Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018: Đồng hành với các gia đình trẻ
Bài 2: LỜI HỨA KẾT HÔN
Vợ chồng mới cưới ước mong yêu thương nhau hết mực và mãi mãi. Đôi bạn những tưởng họ sẽ có thể khác mọi người giữ được tình yêu lãng mạn sống mãi. Thuở ban đầu lưu luyến ấy đôi bạn ngập tràn hạnh phúc. Nhưng cuộc sống hôn nhân có khi đòi hỏi họ quá sức. Các “vấn đề” khó khăn, rắc rối bắt đầu lần lượt xuất hiện dọc con đường của họ. Người này đôi khi bất bình vì thái độ hay hành động của người kia. Họ cảm thấy tài chánh của họ không đủ cho nhu cầu cuộc sống gia đình. Hai người ngày càng dành ít giờ vui thú, thậm chí gần gũi vợ chồng, bên nhau. Họ cũng có khi nhận thấy gia đình “bên kia” xâm nhập vào đời sống riêng tư của họ nhiều quá và nhiều lúc bực bội. Rồi hai người bắt đầu tranh luận, tranh cãi, cãi vã nhau lắm lúc cũng chỉ về những chuyện cũ ấy. Vì những xung đột, cãi vã thường gây bất hòa ấy khiến người này hay người kia có thể nghĩ họ không còn yêu nhau nữa. Có thể ngày nào đó ‘xấu trời’ một trong hai người tuyên bố hôn nhân của họ đã ra tồi tệ, tốt hơn là nên chia tay, mỗi người mỗi ngả.
Thế rồi họ hỏi Chúa tại sao hôn nhân của họ thất bại dù đã kết hôn với lời chúc lành của Chúa qua linh mục trong Hội Thánh.
Họ không hiểu được hôn nhân là một bí tích, một huyền nhiệm thánh thiêng, là con đường nên thánh. Hôn nhân của họ thánh thiêng không phải vì đôi bạn là thánh, mà vì Thiên Chúa Đấng kết hợp hai người nam và nữ ấy là Đấng Thánh. Đó là một bí tích vì đôi bạn được mời gọi cùng nhau bước đi trên con đường nên thánh. Nhưng dù là thánh thiêng, hôn nhân vẫn không khỏi bị sự dữ tấn công. Kết hôn trong Hội Thánh không làm cho đôi bạn được miễn nhiễm trước các cám dỗ. Ma quỷ là đối thủ của Thiên Chúa, luôn cố phá hủy những gì Thiên Chúa xây dựng. Là kẻ lừa dối, nó luôn làm méo mó sự việc bằng cách trình bày sự ác thành như sự thiện. Nó muốn chia rẽ những gì Thiên Chúa đã kết hợp. Đôi vợ chồng phải đứng vững mà chuẩn bị và đón đợi những chuyện bất trắc, bất ngờ xảy đến, dù muốn dù không, như lời cầu nguyện trong lễ cưới: Lạy Chúa, xin cho chúng con, dù khi xuôi thuận hay lúc trắc trở, khi giàu có hay lúc nghèo hèn, khi ốm đau hay lúc mạnh khỏe, được hợp nhất nên một lòng một ý một linh hồn, từ hôm nay cho tới lúc mãn đời khi cái chết chia lìa chúng con.
– Ma quỷ có thật. Chiến thuật của ma quỷ ngày nay trước hết là làm cho con người tin rằng chúng không có, Thiên Chúa cũng không có hay đã chết, chỉ duy con người làm chủ thế giới này có mà thôi. Thật ra, chúng hoạt động trong thế gian để gây xung đột và chia rẽ giữa con người với nhau. Ma quỷ cám dỗ, xúi giục người nam người nữ phạm tội. Khi phạm tội, người nam hay người nữ không những sinh ra căng thẳng trong quan hệ hôn phối của họ, mà còn trong quan hệ với Chúa. Điều quan trọng cần làm ngay là đôi bạn phải quay lưng lại với tội lỗi và tìm kiếm ân sủng của Thiên Chúa:
“Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6,10-12).
– Căng thẳng, xung đột trong đời sống hôn nhân gia đình là chuyện bình thường và không thể tránh khỏi. Nhưng xung đột do ma quỷ khiêu khích thì khác. Nó làm cho vợ, chồng thất vọng không còn muốn đối thoại với nhau nữa. Trước khi phạm tội, vợ chồng nhìn nhận nhau, kính trọng nhau, chân thành và cởi mở với nhau. Đối thoại giúp hai người nhận biết họ khác nhau: khác tính tình, khác sở thích, khác thói quen, tính cách, khác quan điểm… và nhận ra những cái cản trở họ yêu thương hiệp nhất, nên một. Ma quỷ tìm cách ngăn chặn trực tiếp cái khả năng đối thoại này giữa hai vợ chồng. Khi phạm tội, người ta không chọn chính tội lỗi, đúng hơn, người ta thấy một điều gì đó tốt và ra tay hành động, rồi thì cảm nghiệm các hệ lụy tai ác của việc làm đó của mình. Sau đó, ta nhận ra cái tưởng là tốt đẹp ấy thật ra là sự dữ, là ác hại. Khoái cảm do phạm tội làm cho tội nhân giữ im lặng. Im lặng càng làm thương tổn nặng nề đến quan hệ vợ chồng cho dẫu người bạn đời của mình không biết. Tội lỗi là ở chỗ khi cả hai người không còn muốn nói chuyện với nhau nữa. Người này cảm thấy khó khăn hay khó chịu khi nói chuyện, bộc bạch chia sẻ với người kia. Họ cảm thấy dễ nhất là cứ giấu nhẹm đi “chuyện đó” nhất là khi người kia có quyền được biết. Giữ kín bí mật của mình không chia sẻ được với nhau càng làm suy yếu hay tiêu diệt quan hệ hôn phối của họ, nhất là khi bí mật bị phát hiện.
Dẫu thật khó để nghe sự thật, trong yêu thương tin tưởng vợ chồng vẫn nên chia sẻ cho nhau những nút thắt của cuộc sống.
– Trong hôn nhân, vợ với chồng là một. Họ luôn nghĩ về mình đồng thời quy chiếu về người phối ngẫu kia, không bao giờ hình dung mình là một thực thể biệt lập. Họ xem thành công của người này cũng là thành công của người kia, thất bại của người này cũng là thất bại của người kia. Họ cùng sống và chung sống với nhau, cả hai đã hứa thuộc về nhau và không còn chỉ thuộc về cá nhân mình nữa. Họ cùng nghĩ và hành động thống nhất. Trách nhiệm đầu tiên của họ là duy trì và bảo vệ sự hợp nhất và thống nhất trong suy nghĩ, lời nói, và việc làm như một đôi vợ chồng sống trong ơn nghĩa của Chúa.
Sau khi sa ngã, con người cảm thấy xấu hổ vì mình trần truồng và đi trốn. Thiên Chúa tìm hỏi “Ađam, ngươi ở đâu? [..] Ai nói với ngươi là ngươi trần truồng?” Thiên Chúa dò thấu lương tâm con người và cái cảm giác xấu hổ, lo sợ vì “trần truồng”, tìm phát hiện ra ai hay cái gì là nguyên do cho nỗi sợ hãi ấy. Chất vấn ấy của Thiên Chúa đã dẫn Ađam đến tận gốc rễ của đổ vỡ quan hệ. Con người thật sự không biết trả lời, không bao giờ nhận ra chính mình là nguyên nhân gây ra chính tình trạng mất sức sống này. Con người không thấy vì một kẻ ích kỉ thì khó nhận ra tội lỗi của mình, tội lỗi nơi mình. Họ quên điều cốt yếu của hôn nhân là nên một. Trong hôn nhân, vợ chồng phải biết rõ hơn rằng cả hai người đều mỏng manh, yếu đuối, họ cần nhau, nhất là trong những lúc hoang mang hay thất vọng. Người này cảm thấy mình thiếu thốn khi không có người kia. Chỉ khi phó mình cho nhau họ mới cảm thấy trọn vẹn. Chăm sóc cho cái “chúng ta” là cách biểu lộ thương thân cách vị tha.
– Thiên Chúa muốn vợ và chồng nhận biết không những trách nhiệm cá nhân , mà còn cùng chung trách nhiệm đối với những việc cá nhân từng người làm. Cả hai người đều góp phần làm thăng tiến hay làm giảm thiểu mối dây hôn phối của họ. Họ chỉ cần nhận thấy điều gì sai hay không ổn trong quan hệ vợ chồng và cùng nhau giải quyết nó mà không phàn nàn hay trách cứ ai. Tình yêu đích thực “luôn khiêm nhường biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi, tha lỗi để được gần nhau” và luôn thể hiện bằng việc làm cụ thể. Nếu vấn đề, xung khắc được giải quyết bằng sợi dây tình yêu vô hình, hôn nhân sẽ được tăng lực.
– Đôi bạn phải biết rằng hôn nhân luôn đòi hỏi ta phải cố gắng mỗi ngày điều chỉnh chính mình trong khi sống chung với nhau, phải hiểu rằng kết hôn là sống và yêu nhau cho đến chết. Đó là điều họ phải cam kết làm suốt cuộc đời, không bao giờ mỏi mệt. Đó là cuộc sống chung cho đến khi một hoặc cả hai người lìa đời bằng cái chết.
1. Đâu là những mảng cuộc sống của anh/chị cần được cải thiện hay thay đổi để cho hôn nhân của anh chị được hài hòa?
2. Xin anh/chị thử nghĩ xem mình có thể vẫn tiếp tục cuộc hôn nhân trong khi mâu thuẫn, xung đột giữa vợ chồng cứ thường xuyên xảy ra hay không?
3. Trong những hoàn cảnh nào anh chị nên đối thoại với nhau để giải quyết vấn đề hôn nhân của mình?
Mã an toàn:
Hôm nay cũng là ngày hành hương Năm Thánh Tử Đạo Việt Nam của Linh mục đoàn Phan thiết nên các cha tề tựu đông đủ và tham dự ngày tĩnh tâm tháng 10.
Ý kiến bạn đọc