Thầy Giảng Anrê Phú Yên - Bổn Mạng Giáo Lý Viên

Đăng lúc: Thứ bảy - 26/07/2014 21:45 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN - BỔN MẠNG GIÁO LÝ VIÊN


Ngày 5 tháng 3 năm 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Chân phước thầy giảng Anrê, tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644.
Thầy giảng Anrê, gốc tỉnh Phú Yên là con út của một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy góa bụa nhưng bà đã giáo dục con cái với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, nhưng tư chất rất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện. Do lời năn nỉ của bà mẹ, cha Ðắc Lộ, vị Linh mục Thừa sai dòng Tên nổi tiếng, đã nhận cậu Anrê vào số các môn sinh của ngài. Anrê chăm chỉ học chữ Nho và chẳng bao lâu trổi vượt các bạn đồng môn.
Anrê được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ ba năm trước khi bà qua đời, tức là năm 1641, khi Anrê được 15 tuổi. Anrê sinh năm 1625, tử đạo năm 1644, lúc Thầy trạc 20 tuổi.
Cha Alexander de Rhodes là người đã chứng kiến cuộc bắt bớ, cuộc xử án, cuộc giam giữ cầm tù và cuộc hành quyết thầy Anrê. Cha đã ghi chép lại đầy đủ chi tiết cuộc tử đạo của thầy.

Chúa Nguyễn ra lệnh cấm đạo khi nhận thấy đạo Công giáo bành trướng trong xứ sở. Vào tháng 7 năm 1644, quan Tổng trấn Quảng Nam, ông Nghè Bộ ra lệnh cấm các giáo sĩ ngoại quốc đi truyền đạo và bắt giam các thầy giảng Việt nam.
Vào ngày 25 tháng 7, quân lính được sai đến bao vây nhà Cha Alexander de Rhodes để tìm bắt thầy giảng Ignatius, nhưng thầy đi vắng nên chúng bắt thầy Anrê Phú Yên. Chúng đã đánh đập, trói lại và giải đến quan Nghè và giải thích thầy cũng là một thầy giảng như thầy Ignatius, người này đã đến các làng mạc nói về luật lệ của vua Kitô và khuyến dụ dân làng theo đạo mới.

Trước công đường quan Nghè khuyến dụ thầy Anrê “đừng dại dột mà mang họa vào thân, hãy chối đạo thì sẽ được tha để trở về với gia đình.” Thầy Anrê đã khẳng khái tuyên xưng mình là Kitô hữu và muốn chịu tất cả mọi thứ cực hình chứ chẳng bao giờ chối bỏ những điều mình đã rao giảng. Dù bị hăm dọa dùng những cực hình ghê rợn cũng không làm nao núng ý chí cương quyết chịu chết để bảo vệ đức tin, chấp nhận đau khổ để được chết vinh quang. Thầy Anrê bị khép vào tội tử hình.

Ngày kế tiếp, Cha Alexander de Rhodes và vài thương gia người Bồ Đào nha vào thăm thầy trong nhà tù, thầy tỏ ra rất bình tĩnh và an vui chịu khốn khổ vì Chúa Kitô. Nước mắt rưng rưng họ cầu nguyện cho thầy, thầy xin họ cũng cầu cho chính họ được bền đổ trung thành với tình yêu vô biên của Chúa, “đấng đã hy sinh mạng sống của mình cho nhân loại”. Thầy lập lại ý tưởng đó và kết luận: “Chúng ta hãy trao tình yêu của chúng ta cho Chúa như Chúa đã yêu thương chúng ta, hãy trao mạng sống cho Chúa như Chúa đã chết cho chúng ta.”

Trưa ngày 26 tháng 7 năm 1644, ba mươi người lính đến nhà giam dẫn thầy Anrê ra pháp trường. Thầy cám ơn Chúa đã cho thầy được hy sinh tử đạo, thầy chào từ biệt các bạn tù. Cha De Rhodes xin phép được dùng một chiếc chiếu trải ra nơi hành hình để hứng lấy máu của thầy như phong tục của người Việt nam, nhưng thầy đã từ chối vì muốn máu mình sẽ thấm vào lòng đất quê hương. Thầy tiếp tục khích lệ những giáo dân giữ vững đức tin, đừng buồn về cái chết của thầy, chỉ xin cầu cho thầy được trung tín cho đến giây phút cuối cùng. Một người lính dùng chiếc dáo đâm bên hông trái, một người khác dùng mã tấu chặt đầu trong lúc thầy kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy chứng giám lòng trung tín của con.”
Cha De Rhodes xin nhận lãnh xác của thầy chở về Macao để chôn cất. Khi tàu ở trên biển thì bị bọn hải tặc đánh cướp, tàu đụng phải đá. Như một phép lạ, một tảng đá lớn từ trên núi rớt xuống làm vỡ đầu tàu rồi rơi xuống biển, làm cho bọn hải tặc bỏ đi và tàu đã chạy được về đến bến bình yên.
Qua nhiều thế kỷ, dù thầy Anrê chưa được phong hiển thánh, nhưng người Công giáo Việt nam luôn tưởng nhớ tôn kính đấng tử đạo thứ nhất đã để máu mình thấm vào lòng đất mẹ, với ước nguyện sẽ sinh hoa kết trái đức tin Kitô cho đến muôn đời.
 
Trong sứ điệp gửi Đại Hội Giới Trẻ lần thứ XVII tại Toronto, Canada, từ ngày 23-28 tháng bảy năm 2002, với chủ đề: “Anh em là muối đất, là ánh sáng trần gian” (Mt 5,13-14), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nêu tên 10 vị thánh trẻ để làm gương mẫu cho giới trẻ thế giới. Đứng đầu danh sách là thánh Anê của thành Rôma, tiếp đến là Á thánh Anrê Phú Yên. Cả hai vị này đều có những điểm rất giống nhau. Trước hết, cả thánh Anê và Á thánh Anrê Phú Yên đều là những người trẻ còn ở độ “tuổi tin” (teenage), tức là dưới 20 tuổi. Cuộc tử đạo của hai vị cũng có những nét giống nhau đến kỳ lạ và cùng chứng tỏ một tình yêu tha thiết đối với Đức Kitô.
 
Trong bản tường trình đầu tiên của Cha Đắc Lộ về cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên (01-08-1644), khi Cha hỏi thầy xem có điều gì làm cho thầy phải đau lòng không, thầy trả lời rằng thầy không có điều gì phải hối tiếc cả, tâm hồn thầy rất hài lòng đến nỗi lồng ngực như nổ tung ra vì sung sướng. Và thầy làm chứng cho những lời đó qua sự thanh thản của một nét mặt như thiên thần. Một thanh niên mới lớn đang tràn đầy sức sống mà không tiếc tuổi thanh xuân; tuy còn mang dáng dấp thư sinh chưa một lần chạm đến binh khí hay được tập luyện để làm chiến binh, thế mà có thể xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, như một vị tướng quân trên chiến trường trong truyền thống hào hùng của dân tộc. Dân chúng đến xem thật đông, cả giáo lẫn lương. Đặc biệt những người lương tỏ ra ngỡ ngàng khi thấy có người muốn chết vì đạo và vì chân lý, đó là một việc chưa từng có trong xứ sở của họ. Người ta điệu thầy ra pháp trường, nhưng trong lúc mọi người cảm thấy ái ngại cho thầy thì nét mặt của thầy lộ vẻ thanh thản vui tươi, bước chân của thầy nhanh nhẹn đến nỗi Cha Đắc Lộ và các tín hữu phải chạy theo và vất vả lắm mới theo kịp thầy. Khi đến pháp trường, thầy mau mắn quì xuống cầu nguyện, lớn tiếng khuyên bảo mọi người và sẵn sàng đón nhận cái chết. Thầy đã nhận lãnh ba nhát giáo đâm và một nhát đao chém đầu trong khi miệng vẫn không ngừng kêu tên cực trong Giêsu với tất cả tâm tình yêu mến. (x. Bản tường trình đầu tiên của Cha Đắc Lộ, trong Rực sáng một vì sao. Tìm về chân dung Á thánh Anrê Phú Yên (1625-1644), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2006, tr. 13-15).
Thái độ thanh thản của Á thánh Anrê Phú Yên trước cái chết phát xuất từ niềm xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu mạnh hơn sự chết hay bất cứ một sức mạnh phân ly nào khác, như lời thánh Phaolô khẳng định trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khó, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?...Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35.38-39).
Nhưng chắc chắn điều làm cho Á thánh Anrê Phú Yên sẵn lòng đón nhận cái chết cách vui vẻ nhất chính là lời khẳng định và đồng thời cũng là lời hứa của Chúa Giêsu trong trang Tin Mừng: “Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quí trọng người ấy” (Ga 12,25-26). Hơn nữa, niềm vui tử đạo của Á thánh Anrê Phú Yên không chỉ phát sinh từ phần thưởng lớn lao mà bản thân thầy sẽ được hưởng theo lời hứa của Đức Kitô, nhưng còn do thầy biết rằng những giọt máu của thầy đổ ra sẽ là hạt giống phát sinh nhiều kitô hữu khác, như lời Đức Kitô đã nói trước đó: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Đó là niềm vui của người đi gieo trong lệ sầu để rồi gặt hái trong hân hoan.
Niềm vui là nét đặc trưng của tuổi trẻ. Á thánh Anrê Phú Yên được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu lên như một mẫu gương của giới trẻ, vì thầy có một tâm hồn luôn vui tươi ngay cả khi phải chịu cực hình. Tuy nhiên, sở dĩ thầy có được niềm vui và sự thanh thản như thế là vì tâm hồn thầy không vẩn đục, nhưng trong sạch, thánh thiện và chiếu tỏa ánh sáng của Thiên Chúa.
Á thánh Anrê Phú Yên đã vui vẻ và thanh thản chịu cực hình và chịu chết vì đạo, nên bây giờ thầy đáng hưởng bình an và niềm vui thiên quốc.
 
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho anh chị em giáo lý viên và các bạn trẻ, biết noi gương Á thánh Anrê Phú Yên, luôn sống trong sạch và thánh thiện, hết lòng yêu mến Đức Kitô và luôn gắn bó với Người, để tâm hồn luôn được bình an, vui tươi và hạnh phúc ở đời này, và ngày sau được cùng với Á thánh Anrê vui hưởng niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu trên trời.
Việc dạy và học Giáo lý là quyền lợi và bổn phận của mọi thành viên trong Giáo Hội (Tông huấn Dạy Giáo Lý số 14). Giáo Hội luôn coi việc dạy Giáo lý là một trong những nhiệm vụ hàng đầu (DGL số 1) và ưu tiên (DGL số 15) của mình. Xin Chân Phước Anrê Phú Yên, vào lúc sinh thời đã kiên trì dạy giáo lý và đã dùng cái chết để làm chứng cho giáo lý mình dạy, giúp giáo lý viên trung thành với trách nhiệm dạy giáo lý trong mọi lúc, khi thuận lợi cũng như lúc gặp khó khăn. 
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận