Thứ Ba tuần 27 thường niên.

Đăng lúc: Thứ ba - 06/10/2015 01:40 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Ba tuần 27 thường niên.

"Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất".

 

Lời Chúa: Lc 10, 38-42

Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

 

Suy Niệm 1: Lắng Nghe và Chiêm Niệm

Ngày nay, những tiện nghi do tiến bộ kỹ thuật mang lại đang tạo ra một nền văn hóa mới đặt tính hiệu năng và khả năng tiêu thụ lên hàng đầu bậc thang giá trị: người được đánh giá cao là người tài giỏi, giầu có, làm ra tiền và có khả năng tiêu thụ cao. Trong một nền văn minh như thế, dĩ nhiên những giá trị luân lý, tôn giáo hoặc bị đưa xuống thành thứ yếu, hoặc bị quên lãng và ngay cả bị chà đạp. Ðây là một thách đố lớn lao đối với Giáo Hội. Giáo Hội qua các Kitô hữu hiện diện như một dấu chỉ của cuộc sống mai hậu và những giá trị siêu việt, nhưng liệu các Kitô hữu có còn đủ thức tỉnh và can đảm làm chứng cho những giá trị siêu việt ấy không hay chính họ cũng chiều theo cám dỗ chạy theo dòng đời, thỏa hiệp với những sức mạnh tăm tối đang xói mòn những giá trị luân lý đạo đức và loại bỏ chiều kích thiêng liêng ra khỏi cuộc sống con người?

Tin Mừng hôm nay có thể được lắng nghe và suy niệm với nỗi thao thức ấy. Chúa Giêsu hẳn không làm một cuộc so sánh về hai thái độ: một của Marta tất bật với việc tiếp đãi khách, và một của Maria ngồi bên chân khách để trò chuyện. Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể và tích cực qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên ân cần. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Marta. Ngài chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria đang ngồi dưới chân Ngài để nói lên thái độ cơ bản mà con người phải có đối với Thiên Chúa, đó là thái độ lắng nghe và chiêm niệm.

Hơn bao giờ hết, sự hiện diện của những người hiến dâng cho việc cầu nguyện và chiêm niệm là một trong những kho tàng quí giá nhất của thời đại chúng ta, để nhắc nhở cho thế giới rằng cuộc sống con người không chỉ giản lược vào điều mà thánh Phaolô gọi là chuyện ăn, chuyện uống, tôn thờ cái bụng, và rằng cuộc sống chỉ có giá trị và đứng vững vì chính chiều kích siêu việt, thiêng liêng của nó.

Trong một bài nói chuyện với các nữ tu của một Dòng Kín tại Mêhicô năm 1979, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cao sự hy sinh của họ như sau:

"Cuộc sống của chị em quan trọng hơn bao giờ hết; sự hiến thân trọn vẹn của chị em đầy tính thời sự. Trong một thế giới đang đánh mất dần ý thức về thần linh, trong một thế giới đề cao quá mức những thực tại vật chất, hỡi các nữ tu thân mến, các chị lại dấn thân vào các tu viện Kín để làm chứng cho những giá trị mà các chị sống cho. Các chị là những chứng nhân của Chúa cho thế giới ngày nay; với lời cầu nguyện, các chị đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong Giáo Hội và con người ngày nay".

Những lời của Ðức Gioan Phaolô II không chỉ đề cao chứng từ của các Tu sĩ chiêm niệm, mà còn nhắc nhở cho các Kitô hữu về chính chứng từ của sự cầu nguyện của họ. Có những người hiến thân trọn vẹn cho sự cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không phải là độc quyền của một số người, mà phải là hơi thở cho tất cả những ai có niềm tin. Có những giây phút dành cho việc cầu nguyện đã đành, nhưng người Kitô hữu phải sống thế nào để biến cả cuộc sống của họ thành lời cầu nguyện. Chiêm niệm không chỉ là hoạt động dành riêng cho một số người hay một số giờ hoặc một số nơi nhất định. Chiêm niệm chính là thái độ tìm kiếm, lắng nghe và suy niệm bao trùm mọi sinh hoạt của người Kitô hữu.

Nguyện xin Chúa nung nấu sự khát khao trong tâm hồn chúng ta, để chúng ta luôn hướng về Ngài, tìm kiếm Ngài và kết hiệp với Ngài trong mọi sự. Nguyện xin Mẹ Maria là Ðấng luôn cất giữ và suy niệm mọi sự trong lòng, hướng dẫn chúng ta trong thái độ cầu nguyện và chiêm niệm của Mẹ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Lao Ðộng Và Cầu Nguyện

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Mácta đáng cho ta suy nghĩ thêm. Các nhà chú giải đề ra hai điểm. Trước hết Chúa Giêsu không có ý định giảm giá trị của công việc tiếp rước Chúa mà Mácta đang làm nhưng Ngài cảnh tỉnh Mácta về nguy hiểm Mácta đang lao vào, đó là thái độ ganh tị, thái độ muốn tách rời Maria ra khỏi Chúa Giêsu; kế đến Chúa Giêsu làm nổi bật một điểm tốt mà Maria đã biết rút ra từ hoàn cảnh, đó là đến ngồi bên Chúa lắng nghe và nói: "Việc lắng nghe Chúa có ưu tiên hơn, vì con người không sống nguyên bởi bánh mà thôi, nhưng còn do bởi lời Thiên Chúa phán ra. Vì thế, hãy tìm nước Thiên Chúa trước rồi mọi sự khác sẽ được ban cho dư đầy". Chúa Giêsu không đề ra một lựa chọn giữa một trong hai điều: hoặc làm việc, thái độ của Mácta; hoặc chiêm niệm, thái độ của Maria, để rồi chỉ chấp nhận một thái độ duy nhất của Maria mà thôi.

Không có sự đối nghịch giữa hoạt động và chiêm niệm trong đời sống người Kitô, bởi vì cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch là lời Chúa và cùng hướng đến một mục tiêu là phục vụ nước Chúa.

Việc lắng nghe lời Chúa được hướng đến hành động và hành động cần được nuôi dưỡng bởi lời Chúa. Ðây là hai khía cạnh của mối phúc thật: lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Mối phúc thật này đã được Chúa Giêsu tuyên bố khi Ngài trả lời với người nữ từ trong dân chúng cất tiếng chúc tụng mẹ, cũng như trả lời cho những kẻ báo tin cho Chúa biết là có mẹ và anh em Chúa đang chờ, thì lúc đó Chúa Giêsu trả lời: "Nhưng phúc thật cho những ai lắng nghe lời Chúa và tuân giữ lời ấy; những kẻ đó mới là mẹ Ta và anh em Ta". Hai chị em Mácta và Maria nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô cũng như cho mọi người Kitô thuộc mọi thời đại về hai thái độ luôn bổ túc cho nhau, để tiếp nhận nước Chúa được hiện diện nơi chính Chúa Giêsu Kitô. Không phải chỉ cầu nguyện chiêm niệm không mà thôi; cũng không phải chỉ có hoạt động vì hoạt động. Nhưng chiêm niệm và hoạt động phải là hai chiều kích hòa hợp với nhau của cùng một trách vụ, đây là hai yếu tố không thể nào thiếu vắng của việc theo Chúa. Trong những hoàn cảnh cụ thể và tùy theo mỗi hoàn cảnh cụ thể, mà người đồ đệ của Chúa thực hiện việc hòa hợp cụ thể này giữa cầu nguyện và hoạt động. Thật là sai lầm to nếu ta muốn canh tân xã hội mà không cần cầu nguyện, nghĩa là không cần lắng nghe lời Chúa, không đối thoại với Ngài. Ðể hoạt động của chúng ta có thể trổ sinh kết quả, người đồ đệ của Chúa cần dành thời giờ im lặng để lắng nghe lời Chúa và đối thoại với Ngài. Trong ý nghĩa này, chiêm niệm là phần tốt hơn mà Maria đã chọn, nhưng không phải là phần tách rời ra khỏi việc làm, không ăn thua gì đến việc làm. Ðức tin chúng ta phải là đức tin có sức tác động qua đức bác ái, đàng khác cầu nguyện không làm cho người đồ đệ xa lạ với cuộc sống và những vấn đề của con người. Nhưng ngược lại, cầu nguyện làm cho người đó được thêm sức mạnh để hoạt động biến đổi xã hội, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc.

Lạy Chúa,

Xin giúp con hiểu và thành công hòa hợp được hai yếu tố không thể tách rời của đời sống Kitô đích thực này là làm việc và cầu nguyện. Ước chi mọi việc con làm đều phát xuất từ cầu nguyện, từ việc lắng nghe lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức mạnh được trao ban trong những giây phút con trở về lắng nghe Chúa nói.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Hành động và chiêm niệm

Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc. 10, 41-42)

Trong đoạn Tin Mừng này, Thánh Luca kể lại biến cố trong bữa cơm gia đình ấm cúng giữa Đức Giêsu, Matha và Maria, ông đặc biệt lưu ý đến vấn đề chiêm niệm và hành động, không phải chỉ có chiêm niệm hay hành động riêng rẽ.

Chắc hẳn, Đức Kitô không muốn đối lập Maria với Matha. Người chỉ ghi nhận những ưu tiên, nhưng không lên án những hành động của Matha. Cả hai chị em đều mến Chúa bằng nhau! nhưng mỗi người mỗi vẻ. Matha thích hành động, chị cảm thấy cần thiết đón khách chu đáo đàng hoàng mới tỏ ra lòng mến khách, quý khách. Cho nên, chị cần chuẩn bị nhiều thứ.... như vậy rất có lý! nhưng chị quá lo lắng bối rối nhiều chuyện quá. Chúa đã lưu ý chị thế! Chắc chắn là cần thổi nấu, sắp đĩa bát, dọn bàn ăn! quá lo lắng, áy náy không hợp với lúc này! Điều quan trọng chính là họp mặt, gặp gỡ nhau, trao đổi tâm sự hơn là mâm cao cỗ đầy.

Maria, cô ngồi bên chân Thầy rất mến, ngây ngất lắng nghe Người không ngớt! Hai người nói gì với nhau? bản văn không nói gì đặc biệt. Có phải nói về cái chết sắp tới của Người như đã nói với các Tông Đồ, về mọi thứ đau khổ Người mong chờ và chấp nhận để cứu chuộc loài người chăng? Cũng có thể Người nói với Maria về ý nghĩa ngược đời của tám mối phúc thật, về hạnh phúc nước trời. Khó với tới và những đòi hỏi vượt sức loài người của đức ái Kitô giáo! Không ai biết được câu chuyện đó như thế nào! nhưng Maria rất ham thích lắng nghe! Khi người ta yêu, người ta không chán nghe người yêu nói.

Matha bất bình như mọi người hoạt động bất bình với những người chiêm niệm: không làm gì nhưng lại rất hoạt động và hoạt động đúng nhất. Đức Giêsu đã đặt lại những giá trị, Người nói: “Tội nghiệp Matha, chị làm cũng được, Thầy khen chị, cám ơn chị, nhưng hãy tin Thầy đi, chị không biết rằng chị cần thấy: lúc chúng ta ngồi với nhau để chia vui sẻ buồn là tốt nhất, là lịch duyệt và dễ thương nhất! chị thử coi tình yêu chứng tỏ bằng những cử chỉ chị làm lúc này, không thể bằng ánh mắt chăm chú biểu lộ lòng yêu mến đối với sự hiện diện của Thầy được!

Không cần tiếng khua nồi niêu bát dĩa... nhưng cần thinh lặng hết lòng yêu mến tôn thờ”.

GF.
 

Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống...)

Bài Phúc Âm hôm nay có 3 nhân vật: nhân vật chính là Chúa Giêsu, hai vai phụ là Mácta và Maria mỗi người phục vụ Chúa một cách khác nhau:

Mácta lăng xăng lo cơm nước, nơi nghỉ ngơi.v.v...
Maria “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy.”

Mácta cảm thấy khó chịu, nên xin Chúa Giêsu bảo Maria giúp mình. Nhưng Chúa Giêsu nói: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”, đó là việc Maria đang làm, tức là ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Chúa.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Ở bên chân Chúa:

a/ Thánh sử Luca thích trình bày hình ảnh người ta ở bên chân Chúa:

Lc 7,36-45: một hôm có một phụ nữ tội lỗi nghe biết Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà một người biệt phái. Nàng tìm đến đó, quì dưới chân Chúa và khóc đến nỗi nước mắt làm ướt chân Ngài. Tư thế bên chân Chúa trong trường hợp này là quì,và tâm tình là sám hối.

Lc 17,11-19: Lần khác Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi. Trong số đó có một người đã trở lại sấp mình dưới chân Chúa để tỏ lòng biết ơnTư thế ở bên chân Chúa trong trường hợp này là sấp mình, và tâm tình là tạ ơn.

- Lc 8,40-56: Con gái ông Giairô bị bệnh nặng. Ông chạy đến sấp mình dưới chân Chúa để van xin Ngài đến cứu con gái ông. Tư thế trong trường hợp này cũng là sấp mình, và tâm tình là xin ơn.

Lc 8,26-39: Có một người bị quỷ ám ở Ghêrasa. Sau khi được Chúa cứu, anh ngồi bên chân Chúa và sau đó xin đi theo Ngài. Tư thế lần này là ngồi, và tâm tình là muốn đi theo Chúa.

- Đoạn Phúc Âm hôm nay kể chuyện Maria ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. Tư thế ngồi, tâm tình lắng nghe.

Tóm lại, ở bên chân Chúa có thể là ngồi, quì hay sấp mình sâu thẳm. Và tâm tình có thể là tạ ơn, sám hối, van xin, bày tỏ thiện chí muốn đi theo hay lắng nghe học hỏi.

b/ Ở bên chân Chúa trong tư thế nào cũng được và với tâm tình nào cũng được, miễn là ở bên chân Chúa. Và chính Chúa Giêsu cũng đề cao việc ở bên chân Ngài: "Mácta Mácta, con lo lắng bồn chồn nhiều quá. Nhưng chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất".

c/ Tư thế ở bên chân Chúa là

- tư thế khiêm tốn.
- tư thế gần gũi gắn bó.
- tư thế trầm lắng, bình an.

Hằng ngày chúng ta làm nhiều việc, ở nhiều nơi và với nhiều tâm trạng. Đoạn Phúc Âm này và những đoạn tương tự nhắc chúng ta có một nơi rất tốt, đó là ở bên chân Chúa. Chúng ta hãy tìm dịp đến bên chân Chúa, bên chân Chúa chúng ta có thể ngồi, có thể quì, có thể sấp mình sâu thẳm. Chúng ta có thể van xin, có thể tạ ơn, có thể sám hối, có thể bày tỏ thiện chí muốn theo Chúa, có thể trầm lắng đón nghe lời Ngài. Đó là điều Chúa rất ưa thích và cũng rất ích lợi cho chúng ta.

2. “Tất cả vì Chúa và cho Chúa”, đó có lẽ cũng là bài học Chúa Giêsu muốn nói đến qua đoạn Phúc Âm hôm nay. Lời Chúa mời gọi chúng ta thống nhất đời sống. Có những giây phút ưu việt dành cho cầu nguyện, thờ phượng; còn phần lớn thời giờ được dành cho những sinh hoạt khác. Đối với Kitô hữu, phải biến mọi sinh hoạt thành lời cầu nguyện kéo dài, thành những hy tế trên bàn thờ. Chính qua những sinh hoạt ấy, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe, thực thi thánh ý Thiên Chúa.” (Trích: “Mỗi ngày một tin vui”)

3. Đôi tay để làm việc phục vụ cũng quan trọng, nhưng đôi tai lắng nghe Lời Chúa và đôi đầu gối quì bên chân Chúa quan trọng hơn.

4. “Mácta đón Người vào nhà. Cô nói người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Ngài dạy. Còn Mácta tất bật lo việc phục vụ.” (Lc 10,39-40)

Cô giáo môn tiếng Anh của tôi không phải là người Công giáo. Một hôm cô nói với lớp:“Không hiểu vì sao cô rất thích nghe nhạc của đạo Công giáo. Những bài hát ấy có một sức lôi cuốn nào đó, mỗi lần nghe cô cảm thấy tâm hồn thanh thoát vui tươi và cuộc sống thật hạnh phúc.” Nói xong cô hỏi lớp: “Lớp mình có bạn nào người Công giáo không? Hãy nói cho cô và các bạn nghe về Chúa!” Cả lớp vẫn im lặng. Tôi muốn nói nhưng khổ nỗi vào giờ này không ai được nói tiếng Việt. Tôi biết Chúa nhưng nói về Chúa bằng tiếng Anh thì không thể, vì tôi không có đủ vốn từ và cũng không biết phải nói làm sao.

Tôi buồn vì đã bỏ qua một cơ hội để nói về Chúa cho cô và các bạn chỉ vì thiếu khả năng ngoại ngữ. Từ đó bên cạnh việc học hỏi và chia sẻ Lời Chúa, tôi sẽ nói bằng tất cả lòng yêu mến và kiến thức sẵn có của mình.

Lạy Chúa! Cả hai thái độ của Mácta và Maria đều cần thiết cho con trong cuộc sống hôm nay. Xin cho con vừa là Maria vừa là Mácta để con xứng đáng là chứng nhân đích thực của Chúa. (Hosanna)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con cám ơn Chúa đã ở lại với chúng con. Chúng con cám ơn Chúa đã luôn đồng hành với chúng con. Qua Bí tích Thánh Thể Chúa đã tỏ bày lòng yêu thương vô bờ bến dành cho chúng con. Một tình yêu cho đi mà chẳng mong đền đáp. Một tình yêu dâng hiến nên của ăn nuôi dưỡng cho người mình yêu. Xin giúp chúng con cũng trở nên dấu chỉ yêu thương cho anh em.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, tháng Môi Côi còn mời gọi chúng con hướng về Mẹ Maria, là người Nữ Thánh Thể, là một con người đầu tiên đã sẵn lòng trở thành Đền thờ cho Chúa ngự trị. Mẹ đã chuẩn bị cho Chúa một đền thờ thật thanh khiết vẹn tuyền. Mẹ còn là một tông đồ Thánh Thể nhiệt thành khi Mẹ đem Chúa đến cho nhà Giacaria. Mẹ là người đầu tiên đã kết hợp đau khổ của mình vào đau khổ của Chúa để cứu rỗi chúng sinh. Xin giúp chúng con biết noi gương Mẹ. Xin ban cho chúng con quả tim biết sống quảng đại, biết nỗ lực cộng tác với ơn Chúa để hoàn thành sứ mạng Chúa trao. Xin cho chúng con vững lòng cậy trông vào kế hoạch cứu rỗi của Chúa, cố gắng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, theo mẫu gương của Mẹ Maria. Xin cho chúng con cũng biết dâng những hy sinh mỗi ngày qua việc lần hạt Môi Côi, sống bác ái huynh đệ để đền bù cho tội lỗi nhân loại và đem Tin Mừng cứu rỗi đến toàn thế giới.

Lạy Chúa, xin thương ngự đến tâm hồn chúng con, và biến chúng con thành môn đệ của Chúa. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận