Bài 10 “Để Yêu thương và tôn trọng Em…”

Đăng lúc: Chủ nhật - 02/09/2018 19:56 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Suy tư mục vụ năm MVGĐ 2018: Bài 10

“Để Yêu thương và tôn trọng Em…”

 

Hôn nhân Kitô giáo đặt nền tảng trên sự ưng thuận của đôi bạn. Như Công Đồng Vatican II xác định: “Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những qui luật riêng cho cộng đồng của sự sống và tình yêu đầy thân mật giữa đôi vợ chồng. Cuộc sống chung đó được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là do sự ưng thuận không thể rút lại của từng cá nhân. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế bền vững có giá trị ngay cả đối với xã hội” (GS 48).

 

Hôn nhân không phải là một thứ giao kèo hay hợp đồng, trong đó người ta xác định các quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên, theo kiểu mua bán. Bản chất của hôn nhân cũng như các quyền và nghĩa vụ căn bản của hôn nhân không thể do đôi hôn phối tự quyết định, nhưng do Thiên Chúa ban cho. Hôn nhân là một giao ước, lấy giao ước của Thiên Chúa với nhân loại làm mẫu mực, có đặc trưng là sự đón nhận nhau và tự hiến cho nhau. Điều đó được diễn tả rõ ràng trong lễ hôn phối khi đôi tân hôn nói với nhau: “Anh… nhận Em… khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”.

 

Tình yêu thì không kiểm soát, không áp chế hay lợi dụng

Vợ chồng yêu thương nhau kính trọng và trân quí nhau, bởi thế tiên vàn không bao giờ muốn kiểm soát, áp chế hay lợi dụng người phối ngẫu. Người phối ngẫu không thể được xem như một thứ đồ vật nhưng như một chủ thể nhân vị. Khi yêu thương, trước hết và trên hết, ta không nhìn đến các phẩm chất, tài năng, hoặc ngoại hình người mình yêu, nhưng hướng đến hạnh phúc và hạnh phúc viên mãn cho người ấy. Điều đó giả thiết ta phải kính trọng người yêu cùng với lịch sử và phẩm giá của họ, và sẵn sàng xem những khác biệt nhau là yếu tố làm cho phong phú, và cùng nhau tiến bước trên con đường phát triển nhân bản và thiêng liêng.

 

«Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ “không còn là hai, nhưng là một xương một thịt” (Mt 19,6), họ phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động, để cảm nghiệm và đạt đến sự hợp nhất với nhau ngày càng trọn vẹn hơn» (Gaudium et Spes 48). Muốn thế, đôi bạn nhất thiết phải vun trồng một tập quán văn hóa đối thoại, quan tâm đến nhau, tôn trọng nhau, sẵn sàng tha thứ chân thành và đứng bên nhau xuyên qua những đổi thay của hoàn cảnh cuộc sống. Chính trong bối cảnh cuộc sống sẻ chia và hợp lực như thế mà tính dục vợ chồng trở thành một ngôn ngữ của tình yêu.

 

Ngôn ngữ tình yêu này thực sự là hình thức thông giao mạnh mẽ nhất giữa người nam và người nữ. Nhưng nó chỉ chân thật ở trong viễn cảnh con người được đặt ở trung tâm, và tha nhân được xem như một con người được yêu thương chứ không như một thứ đồ vật đem lại cho ta sự thỏa mãn. Trong bầu khí văn hóa hiện nay, với đặc tính phơi bày đầy dãy sự khiêu dâm, tính dục bị mất phẩm giá nhân vị và sức mạnh của nó rất nhiều. Tính dục, vốn là một hình thức thông giao giữa người nam và người nữ, phần lớn đã bị nạn khiêu dâm khai thác biến thành một cách thức thỏa mãn đam mê dục vọng. Xã hội bị dung tục bởi sự lạm dụng tính dục và việc người ta dễ dàng tiếp cận những thông tin khiêu dâm trên mạng toàn cầu là nguyên nhân phá hại lâu dài các mối quan hệ liên vị. Nó hạ giá nhân vị và còn đưa vào trong quan hệ thân mật của vợ chồng những hình ảnh và ý tưởng tác hại.

 

“Đam mê dữ dội như Âm phủ” (Dc 8,6). Đam mê có tiềm năng hủy diệt rất lớn, vì xu hướng của nó là chiếm hữu con người. Đáng tiếc thay, nó lại biến tính dục, vốn là hình thức thông giao mạnh mẽ giữa hai người phối ngẫu, trở thành một lời lẽ giả dối trường kì. Như Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo cho thấy:

Trong một xã hội ngày càng có khuynh hướng tương đối hóa và tầm thường hóa chính kinh nghiệm yêu thương và tính dục, đề cao những khía cạnh thoáng qua và làm lu mờ những giá trị căn bản của tình yêu, thì càng cấp thiết hơn bao giờ hết phải công bố và minh chứng rằngsự thật của tình yêu vợ chồng và tính dục chỉ hiện hữu ở nơi nào có sự dâng hiến trọn vẹn và đầy đủ con người với hai đặc điểm là duy nhất và trung tín. (HTXHCG 223).

 

Tính dục là ngôn ngữ của tình yêu nên con người phải được nhìn như một toàn thể. Thân xác thuộc yếu tính của nhân vị nên nó có một ngôn ngữ, một ngôn ngữ biểu lộ sự dịu dàng, ấm áp, gần gũi, an toàn, khát khao,… Không được tách biệt thân xác khỏi mối tương quan vợ chồng, vì nó thuộc về mối quan hệ này, nó làm phong phú và hoàn thành thực tại ‘một xương một thịt’. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng tính dục chỉ được thực hiện một cách thực sự nhân bản “nếu nó là một thành phần làm nên tình yêu, trong đó người nam và người nữ hiến thân trọn vẹn cho nhau cho đến chết. Sự trao hiến hoàn toàn về thể xác sẽ giả dối nếu nó không phải là dấu chỉ và kết quả của một sự trao hiến toàn thể con người, trong đó toàn thể con người hiện diện, bao gồm cả chiều kích trần thế của nó” (Familiaris Consortio 11). Tình yêu đam mê (eros) không thể tách biệt khỏi tình yêu hiến dâng (agape). Đức Bênêđictô XVI nói trong Thông điệp Deus Caritas Est rằng, trong hôn nhân, thân xác và linh hồn phải đi vào một kết hợp thâm sâu và người ta phải chấp nhận thách đố này ngang qua tình yêu đam mê. Tôn vinh thân xác mà lại làm hạ cấp tính dục thành như một thứ đồ dùng để mua bán hay cho nhận, thì sẽ biến con người thành hàng hóa và làm méo mó tình yêu (ss. 6-8).

 

Cần khẩn cấp khám phá lại phẩm giá thật của ngôn ngữ tình yêu trong những chiều kích khác của nó, và hiểu nó như là sự thông giao của tình yêu. Ngôn ngữ chân thật được biểu đạt cả qua hình thức bằng lời và cả không lời, cần thiết cả trong những khoảng lặng mà có sức sáng tạo. Đối với tính dục như là ngôn ngữ của tình yêu, khoảng lặng này được diễn tả qua thực hành tiết dục. Có những thời kì trong hôn nhân diễn tả bằng ngôn ngữ tính dục không phù hợp với thực tế của mối quan hệ vợ chồng.

 

Yêu thương, tôn trọng, yêu quí người bạn đời

Tình yêu theo nghĩa chỉ như là tình ái thì không đủ, “nó cần được thanh luyện, cần phải qua một quá trình phân định, nghĩa là phải có tham dự của cả lí trí và ý chí. Lí trí, tình cảm và ước muốn phải kết hợp cùng nhau”[1]. Quyết định yêu thương, tôn trọng và yêu quí người bạn đời phải được lặp lại, được xác nhận, và làm mới lại mỗi ngày. Điều đó phải được làm mới lại cả khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, và làm một cách hân hoan vui vẻ. Nhưng trong thực tế thỉnh thoảng tình yêu bị nhầm lẫn, bị đồng nhất với cảm giác yêu. Khi tình cảm ấy mà phai nhạt hay không còn, thì xuất hiện nguy cơ quan hệ chấm dứt vì đã đặt nền tảng chỉ trên tình cảm dễ tan biến. Vì thế quyết định dấn thân vào hôn nhân cần phải được lí trí hiểu biết và ý chí xác nhận.

 

Trước khi lãnh nhận bí tích Hôn phối, bởi đó người ta cần phải loại bỏ các khuynh hướng, thái độ xấu và tội lỗi có thể làm thiệt hại cuộc sống vợ chồng. Chỉ khi đó ân sủng mới phát huy và có thể cảm nhận được sự hiện diện của ơn thiêng. Điều đó chắc chắn đòi ta phải không ngừng hoán cải vốn cần được biểu lộ qua bí tích Hòa giải. Sám hối và xưng tội phải là một bước chuẩn bị hôn nhân, đó không là gì khác hơn một sự bắt đầu lại. Điều quan trọng là ta được giải phóng khỏi sự ích kỉ, chủ nghĩa cá nhân, cùng với mọi cản trở tội lỗi. Tội lỗi ở đây có nghĩa là cái làm xáo trộn trật tự nguyên thủy, một trật tự phải được vãn hồi nơi hôn nhân; hôn nhân là nẻo đường duy nhất (đối với những người sống chung) ở đó quyền năng của bí tích có thể phát huy hiệu quả. Nói chung, có lẽ người ta cần ‘xưng tội cả đời’ trước khi lãnh nhận bí tích. Đó là một cuộc nhìn lại toàn bộ đời sống mình trước mặt Chúa, xét mình trước sự hiện diện của linh mục, để mọi tội lỗi được phơi bày ra trước ý thức và được xưng thú, và nói ‘tôi không muốn’. Khi ấy ta mới được giải phóng và được tự do thực sự để nói lên lời ‘tôi muốn’ tuyệt vời đó.

 

Câu hỏi suy tư hay để thảo luận

1.      Tôi có nghĩ tình yêu thuần túy là hay chủ yếu chỉ là tình cảm hoặc cảm giác yêu không?

2.      Tôn trọng và yêu quí người phối ngẫu của bạn có nghĩa là gì?

3.      Tình dục có vai trò gì trong cuộc sống của bạn?

4.      Tôi có yêu thương người bạn đời của tôi chỉ vì người ấy hay không?

5.      Tiết dục trong hôn nhân có ý nghĩa gì?

6.      Tôi có ngay thẳng trước mặt Chúa, trước người bạn đời của tôi không?

 

 

+ Gm Luy Nguyễn Anh Tuấn


[1] ĐGH Bênêđictô XVI, Nói chuyện tại buổi tối các Chứng từ, Đại hội Gia đình Thế giới Milano, Bresso Park, 2/6/2012.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận