Thứ Tư sau CN V MC

Đăng lúc: Thứ ba - 08/04/2014 19:37 - Người đăng bài viết: admin
Thứ Tư sau CN V MC

(Bài đọc 1 : Đn 3, 14-20.24-25.28; Tin mừng : Ga 8, 31-42)
 
1-   Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Đn 3, 14-20.24-25.28 qua lăng kính Ga 8, 31-42, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy chỉ Thiên Chúa mới là Đấng duy nhất có thể giải phóng con người cách toàn diện, khỏi mọi kẻ thù cả bên ngoài lẫn bên trong, và mang lại cho con người sự tự do đích thực, như được phản ảnh, trước tiên, trong Ga 8, 31-42: ở đây, Đức Giêsu, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, cho thấy chính Ngài mới là Đấng giải cứu toàn thể loài người và đem lại sự tự do đích thực [“Đức Giêsu trả lời : ‘…Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do’.” (8, 36)]…
(2) Thứ đến, trong Đn 3, 14-20.24-25.28 : ở đây, cho thấy Đức Chúa không chỉ giải cứu ba thanh niên Do Thái, mà còn giải thoát cả nhà vua khỏi các tà thần và cả chính mình [“Vua Nabucôđônôxo cất tiếng nói : ‘Chúc tụng Thiên Chúa của Satrac, Mêsac và Avêt Nơgô, Ngài đã sai thiên sứ đến giải thoát các tôi tớ của Ngài là những kẻ đã tin tưởng nơi Ngài’.” (3, 28)]…
 
2-   Sứ điệp cho ngày hôm nay :
(1) Một niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa chí ái, toàn tri và toàn năng luôn mang tính siêu độ cho chính bản thân mình và cho tha nhân (Đn 3, 24-25.28)…
(2) Bởi vì, khi tin yêu Thiên Chúa, người ta để Ngài là tất cả đối với mình, và chính Ngài là Nguồn ơn siêu độ…
 
Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung
 
 
SUY NIỆM 1: Ðức Tin Chân Chính

Trong bài Tin Mừng vừa đọc lại trên đây, số thính giả nghe Chúa Giêsu nói được thu gọn lại trong vòng những kẻ đã tin Người, và Chúa Giêsu đã khởi đi từ lòng tin này để mời gọi họ tiến xa hơn nữa bằng cách ở lại trong Lời của Người, nghĩa là bằng cách sống những gì Người truyền dạy để trở thành môn đệ của Người, và một khi trở thành môn đệ của Người, họ sẽ bước đi trong sự thật và được sự thật giải phóng khỏi vòng mê muội của tội lỗi. Tuy đã tin vào Chúa Giêsu, nhưng những thính giả này vẫn chưa thay đổi được lối suy nghĩ chỉ dựa trên đời sống trần tục của họ. Khi nghe Chúa Giêsu nói đến việc giải phóng, họ nghĩ ngay tới tình trạng của những người nô lệ phải làm tôi mọi cho chủ, mà họ thì đang làm chủ chính mình, họ có làm tôi mọi cho ai đâu mà cần được giải phóng. Xét về mặt trần thế thì họ suy nghĩ rất đúng, nhưng Chúa Giêsu đâu muốn đề cập đến tình trạng nô lệ hay tự do về mặt xã hội. Người muốn nói với họ về sự tự do đích thực của những người thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tội lỗi.

Sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người là xóa bỏ quyền thống trị của sự dữ trên mặt đất này và mang lại cho loài người cuộc sống tự do, xứng với danh hiệu con cái Thiên Chúa. Họ xưng mình là con cái ông Abraham, là dòng dõi của một dân tộc được giải phóng khỏi ách nô lệ ngoại bang. Thế nhưng, cuộc sống của họ đang bị ràng buộc bởi vô số xiềng xích của ma quỉ, họ tự do bên ngoài, còn bên trong thì vẫn nô lệ cho sự dữ, cho tội lỗi. Sự thừa kế dòng dõi ông Abraham không đương nhiên biến họ thành những con người lương thiện công chính. Muốn trở nên công chính, họ cần phải làm một cuộc đổi đời, phải tẩy trừ cái ác ra khỏi lòng mình và cương quyết tiến lên trên đường trọn lành, có như thế, họ mới thực sự trở nên con cái ông Abraham và là những con người tự do đích thực.

Phần chúng ta đây, chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô, là những người tự nhận mình là con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, danh xưng không làm nên thực chất, cái áo không làm nên thầy tu, chỉ có danh nghĩa bên ngoài và thậm chí ngay cả những việc đạo đức bên ngoài mà thôi, thì vẫn chưa làm nên một đời sống đức tin đích thực. Ðức tin chân chính được thể hiện qua những việc làm công chính. Người ta thường nói "xem quả biết cây", chúng ta đã suy nghĩ, nói năng, hành động như thế nào trong cuộc sống hàng ngày.

Lạy Chúa, nhiều lúc con cảm thấy yên tâm vì mình là người có đạo. Con có đạo như có một cuốn sách hay có một cái máy truyền hình, khi nào con cần hoặc khi nào con thích thì con mở ra xem, khi nào không cần thì con để yên ở đó, nhưng Chúa đâu muốn những người chỉ có đạo mà không sống đạo.

Lạy Chúa, xin giúp con can đảm lựa chọn đứng vào hàng ngũ con cái Thiên Chúa, một sự lựa chọn dứt khoát dẫn tới việc dấn thân quyết liệt cho điều mình lựa chọn. Xin cho con đừng chỉ hài lòng với danh xưng là người có đạo mà thôi, nhưng phải là một người sống đạo thực sự.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Chân Lý Sẽ Giải Thoát.

Khi thi hành nhiệm vụ khâm sứ Tòa thánh tại Bulgari, Đức cha Roncali nhận được một bức thư của một linh mục chỉ trích ngài về mọi mặt. Đọc thư xong, Đức cha Roncali không nói một lời, lòng vẫn yêu thương vị linh mục kia. Thời gian trôi qua, ngài được thăng chức Hồng Y, rồi đắc cử Giáo Hoàng với danh hiệu Gioan XXIII. Nhân dịp về Rôma yết kiến vị Tân Giáo Hoàng, vị linh mục cũng ghi tên đi theo phái đoàn và được đặc ân tiếp kiến riêng Giáo Hoàng. Vị linh mục đó thuật lại như sau:

Trong lúc đứng ở phòng khách đợi phiên vào triều yết Đức Thánh Cha, đầu óc tôi cứ nghĩ đến bức thư năm xưa và thầm nghĩ mấy chục năm qua rồi, chắc giờ đây Ngài không còn nhớ nữa đây. Đang suy nghĩ miên man thì cánh cửa mở ra, cha thư ký dẫn tôi vào.
Vừa thấy tôi, Đức Thánh Cha niềm nở bắt tay và mời tôi ngồi. Ngài ân cần thăm hỏi công việc mục vụ của tôi, của Giáo phận, và nhắc đến các bạn ở Bulgari. Câu chuyện vẫn diễn ra trong bầu khí thân tình. Bỗng Đức Thánh Cha đưa tay lấy cuốn Kinh Thánh và từ từ mở ra và trong đó có bức thư của tôi, ngài dịu dàng nói: “Con đừng sợ, cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người có nhiều khuyết điểm. Cha để bức thư của con vào cuốn Kinh Thánh và hàng ngày đọc vào đó mà xét mình. Mỗi lần như thế, cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con”.
Tin Mừng hôm nay cho thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với những người Do Thái mới tin vào Ngài. Lòng tin của họ chưa được trọn vẹn và Ngài đề nghị những biện pháp để củng cố niềm tin đó, như sống theo lời Chúa, chấp nhận được giải thoát khỏi tội lỗi, phát triển mối tương quan với Ngài. Tuy nhiên, các người Do Thái không đủ khiêm tốn để chấp nhận đề nghị của Chúa, họ tự phụ cho mình là con cái của Abraham và do đó không cần ai dạy thêm điều gì nữa, cũng chính vì thế họ không thể tiến xa hơn trên con đường đức tin.

Tác giả tập sách Đường Hy vọng khuyên: “Lòng mến Chúa phải tuyệt đối. Chúa dạy không ai có thể làm tôi hai chủ. Con làm tôi mấy chủ? Mỗi ngày dành riêng ít phút thinh lặng để sống đời nội tâm. Con chỉ có một việc quan trọng nhất, Maria đã chọn phần tốt nhất. Nếu con không sống nội tâm, nếu Chúa Giêsu không phải là linh hồn của các hành động của con, thì sẽ thế nào? Con chỉ có một của ăn là Thánh ý Thiên Chúa, nghĩa là con sống và lớn lên bằng ý Chúa. Ý Chúa như thức ăn làm con sống mạnh sống vui, ngoài ý Chúa con sẽ chết. Con chỉ có giây phút đẹp nhất, đó là giây phút hiện tại. Đời con sẽ tuyệt đẹp nếu từng giây phút con tin vào Lời Chúa và thực hiện thánh ý Ngài”.

Ý Chúa muốn cho mỗi ngừoi chúng ta trong hiện tại là trở thành những người con thảo, hãy để lời Chúa thấm nhập và hướng dẫn cuộc sống chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 3: Thiên Chúa hay các thần tượng

Vậy Đức Giêsu nói với những người Do-thái đã tin Người:
“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi,
thì các ông thật là môn đệ của tôi;
các ông sẽ biết sự thật
và sự thật sẽ giải phóng các ông.”
Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Đức Giêsu trả lời:
“Thật, tôi bảo thật các ông:
hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội”. (Ga. 8, 31-34)
Nếu quả thật lập trường của chúng ta là phục vụ chỉ một Thiên Chúa và chỉ yêu mến Ngài thôi, thì lúc đó trái tim chúng ta có còn bị chia sẻ và gắn bó với nhiều thần tượng trần thế này không? Phải thú nhận rằng, tất cả chúng ta nhiều hoặc ít vẫn còn thờ thần tượng khác, như kinh tế, tiền tài, quyền lực, danh vọng, tiện nghi, thú vui, chỉ kể ba thứ trong đó nhiều thứ khác nữa. Chắc chắn chúng chống lại Thiên Chúa và chống lại cả chúng ta, buộc chúng ta phải thú nhận rằng trong những sự kiện đó đã làm chúng ta xa phụng sự một mình Thiên Chúa rồi. Chúng ta đã là đầy tớ của nhiều thứ, song chúng ta vẫn bào chữa như người Do thái rằng: “Chúng tôi là dòng giống Áp-ra-ham không bao giờ chúng tôi là nô lệ của ai”.
Như Si-rác, Mi-sác và Áp-đê-na-gô, chúng ta có bổn phận phải từ chối phục vụ bất cứ thần tượng nào, nếu đó không phải là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Và này, Người là ai mà có thể dẫn dắt chúng ta ngày nay được như thế. “Vậy nếu Người Con có giải phóng các ông, các ông mới thực sự tự do”. Chỉ mình Đức Giêsu Kitô mới chống lại các thần tượng các thời đại và có thể làm cho tâm thức trở lại và khám phá thấy sự khác biệt giữa hai lối sống: tự do hay nô lệ. Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta phải biết dùng của cải Thiên Chúa đã dựng nên, chứ đừng làm nô lệ cho của cải. Nếu không, chúng ta không được giải phóng.
Chúng ta biết rằng: Không ai có thể làm tôi hai chủ. Đó là chân lý làm cho chúng ta được tự do mà mỗi người phải tự trả lời trước mặt Thiên Chúa. Chỉ khi thực hiện được điều kiện này, trái tim chúng ta mới có thể gắn bó thực sự với việc phục vụ Thiên Chúa duy nhất mà thôi.
G.F

 
Suy niệm 4: Người Do-thái luôn tự hào là con cháu Áp-ra-ham nên tự cho mình là người tự do, không làm nô lệ ai. Đúng là Áp-ra-ham có hai con trai, một sinh bởi người nô lệ, một sinh bởi người tự do, mà họ thì được sinh bởi bà Sa-ra, người vợ tự do. Nhưng thực ra họ chỉ đúng một nửa. Họ chỉ là con cái Áp-ra-ham theo huyết thống, còn những việc Áp-ra-ham đã làm thì họ không làm. Áp-ra-ham, cha của họ được kể là công chính “không phải sau, mà là trước khi ông được cắt bì” (Rm 4,10). Không phải máu huyết, mà là lòng trung thành với giao ước với Thiên Chúa mới làm cho họ thành con cháu Áp-ra-ham đích thực.

Mời Bạn: Những người Pha-ri-sêu đang tự hào ảo! Coi chừng chúng ta cũng có thể dẫm vào vết chân xưa đó của họ khi ta cho mình hơn người vì là đạo dòng, là trí thức, hay có công có của giúp Giáo Hội... Nếu không thận trọng và tiếp tục làm theo lời Chúa dạy thì ta vẫn là nô lệ cho những gì mà mình vốn tự hào.

Chia sẻ: Đáng cảm phục thay những anh chị em vừa sống vị tha, lại vừa sống khiêm nhường, nhiệm nhặt. Mùa Chay không chỉ nhịn vài bữa ăn theo luật dạy, nhưng còn “phải yêu mến Chúa Giê-su” (câu 42) qua người anh chị em chung quanh.

Sống Lời Chúa: Có những thói quen khiến ta trở thành nô lệ cho chúng. Nhờ tĩnh tâm, bạn hãy khám phá cho ra để khắc phục.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến để thi hành thánh ý Chúa Cha. Xin cho con cũng biết từ bỏ những gì con đang làm nô lệ, để trở nên thanh thoát hơn mà phụng sự Chúa. Amen.
(Theo 5phutloichua.net)
 
Từ khóa:

thiên chúa

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận