Đức Maria Trinh Nữ Vương.

Đăng lúc: Thứ hai - 22/08/2016 02:21 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Đức Maria Trinh Nữ Vương. Lễ nhớ.

"Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con trai".

 

Vì cả thân xác cũng đã được biến đổi, Đức Maria trong vinh quang mông triệu đã trở nên thành công tối hậu của công trình cứu chuộc. Nhưng Đức Maria vô cùng diễm lệ đồng thời cũng rất quyền thế bởi vì Người là Thánh Mẫu của Đấng mà “triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Chính vì thế, từ bao thế kỷ, các tín hữu đã kính chào Mẹ là Đức Nữ Vương, Đấng Trung Gian tối cao của ân sủng.

 

Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, Trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng:

"Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và đưọc gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà.

 

 

SUY NIỆM 1: Trinh Nữ Vương

Hiện nay, tại một số ít quốc gia trên thế giới như Anh Quốc, Hòa Lan, Thụy Ðiển, Thái Lan, chức nữ hoàng và quốc vương vẫn còn tồn tại, nhưng họ chỉ đóng vai trò tượng trưng, chứ không có thực quyền.

Giữa trào lưu có sự thay đổi quan trọng này trong hình thức chính trị và trong đời sống xã hội, những câu kinh: "Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy..." lượt dịch bài bình ca bất hủ bằng tiếng La Tinh: "Salve Regina..." vẫn còn được bao cửa miệng và tâm hồn dâng lên Mẹ Maria, diễn tả tấm lòng tôn kính, mến yêu của đoàn con cái đối với mẹ không mảy may bị lạnh nhạt, mặc cho thế sự đổi thay.

Trong tông huấn mang tựa đề: "Lòmg sùng kính Ðức Mẹ Maria", Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã định nghĩa về Ðức Maria Trinh Nữ Vương mà Giáo Hội mừng kính hôm nay đại khái như sau: "Lễ này là tiếp diễn lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời. Thực vậy, vào lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng ta say đắm và hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu mùa của công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân loại, đó là: tội lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Ðức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền".

Lời giải thích của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trên đây giúp chúng ta hiểu đúng vai trò của Mẹ Maria theo tinh thần của cộng đồng Vatican II. Ðó là liên kết vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria với Chúa Giêsu và công cuộc cứu rỗi của Ngài.

Theo dòng trào lưu đổi thay của quan niệm về tự do, dân chủ, vai trò Nữ Vương của Mẹ Maria vẫn đứng vững trong tâm trí và con tim của trăm triệu con cái Mẹ, vì Mẹ ngự bên cạnh Chúa Giêsu Vua. Một vị vua dùng thập giá làm ngai vàng, mão gai làm triều thiên và muôn thuở cạnh sườn ngài bị đâm thủng, để nguồn suối của tình yêu Thiên Chúa luôn chảy tràn, giải lao cho nhân loại đang khao khát tình yêu chân thật, làm động lực để biến xã hội loài người thành Nước Trời, với Chúa Giêsu là Vua. Mẹ Maria đứng cạnh ngai vàng thập giá, trái tim bị gươm đâm thâu, để dòng máu tình yêu của Mẹ hòa chảy, hầu đồng lao cộng khổ và đồng thống trị với con Mẹ trong Nước Trời.

(Trích trong ‘Lẽ Sống’ của R. Veritas)

 

SUY NIỆM 2: Tôi là nữ tì của Chúa

Maria, một thôn nữ của ngôi làng Nadarét nhỏ bé thuộc vùng Galilê.

Cô đã đính hôn, và cứ sự thường, Cô sẽ kết hôn với ông Giuse.

Cuộc sống của Cô bề ngoài chẳng có gì khác thường.

Nhưng bên trong, Cô là một kiệt tác của Thiên Chúa.

Đơn giản vì Cô được tuyển chọn giữa mọi phụ nữ trên địa cầu

để trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ của chính Ngôi Lời nhập thể.

Thiên Chúa đã làm những điều tốt đẹp nhất cho Cô

để Cô xứng đáng với đặc ân mà chẳng ai dám nghĩ tới.

Thiên Chúa muốn Con Một của Ngài làm người trăm phần trăm,

nên Ngài cần một người mẹ trần thế cho Người Con ấy.

Maria được chọn và được chuẩn bị hết sức chu đáo cho trọng trách này.

Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng quyết định của Cô.

Maria có chấp nhận cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không?

Một Thiên Chúa tôn trọng tự do là một Thiên Chúa biết mời gọi, hỏi ý.

Thiên Chúa cần sự gật đầu ưng thuận của một cô thiếu nữ xứ Paléttin

để Con của Ngài được làm người ở trên trái đất.

Thiên Chúa khiêm tốn không muốn đặt Cô trước sự đã rồi.

Ngài muốn Con của Ngài được Cô đón nhận vào cả hồn lẫn xác.

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện sứ thần Gabrien truyền tin cho Maria.

Đúng hơn đây là chuyện Thiên Chúa siêu việt hỏi ý một thụ tạo nhỏ bé.

Lời chào của sứ thần làm Cô rất bối rối, không hiểu và sợ hãi (cc. 29-30).

Maria được chào là Đấng đầy ân sủng,

nghĩa là người được Thiên Chúa đặc biệt mến yêu.

Ngài vẫn luôn ở cùng Cô ngay từ khi Cô còn trong lòng mẹ.

Sứ thần báo tin Cô sẽ thụ thai một con trai.

Người Con này là Con Đấng Tối Cao, là Vị Vua thuộc dòng Đavít (c. 33).

Hẳn Maria biết ngay là mình được mời gọi làm Mẹ Đấng Mêsia,

một danh dự mà bao thiếu nữ Do thái mong đợi.

Nhưng Maria vẫn chưa hiểu làm sao Cô có thể thụ thai

khi Cô chưa làm lễ thành hôn và về chung sống với chồng (c. 34).

Sứ thần cho biết việc Cô thụ thai là chuyện độc nhất vô nhị.

Cô có con là vì “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Cô

và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên Cô” (c. 35).

Người chồng tương lai của Cô không dự phần vào việc thụ thai này.

Con của Cô sẽ được gọi là Con Thiên Chúa theo nghĩa viên mãn nhất.

Maria đã nói tiếng Xin Vâng với đề nghị của Thiên Chúa (c. 38).

Cô đã thụ thai từ khi nói tiếng Xin Vâng đầy tín thác ấy.

Ngôi Hai Thiên Chúa đã hiện diện trong lòng Cô, trong đời Cô.

Chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi và hỏi ý như Maria xưa.

Ngài cũng cần từng người chúng ta để cứu độ cả nhân loại.

Nếu chúng ta chịu cưu mang Đức Giêsu, sinh hạ và làm cho Ngài lớn lên,

thì chúng ta được chia sẻ chức làm mẹ của Mẹ Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,

khi đọc Phúc Âm,

lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.

Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.

Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu

trong mọi bước đường của cuộc sống.

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con

đừng sợ lên đường mỗi ngày,

đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu

để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm Nguyễn Cao Siêu

 

SUY NIỆM 3: Mẹ tuyệt vời

Còn gì vui bằng, hạnh phúc khi có Mẹ ở bên. Còn Mẹ là một ân huệ. Còn Mẹ là một hồng ân tuyệt diệu. Mẹ trần thế còn quí hóa như thế. Mẹ trên trời còn giá trị biết bao.

Maria là tên người Mẹ thiêng liêng, tên cao trọng, tên tuyệt vời. Còn gì hạnh phúc khi con người được thân thương gọi tên Mẹ “Maria”. Tên Mẹ thật dịu hiền, thật nhẹ nhàng, thật gợi cảm. Tên Mẹ gói ghém tất cả, nói lên tất cả. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ là Nữ Vương trên trời dưới đất. Với muôn tước hiệu Giáo Hội ca tụng Mẹ: “Tước hiệu nào cũng đẹp, cũng quí, cũng cao vời”. Nhân loại không ngớt cùng Mẹ tung hô Thiên Chúa:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.” (Lc 1, 46-48).

Maria quả thực đã trọn đời tín thác nơi Chúa. Việc thăm viếng bà chị họ Ê-li-gia-bét nói lên tình thương của Mẹ đối với ông Dacaria và bà Êligiabét, Mẹ đến để phục vụ họ, nhưng Mẹ đến cũng là đem cho họ sứ điệp của niềm vui và bình an: “Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êligiabét” (Lc 1, 40). Lời chào của Maria có ý nghĩa cao vời hơn mọi lời chào xã giao hoặc lời chào của những người thân đi xa về. Mẹ Maria, Nữ tử Sion đã nói lên lời chào bình an, lời chào hoàn tất niềm mong đợi của Israen. Mẹ đã đem niềm hạnh phúc, mang Chúa Giêsu, hoa trái của lòng trinh khiết của Mẹ, mang Vua Hòa Bình là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần đến để khi bà Êligiabét vừa nghe lời Mẹ, đứa con trong bụng bà nhảy lên… (Lc 1, 41).

Maria đã trao ban chính bản thân trọn vẹn bằng lời “xin vâng” đầy lòng tin và tín thác nơi Thiên Chúa, do đó: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14).

Mẹ Maria là Nữ Vương các Ngôn sứ, các thánh tử đạo, Nữ Vương trên trời dưới đất. Tước hiệu ấy đi đôi với tước hiệu Vua Giêsu Con của Mẹ. Chúa Giêsu là Vua, nhưng Vua yêu thương, phục vụ và khiêm nhượng. “Nước Tôi không thuộc thế gian này”. Chúa Giêsu đã nói với Philatô như thế. Ngài xác nhận: “Tôi là Vua” (Ga 18,37).

Vua chết trên thập giá để kéo mọi người đến với Ngài vì “Chỉ nơi Ngài mới có ơn cứu chuộc chan chứa” (Copiosa apud Eum Rédemptio). “Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Mẹ Maria là Nữ Vương đứng dưới chân thập giá:” Con Mẹ là Vua cứu chuộc”. Nên, Mẹ cũng đồng hiệp thông với sự đau khổ, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu để thống trị với Con của Mẹ trong Nước Thiên Chúa.”… Hôm nay, trong lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ ngự bên cạnh Vua cao cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người Mẹ nhân hiền” (Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trong tông huấn: “Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria”).

Dù rằng, thế giới hôm nay, chức “Vua” chỉ có vai trò tượng trưng, nhưng không hề có thực quyền, Maria là Nữ Vương vẫn hoàn toàn có giá trị, vẫn hoàn toàn có uy quyền trước Chúa Giêsu Vua, Con của Mẹ. Nhân loại vẫn không ngớt ca tụng Mẹ là Nữ Vương như kinh Lạy Nữ Vương chúng ta vẫn thường đọc. Mẹ là Nữ Vương bên ngai toà Đức Kitô để Mẹ chiếu dọi ánh hào quang vinh quang của Chúa Giêsu Vua cho nhân loại.

Người ta đã tôn sùng Đức Trinh Nữ Vương từ lâu đời. Đức Thánh Cha Piô VII vào thế kỷ XIX đã công khai cho phép một số Giáo Phận mừng lễ Đức Trinh Nữ Vương. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã thiết lập một lời nguyện và một lễ kính Đức Trinh Nữ Vương đặc biệt. Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng dâng loài người cho trái tim vẹn sạch Đức Trinh Nữ Vương vào năm 1942 giữa lúc thế chiến thứ 2 đang ngập tràn. Năm 1944, chính Đức Giáo Hoàng Piô XII đã buộc mừng kính lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương trong Giáo Hội toàn cầu.

Muôn đời, nhân loại sẽ hiệp ý với Mẹ Trinh Nữ Vương ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa:” Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người “(Lc 11, 49-50). Mẹ là Nữ Vương cao sang, uy quyền. Mẹ là Nữ Vương tuyệt mỹ.

Lạy Đức Trinh Nữ Maria xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con trước ngai toà Chúa để chúng con luôn tín thác vào Chúa và hết lòng trông cậy vào Mẹ. Amen.

(Lm. Nguyễn Hưng Lợi)

 

SUY NIỆM 4: Đức Maria Nữ Vương

Việc cử hành lễ Đức Maria Nữ Vương đem đến cho chúng ta một niềm vui đặc biệt khi chiêm ngắm một con đường khác mà Thiên Chúa vén mở tình yêu của Ngài cho nhân loại. Ngài ban cho Mẹ Maria - một bông hồng giữa bụi gai mà không bị suy suyển - được đồng hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa, trên tất cả các thiên thần.

Bằng phương cách độc nhất, Mẹ tự nguyện trở thành dụng cụ của Thiên Chúa để qua Mẹ “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga. 1:14). Những hoa trái cứu chuộc đến với chúng ta qua Đức Maria khi Mẹ trả lời “Xin Vâng” với Chúa Cha để đem Chúa Giêsu Kitô vào thế giới loài người. Thân xác Đức Maria trở nên cực thánh khi cưu mang Đức Kitô. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca chỉ cho ta một trái tim hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, yêu mến Ngài, và uớc muốn làm mọi sự cho Ngài và tuân phục Ngài. Được Chúa chúc phúc, Đức Maria tuân theo kế hoạch cứu độ, và hiến đâng trọn đời cho Chúa.

Vì vậy Mẹ Maria rất thánh được tôn vinh lên địa vị cao quí nơi ngai tòa Thiên Chúa Ba Ngôi, từ nơi này Thiên Chúa cho các thánh thấy rõ Thiên Chúa đời đời hằng hữu và mọi thụ tạo đều tuỳ thuộc thánh ý Chúa. Được tràn đầy ân sủng vượt trên mọi thụ tạo, ở trần thế, Đức Maria đã hạ mình xuống địa vị thấp hèn nhất, thì nay, trên thiên quốc, Mẹ được nhận lấy địa vị tối cao và tham dự quyền chăm sóc mọi tạo vật. Mẹ là Nữ Vuơng, là Đấng Bảo Vệ, là Trạng Sư, là Mẹ và Thầy Giáo hội lữ hành. Mẹ giúp đỡ và cứu vớt mọi nỗi thống khổ, vất vả, cực nhọc, và ưu phiền của nhân loại.

Phụng vụ hôm nay nhắc tới việc Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương, xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa.

Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, nói về Đức Maria như sau:” các Tông Đồ trước ngày lễ Ngũ Tuần ‘đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và với anh em của Ngài’ (Cv 1:14), Đức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, Đấng đã bao phủ Người trong ngày Truyền tin. Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội lỗi nguyên tổ và sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ để nên giống Con của Người trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. (số 59).

Mẹ Maria đã chia sẻ mọi việc làm và nỗi thống khổ của Đấng Cứu Chuộc nhân thế. Mẹ đã đứng bên thánh giá lúc Chúa lìa trần và Chúa thưởng Mẹ xứng với tình yêu và công nghiệp của Mẹ và Mẹ được xưng tụng là Nữ Vuơng thiên đàng và Nữ Vuơng cả vũ trụ vạn vật.

Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài là nguồn mạch của sức mạnh, hy vọng và yêu thương nơi Đức Maria. Xin hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn con, xin ban sức mạnh, hy vọng và tình yêu nơi con để Vua Vinh Hiển ngự vào lòng con.

(Nguyễn Đức Tuyên)

 

SUY NIỆM 5: Đức Maria là Nữ Vương

1) Đức Ma-ri-a là Nữ Vương

Trong kinh cầu Đức Mẹ, ta thấy Giáo Hội tôn vinh Đức Ma-ri-a là Nữ Vương với nhiều danh hiệu khác nhau: Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương các thiên thần, Nữ Vương các thánh nam cùng các thánh nữ, Nữ Vương ban sự bình yên, v. v… Vương có nghĩa là vua, là chủ tể. Đương nhiên tước hiệu Vương hay Vua của Đức Ma-ri-a không đồng nghĩa hay đồng hàng với tước hiệu Vương hay Vua của Thiên Chúa hay của Đức Giê-su. Nhưng là Vương hay Vua có nghĩa là có sự trổi vượt, có quyền cai trị, có thế lực, thần thế, có bề tôi hay những người dưới quyền…

Trong vũ trụ luôn luôn có phẩm trật rõ rệt. Cao cả nhất là Thiên Chúa Ba Ngôi, trong đó có Đức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa, và kế đến là Đức Ma-ri-a. Vì là Mẹ sinh ra Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Mẹ thuộc hẳn về «Hoàng Gia» hay Gia Đình của Thiên Chúa. Đây là một vinh dự chung rất lớn lao cho loài người, vì trong «Hoàng Gia» này – bao gồm những thủ lãnh cao cấp nhất của vũ trụ – ta thấy có hai vị là con người: Đức Giê-su và Mẹ Ma-ri-a. Đây cũng là một lợi điểm cho cả loài người. Các thiên thần không có được vinh dự ấy.

Như vậy, Mẹ Ma-ri-a rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa, và rất có uy quyền đối với loài thiên thần và loài người. Ngày lễ hôm nay có chủ ý tôn vinh tước hiệu, thần thế và uy quyền ấy của Mẹ Ma-ri-a.

2) Điều quan trọng là: Mẹ Ma-ri-a có phải là Nữ Vương của chính tâm hồn và bản thân ta không?

Mẹ Ma-ri-a là Nữ Vương trên trời dưới đất, Giáo Hội Công giáo tuyên xưng như vậy. Nhưng điều ấy sẽ không ích lợi gì cho chính bản thân ta, nếu nó hoàn toàn xảy ra bên ngoài ta, nghĩa là nếu như Mẹ không phải là Nữ Vương của chính tâm hồn và bản thân ta. Việc Mẹ Ma-ri-a là Nữ Vương trên trời dưới đất phải là một sự việc hiện sinh đang xảy ra «tại đây và lúc này» trong chính bản thân ta, trong ý thức của ta. Nghĩa là bất cứ lúc nào ta cũng ý thức và nhìn nhận Mẹ Ma-ri-a vừa là Mẹ ta, vừa là vị Nữ Hoàng thống trị tâm hồn ta. Nói cách khác, ta luôn ý thức phận làm con, làm thần dân của Mẹ, và lúc nào cũng sẵn sàng tuân hành ý muốn hay mệnh lệnh của Mẹ nói trong chiều sâu tâm khảm ta. Được như thế, Mẹ sẽ uốn nắn tâm hồn ta nên hoàn hảo giống như Đức Giê-su, Con của Mẹ.

Nói một cách cụ thể, trong bất cứ hoàn cảnh hay tình huống nào trong cuộc đời, ta cũng đều nên hỏi Mẹ: «Lạy Mẹ, con phải làm gì đây? Mẹ muốn con làm gì và làm thế nào?» Khi ta quyết tâm làm theo sự hướng dẫn hay chỉ đạo của Mẹ chứ không phải theo ý riêng mình, Mẹ sẽ giúp ta hoàn thành mọi việc một cách tốt đẹp và việc ta làm sẽ có một giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa. Cứ như thế, ta sẽ nên thánh.

3. Chính Mẹ đã nêu gương cho ta trong việc làm theo thánh ý Chúa

Bài Tin Mừng cho ta thấy Mẹ không muốn mọi sự xảy ra theo ý riêng mình, mà sẵn sàng vâng theo ý muốn của Thiên Chúa, qua lời của thiên sứ. Chính vì thế, Mẹ đã trở nên người phụ nữ cao trọng và diễm phúc hơn tất cả mọi phụ nữ. Mẹ tin tưởng rằng cách mình tính dù có khôn ngoan tới đâu cũng không bằng cách Thiên Chúa tính cho mình. Cứ phó thác toàn bộ chuyện của mình cho Ngài, không theo ý riêng của mình, thì cuối cùng, cách Ngài tính cho ta là cách khôn ngoan và tốt đẹp nhất. Tương tự như vậy, ta hãy để cho Mẹ được toàn quyền xếp đặt mọi sự trong cuộc đời ta, thì cuộc đời ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn trường hợp chính ta tự xếp đặt lấy độc lập với ý muốn của Mẹ. Tại sao? Vì Mẹ vừa yêu thương ta vô cùng, lại khôn ngoan hơn ta rất nhiều. Không bao giờ Mẹ lại để cho những đứa con phó thác cho sự khôn ngoan và tình thương của Mẹ phải thất vọng hay thiệt hại vì sự phó thác ấy.

Tóm lại, trong ngày lễ kính Mẹ Ma-ri-a là Nữ Vương trên trời dưới đất, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta hãy tôn vinh Mẹ là Nữ Vương của chính bản thân mình, của gia đình mình. Đó là cách hết sức khôn ngoan để cuộc đời ta nên thánh thiện, tốt đẹp và hạnh phúc nhất.

JNK’

 

Thứ hai: Mt 23, 13-22

Thứ Hai 22/08/2016 – Khốn cho kẻ sai đường Chúa.

22/08 – Thứ hai tuần 21 thường niên.

"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù".

 

Lời Chúa: Mt 23, 13-22

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa nước trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào.

"Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đọc kinh cho dài để nuốt tài sản của các bà goá, bởi thế, các ngươi sẽ chịu phán xét nặng hơn.

"Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi rảo khắp biển khơi và lục địa, để tìm cho được một người tòng giáo, nhưng khi đã cho người đó tòng giáo, các ngươi làm cho nó trở thành con cái hoả ngục gấp hai lần các ngươi.

"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù! Vì các ngươi nói rằng: Ai lấy đền thờ mà thề, thì không có giá trị gì, nhưng ai lấy vàng trong đền thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi kẻ ngu ngốc và đui mù, chớ thì vàng hay là đền thờ thánh hoá vàng, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn bảo rằng: Ai lấy bàn thờ mà thề, thì không giá trị gì, nhưng ai lấy của lễ để trên bàn thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi những kẻ đui mù, chớ thì của lễ hay là bàn thờ thánh hoá của lễ, cái nào trọng hơn?

"Vậy ai lấy bàn thờ mà thề, thì lấy cả bàn thờ và mọi sự để trên bàn thờ mà thề. Kẻ nào lấy đền thờ mà thề, thì lấy cả đền thờ và Ðấng ngự trong đền thờ mà thề. Và kẻ nào lấy trời mà thề, thì lấy ngai toà Thiên Chúa và Ðấng ngự trên ngai toà ấy mà thề".

 

 

SUY NIỆM 1: Kết Án Tội Mù Quáng

Toàn chương 23 Phúc Âm thánh Mátthêu ghi lại những lời kết án của Chúa Giêsu đối với các Luật sĩ và Biệt phái. Nhưng trước khi công bố 7 lời kết án đó, tác giả Mátthêu ghi lại nhận định chung của Chúa Giêsu (c.1-12): Chúa Giêsu, Ngài đề ra luật sống mới cho tất cả những ai muốn theo Ngài, Ngài là vị thầy duy nhất thay thế Môsê và các vị thầy nhân loại khác, Ngài muốn cho các môn đệ đừng rơi vào thái độ của những Luật sĩ và Biệt phái: mù quáng, giả hình, vụ hình thức, chú trọng đến cái phụ thuộc mà bỏ quên giáo lý làm linh hồn cho những hình thức bên ngoài.

Ba lời lên án của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay có cùng một điểm chung là sự mù quáng. Vì mù quáng, các Luật sĩ và Biệt phái chẳng những không được vào Nước Trời, mà còn cản trở những ai muốn vào đó; vì mù quáng, họ chỉ muốn khoe khoang lòng nhiệt thành tông đồ của họ, chứ không thực sự nhằm đến ơn cứu rỗi của những người họ muốn đưa về cùng Chúa; vì mù quáng, họ thay đổi luật Chúa theo ý riêng để có lợi cho cá nhân, chứ không thực sự màng đến luật Chúa.

Ðó là ba lời kết án của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã tự ví mình như người chăn chiên nhân lành đi tìm chiên lạc, như thầy thuốc cần cho bệnh nhân, như một Vị Thiên Chúa quyền năng sẵn sàng tha thứ và giải phóng con người tội lỗi. Thế nhưng, Ngài đã không sợ đưa ra những lời kết án mạnh mẽ, thẳng thắn: "Khốn cho các ngươi", không phải vì Ngài không còn lòng nhân từ và tha thứ, nhưng vì sự cứng lòng chai đá của con người đã đến mức tột cùng; không hoán cải khỏi thái độ giả hình, mù quáng, lạm dụng tôn giáo, con người không thể hưởng được tình yêu thương nhân từ của Thiên Chúa.

Ước gì Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta khỏi thái độ mù quáng, khép kín, tư lợi, và cho chúng ta biết sống khiêm tốn, chân thành trước mặt Chúa và đối với anh em, để chúng ta xứng đáng hưởng chúc lành của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Lắng Nghe Tiếng Nói Của Lương Tri (Mt 23,13-22)

Những lời "khốn cho các ngươi" được lập lại nhiều lần tương ứng với những điều chướng tai gai mắt cũng là những tội của các kinh sư và biệt phái. Họ đã cố tình làm những điều phi lý, khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào, nuốt hết tài sản của các bà góa, rảo khắp các biển cả đất liền rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi thì lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục hơn. Chúa Giêsu đã gọi các kinh sư và biệt phái là những người sống mù quáng. Ðiều đáng nói ở đây là các kinh sư và biệt phái cố tình chia lìa trong lỗi lầm của mình, họ thích danh vọng và chạy theo những bả vinh hoa, vì vậy họ cố gắng tìm mọi cách để đạt đến nó bằng bất cứ cách nào. Có thể nói đây là những người chủ trương lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Cứu cánh của họ đã không công minh, chính trực và phương tiện lại còn đê hèn hơn, nên họ đã lợi dụng những dân đen, là những người thấp cổ bé họng, không có khả năng tự bảo vệ mình.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của lương tri, là lời của Chúa muốn dạy chúng ta cách cụ thể trong từng trường hợp của đời sống ta.

Lạy Chúa,

Xin Chúa ban cho mỗi chúng con luôn biết xa tránh những điều xấu xa và tìm đến nguồn mạch ân sủng là Lời Chúa, nhờ đó lương tâm của chúng con mãi trong sáng để rọi lên hình ảnh sống động của Chúa và thánh ý Ngài trong mỗi giây phút của cuộc sống chúng con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Khốn cho kẻ giả hình.

Đức Giêsu nói: “Khốn cho các ngươi, những kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ vào.” (Mt. 23, 13)

Nếu có ai hỏi sao một người hiền lành, dịu ngọt nhất như Đức Giêsu lại có những lời như xẻ cưa, lửa đốt như vậy trong Tin Mừng của Người khi Người khiển trách những kẻ giả hình và những kẻ làm gương mù? Vì lợi ích tương lai của công trình Người, Người phải lột mặt nạ tập đoàn kinh sư lợi dụng quyền thế tách rời Người ra khỏi những người thường dân bé nhỏ. Hôm nay, Người nói rõ sự thật về họ một cách trịnh trọng:

Những kẻ giả hình xưa:

Tiếng kêu: “Khốn cho” kẻ giả hình, họ giả hình vì chỉ thực hành những nghi thức tôn giáo hoàn toàn hình thức bên ngoài, khác xa với lòng đạo đức chân thực sống động bên trong con người. Kẻ giả hình luôn lợi dụng việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống để thượng tôn pháp luật và nghi lễ bên ngoài một cách xảo quyệt. Chính ra việc phụng sự Thiên Chúa phải thành thực và sống động bởi lòng yêu mến chân chính.

Những lời khiển trách của Chúa còn tới chúng ta ngày nay không?

Kẻ giả hình ngày ngay.

Chúng ta có là kẻ giả hình không? Không nên khóc thương những kẻ giả hình khốn khổ xưa, cũng không xét đoán ai. Nhưng chính mình chúng ta có sống chân thật không? Trong đời sống chúng ta? trong lúc hành đạo? có thể chúng ta có nhiều thái độ giả hình được biện minh nhân danh phục vụ, cần cho hợp thời dựa vào sự đổi mới của Công đồng Va-ti-can 2 hay liệng bỏ lời Giáo Hội là Thầy dạy.

Chúng ta giầu và phong phú lắm. Phải, đúng là chúng ta rất phong phú về lễ nghi. Nhưng chúng ta có biết tự hạ mình xuống giúp những kẻ không có gì chăng? có lẽ chúng ta cầu nguyện nhiều, nhưng có vừa đủ để cho người khác cầu nguyện không? và có khi họ cầu nguyện còn thành thực hơn chúng ta nhiều.

CG.

Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống...)

Vai chính trong tường thuật này là Đức Mẹ Maria, được Thánh Luca mô tả với những nét như sau:

- Một thiếu nữ bề ngoài bình thường như mọi thiếu nữ khác (câu 27)

- Nhưng đặc biệt hơn mọi thiếu nữ vì “đầy ơn phước” và được “Thiên Chúa ở cùng” (câu 28)

- Được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Messia Con Thiên Chúa (cc 30-33)

- Dù không hiểu rõ (câu 34), Maria cũng sẵn sàng cho Chúa dùng mình để làm công việc của Chúa (câu 38: Fiat = “Tôi xin vâng...”).

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Đức Mẹ Maria hỏi “Việc đó xảy đến thế nào được, vì...”. Thiên Thần đáp “không có việc gì mà Chúa không làm được” (câu 37). Rất nhiều điều con người tưởng không thể nào làm được thế mà Thiên Chúa vẫn làm được: Ngài đã làm cho Êlisabét son sẻ được có con, đã làm cho Đức Mẹ Maria đồng trinh sinh ra Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa cũng có thể làm nơi mỗi người chúng ta những việc trọng đại, miễn là chúng ta sẵn sàng để Ngài hoạt động trong chúng ta.

2. Mặc dù “không có việc gì mà Chúa không làm được”, nhưng thường Thiên Chúa không làm một mình, Ngài thích có sự hợp tác của con người. Để cho Đấng Cứu Thế nhập thể, Thiên Chúa đã nhờ Đức Trinh Nữ Maria hợp tác. Và Đức Trinh Nữ Maria đã hợp tác bằng cách ngoan ngoãn để cho ơn Chúa hành động trong mình và qua mình: “Tôi xin vâng...”.

3. Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm ở một chỗ xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp:

- Chiếc đồng hồ đó hoàn toàn vô dụng đối với con.

- Nó vô dụng là vì con không chịu dùng nó. Mẹ anh đáp.

Bao nhiêu ơn Chúa ban cho ta cũng đều vô dụng nếu ta không xử dụng đến. (Góp nhặt)

4. “Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ” (Lc 1,28-29)

Đứng trước một biến cố trọng đại, bất ngờ, Mẹ đã bối rối. Sự bối rối ấy không đến từ sự hoang mang nghi ngờ như trường hợp ông Dacaria, nhưng đến từ sự băn khoăn muốn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa.

Phần tôi, đứng trước những khó khăn xảy đến trong cuộc sống thì hầu như chỉ biết than vãn, kêu trách Chúa mà không thử tìm xem Chúa muốn nói gì với tôi qua những biến cố ấy. Chúa vẫn đi ngang qua đời tôi nhưng tôi đã không gặp được Ngài. Chúa đứng ngoài và gõ cửa nhà tôi nhưng tôi đã không nghe được tiếng Ngài. Lòng tôi vẫn khép kín.

Lạy Chúa. Xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố của cuộc sống, và biết xin vâng như Mẹ. (Epphata)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con tuyên xưng rằng: Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria là Thiên Chúa thật và là người thật. Xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận củng cố niềm tin chân thật ấy, và xin cho cuộc chiến thắng phục sinh của Chúa đem lại cho chúng con ơn cứu rỗi và niềm vui muôn đời.

Lạy Mẹ Maria là Đấng hằng đẹp lòng Thiên Chúa, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người chúng con biết thể hiện nhân cách làm con cái Chúa qua đời sống bác ái yêu thương, qua đời sống thanh khiết vẹn toàn như Mẹ. Xin cho chúng con biết đáp lại tiếng "xin vâng" với Chúa như gương Mẹ thuở xưa. Amen.


Từ khóa:

thiên chúa

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận