Suy niệm những ngày Tết

Đăng lúc: Thứ ba - 17/02/2015 14:56 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Suy niệm những ngày Tết
 

Giao Thừa
 
Thời gian vẫn vần trôi. Như chiếc kim đồng hồ mãi vần xoay. Thời gian chẳng đợi chờ ai bao giờ. Ngày hôm qua đã thành quá khứ. Ngày mai còn chưa tới. Chỉ có ngày hôm nay đang trong tầm tay. Có thể nói món quà quý báu nhất mà Thượng Đế ban cho chúng ta hưởng thụ chính là thời gian. Thời gian lại qua đi rất nhanh nếu chúng ta không biết hưởng thụ thì thật uổng phí! Thời gian sẽ không chờ, thế nên, đừng chờ sau này mới làm những việc mà đáng lý mình phải làm. Nếu không làm ngày hôm nay thì không biết ngày mai chúng ta còn có cơ hội hay khả năng để thực hiện ước mơ của mình hay không?
Có những người con nghĩ rằng khi lớn lên sẽ phụng dưỡng cha mẹ, thế nên tuổi nhỏ thì vẫn lười biếng, sống thiếu trách nhiệm với gia đình, nhưng khi lớn lên thì cha mẹ đâu còn để mà thảo hiếu.
Có những người cha người mẹ tưởng rằng mình còn nhiều thời gian để xây mộng ước, thế nên, vẫn cứ trì trệ, không lo tương lai, đến khi già vẫn chưa có một mái nhà nương thân.
Có những bạn trẻ tưởng rằng thời gian còn dài, thế nên, vẫn vui chơi, có khi sa đọa, đến khi bệnh tật mới biết mình không còn cơ hội cho tương lai.
Có biết bao nhiêu mộng ước, dệt thật nhiều nhưng vẫn dở dang vì chẳng đủ thời gian để hoàn thành.
Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được cả một gia tài lớn.
 Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:
 - Tôi chia một phần ba tài sản của tôi cho Ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi. 
 - Không được. - Thần Chết lắc đầu. 
 - Vậy tôi đưa Ngài một nửa. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không? - Anh ta tiếp tục van xin. 
 - Không được. - Thần Chết vẫn không đồng ý. 
 Anh ta vội nói: 
 - Vậy... tôi xin giao hết của cải cho Ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không? 
 - Không được. - Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.
 Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối cùng: 
 - Thế thì Ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy.
 Lần này, Thần Chết gật đầu. Anh run rẩy viết một dòng: 
 - Xin hãy ghi nhớ: "Bao nhiều tiền bạc cũng không mua nổi một ngày". 
Thời gian thật quý hóa. Quý hóa vì nó một đi mà không quay trở lại. Thời gian cho ta làm việc, cho ta hưởng niềm vui nhưng chúng ta đã để lỡ thời gian khi lao vào những đam mê lầm lạc, khi hăng say tranh chấp bon chen với cuộc đời. Chúng ta đã đánh mất niềm vui của thời gian hiện tại. Đây mới là thời gian thực. Thời gian để sống và hưởng thụ. Vì quá khứ đã vuột qua. Tương lai còn mù tối. Hiện tại mới quan trọng với chúng ta. Hãy sống thật vui vẻ, lạc quan với hiện tại, vì đó là cách chúng ta không lãng phí thời gian.
Theo niềm tin ky-tô giáo, thời gian là ân ban của Thiên Chúa. Thời gian Chúa ban cho con người dài ngắn khác nhau. Điều đáng tiếc là ít ai bằng lòng với hiện tại. Không bằng lòng với hiện tại, nên con người thường hay lo lắng, bon chen, dùng đủ mọi khả năng, sức lực, tâm trí mong sống dài hơn, giàu có hơn, danh vọng và quyền lực hơn. Khi đã đạt đến mục tiêu rồi con người lại cảm thấy một khoảng trống vắng trong tâm hồn mà tất cả những lạc thú trần gian không thể lấp đầy. Dường như cuộc đời chẳng có gì vừa ý, toại nguyện mãi mãi với con người, vì ‘Được voi đòi tiên” là vậy.
Chúa Giê-su phán: “ Có ai trong các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc không? Vậy nếu đến việc rất nhỏ các ngươi cũng không có thể được sao các ngươi lo việc khác? Hãy xem hoa huệ mọc lên thể nào: nó chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; song ta phán cùng các ngươi, dầu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo như một hoa nào trong giống ấy” (Lc 12, 25-26).
Trong giây phút giao thừa, là thời gian chuyển tiếp giữa cũ và mới. Một thời khắc chuyển sang một năm mới với nhiều âu lo, trăn trở. Chúng ta hãy gác mọi lo âu trăn trở để sống giây phút hiện tại thật bình yên và hạnh phúc. Hãy phó dâng cho Chúa như muôn chim, muôn hoa để cho Chúa thực hiện theo sự quan phòng của Ngài. Chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa quyền năng, một Thiên Chúa nhân từ sẽ làm mọi sự tốt nhất cho con người, vì chúng ta là hình ảnh của Ngài, là con cái của Ngài, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Xin Chúa chúc phúc cho chúng ta một đêm giao thừa an bình. Xin cầu chúc cho quý ông bà và anh chị em được những giây phút hiện tại này tràn đầy niềm vui trong tình Chúa tình người đầy ắp hôm nay. Amen

Tâm Tình Tạ Ơn và Phó Thác
Suy Niệm Thánh lễ Tất Niên


Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương ( Tv 135)
Chúng ta đang cùng nhau sống những giờ phút cuối cùng của năm cũ, và chuẩn bị chia tay năm 2014, năm Giáp Ngọ, bước vào năm 2015, năm Ất Mùi với thời khắc thật linh thiêng. Vào dịp tạ ơn cuối năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta rằng : “Người tín hữu Kitô hữu dựa trên Thánh Kinh thấy thời gian không mang tính tuần hoàn mà là một đường thẳng: thời gian là con đường dẫn đến chung cuộc”. Đúng thế, nêu chúng ta nhìn lại một năm vừa trôi qua chính là một bước đi hướng đến sự hoàn tất của lịch sử, đến cứu cánh của nhân loại là hy vọng và vui mừng được gặp Chúa, thị việc tạ ơn này thật là ý nghĩa.
Chắc chắn mỗi người mang một tâm tình, vui, buồn, sướng, khổ, thành công hay thất bại. Nhưng giờ phút này đây, tất cả đều có chung một ý tưởng là tạ ơn và phó thác. Tạ ơn, vì Chúa đã cho chúng ta sống đến giờ phút này, còn gì thích hợp và ý nghĩa hơn khi chúng ta mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria để hát vang lên tới Chúa : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1, 29-55). Lời của thánh Phaolô nhắn nhủ với tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca xưa kia, nay ngài muốn nói với mỗi người chúng ta rằng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (1 Tx 5, 16-18). Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, về ân huệ Người đã thương ban (1Cr 1, 3-9).
Nhìn lại trong năm qua, chúng ta thấy các biến cố lần lượt diễn ra : các thảm kịch và hy vọng, niềm vui và đau khổ, chiến thắng và thất bại; kinh tế thế giới tiếp tục lún sâu, thiên tai ngày càng khủng khiếp xuất hiện siêu bão, tai nạn dữ hơn, thời tiết khắc nghiệt hơn, hành vi người với người đối xử với nhau giã man hơn v.v…
Việt Nam chúng ta đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng về nhiều phương diện từ đạo đức đến nhân văn, từ mô hình phát triển xã hội đến từng bước phát triển, từ lãnh đạo đến đường lối, từ kinh tế đến chính trị, từ ổn định xã hội đến an ninh quốc phòng, đạo đức con người như đang bị suy giảm tới mức báo động trong các ngành nghề như y học và giáo dục, nạn tham nhũng trở nên hệ thống hơn từ trên xuống dưới… chúng ta đang phải đối mặt với thực tại. 
Nhìn qua mọi sự, đến giờ phút này đay, chúng ta phải khẳng định rằng Thiên Chúa là chủ lịch sử, Ngài hướng dẫn các biến cố nhân loại. Ngài đồng hành với con người và không ngừng thực hiện những điều vĩ đại. Làm sao chúng ta có thể không cám ơn Người vào đêm nay? Và nhất là trong năm Tân Phúc Âm Hóa Giáo xứ này, làm sao chúng ta có thể không dâng lên Người lời tuyên xưng: “Lạy Chúa, chúng con đặt niềm tin tưởng nơi Chúa”!
Giờ đây chúng ta mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria hướng về trời cao và cất lên lời tạ ơn Thiên Chúa và phó thác nơi Ngài. Bởi lẽ, tạ ơn là thái độ căn bản của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa, vì tất cả những gì con người có đều là hồng ân của Thiên Chúa.
“Linh hồn tôi ngợi khen…
Thần trí tôi hớn hở vui mừng…
Ngài đã làm cho tôi những điều kỳ diệu…”

Chúng ta đồng thanh hiệp ý với Mẹ ca tụng những điều kỳ diệu của Thiên Chúa đã và còn đang làm trong lịch sử : Người đã và còn đang biểu lộ quyền năng của Ngài… đã và còn đang làm tan rã những kẻ kiêu căng… đã và còn đang hạ xuống người quyền thế… đã và còn đang nâng dậy kẻ khiêm cung… đã và còn đang ban tràn đầy ơn lành cho người đói khát… đã và còn đang đuổi người giàu có ra về tay không… đã và còn đang cứu giúp Israel Dân Người.” Ðó là bảy hành động của Thiên Chúa là Chúa của lịch sử: Người luôn đứng về phía những kẻ thấp hèn nhất, những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn, những ai “kính sợ Người, trung thành với Lời Người; đó là những kẻ khiêm tốn, những kẻ đói khát; đó là Israel người tôi tớ trung thành của Người; đó là cộng đồng dân Chúa, được kết thành bằng những kè nghèo hèn, trong sạch và đơn sơ trong tâm hồn, như Mẹ Maria.
Thánh lễ này diễn ra vào giờ phút cuối cùng của năm 2014 Âm Lịch, đôi mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của đời sống chúng ta. Vì không có Chúa, chúng ta sẽ không hiện hữu, không có Chúa sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không có gì. Chúa là Đấng “vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 13), Chúa là Đấng mà nhờ Chúa, chúng ta được tạo thành, và sống cho đến phút này đây. Không có Chúa, sự sống không thể đạt đến vận mệnh cuối cùng của nó. Không có Chúa sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không có gì. Chính Người giúp chúng ta đối diện với các thách đố trong năm mới; chính Người ban cho chúng ta khả năng sử dụng đời sống để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho nhân loại. Chúng ta hãy để tình yêu Ngài lôi cuốn cuộc đời ta.
Lúc này đây, chúng ta hãy đặc biệt nhớ tới và cầu nguyện cho những ai đang đau khổ, những ai đang gặp khó khăn và những ai đang sống trong buồn phiền, để khẩn cầu sự trợ giúp quan phòng của Chúa.
Cái nhìn của chúng ta giờ đây mở rộng ra hướng về gia đình, giáo họ, giáo xứ, giáo phận, toàn thể Hội Thánh và thế giới. Chúng ta hy vọng rằng Năm Mới sẽ đem lại hoà bình, công lý, tình huynh đệ và sự thịnh vượng cho tất cả mọi quốc gia!  Nguyện xin Ðức Nữ Trinh Rất Thánh, Hừng Đông của thời đại mới, giúp chúng ta nhìn lịch sử đã qua và Năm Mới khởi đầu với con mắt đức tin. Xin cầu chúc một Năm Mới hạnh phúc đến với mọi người! Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thiên Chúa muốn người hạnh phúc
Suy niệm Thánh lễ Giao thừa

(Mt 5, 1-10)

Sau năm Giáp Ngọ tức năm con Ngựa chấm đứt, thì đến năm Ất Mùi, năm con Dê được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm thứ tư, 18/02/2015 để cầm tinh đến 24 giờ đêm 07/02/2016.
Mỗi người chúng ta đều mang trong mình những những tâm tư và ước muốn. Ưu tư nhìn lại quá khứ, hy vọng hướng tới tương lại. Vậy giờ đây chúng ta có những tâm tình nào, ước muốn gì, chờ đời gì và nhất là nói gì với Chúa ? Chắc chắn một điều là ai cũng xin Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, rộng ban cho một năm mới phúc lộc dồi dào, và lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Chúa.
Về phương diện con người, điều đầu tiên trong năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau đó là chúc được bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn, mà người có đạo còn chúc nhau được đầy niềm vui và phúc lành của Thiên Chúa.
Trong giờ phút giao thừa, trước thềm năm mới, phụng vụ Lời Chúa vang lên lời chúc lành tư tế cổ xưa mà chúng ta nghe trong Bài đọc I :“Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ các con! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến các con, và dủ lòng thương các con! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho các con!” (6, 22- 27). Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh…  (1 Tx 5, 16-26). Như thế, điều mà tất cả chúng ta mong ước là “được Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến và chúc phúc”. Chúng ta cần phúc lành của Chúa ngay từ những giây phút đầu tiên của năm mới. Chúng ta ước mong được một năm mới bình an, thịnh vượng, tai qua nạn khỏi.
Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài yêu thương con người và hằng mong muốn con người được hạnh phúc, nên Ngài sẵn sàng chúc phúc cho chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Đoạn Tin Mừng thánh Mathêu đọc trong Thánh lễ Giao thừa minh chứng rõ ràng rằng : «  Thiên Chúa muốn, chúng ta là những người hạnh phúc ». (x. Mt 5, 1-10)
Hạnh phúc thật theo Chúa Giêsu phán trong Tin Mừng (Mt 5:1-12) nghe xong nhiều người không khỏi ngạc nhiên và sửng sốt, bởi vì những người mà người đời coi là khờ dại, bất hạnh và đáng thương hại theo Chúa Giêsu lại là những người có phúc. Lý do là vì họ sống tinh thần nghèo khó, mặc dù họ giàu sang, có tiền của. Sống tinh thần nghèo khó là không cậy dựa vào tiền của, nhưng phó thác vào quyền năng của Chúa. Họ còn là những người hiền lành, những người đau khổ, những người đói khát sự công chính, những người hay thương xót người, những người có lòng trong sạch, những người ăn ở thuận hoà và những người bị bách hại vì lẽ công chính. Đó là những người được Thiên Chúa chúc phúc.
Quả thật, Thiên Chúa là nguồn mọi ơn phúc, và chỉ một mình Chúa Giêsu là Ðấng có phúc tuyệt hảo, Ngài cũng muốn chúng ta có được hạnh phúc đích thật nên đã vạch ra cho chúng ta con đường Tám Mối Phúc Thật để tất cả chúng ta đi theo mà trở thành phúc nhân. Con đường Chúa đã đi khi còn sống thân phận lữ thứ trần gian như chúng ta : Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những kẻ hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai hoạt động cho hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mt 5, 3-10). Chính Chúa là Ðấng nghèo khó thật trong tinh thần, là Ðấng đau khổ, là Ðấng dịu hiền, là Ðấng đói khát sự công chính, là Ðấng nhân từ, là Ðấng trong sạch trong tâm hồn, là Ðấng họat động cho hoà bình, là Ðấng bị bách hại vì lẽ công chính. Chúa mời gọi chúng ta tiếp bước theo sau để tiến về cõi phúc thật. Với Chúa, điều không thể được trở thành có thể, ngay cả việc con lạc đà có thể chui qua lỗ kim (x. Mt 10,25), với sự trợ giúp của Chúa và chỉ với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta mới được ơn trở nên những người có phúc.
Trước thềm năm mới, chúng ta hãy khẩn cầu các thánh là những người đã được xem là phúc nhân, đặc biệt xin Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, Đấng được sứ thần chào là ‘Đấng đầy ơn phúc’, được bà Isave chị họ gọi là người ‘có phúc’ làm cho chúng ta trở thành những phúc nhân trong năm mới, nhất là trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ đến muôn thủa muôn đời ! Amen.
 
 Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Ngày Mồng Một
 
Ngày đầu năm chúng ta hướng về Đấng tạo thành. Đấng đã làm cho con tạo xoay vần, cho trời đất luân chuyển Xuân – Hạ – Thu – Đông. Hướng về Ngài để phó dâng về một năm mới bắt đầu. Một khởi sự mong được vẹn toàn nhờ ơn trên phù hộ. Hướng về Đấng tạo thành cũng mời gọi con người nhìn nhận sự quan phòng che chở, phù trì của Ngài để dâng lời tạ ơn về những ơn lành Ngài ban.
Đó là lý do mà người Việt Nam đi lễ hội đầu năm rất đông. Họ đi vì lòng tạ ơn. Họ đi vì mong muốn được Trời phù hộ chúc phúc cho một năm an bình. Đây cũng là một truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Cha ông ta luôn tin vào vận Trời. Cha ông ta luôn phó thác cho Trời. Và ngày đầu năm là dịp thuận lợi nhất để tri ân và cầu xin với Đấng tạo hóa đã làm nên muôn loài.
Điều này ta có thể thấy qua sự tích bánh chưng bành dày. Chuyện kể rằng: Đời Hùng Vương thứ Sáu, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân bên Tàu , vua có ý định truyền ngôi cho con.
Nhân dịp đầu Xuân, vua họp các hoàng tử lại, bảo rằng:
- "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho".
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.
Trong khi đó, người con trai thứ 18 tên là Tiết Liêu có tính tình hiền hậu, lối sống đạo hạnh, hiếu thảo với cha mẹ, nhưng vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào tìm được của ăn ngon và có ý nghĩa.
Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo:
- "Này con, trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người.  Con hãy lấy gạo nếp làm 2 thứ bánh: bánh dầy và bánh chưng. Thần còn dặn kỹ càng cách làm.
Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Trời ơi! đầy các món ăn vừa thơm ngon vừa lạ mắt. Hoàng tử Tiết Liêu trên mâm chỉ có 2 tấm bánh Chưng và bánh Dầy. Vua cha lấy làm lạ hỏi lý do. Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng dạy cách làm, giải thích ý nghĩa của 2 thứ bánh. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu.
Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, theo lệnh vua, dân chúng làm bánh Dầy và bánh Chưng để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.
Bánh chưng bánh dầy tượng trưng cho Trời Đất. Trời Đất ở đây không hiểu theo nghĩa vật chất mà là tượng trưng cho Đấng tạo thành trời đất. Con người phải biết ơn Đấng tạo thành. Con người dâng cho Đấng tạo thành hạt gạo là tinh hoa của đất trời, là ân lộc trời ban. Con người dùng hạt gạo trời cho để kết thành tấm bánh như nói lên tấm bánh là ân lộc trời ban và cũng là công sức con người làm nên.
Đấng tạo hóa càn khôn mà nhân loại hướng về với lòng biết ơn chính là Thiên Chúa toàn năng. Ngài đã làm nên hoàn vũ. Ngài đã cho định luật bốn mùa vần xoay như tình yêu của Ngài vẫn đong đầy cho nhân gian vượt mọi thời gian. Chính Ngài làm chủ vận mạng của lịch sử nhân loại. Chính Ngài mới có thể phù hộ, che chở gìn gìn con người, vì Ngài là Đấng quyền năng.
Thiên Chúa lại không xa lạ với con người. Ngài là Cha muôn loài và cũng là Cha của loài người chúng ta. Ngài là một người Cha rất tốt lành. Ngài luôn cho mưa thuận gió hòa. Không phân biệt lành dữ. Không phân biệt màu da. Ngài luôn cho mưa ơn trên xuống cho kẻ lành người dữ.
Lời Chúa ngày đầu năm hôm nay mời gọi chúng ta hãy tín thác đường đời cho Thiên Chúa. Hãy để Chúa chúc phúc cho một năm bình an. Hãy để Chúa làm chủ vận mệnh của mình theo thánh ý Chúa. Vả lại, cuộc sống đâu mấy khi theo ý chúng ta, vì “Mưu sự tại nhân – Thành sự tại thiên”. Sự khôn ngoan mời gọi chúng ta hãy để Chúa khởi sự và hoàn tất mọi việc theo ý Ngài. Điều này không có nghĩa là ta phó mặc cho Thiên Chúa, còn mình thì “ngồi chờ sung rụng”. Điều này chỉ nhắc nhở chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn của mình để trông cậy vào sự phù hộ của Thiên Chúa cho công việc của mình được mọi sự như ý.
Hãy nhìn xem muôn triệu đóa hoa chỉ đẹp xinh khi hướng về mặt trời. Hãy nhìn xem vạn vật vần xoay chung quanh mặt trời để tạo nên muôn điều kỳ diệu đẹp xinh. Đó là quy luật của vạn vật. Đó cũng là quy luật của loài người khi biết quy hướng về Thiên Chúa, và chỉ trong Thiên Chúa con người mới hạnh phúc bình an. Xin cho mỗi người chúng ta biết quy phục Thiên Chuá, biết dành cho Ngài vị trí tôn thờ tuyệt đối trong lòng chúng ta. Và với lòng tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta hãy phó dâng mọi sự cho Chúa. Xin Chúa chúc phúc cho chúng ta một năm bình an và vạn sự cát tường. Amen.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Hãy ký thác đường đời cho Chúa
Suy niệm Thánh lễ mồng Một Tết Ất Mùi

Mt 6, 25-34

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”
Chúng ta vừa bước sang Năm Mới, năm Ất Mùi. Mùi tức Dê cũng là Dương, Dê đứng hạng thứ 8 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi, nó đứng sau con tuấn mã oai hùng đã từng xong pha ra trận mạc đánh đuổi ngoại bang phương Bắc xâm chiếm đất nước chúng ta. 
Khi nói chuyện Dê có rất nhiều, đặc biệt chuyện :”Vợ chồng Bá Lý Hề và năm bộ da Dê” đã được truyền khẩu trong dân gian. Trong dân gian có câu: “Treo đầu Dê bán thịt Chó” ngụ ý nói không thành thật.
Tết năm con Dê, dân gian còn nhắc đến Bà Từ Hi Thái Hậu, đời nhà Thanh, khoản đãi các sứ thần thuộc các quốc gia Tây Phương, nhân dịp mừng Xuân Canh Tý 1874. Tiệc được chuẩn bị 11 tháng 6 ngày trước, có 1750 người phục vụ, tốn kém 98 triệu hoa viên thời bấy giờ tương đương 374 ngàn lượng vàng ròng, gồm 400 thực khách và kéo dài suốt 7 ngày đêm bắt đầu giờ giao thừa Tết nguyên đán năm Canh Tý. Đó là món Sơn Dương Trùng. Sơn dương là Dê núi, trùng là con dòi.
Tương truyền rằng: Bà Tây Dương Thái Hậu xuống chiếu đòi các thợ săn chuyện nghiệp tỉnh Hồ Bắc vào rừng phải tìm cho được một cặp Sơn Dương thật lớn. Sau thời gian băng rừng trèo núi cả tháng ở Thiểm Tây, đoàn thợ săn mới bắt được ba cặp Sơn Dương, trong số có ba con cái đều mang thai, nên được Bà Từ Hi Thái Hậu, trọng thưởng 50 lượng vàng mỗi con. Dê núi (Sơn Dương) sau đó được thả trong một khu vườn rộng đầy cỏ non xanh tốt. Cỏ lạ nuôi dê có được chất bổ dưỡng gan thận được vận tải đến mỗi ngày từ Vân Nam và Quảng Tây, cỏ này tên là “Đông Trùng Hạ Thảo” bởi mùa Hạ cỏ mịn như nhung còn sang mùa Đông thì trong cỏ quí có dược tính cùng với cỏ non, lá cây thuốc …nên sinh con khỏe mạnh và to lớn khác thường.
Cho dù Năm Ngựa hay Dê thì cả tháng nay, mọi người đã sửa soạn ăn Tết, ngày Tết, ai cũng có cái cảm tưởng là có cái gì mới vì ai cũng dùng chữ năm mới. Năm mới mọi cái đều phải mới.
Từ mấy hôm nay, chúng ta đã đi chúc tết nhau, thường người dướt tết người trên : con cháu tết ông bà cha mẹ, em tết anh chị, công nhân viên tết thủ trưởng. Kèm theo món quà, tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo, lại có những lời chúc thật tốt đẹp cho Năm Mới.
Ngày Tết, người ta chúc mừng nhau, chúc nhau.
Phúc, lộc, thọ.
. Phú, qúi, thọ, khang, ninh.
. Đa tử, đa tôn, đa phú qúi.
. Thăng quan tiến chức
. Buôn may bán đắt, nhất bán vạn lợi, một vốn bốn lời.

Đối với các cha chúng ta thường chúc:
Thánh thiện,
. Khôn ngoan,
. Khỏe mạnh.

Thi sĩ Trần tế Xương lại chúc :
Bắt chước ai ta chúc mấy lời :
Chúc ai sống ra cái con người.

Người Việt Nam còn có tục xông nhà, xông đất các gia chủ mong có người hiền, nhanh nhẹn, tử tế đến xông nhà đầu tiên để gia đình có người tốt đặt chân trước nhất sẽ gặp những điều mới, điều tốt lành trong năm mới. Tựu chúng lại là mong có dược mọi sự may mắn tốt lành.
Những câu chúc mà chúng ta trao cho nhau trong những ngày đầu xuân. Tất cả đều muốn hướng về một tiền đồ thật sáng lạn trong tương lai, đi kèm với một đời sống vật chất thật phong phú. Xem ra, tất cả đều hướng về những của cải chóng qua đời này và những thành quả chỉ dừng lại ở trần thế. Chúa mới chính là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là sự tồn tại của con người.
“Các con chớ áy náy về ngày mai”. Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến cùng đích của cuộc sống mình. Tương lai mỗi người đều nằm trong tay quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa.Với tình thương và lòng nhân hậu của Ngài, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Lo lắng, bận rộn, tất bật làm việc để tích luỹ và để bảo đảm cho tương lai..tất cả đều tốt và cần thiết, nhưng cũng nên nhớ một điều “nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Hãy làm tốt bao nhiêu có thể, những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ hoàn tất những gì còn lại.
Người Kitô hữu cũng có tập tục, truyền thống rất quí quá là dâng ngày đầu năm cho Thiên Chúa. Dâng những giây phút đầu của một năm, người Kitô hữu mong Chúa đổi mới và chúc lành cho năm mới.Ngay ca nhập lễ thánh lễ minh niên đã viết:” Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài”(Tv 66, 2-3).
Từ cái giây phút linh thiêng khi trời đất giao hòa, năm cũ bàn giao cho năm mới. Chúng ta họp nhau đâu để cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn phúc cho năm mới qua những lời chúng ta đã muốn cầu chúc cho nhau sức khỏe, điều lành, điều tốt. Và chính ngay lúc khởi đầu của những ngày mới, chúng ta quả đã muốn mọi sự cũ phải được qua đi, cái mới, cái đẹp phải loé rạng, tỏa sáng. Vậy thì trong thánh lễ tân niên nay, chúng ta hãy đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Bởi tất cả mọi sự đều do Chúa, đều bởi Ngài như lời thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”.
Khi bàn đến tuổi Dê, vì Dê nằm trong nhóm tứ mộ là : Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, chúng nó khắc kỵ nhau, cho nên gọi là nhóm tứ xung. Tuy nhiên, nếu chúng ta xét cho kỹ thì chúng nó khắc kỵ trực tiếp từng cặp: Thìn và Tuất và Sửu và Mùi. Trái lại, còn nhóm nhị hạp là: Ngọ Mùi và tam hạp là: Hợi, Mão, Mùi
Người tuổi Mùi ưa mùi mẫn, nên rất thảnh thơi, còn người tuổi Thân có đồng âm với tủi thân, nên phần số phải vất vả, cơ cực lầm than cho cuộc đời, giải thích ngang xương như vậy có tính cách trào lộng cho vui chứ không có chứng minh khoa học chánh xác của nó. Cho nên trong dân gian thường nói :“Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi, sao em lận đận một đời tuổi Thân”.
Tết con Dê đã đến. Hy vọng Năm Mới Ất Mùi sẽ có nhiều đổi mới để con người, tổ quốc và Giáo hội Việt Nam được phát triển nhanh hơn.
Nhân dịp bước sang năm Ất Mùi cầu chúc mọi người Năm Mới nhiều sức khỏe, khang an thịnh vượng, phát đạt, thăng tiến về tinh thần cũng như vật chất nhờ hồng ân Thiên Chúa tặng ban. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Lo lắng thái qúa là thiếu lòng tin

TẾT, TẾT, TẾT, TẾT ĐẾN RỒI.... Đó là câu đầu của một bài hát về Tết mà người Việt Nam nào cũng biết! Tết là ngày vui của mọi người, mọi nhà. Vui như Tết! Người ta vẫn thường nói thế!
Nói đến Tết thì giới háo hức nhất và vui nhất là thiếu nhi. Vui và háo hức vì: thứ nhất là được nghỉ học; thứ hai là được ăn bánh kẹo thoả thích; thứ ba là được có thêm đồ mới; thứ tư là được lì xì.
Còn người lớn thì sao? Đại đa số người lớn là vui ít, lo nhiều. Lo nhất là những ngày cuối năm.
Những người nghèo đi làm ăn xa gia đình thì lo lắng không đủ tiền để về quê, hoặc có tiền rồi thì lo không biết có mua được vé xe, vé tàu về quê ăn Tết hay không; lo vật giá leo thang, lo an toàn vệ sinh thực phẩm, lo trộm cướp hoành hành trong những ngày giáp Tết…
Có người thì lo nhất là lo người ta đến đòi nợ, vì năm hết Tết đến. Lo kiếm đâu ra tiền để sắm sửa dịp Tết (bông hoa, áo quần, giày dép, bánh trái), lo quà đi tết ông bà cha mẹ, tết người này người kia, rồi còn lo để dành tiền lì xì.
Các linh mục coi sóc các giáo xứ thì lo gì đây? Lo soạn bài giảng, lo tổ chức chương trình này chương trình kia; lo con chiên bổn đạo của mình ăn Tết có bình an may lành không, nhất là có sốt sắng đến với Chúa trong những ngày Tết không, hay chỉ lo ăn chơi không thôi. Quý xơ thì lo tập hát tập múa, lo chưng bông chưng hoa, lo kinh nguyện, lo đổi tiền mới để lì xì cho thiếu nhi nữa, …
Ai cũng lo hết. Là con người, không ai không lo lắng. Vì cuộc sống có nhiều lắng lo. Có người bảo: “Thưa cha trong đời con, ‘con chả lo gì, chỉ lo già’ thôi”. Ngay cả các em thiếu nhi mặc dù được tiếng là ít lo, đặc biệt trong những ngày này, nhưng khi vào học lại, cũng có nhiều cái lo. Lo học bài cho thuộc, lo làm bài cho được. Đến lớp thì lo bị thầy cô khảo bài. Ngồi học mà vừa lo vừa run. Cuối năm lo bị điểm kém, phải ở lại lớp. Về nhà thì lo bị cha mẹ la rầy chuyện nầy chuyện nọ, v.v…
Có thể nói rằng trong tất cả mọi loài thọ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên, chỉ có con người là loài biết lo lắng. Loài vật không hề biết lo lắng. Chúng hoàn toàn sống theo bản năng. Vì thế chúng không hề biết ưu sầu là gì. Còn con người còn sống là còn lắng còn lo. Kinh tế càng suy thoái, người ta càng lo càng lắng. “Lo lắng” là căn bệnh thường đi đôi với phận người, lo từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ vật chất cho tới tinh thần; lo cả những chuyện không đâu: “Một mình lo bảy lo ba; lo cau trổ muộn, lo già hết duyên”. Quanh năm suốt tháng lắng lo đủ chuyện, chẳng mấy khi thấy được niềm vui và bình an thư thái trong cuộc đời.
Một người không hề biết lo lắng chắc hẳn sẽ bị cho là người không bình thường. Tuy nhiên nghịch lý thay, Tin Mừng ngày đầu năm Chúa lại dạy: “Anh em chớ lo lắng áy náy…  Anh em đừng lo lắng cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc.” (Mt 6, 25).
Ở đây ta cần phân biệt giữa “lo lắng” và “lo liệu”. Chúa bảo ta đừng lo lắng chứ không phải đừng lo liệu. Lo lắng vì không tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Mọi lo lắng đều liên hệ đến tương lai, mà tương lai là điều chưa có thật. Trái lại, lo liệu là vẫn lo làm việc hôm nay, tiên liệu cho ngày mai, nhưng luôn tin cậy phó thác cho Chúa. Lo liệu là một ơn ban trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần, nên một khi có ơn lo liệu rồi thì người ta sẽ không còn lắng lo, lo lắng nữa.
Dĩ nhiên, Chúa không dạy ta: cứ tín thác vào Chúa, rồi sống hoàn toàn vô tư, khoanh tay ngồi chờ, không lo lắng gì, không hề biết tiên liệu gì, hoặc lãng lánh trách nhiệm của mình. Nhưng Chúa muốn dạy ta đừng lo lắng thái quá đến độ căng thẳng, xao xuyến, không còn bình tĩnh sáng suốt để tìm ra những giải pháp thích hợp cho hoàn cảnh cụ thể mình đang sống. Lo lắng đến độ phải ưu sầu, thậm chí lắm lúc mất ăn mất ngủ và sinh ra bệnh tật. Nhất là lo lắng sự đời đến độ mà xao lãng việc đạo nghĩa, là một sự lo lắng cần phải tránh xa.
Chuyện kể rằng anh kia có tật lo lắng thái quá. Ngày nọ cưới vợ, anh mừng, nhưng lo không biết vợ có thai được chăng? Năm sau vợ anh mang thai, anh lại lo hơn, không biết vợ có sinh được không. Lại một phen mất ăn mất ngủ. Rủi thay, vợ anh chuyển bụng lúc mới 8 tháng, đứa bé sinh non, cân nặng một ký chín. Anh lo lắng quá, sợ không nuôi được đứa bé. Gặp ai anh cũng hỏi: “Sinh thiếu tháng như thế, liệu có nuôi được không?” Và dù được nhiều người trấn an, nhưng anh chẳng bình yên chút nào. Tình cờ gặp người bạn cũ, anh đem chuyện ra hỏi. Người bạn cũ vừa an ủi vừa dẫn chứng: “Có gì đâu mà lo với lắng! Bà nội tôi sinh cha tôi, cũng sinh non. Mới hơn bảy tháng đã sinh rồi”.
Anh chàng lo lắng kia vội hỏi dồn một cách nghiêm trọng: “Thế à! Rồi có nuôi được đứa nhỏ không ? Đứa nhỏ có yếu lắm không? Có phát triển bình thường không? Trí thông minh có bị ảnh hưởng gì không? ...”.
Rõ ràng nhiều người lo lắng quá, làm cho đời sống trở thành một chuỗi ngày dài mất niềm vui. Thực chất sự lo lắng chẳng mang lại ích lợi gì. Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy có đến qúa phân nửa những điều ta lo lắng đã không trở thành sự thật. Chính Chúa Giêsu cũng đã dạy rằng: “Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình được một gang không?” (Mt 6, 27). Sự lo lắng thái quá làm lu mờ lòng trông cậy, bởi vì nó khuyến khích ta chăm chú vào những rắc rối mà quên mất lời hứa của Chúa. Sự lo lắng còn làm suy giảm niềm tin, và lấy mất khỏi ta sự bình an thật sự. Trong sa mạc, dân Israel đã quên sự săn sóc của Chúa, quá lo lắng về thức ăn, nước uống… nên khổ đủ thứ ( x. Ds 11-14).
Như vậy, điều quan trọng mà Thiên Chúa mời gọi ta trong ngày đầu năm đó là biết tín thác vào vòng tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Tín thác vào vòng tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa vì bên trên con người còn có một Đấng an bài mọi sự, Đấng mà ta vẫn tuyên xưng là Thiên Chúa. Đấng đó vẫn mời gọi ta đừng nhìn xem trời đất mà đoán vận trời, để tránh, để né, nhưng hãy khiêm tốn nhìn nhận có một Vì Thiên Chúa là Đấng tác sinh muôn loài. Nhìn nhận Thiên Chúa để quy phục Ngài. Nhìn nhận Thiên Chúa để sống dưới cái nhìn của Ngài. Nhìn nhận Ngài để bớt ưu tư lo lắng; trái lại biết phó thác đời sống mình cho Ngài coi sóc. Thánh Phêrô cũng đã dạy các tín hữu của mình: “Mọi lo âu, anh em hãy trút bỏ cho Chúa, và Chúa sẽ chăm sóc anh em” (1Pr. 5,7).
Tuy nhiên thực tế, ta thấy rằng có thể chúng ta đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính không sót một chữ, nhưng lại không có lòng tín thác sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, lắm lúc còn trách móc Ngài nữa. Nếu chúng ta có đức tin kiên vững vào Thiên Chúa là Cha thương yêu vô cùng và quyền phép vô song, thì chắc hẳn ta sẽ không bao giờ bất an, xao xuyến, và thất vọng.
Tại sao ngày hôm nay nhiều người có đủ mọi thứ bảo hiểm cho thân xác mà vẫn cảm thấy bồn chồn lo âu, chưa có hạnh phúc? Thưa, vì người ta thiếu “bảo hiểm” cho tâm hồn. Khi mà chủ thể, cùng đích và lẽ sống của ta không phải là Chúa mà là những thứ khác, tức là những thứ đời tạm này. Mà những thứ thuộc về đời tạm này đâu có gì là bền vững; do đó người ta vẫn lo lắng một ngày nào đó nó sẽ mất đi, và một khi nó mất đi, người ta sẽ thất vọng ngã lòng, vì không còn gì để bám víu.
“Trong ngày đầu năm mới này, ta được mời gọi hãy hướng về Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ân sủng, là cùng đích của mọi loài, và trao phó cho Ngài toàn thể vận mạng của ta. Hãy phó thác cho Chúa cuộc đời và những dự định của ta, tất cả những gì ta đang thực hiện và muốn tiếp tục hoàn thành, tất cả những gì ta muốn làm nhưng chưa dám khởi công, cũng như tất cả những gì mới chỉ là những ước mơ, hoài bảo. Hãy phó thác cho Chúa tất cả những người thân yêu và tất cả bạn bè của ta. Xin Chúa làm cho những lời cầu chúc của ta dành cho nhau được trở thành hiện thực” (x. Bài giảng Mùng Một Tết của ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi).
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 


Ngày Mồng Hai Tết
 
Ngày tết là dịp để chúng ta đoàn tụ với gia đình. Ai cũng mong được về cùng chung với gia đình bên mân cơm. Cùng dâng cho nhau ly rượu chúc mừng năm mới. Bữa cơm tết với gia đình thật ấm cúng, thật đáng quý biết bao. Vì ở giữa cuộc đời bon chen, không ở đâu bình yên bằng gia đình. Không ở đâu có tình yêu chân thật bằng cha mẹ con cái yêu thương nhau. Gia đình là tổ ấm, là điểm tựa của mỗi người, dù đi đâu thì gia đình vẫn luôn sẵn sàng là bến đỗ để ta trở về.
Thế nhưng, để hiểu điều này đôi khi phải chờ đến khi rời xa gia đình, lúc ấy chúng ta mới nuối tiếc về mái ấm gia đình mà chúng ta đã từng làm lơ hay hững hờ:
Khi rời xa mới biết ý nghĩa của gia đình
Mới biết niềm vui trong từng cử chỉ
Mới biết hạnh phúc phải đâu nào xa xỉ
Vì chỉ một nụ cười cũng đủ ấm con tim…(Kim Liên)
Có những người khi xa gia đình mới cảm thấy thương cha thương mẹ. Họ mới cảm nhận được “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Xa cha, nhớ mẹ, họ chỉ mong cho các ngài bình yên hạnh phúc trong  lời kinh nguyện mà thôi:
Giữ mãi gia đình trong một góc riêng
Để nhớ để mong để âm thầm cầu nguyện:
- Xin nỗi buồn đừng hằn trên mặt mẹ
Và nụ cười đừng chia cách môi cha… (Kim Liên)
Khi rời xa khỏi vòng tay nồng ấm của cha mẹ, người ta mới thấy hụt hẫng, bâng khuâng. Tuy trong đời họ có tiền, có địa vị nhưng lại thiếu một tình yêu ôm ấp bảo ban. Thế nên, có những người thầm ước được trở về tuổi thơ, để nơi đó họ được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ cha:
Thời gian thấm thoắt trôi đi,
Tìm đâu một vé trở về tuổi thơ?
Một thời lém lỉnh ngây ngô,
Sống trong đùm bọc bến bờ yêu thương. (ST)
Tuổi thơ ai cũng hạnh phúc. Cái hạnh phúc là được ở trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Cái hạnh phúc nồng ấm khi được cha mẹ “Nâng như nâng trứng – Hứng như hứng hoa”. Cái hạnh phúc được làm nũng, được ăn vạ và được mẹ vỗ về. Đó cũng là món nợ ân tình mà những người làm con phải trả cho các bậc sinh thành đến suốt cuộc đời.
Con nợ mẹ cha những ngày vui bất tận
Rong ruổi suốt cuộc đời không định hướng tương lai
Con nợ những chiếc hôn còn nóng hổi vành môi
Trong cơn điên loạn giữa bạc tiền mến mộ
Nợ ân nghĩa mẹ cha đòi hỏi chúng ta phải trả cho suốt cuộc đời. Nếu các ngài đang trong tuổi già lầm lũi cô đơn thì hãy chăm nom, săn sóc, phụng dưỡng tuổi già. Nếu các ngài là những cha mẹ trẻ đang bươn chải một nắng hai sương thì phận làm con, hãy chia sẻ gánh nặng với các ngài trong khả năng của mình. Và nếu các ngài đã qua đời thì xin dành cho các ngài những nén hương với lời nguyện cầu tha thiết cho các ngài sớm hưởng phúc thiên đàng bên Chúa.
Một nén hương nồng nàn lặng lẽ
Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương
Dù bao năm dù có hóa vô thường
Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất.
Nhưng dù muốn dù không khi nói đến tình nghĩa mẹ cha, ai cũng cảm thấy mình còn thiếu sót, còn nhiều lỗi lầm với mẹ cha. Có những người đã từng cãi lời mẹ cha. Có những người đã từng quên lãng mẹ cha để mải miết đi tìm danh vọng. Có những người còn bất hiếu với mẹ cha qua những việc làm thất đức, đáng xấu hổ với “liệt tổ, liệt tông”. Đó là lý do khiến bao người khi nghĩ đến mẹ cha lại cảm thấy nuối tiếc về thời gian bên cha mẹ, nuối tiếc vì những việc làm đã gây đau khổ cho cha mẹ. Thế nên, có ai đó nói rằng:
Bài học đầu đời thật vất vả mẹ cha ơi!
Xin cho con im lặng để mắt con cay
Xin cho con lạnh lùng để con không bật khóc
Xin cho con góp nhặt để còn chút lương tâm
Xin cho con chuộc lỗi dù biết đã muộn màng.
Hôm nay Mồng Hai Tết, ngày cầu cho ông bà cha mẹ. Ai cũng phải nợ ân, nợ nghĩa ông bà cha mẹ. Hãy dùng thời gian hôm nay để nói lên lòng hiếu kính của chúng ta với các ngài. Hãy dâng cho các ngài lời nguyện cầu với lòng biết ơn mong sao các ngài luôn hạnh phúc bên đàn con cháu. Chúng ta hãy dành thời gian hôm nay để sum vầy bên các ngài quanh cầu chuyện đầu năm. Cùng chúc mừng các ngài vạn sự cát tường.
Xin cầu chúc cho các gia đình một ngày ngập tràn niềm vui sum vầy bên những người thân yêu nhất. Cầu chúc cho mọi nhà rộn ràng tiếng cười vui bên mâm cơm gia đình. Xin Chúa chúc lành cho ngày sum họp hôm nay được trọn niềm trong Chúa và bên nhau. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thảo Cha kính Mẹ

Suy niệm thánh lễ mồng hai Tết

(Mt 15,1-6)

Ngày Tết chúng ta sắm mặc, sửa ăn, ngày đầu năm chúng ta đi chúc tết nhau, con cháu tết ông bà cha mẹ, người dưới chúc tết người trên, với biết bao nhiêu lời chúc tốt đẹp, kèm theo những món quà thơm thảo bày tỏ lòng biết ơn, kính quí, thảo hiếu với người trên, anh em nâng chén chúc tụng nhau.
Ngày Mồng Hai Tết, Giáo hội dạy chúng ta dâng tấm lòng thành, kính nhớ tổ tiên : “Ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại” (Hc 44, 1, 10-15). Quả thật, có được ngày đầu năm hoan hỷ vui xuân, làm sao chúng ta lại quên công, bỏ nghĩa các bậc tiền nhân được, chúng ta là phận cháu con đã và đang thừa hưởng gia tài ân đức các ngài để lại, nên phải ‘kể lại sự khôn ngoan của các ngài’ để noi theo, các ngài đã giữ các điều răn của Chúa, cháu con cũng phải một mực trung thành. Như thế, dòng dõi các ngài mới trường tồn vạn đại. (x. Hc 44, 1, 10-15 )
Thảo kính mẹ cha là điều Chúa truyền dạy
Thụ ơn ắt phải báo đền, mẹ cha là hình ảnh của Thiên Chúa : ngoài việc sinh thành, dưỡng dục, các ngài còn là người đại diện Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa tình thương hằng bao bọc, che chở và nuôi dưỡng chúng ta nên người. Chính trong bậc sống gia đình, cha mẹ được Thiên Chúa mời gọi để cộng tác vào chương trình tạo dựng của Ngài,  để cho ra đời những người con, mang hình ảnh Chúa, và tô điểm thêm cho trái đất nhiều người ca ngợi và kính sợ Chúa.Vì thế, trong bổn phận thảo hiếu, ngoài việc con cái phải phụ dưỡng, giúp đỡ cha mẹ khi già yếu, còn phải hằng ngày cầu nguyện cho cha mẹ : luôn sống xứng bậc mình, sẵn sàng hy sinh để nuôi dưỡng và giáo dục cho tròn bổn phận mình. Thiên Chúa dạy chúng ta : “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mc.7, 8-13). Phụng dưỡng mẹ cha theo đúng lời Chúa truyền dạy, chớ dựa vào : “ truyền thống của cha ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”. (Mt 13, 6) Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.
Việc “đền ơn đáp nghĩa” là một nghĩa vụ thiêng liêng để được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu này, đó là những ước mơ và lời cấu chúc trên cửa miệng của chúng ta trong ngày đầu năm mới như hạnh phúc, khang an và trường thọ. Vậy đâu là bí quyết để những lời chúc đó trở thành hiện thực ? Thưa là áp dụng lời Chúa dạy chúng ta : “Hãy thảo kính mẹ cha”; “ Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3, 6). Thánh Phaolô Tông đồ khuyên chúng ta “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).
Thực hành chữ hiếu là thể hiện đạo lý dân tộc
Thật phù hợp với đạo lý dân tộc Việt Nam, chiếc bánh chưng, một sản phẩm cổ truyền, một chứng tích của đạo lý, chúng ta làm nhất là khi ăn ngày Tết nhắc nhớ chúng ta mang nặng nghĩa mẹ tình cha. Bởi Lang Liêu, vị hoàng tử thứ mười tám, con người hiền lành, hiếu thảo đã dâng lên vua cha thứ bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dầy tượng trưng cho trời; với ý nghĩa xem công cha nghĩa mẹ to lớn như trời cao đất rộng, che chở cho con cái sống an vui giữa đời.
Vì cha nên mới có mình,
Mẹ cha đối đáp công trình biết bao
Ơn này sách với trời cao
Trong lòng con dám lúc nào lãng quên

Ngày Tết, cầm bánh chưng lên ăn, làm chúng ta nhớ đến tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo như : thăm viếng, chúc tết, giúp đỡ là một lẽ, chúng ta còn phải xin lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Tất cả đều là những nghĩa cử cần thiết, không thể thiếu được.
Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông : có cha có me,  có ông có bà”. Ai trong chúng ta cũng đều thuộc nằm lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy về đạo hiếu đối với mẹ cha.
Tôn kính
Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”

Phụng dưỡng
Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:
“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc
Xem cháo cơm thay thế mọi bề
Ra vào thăm hỏi từng khi
Người đà vô sự ta thì an tâm.”
 (Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)
Vâng lời
Dạy sao cho được con hiền
Để cho cha mẹ khỏi phiền về con
Một niềm phép tắc nết na
Biết sống biết kính mới là khôn ngoan

Có một số người, không biết sống đạo gì mà lại đối xử nhất trọng nhất khinh. Bởi vì đối với người Việt Nam, tương quan với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Lấy vợ, lấy chồng không chỉ là lấy một người mà “lấy” cả họ hàng nhà chồng, nhà vợ. Cách cư xử với họ hàng bên chồng hay bên vợ không chỉ liên quan đến bản thân mà còn liên quan đến cả họ hàng bên mình.
Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” Nguyễn Trãi đã đề cao đạo đức, và chữ hiếu được nhấn mạnh rất rõ:
“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,
Đừng tranh dành bên ấy, bên này,
Cù lao đội đức cao dày,
Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)
Khi cha mẹ qua đời
Con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ. Không những cầu nguyện cho cha mẹ, con cái còn xin cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn sống, các ngài vẫn cầu nguyện cho mình.
Hội Thánh Công giáo nhìn nhận đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội Thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc.
Thực hành chữ hiếu
Trong ngày Mồng Hai Tết năm nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ để mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống và đã qua đời. Đồng thời Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.
Ai mà phụ nghĩa quên công
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.

(Ca dao)
Xin Chúa trả công bội hậu đời này và đời sau cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài. Amen./.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
THẮP NÉN HƯƠNG LÒNG NHỚ VỀ TỔ TIÊN
 
Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống đạo đức rất đáng trân trọng: Chữ hiếu lúc nào cũng được đặt nặng. Vì thế, Người có đạo hay không vẫn tương đồng về chữ hiếu. Bởi vì: Chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ.
 1-Phụng vụ mồng hai tết quy hướng về ông bà tổ tiên
Theo truyền thống tốt lành của Giáo hội Việt Nam, mồng hai tết, Giáo hội kêu gọi mọi người kính nhớ đến tổ tiên, ông bà và cha mẹ đã qua đời, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người biết hiếu thảo với bậc sinh thành còn sống. Việc báo hiếu mang một tầm vóc rất quan trọng trong gia đình và cá nhân, điều này hoàn toàn không đi ngược lại với niềm tin Kitô giáo. Vì thế, trong Ca nhập lễ mồng hai tết, Giáo hội nhắc nhở ta:
Con ơi giữ lấy lời cha,
Chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm.
Đèn soi trong chốn tối tăm,
Ấy chính là những lời răn, lệnh truyền.
Nhớ cầu cho bậc tổ tiên,
Khắc ghi công đức một niềm tri ân.”
Riêng với Lời nguyện nhập lễ, Giáo hội kêu mời mọi người khẩn cầu xin Thiên Chúa ban Phúc lành cho các ngài: “Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới, chúng con họp nhau để kính nhớ ông bà tổ tiên và cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho các bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con và giúp chúng con luôn sống phải đạo đối với các ngài.
Trong khung cảnh của ngày lễ hôm nay, Giáo hội không chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở ta báo hiếu với tổ tiên, nhưng còn thức tỉnh cho những ai còn ông bà cha mẹ, hãy tỏ lòng hiếu thảo với các ngài. Đặc biệt Lời Chúa trong hôm nay cũng quy hướng chúng ta về lòng hiếu thảo, và chắc cũng làm lay động tâm hồn và con tim ta, nếu thực sự chưa yêu thương ông bà cha mẹ. Và hy vọng rằng, với những tâm hồn chai đá, thì trong khoảnh khắc nào đó của cuộc đời, Lời Ngài sẽ tác động và làm bừng tĩnh trong họ một khát vọng yên thương đong đầy khi chưa thi hành đạo hiếu.
“ Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3,2-6)
 “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già, bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người... ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Chúa nguyền rửa” (Hc 3, 12-13.16)
2-Nỗi niềm ngày tết
 Khi vui tết và nhất là khi tham dự thánh lễ mồng hai tết sẽ làm khơi dậy trong ta nhiều nỗi niềm:
*Nhớ về cội nguồn: Tết vui thật, nhưng trong niềm vui rỗn ràng ấy vẫn không sao khỏa lấp nội nỗi lòng của ta, bởi phản phất đâu đó nỗi nhung nhớ miên mang sâu lắng phát lên từ cỏi lòng hướng về tổ tiên ông. Hầu hết ngoài việc chuẩn bị đón tết gia đình nào cũng chăm lo trang trí, đơm hoa quả cho bàn thờ tổ tiên ông bà. Tập tục một số nơi dành ngày 30 tết để đón ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu, có gia đình thì 25 tết đã đón ông bà về để ăn tết sớm cho thong thả hơn. Rồi mồng bốn tết “cúng tất” để  tiễn ông bà đi.  Những nghĩa cử cao đẹp ấy rất linh thiêng và cảm động, như chưa bao giờ ta cảm nhận hình ảnh tổ tiên ông bà lại gần gủi đến thế: Đúng là “Người chết nối linh thiêng vào đời.” Riêng với người Kitô hữu ngoài việc dâng lễ ở nhà thờ, nhiều giáo xứ con tổ chức dâng lễ ngoài nghĩa trang để cầu nguyện và thăm viếng các ngài.
Có câu chuyện sau: năm Giáp Ngỏ vừa rồi, người cha dắt con cháu ở xa về nghĩa trang quê để tham dự thánh lễ mồng hai tết, trước giờ lễ, ông không quên dắt con cháu đến từng mộ phần của ông bà, hầu giới thiệu cho con cháu biết: đây là mộ ông cố và bà cố, còn đây là mộ ông bà nội ngoại ... Câu chuyện vắn gọn thôi, nhưng gửi lên một đạo lý làm người. Điều này cũng đễ hiểu, vì con người luôn hướng về côi nguồi, và tết là thời gian thuận tiện nhất để ta có thể lội ngược dòng,  tìm về ông bà tổ tiên. Ca dao Việt Nam có câu: uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu...
*Nhớ mãi công ơn sinh thành dưỡng dục
Mới tết năm nào đó còn đi chúc tết ông bà cha mẹ, vậy mà tết năm nay các ngài đã không còn nữa. Lòng thương nhớ cứ trào dâng trong ta mỗi độ tết về. Ngoài công ơn sinh thành, các ngài đã hy sinh gian khổ một đời để dạy dỗ giáo dục cho con cái nên người, giờ đây đã nằm xuống để cho con cháu được lớn lên, được bay cao lên, được sống vui và hạnh phúc. Ai làm cha làm mẹ thì mới hiểu được công ơn sinh thành dưỡng duc.
Chính vì lẻ đó mà Giáo hội dạy ta phải ý thức thi hành bổn phận đối với các ngài: “Lòng tôn kính cha mẹ dựạ trên sự biết ơn với những người, bằng việc trao ban sự sống, bằng tình yêu và công lao của mình, đã sinh ra các con cái mình, giúp chúng có khả năng lớn lên về tuổi tác, về sự khôn ngoan và ân sủng: (GLCG số 2215) “Cha con con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau, Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng ?” (Hc 7, 27-28)
*Nhớ hoài những kỷ niệm
 Vào những ngày tết, bao kỉ niềm tràn về, làm khơi dậy trong ta những hình ảnh đẹp của của ông bà cha mẹ một thuở xa xưa: nhớ ngàn lời ru, nhớ hoài nụ cười, nhớ từng bước chân, nhớ mãi những lo âu thể hiện trên khuôn mặt của mẹ cha lúc gia cảnh con nghèo. Mỗi cái tết đến là một nỗi âu lo: lo cho có nồi bánh chưng, lo cho mỗi đứa con có manh áo mới... bao nhiêu nỗi khó khăn chồng chất trên đôi vai cha mẹ. Giờ ngẫm lại sao thấy thương quá! Tất cả giờ đây trở thành những kỉ niệm đẹp thật đáng trân trọng. Những điều này cũng muốn thầm nhắc những ai còn ông bà, cha mẹ hãy yêu mên các ngài, hãy đệt lên những kỉ niệm đẹp, và trân trọng để tận hưởng những giây phút được sống bên cha mẹ ông bà trên cuộc đời này.
Nhớ đến các ngài cũng chính là lúc nhớ đến những khuyết điểm và lẩm lỗi của mình, bởi ta còn nhiều thiếu xót trong cách đối xử với các ngài. Nhiều người con quỳ bên mộ phần của cha mẹ ông bà đau xót khóc thương cho sự nuối tiếc muộn màng. Tiếng khóc nói lên lòng nhung nhớ đã đành vì mất đi người thân, nhưng hơn thế, tiếng khóc cũng biểu lộ cho những tâm hồn xám hối vì chưa làm tròn chữ hiếu. Hãy cắm lên mộ phần của các ngài bằng những bông hoa thiêng liêng. Đó là bông hoa hy sinh, bông hoa yêu thương, bông hoa bác ái, bông hoa quãng đại và tha thứ. Bởi các ngài vẫn cần lắm những bông hoa ấy.
*Nhớ và biết ơn “những sứ giả đầu tiên”
Ông bà cha mẹ ta ngày xưa nghèo thật, nhưng không vì thế mà sao lãng việc sống niềm tin. Chính các ngài cũng là những mẫu gương sống động về niềm tin. Điều ưu tư nhất của các ngài là hướng dẫn và giáo dục con cái sống niềm tin: kinh hạt sớm hôm, tham dự thánh lễ Misa mỗi ngày, chu toàn việc bổ phận của người giáo dân cách nghiêm chỉnh. Chính vì thế, trong Kinh Tiền Tụng của mồng hai tết Giáo hội cũng cho thấy: “Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha cũng đã ban cho các ngài ân huệ dư đầy, dể chúng con được thừa hưởng mà nhận biết, tôn thờ và phụng sự Cha.”
Giáo lý Hội thánh còn dạy: “Nhờ ân sủng của bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc ân loan báo Tin Mừng cho con cái. Cha mẹ khai tâm cho con cái về các mầu nhiệm đức tin ngay từ lúc đầu đời, chính họ là “những sứ giả đầu tiên” của đức tin đối với con cái mình. Lúc chúng còn thơ ấu, cha mẹ phải cho con cái hòa nhập vào đời sống của Hội Thánh. Cách sống của gia đình có thể nuôi dưỡng những tâm tình tốt đẹp, những tâm tình đó vẫn luôn là sự chuẩn bị và sự nâng đỡ đích thực của đức tin sống động trong cuộc sống.” (GLCG số 2225)
Lời kết
Một lần nữa, Xuân lại về tết lại đến. Có bao điều đáng nhớ đáng thương. Xuân về chuyên chở cho ta bao nguyện ước tốt đẹp. Ước nguyện đất nước an bình, nhà nhà hạnh phúc, người người yêu thương. Tết đến khơi dậy trong ta bao kỉ niệm đẹp về hình ảnh một thời xa xưa của ông bà cha mẹ. Cảm ơn công ơn sinh thành dưỡng dục của các ngài, và hơn thế nữa, các ngài đã truyền lại cho con cháu niềm tin và lòng hiếu thảo. Để đến hôm nay tâm hồn ta vẫn luôn âm vang điệp khúc: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Cầu chúc các ngài vui hưởng một Mùa Xuân hạnh phúc vĩnh viễn trên quê trời.
                                                                                                                       
Lm Phêrô Châu Linh

 
 
 
 
 
 
Ngày Mồng 3 Tết
 
Thiên Chúa ban cho mỗi người một nén bạc. Nén bạc tượng trưng cho khả năng, cho điều kiện của mỗi người khác nhau. Thế nên, phải biết “liệu cơm gắm mắm” cho phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Đừng mơ tưởng những sự viễn vông, vì điều đó vượt ngoài khả năng. Đừng làm những việc không trong tầm tay kẻo uống phí thời gian, vì uổng công vô ích.
Có một con Dê tự tách ra khỏi đàn, bị con Sói đuổi theo. Dê quay lại, nói với Sói:
- Thưa ngài, tôi biết thân phận mình phải hiến dâng cho ngài. Nhưng để ngài thưởng thức món ăn đựơc ngon, ngài hãy thổi sáo và tôi múa nhảy cho mà xem. 
Sói bắt đầu thổi sáo cho Dê nhảy quay cuồng. Lũ chó nhà nghe tiếng huyên náo bèn nhảy ra đuổi Sói. 
Sói vừa chạy vừa quay đầu lại nói với Dê:
- Ta chịu thua ngươi vì ta vốn anh hàng thịt lại giở trò làm nhạc công, nên bỏ lỡ mất thời cơ.
Hóa ra khi chúng ta làm những việc ngoài khả năng thì chúng ta chỉ là một anh hề mà thôi. Có khi vất vả mà chằng nên công trạng gì. Thế nên, hãy nắm bắt những gì mình có thể làm được và trong tầm tay của mình. Đừng làm những chuyện “vá trời” mà chẳng được công ích gì!  Hãy làm những chuyện trước mắt, những chuyện cần làm ngay mới đem lại hiệu quả cao. Con sói đã sổng mất con mồi khi làm việc không đúng khả năng của mình. Con người cũng sẽ thất bại nếu không biết làm đúng chuyên môn, hay đúng khả năng của mình.
Hôm nay, ngày Mồng Ba Tết, chúng ta hướng lòng lên Đấng Tạo thành để cúi xin Ngài chúc phúc cho công việc một năm được thuận buồm xuôi gió. Chúng ta tin rằng “Mưu sự tại nhân, Thành sự tại Thiên”. Con người chúng ta dù mưu lược đến đâu! Dù cần cù đến đâu mà không có sự chúc phúc của Thiên Chúa thì cũng chỉ là “dã tràng xe cát biển Đông” mà thôi! Hơn nữa, sự vất vả lao nhọc của chúng ta nếu được hỗ trợ bởi ơn trên phù hộ, chắc chắn công việc của chúng ta sẽ được thành toàn, được viên mãn theo dự định.
Chúa ban cho chúng ta mỗi người một khả năng, tựa như mỗi đóa hoa làm cho vườn hoa đa sắc. Cuộc đời con người nếu biết dùng khả năng của mình cũng vẽ lên bức tranh đẹp cho cuộc đời. Sự cần cù lao động cũng là dịp để chúng ta thể hiện vai trò cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng con người để con người tiếp tục hoàn thiện công trình mà Ngài đã tạo dựng. Sự hoàn thiện đòi con người phải cần mẫn, phải sáng tạo. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn đòi chúng ta quy hướng về Ngài, Ngài vẫn đòi chúng ta trao phó mọi sự trong tay Ngài, tựa như người con chỉ làm theo sự xếp đặt của cha mẹ, dầu vẫn phải sáng tạo và làm tốt hơn cho công việc.
Ngày đầu năm chúng ta hãy dâng cho Chúa những công việc và dự định của chúng ta. Xin Chúa hãy làm vơi đi những gánh nặng cuộc đời bằng ân sủng của Chúa. Xin Chúa hãy chúc lành cho những dự định của chúng ta sớm được hoàn thành. Chúng ta tin vào Thiên Chúa quyền năng. Chúng ta tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ chăm sóc từng cuộc đời chúng ta theo lòng nhân ái của Ngài. Trong niềm tin đó, chúng ta hãy để cho Ngài an bài mọi sự theo thánh ý Ngài, còn chúng ta hãy làm mọi sự theo khả năng của mình. Amen
 
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 
Mùng 3 Tết

THÁNH HOÁ CÔNG VIỆC

Ngày mùng 3 Tết, theo truyền thống tốt lành của Giáo Hội, vẫn là ngày xin ơn thánh hoá công việc làm ăn. Cha ông ta đã dạy:“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Tác giả Thánh Vịnh cũng đã nói tương tự: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Càng sống thêm ở đời, chúng ta càng thấy thấm thía thế nào là sự hư vô của cuộc đời, thế nào là sự hư không của những kế hoạch do con người đặt ra, và càng thấy được sự lệ thuộc hoàn toàn của con người vào Thiên Chúa. Thế nên, Thánh lễ mùng 3 Tết được kể là Thánh lễ đặc biệt, Thánh lễ xin ơn thánh hoá cho công ăn việc làm của chúng ta trong suốt một năm. Vậy ơn thánh hoá công việc, cụ thể ở đây là những ơn nào? Câu trả lời không khó. Ơn thánh hoá cụ thể tuỳ theo ngành nghề của mình.
Đối với những người làm nghề nhà giáo, xin ơn thánh hoá công việc của mình để biết nêu cao cái tâm trong sáng của mình. Cho dẫu đồng lương khiêm tốn, cuộc sống khó khăn, họ vẫn không để cho cái tâm của mình bị hoen ố trong mắt các em học trò chỉ vì tiền bạc.
Đối với những người làm nghề bác sĩ, thầy thuốc, xin ơn thánh hoá công việc của mình để biết tận tâm hành nghề cứu người giúp đời. Cho dẫu cuộc sống khó khăn vì đồng lương không tương xứng, áp lực công việc lại nặng nề, họ vẫn luôn nêu cao y đức, và không đánh mất cái mỹ danh của mình: “Lương y như từ mẫu - Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Đối với những người thuộc giới chủ nhân, xin ơn thánh hoá công việc để biết vượt qua những giai đoạn khó khăn do nền kinh tế suy thoái, nhất là luôn biết yêu thương nhân công và những cộng sự viên của mình và biết nghĩ đến quyền lợi của họ, thay vì chỉ nghĩ đến quyền lợi của chính mình. Vì nhờ có họ mà công ty, xí nghiệp của mình làm ra được sản phẩm hàng hoá và thu được lợi nhuận.
Đối với những người làm công ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, xin ơn thánh hoá công việc để có thể chấp nhận được những khó nhọc của nghề nghiệp, và tồn tại được trong điều kiện sống vốn thiếu thốn chật vật tư bề.
Đối với những người làm nghề kinh doanh buôn bán, xin ơn thánh hoá công việc của mình để biết nêu cao đạo đức kinh doanh buôn bán. Không vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm như sản xuất buôn bán hàng nhái hàng giả, hàng độc hại. Không vì đồng tiền mà bất chấp đạo lý: buôn gian bán dối, kinh doanh chụp giật, ăn lời cắt cổ...
Đối với những người làm nhân viên dịch vụ ở các shop, các nhà hàng, resort, xin ơn thánh hoá công việc của mình là để biết sống tinh thần phục vụ, coi khách hàng là thượng đế đúng nghĩa, tức là hiện thân của Chúa. Cho dẫu rằng đồng lương nhận được còn bèo bọt, nhưng mình vẫn làm việc vui vẻ vì được làm việc, được phục vụ Chúa qua các khách hàng của mình.
Đối với những người làm nhân viên công chức nhà nước, xin ơn thánh hoá công việc của mình để biết nỗ lực phục vụ công ích, vì dân vì nước, vì sự an sinh của xã hội. Không vì chức quyền mà bán rẻ lương tâm, không vì lợi lộc thấp hèn mà tiêu cực tham ô nhũng lạm.
Đối với những người làm thợ, xin ơn thánh hoá công việc của mình để luôn biết ý thức rằng, cho dẫu phải vất vả vì công việc nặng nhọc, nhưng vẫn vui tươi nhiệt thành vì được góp phần làm đẹp cho đời.
Đối với các em sinh viên học sinh, xin ơn thánh hoá công việc học hành của mình để biết chuyên chăm học tập, học tập vì tương lai của mình chứ không phải vì ai khác. Xin ơn thánh hoá công việc học hành của mình còn là để biết tránh xa những tiêu cực gian dối bất công trong học hành, thi cử…
Đối với những người làm nông, một nắng hai sương, xin ơn thánh hoá công việc của mình để biết tạ ơn Chúa vì dẫu phải vất vả nhọc nhằn, phải “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất", nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được góp phần làm nên của cải vật chất cho xã hội.
Và đặc biệt đối với những người làm nghề biển, nghề đánh bắt hải sản, trong đó có nhiều anh chị giáo dân trong giáo phận chúng ta, xin ơn thánh hoá công việc của mình để biết ý thức việc khai thác đánh bắt nguồn hải sản sao cho phù hợp với thánh ý Chúa.
Có người bảo rằng không đánh bắt những loài tôm cá nhỏ thì lấy gì mà ăn, lấy gì mà bán, rồi đói thì sao… Lập luận như thế xem ra có vẻ hợp lý, nhưng xét cho cùng thì lại không có lý tí nào.
Đánh bắt kiểu tận diệt là đi ngược lại với quy luật của thiên nhiên, tức là nghịch với thánh ý Chúa đồng thời cũng thể hiện sự vô tâm của mình đối với con cháu chúng ta. Nhiều loài hải sản bị tuyệt chủng, vì sao? Vì sao tháng này tôi cứ đi không về rồi, lỗ dầu, lỗ phí tổn? Đơn giản vì tháng trước bao nhiêu cá tôm, cua ghẹ nhỏ…, tôi cào, tôi bắt hết rồi. Làm sao chúng sinh sản cho kịp? Năm sau biển giả làm ăn bết bát hơn năm trước là vì vậy!
Ngược lại,  tháng này tôi quyết chí không nhẫn tâm đánh bắt những loài tôm cua cá ghẹ vì chúng con quá nhỏ, có thể tôi sẽ thu nhập ít hơn một tí, đói hơn một tí; nhưng những tháng sau tôi sẽ no, tôi sẽ có thu nhập cao hơn. 
Không cần phải nói đâu xa, hãy học theo cách đánh bắt của người dân Âu Mỹ. Họ rất có ý thức về việc bảo vệ môi trường sống. Họ thể hiện nét văn minh vượt trội trong cách đối xử với thiên nhiên và vạn vật. Con cá nào nhỏ, họ không đánh bắt, và nếu lỡ bắt được, họ thả ngay. Mùa tôm cá sinh sản, tuyệt đối họ không đánh bắt. Đây có thể coi như là một thứ “mùa sabát” mà họ triệt để tuân thủ trong việc khai thác nguồn thuỷ hải sản. Còn người Việt Nam mình thì khỏi nói! Đánh bắt không kể loài nào, to hay nhỏ bắt hết; khai thác bất kể mùa nào, mùa tôm cá sinh sản càng đánh bắt bạo. “Người ta đánh bắt, dại gì mình không đánh bắt, uổng”… Cứ với lối lý luận như thế, thành ra cả một đất nước khai thác ẩu, đánh bắt bừa, tận thu vô tội vạ, vô trách nhiêm đối với thiên nhiên và với hậu thế. Nguồn hải sản không cạn kiệt mới lạ! Con cháu làm ăn không ra mới lạ!
Tin tưởng vào Chúa quan phòng thì cũng phải biết khai thác nguồn tài nguyên Chúa ban cho phù hợp với thánh ý Chúa nữa, tức là ý thức sứ mạng làm chủ mà Chúa trao cho mình.
Xin cho chúng ta biết thấm nhuần tinh thần Kitô giáo trong việc làm chủ trái đất. Xin Chúa cũng ban ơn thánh hoá, để công ăn việc làm của chúng ta trong năm mới này nêu cao ý thức trách nhiệm với bản thân, với tha nhân và với vạn vật; đồng thời biết thể hiện tình tương thân tương ái, hầu góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo và cứu độ của Chúa, như lời nguyện đầu lễ hôm nay mà chúng ta vừa dâng lên Người. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận