Thứ Bảy tuần 20 thường niên.

Đăng lúc: Thứ bảy - 26/08/2017 01:00 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

 Thứ Bảy tuần 20 thường niên.

"Họ nói mà không làm".

 

Lời Chúa: Mt 23, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm.

Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là "Thầy", vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là "cha", vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là "người chỉ đạo": vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Ðề phòng thái độ giả hình

Theo các văn thư của Ðức Giáo Hoàng Innocentê để lại, thì thời của Ngài, tức thế kỷ 12, là một trong những thời kỳ suy thoái nhất của giáo huấn về đức tin và luân lý: tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các vị lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài.

Lúc đó thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện, ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài; ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống đạo một cách nghiêm túc; ngài đi cho đến tận cùng trọng cuộc sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ, Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp.

Trong giai đoạn hiện nay, mẫu gương của thánh Phanxicô Assisiô thôi thúc chúng ta hơn bao giờ hết.

Tin Mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo Hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh Kitô. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu. Khi căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?

Câu hỏi mà chúng ta không ngừng đặt ra là cuộc sống đạo của tôi có thực sự là một đóng góp vào việc cải tạo một xã hội đang băng hoại về đạo đức và những giá trị tinh thần không? Giáo Hội mà tôi là thành phần, có xứng đáng là điểm tựa đạo đức cho nhiều người không?

Xin Chúa soi sáng hướng dẫn chúng ta để chúng ta không ngừng nhìn lại bản thân và nhận ra những thiếu sót lầm lỡ trong cuộc sống đạo, ngõ hầu từ đó chúng ta quyết tâm vươn lên mỗi ngày trên đường theo Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Trung Thực Với Lời Nói

Những lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với các kinh sư, những nhà thông thái Kinh Thánh biết rõ về Luật Môsê để giảng dạy cho dân chúng được hướng tới hai tật xấu quan trọng là giả hình và khoe khoang. Giả hình vì nếp sống cụ thể của họ không phù hợp với những gì họ giảng dạy cho dân chúng. Họ nói mà không làm, họ giải thích Luật Môsê cách tỉ mỉ nhưng là để cho kẻ khác tuân giữ còn họ thì không thèm động ngón tay vào đó. Thật ra không phải là họ không tuân giữ, vì họ luôn ăn chay, bố thí cho đền thờ, họ cầu nguyện, họ đọc Kinh Thánh. Nhưng họ làm tất cả những điều này để làm cho người ta trông thấy, để được khen thưởng, được danh lợi. Họ làm những điều tốt lành đó là để khoe khoang, là để được người khác nhìn thấy, là để được tranh hơn thiệt, để được chỗ ngồi danh dự, để được gọi là thầy, đó là họ thực hành những hình thức bên ngoài và không có tinh thần tôn thờ và yêu mến Chúa nơi chính họ. Chúa Giêsu trách những kinh sư và biệt phái như thế là để cảnh tỉnh các môn đệ đừng đi vào con đường không tốt.

Việc người thì sáng, việc mình thì quáng. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy và phơi bày những tật xấu của anh chị em nhưng lại làm ngơ hoặc che dấu những tật xấu của chính mình. Trước đó, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh các môn đệ Người như sau: "Nếu sự công chính của các con không hơn sự công chính của các kinh sư và những biệt phái, thì các con sẽ không được vào Nước Trời; các con đừng để ai gọi mình là Thầy, vì chỉ có một Thầy, còn tất cả các con là anh chị em với nhau". Cộng đoàn các môn đệ chỉ có một Chúa Giêsu là Thầy và một Thiên Chúa là Cha. Chúng ta nên lưu ý đoạn Tin Mừng này không có ý chối bỏ quyền hành trong cộng đoàn những đồ đệ, nhưng chỉ chống lại lòng ham quyền, ham danh, lạm dụng địa vị để phục vụ cho cái tôi cao ngạo của mình. Những con người ham quyền ham danh như vậy muốn chiếm chỗ của Thiên Chúa trong tâm hồn anh chị em.

Chúa Giêsu không loại bỏ tác vụ phục vụ cộng đoàn để hướng dẫn cộng đoàn: "Ai nghe các con là nghe Thầy", nhưng Chúa muốn lưu ý rằng những thừa tác viên của Chúa có trách nhiệm đối với cộng đoàn cần sống nêu gương cho anh chị em, thực hành trung thực những gì mình rao giảng.

"Ai làm lớn trong các con phải là kẻ phục vụ cho tất cả". Quyền hành trong cộng đoàn những kẻ tin Chúa là quyền thừa tác nhân danh Chúa và phục vụ anh chị em, giúp anh chị em đến với Chúa chứ không phải là để cho quyền hưởng lợi cá nhân. Tất cả mọi thành phần trong cộng đoàn, những đồ đệ đều phải hướng về cùng một điểm trung tâm duy nhất là Thiên Chúa Cha và sống hiệp nhất, hiệp thông với nhau trong Chúa Kitô.

Lạy Chúa,

Xin giải thoát các con khỏi cám dỗ sống giả hình, khoe khoang. Xin thương củng cố chúng con tất cả trong ơn gọi và sứ mạng riêng biệt của mình nơi cộng đoàn dân Chúa. Xin đổ tràn ơn Chúa Thánh Thần xuống trên các con, giúp các con hiểu biết và yêu mến Chúa hết lòng và dấn thân hết sức mình phục vụ lẫn nhau vì yêu mến Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Phục Vụ Người Khác.

Bấy giờ Đức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ của họ mà làm, vì họ nói mà không làm.

Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. (Mt. 23, 1-3. 12)

Chúa nhấn mạnh: “Người lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em” lần thứ nhất, Người nói với các môn đệ: “Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt. 18, 4) Khi Phê-rô lên tiếng thay cho các tông đồ hỏi: “Chúng con sẽ được gì?” Đức Giêsu đáp: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, nhiều kẻ đứng hàng chót sẽ được lên đầu.” (Mt. 19, 30). Rồi Người kết thúc dụ ngôn thợ làm vườn nho thế này: “Thế là kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và những kẻ đứng hàng đầu sẽ đứng chót.” (Mt. 20, 16). Sau đó một chút, Đức Giêsu còn nhắc lại: “… Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải là người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu giữa anh em, thì phải là người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu giữa anh em, thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt. 20, 26-27) Chúa lên Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng, người lại kêu gọi các tông đồ: Ai giầu có về tài năng, về sáng kiến, về thông minh, về tấm lòng, phải làm đầy tớ! vì chính con người, đứng hàng đầu phải làm người đứng chót! “Chính con người đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ, và thí mạng sống mình” (Mt. 20, 28).

Chỉ cho tiền …

Đức Giêsu khiển trách Pha-ri-sêu và luật sĩ thời đó, và cả thời chúng ta nữa: không giúp đỡ anh em! càng giầu, người ta càng phải cho đi! cho đi tiền của có thể là một lăng nhục, nếu người ta chỉ vì cậy có tiền.

Tiền không diễn tả được sự hy sinh hiến thân, tiền của giầu sang không làm cho ai hài lòng, bởi vì khi cho tiền, họ lại trở nên kẻ biển lận mà họ có.

Chúng ta cần lưu ý Chúa luôn luôn nói với những người giầu: chính họ cần thiết phải sống theo Tin Mừng … Vậy người ta có can đảm dùng mọi của cải giầu có, dùng mọi quyền thế đề phục vụ người nghèo vì thực thi Tin Mừng không?

J.M

 

Suy niệm 4:

Nửa sau của bài Tin Mừng hôm nay 
có thể làm chúng ta bị sốc. 
Ðức Giêsu bảo ta đừng để ai gọi mình là thầy, 
vì chỉ có một Thầy, một vị lãnh đạo là chính Ngài; 
cũng đừng gọi ai là cha, 
vì chỉ có một Cha là Thiên Chúa trên trời. 
Vậy mà chúng ta vẫn gọi nhiều vị trong Hội Thánh 
là cha, là Ðức Thánh Cha, 
là giáo phụ, thượng phụ, viện phụ... 
Chúng ta có làm sai lời Chúa dạy không? 
Ta có phải hiểu theo nghĩa đen lời của Ðức Giêsu không? 
Hội Thánh sơ khai đã không hề hiểu theo nghĩa đen. 
Thánh Phaolô đã coi mình là cha sinh ra các tín hữu, 
đã gọi họ là con (1Cr 4,14-17; Gl 4,19). 
Hội Thánh cũng có những thầy dạy (Cv 13,1; 1Cr 12,28), 
và những vị lãnh đạo (Cv 15,22; Rm 12,8) 
Vậy đâu là điều Ðức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta? 
Chắc chắn Ngài không hề muốn phá bỏ 
những cơ cấu cần thiết cho thân thể Hội Thánh, 
Ngài cũng không loại bỏ phẩm trật và quyền hành. 
Ngài chỉ muốn chúng ta đừng quên: 
mọi quyền bính trong Hội Thánh 
đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải quy về Thiên Chúa. 
Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo, 
thì vì họ được chia sẻ quyền làm Thầy của Ðức Giêsu. 
Nếu họ được gọi là cha, 
thì vì họ được chia sẻ quyền làm Cha của Thiên Chúa. 
Dù có chức vụ hay chức vị gì trong Hội Thánh, 
tôi cũng không được quên chân lý này: 
còn tất cả anh em đều là anh em với nhau, 
con một Cha trên trời. 
Chỉ có một vị Thầy là Ðức Giêsu. 
Nhưng Thầy Giêsu lại sống như bạn của các môn đệ, 
như anh em với họ (Ga 15,14; Mt 12,49-50), 
và nhất là như tôi tớ phục vụ họ (Mt 20,28). 
Ðức Giêsu mãi mãi là gương cho các nhà lãnh đạo. 
Quyền lãnh đạo chính là để phục vụ con người. 
Phần đầu của bài Tin Mừng cho thấy sự giả hình 
của một số người pharisêu, có quyền giảng dạy Lề Luật. 
Giả hình là không làm điều mình dạy người khác, 
là dễ dãi với chính mình, 
nhưng khắt khe với tha nhân. 
Giả hình là biến việc thờ phượng Chúa thành thờ mình, 
làm việc tốt để người ta thấy và thán phục. 
Khi nhìn khuôn mặt của người pharisêu giả hình, 
tôi thấy tôi: háo danh, khoa trương, ích kỷ, 
dám “đốc” chứ không dám làm... 
Có những đoạn Tin Mừng làm chúng ta nhức nhối, 
vì mở cho chúng ta những chân trời xa, 
cho chúng ta thấy những điều cần làm, phải làm, 
nhưng chưa làm. 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, 
khi đến với nhau, 
chúng con thường mang những mặt nạ. 
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình. 
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt 
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối. 
Khi đến với Chúa, 
chúng con cũng thường mang mặt nạ. 
Có những hành vi đạo đức bên ngoài 
để che giấu cái trống rỗng bên trong. 
Có những lời kinh đọc trên môi, 
nhưng không có chỗ trong tâm hồn, 
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế. 
Lạy Chúa Giêsu, 
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương, 
tự ru ngủ và đánh lừa mình, 
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn. 
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ, 
đã ăn sâu vào da thịt chúng con, 
để chúng con thôi đánh lừa nhau, 
đánh lừa Chúa và chính mình. 
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành, 
để chúng con được lớn lên trong bình an. 

 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

 SUY NIỆM:

1. Sống theo vẻ bề ngoài

Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đi theo Người thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, đừng sống theo các luật sĩ và những người Pha-ri-sêu, bởi vì:

– Họ nói mà không làm.

– Và nếu họ có làm gì, họ làm tất cả chỉ để cho người ta thấy.

– Và vì họ thích được nhìn thấy mình làm tốt, nên họ cũng thích được trọng vọng: ngồi những chỗ đầu tiên trong các bữa ăn, và trong hội đường; thích được chào hỏi nơi công cộng và thích nghe người ta gọi mình là Thầy.

Như thế, theo Đức Giê-su, các luật sĩ và những người Pha-ri-sêu là những người chỉ sống theo vẻ bề ngoài: bề ngoài trên môi miệng, bề ngoài với việc làm, và bề ngoài trong tương quan với người khác. Ngang qua việc vạch rõ lối sống cụ thể của một nhóm người, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn lại chính bản thân mình, để nhận ra rằng, sống theo vẻ bề ngoài ở trong mọi lãnh vực, ở mọi nơi và ở mọi cấp độ, là một căn bệnh phổ biến và nan y của mọi người, trong đó có chính bản thân chúng ta.

Đức Giê-su rất “nhạy cảm” với căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài và đã nhiều lần nhắc nhở các môn đệ; và hôm nay trong bài Tin Mừng, Ngài lại tiếp tục cảnh báo “các môn đệ” và cả đám đông nữa về căn bệnh này ngang qua những con người cụ thể là luật sĩ và Pha-ri-sêu.

2. Thiên Chúa là “Đấng kín đáo”

Trong “Bài Giảng Trên Núi”, Đức Giê-su mời gọi chúng ta đừng sống theo vẻ bề ngoài, nhưng sống theo sự thật trong tương quan với chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, nhất là khi bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đó là ba việc đạo đức căn bản trong đời sống đức tin; và chúng ta có thể mở rộng ra tất cả tất cả những việc đạo đức khác, và nhất là mở rộng ra cung cách sống căn tính Kitô hữu hay căn tính tu sĩ của chúng ta. Thực vậy, Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng của Ngày Lễ Tro:

Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. (Mt 6, 1-18)

Thay vì phô trương, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Không phải để thi thố sự khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo. Trong những lời chúng ta vừa trích dẫn, Đức Giêsu dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó năm lần được dùng để nói về Thiên Chúa Cha: Cha của anh hiện diện nơi kín đáo; Cha của anh thấy trong kín đáo. Như thế, Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu, là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình.

Và chúng ta cứ nghiệm lại mà xem: Thiên Chúa hiện diện và hành động kín đáo biết bao trong sáng tạo, trong lịch sử loài người, nơi cuộc đời chúng ta và nhất là nơi Thập Giá của Đức Giêsu. Chúng ta phải có ngũ quan biết chiêm ngắm, mới có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện, lên tiếng và hành động.

Đức Giêsu không chỉ chữa bệnh vẻ bề ngoài của loài người chúng ta bằng lời nói, nhưng bằng chính cách sống nữa; như Ngài nói về mình: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng sự sống của mình”. Và phương thuốc tận cùng của Ngài là Thập Giá, nơi đó, vẻ bề ngoài của Ngài không còn là gì nữa: thân xác, danh dự, sự nghiệp, sự sống… Nhưng chính lúc đó Căn Tính đích thật của Ngài lại rạng ngời nhất. Như con rắn đồng xưa, ai nhìn lên Đấng bị đâm thâu, thì sẽ được chữa lành (x. Ds 21, 4-9; Ga 3, 14-15).

3. Cách xưng hô và tương quan

Trong vô số những biểu hiện của căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài, Đức Giê-su đặc biệt chú ý đến cách xưng hô; và dường như Ngài đặt những cách xưng hô bình thường của chúng ta thành vấn đề, vì chúng ta vẫn gọi người khác và người khác cũng vẫn gọi chúng ta là “thầy”, là “bà thầy” là “cha”, là “đức cha”, là “bề trên thứ cấp” hay “bề trên thượng cấp”… ; và những cách xưng hô tương đương đối với phái nữ.

Bởi lẽ, cách xưng hô diễn tả tương quan và những cách xưng hô như thế rất dễ làm cho tương quan của chúng ta trở thành lệch lạc, nghĩa là chúng ta có thể tự biến mình hay người khác thành thần linh, thành một thứ tuyệt đối hay không thể không có, thành trung tâm, thành mẫu mực, thành điểm qui chiếu mà mọi người phải hướng về. Bệnh vẻ bề ngoài ở dạng này có thể nó là nghiêm trọng nhất.

Như thế, rốt cuộc Đức Giêsu không muốn chúng ta thay đổi cách xưng hô, cho dù đã có những thay đổi thực sự về cách xưng hô theo hướng tương quan huynh đệ của Tin Mừng, nhất là sau Công Đồng Vatinanô II, và chắc chắn đã có ảnh hưởng trên cách chúng ta tương quan với nhau. Bởi vì, xét cho cùng, cách xưng hô vẫn dừng lại ở bên ngoài. Nhưng, sâu xa hơn nhiều vẻ bề ngoài, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thay đổi cách chúng ta sống với nhau, ứng xử với nhau: dù chúng ta là ai, có chức vụ gì hay ở độ tuổi nào, tất cả chúng ta đều có một Cha, một vị Thầy, đồng thời là vị Lãnh Đạo, và do đó, chúng ta là anh chị em của nhau trong Chúa. Đó mới là Sự Thật và chúng ta được mời gọi sống theo Sự Thật này, theo khuôn mẫu của chính Đức Giê-su.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên 1

Saturday (August 26): “Whoever humbles oneself will be exalted”

 

Scripture: Matthew 23:1-12

1 Then said Jesus to the crowds and to his disciples, 2 “The scribes and the Pharisees sit on Moses’ seat; 3 so practice and observe whatever they tell you, but not what they do; for they preach, but do not practice. 4 They bind heavy burdens, hard to bear, and lay them on men’s shoulders; but they themselves will not move them with their finger. 5 They do all their deeds to be seen by men; for they make their phylacteries broad and their fringes long, 6 and they love the place of honor at feasts and the best seats in the synagogues, 7 and salutations in the market places, and being called rabbi by men. 8 But you are not to be called rabbi, for you have one teacher, and you are all brethren. 9 And call no man your father on earth, for you have one Father, who is in heaven. 10 Neither be called masters, for you have one master, the Christ. 11 He who is greatest among you shall be your servant; 12 whoever exalts himself will be humbled, and whoever humbles himself will be exalted.

Thứ Bảy  26-8        Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên

 

Mt 23,1-12

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô.11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Meditation: Who doesn’t desire the praise and respect of others? We want others to see us at our best with all of our strengths and achievements – rather than at our worst with all of our faults and shortcomings. God sees us as we truly are – sinners and beggars always in need of his mercy, help, and guidance. Jesus warned the scribes and Pharisees, the teachers and rulers of Israel, to teach and serve their people with humility and sincerity rather than with pride and self-promotion. They went to great lengths to draw attention to their religious status and practices. In a way they wanted to be good models of observant Jews. “See how well we observe all the ritual rules and regulations of our religion!” In their misguided zeal for religion they sought recognition and honor for themselves rather than for God. They made the practice of their faith a burden rather than a joy for the people they were supposed to serve.

 

 

 

True respect for God inclines us to humble ourselves and to submit to his wisdom and guidance. We cannot be taught by God unless we first learn to listen to his word and then obey his instruction.

One Father and Teacher 

Was Jesus against calling anyone a rabbi, the Jewish title for a teacher of God’s word (Matthew 23:7-8), or a father? The law of Moses in Scripture specifically instructed all fathers to be teachers and instructors for their children to help them understand and obey God’s instructions (Deuteronomy 6:7)? Why did Jesus rebuke the scribes and Pharisees, the religious authorities of the Jewish people, in the presence of his disciples? Jesus wanted to warn both his own disciples and the religious leaders about the temptation to seek honors and titles that draw attention to ourselves in place of God and his word. Pride tempts us to put ourselves first above others.

The Scriptures give ample warning about the danger of self-seeking pride: Pride goes before destruction, and a haughty spirit before a fall (Proverbs 16:18). God opposes the proud, but gives grace to the humble (James 4:6; Proverbs 3:24).

Origen of Alexandria (185-254 AD), an early Christian teacher and bible scholar, reminds those who teach and lead to remember that they are first and foremost “disciples” and “servants” who sit at the feet of their Master and Teacher the Lord Jesus Christ:

“You have one teacher, and you are all brothers to each other…Whoever ministers with the divine word does not put himself forward to be called teacher, for he knows that when he performs well it is Christ who is within him. He should only call himself servant according to the command of Christ, saying, Whoever is greater among you, let him be the servant of all.”

True humility 
Respect for God and for his ways inclines us to humility and to simplicity of heart – the willing readiness to seek the one true good who is God himself. What is the nature of true humility and why should we embrace it as essential for our lives? We can easily mistake humility as something demeaning or harmful to our sense of well-being and feeling good about ourselves. True humility is not feeling bad about yourself, or having a low opinion of yourself, or thinking of yourself as inferior to all others. True humility frees us from preoccupation with ourselves, whereas a low self-opinion tends to focus our attention on ourselves. Humility is truth in self-understanding and truth in action. Viewing ourselves honestly, with sober judgment, means seeing ourselves the way God sees us (Psalm 139:1-4).

A humble person makes a realistic assessment of oneself without illusion or pretense to be something one is not. A truly humble person regards oneself neither smaller nor larger than one truly is. True humility frees us to be ourselves as God regards us and to avoid falling into despair and pride. A humble person does not want to wear a mask or put on a facade in order to look good to others. Such a person is not swayed by accidentals, such as fame, reputation, success, or failure. Do you know the joy of Christ-like humility and simplicity of heart?

Humility is the queen or foundation of all the other virtues because it enables us to see and judge correctly, the way God sees. Humility helps us to be teachable so we can acquire true knowledge, wisdom, and an honest view of reality. It directs our energy, zeal, and will to give ourselves to something greater than ourselves. Humility frees us to love and serve others willingly and selflessly, for their own sake, rather than for our own. Paul the Apostle gives us the greatest example and model of humility in the person of Jesus Christ, who emptied himself, taking the form of a servant, and… who humbled himself and became obedient unto death, even death on a cross (Philippians 2:7-8). Do you want to be a servant as Jesus loved and served others? The Lord Jesus gives us his heart – the heart of a servant who seeks the good of others and puts their interests first in his care and concern for them.

“Lord Jesus, you became a servant for my sake to set me free from the tyranny of selfish pride and self-concern. Teach me to be humble as you are humble and to love others generously with selfless service and kindness.”

Suy niệm: Ai lại không ao ước lời khen ngợi và sự kính trọng của người khác? Chúng ta muốn người khác nhìn mình lúc chúng ta tốt nhất với tất cả những năng lực và thành tựu của mình – hơn là lúc chúng ta tệ nhất với tất cả những lầm lỗi và thiếu sót của mình. Thiên Chúa nhìn thấy chúng ta như chúng ta thật sự là – những tội nhân và những người luôn cần đến lòng thương xót, sự trợ giúp, và sự hướng dẫn của Người. Ðức Giêsu đã cảnh báo các luật sĩ và Pharisêu, các thầy dạy và các nhà lãnh đạo của Israel phải dạy dỗ và phục vụ dân mình với sự khiêm tốn và chân thành hơn là với sự kiêu căng và sự tự cao tự đại. Họ còn đi xa hơn nữa bằng cách lôi kéo sự chú ý vào địa vị tôn giáo và những thực hành đạo đức của họ. Bằng cách này, họ muốn làm những mẫu mực tốt về sự tuân giữ luật lệ Do Thái. “Hãy xem chúng tôi tuân giữ tất cả mọi luật lệ nghi thức và tôn giáo chu đáo biết chừng nào!” Trong sự nhiệt thành sai lạc của mình về tôn giáo, họ tìm kiếm sự kính trọng và vinh dự cho riêng mình hơn là cho Thiên Chúa. Họ khiến cho sự thực hành đức tin của mình thành gánh nặng hơn là niềm vui cho dân chúng mà lẽ ra họ phải phục vụ.

 

Lòng kính trọng đích thật dành cho Thiên  Chúa giúp chúng ta tự hạ và suy phục giáo huấn của Người. Chúng ta không thể được Thiên Chúa dạy dỗ trừ khi trước hết chúng ta học cách lắng nghe lời Người sau đó mới vâng phục sự chỉ dẫn của Người.

Một Cha và một Thầy

Đức Giêsu có cấm người ta gọi ai đó là thầy, danh xưng Dothái dành cho thầy dạy lời Chúa (Mt 23,7-8) hoặc là cha không? Luật Moisen trong Kinh thánh đặc biệt chỉ định tất cả người cha đều là thầy và người hướng dẫn cho con cái để giúp họ hiểu và vâng phục các chỉ dẫn của Thiên Chúa (Đnl 6,7). Tại sao Đức Giêsu khiển trách các kinh sư và người Phariseu, các nhà cầm quyền tôn giáo của dân Dothái, trước sự có mặt của các môn đệ? Đức Giêsu dường như đang cảnh cáo cả hai: các môn đệ của Người và những người lãnh đạo tôn giáo về sự cám dỗ tìm kiếm danh hiệu và sự kính trọng để lôi kéo sự chú ý về mình thay vì cho Thiên Chúa và lời Chúa. Kiêu ngạo cám dỗ chúng ta coi mình hơn tất cả những người khác.

Kinh thánh đưa ra lời cảnh cáo mạnh mẽ về mối nguy hiểm của lòng kiêu ngạo tự tìm kiếm tư lợi: “Kiêu căng đưa tới sụp đỗ, ngạo mạn dẫn đến té nhào” (Cn 16,18). “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, và ban ơn cho những kẻ khiêm nhường” (Cn 3,24; Gc 4,6).

Origen thành Alexandria (185-254 AD), một giáo phụ và nhà chú giải Kinh thánh, nhắc nhở những ai dạy dỗ và hướng dẫn hãy nhớ trước hết và trên hết, họ phải là những “môn đệ” và “tôi tớ” ngồi dưới chân Chúa và Thầy dạy của mình là Chúa Giêsu Kitô:

“Anh em chỉ có một thầy còn tất cả anh em là anh em với nhau… Ai phục vụ lời Chúa sẽ không mong đợi mình được gọi là thầy, vì họ biết rằng khi họ thực hiện tốt thì đó chính là Đức Kitô đang ở trong họ. Họ phải gọi mình là tôi tớ dựa vào lệnh truyền của Đức Kitô “Ai muốn làm lớn trong anh em, hãy làm đầy tớ cho anh em”.

 

Khiêm nhường đích thật

Tôn kính Thiên Chúa và các đường lối của Người hướng chúng ta đến sự khiêm nhường và hiền lành trong lòng – sự vui lòng tự nguyện tìm kiếm Đấng thật sự tốt lành là chính Thiên Chúa. Bản tính của khiêm nhường thật sự là gì và tại sao chúng ta phải đón nhận nó như sự cần thiết cho đời sống chúng ta? Chúng ta có thể dễ dàng hiểu lầm khiêm nhường là điều gì đó làm mất giá trị hay gây hại cho cảm thức phúc lợi và nghĩ tốt về mình. Khiêm nhường đích thật không nghĩ xấu về mình, hay có quan niệm hạ thấp mình, hay nghĩ mình thấp hèn hơn mọi người khác. Khiêm nhường thật sự giải thoát chúng ta khỏi mối bận tâm về mình, bởi vì sự cố chấp thấp hèn có xu hướng lôi kéo sự chú ý về phía mình. Khiêm nhường là thành thật trong việc tự biết mình và thành thật trong hành động. Việc nhìn mình cách chân thành, với sự xét đoán đúng mức, tức là nhìn mình theo cách Thiên Chúa nhìn mình (Tv 139,1-4).

Người khiêm nhường đánh giá đúng mức về mình, không có sự ảo tưởng hay làm ra vẻ là gì đó mà mình không có. Người khiêm nhường thật sự nhìn mình không nhỏ hơn hay lớn hơn mình thật sự là. Khiêm nhường thật sự giúp chúng ta trở nên chính mình như Thiên Chúa mong đợi chúng ta không rơi vào sự tuyệt vọng hay kiêu căng. Người khiêm nhường không muốn đeo mặt nạ hay vẻ bề ngoài để nhìn tốt lành trước kẻ khác. Người như vậy không bị dao động trước những gì phụ thuộc, như tiếng đồn, danh tiếng, thành công hay thất bại. Bạn có biết niềm vui của tính khiêm nhường và hiền lành trong lòng như Đức Kitô không?

Khiêm nhường là nữ hoàng hay nền tảng của tất cả các nhân đức khác bởi vì nó giúp chúng ta nhìn và phán đoán đúng đắn theo cách Thiên Chúa nhìn. Khiêm nhường giúp chúng ta trở nên ngoan ngoãn hầu chúng ta có thể có được sự hiểu biết, khôn ngoan đích thật, và cái nhìn thành thật về thực tại. Nó định hướng cho sức lực, nhiệt tâm, và ý chí chúng ta để đưa chúng ta tới điều gì đó cao quý hơn chính mình. Khiêm nhường giúp chúng ta tự do yêu thương và phục vụ người khác cách tự nguyên và vị tha, cho lợi ích của họ hơn là cho chính mình. Thánh Phaolo tông đồ cho chúng ta một minh chứng và gương mẫu tuyệt vời nhất về tính khiêm nhường nơi con người của Đức Giêsu Kitô: Đấng đã hủy bỏ chính mình, mặc lấy thân nô lệ, và… Đấng đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,7-8). Bạn có muốn trở nên người tôi tớ như Đức Giêsu đã yêu thương và phục vụ người khác không? Chúa Giêsu ban cho chúng ta trái tim của Người – trái tim của người tôi tớ, người tìm kiếm lợi ích cho người khác và đặt lợi ích của họ lên hàng đầu trong mối ưu tư và quan tâm cho họ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trở nên người tôi tớ vì con để giải thoát con khỏi sự thống trị của tính kiêu ngạo ích kỷ và tự cao tự đại. Xin dạy con khiêm nhường như Chúa khiêm nhường và yêu thương người khác cách quảng đại với sự phục vụ và lòng nhân hậu vị tha.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

LỄ THÁNH MONICA

Thánh nữ MONICA

(331 - 387)

Suy niệm 1:

Hôm nay tôi muốn được chia sẻ đôi điều với anh chị em, đặc biệt với những ai được mang danh hiệu cao quí là Mẹ.

 

Khi viết về người Mẹ một nhà văn Pháp đã có những lời diễn tả như thế này: “Bà mẹ không phải như một họa sĩ vẽ cái đẹp lên tranh, không như một nhà điêu khắc chạm hình trong đá, không như nhà văn diễn đạt tư tưởng hay bằng những lời chọn lọc, cũng không như một nhạc sĩ ký thác tâm tình đẹp trong tiếng đàn. Phận sự của bà mẹ chính là nhờ ở sức Chúa giúp đỡ, hình thành nên trong linh hồn những người con hình ảnh của Chúa trên trời."

 

Vâng kính thưa anh chị em

 

Có lẽ không có lời nào hay hơn thế để mô tả về một người mẹ, một người mẹ rất nổi tiếng trong Giáo Hội mà hôm nay chúng ta mừng kính. Đó là thánh nữ Monica.

 

Chúng ta chỉ biết Thánh Mônica qua quyển Tự Thuật của người con là Thánh Augustino. Bà sinh khoảng năm 332 ở Tagaste miền bắc Châu Phi, là con trong một gia đình có đạo. Lúc 18 tuổi, bà phải kết hôn với một người ngoại tên là Patricius theo ý của gia đình và sau đó sinh được 3 người con: người con cả là Augustinô. Bà luôn theo dõi sự phát triển của con với niềm vui lẫn âu lo. Bà đã phải khóc lóc vì thấy nơi người con của bà có những dấu hiệu sai lạc về luân lý và tinh thần. Dầu vậy bà luôn luôn lấy tình thương khuyên nhủ con. Sau một thời gian quá dài nhưng chưa chinh phục được người con của mình, bà đã được một vị Giám mục, nói chính xác là thánh Ambrosiô, đã an ủi bà: "Không lẽ một người con đã làm cho bà rơi biết bao nhiêu nước mắt, lại phải hư mãi sao?".

 

Như vậy là chúng ta thấy không những bà đã lo lắng cho chồng để ông được trở lại đạo một năm trước khi ông qua đời, khoảng năm 371. Rồi sau khi chồng mất, bà đã từ Roma theo người con cả Augustino lên tận Milan nơi ông dạy học để ở nơi đây Bà được chứng kiến cảnh con của mình từ bỏ lạc giáo trở về với Chúa, chịu rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh năm 387 dưới sự hướng dẫn và dìu dắt của Giám Mục Ambrôsiô. Sau khi trở lại, Augustinô, em và mẹ đã quyết định trở về Tagaste.

 

Mùa thu năm 387 cả ba mẹ con từ bỏ Rôma, lên đường về Châu Phi. Chúng ta hãy nghe chính Augustinô thuật lại những giờ sau hết của mẹ mình trên dương thế: "Con không nhớ rõ con đã trả lời làm sao. Nhưng phỏng năm ngày sau, hay hơn một chút, mẹ con ngã bệnh sốt rét. Đang khi nằm bệnh, thì ngày nọ ngài bất tỉnh, không còn nhận ra những người chung quanh. Chúng con chạy tới thì ngài tỉnh lại ngay, nhìn con và em con đang đứng đó; ngài có vẻ tìm kiếm cái gì đó và bảo chúng con : “Mẹ ở đâu thế này?”

 

Rồi thấy chúng con buồn sầu và lo sợ, ngài nói: "Các con hãy nhớ chôn mẹ ở nơi đây!' Con thinh lặng và kìm hãm nước mắt. Nhưng em con nói mấy lời tỏ ý ước ao thấy ngài được chết tại quê nhà hơn là ở tha hương. Nghe thấy vậy, ngài tỏ vẻ không bằng lòng. Ngài quắc mắt nhìn em con, vì nó đã có những tư tưởng như vậy, rồi nhìn con mà nói: "Con xem, nó nói như vậy đó!” Đoạn ngài bảo hai chúng con: "Các con chôn xác này ở đâu cũng được; các con đừng quá lo về việc đó. Mẹ chỉ xin các con một điều, là bất cứ các con ở đâu, các con hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa". Sau khi cố gắng nói được điều đó rồi, mẹ con ở lặng và cơn bệnh gia tăng, làm cho ngài càng đau đớn. Vậy, sau khi thụ bệnh được 9 ngày, thì linh hồn thánh thiện và đạo đức đó đã lìa khỏi xác: ngài được 56 tuổi còn con được 33 tuổi" đúng tuổi sống trên đời của Chúa Giêsu.

 

Augustinô đã chôn cất mẹ tại Ostia.

 

Sau này khi nhớ về cái chết của Mẹ mình Augustinô đã viết: "Con mất mẹ cách đột ngột, nhưng con cảm thấy an ủi khi dâng cho Chúa nước mắt con khóc mẹ. Con dâng nước mắt ấy cầu nguyện cho mẹ con. Nếu ai đoán xét con, phạm tội vì khóc thương một bà mẹ chết đi và tạm thời mắt con không còn trông thấy được nữa, thì con xin họ nhớ rằng chính bà đã khóc than biết bao năm trường để mắt bà được trông thấy con sống lại với Chúa, xin họ đừng nhạo cười con, nhưng xin họ cũng khóc lóc vì tội lỗi con đã phạm trước mặt Chúa. Chúa là cha của tất cả anh chị em chúng con trong Đức Kitô.

 

Ngày nay xác bà được dời về thánh đường kính Thánh Augustinô tại Rôma.

 

Vâng đó là cuộc đời của người mẹ thánh. Và sự thánh thiện đã đổ tràn qua người con. Một niềm vui vô cùng lớn lao nhưng là một niềm vui phải trả bằng một giá thật lớn. Rõ ràng một người mẹ nhờ ở sức Chúa giúp đỡ hình thành nên trong linh hồn người con của mình hình ảnh của Chúa trên trời."

 

Hình như số phận của những người làm mẹ muốn cho con của mình được thành đạt, thành đạt trong cuộc sống đời thường hay thành đạt trong lãnh vực thiêng liêng đều phải như thế.

 

Ông Comolet Sue, nhà giáo dục danh tiếng, đã điều tra và kể lại trong bản báo cáo về Hội Hôn nhân Thiên Chúa giáo ở Pháp câu truyện này:

 

Có lần ông gặp một bà góa. Các con bà giữ đạo sốt sắng và thành công một cách vinh quang trên đường đời. Ông hỏi bà :

 

- Bà đã làm gì trong công việc giáo dục con cái bà? Bà đã dìu dắt con bà một cách thực tế như thế nào trong cuộc đời? Bà đã một mình làm tròn sự nghiệp phức tạp ấy!

 

Bà trả lời cách gọn gàng, giản dị:

 

 - Tôi không biết.

 

Ông gặng hỏi:

 

 - Bà giấu đấy chứ? Các con trai bà đã làm cách nào để tạo được những địa vị danh giá mà đồng thời vẫn là tín đồ đáng nể phục? Các con bà hình như rất bằng lòng với cuộc sống của mình. Có bao bà phải thất vọng không ...?

 

Bà mỉm cười và hỏi:

 

 - Ông có tin tưởng Thiên Chúa không?

 

 - Chắc là Thiên Chúa cai trị sóng gió, nhưng nếu bà không biết lo liệu thì thuyền cứ chìm.

 

 - Lo liệu phòng ngừa là phải cầu nguyện cho nhiều.

 

 - Không đủ, thưa bà. Bởi chắc không phải lúc nào bà cũng chắp tay quỳ gối trong nhà thờ?

 

Bị hỏi dồn, bà nói thiệt:

 

 - Ngày chồng tôi chết, để lại cho tôi mười đứa con nhỏ, đứa lớn chưa đầy 15 tuổi. Tiền của eo hẹp, nên tôi phải quả quyết... Trước hết là... Là xét lại lương tâm, khi xét mình tôi đã nhận thấy cần phải tu chỉnh, cải tạo đời sống mình cho tốt hơn, thêm nhiều đức tính tốt hơn nữa. Tôi làm ngay... và cứ thế mà tiến...

 

 - Có thế thôi sao? Bà còn làm gì hơn nữa cho con bà?

 

-  Không có gì khác cả, thưa ông. Tôi tự sửa mình và chính Chúa đã đào tạo chúng nó.

 

Ngạn ngữ của người Roma có câu: “Không ai có thể cho cái mình không có.” Bà Monica thánh thiện cho nên sự thánh thiện của bà đã tràn qua người con.

 

Suy niệm 2

 

Anh chị em rất thân mến,

 

Dựa trên Lời Chúa trong ngày lễ thánh Mônica, bổn mạng các hiền mẫu, tôi muốn chia sẻ một vài tâm tình, để càng hiểu về thánh Mônica, chúng ta càng quí trọng những người mẹ trong gia đình và trong giáo xứ. Thánh Mônica sẽ cùng với Mẹ Maria dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, chắc hẳn ngài mượn lời Mẹ Maria để nói rằng : Muôn đời ngợi khen tôi là người diễm phúc.

 

Niềm hạnh phúc của thánh nữ Monica là trở nên gương mẫu cho các bà mẹ Công giáo, Monica là bổn mạng của các người mẹ Công giáo trong mọi thời đại. Xuyên thời gian, niềm hạnh phúc lớn lao của Monica vang vọng và lan tỏa trong Hội Thánh ...

 

Monica còn diễm phúc trong tư cách là người mẹ, bởi Monica đọc Lời Chúa và hiểu rằng con cái là triều thiên của cha mẹ. Ðương nhiên triều thiên phải trả giá bằng nhiều đau khổ. Triều thiên của Monica là Augustinô. Chính Augustinô trở nên tiến sĩ của Hội Thánh không chỉ ở thế kỷ thứ tư mà người ta luôn nhắc đến Augustinô với lòng trọng kính và biết ơn. Trong lịch sử Hội Thánh, nhiều người không ngần ngại nói rằng chính thánh Augustinô đã giúp nền văn minh thời bấy giờ đượm màu sắc Hylạp và Dothái đón nhận đức tin Công giáo.

Thưa anh chị em,

 

Monica thật sự là người diễm phúc : diễm phúc trong Hội Thánh và trong chính gia đình của mình. Monica phải nói lời tạ ơn theo gương của Mẹ Maria. Nhưng làm thế nào Monica có thể lãnh nhận được những triều thiên vô cùng cao quí đó ?

 

Phải là một người vợ, một người mẹ hiền. Người vợ hiền (như trong sách Huấn Ca) sưởi ấm gia đình, quy tụ con cái. Như mặt trời mọc lên sưởi ấm thế nào, người vợ làm cho mọi người trong gia đình cảm nhận được tình thương yêu hòa thuận. Monica đã thực hiện điều đó khi hết sức nhẫn nhục, yêu thương, tòng phục chồng, không nản chí và luôn dâng� lên Chúa những lời kinh cầu nguyện trong nước mắt cho chồng. Hạnh phúc cho Monica khi thấy người chồng của mình được ơn trở lại. Chắc chắn người chồng vô cùng mãn nguyện và hãnh diện về người vợ hiền của mình.

 

Trong vai trò là người mẹ, Monica cũng hết sức hiền lành. Hiền lành khi đối diện với những người con khó tính, muốn làm ngược ý mẹ mình, làm những điều phiền lòng mẹ mình. Yêu mến, biết ơn mẹ mình về sự hiền lành, nhẫn nhục, kiên trì và về niềm tin vững vàng, Augustinô kể lại : "Tôi đã làm nước mắt mẹ tôi chảy nhiều như dòng suối, mẹ đã khóc rất nhiều nhưng không làm tôi mềm lòng. Một vị Giám Mục đã an ủi mẹ tôi và nói rằng : "Con bà không hư đâu vì Chúa nhìn tới nước mắt của bà. Một người mẹ đã khóc nhiều và cầu nguyện kiên trì cho con mình thì người con không bao giờ hư mất."

 

Khi con cái đã được quy tụ trong một niềm tin và lòng yêu mến, Monica mãn nguyện về cùng Chúa, tâm tình cuối cùng Monica nói với con : "Mẹ không chờ mong, không tha thiết điều gì hơn, cha các con đã bình an về cùng Chúa trong thánh thiện . hãy cầu nguyện cho mẹ mỗi khi các con nhớ đến mẹ. Hướng về bàn thờ Chúa, hãy tin rằng nơi đó mẹ cùng cầu nguyện với các con ."

 

Thưa anh chị em,

 

Người mẹ hiền trong cuộc sống trần gian, người mẹ hiền bên cạnh Chúa, người mẹ hiền luôn quy tụ con cái của mình. Trong truyền thống của Hội Thánh, hay ngay như trong giáo xứ bé nhỏ của chúng ta, chính thánh Monica đã quy tụ các thế hệ hiền mẫu. Các hiền mẫu tiền bối đã yêu mến và đi theo con đường của Monica, các thế hệ hiền mẫu ngày hôm nay cũng được quy tụ lại để cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, dâng biết bao nhiêu hy sinh từ cuộc sống gia đình, phục vụ trong giáo xứ và xã hội, kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Thánh Giá.

 

Ngày lễ Monica cũng quy tụ tất cả chúng ta. Yêu mến, biết ơn, kính trọng các hiền mẫu, chúng ta ước mong các thế hệ hiền mẫu tiếp tục đi theo con đường của Monica. Không những tại nhà thờ, mà còn nơi mỗi gia đình, các hiền mẫu trở nên những người mẹ hiền thật sự, làm cho gia đình mình được ấm cúng thuận hòa, làm cho các thế hệ con cháu trong gia đình và trong giáo xứ được vẻ vang. Như Monica có con cái là triều thiên của mình thế nào, các hiền mẫu trong giáo xứ cũng có các thế hệ con cháu làm vẻ vang cho chính các bà mẹ Công giáo như vậy. Amen

 

SUY NIỆM 3:

1) Có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác.Có những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người khác . Giọt nước mắt của người mẹ luôn có tác dụng rất lớn đối với con cái. Giọt nước mắt của thánh nữ Monica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô,người con trai đầu lòng thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc. Thánh nữ Monica đã cầu nguyện, đã khóc lóc, Chúa đã nhậm lời và ban cho con của thánh nữ là Augustinô ơn cải hóa từ tâm, ơn đổi mới tâm hồn, ơn quay về với Chúa .

2) Có một người nữ được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, thánh thiện :tên người nữ ấy là Monica . Monica sinh vào năm 332 tại làng Sucara bên Phi Châu.Gia đình Monica vốn có truyền thống đạo đức, yêu thương tha nhân,yêu thương người nghèo .Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình, monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, nhiệt thành, sốt sắng. Ngay từ lúc còn nhỏ Monica đã có tâm hồn quảng đại yêu thương người nghèo:mỗi bữa cơm Monica thường dành ra một phần cho người đói túng thiếu và Monica thường tìm chỗ vắng vẻ để thân mật nói chuyện với Chúa .Monica đã biết biến những phút giây gặp gỡ người nghèo, chia sẻ cho người nghèo, cầu nguyện làm hạnh phúc cho đời mình. Cô đã biết biến những phút giây ấy làm phút giây cứu độ cho mình và cho người khác.*

3) Năm 22 tuổi,vì vâng lời cha mẹ, thánh nữ đã kết hôn với Patricius ,thuộc dòng dõi quí phái,nhưng tính tình xấu xa,ngang ngược, độc ác và lại hơn Monica cả hai con giáp .Đau khổ nhưng Monica đã chấp nhận ý cha mẹ và âm thầm cầu nguyện cho chồng vì thánh nữ xác tín rằng mình sẽ cứu được một linh hồn trở về với Chúa. Nhờ lòng quả cảm, đức tính khiêm nhường và nhờ cầu nguyện vững tin vào Chúa, Monica đã cảm hóa được người chồng và sau này bà sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng / Chính nhờ những giọt lệ thành tâm và nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của thánh nữ, Augustinô đã trở lại và trở nên có thế giá , trở nên vị Đại thánh .*

4) Monica tuy sống trong một gia đình ngoại giáo, đã luôn chứng tỏ bà có Chúa ở cùng. Sự thánh thiện, lòng quảng đại, yêu thương của Monica đã cảm hóa được người chồng ác độc, ngang tàng,ích kỷ. Monica luôn dậy con cái biết mến Chúa, yêu người .Bà luôn yêu thương con cái với tất cả con tim, với tâm hồn đầy ắp tình yêu Chúa . Bà đã biết biến mọi giây phút trong cuộc đời của bà trở thành những giây phút, những cơ hội hồng ân để thay đổi lòng người khác. Chính cái phút giây bà vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius đã thay đổi đời bà, nghĩa là bà đã chấp nhận điều mình không ưa thích để biến nó thành phút giây cứu độ cho mình và cho người mình sẽ sống, sẽ nhận làm chồng dù rằng bà biết bà sẽ phải đau khổ nhiều, phải hy sinh, phải từ bỏ.  *

5) Tình yêu Đức Kitô thúc bách bà . Bà đã đi tới cùng, bà đã làm thay đổi lòng chồng, con và biến đổi người con trụy lạc, ham chơi, ham lạc thú là Augustinô trở nên người con tốt, người con đẹp lòng Giáo Hội . Qua những giọt lệ của Monica, qua lời cầu xin tha thiết của bà, Monica đã làm thay đổi tất cả, đã làm mới mọi sự để bà có thể nói được như ông già Siméon :” Giờ đây xin Chúa để tôi tớ ra đi bình an…” .  Thánh nữ Monica đã qua đời năm 387 sau khi Augustinô được thánh Giám mục Ambrosi-ô rửa tội.Thánh nữ được an táng tại Otti . Đức Thánh Cha Martinô truyền đem xác thánh nữ về nhà thờ Thánh Augustinô ở Roma vào năm 1430.*

6) Monica phải sống những chuỗi ngày đau khổ cả về tinh thần lẫn thể xác, trong nước mắt và cầu nguyện tha thiết với Chúa. Sau cùng, chính Ông Patricius và bà mẹ chồng cũng ăn năn hối hận và xin lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và trở nên người Công Giáo vào năm 371. Ít lâu sau trong năm 371, ông Patricius qua đời trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Hai người con là Navigi-o và Perpetu-a cũng xin chịu phép Thanh Tẩy và gia nhập giáo hội Chúa. Sau này cả hai đã đi tu dòng.*

7) Nhưng Chúa vẫn để Monica tiếp tục vác Thánh Giá theo chân Chúa. Thánh Giá đó là chính người con trưởng của bà, ông Augustinô. Augustinô là một người rất thông minh, lanh lợi và hoạt bát, lại thích giao du bạn bè và thích sống đời sống tự do, phóng khoáng như người bố trước đó. Vì thế, dù mẹ nói mấy mặc lòng, Augustinô nhất định không chịu gia nhập đạo thánh Chúa, vì ông không thích lối sống theo lề luật của Chúa và Giáo Hội. Trái lại ông thích sống theo các quan niệm của các triết thuyết và giáo phái có quan điểm sống tự do và buông thả hơn.*

8) Trên đường đi theo con, Monica thường đến gặp các linh mục và tu sĩ, và bất cứ ở đâu cũng xin các Ngài cầu nguyện người con “cứng lòng” của mình. Nhiều người lúc đó quen biết tính tình của Augustinô, thì coi như đã “hết thuốc chữa”. Nhưng bà Monica thì không bao giờ thất vọng, luôn vững tin rằng Chúa sẽ cứu vớt con mình. Một ngày kia, Bà gặp một linh mục để xin cầu nguyện. Cha này đã nói với Monica: “Không thể nào có một ngưòi con mà bà mẹ đã đổ ra bao nước mắt để khóc thương và cầu nguyện cho, lại có thể hư mất được!” Nhờ lời khuyến khích của vị linh mục này mà Monica càng vững lòng trông cậy nơi Chúa và cứ tiếp tục cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện với nước mắt và hy sinh hãm mình.*

9) Cuối cùng sau 17 năm trường, sống trong khóc lóc, hy sinh, hãm mình, làm việc bác ái và cầu nguyện nhiệt tình với Chúa, Monica đã cứu được người con “vô hy vọng” của mình. Vào năm 386, lúc 33 tuổi, Augustinô đã nhận ra “Chân lý vĩnh cửu” và tin vào Phúc Âm tình thương của Chúa là chân thật và là con đường cứu rỗi.

10) Không có gì cao sang trong cuộc đời bình thường, cũng không phải là “đấng nam nhi” hay “bậc anh hùng hảo hán”. Mônica chỉ là phận gái “liễu yếu đào tơ”, nhưng cuộc đời của người phụ nữ này, đã trở thành tấm gương ngời sáng cho biết bao người phụ nữ khác, đặc biệt là những người vợ, người mẹ trong các gia đình. Dù Mônica không sinh trưởng tại quê hương Việt nam, nhưng ở Thánh nữ chúng ta vẫn thấy đầy chất Á Đông của người phụ nữ đất việt: “Công,Dung,Ngôn,Hạnh” và “Tam tòng, Tứ đức”.

11) Nhưng khi gặp những nghịch cảnh ngập đầu, Mônica không hề oán trách, nhưng ngài đã tìm ra những liều thuốc giải độc tốt nhất cho linh hồn mẹ chồng, chồng và các con, đó là sự hy sinh, lời cầu nguyện liên lỷ, cộng thêm những đức tính tuyệt vời như  lòng bác ái, tình yêu thương, tinh thần quả cảm, đức tính khiêm nhường, và vững tin vào Chúa. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Mônica vẫn một lòng yêu mến, kính trọng chồng và mẹ chồng; lại luôn sống làm gương sáng cho các con; yêu thương giúp đỡ mọi người .

12) Vì vậy, mưa dầm thấm lâu. Thiên Chúa đã thưởng công Mônica,  Augustinô đã chia tay bè rối Manichê (Nhị Nguyên) là một tà thuyết chống lại Giáo Hội và đức tin của Công Giáo mà ông đã dồn toàn tâm toàn trí trong suốt chín năm trường. Sau đó ngài được Rửa Tội. Những niềm vui tột cùng đó đã làm cho Mônica thốt lên với Augustinô trong những giây phút cuối đời:“Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui. Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện” rồi .*

Cuối năm 387, khi mẹ con đang chuẩn bị trở về quê hương là Phi Châu, thì Thiên Chúa đã gọi Mônica về với Ngài, hưởng thọ 56 tuổi. Thánh nữ được chôn cất tại Ostite và sau được dời về Rôma vào năm 1430.

13) THEO GƯƠNG SỐNG THÁNH CỦA NGÀI:

a) Trước tiên: là chu toàn bổn phận. Chu toàn bổn phận cách trung thành, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác thì quả là anh hùng. Ngài đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao trong ơn gọi làm vợ , làm mẹ.

***Làm vợ, thánh nhân đã hết lòng quý trọng, yêu thương và chung thủy với chồng.

***Làm mẹ, thánh nhân hết mực yêu thương, hy sinh cho con cái. Tận tụy giáo dục con cái nên người. Khi không được như ý của mình, ngài vẫn không bỏ cuộc.

***Thánh nhân đã cầu nguyện và hy sinh liên lỷ cho con. Nhờ đó mà ngài đã cải hóa được Augustinô trở về với Chúa và phục vụ Giáo Hội.

b) Thứ hai : là cảm hóa bằng gương sáng. Khi bị ngược đãi bởi mẹ chồng và chồng, thánh nhân đã nêu cao gương khiêm nhường, yêu thương và tha thứ. Sẵn lòng thông cảm cho tính khí của mẹ và chồng. Yêu thương, phục vụ, khiêm nhường và tha thứ là lựa chọn của thánh nhân trong những lúc khó khăn và gặp chuyện chẳng lành.

c) Thứ ba: là mẫu gương cầu nguyện và hy sinh. Thánh nhân đã kết hợp với Chúa cách liên lỷ và hoàn toàn phó thác nơi Ngài.  Cuộc đời của ngài với những biến cố vui buồn, thành công hay thất bại đều kết hợp với Chúa. Ngài luôn phó thác mọi sự trong sự an bài của Thiên Chúa.

d) Thứ tư: là sự kiên trì và trung thành. Kiên trì trong cầu nguyện. Trung thành trong niềm tin, dù nhiều khi phải gặp khổ đau .  Quả thật, cả cuộc đời của thánh nhân đã để lại cho chúng ta gương sáng tuyệt vời nơi những người vợ, người mẹ và cho hết mọi người.

14) NHỮNG BÀI HỌC

Bài học thứ nhất: Chu toàn bổn phận hằng ngày vì lòng mến Chúa .

Bài học thứ hai: Biết dùng gương sáng để cảm hóa người thân và mang lại hạnh phúc cho gia đình .

Bài học thứ ba: Làm mọi việc trong tâm tình tín thác. Đón nhận tất cả mọi sự khốn khó, miễn sao điều đó đẹp lòng Chúa và ích lợi cho phần rỗi linh hồn mọi người.

Bài học thứ tư: Muốn sống đức tin của chúng ta cần kiên trì và trung thành. Nếu không kiên trì, chúng ta dễ bỏ cuộc. Nếu không trung thành chúng ta khó lòng đạt được ơn cứu rỗi .

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin nhận lời thánh nữ Mônica chuyển cầu mà ban cho chúng con là những người vợ, người mẹ trong các gia đình luôn có đời sống thánh thiện, biết yêu thương , nhẫn nhục, kiên trì và phó thác mọi sự nơi Chúa để chúng con mang lại cho chồng , cho con niềm an vui hạnh phúc như thánh nữ Mônica đã sống thuở xưa.   Amen.**R

Yuse Luca

 

Suy niệm 4:

Có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác.Có những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người khác . Giọt nước mắt của người mẹ luôn có tác dụng rất lớn đối với con cái. Giọt nước mắt của thánh nữ Monica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô,người con trai, đầu lòng thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc. Thánh nữ Monica đã cầu nguyện, đã khóc lóc, Chúa đã nhậm lời và ban cho con của thánh nữ là Augustinô ơn cải hóa từ tâm, ơn đổi mới tâm hồn,ơn làm đẹp con tim :con tim mới,cái nhìn mới .

 

MỘT CON NGƯỜI

 

Có một người nữ được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, thánh thiện:tên người nữ ấy là Monica . Monica sinh vào năm 332 tại làng Sucara bên Phi Châu.Gia đình Monica vốn có truyền thống đạo đức,yêu thương tha nhân,yêu thương người nghèo .Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình, monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, nhiệt thành, sốt sắng. Ngay từ lúc còn nhỏ Monica đã có tâm hồn quảng đại yêu thương người nghèo:mỗi bữa cơm Monica thường dành ra một phần cho người đói túng thiếu và Monica thường tìm chỗ vắng vẻ để thân mật nói chuyện với Chúa .Monica đã biết biến những phút giây gặp gỡ người nghèo, chia sẻ cho người nghèo, cầu nguyện làm hạnh phúc cho đời mình. Cô đã biết biến những phút giây ấy làm phút giây cứu độ cho mình và cho người khác.

 

Con người đạo đức vẫn thường gặp truân chiên như nhiều người thường nói . Oâng Gióp đã là chứng minh hùng hồn cho cuộc đời thánh thiện,nhưng gặp toàn những chuyện thử thách,rắc rối .

 

Thánh Giuse là người công chính nhưng cũng gặp đắng cay nếu không hiểu được ý Chúa, chắc chắn Người đã đứt gánh giữa đường. Monica cũng nằm trong diện ấy . Năm 22 tuổi,vì vâng lời cha mẹ, thánh nữ đã kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi quí phái,nhưng tính tình xấu xa,ngang ngược,độc ác và lại hơn Monica cả hai con giáp.Đau khổ nhưng Monica đã chấp nhận ý cha mẹ và âm thầm cầu nguyện cho chồng vì thánh nữ xác tín mình sẽ cứu được một linh hồn trở về với Chúa.Nhờ lòng quả cảm,đức tính khiêm nhường,và nhờ cầu nguyện vững tin vào Chúa, Monica đã cảm hóa được người chồng và sau này bà sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng sau này chính nhờ những giọt lệ thành tâm và nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của thánh nữ, Augustinô đã trở lại và trở nên thế giá , trở nên thánh .

 

VẪN GIỌT NƯỚC MẮT CỦA MONICA

 

Monica tuy sống trong một gia đình ngoại giáo,đã luôn chứng tỏ bà có Chúa ở cùng.Sự thánh thiện, lòng quảng đại, yêu thương của Monica đã cảm hóa được người chồng ác độc,ngang tàng,ích kỷ. Monica luôn dậy con cái biết mến Chúa, yêu người .Bà luôn yêu thương con cái với tất cả con tim,với tâm hồn đầy ắp Chúa . Bà đã biết biến mọi giây phút trong cuộc đời của bà trở thành những giây phút,những cơ hội hồng ân để thay đổi lòng người khác. Chính cái phút giây bà vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius đã thay đổi đời bà, nghĩa là bà đã chấp nhận điều mình không ưa thích để biến nó thành phút giây cứu độ cho mình và cho người mình sẽ sống, sẽ nhận làm chồng dù rằng bà biết bà sẽ phải đau khổ nhiều, phải hy sinh, phải từ bỏ.Tình yêu Đức Kitô thúc bách bà . Bà đã đi tới cùng, bà đã làm thay đổi chồng, con và biến đổi người con trụy lạc,ham chơi, ham lạc thú là Augustinô trở nên người con tốt, người con đẹp cho Giáo Hội . Qua những giọt lệ của Monica, qua lời cầu xin tha thiết của bà, monica đã làm thay đổi tất cả, đã làm mới mọi sự để bà có thể nói được như ông già Siméon :” Giờ đây xin để tôi tớ ra đi bình an…” .

 

Thánh nữ Monica đã qua đời năm 387 sau khi Augustinô được thánh Giám mục Ambrosiô rửa tội.Thánh nữ được an táng tại Otti . Đức Thánh Cha Martinô truyền đem xác thánh nữ về nhà thờ Thánh Augustinô ở Roma vào năm 1430.

 

 Lạy Thánh nữ Monica, xin ban cho các bà mẹ công giáo luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức  như thánh nữ .

 Xin cho các bà mẹ luôn biết giáo dục con cái mình biết mến Chúa và yêu người .

 Xin cho các bà mẹ công giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu tha nhân.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Suy niệm 5:

 

(Lm. Anphong Trần Ðức Phương)

Người phụ nữ luôn kiên vững trong Niềm Tin vào Chúa và liên lỉ cầu nguyện giữa bao gian truân khốn khó trong đời sống Gia Đình.

 

Thánh Nữ Monica sinh năm 331 tại thành phố Tagaste, Phi Châu (bây giờ thuộc nước Algeria), trong một gia đình Công Giáo. Khi cò là một thiếu nữ, vâng lời cha mẹ, Monica lập gia đình với Ông Patricius, một người không công giáo. Ông Patricius là một viên chức hành chánh ở Tagaste. Monica sống với chồng và mẹ chồng. Ông Patricius hơn Thánh nữ nhiều tuổi. Hai ông bà sinh được ba người con: Augustinô, Navigio, và Perpetua. Mặc dầu thánh nữ muốn các con được chịu phép Thánh Tẩy theo lễ nghi Công Giáo, nhưng Patricius nhất định không chịu. Ông là một người tốt bụng, nhưng tính tình nóng nảy và thích sống đời sống ăn chơi phóng khoáng. Vì thế, mặc dầu vẫn kính nể đời sống tốt lành của Monica, những lại không thích lối sống mà ông cho là quá đạo đức, nhiệm nhạt. Hơn nữa mẹ của Patricius cũng bênh vực chủ trương không tôn giáo và đời sống phóng khoáng, tự do của Patricius, con bà. Vì những lý do đó, cuộc sống gia đình của Monica gặp rất nhiều khó khăn, đau khổ. Tuy nhiên, vì có đời sống đức tin vững mạnh và luôn sống theo tinh thần Phúc Âm theo tình thương của Chúa Kitô, Monica vẫn kiên trì chịu đựng mọi sự khó hằng ngày theo thánh ý Chúa. Monica vẫn một lòng yêu mến và kính trọng chồng và mẹ chồng; trong cách sống bà luôn nêu gương sáng cho các con và giáo dục các con theo tinh thần Phúc Âm của Chúa, dậy các con biết làm Dấu Thánh Giá, đọc kinh và cầu nguyện. Vì có lòng thương người và hay giúp đõ những nười nghèo khó, Monica được mọi người trong vùng yêu mến; hơn nữa, mọi người lại nể phục Monica như một người vợ và người mẹ rất gương mẫu.

 

Monica phải sống những chuỗi ngày trong đau khổ cả về tinh thần lẫn thể xác, trong nước mắt và cầu nguyện tha thiết với Chúa. Sau cùng, chính Ông Patricius và bà mẹ chồng cũng ăn năn hối hận và xin lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và trở nên người Công Giáo vào năm 371. Ít lâu sau trong năm 371, ông Patricius qua đời trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Hai người con là Navigio và Perpetua cũng xin chịu phép Thanh Tẩy và gia nhập giáo hội Chúa. Sau này cả hai đã đi tu dòng.

 

Nhưng Chúa vẫn để Monica tiếp tục vác Thánh Giá theo chân Chúa. Thánh Giá đó là chính người con trưởng của bà, ông Augustinô. Augustinô là một người rất thông minh, lanh lợi và hoạt bát, lại thích giao du bạn bè và thích sống đời sống tự do, phóng khoáng như người bố trước đó. Vì thế, dù mẹ nói mấy mặc lòng, Augustinô nhất định không chịu gia nhập đạo thánh Chúa, vì ông không thích lối sống theo lề luật của Chúa và Giáo Hội. Trái lại ông thích sống theo các quan niệm của các triết thuyết và giáo phái có quan điểm sống tự do và buông thả hơn.

 

Sau khi học xong, Augustinô trở nên một Giáo Sư và càng ngày càng nổi tiếng tại quê hương Tagaste của ông. Sau một thời gian Augustinô di chuyển đến thành phố phồn thịch là Carthage ở Bắc Phi, cũng là nơi Augustinô đã theo học trước đó (Carthage là phần đất gần thủ đô Tunis của nước Tunnisia bấy giờ).

 

Thế rồi vào năm 383, lúc Augustinô 29 tuổi, vì muốn bay nhảy cho “thỏa chí tang bồng”, muốn thăng tiến đường công danh sự nghiệp, muốn nghiên cứu và học hỏi thêm, lại muốn xa cách người mẹ cúc lúc nào cũng theo sát bên mình khuyên nhủ, Augustinô quyết định rời bỏ quê hương Phi Châu để đi Rôma (thủ đô của Đế Quốc Rôma thời đó, cũng là trong tâm văn minh của thế giới đương thời).

 

Nhưng dù đi đâu xa xôi mặc lòng, Augustinô cũng không thể xa được người mẹ quyết tâm đi theo con mình đến bất cứ chân trời góc biển nào. Vừa đi theo tìm con, vừa khóc lóc, cầu xin Chúa cho con mình hồi tâm ăn năn trở về với chúa và Giáo Hội.

 

Khi Augustinô rời bỏ Rôma để đến Milan (ở miền Bắc nước Ý và là một Thành Phố cũng nổi tiếng thời đó về văn chương và nghệ thuật), Monica cũng đi theo.

 

Trên đường đi theo con, Monica thường đến gặp các linh mục và tu sĩ, và bất cứ ở đâu cũng xin các Ngài cầu nguyện người con “cứng lòng” của mình. Nhiều người lúc đó quen biết tính tình của Augustinô, thì coi như đã “hết thuốc chữa”. Nhưng bà Monica thì không bao giờ thất vọng, luôn vững tin rằng Chúa sẽ cứu vớt con mình. Một ngày kia, Bà gặp một linh mục để xin cầu nguyện. Cha này đã nói với Monica: “Không thể nào có một ngưòi con mà bà mẹ đã đổ ra bao nước mắt để khóc thương và cầu nguyện cho, lại có thể hư mất được!” Nhờ lời khuyến khích của vị linh mục này mà Monica càng vững lòng trông cậy nơi Chúa và cứ tiếp tục cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện với nước mắt và hy sinh hãm mình.

 

Cuối cùng sau 17 năm trường, sống trong khóc lóc, hy sinh, hãm mình, làm việc bác ái và cầu nguyện nhiệt tình với Chúa, Monica đã cứu được người con “vô hy vọng” của mình. Vào năm 386, lúc 33 tuổi, Augustinô đã nhận ra “chân lý vĩnh cửu” và tin vào Phúc Âm tình thương của Chúa là chân thật và là con đường cứu rỗi.

 

Augustino đã từ bỏ tất cả chủ trương sai lạc, quyết tâm gia nhập Giáo Hội Chúa và xin chịu phép Thánh Tẩy do chính tay Đức Tổng Giám Mục thành Milan lúc đó là Ambrosio, cũng là một người gia nhập đạo Thánh Chúa lúc 34 tuổi, ngay khi đươc bầu lên làm Tổng Giám Mục Milan và là Thánh Ambrosio, một vị Thánh Giáo Phụ thời danh của Giáo Hội, mà chúng ta mừng kính Ngài vào ngày 7 tháng 12.

 

Sau khi gia nhập Giáo Hội Chúa, Augustinô đã từ bỏ mọi tham vọng và vui thú trần gian, trở về quê hương Phi Châu, bước vào cuộc đời tu trì khổ hạnh, rồi được chọn làm Giám Mục thành phố Hippo. Sau 34 năm tận tụy chăn dắt đòan chiên Chúa, Ngài đã được Chúa gọi về Nước Chúa vào năm 430, lúc Ngài 76 tuổi.

 

Thánh Augustinô viết nhiều tác phẩm về thần học và triết học. Ngài được kính như một Thánh Giáo Phụ thời danh và là Thánh Tiến Sĩ trong Giáo Hội. Chúng ta kính lễ Ngài vào ngày 28 tháng 8 hằng năm (ngay sau lễ kính Thánh Monica 27 tháng 8). Thánh Augustinô cũng nổi danh là nhà triết học nhân bản, các tác phẩm có tính cách triết học của Ngài vẫn được các Giáo sư và sinh viên trong các trường đại học ngày nay trên thế giới nghiên cứu. Ôi sự kỳ diệu của ơn Thánh Chúa!

 

Riêng Monica, sau khi con mình trở về với Chúa và Giáo Hội, bà vô cùng vui mừng tạ ơn Chúa và đã cùng các con trở về Phi Châu. Nhưng thánh ý Chúa nhiệm mầu, trên đường trở về quê hương, Chúa đã cất Monica về với Chúa tại Ostia, một hải cảng gần cửa sông Tibre ở Roma, vào năm 387, hưởng thọ 56 tuổi.

 

Thánh Nữ Monica đã được Chúa thương thực hiện những gì bà cầu xin, mà nhiều người cứ cho là vô vọng. Bà thật là một tấm gương tuyệt diệu cho mọi người chúng ta, nhất là các Bà Mẹ Công Giáo, để tất cả chúng ta luôn biết kiên trì hãm mình cầu nguyện trong niềm tin tưởng và tuyệt đối phó thác mọi sự trong tình thương và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa là Cha nhân từ của mọi người chúng ta.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận