Thứ Sáu tuần 27 thường niên.

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/10/2015 02:10 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Sáu tuần 27 thường niên.

"Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".

 

Lời Chúa: Lc 11, 15-26

Khi ấy, (lúc Chúa Giêsu trừ quỷ), thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: "Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ". Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống.

Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: "Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

"Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tán hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.

"Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: "Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi". Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước".

 

Suy Niệm 1: Nương Tựa Vào Chúa

Dù với công thức dài như ở Tin Mừng Matthêu hay ngắn gọn nơi Tin Mừng Luca, Kinh Lạy Cha được kết thúc bằng câu: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ". Nhắc nhở các môn đệ cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ, Chúa Giêsu cũng muốn nói đến một thực tại luôn có mặt trong thế giới này để làm hại con người, đó là sự dữ hay ma quỉ. Ở bên cạnh con người, nhưng ma quỉ không hiện nguyên hình, mà lại mượn chính hình dạng con người để quyến rũ và lôi kéo con người đến điều ác.

Ðó cũng là sự kiện đã xảy ra như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay: sau khi Chúa Giêsu chữa cho một người bị quỉ ám được khỏi, trong đám đông có mấy người nói rằng Ngài đã nhờ thế của quỉ vương Beelzebul mà trừ quỉ. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để mạc khải về Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa đã đến và trong đó có bóng dáng của ma quỉ. Một Phêrô vừa được khen thưởng vì đã tuyên xưng đúng tước hiện của Chúa Kitô, thì lập tức đã bị khiển trách là Satan khi ông căn ngăn Chúa Giêsu lên Yêrusalem để chịu khổ nạn.

Chúa Giêsu đã đến để chiến thắng ma quỉ và tội lỗi, đồng thời Ngài cũng đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát: "Ai không theo tôi, là chống tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán". Hình ảnh người võ trang canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa biết hoàn toàn đặt tin tưởng, phó thác vào Ngài. Tìm một người hùng mạnh để canh giữ cho mình được an toàn thì có ai bằng Thiên Chúa; kiếm một nơi ẩn náu trước những tấn công của kẻ thù, thì có đâu vững chắc cho bằng núp bóng dưới cánh tay Ngài.

Chúng ta phải tìm nơi nương tựa mạnh mẽ, vững chắc, vì ma quỉ như sư tử luôn gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé, làm hại chúng ta. Một lần thất bại, nó không nản lòng, nó sẽ trở lại với một lực lượng hùng mạnh hơn. Bởi đó, chúng ta phải kiên trì trong lời cầu nguyện: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ". Cám dỗ là vũ khí ma quỉ dùng để đánh bại chúng ta, nhưng chúng ta vẫn không nao núng, nếu biết đứng vững trong đức tin để chống cự và biết ẩn núp dưới sự che chở của Chúa.

Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn kiên vững trong niềm xác tín đó.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Quyền Năng Trên Quỉ Dữ

Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là một dấu chỉ để mạc khải nước Thiên Chúa và tình thương giải phóng của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng mọi dấu chỉ đều lưỡng vị, hai nghĩa và người ta có thể giải thích cách này hay cách khác, tùy theo tâm hồn họ như thế nào. Thiên Chúa chấp nhận để cho con người làm như vậy là vì Ngài kính trọng tự do của người chứng kiến và giải thích dấu chỉ. Ðó là điều đã xảy ra và được kể lại trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây.

Nhiều người kính phục quyền năng giải phóng và tình thương nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi và qua hành động của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, vài người khác thì giải thích xấu đi, cho rằng Chúa Giêsu cấu kết với quyền lực của quỷ vương để trừ quỷ con. Nhưng giải thích như vậy không hợp lý gì cả. Lòng gian tà và ý xấu muốn bôi nhọ Chúa Giêsu làm cho họ ra mù quáng và lý luận không còn hợp lý nữa. Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy khuyết điểm này với những lời như sau: "Vương quốc nào chia rẽ thì sẽ bị tan rã. Giờ đây, nếu Satan cũng chia rẽ thì làm sao chúng đứng vững được". Giải thích duy nhất đúng là qua dấu lạ đó mà nhìn nhận Ðấng thực hiện dấu lạ có quyền năng trên quỷ dữ và như thế là Nước Thiên Chúa và hành động giải phóng của Ngài đã đến giữa con người trước mặt họ.

Ðể chấp nhận lời mạc khải của Chúa và trong trường hợp này, lời giải thích của Chúa Giêsu về ý nghĩa của dấu lạ Chúa vừa thực hiện, con người cần nhờ đến ánh sáng siêu nhiên hướng dẫn, cần có đức tin, cần có sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Ðây là điều mà những kẻ thù của Chúa Giêsu không có được đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, chứ không phải là kết luận của suy tư. Vì thế, trước dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện, con người không nhất thiết có thể nhìn nhận ý nghĩa của dấu lạ đó và tuyên xưng đức tin. Nếu đức tin là kết luận của suy tư lý trí thì trước dấu lạ Chúa thực hiện, mọi người đều đã tin Chúa hết cả rồi.

Con người cần khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa ban cho ơn đức tin, để có thể nhận ra ý nghĩa của dấu lạ và được củng cố trong đức tin. Trước dấu lạ của Chúa, con người chỉ có một trong hai thái độ: tin hay không tin; chấp nhận hay chối từ mà thôi. Và một khi đã tin rồi, người đồ đệ cần phải góp phần của mình để bồi dưỡng thêm cho đức tin, góp phần làm cho đức tin được phát triển, được vững mạnh hơn. Nếu không, tình trạng bị mất đức tin sau đó sẽ trở thành tồi tệ hơn trước khi tin Chúa, ma quỷ tấn công trở lại mạnh mẽ hơn muôn vạn cho đến bảy lần hơn.

Ðể hiểu rõ một ai thì cần phải yêu mến người đó và thường xuyên trao đổi với người đó. Ðối với Chúa Giêsu cũng vậy, để biết Chúa nhiều hơn, thì cần phải yêu mến Ngài và có những trao đổi thường xuyên với Ngài qua việc cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa. Ðể có thể luôn luôn đứng về phe Chúa, luôn luôn trung thành theo Chúa thì không có cách nào tốt hơn là hữu hiệu hơn là sống thân mật kết hiệp với Chúa qua việc cầu nguyện và lắng nghe lời Ngài. Ðiều này đòi hỏi chúng ta phải luôn sám hối, hoán cải, để có thể cùng với Chúa mà chiến thắng sức mạnh thần dữ muốn chiếm đoạt chúng ta theo phe chúng.

Lạy Chúa là Cha chúng con.

Chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con đức tin. Xin thương ban xuống tràn đầy Chúa Thánh Thần trên chúng con để chúng con được củng cố mỗi ngày một thêm trong đức tin.

Lạy Chúa.

Xin gia tăng đức tin cho chúng con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Không thuận là chống

“Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.” (Lc. 11, 23)

Đó là lý luận đơn giản. Người ta không thể vừa thuận vừa chống cùng một lúc. Người ta tố cáo Đức Kitô lấy quyền quỷ mà trừ quỷ! Thưa quý vị, quý vị nếu có một chút thông minh, quý vị sẽ thấy rõ đó là cuộc nội chiến ghê gớm của Satan. Thiên Chúa nhân lành đã làm rất nhiều để chống lại Satan và bè lũ của nó. Muốn diệt chúng hoàn toàn, Chúa chỉ để chúng đánh nhau từ trong nội bộ là xong. Nhưng khốn nỗi, không bao giờ Ngài làm thế.

Không, không phải Đức Kitô nhờ tướng quỷ Bendêbút mà trừ quỷ. Người Aramê đã gọi Bendêbút là “chúa phân bớn” “chúa ruồi nhặng”. Những tiếng khinh bỉ đó không bao giờ dám gán cho Đức Kitô. Nhưng những kẻ dám gán cho Người rất quỷ quyệt, tuy nhiên họ lại ngu dốt đến nỗi cho thấy họ đã tự mâu thuẫn với chính mình!

Chính nhờ ngón tay Thiên Chúa có ý nghĩa là sức mạnh của Thiên Chúa mà Đức Kitô hành động. Vì từ nay đi, nhờ Người triều đại Thiên Chúa đã tiếp tục trị đến trong thế gian. Satan không thể nào chống được Con Thiên Chúa. Nó đã rình mò thám thính thử đến thuê mướn Người lúc ăn chay 40 ngày trong sa mạc. Người mạnh hơn nó trên thế gian, từ nay chính Người là Đấng Thiên Sai Cứu Thế! Người đến cứu độ nhân loại. Người ở lại đây, không bỏ đi nữa. Ai ở với Người và không chống lại Người thì được bảo vệ và được nâng đỡ mãi mãi trong tình yêu của Người.

Nhưng xin chú ý, chú ý! Người ta có thể thuận theo Người, thành thật chọn Người, muốn theo Người tới cùng, bằng mọi giá, tin cậy núp bóng Người luôn luôn! Nhưng đừng tưởng Satan không còn nữa, thời của nó đã trôi vào quá khứ, nó không còn thể chống lại loài người nữa; chối quyền lực của nó thì liều mình đi đến sa ngã thất bại. Nó còn hoạt động hơn bao giờ hết! nó biết lừa cơ hội để khai thác những yếu đuối sâu sa của chúng ta một cách đáng sợ! những làn sóng ngầm của sự dữ lôi cuốn thế giới chúng ta là chứng cớ rõ ràng có bàn tay lầm ngầm của ma quỷ. Sự đánh thức những bản năng hạ đẳng nhất của nhân loại là dấu chỉ chắc chắn quỷ đang có mặt giữa chúng ta! đừng sợ, đừng đánh thức những thú hạ đẳng đó, dù thần dữ không bao giờ đầu hàng, nhưng hãy tin cậy vững mạnh vào Đức Kitô vì Người đã chiến thắng thế gian; Phần chúng ta phải sáng suốt đi theo Người.

GF
 

 SUY NIỆM 4

1. Sự hiện diện của ma quỉ

Ít có khi nào Đức Giê-su nói về Satan và các thần của nó rõ và nhiều như trong bài Tin Mừng hôm nay. Trong sách Linh Thao, thánh Inhaxiô Loyola cũng nói rõ và nhiều về Satan và các thần của nó, khi truyền đạt lại cho chúng ta các qui tắc nhận định thần loại (x. LT 313-336).

Ngày nay, Satan và các thứ quỉ của nó ít được nói tới, nhưng sức mạnh của chúng dường như càng ngày càng lớn mạnh ở mọi cấp độ: cá nhân, nhóm và cả một cộng đồng, một xã hội. Satan và các thứ quỉ của nó không cần ra mặt nữa, vì thế giới loài ngày nay mang lại cho chúng quá nhiều phương tiện để ẩn nấp và sử dụng nhằm phá hoại sự sống của con người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói tới cả một “nước hay triều đại của Satan”, cùng một từ ngữ basileia, khi Ngài nói về Nước hay Triều Đại của Thiên Chúa.

Khi được ơn hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô, được các Tin Mừng kể lại, chúng ta sẽ nhận ra một cách dễ dàng Satan và những gì thuộc về Satan.

2. Vương quốc của Satan

Đức Giê-su trừ một tên quỉ, và đó là quỉ câm. Như thế, có một thứ quỉ làm cho câm lặng, làm cho không nghe được thực sự, và vì thế không nói được thực sự. Bởi vì, câm là do điếc. Chúng ta cũng hay điếc với Chúa, điếc với anh em đồng loại, nên chúng ta câm. Vì thế, chúng ta cũng có thể bị quỉ câm ám!
Tuy nhiên, bài Tin Mừng còn kể lại cho chúng ta có một thứ “câm điếc” nghiêm trọng hơn: “câm điếc” đối với những dấu chỉ mà Thiên Chúa ban qua Đức Giê-su. Cùng chứng kiến dấu chỉ mà Đức Giê-su vừa thực hiện, một dấu chỉ đầy ý nghĩa, nhưng:

- có một số người bảo ông ấy dựa thế quỉ vương mà trừ quỉ;

- còn những người khác thì muốn thử Ngài, đòi một dấu lạ từ trời.

Và những phản ứng này diễn ra ở trong thâm tâm. Chắc chắn là Đức Giê-su rất buồn lòng, chúng ta cần nghiệm ra tâm tình của Ngài ở bên dưới những lời Ngài nói. Và Ngài nói một tràng dài, rất tự phát và mạnh mẽ về ma quỉ: Ngài nói về vương quốc của chúng, về sức mạnh của chúng và về thói quen của chúng 
Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? … bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông…” (c. 17-20)

3. Vương Quốc của Đức Giê-su

Tuy nhiên, xét cho cùng, những người nghe Đức Giê-su và phản ứng như thế, đâu đã đến nỗi nào, nghĩa là chưa rơi vào tình trạng tệ hại vì bị một tên quỉ cộng thêm bảy tên quỉ khác dữ hơn làm chủ. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về chính mình, về cộng đoàn hay cộng đồng của chúng ta.

Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: “Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.” Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước. (c. 24-26)

Nhưng đàng khác, những người nghe Đức Giê-su ngày xưa cũng như hôm nay vẫn chưa có một một lựa chọn dứt khoát và triệt để Tin Mừng của Đức Giê-su vàTriều đại Thiên Chúa, vẫn chưa để cho mình bị cuốn hút bởi Thần khí của Giê-su. Nếu chúng ta đang trong tình trạng “dở dở ương ương” như thế, Đức Giê-su cảnh báo cho chúng ta rằng, chúng ta sẽ tất yếu rơi vào tình trạng tệ hại, nghĩa là rơi vào lưới, hay nước của Satan. 
Biết và giữ các giới răn mà không có Thần Khí, cũng là một thứ “dở dở ương ương” hay “có, không ra có; không, không ra không” (x. Gl 3, 7-14). Bởi vì, việc giữ luật sẽ trở nên vô nghĩa, nặng nề và chỉ có vẻ bề ngoài, khi người ta không biết hay không cần biết mình giữ luật là vì ai, nhờ ai và cho ai? Đức Giê-su là Đường, Sự Thật và Sự Sống và Người sẽ giúp chúng ta hoàn tất Lề Luật theo Thần Khí (x. Mt 5, 17-48). Đó chính là ý nghĩa của những lời thật mạnh mẽ này của Đức Giê-su:

Ai không đi với tôi là chống lại tôi,
và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Suy niệm 5

A- Phân tích (Hạt giống...)

1. Các câu 14-16: Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ trừ một quỷ câm, dân chúng phản ứng 3 cách khác nhau: a- Đa số “ngạc nhiên”, nghĩa là thán phục; b- Một nhóm xuyên tạc rằng Ngài đã dựa thế quỷ vương Bêendêbun để trừ quỷ nhỏ; c- Nhóm thứ ba nửa tin nửa ngờ nên muốn có một dấu lạ “từ trời” để chứng nhận Chúa Giêsu chính là người từ Trời sai xuống.

2. Các câu 17-23: Để trả lời cho những kẻ không tin (nhóm thứ hai), Chúa Giêsu lý luận rằng: ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại thuộc hạ của nó. Bởi thế, việc Chúa Giêsu trừ quỷ không phải là dựa vào thế của quỷ vương. Nếu việc đó không do quỷ vương thì do đâu? Thưa do một quyền lực mạnh hơn ma quỷ, tức là Thiên Chúa. Như thế, phép lạ này là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.

3. Các câu 24-26: Đây là Chúa khuyến cáo các môn đệ của mình. Đành rằng ma quỷ đã bị Chúa Giêsu đánh bại, nhưng các môn đệ chớ có lơ là cảnh giác. Ma quỷ tìm cách quay trở lại và có thể làm hại họ nặng hơn trước nữa.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Thực tại về ma quỷ: Nhiều người ngày nay không còn tin vào ma quỷ. Tội lỗi được biện minh bằng sự yếu đuối và thiếu tự do nơi con người. Quỷ ám được giải thích như những chuyện thần thoại mà khoa tâm lý chiều sâu tìm cách giải thích. Những cám dỗ chỉ còn là sản phẩm của óc tưởng tượng. Chiến thuật của ma quỷ trong thế giới xem ra không phải là sự đe dọa con người bằng những ám hại, mà chính là thuyết phục con người tin rằng nó không có mặt trên trần gian này. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

2. Người hạnh phúc nhất mà tôi từng được biết, đó là một người Ái Nhĩ Lan tên Dundee.

Ông Dundee bị té gãy lưng từ năm 15 tuổi, sau đó phải nằm trên giường bệnh rất đau đớn trong suốt 40 năm. Nhưng lúc nào ông cũng tươi cười. Tôi hỏi:

- Có khi nào ông bị quỷ cám dỗ không? Chẳng hạn nó nói với ông rằng ‘nếu Chúa thương ông thì chẳng để ông phải liệt giường như vậy’?

- Có chứ! Rất nhiều lần. Nó thường dẫn trí óc tôi nhìn đến cảnh sung sướng của người khác và nói với tôi như thế. Nhưng tôi cũng dẫn nó tới đồi Canvê, chỉ cho nó thấy Chúa Giêsu đang chết trên Thập giá. Và tôi hỏi lại nó ‘thế Chúa không thương tôi sao’? Kết quả là lần nào nó cũng vội vàng rút lui.

(Moody’s story)

3. Sự mù quáng do ganh tị: Vì ganh ghét Chúa Giêsu nên các kẻ thù của Ngài đã bị mù quáng. Chẳng những họ không nhận ra ý nghĩa việc Ngài trừ quỷ, mà còn xuyên tạc rằng Ngài làm như thế là dựa vào sức quỷ vương.

4. Có một câu chuyện nói về sự ganh tị như sau:

Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp: “Được. Nhưng tôi không có tên”. Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa... cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy con đại bàng trụi cánh về làm thịt.

Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc bạn chỉ tổ hại chính bản thân mình. (D.L. Moody)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con ước ao được trở nên giống Chúa: nhỏ bé, đơn sơ. Chúng con ước ao luôn sống khiêm hạ như Chúa đã sống làm gương cho chúng con. Xin cho chúng con biết đón nhận ân huệ của Chúa trong tâm tình tri ân cảm tạ. Xin giúp chúng con biết vui với phận mình để tránh khỏi những ganh tị, ghen ghét làm mất vẻ đẹp hợp nhất của Giáo hội chúng con.

Nhưng Chúa ơi! Bản tính chúng con thường hay xét nét so bì với nhau. Ðã nhiều lần chúng con thích tự tôn mình lên. Chúng con không muốn thua người khác. Chúng con vẫn thường trách Chúa đã không thương chúng con như những người khác. Sao Chúa không cho chúng con tài năng như họ? Sao Chúa không cho chúng con thành công như người này, người kia? Sao Chúa không cho chúng con có mái tóc, khuôn mặt đẹp hơn người khác? Chúng con thường bất mãn về chính mình. Chúng con thường than trách Chúa. Xin tha thứ cho chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con tâm hồn đơn sơ để chúng con nhận ra tất cả là quà tặng mà Chúa mang đến cho chúng con. Xin giúp chúng con biết đón nhận mọi sự với lòng tín thác trọn vẹn nơi Chúa. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận