Ðọc, cầu nguyện, yêu mến, và noi gương các bậc tiền bối của chúng ta

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/07/2018 10:38 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Ðọc, cầu nguyện, yêu mến, và noi gương các bậc tiền bối của chúng ta

Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhân kỷ niệm 30 năm 117 đấng tử đạo Việt Nam được tuyên thánh, vừa phát hành cuốn sách viết về cuộc đời và quá trình làm chứng đức tin của các ngài. Ðức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Tổng Thư ký HÐGMVN - một trong những người chịu trách nhiệm thực hiện và ấn hành tư liệu này, đã dành riêng cho CGvDT một cuộc phỏng vấn ngắn.

 

Phù điêu các thánh tử đạo Việt Nam trong khuôn viên Đan viện Xitô Mỹ Ca

CGvDT : Thưa Đức cha, tập sách Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam có lẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng của Năm Thánh tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam. Lâu nay giáo dân biết là có 117 vị thánh tử đạo, và vẫn chờ đợi để biết thêm hơn cuộc đời các ngài. Phải chăng cuốn sách sẽ giúp thêm tư liệu về đời sống, sự hy sinh của các ngài, và là phương thế để các tín hữu sống nhiệt thành tinh thần Năm Thánh, qua gương các vị tiền nhân?

+ ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm : Vâng, thực tế là mọi tín hữu Công giáo Việt Nam đều biết là có 117 thánh tử đạo tại Việt Nam, nhưng lại ít người biết rõ về đời sống và sự hy sinh của các ngài. Thật ra cũng đã có một vài tác giả biên soạn sách về các thánh tử đạo Việt Nam, nhưng xem ra còn ít người biết đến. Vì thế, nhân dịp Năm Thánh 2018, chúng tôi muốn phát hành rộng rãi sách Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam để mọi người biết đến các ngài nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng phải nói ngay là do số trang giới hạn nên chúng tôi không thể trình bày chi tiết về từng vị. Chủ yếu là một vài nét chính và điểm nhấn đặc biệt về đời sống và cuộc tử đạo của các ngài. Cuốn sách này cũng không chỉ nhắm mục đích sử dụng trong Năm Thánh 2018 mà thôi, mà hy vọng còn được lưu giữ trong tủ sách của mỗi gia đình, để tiếp tục đọc, cầu nguyện, yêu mến, và noi gương các bậc tiền bối anh dũng của chúng ta.

 

Một nét chấm phá chung về bối cảnh xã hội của Giáo hội Việt Nam thời kỳ đầu và điểm son từ những tấm gương của các thánh tử đạo tại Việt Nam gợi mở điều gì trong bối cảnh ngày hôm nay, qua việc sống đạo?

+ Cuốn sách có hai phần chính: phần I trình bày bối cảnh Giáo hội Công giáo Việt Nam thời các thánh tử đạo, phần II phác họa chân dung và cuộc tử đạo của từng vị.

Nhìn lại lịch sử như thế, có thể ghi nhận một số điểm nổi bật:

(1) Các thánh tử đạo Việt Nam thuộc mọi thành phần trong Dân Chúa: giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân; thuộc mọi tầng lớp: trí thức và bình dân, giàu sang và nghèo khổ, quan quyền cũng như lính tráng. Điểm chung duy nhất nơi các ngài là niềm tin mãnh liệt vào Chúa và cố gắng trung thành với đức tin của mình trong mọi hoàn cảnh.

(2) Các thánh tử đạo Việt Nam không đi tìm cái chết, các ngài chỉ đón nhận cái chết khi buộc phải đón nhận vì đức tin. Cụ thể là khi bị bắt bớ và bách hại, các ngài tìm đường chạy trốn, nhưng đến khi không thể trốn chạy được nữa, các ngài chấp nhận hy sinh mạng sống chứ không bỏ đạo, không chối Chúa. Như thế, có thể nói là các ngài đã sống đạo trước khi chịu chết vì đạo. Đó là đời sống thân ái với mọi người, yêu mến quê hương và dân tộc, chu toàn bổn phận gia đình, nhiệt thành với công việc chung của Giáo hội.

Theo định hướng đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi sống tinh thần tử đạo ngày nay là (1) sống tinh thần từ bỏ, hy sinh; (2) làm chứng cho vẻ đẹp của Tin Mừng Chúa Giêsu, Tin Mừng yêu thương, Tin Mừng sự sống (x. Thư công bố Năm Thánh 2018). Mỗi tín hữu Công giáo, trong bậc sống và hoàn cảnh của mình, đều được mời gọi sống và thể hiện tinh thần đó trong những chọn lựa, quyết định, ứng xử của mình, từ trong quan hệ gia đình đến những tương giao xã hội.

Phù điêu kính các thánh tử đạo Việt Nam ở giáo xứ Tống Viết Bường

Đức cha có hy vọng nhờ Năm Thánh này, tên các vị tử đạo sẽ được nhiều tín hữu chọn làm thánh bổn mạng của mỗi người, của hội đoàn, đoàn thể?

Khi còn nhỏ, tôi học ở Tiểu Chủng viện Á Thánh Quí (được tuyên phong hiển thánh năm 1988). Tôi còn biết Chủng viện Á Thánh Phụng, Á Thánh Lê Bảo Tịnh. Một trong những giám mục Việt Nam có tên rất đẹp là Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, quen gọi là Đức cha Simon Hòa Hiền. Như thế thì đâu phải bây giờ mới có việc chọn các vị tử đạo Việt Nam làm thánh bổn mạng. Có chăng là còn ít quá. Hy vọng sau Năm Thánh tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài sẽ được biết đến nhiều hơn và sẽ có nhiều người, nhiều đoàn thể chọn các ngài làm thánh bổn mạng.

Chúng con xin cảm ơn Đức cha !

 

QUỐC TRUNG thực hiện

 

(cgvdt.vn)

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận