Khen con thái quá

Đăng lúc: Thứ bảy - 03/12/2016 01:27 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Khen con thái quá

Ông bà ta từng nói “khi thương trái ấu cũng tròn”… Đối với quan hệ bình thường trong cuộc sống đã thế, huống chi với tình cảm của ba mẹ dành cho con cái, có lẽ trái ấu không chỉ tròn vành vạnh mà có thể mang bất kỳ hình ảnh nào lung linh nhất. Do đó, có nhiều bậc phụ huynh, khi con làm một hành động nhỏ hoặc nói một câu cũng có thể được cho là giỏi giang, thậm chí là thiên tài.

Con tôi khôn vô cùng

Từng là giáo viên và cả gia sư, tôi thường nghe những câu khen con cái một cách quá đáng. Chị Nguyễn Thị Liên, 35 tuổi (Phú Nhuận) từng khoe với tôi: “Thằng con tôi khôn vô cùng cô ạ. Khi thi bé khỏe bé ngoan, nghe tiếng sủa gâu gâu, nó nói ngay con chó. Nghe tiếng meo meo, nó biết ngay con mèo”. Tôi chỉ cười vì biết sẽ làm bà phật ý nếu nói đứa trẻ nào ở tuổi lên hai lại không biết điều đó. Nhiều ba mẹ thấy con cầm remote bấm và bật được tivi đã ầm ĩ: “Con bé mới qua thôi nôi mà đã biết mở tivi!”.

Nhiều ba mẹ hãnh diện khi con bắt đầu quậy phá. Với họ, đó là sự năng động, thông minh. Ông Lê Văn Tô, 45 tuổi (Q3) hãnh diện khoe với hàng xóm rằng cậu con trai 8 tuổi đã tự mở hẳn cái đồng hồ đeo tay của ông ra để xem “có cái gì trong đó”. Với ông, hành động ấy không phải phá phách mà là “dấu hiệu của thiên tài”. Giật mình hơn khi ông quả quyết cậu bé có thể mang lại giải Nobel làm rạng danh gia đình và nước nhà.

Không chỉ khen con thông minh về mặt trí tuệ, nhiều ba mẹ luôn thổi phồng khả năng ca hát, vẽ, thêu... của con thành những năng khiếu bẩm sinh. Anh chị Phạm Thị Năng, 35 tuổi quê tận Cần Thơ đã đón xe đưa con đến tòa soạn một tờ báo lớn tại TPHCM, xin gặp phóng viên để đưa tin con họ đã bộc lộ tài năng từ nhỏ, vừa hát, vừa diễn xuất với giọng ca thật ngọt ngào. Nhiều phóng viên tò mò xuống phòng bạn đọc chứng kiến. Cô bé mới 8 tuổi, chất giọng bình thường và đang cố gắng “làm giống người lớn” như đưa tay che nửa mắt hoặc đôi mắt mơ màng. Phóng viên từ chối viết bài giới thiệu tài năng. Thế là anh chị Năng cáu lên hỏi các phóng viên cần bao nhiêu tiền để làm điều đó. Họ không nhìn nhận sự thật về chất giọng hạn chế của con mình. Mà cứ nghĩ người khác chủ quan không nhận ra “tài năng” của con, hoặc phóng viên cố tình vòi vĩnh mới chịu viết về con họ!

Chắc chắn ai cũng từng nghe người khác khen con mình. Khen con chưa đủ, nhiều ông bố bà mẹ nhìn quanh để tìm cách chê con người khác. Như thế mới là cơ hội để đưa con mình lên cao. Con của những người lao công hoặc cấp dưới thường bị chú ý và chê nhiều nhất. Chị Nguyễn Hồng Phượng, 23 tuổi (Bình Thạnh) từng tâm sự với tôi: “Hồi nhỏ tôi rất sợ đi du lịch cùng cơ quan ba mẹ. Các cô chú lãnh đạo cứ nhìn tôi mà hỏi về trường, lớp tôi học, rồi nhìn nhất cử nhất động của tôi mà phê phán. Tôi không dám trò chuyện thì chê tôi nhút nhát. Tôi vui vẻ với mọi người thì chê tôi lanh... chanh. Cũng từ đó ba mẹ đồng ý để tôi ở nhà với ngoại khi hai người cùng đi du lịch với cơ quan”.

Con cái bị ảo tưởng

Câu chuyện của chị Hồng Phượng không dừng lại đó khi tôi hỏi về con cái của những người từng chê cô: “Đa số những người con học hành làng nhàng. Họ đều tốt nghiệp đại học nhưng cũng làm những công việc bình thường. Có người còn đang thất nghiệp. Không có bạn nào xuất chúng như ba mẹ họ từng khoe khoang hãnh diện”.

 

Nếu không gặp những người từng được ba mẹ đưa lên tận mây xanh và giờ đang sống trong hụt hẫng, đổ vỡ, có lẽ tôi đã không viết bài này.  Ông Đoàn Hữu Phước, 65 tuổi (Gò Vấp) tâm sự: “Ba tôi là một thông ngôn (phiên dịch) cho Pháp nên đã dạy tôi tiếng Pháp rất sớm. Con nít tiếp thu nhanh. Thế là cả ba mẹ, nhất là mẹ tôi cứ nghĩ tôi là thiên tài. Gặp các cháu con của dì cậu tôi, mẹ tôi thường hỏi cháu học lớp mấy. Trả lời thế nào cũng bị mẹ tôi hạ “đo ván” để nâng tôi lên. Kiểu nói chuyện đó đã hình thành trong tôi một sự tự cao tự đại. Học hành tôi cứ tàn tàn, không cố gắng vì nghĩ mình giỏi. Kết quả tôi thi Tú Tài 1 nhiều lần vẫn không đậu. Cuối cùng phải đi lính. Và cũng từ đó tôi mới nhìn lại chính mình. Tôi ước phải chi mẹ tôi ngày xưa đừng đưa mình lên cao quá để tôi sống trong ảo tưởng và chuốc lấy thất bại thê thảm”.

Tương tự, bà Phạm Thị Xuân, 63 tuổi cũng kể ngày xưa gia đình bà thuộc hàng khá giả. Bà học chỉ tàm tạm thôi nhưng ba của bà thường khoe về bà với mọi người. Nhiều người vì nịnh “sếp” nên cứ tâng bốc bà lên. Bà nhớ ông Nguyên hàng xóm từng nói với ba mẹ bà: “Tôi mà có đứa con như con Xuân nhà ông bà, nó ăn hết của, tôi cũng không tiếc”. Suốt ngày nghe tung hô nên bà tưởng mình giỏi thật, xuất sắc thật. Không ngờ năm đó bà rớt Tú Tài 1, và những năm sau đó cũng không đậu cho đến khi người ta bỏ thi Tú Tài I. Sau này, bà đi nấu ăn cho những gia đình khá giả khi gia đình bà sa sút.

Lúc nhỏ, bà Nguyễn Ngọc Anh, 61 tuổi (Q1) được ba mẹ kỳ vọng là một “nhân vật có thể thay đổi thế giới” khi họ thấy bà siêng đọc sách vở, đặc biệt khéo tay hơn bạn bè tí chút. Thế là sau khi xong lớp Tú Tài, bà ở nhà viết truyện ngắn và vẽ tranh. Truyện ngắn không báo nào đăng và tranh bà gởi sang tận Paris (Pháp) nhờ bạn bè của ba mẹ mở một cuộc triển lãm. Thế nhưng, theo đánh giá của giới chuyên môn, tranh bà thua xa những họa sĩ đường phố Paris thì làm gì “có cửa” mở triển lãm. Bà gởi bài cho các tờ báo của cộng đồng người Việt tại Mỹ nhưng cũng chẳng gây được ấn tượng gì. Quá ảo tưởng về mình bởi những lời tâng bốc từ ba mẹ, mà thực tế không đạt được gì dù nhỏ nhất, bà đã sống như một người tâm thần khi luôn ganh ghét với những người thành công và nói về những cuộc triển lãm tranh trong tương lai mà người nghe biết chắc chắn không bao giờ có.

Với thế hệ trẻ hơn cùng nền giáo dục mà ai cũng có thể đạt danh hiệu “học sinh giỏi”, về nhà ba mẹ lại ảo tưởng về danh hiệu đó và mang đi khoe. Không ít những cựu học sinh giỏi nghĩ mình giỏi thật nên đã thất bại khi va chạm vào cuộc sống thực tế bởi “cái tôi giỏi” của mình quá lớn.

Có đứa con giỏi thực sự ba mẹ nào cũng hãnh diện. Tuy nhiên lời khen tặng con cũng nên có giới hạn, đừng để con trẻ ảo tưởng về mình, nhất là trước mặt con chê người khác. Điều đó vô tình hình thành trong con tính tự mãn. Và chính tính cách đó mang lại thất bại khi đứa trẻ lớn lên, vào đời với bao va chạm, thử thách để rồi hụt hẫng khi nhận ra năng lực thật của mình.

NGUYỄN NGỌC HÀ


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận