Thứ Ba tuần 6 Phục Sinh.

Đăng lúc: Thứ ba - 23/05/2017 01:40 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Ba tuần 6 Phục Sinh.

"Nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con".

 

Lời Chúa: Ga 16, 5b-11

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con.

Khi Người đến, Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử".

 

 

SUY NIỆM 1: Thầy đi sẽ ích lợi cho các con

Trong sách Tông Ðồ Công Vụ có kể lại rằng: Trong dịp lễ Ngũ Tuần, khi người Do Thái từ khắp nơi tuốn về Giêrusalem để mừng lễ, các môn đệ quá sợ hãi nên đã đóng kín cửa lại. Bỗng từ trời có tiếng ào ào như thể cuồng phong thổi đến lùa vào nhà. Hết thảy họ đều được đầy Thánh Thần, không còn sợ hãi và nói được nhiều thứ tiếng khác nhau, tùy theo Thần Khí ban cho họ. Phêrô đã mạnh dạn cất tiếng rao giảng về Ðức Kitô thành Nazareth, Người vừa bị hội đường Do Thái kế án và chết treo trên Thập Giá. Và sự việc vừa xảy ra trong lễ Vượt Qua và trong số người nghe lúc ấy cũng có lắm kẻ lớn tiếng kết án người. Vậy mà sau khi Phêrô giảng, khoảng 3,000 người thành tâm thống hối về việc làm của mình. Họ xin Phêrô và các tông đồ chỉ dạy cho biết phải làm gì để đền bù những lỗi lầm ấy.

Anh chị em thân mến!

Lời giảng của Phêrô và các tông đồ thu được kết quả như vậy là nhờ Chúa Thánh Thần, Ðấng đã tác động trên người giảng lẫn người nghe. Ðây là một công việc đã được Chúa Giêsu tiên báo trước khi Ngài từ giã các môn đệ như tường thuật của thánh sử Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay.

"Khi Ðấng phù trợ đến, Ngài sẽ tố cáo thế gian về tội ác, về sự công chính và về án phạt".

Lời tiên báo của Chúa Giêsu đã thực hiện nơi người Do Thái. Trong dịp lễ Ngũ Tuần, việc làm của họ một lần nữa được tông đồ nhắc lại, và nhờ vào Thánh Thần họ đã hiểu thế nào là tội, là sự công chính và án phạt. Việc làm ngày hôm trước lễ Vượt Qua họ tưởng là việc phụng sự Thiên Chúa, kỳ thực họ đã lầm. Họ đã giết chết Ðấng Thánh của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa sai đến để cứu dân.

Về phần Chúa Giêsu, Ngài bị giết chết, nhưng Ngài không chết. Ngài đã sống lại và hiện đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Khi bị treo trên Thập Giá, lúc con người của Chúa Giêsu đi đến tột cùng cũng là lúc con người nhận ra sự công chính ở nơi Ngài. Viên bách quan đã tuyên xưng: "Ông này thật là Con Thiên Chúa", trông xem cảnh tượng đấm ngực về cái chết của Chúa Giêsu là khởi đầu cho việc công chính hóa. Ðồng thời tội lỗi và quyền lực sự dữ bị kết án.

Sự Phục Sinh của Ngài là chiến thắng quyền lực của thần chết để có ai bước theo Ngài không còn lo buồn thất vọng, nhưng phấn khởi vui mừng vì một ngày kia cũng sẽ được thông phần vinh quang với Ngài. Tất cả biến cố Tử nạn và Phục Sinh này dù đã được Chúa Giêsu giảng giải, các tông đồ vẫn chìm trong tăm tối. Chỉ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống ban sức mạnh cho họ thì họ mới vững mạnh tuyên xưng lòng tin và đám đông dân chúng nghe theo họ cũng được Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy họ hành động. Các tông đồ mạnh dạn rao giảng về Ðức Kitô, đám đông âu lo tìm kiếm xem họ phải làm gì và họ thực hành đúng điều Thiên Chúa muốn.

Anh chị em thân mến!

Kitô hữu ngày nay cũng đã được lãnh nhận Ðấng Phù Trợ, Ngài đã cho họ biết về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần là hiểu biết mà thôi thì chưa đủ, mà hiểu biết phải dẫn đến hành động và chính hành động sẽ dẫn họ đến miền đất của sự công chính hay án phạt. Ba ngàn người Do Thái đã trở lại vào dịp lễ Ngũ Tuần chẳng phải là những người vô tội, trong nhóm họ lắm kẻ trước đây đã lên tiếng kết án Chúa Giêsu, nhưng không vì thế mà bây giờ họ không còn lối thoát, phải nhận chịu án phạt. Thánh Thần đã mở lối cho họ hiểu biết thì Ngài cũng vạch đường cho họ bước theo.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi sáng cho chúng con biết đâu là tội lỗi, đâu là sự công chính và đâu là án phạt. Như người Do Thái, không ít lần con đã nhiệt tâm hành động vì cứ tưởng như thế là tôn vinh Thiên Chúa. Chỉ khi được đối diện với Thánh Thần Chân Lý con mới hiểu được rằng, tất cả đều sai lầm và một khi đã lãnh nhận ra sự sai lầm, xin Ngài giúp chúng con mau mắn tìm về nẻo chính đường ngay. Amen.

(Trích “Suy Niệm Hằng Ngày” – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 2: Suy niệm của Giuse Vũ Viết Hướng SDB

Chỉ còn ít ngày nữa thôi, Chúa Giê-su đã chính thức rời bỏ các Tông đồ mà trở về bên cạnh Chúa Cha. Vì thế, hôm nay Người đã hứa ban Đấng Bảo Trợ đến với các môn đệ. Người không để các ông buồn phiền, day dứt. Người không để các ông mồ côi, nhưng Người ra đi để Chúa Thánh Thần đến và ở lại với các ông luôn mãi. 

Sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần sẽ minh chứng thế gian sai lầm ở ba điểm. Thứ nhất, họ đã sai lầm về tội lỗi, tức là họ đã cứng lòng không tin vào Người Con Chí Ái mà Thiên Chúa đã gửi xuống trần gian để cứu chuộc họ; họ đã chống đối và đặc biệt là giết chết Người. Thứ đến, họ đã sai lầm về sự công chính, tức là họ đã không thừa nhận Thầy đến từ Chúa Cha, Thầy và Chúa Cha là một. Sau cùng là họ đã sai lầm về việc xét xử, Thánh Thần sẽ chỉ cho họ thấy vị Thủ lãnh của thế gian này là Sa-tan đã bị xét xử rồi. Sa-tan đã bị Thiên Chúa xét xử vì không vâng nghe lời Thiên Chúa, chống đối lại quyền năng của Ngài. Qủa thật, trong bối cảnh hiện tại, sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần là điều rất cần thiết để vực dậy tinh thần các Tông đồ. Chính Ngài sẽ đến và chỉ cho thế gian thấy rõ những sai lầm của họ.

Bởi vì, thế gian đã có những sai lầm nghiêm trọng như thế, nên chúng ta hãy làm cho thế giới này nhận ra sai lầm của họ bằng chính đời sống chứng tá đức tin của chúng ta. Vẫn còn đó quá nhiều người không tin vào Đức Giê-su Ki-tô, vẫn còn đó quá nhiều người không tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, còn quá nhiều người sai lầm trong việc xét xử, chúng ta hãy vực dậy đức tin của họ, giúp họ canh tân đời sống và sống đúng với trách nhiệm lương tâm luân lý của mình để không bị Thiên Chúa kết án. Chúng ta, hãy tin tưởng vào sự che chở của Chúa Thánh Thần, Ngài đang đồng hành cùng chúng ta trên cuộc sống dương thế này. Có Ngài, chúng ta sẽ thật sự cảm thấy bình an và vững tin vào tình yêu của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài đang hiện diện từng giây phút trong đời sống con. Thế mà, lắm lúc con đã quên mất sự hiện diện của Ngài, con rất ít khi thưa chuyện với Ngài. Tuy nhiên con biết, Chúa vẫn rất yêu thương con, Ngài không rời bỏ con ngay cả lúc con lãng quên Ngài. Con thật lòng xin lỗi Chúa. Xin Chúa tiếp tục ban sức mạnh Thánh Thần của Chúa cho con, để con có đủ nghị lực bước tiếp trên dòng đời mà không hề vấp phải những lỗi phạm trên đường nhân đức. Xin Chúa sửa dạy những lỗi phạm của thế gian, đừng xét xử họ nhưng soi sáng cho họ, để họ nhận ra lầm lỗi của mình mà trở về với Chúa. Amen!

 

SUY NIỆM 3: Công việc của Thánh Thần

Công việc của Thánh Thần, được Đức Ki-tô sai đến, khá khó hiểu: “Ngài đến chứng minh rằng thế gian sai lầm vềtội lỗi,về sự công chính và việc xét xử”. Có nghĩa là Ngài chiến thắng gian tà, giả dối, còn làm cho nó phải chấp nhận và không thể  chối cãi. Thánh Thần là Đấng tố cáo kẻ mà sức chúng ta không thể tố cáo nó, và nó cũng không thể tự biện hộ trước Thánh Thần.

Chứng minh rằng kẻ đó có tội vì xét xử nghĩa bất chính là gì ? Nghĩa là Thánh Thần sẽ tỏ cho biết ý nghĩa về tội, về sự công chính, về sự xét xử, lột mặt nạ những tri giác sai lầm của thế gian về ba điều đó.

Thánh Thần cho chúng ta thấy ý nghĩa của tội lỗi. Tội là từ chối tin, từ chối không nhận lời chứng của Đức Ki-tô, không liên kết với Người. Đời sống chúng ta không có gì đáng trách xét theo luật Chúa và luật tự nhiên, nhưng chúng ta còn có tội nếu chúng ta không đón nhận lời chứng của Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô đã cho thấy điều đó khi nói: “Nếu Đức Ki-tô không sống lại, thì anh em còn sống trong tội lỗi”, “Luật không ích gì, chỉ có đức tin mới được cứu độ”.

 Thánh Thần cho chúng ta hiểu về sự công chính, sự công chính không chỉ có nghĩa là công bằng, nhưng ở đây có nghĩa là sự thánh thiện. Đức Giê-su là Đấng công chính vì Người chia sẻ và ban phát sự thánh thiện của Chúa Cha, làm cho ta được tới gần Ngài, trở về với Ngài. Công chính của loài người không đủ để được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa, phải là thánh mới được.

Sau cùng, Thánh Thần cho chúng ta thấy ý nghĩa việc xét xử. Việc xét xử đã được loan báo, không phải ở tương lai, mà ngay hiện tại này, tùy theo sự từ chối của chúng ta. Tự chúng ta thấy chính mình tùy theo hành động và công việc của mình, thuộc về ánh sáng hay tối tăm. Ý nghĩa việc xét xử không phải là sự tuyên án tương lai và một lần đâu, nhưng là suốt cuộc đời và mọi lúc.

Công việc của Thánh Thần là tỏ cho chúng ta biết ý nghĩa thật của tội lỗi. Tội là từ chối đức tin, sự công chính mới là sự thánh thiện, việc xét xử mới là xét xử tại hiện trường, tùy theo sự trung thành hay bất trung hàng ngày.

C.G

 

SUY NIỆM 4: Nơi hò hẹn với Chúa

Thời trung cổ, có hai tu sĩ tình cờ đọc thấy trong một cuốn sách cổ rằng ở tận cùng trái đất sẽ có một nơi mà trời đất gặp nhau. Họ quyết định ra đi tìm cho bằng được điểm gặp nhau ấy và thề quyết sẽ không trở về nhà nếu không tìm ra nơi ấy. Họ vượt thác băng rừng, không quản ngại hy sinh, vì họ đã đọc được trong quyển sách cổ rằng tại điểm giao nhau giữa trời và đất, một cánh cửa sẽ mở ra và họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tỏ tường. Cuối cùng thì họ cũng đứng trước điểm giao nhau ấy. Với tất cả xúc động, họ đưa tay gõ vào cánh cửa hẹn hò, cánh cửa mở ra và họ bỡ ngỡ nhận ra đó chính là căn phòng của họ. Họ chợt hiểu rằng nơi gặp gỡ giữa trời và đất, nơi hẹn hò giữa Thiên Chúa và con người không gì khác hơn là chính cuộc sống hằng ngày của họ.

Trong Tin mừng hôm nay, qua những lời của Chúa Giê-su, có lẽ chúng ta cũng đọc được chân lý ấy: cuộc sống hằng ngày chính là nơi hẹn hò và gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và con người. Trong giờ phút ly biệt, khi Chúa Giê-su loan báo về cuộc ra đi của Ngài, các môn đệ xao xuyến bồn chồn; niềm tin của các ông còn gắn chặt vào sự hiện diện hữu hình và khả giác của Chúa Giê-su, nhưng Ngài khẳng định với các ông: “Ta đi thì ích lợi hơn cho anh em”. Thật thế, Chúa Giê-su không ra đi vĩnh viễn, cái chết và phục sinh mang lại cho Ngài một cách thế hiện diện mới, một sự hiện diện không còn gắn chặt với không gian và thời gian nhất định nữa. Một sự hiện diện như thế không những có ích cho các môn đệ, vì niềm tin của các ông sẽ được thanh luyện và trưởng thành hơn, mà còn đạt tới mọi người trong mọi tình huống cuộc sống. Nhờ Thánh Thần của Ngài, từ nay con người gặp gỡ Chúa Giê-su ngay trong mọi sinh hoạt và biến cố cuộc sống và cả nơi tha nhân nữa.

“Ta ra đi thì có lợi hơn cho anh em”. Quả thật, cái chết và phục sinh của Chúa Giê-su đã mang lại cho thế giới này một chiều kích mới: thế giới này đã trở thành nơi hẹn hò giữa Thiên Chúa và con người, chính trong cuộc sống này mà con người gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng sự hiện diện mới mẻ của Chúa Giê-su cũng là một thách đố cho môn đệ Ngài: họ không những tìm gặp Chúa Giê-su trong cuộc sống của họ, mà còn phải biến cả cuộc sống của họ thành một tín hiệu cho sự hiện diện của Ngài. Như dân Do thái tiến bước theo cột lửa giữa sa mạc và cư xử như thấy Đấng vô hình, thì người Ki-tô hữu cũng phải sống như thế nào để trở thành một mời gọi về sự hiện diện của Đấng Phục sinh

Đáp lại sự sinh động của Chúa Thánh Thần, người Ki-tô hữu cũng biến đổi cuộc sống thành một nối dài của chính sự xét xử đối với thế gian mà Chúa Giê-su đã thể hiện qua cái chết của Ngài. Quả thật, cái chết của Chúa Giê-su là một lời kết án đối với tội ác của thế gian. Ngày nay, qua những cử chỉ quảng đại phục vụ, yêu thương, tha thứ, cuộc sống của người Ki-tô hữu cũng là một nối tiếp việc xét xử của chính Chúa Giê-su đối với sức mạnh của sự dữ là ích kỷ, hận thù.

Nguyện xin Thánh Thần của Chúa Giê-su thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta, để chúng ta luôn cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống và biến cuộc sống này thành một tín hiệu của sự hiện diện ấy cho mọi người chung quanh.

 

SUY NIỆM 5: Suy niệm của Lm. Trọng Hương

A. Hạt giống...

Tiếp bài giáo lý về Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần là Đấng tố cáo thế gian

Vì là Thần Chân lý, Chúa Thánh Thần sẽ tố cáo thề gian về tất cả những sự sai lầm của nó:

- “Về tội lỗi”: Thế gian tội lỗi vì đã không tin vào Chúa Giêsu.

- “Về sự công chính”: người do thái coi Chúa Giêsu là kẻ lộng ngôn phạm thượng, Chúa Thánh Thần sẽ chứng minh Chúa Giêsu là Đấng Công chính của Thiên Chúa.

- “Về án phạt”: Thượng Hội đồng do thái đã xử án chết cho Chúa Giêsu và nhiều người do thái cho rằng án xử ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Chúa Thánh Thần sẽ chứng minh án xử đó là bất công.

B. ... nẩy mầm.

1. - Trong bài Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu nói Chúa Thánh Thần là Perakletos của các tông đồ và của chúng ta. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết tiếp một vai trò nữa của Chúa Thánh Thần: Ngài là “kẻ chứng minh thế gian sai lầm”, nghĩa là vạch cho con người thấy những sai lầm của mình.

Chúa Thánh Thần sẽ vạch cho thấy 3 thứ sai lầm:

-         Sai lầm thứ nhất là “về tội lỗi”: đối với người do thái xưa, đó là tội đã không tin Chúa Giêsu; còn đối với chúng ta ngày nay, chúng ta đã tin Chúa nhưng nhiều khi chúng ta không sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Mỗi người đều có tội, có nhiều tội. Nhưng lắm khi tự mình không thấy tội mình, do đó cần phải có người vạch cho ta thấy, người đó là Chúa Thánh Thần.

- Sai lầm thứ 2 là “về sự công chính”: đối với người do thái, ho đã không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng công chính nên đã giết Ngài. Đối với chúng ta ngày nay, đây là thứ sai lầm khi nhận định về Chúa. Rất nhiều khi chúng ta nhận định sai về Chúa: bóp méo hình ảnh Thiên Chúa theo sở thích chủ quan của mình. Td kẻ cố chấp miệt mài trong tội thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng; kẻ khắt khe hay lên án người khác thì bám vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng xét xử công minh nhất định sẽ trừng phạt người tội lỗi; kẻ đang dan díu trong tình yêu ngang trái thì cái phao của họ là “Thiên Chúa là tình yêu” để tự an ủi: Yêu nhau thì có tội gì đâu v.v.

- Sai lầm thứ 3 là “về việc xét xử”: ngày xưa Thượng Hội đồng do thái đã xử án chết cho Chúa Giêsu và nhiều người do thái cho rằng án xử ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Đây là thứ sai lầm do dựa vào dư luận. Chúng ta ngày nay nhiều khi cũng dựa vào dư luận để có thành kiến không đúng về người khác.

2. Một nguyên tắc triết lý rất cơ bản là “Errare humanum est”, nghĩa là đã là người thì thế nào cũng có sai lầm. Cho nên nhận ra những sai lầm của mình là một điều cần thiết và rất hữu ích để còn có thể sửa sai, để ngày càng hoàn thiện chính mình. Từ đó lời khuyên thứ nhất của đoạn Tin Mừng này là mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn ý thức mình không phải là hoàn hảo, mình còn nhiều sai lầm, mình cần tự nhận ra những sai lầm ấy.

Trong bài hát về Chúa Thánh Thần, có câu: “Thánh Thần khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài... Ngài ơi xin Ngài hãy đến chiếu sáng tối tăm u mê sai lầm Ngài ơi xin Ngài mau đến hiển linh Ngài ơi”. Lời khuyên thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay là chúng ta phải nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng thì mới thấy rõ và đúng những sai lầm của mình.

3. Chú bé bị mù tử bẩm sinh. Nhờ cuộc giải phẫu, mắt chú dần dần sáng ra. Ngày nọ, mẹ chú dẫn chú ra đường và mở màn che, chú say sưa ngắm nhìn trời đất. Chú kêu lên: “Mẹ ơi, sao bao lâu nay mẹ không nói cho con hay đất trời đẹp thế  !”Bà mẹ bật khóc nói: “Con ạ, mẹ đã cố gắng nói cho con hay đấy chứ, nhưng lúc đó con làm sao hiểu được !"

Nếu Thánh Linh không gỡ màn che, mở con mắt tâm linh cho ta, thì ta cũng chẳng thấy sự hiện diện của Chúa. (Góp nhặt)

 

SUY NIỆM: 

1. Lòng anh em tràn ngập ưu phiền (c. 5-6)

Sự ra đi của Đức Giê-su làm cho lòng của các môn đệ tràn ngập ưu phiền, nghĩa là thiếu vắng niềm vui và bình an, như chúng ta đã nghe trong các bài Tin Mừng của những ngày vừa qua. Chắc chắc, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm ưu phiền này, khi chứng kiến sự ra đi của người thân yêu. Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta được mời gọi vượt qua tương quan bằng sự hiện diện thể lý, để đi vào tương quan ngay trong sự vắng mặt. Bởi lẽ, sự vắng mặt là điều không thể tránh, và tương quan trong sự vắng mặt mới là tương quan đích thực ; vì, người kia không còn ở bên ngoài, nhưng hiện diện ngay trong lòng và trong cuộc sống của mình. Hơn nữa, trong viễn tượng Nước Trời, chúng ta được mời gọi hướng về niềm hi vọng được xum họp mãi mãi bên nhau trong Thiên Chúa Ba Ngôi, nguồn sự sống và tình yêu.

Trong trình thuật Hai Môn Đệ Emmau, Thánh Sử Luca kể rằng : « Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24, 31). Ngài biến mất về phương diện thể lý, nhưng Thánh Thần của Người sẽ làm cho các môn đệ sống sự hiện diện vô hình, nhưng rất sống động của Người trong mọi sự.

2. Đấng Bảo Trợ (c. 7)

Chính vì thế, trước sự ra đi của Đức Giê-su, các môn đệ được mời gọi hãy vui lên, như ĐGS đã nói trong bài Tin Mừng của ngày thứ ba tuần trước : « Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy (Ga 14, 28). Chúa Cha là Cội Nguồn của sự sống và tình yêu, của chính Đức Giê-su, của loài người và của mỗi người chúng ta; vì thế, trở về với Thiên Chúa Cha phải là niềm vui.

Ngoài ra, trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su còn đưa ra một lí do khác nữa, để mời gọi của môn đệ hãy vui lên:

Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.

Như thế, sự ra đi của Đức Giê-su chứa đựng một điều bí ẩn; và điều bí ẩn này là một sự hiện diện, một sự hiện diện viên mãn. Bởi lẽ, Thánh Thần, được Chúa Con gởi tới từ cung lòng của Chúa Cha, sẽ đến cư ngụ trong lòng của từng người môn đệ để thông truyền phẩm giá Người Con duy nhất của Thiên Chúa. Vậy, các môn đệ cần phải làm gì, nếu không phải là dành chỗ cho Thánh Thần đến cư ngụ trong lòng của mình, với niềm vui?

3. Tội lỗi, công chính và xét xử (c. 8-11)

Ngoài ra, Thánh Thần còn được gọi là “Đấng Bảo Trợ” (Paraclet), bảo trợ các môn đệ chống lại sự tấn công của Sự Dữ, của Satan, của “Thủ Lãnh Thế Gian”. Một trong những cách tấn công rất nguy hiểm của Satan là làm cho chúng ta nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, để giam hãm chúng ta trong tù ngục mặc cảm, sợ hãi, kêu trách, ham muốn, ghen tị. Vì thế, Thánh Thần sẽ bảo trợ các môn đệ bằng cách chứng minh Satan sai lầm, đối với Đức Giê-su, và ngang qua Người, đối với tất cả những ai thuộc về Người:

  • Sai lầm về tội lỗi: tội trong yếu tính, không phải là lỗi luật, nhưng là không tin nơi Đức Giê-su, Đấng là Ánh Sáng. Không tin nơi Ánh Sáng, đồng nghĩa với lựa chọn bóng tối và sự chết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9; có thể đọc thêm Ga 3, 19-21.36; 8, 21-24; 9, 41; 12, 46; 15, 21-25)
  • Sai lầm về công chính: trong cuộc Thương Khó, Satan đã lên án, ngang qua những con người cụ thể, Đức Giê-su nhân danh sự công chính của lề luật. Tuy nhiên, cuộc Thương Khó lại là con đường Đức Giê-su đến cùng Chúa Cha. Điều này cho thấy, Satan là bất chính, và Đức Giê-su là Đấng Vô Tội và Công Chính, và toàn bộ lời nói và hành động của Người là sự thật.
  • Và sai lầm về xét xử: trong cuộc Thương Khó, chính khi Satan xét xử Đức Giê-su, thì Satan lại bị xét xử: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cor 15, 55)

*  *  *

Như thế, trong viễn tượng của mầu nhiệm Đức Ki-tô lên trời và mầu nhiệm Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi đặt mình trong niềm vui của Con Thiên Chúa và của Thiên Chúa, khi sai Thánh Thần đến với chúng ta ; và xin cho chúng ta nhận ra và cảm nếm, niềm vui của Thiên Chúa Ba Ngôi là niềm vui của chính chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

 

Tuesday (May 23): “I will send the Counselor to you”

 

Scripture: John 16:5-11  

5 But now I am going to him who sent me; yet none of you asks me, `Where are you going?’ 6 But because I have said these things to you, sorrow has filled your hearts. 7 Nevertheless I tell you the truth: it is to your advantage that I go away, for if I do not go away, the Counselor will not come to you; but if I go, I will send him to you. 8 And when he comes, he will convince the world concerning sin and righteousness and judgment: 9 concerning sin, because they do not believe in me; 10 concerning righteousness, because I go to the Father, and you will see me no more; 11 concerning judgment, because the ruler of this world is judged.

Thứ Ba     23-5                Thầy sẽ sai Đấng bảo trợ đến với anh em

 

Ga 16,5-11

5 Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: “Thầy đi đâu?6Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền.7 Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.8 Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử:9 về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy;10 về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa;11 về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

Meditation: Why does God seem far from us at times? Separation and loss of relationship often lead to grief and pain. The apostles were filled with sorrow when Jesus spoke about his imminent departure. Jesus explained that it was for their sake that he must leave them and return to his Father. He promised,  however, that they would never be left alone. He will send in his place the best of friends, the Holy Spirit.

 

 

 

Paul reminds us that “nothing can separate us from the love of God in Christ Jesus” (Romans 8:39). By sending the Holy Spirit to his followers, the Lord Jesus makes his presence known to us in a new and on-going way. We are not left as orphans, but the Lord himself dwells within us through the power of the Holy Spirit (2 Corinthians 4:9; 6:16b).

The work of the Holy Spirit 

Jesus tells his disciples three very important things about the work of the Holy Spirit – to convince the world of sin and of righteousness and of judgment. The original word for convince also means convict. The Holy Spirit is our Sanctifier. He makes us holy as God is holy. He does this first by convicting us of our unbelief and sin and by bringing us humbly to the foot of the Cross. The Spirit convinces us of God’s love and forgiveness and of our utter dependence on God for his mercy and grace. We need the power of the Holy Spirit to lead us from the error of our unbelief and sinful ways and to show us the way of love and truth.

 

The Jews who had condemned Jesus as a blasphemer and false messiah thought they were serving God rather than sinning when they crucified Jesus. When the Gospel was later preached on the day of Pentecost (Acts 2:37), many were pricked in their heart and convicted of their sin. What made them change their mind about Jesus? The Holy Spirit opened their hearts to recognize Jesus as the true Messiah sent by the Father in heaven.

It is the work of the Holy Spirit to both convict us of our unbelief and wrongdoing and to convince us of God’s truth. The Spirit convinces us of the righteousness (moral truth and goodness) of Christ, backed by the fact that Jesus rose again and went to his Father. The Holy Spirit also convicts us of judgment. The Spirit gives us the inner and unshakable conviction that we shall all stand before the judgment seat of God. God’s judgments are just and good. He not only forgives those who repent of their wrongdoing, he also vindicates the innocent who have been unjustly treated and restores their rights and he rewards those who have done what is just and good. When we heed his judgments we find true peace, joy and reconciliation with God. Do you allow the Holy Spirit free reign in your life that he may set you free from the grip of sin and set you ablaze with the fire of God’s love?

“Come Holy Spirit, and let the fire of your love burn in my heart. Let me desire only what is pure, lovely, holy and good and in accord with the will of God and give me the courage to put away all that is not pleasing in your sight.”

Suy niệm: Tại sao Thiên Chúa xem ra đôi lúc xa cách chúng ta? Sự chia cắt và mất mát của mối quan hệ thường dẫn tới đau khổ. Có ai lại không cảm nghiệm nỗi đau buồn khi mất người thân? Sự buồn phiền lấp đầy lòng các môn đệ của Ðức Giêsu khi họ nghe Người nói về sự ra đi sắp tới của Người. Ðức Giêsu giải thích rằng chính vì lợi ích của họ nên Người phải rời bỏ họ và về cùng Cha. Tuy nhiên, Người hứa rằng họ sẽ không bao giờ bị bỏ rơi. Người sẽ gởi người bạn tốt nhất trong những người bạn để thay thế Người, là Chúa Thánh Thần.

 

Thánh Phaolô nhắc chúng ta rằng “không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô” (Rm 8,39). Bằng việc gởi Chúa Thánh Thần tới với các môn đệ, Ðức Giêsu bày tỏ cho chúng ta biết sự hiện diện của Người trong đường lối mới và liên tục. Chúng ta không bị bỏ rơi như những trẻ mồ côi, nhưng chính Chúa ở trong chúng ta, ngang qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần (2Cor 4,9; 6,16b).

Công việc của Chúa Thánh Thần

Ðức Giêsu nói với các môn đệ ba điều rất quan trọng về hoạt động của Chúa Thánh Thần – cho thế gian biết về tội lỗi, sự công chính và sự xét xử. Hạn từ gốc của cho biết cũng có nghĩa là kết án. Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa của chúng ta. Người làm cho chúng ta nên thánh như Thiên Chúa là Đấng Thánh. Người thực hiện điều này trước tiên, bằng việc kết án chúng ta về tội lỗi của chúng ta và bằng việc dắt chúng ta khiêm tốn đến dưới chân Thánh giá. Thần Khí cho chúng ta biết về tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa và về sự lệ thuộc hoàn toàn của chúng ta vào Thiên Chúa về lòng thương xót và ơn sủng của Người. Chúng ta cần đến sức mạnh của Chúa Thánh Thần để dẫn dắt chúng ta khỏi sai lạc của những đường lối tội lỗi của mình và tỏ cho chúng ta biết con đường tình yêu và chân lý.

Người Dothái kết án Ðức Giêsu như một kẻ lạc giáo và phạm thượng, mặc dù họ đang phụng sự Thiên Chúa hơn là phạm tội, khi họ đóng đanh Ðức Giêsu. Khi Tin mừng sau này được rao giảng vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,37), nhiều người bị cắn rứt trong lòng và bị kết án về tội lỗi của mình. Điều gì đã làm họ thay đổi ý niệm về Ðức Giêsu? Chúa Thánh Thần mở lòng họ để nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mesia đích thật được Cha trên trời sai tới.

 

Đó chính là công việc của Chúa Thánh Thần vừa kết án chúng ta về những việc làm sai trái, vừa tỏ cho chúng ta biết về chân lý của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cho chúng ta biết về sự công chính của Đức Kitô, được chứng tỏ qua sự kiện Ðức Giêsu sống lại và trở về cùng Cha. Chúa Thánh Thần cũng cho chúng ta biết về sự xét xử. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự tin tưởng nội tâm và không lay chuyển rằng tất cả chúng ta sẽ đứng trước ngai tòa phán xét của Thiên Chúa. Sự xét xử của Thiên Chúa thì ngay thẳng và tốt lành. Khi chúng ta chú ý đến những xét xử của Người, chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an, niềm vui, và sự hòa giải thật sự với Thiên Chúa. Bạn có để cho Chúa Thánh Thần cai trị hoàn toàn trong cuộc đời mình để Người có thể giải thoát bạn khỏi sự kiềm kẹp của tội lỗi và cho bạn cháy bừng lên ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa không?

 

 

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến; và xin cho ngọn lửa tình yêu của Chúa cháy lên trong lòng con. Xin cho con chỉ ao ước những gì chỉ là thuần khiết, đáng yêu mến, thánh thiện, và tốt lành, dựa theo ý Chúa và ban cho con lòng can đảm để luôn luôn loại bỏ những gì không làm hài lòng trong mắt Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Từ khóa:

ích lợi, phù trợ, ra đi

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận