Mầu Nhiệm Đau Khổ (LỄ LÁ)

Đăng lúc: Thứ bảy - 12/04/2014 13:44 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Mầu Nhiệm Đau Khổ (LỄ LÁ)
 
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Lá đọc lại Bài Thương Khó của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Tiếp đến là Tuần Thánh, cao điểm tưởng niệm cuộc khổ nan của Chúa. Trong bầu khí suy niệm về thập giá-con đường Chúa chọn để cứu nhân lọai, chúng ta nghĩ về Mầu Nhiệm Đau Khổ.
 
Gọi đau khổ là một mầu nhiệm theo nghĩa “bí nhiệm, khó hiểu” cũng được; hay theo nghĩa của Gabriel Marcel: nó là “huyền nhiệm”, khác với “vấn đề”, chúng ta không thể giải quyết cách khoa học, mà là cảm nghiệm cá nhân của người từng kinh qua cũng mới hiểu, cũng đúng.
 
Người ta quá quen với lời than van “ Đời là bể khổ, hữu thân hữu khổ”. Cái khổ đã trở thành qui luật của cuộc sống con người, do “bệnh, lão, tử”, và ngày nay cho rằng cả “sinh” nữa, đều làm cho con người đau khổ. Sợ “sinh” làm khổ nhân lọai nên ngày nay người ta “chống sinh”.
 
Có nhiều nguyên nhân gây đau khổ mà kinh nguyện xưa gọi là “.. . đói kém, ôn dịch, mất mùa, giặt giả”, có khi bí ẩn người ta cho là do “số phận”. 
 
Tuy nhiên, có thể coi con người là nguyên nhân chính của sự đau khổ. Nỗi khổ của lụt lội, hạn hán, bệnh dịch.. . , hay ngay cả sóng thần mà ta qui cho thiên tai, cũng có nguyên nhân sâu xa do con người tàn phá thiên nhiên, vắt kiệt thiên nhiên làm thiên nhiên “nổi giận”. Còn chiến tranh, khủng bố, diệt chủng, phá thai, bắt con người làm thí nghiệm, vu khống, trù dập, chửi mắng.. . gây buồn, khổ và hại người khác, thì quá rõ trực tiếp là do con người. “Người với người là chó sói”, “tha nhân là hỏa ngục” là thế !
 
Thái độ của người Kitô Hữu trước đau khổ thế nào ?
 
Vẫn biết tội là nguyên nhân của sự đau khổ “Từ tội đầu tiên (nguyên tội), cả trần gian này chìm trong tội lỗi : huynh đệ tương tàn, khởi đầu là Cain giết Aben (St 4, 3-15), tiếp đến là sự xa đọa của loài người.. . ” (Giáo Lý Tòan Cầu số 401), nhưng chúng ta không theo quan niệm “trời trả báo” để qui gán sự đau khổ là hậu quả tất yếu do tội lỗi của cá nhân đương sự hay sự thất đức của gia đình. Khi thấy người mù từ khi mới sinh đau khổ trong cảnh mù lòa, các Tông đồ hỏi Chúa : bởi tội của y hay do tội cha mẹ y mà y phải chịu vậy, Chúa Giêsu trả lời : “Không phải anh ta cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta.” (Ga 9, 2-3).
 
1.Cựu Ước:
 
Người công chính vẫn phải đau khổ, đau khổ nhiều hơn nữa thì phải. Chính ông Gióp trong Cựu ước là một bằng chứng. Rồi Môsê-Tôi tới trung thành, rất được Chúa yêu mến đã đau khổ vì Dân Chúa : “Con phải làm gì cho Dân này bây giờ ? Một chút nữa là họ ném đá con !” (Xh 17, 4) khi dân chúng gây sự, kêu trách Môsê. Môsê đã đau khổ tột cùng đến nỗi phải xin được chết đi cho rồi : “Ông Môsê thấy dân tụm năm tụm bảy theo thị tộc mà than khóc tại cửa lều mình. Còn Đức Chúa thì bừng bừng nổi giận. Ông lấy làm khổ tâm và thưa với Đức Chúa : Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài ? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con ? Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không ? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ.. . nếu Ngài xử với con như vậy thì thà giết con đi còn hơn.” (Ds 11, 10-15). Nhân vật vĩ đại của Cựu Ước, người diễm phúc được Chúa hứa “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh), được diện đối diện với Chúa, đã đau khổ nhiều trong trong thân xác khi lữ hành 40 năm sa mạc, lại chịu những đau khổ tinh thần đến thế !
 
2.Đức Kitô
 
Từ đây chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên khi Đức Giêsu Kitô, Đấng Chúa Cha phán “đẹp lòng Ta mọi đàng” phải trở thành Người Tôi Tớ Đau Khổ, phải thốt lên lời Thánh Vịnh bi ai : “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi” (Tv 22, 2; Mt 27, 45) khi bị treo trên thập giá.
 
Chúa chúng ta không chỉ chịu đau đớn nơi thân xác mà còn chịu đau khổ trong hồn khi bị Giuđa phản bội, Phêrô chối từ, môn đệ bỏ trốn, dân chúng sỉ nhục, bị nhổ vào mặt.. . Bởi Chính Ngài là “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nổi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta.” (Dt 4, 14-15) hưởng nếm trọn vẹn tiếng kêu than của thân phận con người bị vùi dập tứ bề, được diễn tả qua lời Thánh Vinh : 
 
-Khi bị người tín cẩn phản bội : “Giả như tên địch thù phỉ báng, thì tôi cũng cam lòng, hay kẻ ghét ghen lên mày lên mặt, tôi có thể lánh đi. Nhưng đây lại là bạn, người đồng vai đồng vế, chỗ thân tình tâm phúc với tôi, đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi.” (Tv 55, 13-14)
 
-Khi Chúa bị bao vây bắt trong vườn Dầu : “Kẻ thù con lòng chai dạ đá, mở miệng ra là ngạo mạng khinh đời, rầm rập tới kìa chúng đa bao quanh, mắt trừng trừng như muốn quật con xuống đất, thật giống loài sư tử chực nuốt sống ăn tươi, hệt như con mãnh thú, rình rập ở bụi bờ” (TV 17, 10-12); “Sóng tử thần dồn dập quanh tôi, mạng lưới âm ty bủa vây tứ phía” (Tv 18, 5); 
 
-Khi bị đánh đòn, giầy đạp, kéo lôi.. . “Lạy Thiên Chúa xin thương xót con cùng, vì người ta giày xéo thân con, và suốt ngày tấn công chèn ép” (Tv 56, 2); “Lạy Chúa, xin xót thương, bởi vì con lâm cảnh ngặt nghèo. Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ, khỏi người bách hại con. Lạy Chúa, xin đừng để con phải nhục nhã, vì đã kêu cầu Ngài” (Tv 31, 10.16.18); 
 
-Khi Chúa bị nhổ vào mặt và bị chê là điên khùng : “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi khinh thường” (Tv 21, 7); 
 
-Khi bị người ta tố cáo vu khống : “Lạy Chúa, xin đừng phó mặt con cho kẻ thù hung hãn; vì lũ chứng gian đứng dậy tố con, giương bộ mặt hằm hằm sát khí.” (Tv 27, 12)
 
Bộ phim cuộc thương khó nổi tiếng mới đây của đạo diễn Mel Gibson diễn tả khá đạt sự đau khổ này.
 
4.Thánh Phaolô 
 
Chính Thánh Phaolô, Tông đồ dân ngoại cũng đã đau khổ nhiều. “Tôi nói như người điên : tôi còn hơn họ nữa ! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần súyt chết. Năm lần bị người Dothái đánh 40 roi bớt một; ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi…” (2 Cr 11, 23-25)
 
Đó là những đau khổ thể xác Phaolô chịu, ngài còn bị một “cái dầm” mà các nhà chú giải cho rằng đó là chứng bệnh kinh niên, phải mang cả đời : “Và để tôi khỏi tự cao tự đại về những mạc khải phi thường tôi đã được, thân xác tôi đã bị một cái dầm đâm vào, một thủ hạ Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thóat khỏi nổi khổ này. Nhưng Ngài quả quyết đối với tôi : ơn của Thầy đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cr 12, 7-9)
 
Phaolô cũng đã bị khổ tâm do nhiều người khác gây nên trong ba cuộc hành trình truyền giáo, ngài đã chia sẻ với các tín hữu Corinthô : “Thật thế, tôi đã đau khổ nhiều, nước mắt chan hòa, lòng se lại mà viết cho anh em.. . ” (2Cr 2, 4) và với Timôthêô: “Alexandre, người thợ rèn, đã gây cho cha nhiều khốn khổ; Chúa sẽ cứ việc anh làm mà trả báo, cả con cũng hãy đề phòng anh ta, vì anh ta mạnh mẻ chống lại lời chúng ta rao giảng.” (2 Tm 4, 14-15)
 
5.Các thánh đã trải nghiệm sự đau khổ.
 
-Thánh Phanxicô Assisi ốm đau liệt lâu ngày đến nổi hễ cử động tứ chi là phải đau đớn ghê sợ, nhưng đã gọi sự đau đớn của ngài là “chị em thân thiết”. 
 
-Thánh nữ Bernadette, người được Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, đã từng chữa lành bệnh tật cho người khác cũng phải đau khổ nhiều : bị chống đối, chịu sỉ nhục, bị bệnh xuyễn hành hạ từ nhỏ và ngày càng trầm trọng cho đến chết. 
 
-Thánh nữ Magarit đệ Cortone chịu đau khổ vì Chúa đã nói : “Ngày nào con còn sống, con hãy chuẩn bị để chiến đấu và chịu những đau khổ gây gắt, vì vàng lọc trong lửa, nên Ta cũng sẽ tẩy rửa con bằng khổ cực, cám dỗ, tàn tật, đau đớn, lo sợ, thức khuya dây sớm, nước mắt, đói khát và ẩm thấp. Vì khi con đã được thanh tẩy, con sẽ vào nơi vinh hiển của hạnh phúc đời đời.” (Lm. Hocedez, Tin Mừng về Đau Khổ, trang 62)
 
Đó chính là giá trị của đau khổ mà thánh Phaolô đã xác quyết : “Thật vậy, tôi nghĩ rằng đau khổ bây giờ chúng ta chịu bao giờ so sánh được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta.” (Rm 8, 18); “Giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích của thân thể Người là Hội Thánh.” (Cl 1, 24)
 
-Thánh Phêrô, người trước kia sợ đau khổ đã chối Thầy, nhờ sức mạnh của Thầy đã tự nguyện xin đóng đinh ngược vì không xứng chết như Thầy, khích lệ những ai đau khổ : “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hĩ.” (1 Pr 4, 13)
 
Vậy chúng ta phải tôn vinh đau khổ và chạy đi tìm đau khổ ư ? Không, không phải thế và nhất là không bao giờ gây đau khổ cho nhau. 
 
-Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, đau đớn trong bệnh tật tâm sự : “Em vui vẻ vì trong mình đang phải đau đớn, em vẫn phải cố gắng yêu quí sự đau khổ và tiếp nhận đau khổ cách niềm nở, tươi tỉnh.. . nay em mỉm cười trước đau khổ và trong đau khổ, với em đã là một tâp quán.” Vị thánh nữ tiến sĩ, qua đời ở tuổi 24 trong bệnh tật, người mà bác sĩ trị bệnh phải thú nhận : “Chà, các bà mà hiểu được sự đau đớn của người ! Tôi chưa thấy ai phải đau đớn thế mà lại vui vẻ được thế ! Lạ lùng ! Chính là một thiên thần! Tôi không thể chữa được người, linh hồn ấy đã bất phục thủy thổ trần gian !”, người nữ tu trẻ vui cười trong đau khổ như là một tập quán, thế nhưng đã khiêm tốn nhìn nhận : “Tuy nhiên chẳng khi nào con dám xin Chúa gởi đau khổ cả thể, vì con hèn sức yếu đuối lắm ! Con mà xin thế những đau khổ ấy sẽ thuộc về con và riêng sức con phải gánh chịu, nhưng sức riêng con có làm nên trò trống gì bao giờ.” (Môt Tâm Hôn, trang 255-256).
 
Bởi vậy, đối đầu với đau thương thử thách, chúng ta chỉ biết chạy đến Chúa “là Đá Tảng, chiến lũy, cứu tinh, thạch động, khiên thuẩn, uy quyền cứu độ, sức hộ phù.” (x. Tv 17, 2-7) của chúng ta. Và hãy khích lệ nhau, cũng như tự khích lệ mình rằng : “Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên can đảm lên nào ! Hãy cậy trông vào Chúa” (Tv 27, 14). “Lạy Chúa, Chúa cho của cải, Chúa vuốt ve, vì sợ con qua mệt nhọc trên đường về quê, Chúa lấy lại, Chúa đánh mắng, Chúa điều khiển để chúng con khỏi rời xa nẻo chính. Nhưng dầu Chúa có vuốt ve hay đánh mắng, Chúa vẫn là nơi ẩn náu của chúng con” (Thánh Augustin).
 
Không cần tìm đau khổ (vì sẽ tự nó đến) và không ngạc nhiên gặp khổ. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, cũng đang hy sinh trong những thử thách về sức khỏe của tuổi già sau quảng đường dài phục vụ quên mình. Ngài đang hướng dẫn Giáo Hội bằng con đường thập giá của Thầy Giêsu Chí Thánh.
 
Đối mặt với đau khổ hiện tại, chúng ta thực hành lời dạy của Thánh Giacôbê Tông Đồ : “Ai trong anh em đau khổ ư ? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng ? Người ấy hãy hát thánh ca.” (Gc5, 13) hầu hướng đến tương lai đầy hy vọng của trời mới đất mới, nơi : “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điêu cũ đã biến mất.” (Kh 21, 4)
 
 
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
 
 
Từ khóa:

mầu nhiệm

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận