Thứ Tư tuần 20 thường niên.

Đăng lúc: Thứ tư - 17/08/2016 03:53 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
 Thứ Tư tuần 20 thường niên.

"Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng".

 

Lời Chúa: Mt 20, 1-16a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.

"Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

"Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta".

"Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết". Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?" Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?"

"Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".
 

Thánh GIOAN EUDÊ, linh mục
(1601 - 1680)

Thánh Gioan Euđê là một trong số những người chấn hưng tôn giáo tại Pháp thời vua Luy XVI. Isaac Euđê, cha Ngài là nhà nông kiêm nghề giải phẫu tại thành Ri gần Argentan, đã có ý định trở thành linh mục, nhưng rồi lại bỏ ý định để lập gia đình. Mẹ Ngài là bà Mattha Corbin tưởng sẽ phải son sẻ. Nhưng rồi sau nhờ cầu nguyện, họ sinh được Gioan với bốn em gái và hai em trai nữa.

Gioan có tính nóng nảy, nhưng hiến mình cho Đức Trinh Nữ Maria, Ngài quyết sửa mình bằng cách ngày càng mến Mẹ hơn. Hồi 9 tuổi, có lần Ngài bị một thằng bạn vả mặt, nhớ lời Chúa Ngài đưa má kia ra: còn má này nữa, nếu muốn anh cứ vả tiếp đi. Thằng bạn ngượng ngùng và sau này đã kể lại sự kiện đó với niềm thán phục sâu xa.

15 tuổi Gioan theo học các cha dòng Tên tại Caen. Từ trong huyết quản Gioan đoan hứa dâng mình cho mẹ Thiên Chúa. Nhưng khi trở về nhà, cha mẹ nói với Ngài về việc hôn nhân. Ngài bày tỏ ước vọng với cha mẹ và phải khó khăn lắm mới được cha mẹ ưng thuận. Ngài nhập dòng giảng thuyết và năm 1625 thụ phong linh mục.

Sau ngày thụ phong, Gioan phục vụ giáo xứ ở Aubervilliers. Hai năm sau, một cơn dịch xảy tới tàn phá giáo phận Sees. Các bệnh nhân bị những người khác bỏ mặc và trốn chạy. Gioan chỉ muốn bay tới để giúp đỡ họ. Trong suốt hai tháng trời, Ngài hết mình phục vụ. Khi cơn dịch hạ giảm, Ngài thực hiện sứ vụ tại Caen. Nhưng cơn dịch chưa dứt mà chỉ dời chỗ. Lần này cơn dịch tràn tới Caen. Gioan lại tận tâm quên mình phục vụ. Không có gì làm cho Ngài sợ hãi cả. Nhưng dân chúng lại sợ Ngài truyền bệnh. Bởi đó Ngài bị giam mình trong một cái thùng để ở ngoài đồng ruộng, khiến lúc đó cánh đồng được gọi là "cánh đồng của thánh nhân". Các nữ tu thương hại Ngài ngày ngày mang của ăn đến cho Ngài. Ngài trở về dòng hiến mình phục vụ hai tu sĩ và bề trên sắp chết vì bệnh dịch. Cuối cùng, cơn dịch tan biến, nhưng Gioan lên cơn sốt, dân chúng khẩn cầu tha thiết cho Ngài được chữa lành và niềm vui thật lớn lao khi người "Samaritanô nhân hậu" tái xuất hiện.

Bây giờ bắt đầu công trình rao giảng và truyền giáo của Ngài. Ngài chống lại lạc thuyết Calvinô, những kinh hoàng của cuộc nội chiến, sự dốt nát của hàng giáo sĩ, những tật xấu của các tín hữu. Chúng ta có thể đo lường hoạt động của một vị thánh như thế nào: 15 ngàn người chen lấn nghe thánh nhân giảng, các tội nhân sám hối và để được xưng tội, họ phải chờ 4 hay 5 ngày mới đến lượt. Trong khi để tiết kiệm thì giờ của họ. Ngài chỉ dùng vài miếng bánh để dưỡng sức. Các thói tục ngoại giáo biến dạng. Ở Autun, cuộc rước Trinh nữ thay thế cho những gương mù ngày Mi-Careme (thứ 5 tuần III mùa chay). Ở Meaux dân chúng mang các sách đồi trụy đến công trường để đốt bỏ.

Cha Gioan Euđê đã giảng thuyết khắp vùng Normandie Bretagne, tới tận Saint Etienne. Tại Paris, cha sở thánh thiện của Saint - Sulpice, M.Olier, đã tổ chức cho Ngài 5 kỳ giảng thuyết. Ngài danh tiếng đến nỗi có 10 giám mục hiện diện. Ở Saint Germain-Laye, vua và hoàng hậu đến ngồi vào ghế thính giả. Cha Gioan Euđê thuyết giảng lần cuối cùng tại Sain-Lô.

Suốt 40 năm, cha Gioan đi rao giảng đó đây. Nhưng việc rao giảng chỉ là một phần hoạt động của Ngài. Nhận thấy hàng giáo sĩ không được đào tạo đầy đủ, Ngài từ giã dòng giảng thuyết năm 1643, để lập hội dòng Chúa Giêsu và Đức Maria lo việc tổ chức các chủng viện. Theo lời đề nghị của Đức Hồng Y Richelieu, Ngài lập đại chủng viện ở Caen rồi sau này ở Lisieux, Rouen, Eureux và Renner. Đàng khác Ngài rất thương cảm các thiếu nữ bất hạnh hoàn lương, năm 641 Ngài đã lập dòng Chúa chiên lành để săn sóc họ.

Giữa bao nhiêu công chuyện, ước mơ lớn nhất của thánh Gioan Eusê là phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm, Ngài là người khởi xướng, viết sách và các thánh thi ca tụng Thánh Tâm. Đây là nỗ lực chống lại chủ trương sai lầm của thuyết Giansêniô.

Ngày 19 tháng năm 1680, thánh Gioan Euđê từ trần, Ngài được tuyên chân phước năm 1908 và năm 1925 ngài được tuyên hiển thánh.

 

 

SUY NIỆM 1: Lòng Quảng Ðại Của Thiên Chúa

Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình bày giáo lý của Ngài cho dân chúng được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ dụ và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.

Câu truyện về những người thợ vào làm vườn nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của con người với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng.

Trong lúc các Rabbi Do thái thường tính toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng phẳng theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu chúng ta tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.

Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách nêu bật lòng quảng đại của Thiên Chúa: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?". Thiên Chúa đối xử tốt với mọi người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xét xem mình đã có thái độ nào đối với người khác, nhất là khi thấy họ được sự lành? Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tính ghen tỵ và cho chúng ta sống quảng đại với mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Giá Trị Và Nhân Phẩm Con Người (Mt 20,1-16a)

Qua câu chuyện ngụ ngôn về người chủ vườn và các công nhân làm vườn nho, Chúa Giêsu đã diễn tả lòng quảng đại và lòng bác ái vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại. Ngài đã dùng một thực tại rất gần gũi với đời sống xã hội của người Do Thái đương thời là vào thời ấy các công nhân thường hay đứng đợi ở những nơi công cộng như chợ búa chẳng hạn, để chờ các chủ nhân đến mướn làm việc. Thường là những công việc làm ngắn hạn, có khi chỉ là một ngày công mà thôi cho nên nếu ngày nào mà có những công nhân đó không có việc làm có nghĩa là ngày ấy thiếu những bát cơm nóng trên bàn ăn của gia đình.

Trong chuyện ngụ ngôn hôm nay, người chủ nhân đã gọi các công nhân làm việc vào giờ cuối cùng nhưng đã rộng lượng trả tiền thù lao cho họ ngang bằng với tiền trả cho những người làm việc cả ngày. Qua lối nói ẩn dụ này Chúa Giêsu cho thấy lòng nhân ái của Chúa Cha đối với nhân loại, nhất là đối với những kẻ tội lỗi, những người bị áp bức và bị đẩy ra bên lề của xã hội phong kiến thời ấy. Có những người thất nghiệp không phải vì họ lười biếng không chịu làm việc mà vì hệ thống kinh tế thời đó không tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Người chủ nhân mướn và trả công thật hậu cho những người làm việc vào giờ chót, cho thấy tấm lòng quảng đại bao la của ông, vì nếu ông chỉ trả lương đúng theo số giờ họ đã làm việc thì chắc chắn là gia đình của những người này sẽ thiếu ăn trong ngày hôm đó.

Thiên Chúa chính là vị chủ nhân tốt lành và quảng đại với tất cả tạo vật của Ngài. Ngài luôn quan tâm và thương xót nhân loại, nhất là đối với những người đau khổ về mặt vật chất lẫn tinh thần như lời Ngài nói: "Tất cả những ai mang gánh nặng nề hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng". Như thế, người chủ nhân đã rộng lòng trả tiền lương cho tất cả các công nhân ngang bằng nhau, không kể họ làm việc vào giờ nào, điều đó không phải là sự bất công. Người chủ vườn là Thiên Chúa luôn công bằng với các tạo vật của Ngài, ai làm việc nhiều giờ hay ít giờ đối với Ngài không là việc thiết yếu; điều quan trọng là ý định và thái độ làm việc của các công nhân.

Thiên Chúa yêu mến những ai phục vụ Ngài bằng với tinh thần yêu thương và hân hoan chứ không làm việc vì muốn được hưởng công hậu hay vì mục đích tham vọng cá nhân. Sự làm việc có một giá trị thiêng liêng đối với con người vì qua sự làm việc, con người làm vinh danh Thiên Chúa và cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Ngài. Qua công việc làm, con người trở nên hữu ích và góp phần vào công việc xây dựng và làm thăng tiến xã hội, và cũng qua đó tìm thấy giá trị và nhân phẩm của mình.

Qua chuyện ngụ ngôn hôm nay những công nhân được mướn làm giờ đầu tiên ám chỉ đến dân tộc Israel, là dân tộc đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng và được Ngài mạc khải chương trình cứu độ, nhưng dân Do Thái đã từ khước Thiên Chúa lại còn giết hại Con Một do Ngài sai tới để cứu chuộc thế gian. Nhưng tình yêu thương được thể hiện qua công trình cứu độ của Thiên Chúa không giới hạn trong quốc gia Do Thái mà còn mở rộng đến mọi dân tộc trên thế gian.

Các công nhân được gọi làm việc trong vườn nho vào giờ cuối cùng là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả các dân ngoại đã từng hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa như Ngài đã ban ơn cho dân Do Thái.

Lạy Chúa,

Xin dạy cho chúng con biết phục vụ Chúa và những anh chị em khác với lòng quảng đại và niềm hân hoan. Xin cho chúng con biết dâng hiến nhiều hơn là cầu xin cho sự ích lợi của riêng mình.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Sống Hằng Ngày Với Ý Hướng Đời Đời

“Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.

Chiều đến ông bảo người quản lý: Anh gọi thợ lại và trả công cho họ, bắt đầu từ người vào làm sau chót tới người làm trước nhất.”

Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.”

Thế là những kẻ đứng sau chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. [Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.] (Mt. 20, 1.8.11.12.16)

Người ta cho rằng: “Sự giải thích thực tế của cổ truyền không được nhất trí về chủ đề của dụ ngôn này” Xin cho phép tôi diễn tả ý tưởng của riêng tôi như sau.

Tình yêu đối với kẻ đứng chót.

Tình yêu Thiên Chúa đối với kẻ đứng chót là tình yêu vô cùng, vô cùng đối với tất cả và từng người. Mỗi người nhận được tình yêu vô cùng này tùy theo khả năng yêu mến của mình.

Tình yêu Thiên Chúa là ân huệ cho không, nhưng có tính cách như một nghĩa vụ, Thiên Chúa yêu ta nhưng không, như cha thương con của Ngài, chúng ta được quyền đó. Đức Kitô không chết để tô điểm cho tình yêu thêm bóng bẩy, Người chết vì vâng lời Chúa Cha. Sự vâng phục của Đức Kitô cho chúng ta thêm khả năng yêu mến Thiên Chúa như chúng ta ước muốn. Cái chết của Đức Kitô nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu của Thiên Chúa vô cùng, đời đời. Ngài là chủ nhà, là cha trong gia đình. Ngài ban tình yêu của Ngài cho từng đức con mộtc cách trọn tình. Chúng ta phải đáp lại tình yêu của Ngài, phải làm sống lại tình yêu của Ngài.

Luôn luôn làm việc hết mình.

Đừng nghĩ rằng những giờ trong ngày làm việc là những khoảng khắc thời gian đồng hồ! Tôi xin gợi ý rằng cần phải biết giá trị thời gian này là kỳ hạn của đời người, của những thái độ chúng ta trước dung nhan Thiên Chúa. Sáng sớm chủ đi, mướn tất cả thợ mà ông gặp, nhưng đến giờ chót vẫn còn một số thợ.

Phần đông chúng ta cũng là số thợ được tình yêu vô cùng của Chúa vào giờ chót. Vì thế chúng ta phải có ý thức hăng hái làm việc hết mình để đáp lại tình yêu vô bờ bến ấy. Những thợ giờ chót không phải là những kẻ chậm trễ, nhưng là những kẻ sống hằng ngày với ý hướng đời đời rồi.

Được Chúa tiếp nhận, được tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa đối với con người. Những người thợ này hiến thân hết lòng đối với tình yêu đã an ủi họ.

Hơn nữa, những kẻ trở về, đừng nghĩ chuộc lại thời gian đã mất, nhưng hãy kính mến Chúa hết lòng vì Người đã mong chờ mình mọi ngày như người cha chờ mong đứa con phung phá trở về.

J.M

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận