. Jesus tells his disciples that it is the role of the Holy Spirit to reveal what is true, right, and good. How can this be? Many skeptics of truth don’t want to believe in an absolute, objective, and unchanging Truth. If truth is objective then it must be asserted to as trustworthy and right and be submitted to as authoritative and binding. Some fear the truth because they think it will inhibit their freedom to act, think, and judge as they wish. Jesus told his disciples that the truth will set you free (John 8:32). The truth liberates us from whatever is false, misleading, doubtful, or deceptive. In God there is no lie or falsehood since he is is utterly true, righteousness, just, and good. Since he is the author and source of all that is true, then the closer we draw near to him in order to listen to his word and understand his mind and will for us, the more we will grow in the knowledge of God and of his great love, wisdom, and provision for us.

 

 

 

The Spirit of truth

Jesus told his disciples that he would send them the Spirit of truth who will guide you into all the truth ..and declare to you the things that are to come (John 16:13). Jesus knew that his disciples could not fully understand on their own everything he had taught and revealed to them while he was physically present with them. He knew that they would need the ongoing guidance and help of the Holy Spirit after he returned to his Father in heaven. That is why he assured them that the Holy Spirit would take what he had spoken to them and guide them in a stronger and fuller understanding of how to live according his word in their daily lives.

 

Augustine of Hippo (354-430 AD) explains the progressive work of the Spirit in guiding the disciples of Jesus in all the truth:

“Accordingly, when he says, ‘He will teach you all truth’ or ‘will guide you into all truth,’ I do not think the fulfillment is possible in anyone’s mind in this present life. For who is there, while living in this corruptible and soul-oppressing body  (Wisdom 9:15), that can know all truth when even the apostle says, ‘We know in part’? But it is effected by the Holy Spirit, of whom we have now received the promise (2 Corinthians 1:21), that we shall attain also to the actual fullness of knowledge that the same apostle references when he says, ‘But then face to face’ and ‘Now I know in part, but then shall I know even as also I am known’ (1Corinthians 13:12). He is not talking about something he knows fully in this life but about something that would still be in the future when he would attain that perfection. This is what the Lord promised us through the love of the Spirit, when he said, ‘He will teach you all truth’ or ‘will guide you unto all truth. ” (TRACTATES ON THE GOSPEL OF JOHN 96.4)

On the day of Pentecost after the Holy Spirit was poured out upon the first disciples of Jesus, the apostles boldly began to carry out the mission Jesus had entrusted to them – to proclaim the truth of the Gospel and to make disciples [followers of Jesus]of all nations, baptizing them in the name of the Father and of the Son and of the Holy Spirit, teaching them to observe all that I have commanded you, and behold, I am with you always, to the close of the age (Matthew 28:19-20).

Today, through the guidance of the Holy Spirit, we, too, proclaim the same ancient faith which the apostles taught – that Jesus died, and was buried, and rose again on the third day, and will come again to judge, raise the dead, and give everlasting life (from the Apostles Creed). We not only share the same faith which was given to the apostles, we also have the same Holy Spirit who raised Jesus from the dead. The Lord Jesus gives each of us his Holy Spirit as our divine Teacher and Helper that we may grow in the knowledge, wisdom, and strength of God. Do you  listen attentively to God’s word and allow his Holy Spirit to give you understanding of God’s truth and will for your life?

 “Lord Jesus, fill me with your Holy Spirit and guide me in your way of life, truth, and goodness. Free me from ignorance of your truth, and from deception and moral blindness caused by sinful pride and rebellion. May I love you with all of my mind, strength, and will and seek to please you in all things.”

Suy niệm: Bạn có đói khát sự thật không? Đức Giêsu tuyên bố rằng Người là Sự Thật, là Đường, và là Sự Sống (Ga 14,6). Tuy nhiên, sự thật không phải là điều gì đó chúng ta tạo ra cũng không là điều chúng ta khám phá ra. Đó là hồng ân của Thiên Chúa, Đấng sở hữu và ban phát tất cả mọi sự thật. Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng vai trò của Chúa Thánh Thần là để mặc khải những gì là thật, ngay chính, và tốt lành. Làm thế nào điều này có thể xảy ra? Nhiều người theo chủ nghĩa hoài nghi không muốn tin vào Sự thật tuyệt đối. Nếu sự thật là mục đích thì nó phải được xác quyết là điều đáng tin cậy và đúng đắn và phải được suy phục theo thẩm quyền và sự ràng buộc của nó. Vài người sợ sự thật bởi vì họ nghĩ nó sẽ ngăn cấm sự tự do hành động, suy nghĩ, và phán đoán theo ý của mình. Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng sự thật sẽ giải thoát anh em (Ga 8,32). Sự thật giải thoát chúng ta khỏi những gì là sai lạc, lầm lạc, nghi ngờ, và lừa dối. Nơi Thiên Chúa không có dối trá hay sai lạc bởi vì Người là sự thật, công chính, ngay thẳng, và tốt lành tuyệt đối. Vì Người là tác giả và là nguồn mạch của tất cả sự thật, nên chúng ta càng đến gần Người để lắng nghe Lời Người, và hiểu được ý định của Người dành cho chúng ta bao nhiêu, thì chúng ta càng lớn lên trong sự hiểu biết về Thiên Chúa và tình yêu cao cả và sự khôn ngoan, và quan phòng của Người dành cho chúng ta bấy nhiêu.

 

Thần Khí sự thật

Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng Người sẽ gởi Thần Khí sự thật tới, Đấng sẽ dẫn dắt anh em vào trong tất cả sự thật… và nói cho anh em biết những điều sẽ đến (Ga 16,13). Đức Giêsu biết rằng các môn đệ với khả năng của họ không thể nào hiểu được mọi chuyện mà Người đã dạy dỗ và mặc khải cho họ trong khi Người còn đang hiện diện với họ cách thể lý. Người biết rằng họ phải tiếp tục cần đến sự hướng dẫn và trợ giúp của Chúa Thánh Thần sau khi Người trở về với Cha trên trời. Đó là lý do tại sao Người bảo đảm với họ rằng Chúa Thánh Thần sẽ lấy những gì Người đã nói với họ và hướng dẫn họ trong sự hiểu biết sâu xa và trọn vẹn hơn cách thức để sống theo lời của Người trong cuộc sống thường ngày của họ.

Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) giải thích công việc không ngừng của Thần Khí trong việc hướng dẫn các môn đệ Đức Giêsu vào các sự thật như sau:

“Do đó khi Đức Giêsu nói ‘Ngài sẽ dạy anh em mọi sự thật’ hay ‘sẽ hướng dẫn anh em vào sự thật trọn vẹn’, tôi không nghĩ sự trọn vẹn này là khả thi nơi tâm trí mọi người trong cuộc sống hiện tại này. Bởi vì những người ở đây, đang sống trong thân xác dễ hư nát này và khiến linh hồn ra nặng nề (Kn 9,15),  có thể biết mọi chân lý khi thậm chí thánh Phaolô nói ‘Chúng ta biết phần nào? Nhưng nó được Chúa Thánh Thần tác động, nhờ Người mà chúng ta giờ đây đón nhận lời hứa (2Cr 1,21), rằng chúng ta sẽ đạt tới sự hiểu biết trọn vẹn thật sự như thánh Phaolô khi ngài nói ‘Nhưng khi được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi’ (1Cr 13,12). Ngài không nói rằng ngài biết hết trong đời này nhưng sẽ được biết trong tương lai, khi ngài đạt tới sự trọn lành đó. Đây là những gì Chúa hứa với chúng ta qua tình yêu của Thần Khí, khi Người nói ‘Người sẽ dạy anh em mọi sự thật’ hay ‘sẽ hướng dẫn anh em vào sự thật toàn vẹn” (Khảo luận về Tin mừng Gioan 96.4).

 

 

Vào ngày lễ Ngũ Tuần sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, các tông đồ bắt đầu mạnh dạn thực hiện sứ mạng mà Đức Giêsu đã trao phó cho họ – công bố chân lý của Tin mừng và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,19-20).

Ngày nay, qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng tuyên xưng cùng niềm tin mà các Tông đồ xưa đã tuyên dạy – rằng ĐứcGiêsu đã chết, đã mai táng, và sống lại vào ngày thứ ba, và sẽ đến để phán xét, cho kẻ chết sống lại, và ban sự sống đời đời (Kinh Tin Kính các Tông đồ). Chúng ta không chỉ có cùng niềm tin đã được ban cho các Tông đồ và các tín hữu tiên khởi, mà chúng ta còn có cùng Thần Khí trong mình, Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết. Đức Giêsu ban cho mỗi người chúng ta Thánh Thần của Người với tư cách là Thầy dạy và Đấng trợ giúp thần linh của chúng ta, để chúng ta có thể lớn lên trong sự hiểu biết và khôn ngoan của Thiên Chúa. Bạn có chú ý lắng nghe lời Chúa và để cho Chúa Thánh Thần ban cho bạn sự hiểu biết chân lý và ý của Thiên Chúa dành cho đời bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, xin đỗ xuống trên con Thánh Thần của Chúa và xin hướng dẫn con trong đường lối sự sống và sự thật của Chúa. Xin giải thoát con khỏi sự tối tăm những đường lối của Chúa, và thoát khỏi sự lừa dối gây ra bởi tính kiêu ngạo tội lỗi và chống đối. Chớ gì con yêu mến Chúa trọn vẹn với tất cả sức lực, tâm trí con, và tìm kiếm làm vui lòng Chúa trong mọi sự.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận