Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân

Đăng lúc: Thứ sáu - 30/12/2016 02:00 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân

Trong một khảo sát mà Abbott thực hiện trên toàn cầu về những yếu tố làm nên cuộc sống trọn vẹn, 32% trong số hơn 2 triệu người tham gia đã chọn “Gia đình” là yếu tố cần thiết giúp họ có thể sống trọn vẹn.

Chắc chắn rằng khi nói đến hai tiếng gia đình, ai trong chúng ta cũng cảm thấy có một cái gì linh thiêng, khó tả. Đồng thời, hai tiếng gia đình gợi lên trong mỗi người những tâm tình tương phản : hạnh phúc, nỗi đau, nụ cười, nước mắt… Thật vậy,

- Gia đình, nơi chan chứa niềm vui nhưng cũng không thiếu những buồi tủi âu lo, nơi cảm nhận sự nồng ấm nhưng cũng là nơi đem đến lắm nỗi xót xa…

- Gia đình, hai tiếng nghe vừa êm ái nhưng lại vừa nặng nề, vừa ngọt ngào, nhưng cũng phảng phất nỗi chua cay.

- Gia đình, nơi chúng ta nhận được nhiều điều, nhưng cũng nơi đó chúng ta phải cho đi. Không phải cho vật chất, thì giờ… nhưng cho cả chính bản thân.

- Gia đình đúng ra phải là tổ ấm, nhưng cũng không thiếu nỗi cô đơn bao trùm những thành viên trong đó.

- Gia đình, nơi dừng chân và nơi tìm về sau những ngày vất vả xa cách; nhưng tiếc thay, đó cũng là nơi mà nhiều người muốn thoát ly, và ngậm ngùi lặng lẽ rời bỏ hoặc âm thầm chịu đựng!

- …

Ai trong chúng ta lại không phải bước qua ngưỡng cửa gia đình để vào đời và vào thế giới này ? Vì thế, tôi thiết nghĩ gia đình là một câu chuyện dài nhiều tập, nhiều màn. Gia đình là vấn đề mà bao nhiêu giới, bao nhiêu người đang phải bận tâm và thao thức. Hãy nhớ rằng, dù bạn có đi bất cứ nơi đâu, bạn vẫn có thể trở lại với chính ngôi nhà của mình” (Jason Mraz).

Gia đình, đúng ra phải là một mái ấm vì thường những đôi nam nữ thành hôn thì gọi là “xây tổ ấm”. Nhưng thực tế mái nhà ấy có ấm hay không ? Câu trả lời chính xác là nó vừa có lại vừa không. Đó là vấn đề mà ai cũng nhận thấy là có thể, nếu

Xã hội, Giáo hội, nhiều cơ quan đoàn thể, nhiều nhóm thiện chí và nhiều người luôn ray rứt và quan tâm đến vấn đề gia đình. Nhưng chắc chắn người cảm thấy bận tâm hơn hết chính là những ai đang sống, những ai sắp bước vào đời sống hôn nhân, và ngay cả những ai đã trải qua cuộc sống gia đình. Họ là những người đang muốn cho hậu thế tránh được những bước sai lầm và trái lại, tạo thêm những màu sắc hương vị cho cuộc sống gia đình.

Thật ra, cuộc sống gia đình chiếm hầu hết thời giờ của đời người. Từ lúc được sinh ra và lớn lên, chúng ta đã hòa nhập vào một gia đình. Chúng ta không có quyền chủ động chọn lựa bố mẹ, giới tính hay nơi mình sinh ra. Thế nhưng khi tạo lập gia đình cho bản thân thì sự chủ động phần lớn lại do mỗi người. Gia đình mình sẽ nên như thế nào là do chính mỗi người chịu trách nhiệm. Thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau, triển nở hay héo úa…  phần lớn là do “tài khéo” của  hai thành viên cột trụ : người chồng, người vợ, người cha, người mẹ. Hạnh phúc của chồng còn tùy thuộc vào vợ, và trái lại. Cuộc sống của những đứa con cũng thế, luôn tùy thuộc vào cha mẹ, vào gia đình là môi trường đã đưa trẻ vào đời và giúp chúng lớn lên, thành nhân và thành thánh nữa. Thế nhưng các cặp vợ chồng có được chuẩn bị để bước vào trọng trách hoặc lèo lái đời mình và đời người khác chưa ?

Không ai phủ nhận rằng nghề nghiệp chính là để phục vụ cho cuộc sống, nhưng gia đình mới chính là nơi thể hiện cuộc sống… Đôi khi tôi thử tính nhẩm xem để có thể trang bị cho cái gọi là “nghề nghiệp” dù lắm khi không thích hợp, chúng ta phải chuẩn bị trong bao nhiêu năm ? 15 hay 20 năm và có khi còn lâu hơn thế ? Vậy để làm cha, làm mẹ, làm vợ, hoặc làm chồng - một vấn đề “xương máu” gắn liền và thiết thân với cuộc sống - chúng ta đã bỏ bao nhiêu thời gian để chuẩn bị cho công việc cực kỳ quan trọng là bước vào đời sống hôn nhân ? Mấy tháng, mấy tuần, hay chỉ mấy ngày ?

Có những đôi nam nữ lo chuẩn bị nhiều năm để đủ tiền cưới vợ, có nhà, có xe và có sự nghiệp... Lãnh vực thực tế và vật chất họ đã bỏ nhiều công sức như thế, còn lãnh vực tinh thần thì sao ? Thực tế không có mấy ai đã bỏ công sức để học hỏi, tìm hiểu về vai trò và trách nhiệm mình sắp bước vào, nhất là cách dạy con. Có bao nhiêu người nghĩ đến vấn đề này hoặc có nghĩ đến nhưng chưa thực sự bắt tay vào ?

Thiết tưởng cũng xin được nêu lên một vấn nạn khác.

- Người ta có thể đổi vợ, đổi chồng như đổi nghề không ?

- Những thất bại, vấp váp trong hôn nhân có thể rút kinh nghiệm và điều chỉnh như trong nghề nghiệp không ?

Nếu những sai phạm trong nghề nghiệp đã khó sửa thì những sai lầm trong cuộc sống hôn nhân và gia đình lại càng khó gỡ hơn nhiều. Chiếc bình đã vỡ, khó gắn lại; nước đã đổ, khó hốt lại; con đã hư, thật khó uốn nắn cho tử tế… Thế nhưng tầm quan trọng của nó dường như không được chú ý đủ vì vấn đề tinh thần thường ẩn kín, tế nhị, khó thấy hơn những vấn đề vật chất. Khi đã “trót dại” rồi thì muốn học khôn dường như ít có cơ hội. Nói thế không phải tôi đang vẽ ra một bức tranh đen tối cho cuộc sống gia đình, mà chỉ làm sơ một bài toán để chúng ta cùng tìm ra đáp số của vấn đề thôi !

May thay, hơn ai hết, Giáo hội - Mẹ chúng ta - luôn quan tâm về tương lai của con cái nên đã đưa ra những định hướng mục vụ cho những năm sắp tới để hướng dẫn con cái mình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu, kết quả của Thượng HĐGM về Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong thế giới ngày nay. Liên HĐGM Á châu vừa rồi cũng sẽ tiến hành Đại hội tại Colombo, Sri Lanka, với chủ đề Niềm vui của Tin Mừng và Gia Đình. Hòa với nhịp sống của Hội Thánh toàn cầu và Hội Thánh Á châu, HĐGMVN đề nghị chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm :

- Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;

- Đồng hành với các gia đình trẻ;

- Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như HĐGMVN nhấn mạnh rằng kết hôn là một quyết định rất quan trọng nên cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Vì thế, cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân hầu giúp người trẻ :

- Hiểu biết ý nghĩa, khám phá phẩm giá ơn gọi hôn nhân, ý nghĩa sâu xa của tính dục, cử hành bí tích Hôn Phối như một kinh nghiệm đức tin sâu xa.

- Tạo cơ hội cho đôi bạn trao đổi về sự mong chờ từ người bạn đời, từ hôn nhân và hiểu ý nghĩa đích thực của tình yêu, lời cam kết, trách nhiệm và những vấn đề có thể xảy ra trong đời sống hôn nhân. :

Ngoài ra, đừng quên rằng : “Những người được chuẩn bị tốt nhất cho đời sống hôn nhân là những người đã học được từ chính cha mẹ của họ thế nào là hôn nhân Kitô giáo” (TH Niềm vui của Tình Yêu, 208). Chính đời sống gia đình hiện nay là môi trường giáo dục và chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống hôn nhân mai sau của con cái trong gia đình. Vì thế, nhân dịp này, mỗi giáo xứ chúng ta cần củng cố lại đời sống của gia đình.

“Chúng tôi cũng xin anh em hãy coi mục vụ gia đình là thành phần chính yếu trong công tác mục vụ của mình, vì gia đình là con đường Hội Thánh phải đi, và mọi chương trình mục vụ của Hội Thánh phải đi qua gia đình”. (Thư chung HĐGM VN gởi cộng đồng dân Chúa). Ngay cả Logo thiết kế cho năm “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân” này cũng toát lên được hình ảnh của gia đình Thánh Gia, là khuôn mẫu trọn hảo cho mọi gia đình Công giáo. Logo còn lấy ý tưởng từ hình ảnh 3 thế hệ trong gia đình như là một biểu tượng truyền thống của gia đình Việt Nam. Hình ảnh đó được bao bọc bởi trái tim, biểu tượng của tình yêu. Thập giá trong logo muốn nói lên tình yêu liên lỉ hy sinh cho nhau. Ngay cả màu đỏ, hồng, tím, tượng trưng cho niềm vui, hạnh phúc và sự chung thủy với nhau và với Chúa. Giáo hội ước mong những gia đình Công giáo dù sống “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Gia đình, với tư cách là một tế bào của xã hội, nơi thực hiện tốt nhất chức năng giáo dục, xã hội hóa các thành viên, xây dựng những giá trị đạo đức, tình cảm và truyền thống, góp phần trong việc hình thành nhân cách mỗi người. Chỉ khi trong gia đình mọi người yêu thương và sống vì nhau thì mối quan hệ mới bền chặt, những mầm mống của tệ nạn xã hội mới không nảy sinh và phát triển được. Gia đình - đó là những viên gạch xây nên tòa lâu đài cho xã hội, Giáo Hội, là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho mỗi thành viên, là tổ ấm nơi con trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng. Hơn thế nữa, “Gia đình là trường học của lòng khoan dung, vì nó luôn tồn tại và dạy chúng ta cách sống với những người khác” (Karen Armstrong).

Kết hôn là bước ngoặt rất lớn và có ý nghĩa trong đời người. Lập gia đình là con đường tất yếu, nhưng gia đình tương lai của mỗi người ra sao, chúng ta không thể xuôi tay mặc cho số phận mà phải chủ động lèo lái cuộc đời mình. Sự chuẩn bị trước sẽ giúp các bạn trẻ tự tin bước vào cuộc sống hôn nhân, vì chưng, một gia đình êm ấm và thuận thảo là ước mơ rất chính đáng của mọi người.

Nữ tu Tiến sĩ Thécla Trần Thị Giồng


Từ khóa:

có thể, trở lại

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận