Thứ Ba tuần thánh.

Đăng lúc: Thứ ba - 11/04/2017 01:17 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Ba tuần thánh.

"Một người trong các con sẽ nộp Thầy... Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần".

 

Lời Chúa: Ga 13, 21-33. 36-38

Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: "Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy".

Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: "Hỏi xem Thầy nói về ai đó". Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: "Thưa Thầy, ai vậy?"

Chúa Giêsu trả lời: "Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó". Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: "Con tính làm gì thì làm mau đi". Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối.

Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: "Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được", nay Thầy cũng nói với các con như vậy".

Simon Phêrô hỏi Người: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu?" Chúa Giêsu trả lời: "Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy".

Phêrô thưa lại: "Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy". Chúa Giêsu nói: "Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Bóng đêm tội lỗi.

Bóng đêm đồng lõa với tội ác: Bao nhiêu cuộc hội họp để toan tính những hành vi hắc ám thường được tổ chức về đêm: nương theo đêm tối, những tên hành nghề trộm cướp mới mạnh tay hành động; những cuộc vui chơi trác táng, những mối tình vụng trộm cũng thường xẩy ra vào đêm. Bóng đêm cũng đã chứng kiến một cuộc bán Thày phản bạn được Tin Mừng thuật lại: Khi ấy, Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ, tâm hồn Ngài xao xuyến… Giuđa nhận chiếc bánh từ tay Chúa Giêsu trao, ăn xong, y đứng dậy ra đi, bấy giờ là đêm tối.

Dưới ngòi bút của Gioan, ánh sáng và bóng tối mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Nhưng ở đây bóng tối được sử dụng để diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng của Giuđa trong âm mưu đen tối của y nơi đoạn Tin Mừng hôm nay. Bóng đêm luôn ngự trị khi con người chủ ý quay lưng lại với Chúa Giêsu, bóng đêm luôn xâm chiếm tâm hồn khi con người nghe theo sự xúi giục của sự dữ hơn là lời mời gọi của Thiên Chúa. Bóng đêm luôn giữ phần thắng khi hận thù, gian tham bóp chết sức mạnh của tình yêu. Bóng đêm xâm chiếm cõi lòng khi con người khước từ tình yêu Thiên Chúa như trường hợp của Giuđa. Trước khi Giuđa đứng dậy bỏ bàn tiệc thân hữu để đi vào bóng đêm, Chúa Giêsu đã dùng mọi phương thế để cảnh tỉnh Giuđa: trước tiên là lời tiên báo công khai: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: một trong các ngươi sẽ nộp Ta”, nhưng Giuđa giả điếc làm ngơ không nghe lời cảnh tỉnh ấy. Tiếp đến, Chúa Giêsu chấm bánh trao cho Giuđa, đó là một cử chỉ thân tình, nhưng Giuđa đã ăn miếng bánh ấy không chút rung động, đến độ thánh Gioan diễn tả hậu quả trái ngược: “Ăn miếng bánh rồi, Satan đã nhập vào y”. Sau cùng, Chúa Giêsu dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cuối cùng qua câu nói: “Ngươi tính làm gì, thì làm mau đi”, câu này ngụ ý rằng âm mưu của ngươi, Ta đã biết, làm sao một môn đệ lại có thể âm mưu phản Thày”. Tuy nhiên, những lời nói và cử chỉ thân tình ấy đã không cầm chân được Giuđa khỏi tiến vào bóng đêm tội lỗi.

Ngày thứ ba tuần thánh, khi đưa ra một Giuđa cứng lòng bướng bỉnh, tiến vào bóng đêm của phản bội, của tội lỗi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để chấp nhận lời cảnh tỉnh và nhất là đón nhận những cử chỉ thân tình yêu thương của Chúa Giêsu, để bừng sống dậy nhập đoàn những người đã và đang thực hiện một cuộc cách mạng tình thương mà Ngài đã khởi xướng khi tuyên bố: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống vì bạn hữu”, “Ta ban cho các con một điều răn mới là hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con”.

Ước gì sự hiến thân chết vì tình yêu trên Thập giá của Chúa dẫn chúng ta từng bước thoát khỏi bóng đêm của tội lỗi để tiến vào ánh sáng của Chúa Nhật Phục Sinh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Sự vấp ngã của Giuđa và Phêrô

Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu và đi sâu vào tâm tư Chúa trong giây phút quan trọng này, có hai đặc điểm quan trọng được nêu bật ở đây: Ngài là một vị Thiên Chúa nhập thể làm người như chúng ta; là con người, Chúa Giêsu xúc động mạnh mẽ, tâm hồn xao xuyến sâu xa trước cuộc Thương Khó sắp trải qua, trước sự không hiểu và sắp phản bội của các đồ đệ, của Giuđa phản bội và của Phêrô tự phụ chối Chúa. Là một vị Thiên Chúa, Chúa Giêsu ý thức rõ ràng điều sắp xảy ra cho mình và gọi đó là việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ tử nạn là giờ tôn vinh, Thiên Chúa được tôn vinh, chính Chúa được tôn vinh và con người được tôn vinh, được hòa giải với Thiên Chúa, được lãnh nhận sự sống đời đời.

Nơi chương 17 sau đó, Chúa Giêsu nói rõ ra nội dung chính của việc tôn vinh này như sau: "Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh con Cha để con Cha tôn vinh Cha theo quyền năng Cha đã ban cho Người trên mọi phàm nhân, để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời, đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Ðấng Cha sai đến là Giêsu Kitô. Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm". Chúa Giêsu ý thức rõ ràng về chương trình Thiên Chúa Cha muốn thực hiện, Chúa muốn thực hiện điều đó cách hoàn hảo, nhưng đồng thời ý thức rõ ràng điều tệ hại mà các môn đệ của Ngài đang liều sa vào. Giuđa sắp phản bội, Phêrô sắp chối bỏ Ngài, nên Chúa xao xuyến sâu xa.

Nhưng tội lỗi của con người không thể làm hư chương trình của Thiên Chúa. Cho đến tận cùng, Chúa làm những gì có thể làm được để thức tỉnh người tội lỗi. Chúa hành xử với mỗi người một cách khác nhau, ngấm ngầm, âm thầm với Giuđa và công khai với Phêrô. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là quyết định tự do của con người. Giuđa mở tâm hồn, đón nhận Satan, từ bỏ ánh sáng, tự ý bước vào trong tối tăm và càng ngày càng lún sâu vào đó cho đến mức tuyệt vọng, vì trong tâm hồn ông không còn chút tình yêu nào đối với Chúa nữa. Phêrô cũng sẽ sa ngã, nhưng tình yêu Chúa nơi ông giúp ông ăn năn trở lại, bắt gặp cái nhìn của Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con trở về cùng Chúa, đừng bao giờ thất vọng về những lỗi lầm đã phạm, nhưng biết học lấy bài học của sự sa ngã để tiến lên mãi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Khổ đau của Đức Giêsu

Đức Giêsu nói thế rồi, tâm thần Người xao xuyến. Người tuyên bố:

“Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. (Ga. 13, 21)

Đức Giêsu chịu nhiều đau khổ, nhưng người ta tự hỏi, đau khổ lớn nhất có phải là đòn đánh, mạo gai, cơn hấp hối hay bị đóng đinh trên thập giá? vì còn nhiều thứ đau khổ khác nữa.

Thứ đau khổ con tim và linh hồn mới thực sự cực khổ hơn bất cứ đau khổ thể xác nào. Người ta đau khổ thể xác mà trái tim vẫn có thể hạnh phúc, như các thánh tử đạo, bị cực hình thân xác, nhưng tâm hồn vẫn hân hoan. Khi bị đau khổ tâm hồn và tâm tư, thì không còn cách nào được sung sướng.

Đức Giêsu đã bị một ông tông đồ bán: đó là Giu-đa. Người cũng bị tông đồ cả là Phê-rô chối bỏ. Người còn bị tất cả các môn đệ bỏ trốn. Đó không phải là những lúc đau khổ lớn nhất sao?

Đau khổ cực dữ nhất không phải là thứ đau khổ làm cho kêu la lớn nhất. Đau khổ thấm thía sâu sắc không phải là thứ đau khổ kêu gào trên mái nhà. Đau khổ lớn nhất cũng như niềm vui to nhất thường là câm lặng.

Đức Giêsu biết một bạn thân nộp Người. Người đã không vạch mặt chỉ tên. Trái lại, Người đã rất kín đáo bảo Giu-đa đi làm công việc như thường để không một môn đệ nào biết. Những đau khổ đó càng dằn vặt dữ tợn khi người ta muốn đối diện với chúng một mình.

Bị Giu-đa bán nộp, tiếp theo đó Đức Giêsu còn phải đối diện với sự phản bội của Phê-rô. Người biết rõ thế. Phê-rô lại chẳng biết gì, ông không thể tưởng tượng mình sa ngã xuống hố sâu đến thế. Đức Giêsu không phiền trách ông chút nào. Người sẵn sàng chịu đau khổ do những bạn nghĩa thiết của Người và tất cả mọi người, dù họ đầy những yếu đuối. Còn chúng ta có noi gương Người không?

Khi người ta chịu đau khổ vì những người thân yêu, thì chính là dấu người ta yêu chân thật.

J.Y.G

Suy niệm 4:

Làm người ở đời ai chẳng có lúc xao xuyến. 
Đức Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến 
trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1.27). 
Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33). 
Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27). 
Trong bữa tối này, Đức Giêsu không tránh khỏi xao xuyến 
khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21). 
Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình. 
Trong bốn sách Tin Mừng, Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội. 
Thầy muốn giữ thể diện thậm chí cho kẻ sắp phản bội mình. 
Vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy (c. 22). 
Ông Phêrô có lẽ nằm trên giường tiệc xa với Thầy, 
nên đã làm hiệu cho anh môn đệ được Thầy thương, để nhờ anh hỏi xem là ai. 
Thầy Giêsu đã không nói tên kẻ phản bội. 
Ngài chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu để cho anh môn đệ mình thương nhận ra. 
Dấu hiệu đó là chấm một miếng bánh trao cho Giuđa. 
Đây là một cử chỉ quý mến của chủ tiệc dành cho một vị khách đặc biệt. 
Việc trao miếng bánh cho Giuđa cho thấy anh nằm gần với chủ tiệc là Thầy, 
như thế Giuđa, người thủ quỹ kiêm quản lý, có một chỗ khá cao trong bữa tiệc. 
Giuđa đã nhận miếng bánh ân tình của Thầy và anh có thể chọn lại. 
Anh có dám từ bỏ kế hoạch phản bội của anh không? 
Tiếc là không, cử chỉ ưu ái của Thầy chẳng làm anh thay đổi. 
“Khi anh vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào anh” (c. 27). 
Chúng ta ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với Giuđa. 
Thầy đã rửa chân cho anh và còn cho anh tham dự bí tích Thánh Thể (Mt 26, 27). 
Khi biết lòng anh chai đá, Thầy lại hối thúc: “Anh làm gì thì làm mau đi” (c. 27). 
Giuđa ra đi lúc trời đã tối. 
Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần. 
Thầy chỉ nói sau khi Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng để cứu Thầy (c. 37). 
Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình. 
Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ. 
“Thầy đi đâu?”, tiếng Latinh là “Quo vadis?” (c. 36). 
Ta lại thấy câu hỏi này của Phêrô trong một sách ngụy thư ở cuối thế kỷ thứ hai. 
Lúc Phêrô chạy trốn khỏi sự bách hại ở Rôma, 
anh lại gặp Thầy Giêsu và hỏi Thầy: “Thầy đi đâu vậy?” 
Thầy trả lời Thầy đang vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa. 
Phêrô hiểu ra nên trở lại Rôma để chết tử đạo ở đó. 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa, 
xin cho con quả tim của Chúa. 
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, 
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa 
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường 
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. 
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, 
mọi trả thù ti tiện. 
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, 
không một biến cố nào làm xáo trộn, 
không một đam mê nào khuấy động hồn con. 
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, 
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. 
Xin cho quả tim con đủ lớn 
để yêu người con không ưa. 
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở 
để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen. 

 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM:

1. Phản bội

Trong bài Tin Mừng theo Thánh Gioan của Thứ Ba Tuần Thánh, Đức Giê-su tiên báo về hành vi phản bội của ông Giu-đa, bởi vì đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc Thương Khó của Người:

Thật, Thầy bảo thật anh em: “có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (c. 21)

Ngay trước đó, trình thuật kể lại việc rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13, 1-20), mà chúng ta sẽ nghe lại trong Thánh Lễ Tiệc Ly vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, cũng được đánh dấu rõ nét bởi hành vi phản bội này: ở phần đầu (c. 2), phần cuối (c 18) và phần giữa (c. 11).

– “Ma quỉ đã gieo vào lòng Giu-đa…” (c. 2 và 27), ở đây Giuđa được nhìn như là nạn nhân của Sự Dữ.

– “Người biết ai sẽ nộp Người” (c. 11), trong lời tường thuật này của thánh sử Gioan, Giuđa được nhìn như là tác nhân.

– “Nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (c. 18; trích Tv 41, 10). Trong lời nói này của chính Đức Giê-su, Giuđa được nhìn trong Kế Hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Vậy tại sao Giu-đa phản bội? Về hành động của Giuda, nếu chúng ta so sánh bốn Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mỗi Tin Mừng nói về ông một cách khác nhau. Điều này, cho thấy, hành động của ông phức tạp hơn chúng ta tưởng, nhất là chúng ta chỉ biết hành vi thôi, chứ không thấy được những động lực phức tạp của nội tâm. Tin Mừng theo thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến lí do tiền bạc: “Tôi nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26, 15). Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó, cho thấy Giu-đa không phải hành động vì tiền: ông đã hội hận và trả lại tiền; nhưng ông đã không mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót, nhưng tự làm quan tòa của chính mình. Lời loan báo của Đức Giê-su về Giu-đa ẩn dấu nhiều bí ẩn:

– Lời loan báo hướng tới một người, nhưng ai cũng buồn rầu và thấy mình có liên quan: “Chẳng lẽ con sao?” (Mc 14, 19). Về chuyện này, không ai chắc chắn về mình cả. Có sức mạnh nào đó vượt quá các tông đồ, các môn đệ, vượt quá Giuđa, vượt quá mỗi người chúng ta.

– Đức Giêsu biết trước, nhưng tại sao Ngài như vẫn chấp nhận và thậm chí đón nhận Giuđa, ít nhất là trong bữa ăn này? “Nhóm Mười Hai” cùng tới đầy đủ, cùng vào bàn, cùng ăn (Mc 14, 17); và lời nói này có nguồn gốc từ một Thánh Vịnh, Tv 41, 10. Và sự bao dung này vẫn diễn ra hằng ngày trong Thánh Lễ.

– Lời của Đức Giê-su về Giu-đa là một lời than, chứ không phải chúc dữ: “Bất hạnh cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”. Nhưng dù sao, lời này cũng quá nghiêm trọng. Biến cố hoài thai, vốn là một ân huệ, một công trình tạo dựng kì diệu (x. Tv 139, 13), trở nên không đáng có. Chúng ta cũng có thể, liên kết tội của Giu-đa với tội nguyên tổ: vô ơn, ham muốn, nghi ngờ. Nếu là như thế, tội của Giu-đa, là nơi hội tụ của mọi tội. Tội này có nguyên nhân là Con Rắn, và Tội này cũng dẫn đến ơn cứu độ là Thập Giá Đức Giê-su.

– Nhưng đó lại là kế hoạch của Thiên Chúa: “như lời đã chép về Người”; như vậy là làm sao? Đây là mầu nhiệm trên hết mọi mầu nhiệm. Câu chuyện của Giuse trong sách Sáng Thế giúp chúng hiểu được phần nào mầu nhiệm này: “Ông Giu-se nói với họ: Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50, 19-20).

Như thế, bản chất đích thực của hành vi phản bội phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỉ (x. Ga 13, 2 và 27; Lc 22, 3) và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giuđa, và cùng với Giu-đa là Satan, không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giêsu, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy trở nên tuyệt đối và đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho các môn đệ, trong đó có Giuđa, cho từng người chúng ta. Chính vì thế, chính khi Giu-đa ra đi, bước vào trong bóng tối, Đức Giê-su nói:

Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người
(Ga 13, 31-32)

2. Thất hứa

Khi Chúa báo trước rằng mọi người sẽ vấp ngã vì Chúa, ông Phê-rô đã làm cho mình được nổi bật, với những lời cam kết trung tín: “Ngay cả khi mọi người vấp ngã vì Thầy, phần con, con sẽ không bao giờ vấp ngã”; và khi Chúa nói một cách chính xác với Phêrô rằng ông sẽ chối Chúa đến ba lần ngay đêm hôm ấy trước khi gà gáy, Phêrô nói với Chúa: “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”.

Và ông Phê-rô đã thực sự thực hiện lời hứa của mình : một mình ông dám đi theo Chúa đang bị giải đi, và vào tận dinh Thượng Tế, dám trà trộn với bọn người làm để theo dõi sự việc (c. 58 và 69a). Chúng ta hãy thán phục sự can đảm của ông. Hơn nữa, ông đã từ bỏ rất nhiều, nhất là quan niệm riêng của ông về Đấng Ki-tô (c. Mt 16, 22)

Dù ở bên ngoài, ông Phê-rô đã có mặt trong cuộc xét xử Đức Giê-su bởi Thượng Hội Đồng từ đầu đến cuối; nếu ông không thấy, có thể nghe nói hoặc hỏi thăm người ta. Ông đã cảm nghĩ như thế nào, nhất là về cách người ta tố cáo, xét xử, lên án và hành hạ Thầy của mình ? Chắc ông đã biết hết ; điều này giải thích tại sao ông chối Chúa, vì đã nghe biết cách người ta xử án và kết quả cuộc xử án, và cũng giải thích tại sao ông đau đớn đến như thế.

* * *

Như Tin Mừng theo thánh Mát-thêu kể lại (x. Mt 26, 69-75), ba lần từ chối tương quan với Đức Giê-su, và càng ngày càng từ chối rõ ràng và mạnh mẽ hơn :

– Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?” Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!”

Đây là câu trả lời tránh né câu hỏi. Hoặc đó là câu trả lời có hai nghĩa : phủ nhận nhưng không hẳn là phủ nhận ; vì thế, người ta có thể yên tâm, không áy náy. Nhưng đó chỉ là hình thức thôi, vì ý muốn phủ nhận là có thật, nhưng được diễn tả bẳng cách nói nước đôi. Cũng giống như chúng ta từ chối khéo, thay vì nói thẳng ra. Nhưng hai lần sau, thì rõ ràng và lần thứ ba quyết liệt hơn lần thứ hai :

– Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: « Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy. » Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: « Tôi không biết người ấy. »

– Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: « Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay. » Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: « Tôi thề là không biết người ấy. »

Năng động của tội là như thế, sinh sôi nảy nở và càng ngày càng nghiêm trọng, và trở nên rõ nhất trong cuộc Thương Khó. Năng động của tình yêu cũng thế, nhưng theo chiều ngược lại. Có thể vì tình huống nguy kịch, nên ông Phê-rô chối bỏ tương quan với Chúa cho xong chuyện thôi, chứ trong lòng, ông đâu có đoạn tuyệt với Chúa. Trong cuộc sống, trong nhiều trường hợp, chúng ta không cần phải nói sự thật với bất cứ ai. Nhưng vấn đề ở đây là Chúa đang bị nguy hiểm, còn ông Phê-rô thì tìm cách tránh né nguy hiểm ; hơn nữa, làm như thế là không đúng với điều ông đã hứa : “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”. Nếu ông không hứa, thì đâu có sao !

Còn chúng ta, chúng ta có chối Chúa hay không ? Có lẽ chúng ta không chối như thế, nghĩa là có người hỏi về tương quan thuộc về Đức Ki-tô của chúng ta, và chúng ta công khai phủ nhận, để được an thân. Nhưng nếu chúng ta xem xét việc chối Thầy của ông Phê-rô không dưới khía cạnh nội dung cụ thể, nhưng dưới khía cạnh hình thức : là đưa ra lời hứa, nhưng không giữ lời hứa của mình, không trung thành với lựa chọn của mình, thì chúng ta đã « chối Chúa » rất nhiều, thậm chí hàng ngày.

Chúng ta hãy nhận ra con người thật của chúng ta nơi hành vi thất hứa và nơi lời nói chối bỏ « tương quan thuộc về » Đức Ki-tô của ông Phê-rô. Chúng ta cũng có thể sống, ý thức hay không ý thức, như người không biết Chúa, không thuộc về Chúa, qua một ánh mắt, một cử chỉ, một hành động, một lối sống trong một giai đoạn nào đó, qua tương quan lệch lạc của chúng ta với người khác hay với « những sự khác ».

3. Thức tỉnh

Chúng ta có thể tự hỏi : điều gì đã làm cho ông Phê-rô thức tỉnh ? Có hai yếu tố. Trước hết là Tiếng gà gáy. Tại sao hành động chối bỏ tương quan thuộc về Đức Giê-su lại gắn liền với tiếng gà gáy ? Cách các thánh sử Mát-thêu, Lu-ca và Gioan kể lại đều giống nhau ở chi tiết này : có tiếng gà gáy, sau ba lần chối. Nhưng thánh Lu-ca thêm một chi tiết thú vị : ông đang chối lần ba, thì gà gáy. Thánh sử Mác-cô kể lại hơi khác một chút : sau lần chối thứ nhất, gà gáy ; sau lần chối thứ hai và thứ ba, gà gáy lần nữa.

Đức Giê-su đã nói với ông Phê-rô : « nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối thầy 3 lần », ngay trong đêm Đức Giê-su bị bắt, trước khi trời sáng. Như thế, bối cảnh « chối Thầy » là những hình ảnh thiên nhiên mang đầy ý nghĩa : hành động từ chối tương quan thuộc về xẩy ra rất mau ; và đó là hành động thuộc về ban đêm, thuộc về đêm tối, trước khi trời sáng ; thế mà ánh sáng là biểu tượng của sự sống và tương quan thuộc về ánh sáng Đức Ki-tô.

Tiếng gà gáy báo cho người ta thức dậy, sau giấc ngủ. Hành động từ chối thuộc về Thẩy của mình, đến ba lần, đủ nhiều để chúng ta hiểu đó là một giấc ngủ, và là một giấc ngủ mê. Tiếng gà gáy đánh thức ông Phê-rô. Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, ông Phê-rô cần tới hai lần gà gáy. Còn chúng ta, chúng ta cần mấy lần ? Và tiếng « gà gáy », mà chúng ta cần để thức tỉnh là gì ?

Tuy nhiên, tiếng gà gáy, xét như hiện tượng tự nhiên vẫn chưa đủ. Bởi vì, sau tiếng gà gáy, ông nhớ lại lời Đức Giê-su. Đi đôi với hiện tượng thiên nhiên, cần phải có Lời Chúa nữa. Đó là yếu tố thứ hai. Ông Phêrô nhớ lại lời Chúa đã nói với mình. Đó là chìa khoá của hoán cải: trở về với Lời đã ngỏ cho tôi cách đích thân. Chúa là Tình yêu, và trong tình yêu không có chỗ cho việc chối từ sự trở về, mà chỉ có đón nhận mà thôi.

Bản văn của Tin Mừng theo thánh Luca, còn nói đến một chi tiết rất đánh động : Chúa quay lại nhìn ông (x. Lc 22, 61). Như vậy Phê-rô chối Thầy của mình trong tầm nhìn của Ngài. Như chính chúng ta, mỗi khi chúng ta cách nào đó chối Chúa, chúng ta cũng thực hiện trong tầm nhìn của Chúa, bởi vì Ngài « bao bọc chúng ta cả sau lẫn trước ». Hãy hình dung ra cái nhìn của Chúa đối với ông Phê-rô và đối với chúng ta : Đó là ánh mắt nào ? Giận dữ, trách móc, hay bao dung và tha thứ ? Chúng ta hãy đi vào tâm tình của Chúa mỗi khi chúng ta, cách nào đó chối Chúa.

Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của ông Phê-rô và đi vào tâm tư của ông. Chúng ta có bao giờ khóc như thế chưa ? Hay một tâm tình tương tự mỗi khi chúng ta không giữ lời hứa với Chúa ?

* * *

Cần phải cương quyết như thánh Phê-rô, nhưng trong trường hợp này, ông Phê-rô như đụng đến giới hạn của mình mà không biết, nhưng Chúa lại biết rõ. Để theo Chúa đến cùng trên con đường của Chúa, chúng ta không thể duy ý chí và dựa vào sức mình được, nhưng còn phải dựa vào lòng trung tín và lòng thương xót của Chúa. Giáo Hội được xây dựng « Đá Tảng Phê-rô », nhưng « Tảng Đá Phê-rô » lại dựa vào lòng thương xót.
Phê-rô vẫn đáng thương hơn đáng trách. Chúng ta cũng thế, dưới mắt Chúa, chúng ta vẫn đáng thương hơn đáng trách. Nhìn ngắm sự yếu đuối của ông Phê-rô, chúng ta sẽ được an ủi nhiều : một đàng Chúa biết hết, biết tình yêu mỏng dòn của chúng ta dành cho Chúa, nhưng Chúa vẫn bao dung, tin tưởng và không lên án.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày -song ngữ

sự phan bội và long trung thành

Tuesday (April 11): Betrayal and faltering loyalty to Jesus

 

Gospel Reading: John 13:21-33,36-38

21 When Jesus had thus spoken, he was troubled in spirit, and testified, “Truly, truly, I say to you, one of you will betray me.” 22 The disciples looked at one another, uncertain of whom he spoke. 23 One of his disciples, whom Jesus loved, was lying close to the breast of Jesus; 24 so Simon Peter beckoned to him and said, “Tell us who it is of whom he speaks.” 25 So lying thus, close to the breast of Jesus, he said to him, “Lord, who is it?” 26 Jesus answered, “It is he to whom I shall give this morsel when I have dipped it.” So when he had dipped the morsel, he gave it to Judas, the son of Simon Iscariot. 27 Then after the morsel, Satan entered into him. Jesus said to him, “What you are going to do, do quickly.” 28 Now no one at the table knew why he said this to him. 29 Some thought that, because Judas had the money box, Jesus was telling him, “Buy what we need for the feast”; or, that he should give something to the poor.30 So, after receiving the morsel, he immediately went out; and it was night.31 When he had gone out, Jesus said, “Now is the Son of man glorified, and in him God is glorified; 32 if God is glorified in him, God will also glorify him in himself, and glorify him at once. 33 Little children, yet a little while I am with you. You will seek me; and as I said to the Jews so now I say to you, `Where I am going you cannot come.’ 36 Simon Peter said to him, “Lord, where are you going?” Jesus answered, “Where I am going you cannot follow me now; but you shall follow afterward.” 37 Peter said to him, “Lord, why cannot I follow you now? I will lay down my life for you.” 38 Jesus answered, “Will you lay down your life for me? Truly, truly, I say to you, the cock will not crow, till you have denied me three times.

Thứ Ba  11-3           Sự phản bội và lòng trung thành non yếu  đối với Ðức Giêsu

 

Ga 13,21-38

21 Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”22Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai.23 Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su.24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai? “25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy? “26 Đức Giê-su trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt.27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi! “28 Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế.29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo.30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được”, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy? ” Đức Giê-su trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.”37 Ông Phê-rô thưa: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy! “38 Đức Giê-su đáp: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.

Meditation: Jesus’ disciples were put to the test as Jesus prepared to make the final and ultimate sacrifice of his own life for their sake and for all the world. What was different between Peter and Judas? Judas deliberately betrayed his Master while Peter, in a moment of weakness, denied him with an oath and a curse. Judas’ act was cold and calculated. Peter, however, never meant to do what he did. He acted impulsively, out of weakness and cowardice. Jesus knew both the strength of Peter’s loyalty and the weakness of his resolution. He had a habit of speaking with his heart without thinking through the implications of what he was saying.

 

The treachery of Judas, however, is seen at its worst when Jesus makes his appeal by showing special affection to him at his last supper. John says that Satan entered into Judas when he rejected Jesus and left to pursue his evil course. Satan can twist love and turn it into hate. He can turn holiness into pride, discipline into cruelty, affection into complacency. We must be on our guard lest Satan turn us from the love of God and the path which God has chosen for us.

The Holy Spirit will give us grace and strength in our time of testing. If we submit to Jesus we will walk in the light of his truth and love. If we turn our backs on him we will stumble and fall in the ways of sin and darkness. Are you ready to follow Jesus in his way of the cross?

 

“Give me, O Lord, a steadfast heart which no unworthy thought can drag downwards; an unconquered heart which no tribulation can wear out; an upright heart which no unworthy purpose may tempt aside. Bestow upon me also, O Lord my God, understanding to know you, diligence to seek you, wisdom to find you, and a faithfulness that may finally embrace you; through Jesus Christ, our Lord.”  (Prayer of Thomas Aquinas)

Suy niệm: Các môn đệ của Ðức Giêsu bị đặt vào thử thách khi Ðức Giêsu chuẩn bị thực hiện sự hy sinh cuối cùng của đời mình cho họ và cho toàn thể nhân loại. Có sự khác biệt nào giữa Phêrô và Giuđa không? Giuđa đã cố tình phản bội Thầy mình, trong khi Phêrô trong giây phút yếu đuối đã chối bỏ Người với lời thề và sự nguyền rủa. Hành động của Giuđa lạnh lùng và có tính toán. Còn Phêrô không bao giờ có ý làm những gì ông đã làm. Ông đã hành động hấp tấp vì yếu đuối và nhát sợ. Ðức Giêsu biết được sức mạnh lòng trung thành của Phêrô lẫn sự quyết tâm yếu kém của Phêrô. Ông có thói quen nói thẳng mà không nghĩ đến những gì mình đang nói.

 

 

 

Còn sự phản bội của Giuđa được coi là tệ hại nhất, khi Ðức Giêsu lên tiếng mời gọi, bằng việc bày tỏ tình thương đặc biệt đối với ông ở bữa tiệc ly. Gioan nói rằng Satan đã nhập vào Giuđa khi ông khước từ và lìa bỏ Ðức Giêsu để chạy theo ý đồ xấu xa của mình. Satan có thể bóp chẹt tình yêu và biến đổi nó thành sự ghen ghét. Nó có thể biến đổi sự thánh thiện thành tính kiêu ngạo, kỷ luật thành sự khắc nghiệt, thiện ý thành sự tự mãn. Chúng ta phải đề phòng kẻo Satan lôi kéo chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa và đường lối mà Người đã chọn cho chúng ta.

Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta ơn sủng và sức mạnh trong thời gian thử thách. Nếu chúng ta vâng phục Ðức Giêsu, chúng ta sẽ bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Người. Nếu chúng ta quay lưng lại với Người, chúng ta sẽ sẩy chân và vấp ngã trong những đường lối tội lỗi và bóng tối. Bạn có sẵn sàng bước theo Ðức Giêsu trên con đường thập giá không?

Lạy Chúa, xin ban cho con một tấm lòng kiên định mà không một tư tưởng bất xứng nào có thể lôi kéo nó xuống; một tấm lòng bất khuất mà không một đau khổ nào có thể làm nó kiệt quệ; một tấm lòng ngay thẳng mà không một mục đích bất xứng nào có thể cám dỗ. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin cho con trí thông minh hiểu biết Chúa, sự siêng năng tìm kiếm Chúa, sự khôn ngoan để nhận ra Chúa, và lòng trung thành để cuối cùng có thể ôm lấy Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. (Lời cầu nguyện của thánh Thomas Aquinas)

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Từ khóa:

trả lời

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận