Giáo trình Giáo lý Kinh Thánh Cựu Ước

Đăng lúc: Thứ bảy - 16/08/2014 02:04 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Giáo trình Giáo lý Kinh Thánh Cựu Ước
(dành cho dự tòng)

 
 
 THAY  LỜI  TỰA
CHỌN  LỰA  KITÔ  GIÁO
ĐÔI  DÒNG  DẪN  NHẬP
DẪN NHẬP CƯU ƯỚC.
TẠO  DỰNG - SA  NGà -  LỜI  HỨA  CỨU  ĐỘ .
XUẤT  HÀNH
CÁC  CHẶNG  ĐƯỜNG  LỊCH  SỬ
Phụ lục : Các ngôn sứ
 

                                         THAY  LỜI  TỰA

 
Chào mừng các bạn, các anh chị tham dự khóa giáo lý dự tòng nầy.
 
Chắc hẳn các anh chị khi đến với lớp học nầy đều có đôi chút ưu tư không biết mình sẽ phải nghe, học điều gì đây. Không phải mọi người đều có nguyên nhân như nhau khi tham dự lớp. Thế nên, chúng tôi, những người được may mắn tiếp xúc đầu tiên với các anh chị trong lớp nầy muốn có vài chia sẻ với các bạn.
 
Trước tiên, giảng khóa nầy chỉ là bước sơ khởi trong lịch trình suốt cuộc đời mà chúng ta phải tìm hiểu liên tục để nhận chân đâu là cái căn bản của đời mình : là gặp gỡ một Đức Kitô thật đang sống trong Hội Thánh của Ngài. Không phải một Yêsu Kitô trong quá khứ 2000 năm về trước nhưng là Chúa Yêsu Kitô đang sống trong hiện tại với kẻ tin. Là cuộc gặp gỡ người với người, ở đây là ta và Chúa Yêsu. Cuộc gặp gỡ nầy làm thay đổi toàn diện đời sống chúng ta trong đức tin, không phải như trẻ con chỉ biết lặp lại hay học thuộc lòng những kinh nguyện giáo lý. ( Than ôi! Đây lại là điều mà ngày nay không ít người tự nhận là đạo gốc mắc phải )  Chính vì thế, vấn đề  học ở đây không phải như là học một môn khoa học nhưng là tìm đến cái nhận chân căn bản đời mỗi một người chúng ta. Vấn đề do đó không nhất thiết là giải thích hoàn toàn bằng lý trí, nhưng là khêu gợi lên để các anh chị suy nghĩ, để đi đến sự cảm nhận và gặp gỡ một Yêsu Kitô đang sống, đang hoạt động trong lòng nhân loại.
 
Chúng tôi, những người trong ban giảng huấn, có thể mỗi người có cung cách và phương pháp khác nhau, nhưng tất cả chúng tôi đều mong muốn chuyển lại cho các anh chị điều mà chúng tôi đã sung sướng lãnh nhận được, đã hạnh phúc khi nhận lấy Lời của Chúa, đã gặp gỡ Ngài, đã nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình dù thân phận vẫn còn mỏng dòn yếu đuối. Chúng tôi xin khẳng định không áp đặt cho các anh chị một mớ lý thuyết đạo lý nào đó nhưng muốn đề cập đến kinh nghiệm chúng tôi đã gặp gỡ. Không gì có thể thay thế được cái kinh nghiệm gặp gỡ đích thực Ngài và ta. Chúng tôi không phải là những người tiếp thị, quảng cáo Lời Chúa vì xét cho cùng, người tiếp thị quảng cáo không phải lúc nào cũng dùng sản phẩm mình tiếp thị. Những người rao truyền Tin Mừng không phải là kẻ sinh nhai bằng môi mép, quảng bá Lời Chúa cho người khác tiêu thụ còn mình thì khỏi.
 
Vấn đề là làm sao chuyển được đến các anh chị để anh chị nhận lấy Đức Kitô là nền móng của đời mình và tất cả nhận thức chúng ta đều xây dựng trên nền móng đó. Mục đích mà bất cứ người Công giáo nào trong suốt đời, khi nói, sống, làm, là  xác tín mình đã gặp gỡ Đức Kitô và sự gặp gỡ đó làm mình hạnh phúc và mong muốn truyền lại cái hạnh phúc đó cho người khác. Kỳ dư là nói dối. Cũng chính trong ý nghĩa đó mà Phaolô thốt lên : “ Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng ”.
 
Trong tâm tình chia sẻ như vậy, mong các anh chị xem khóa học của chúng ta như một cộng đoàn để cùng nhau đi đến kết quả thật như Thiên Chúa mời gọi, chứ không phải một khóa học mang lại một mớ kiến thức tôn giáo, để rồi khi trà dư tửu hậu, chúng ta có thể vung vít về mớ kiến thức đó. Cũng có một số anh chị vì nguyên nhân lập gia đình, thân nhân bạn mình đề nghị phải theo học lớp dự tòng. Xin anh chị nào ở trong trường hợp nầy cũng rộng lòng đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa. Thành thật mà nói, Thiên Chúa có 1001 cách để thông ban sự sống của Ngài cho con người, thậm chí có cả những cách mà các anh chị cảm thấy không được thoải mái, tuy nhiên, đó lại là cơ hội Thiên Chúa muốn ban tặng cho các anh chị. Chẳng phải thông qua người các anh chị yêu mến và muốn kết hợp trọn đời mà Thiên Chúa muốn tỏ bày và ban tặng anh chị ơn làm con Thiên Chúa đó sao ? Nếu người có ông bố làm tổng thống, chưa cần phải tổng thống của một cường quốc, ắt hẳn là tự hào, phương chi chúng ta được làm con của Đấng Tạo Hóa?
 
Thế đấy, với lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta cùng nhau bước vào tiến trình mà từ muôn đời Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.
 
 

                                    CHỌN  LỰA  KITÔ  GIÁO

                                              ( Công  giáo )
 
Các anh chị khi đến tham dự lớp dự tòng này chắc chắn có câu trả lời ngay khi được hỏi tại sao lại chọn lựa Kitô giáo. Có anh chị muốn tìm hiểu, anh chị khác do nguyên nhân tiến đến hôn nhân với người Công giáo, lỡ yêu nên đành lòng ép bụng theo cho vừa lòng người yêu và gia đình, bạn khác lại có được lời mời gọi cách khác nên tin theo…Nhiều bạn tuy đồng ý đi học nhưng ấm ức trong lòng, hà cớ gì tôi phải từ bỏ tín ngưỡng tôi đang theo để tin vào Kitô giáo, vì xét cho cùng đạo nào chẳng dạy con người ăn ngay ở lành, có đạo nào dạy điều xấu đâu. Không sai, nhưng không đầy đủ. Chính điều anh chị đang ấm ức là điều mà Thiên Chúa đã mặc khải, nói dễ hiểu hơn, là Thiên Chúa đặt để trong lòng anh chị. Chúng tôi muốn bắt đầu từ chính điểm nầy.
 
I. MẶC KHẢI TIÊN KHỞI.
 
Để anh chị làm quen với các ngôn từ trong thần học, chúng tôi xin định nghĩa trước mỗi khi gặp để các anh chị khỏi ngỡ ngàng. Măc khải là gì? Theo nguyên ngữ, Mặc là bí nhiệm, thâm sâu. Khải là tỏ ra. Mặc khải là tỏ ra cho biết những điều bí nhiệm thâm sâu.
 
Trong diễn tiến phát triển xã hội, con người không chỉ mãn nguyện nơi những nhu cầu vật chất nhưng còn muốn thõa mãn cái gì cao cả hơn. Đó là lẽ sống, là một thang cấp về giá trị xây dựng trên một quy chuẩn đạo đức. Không một nền văn hóa, không một dân tộc nào lại đi suy tôn các tên phản bội bán nước, bọn đê tiện nhưng người ta sẽ ghi nhớ các vị anh hùng, các nhân vật tài hoa như một lý tưởng cho người khác noi theo để sống sao cho xứng đáng. Con người khác thú vật chính vì mình sống phải có lý do để sống, phải có mục đích cuộc sống.
 
Thế nhưng, khi cái chết ập đến, không người nào tránh khỏi giờ phút nầy, mọi người đều có câu hỏi: Đằng sau những tháng năm thu tích kiến thức, tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, tình yêu… để cuối cùng làm gì ? Câu hỏi nầy làm người ta đi đến tôn giáo. Như thế, ngang qua chỗ vô thường nầy mà chúng ta có câu hỏi tôn giáo và vấn đề phúc họa là ảo tưởng hay là thật? Nhân loại chia rẽ nhau vấn đề nầy. Người vô thần thật sự,  chúng tôi không đề cập loại vô thần môi mép, cho rằng thân xác hiện hữu chỉ là sự vay mượn của trái đất nầy các cặp nhiễm sắc thể, mà nhân loại truyền lại cho nhau thế hệ nầy sang thế hệ khác và quan trọng là làm sao, cho cái vốn liếng chung đó không mai một đi, nhưng phát triển thêm. Tuy nhiên, xét cho cùng thì lối suy nghĩ nầy cũng là một dạng tôn giáo vì họ thành tâm coi đây là lẽ sống, lý tưởng đời mình để tận tụy noi theo. Các tôn giáo thì khẳng định mình có câu trả lời cho lẽ sống đích thực của con người.
 
Mặc khải Kitô giáo cũng đem lại một câu trả lời. Một điều cần xác định là con người không thể tiếp xúc với mặc khải, nếu không có câu hỏi. Không hỏi thì không biết mình cần gì, muốn gì, thì cần gì mặc khải mang lại. Đáng buồn là nhiều người dửng dưng với mặc khải vì không đủ trưởng thành để đạt câu hỏi về chính sinh mạng mình. Khi khắc khoải tìm kiếm, thì cho dù chưa có lời giải hoặc đôi khi giải sai, nhưng điều đáng trân trọng vì có cơ may gặp được Thiên Chúa cách nào đó. Những người nhận mình “có đạo” từ tấm bé, nhưng không mảy may đặt cho mình câu hỏi đâu là gia nghiệp của đời mình, thì cũng chỉ là đám mê tín chứ không phải là người tín hữu. Phải can đảm đặt câu hỏi về sinh mệnh mình thì mới đụng chạm đến mặc khải. Mặc khải chính là lời giải, không phải do chính con người suy nghĩ ra, nhưng do tự Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành ra con người trả lời cho con người, như ông kỹ sư trả lời về cái máy ông chế tạo ra. Cũng thế, mặc khải là câu trả lời của Thiên Chúa về sự tạo thành con người để làm gì, ý nghĩa thế nào.
 
Thiên Chúa không ban cho con người bất cứ cái gì mà Ngài lại không chuẩn bị trước, để con người có thể đón nhận lấy. Ngài đã tạo nơi con người những nhu cầu để lãnh nhận Ngài. Ngoài bản chất thể xác, con người còn có tinh thần. Với bản chất tinh thần nầy, con người đã đụng chạm được tới Thiên Chúa, vì Ngài là Tinh Thần. Cũng từ bản chất tinh thần mà con người có khả năng về sự thật, có trực giác về sự thật, có bản lĩnh đón nhận sự thật“ Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật.” ( 1Tm2,4)
 
Với ý muốn như thế, Thiên Chúa hoạt động liên tục nơi thâm tâm mỗi một con người, vì thế hầu như trong các dân tộc nào cũng có hiện tượng về sự giao dịch giữa người và Thiên Chúa.“ Trời thưởng Trời phạt, Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống…” nơi người bình dân phản ảnh tâm tình cậy trông một sự công chính không đến từ trần gian nầy, hoặc là một sự tín thác sự sống mình cho Thiên Chúa qua lời khẩn nguyện đơn sơ nhưng chân thành đó.
 
“ Thiên Chúa độc nhất và hằng có đã muốn dựng nên vạn vật; và đầy lòng thương mến, Người đã muốn thông ban sự sống của Người, sự sống tận cùng đó hé mở cho ta thấy bên trong mình Người, nơi mầu nhiệm Ba Ngôi: Cha, Con, Thánh Thần.
Việc thông ban đó là ý định đầu hết của Thiên Chúa, và vì thế Người đã dựng nên vũ trụ, ngay về giới tự nhiên, làm như điều kiện dự bị mà ơn Người kiến tạo ra. Bởi ý định ấy, toàn thể nhân loại được Người kêu gọi. Lịch sử của việc thông ban ấy mọi thời, mọi nơi hằng diễn ra: Thiên Chúa dạm hứa ơn của Người cho con người tự do, thuộc mọi thời, mọi địa vị.”( trích trong Tiểu dẫn vào Tân Ước của lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR )
 
Do sự thuần túy yêu mến, nên khi tạo dựng, Ngài đã đặt để trong tâm hồn mỗi người, như điều kiện dự bị, để con người có thể đón nhận lấy ý định yêu thương của Ngài.. Toàn thể nhân loại đều được Ngài ngõ lời và con người tự do ở mọi thời, mọi địa vị đều cảm thấy được Thiên Chúa dạm hứa ơn của Ngài. Đó chính là mặc khải tiên khởi, là món quà Thiên Chúa ban tặng sẵn trong mỗi người khả năng nhận biết Thiên Chúa.
 
Như thế, không phải các linh mục, các người truyền giáo là những người rao giảng để người ta nhận biết Thiên Chúa nhưng chính Thiên Chúa đã đi trước trong những công việc ấy. Bằng nhiều nguyên nhân khác nhau, Thiên Chúa đã mang anh chị về với Ngài và chúng tôi may mắn được Ngài giao để giúp các anh chị. 
 
Với điểm xuất phát như thế thì đáng lý ra, thế giới nầy phải là một thế giới tình thương yêu ngự trị, trong đó đáng lý ra con người phải tiếp tục chuyển thông cái tình thương vô bờ bến đó cho nhau, như Thiên Chúa đặt để nơi cha mẹ đối với con cái họ. Thế nhưng, khi con người lớn lên va chạm phải những sự khiếm diện của Thiên Chúa, khiếm diện trong tình thương của Thiên Chúa trong đời sống cư xử người với người ( Sách Sáng Thế mô tả sự khiếm diện nầy khi nói con người núp, lẫn trốn Thiên Chúa ( St 3,8-10), con người lại đối với nhau đầy ích kỷ và độc ác. Thế giới trở thành đấu trường tranh sống do những ích kỷ và độc ác giữa con người với nhau : con cái đụng chạm với ích kỷ của cha mẹ, vợ chồng với nhau, bạn hữu, đồng nghiệp…Các tương quan đối xử với nhau như vậy biến thành những cuộc chống chọi ích kỷ, đóng kín trong lòng mỗi người. Đó chính là nguyên tội, cái tội nền tảng, cái tội căn bản mà Kinh Thánh khái quát bằng câu chuyện ăn trái cấm. Bao giờ thế giới nầy gặp lại tình trạng vô vị kỷ thì thế giới mới tái tạo lại cách nào đó cái thế giới tình thương, thế giới đó mới thực sự là thế giới ơn cứu độ, mới gặp được mặc khải của Thiên Chúa. Hình ảnh của cái mỉm cười đầu tiên người mẹ âu yếm đứa con sơ sinh, là cái dấu chỉ nguyên tuyền vô vị kỷ của nhân loại trong sự yêu mến thuần túy mà chúng ta dễ cảm nhận nhất. Trong cuộc sống cũng vậy, chỉ những ai đến với người khác một cách vô vị lợi, thuần túy yêu mến mà không mong chờ quay trở lại mình thì mới thực sự sống trong mầu nhiệm tình thương.
 
Chính từ những suy nghĩ nầy, để người lãnh nhận đức tin Kitô giáo một cách chân chính, trước tiên không phải là hướng dẫn các anh chị những lý thuyết giáo lý, hay các tín điều, nhưng là làm thế nào để các anh chị đạt đến, tập cho được biết yêu thương kẻ khác một cách vô vị kỷ, phục vụ kẻ khác, phục vụ đồng loại bất cầu lợi cho mình. Nếu không, không khéo biến thành những con vẹt đọc lại những tín điều, làm theo thói quen.
 
Từ những nhận thức đó, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa thông ban chính mình trong mọi thời, mọi nơi. Chúng ta không có gì để thất vọng về ơn cứu độ cho những thế hệ tiên tổ xa xưa của con người. Ngay chính thời điểm nầy, dưới bất cứ chân trời nào, Thiên Chúa vẫn đang làm chuyện mặc khải cho nhân loại. Ngài vẫn đang làm việc nầy cho các tôn giáo khác, cho những người theo đuổi những niềm tin khác, cho những người thành tâm tìm kiếm chân lý. Thiên Chúa làm việc nầy thế nào chúng ta không biết rõ nhưng qua các dấu chỉ về việc sống đạo đức trong các dân tộc, các nền văn hóa, chúng ta có thể cảm nhận điều đó. Cần xác tín rằng, nơi các tôn giáo, con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cách nào đó và cũng cách nào đó Thiên Chúa cũng tỏ bày cho con người cách kiếm tìm, vì chính Ngài đã muốn ban sự sống bên trong của Ngài, ban chính mình Ngài cho con người.
 
Mặc khải chung khởi đó là mặc khải chung ban cho toàn thể nhân loại, mặc khải ấy làm thành bởi chính con người là tinh thần, có bản lĩnh nhận biết Thiên Chúa. Mặc khải này có thể diễn ra khách quan hóa bằng những hiện tượng tôn giáo nơi đời thường, bằng câu kinh, bằng tụng niệm, cử chỉ khẩn cầu, thờ phượng, bằng các đạo lý… nơi các tôn giáo, các nền văn hóa. Đây chính là kho tàng mặc khải mang nhiều nét phong phú khác nhau mà thần học Kitô giáo tại mỗi địa phương phải thâu lượm những điều Thiên Chúa đã đi trước và ban cho trong môi trường cụ thể mỗi địa phương.
 
Tại Viêt Nam cũng vậy, Hội Thánh Công giáo cũng cần thâu lượm, đối chiếu và chọn lọc tất cả những dữ liệu có từ các tôn giáo khác để phong phú hóa kho tàng mặc khải của đạo Chúa Kitô, tạo nhịp cầu đưa con dân đất Việt gặp gỡ lại chính Đấng đã đi trước, đã tiếp xúc trước rồi.
 
Mặc khải tiên khởi cho toàn nhân loại nầy được Kinh thánh biên tập lại  trong Sách Sáng Thế khi đề cập lời hứa của Thiên Chúa với ông Noê và toàn thể hậu duệ của ông sau trận lụt hồng thủy. Các anh chị sẽ được giới thiệu trong phần mặc khải tại khóa học nầy. Tuy nhiên, anh chị nào có điều kiện đọc trước cũng tốt.
 
Ngoài hoạt động liên lỉ của ơn Người  nơi thâm tâm mỗi con người nhân loại, việc Thiên Chúa thông ban mình Người lại còn tiết lộ ra trong lịch sử có những nơi, có những thời, trong liên tục của lịch sử. Thiên Chúa hằng có ngoài thời gian, đã chứng thực cái ý định cứu rỗi của Người ngay trong thời gian. Đó là thánh sử, hay lịch sử cứu rỗi. ( tiểu dẫn vào Tân Ước của lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR )  
 
II  MẶC KHẢI KITÔ GIÁO.
 
Đây là mặc khải thể hiện trong một lịch sử cụ thể, là lịch sử cứu độ nơi dân Israel và nơi Hội Thánh Kitô giáo. Khởi đầu từ việc Thiên Chúa kêu gọi Abraham diễn tiến qua hai giao ước. Mặc khải trong Giao Ước củ ( Cựu Ước ) với Abraham và Giao Ước mới ( Tân Ước ) với Chúa Kitô.
 
Mặc khải trong thánh sử nầy không phải là mặc khải ra những chân lý nói trực tiếp từ trời xuống nhưng là việc Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người và hoạt động trong lòng nhân loại. Mặc khải nầy không phải là một hệ tư tưởng, một chủ thuyết, một ý thức hệ nhưng là hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Mặc khải nầy cũng không phải là những phán dạy những sự thật siêu phàm mà trí khôn con người không thể đạt thấu, nhưng là những tri thức con người có khả năng đủ để nhận ra có Thiên Chúa độc nhất, là nguồn, là nguyên nhân mọi sự, là Đấng phán xét nhân loại theo lẽ phải.
 
Mặc khải Kitô giáo là tất cả việc Thiên Chúa tỏ bày thông tri về Ngài cho con người trong thánh sử. Khi một người thông tri về mình cho người khác như hai anh chị đang yêu thổ lộ về mình thì không phải là anh chị đang thổ lộ ra cho đối tượng rằng tôi có bao nhiêu tế bào, có mấy bằng, làm nghề gì nhưng tỏ lộ ra điều sâu thẳm tự con tim, tự đáy lòng mà chỉ có tôi biết không ai được biết nếu tôi không nói. Thiên Chúa tỏ bày thông tri về Ngài cũng vậy. Ngài cho con người biết điều Ngài khắc khoải bận tâm, đã được mặc khải qua các mối tương giao giữa Ngài và loài người để nói lên lòng mến thương đến mức đam mê của Ngài với loài người. Làm sao có thể biết mặc khải Kitô giáo là mặc khải của Thiên Chúa cho mọi người ?
 
Đối vấn đề nầy, chúng ta chỉ có lời quả quyết về lòng tin của Hội Thánh. Những người không tin luôn luôn có thể bác bỏ mọi lý chứng mà chúng ta có thể nêu ra. Đây không phải là vấn đề minh chứng. Xin dùng 2 trích đoạn của Phaolô để nói :
 
 
1C 2,11-12)
“…Cũng vậy, những điều có trong Thiên Chúa, không ai biết được, trừ phi là Thần Khí của Thiên Chúa. Phần ta, không phải là thần khí của thế gian mà ta đã chịu lấy, nhưng là Thần Khí do tự Thiên Chúa, ngõ hầu ta nhận biết các điều Thiên Chúa đã thi ân xuống cho ta”.
 
1C 2,10
“ Vì Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta nhờ Thần Khí, bởi Thần Khí dò thấu mọi sự, cả những điều sâu thẳm nơi Thiên Chúa”.
 
Vậy, vấn đề còn lại là chính do Thiên Chúa làm và tỏ bày thì chúng ta mới được. Đó là mặc khải của Ngài. Điều tự nơi Thiên Chúa thì không ai biết nếu Ngài không nói ra, thế nhưng, ở đây Thiên Chúa còn tự nói ra. Những lời nói, hành động của Ngài được tiết lộ trong lịch sử bằng những nhân vật mà chính Ngài đã can thiệp vào đời họ để bảo đảm cho chúng ta chính họ là những sứ giả của Thiên Chúa mang mặc khải của Ngài đến cho nhân loại. Hội Thánh đã chuyển lại cho ta tất cả những điều đó dưới danh tính “ Lời của Yahvê phán”.
 
Cũng có những khuynh hướng hay vin vào những hiện tượng tiên tri, phép lạ để xem đó như phương pháp hướng dẫn người khác chọn lựa Kitô giáo. Vấn đề nầy chúng tôi không dám nói là sai, nhưng không hoàn chỉnh, vì ngày nay vấn đề nầy thật sự phức tạp và Hội Thánh cũng rất thận trọng. Có thể đây là những đặc sủng Thiên Chúa ban cho từng người tùy lòng mến và theo ý Ngài, nhưng xét về mặt tổng thể thì yếu tố lòng tin chúng ta nhận lấy quan trọng hơn nhiều. Phải nói rằng, Đức Tin không phải tự ta tin được, nhưng chính Thiên Chúa đặt để trong lòng chúng ta sự thúc đẩy lôi kéo của Ngài. Đức tin là quà tặng của Thiên Chúa cho người Ngài chọn lựa.
 
Thiên Chúa lôi kéo chúng ta tự bên trong là thế. Ngài cho chúng ta chú ý vào một điều mà từ trước tới nay chúng ta không lưu tâm. Có những tiếng gọi của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, hôm nay chúng ta chưa lãnh hội hay phớt ngang qua, thời gian sau nào đó chúng ta mới cảm nhận được. Thiên Chúa kiên nhẫn với con người là vậy. Khỏi nói đâu xa, ngay trong khóa nầy, nếu ai trước đây vài ba năm,( cũng có thể có vài trường hợp đặc biệt ) mấy ai nghĩ nghĩ mình theo học khóa dự tòng nầy ? Điều nầy không hiếm thấy trong lịch sử giáo hội đâu.
 
Công cuộc tỏ bày ý định của Thiên Chúa thường làm cho con người bất ngờ. Mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa làm người, mang lấy toàn bộ mặc khải của Thiên Chúa cho nhân loại trong thân phận con người bé nhỏ tầm thường là việc vượt ngoài dự tưởng của trí khôn nhân loại. Thiên Chúa xuất hiện trong lòng nhân loại không bằng hào quang, sự kiện kinh hồn táng đởm nhưng chính bằng sự khiêm hạ tầm thường và chính sự quá tầm thường khiêm hạ đó mới đáng làm người ta phải kinh tâm về biến cố mặc khải đó. Thiên Chúa có mặt trong trần gian nơi thân phận con người, đã đi qua những nẽo đường trần gian bụi bặm đó. Đây mới chính là cái mà ta cần lãnh nhận về mầu nhiệm Thiên Chúa bày tỏ mình. Yoan đúc kết một cách sâu sắc : “ Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha, Đấng đã sai Ta không lôi kéo nó.” ( Ga 6,44).
 
Thế đấy, vấn đề của chúng ta không phải là bằng những kiến thức cân đong đo đếm, nhưng chính bằng sự cảm nhận , bằng lòng tin mà chúng ta gặp gỡ một Chúa Kitô, suối nguồn ơn cứu độ mà từ muôn đời Thiên Chúa muốn thông ban cho chúng ta ./.
 

                                         ĐÔI  DÒNG  DẪN  NHẬP

 
      
Các bạn , các anh chị thân mến.
 
Hôm nay, chúng ta có cơ hội gặp gỡ nhau ở đây, là một ân huệ của Thiên Chúa cho dù với nguyên nhân nào. Chúng ta có một thời gian tương đối để cùng chia sẻ với nhau những điều mà tự muôn đời Thiên Chúa muốn nói với từng người trong chúng ta Để có được tâm tình chia sẻ đó, chúng tôi mong các anh chị tạm thời gạt bỏ các quan niệm, nếu có, của mình để nghe một số khái niệm mới trong cuộc hành trình chúng ta đi tìm Đấng Cứu Độ, Đấng mà chúng ta chọn làm gia nghiệp của mình. Xin mượn hình ảnh một câu chuyện Thiền để nói về vấn đề nầy như sau :
 
Có một người, tự hào hiểu biết về thiền học, đến hỏi về Thiền với  Nan-in. Thiền sư mời anh ngồi và rót trà, trong lúc anh thao thao bất tuyệt về các kiến thức Thiền của mình. Nan-in cũng không ngừng rót trà vào tách anh ta, dù đã tràn ra ngoài. Thấy thế, anh ta kêu lên: “ Dừng lại, thưa ngài, tách đã đầy tràn rồi, ngài không thấy sao ?” Nan-in cười nói với anh:  “Anh cũng thế, lòng anh đầy ắp rồi, đâu còn chỗ cho các kiến giải khác.”
 
Trong tâm tình như vậy, chúng tôi mời các anh chị, chúng ta cùng tìm kiếm  Chúa Yêsu Kitô, qua Kinh Thánh. Thông thường, khi bắt đầu đọc 1 cuốn sách mới, người ta đọc phần dẫn nhập trước, để hiểu đại ý sách đó muốn nói gì. Đọc Kinh Thánh cũng vậy. Để không cảm thấy mình rơi vào khu rừng mà không có chỉ dẫn, các anh chị nên đọc phần dẫn nhập trong từng sách. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đa số không lưu tâm đến, nên ở đây chúng tôi cố tóm lại, hy vọng phần nào anh chị có được một khái niệm tương đối theo trình tự ( logích ). Tất nhiên, bản tóm của bản tóm lược thì không thể nào lột tả hết cái thần, cái ý của những điều muốn nói nên trong thâm tâm, chúng tôi rất mong các bạn bớt chút thời gian để đọc tất cả .
 
1 . Chúa Yêsu đã phục sinh .
 
Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa mặc khải cho con người biết vận mệnh của họ, kêu mời họ đến với sự sống. Đây không phải là cuốn sách triết học, sách giáo lý mà là cuốn sách nói về một chuỗi các biến cố ,và biến cố trung tâm, chính là Đức Yêsu đã chết trên thập giá và sự phục sinh của Ngài. Điều nầy nói lên: chúng ta được sinh ra bởi tình yêu của Thiên Chúa, từ hư vô, để kết thúc trong sự hiệp thông hoàn toàn với Đấng Hiện Hữu. Nhưng để đạt điều đó, mỗi cá nhân, nhân loại, phải trãi qua một cuộc lột xác. Đó chính là sự chết và phục sinh.
 
Kinh Thánh gồm hai phần: Cựu ước và Tân ước. Ước đây là giao ước, là hợp đồng nói theo ngôn từ ngày hôm nay và đây là giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Các sách của Cựu ước trình bày một loạt các câu chuyện nối kết nhau, giữa các câu chuyện đó, đôi khi là chuyện gần với thần thoại xen lẫn với các câu chuyện thật, có khi là những diễn từ, các việc phụng tự, đời sống xã hội, các lời trách cứ hay mang lại hy vọng, những tiếng kêu mời tình thân ái … Trong 46 cuốn cách Cựu ước nầy hầu như Thiên Chúa hiện diện khắp nơi trên từng trang sách. Cựu ước cho chúng ta thấy cách thức Thiên Chúa chuẩn bị cho con người, cách riêng dân tộc Israel, để họ nhận biết và đón nhận nơi Đức Yêsu giao ước kỳ diệu. Có thể dùng câu nầy để minh họa các dòng trên như sau :
 
“ Thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã phán với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử .” ( Dt 1,1-2)
 
Sự phục sinh của Chúa Yêsu đã để lại một con đường sự sống, đó là nguồn cội cho mọi lời rao giảng của các tông đồ và các cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi của Chúa Yêsu Kitô. Những chứng từ được viết từ buổi đầu ấy được các vị có trách nhiệm chuẩn nhận làm thành bộ Tân ước bao gồm 27 cuốn  dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần
 
2 . Đọc Kinh Thánh bắt đầu từ đâu ?
 
Dễ nhất là khởi từ các sách Tin Mừng, nơi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô. Ngài là Lời của Thiên Chúa ( Ngôi Lời ).Tuy nhiên, không thể có đức tin Kitô giáo mà không có Cựu ước. Những ai đọc Cưụ ước, khi nghe lời Đức Kitô nói, sẽ hiểu rõ hơn những bài học trong đó và khám phá ra những ý nghĩa của nó. Tốt nhất nên đọc liên tục một lần tất cả các sách Tân ước, khởi từ các sách Tin Mừng của Matthêu, Marcô, Luca và Yoan.
 
Khi đọc Tin Mừng, cũng đừng nghĩ mình là người đầu tiên hiểu được sứ điệp của Thiên Chúa, nếu không, có nguy cơ bạn sẽ thành lập một giáo phái mới. Cũng đừng nghĩ mọi vấn nạn riêng mình có thể giải quyết, nhờ đọc Kinh Thánh. Phải hiểu rằng, Lời Thiên Chúa nói ra là trong hoàn cảnh cụ thể và trước những những vấn đề riêng biệt của người đón nhận Lời ấy. Do đó, phải tìm hiểu xem đâu là vấn đề của người ta để tìm xem Lời Chúa nói có ý nghĩa đích thực gì. Sau đó chúng ta hãy đặt lại vấn đề Lời Chúa nói mang lại ánh sáng cho vấn đề hiện tại của chúng ta như thế nào.
 
Cũng không phải Thiên Chúa dạy dỗ trong sớm chiều nhưng trãi dài qua hơn 15 thế kỷ từ Abraham cho tới thời các tông đồ và Ngài cũng không dạy tất cả mọi sự ngay từ đầu. Do dó không có gì ngạc nhiên khi Môsê và các ngôn sứ, không biết một loạt các vấn đề quan trọng mà các tông đồ, chứng nhân của Chúa Yêsu, kể lại cho chúng ta .
 
Khi đọc Kinh thánh cũng đừng bị cuốn hút vào những trang sách được cố tình viết theo lối hành văn phức tạp của thể văn thời ấy mà ta thường gọi là văn khải huyền, để rồi quên đi những điều rõ ràng, căn bản là cái chính. Cuối cùng là các anh chị hãy không ngừng đọc Kinh Thánh, mục đích không phải để hiểu những gì chưa hiểu nhưng là một bằng chứng chúng ta yêu mến Thiên Chúa và Ngài là người Cha nhân hậu sẽ ban cho chúng ta “ Sự khôn ngoan của Kinh Thánh” để tìm thấy sự sống trong mọi Lời của Ngài .
 
 
 
3 . Sử dụng sách Kinh Thánh như thế nào ?
 
Các sách trong Kinh Thánh được chia thành từng chương khác nhau theo sáng kiến một Giám mục người Anh thế kỷ thứ 8. Sau đó năm 1551, một thợ in người Pháp thêm vào công việc nầy bằng cách đánh số câu, bất đầu từ Tân ước, sau đó áp dụng luôn cho cả phần Cựu ước nữa .
 
Như thế, các sách trong Kinh Thánh được chia thành nhiều chương và mỗi chương thành nhiều câu. Thí dụ như sau :
 
-   Ga 20,13-15 có nghĩa là Tin Mừng thánh Gioan  chương 20 từ câu 13  đến câu 15 . Trong đó Ga là từ viết tắt của Gioan .
-   1 Cr 1,5-7 có nghĩa là thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín  hữu Côrintô chương 1 từ câu 5 đến câu 7, trong đó  1 trước Cr có nghĩa là thư thứ nhất, Cr là viết tắt của Côrintô .
 
Trong tất cả các sách Kinh Thánh từ Cựu  ước cho đến Tân ước ở phần đầu sách đều có ký hiệu nói trên để người đọc dễ truy tìm câu cần đọc. Ngoài ra , trong các sách, đa phần đều có thêm phần chú thích bên dưới trang, sau một ký hiệu gạch ngang và được in bằng tuồng chữ khác trong trang chính . Các anh chị cũng nên ghé mắt nhìn qua, ngõ hầu có thêm chút kiến giải cho mình vì đa phần các chú thích nầy đều do các nhà chú giải Kinh Thánh có kiến thức sâu rộng .
 
4. Đọc hiểu Kinh Thánh thế nào?
 
Thật là sai lầm khi đọc và hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen của sự kiện. Các giáo phụ trong những thời kỳ đầu đã loại bỏ cách hiểu ấu trĩ nầy. Hội Thánh từ
 
Đôi dòng gọi là dẫn nhập, chúng ta cùng đi vào phần đầu tiên trong chương trình Cứu độ của Thiên Chúa .
 
 

                                               DẪN NHẬP CƯU ƯỚC.

 
 
Các bạn, các anh chị thân mến,
 
             Thời gian đã 5 năm, từ khóa gldt 1AP 2008 đến khóa 10AP 2012, chúng tôi nhận ra rằng giáo trình dẫn nhập vào Cựu Ước cần được hiệu chỉnh lại, phù hợp với điều kiện tìm hiểu của anh chị học viên hơn. Lịch sử Cứu Độ qua Cựu Ước không phải là bộ sách được sáng tác từ thuở hồng hoang, nhưng trãi qua nhiều giai đoạn.
 
          Chúng ta biết văn minh chữ viết được hình thành trong một thời gian dài. Trước thời kỳ nầy, người ta sử dụng 1 số phương tiện truyền khẩu như thần thoại, truyền kỳ, trường ca… để lưu lại ký ức, kinh nghiệm cho hậu bối. Dân Israel, Dân Thiên Chúa, cũng nhận được mặc khải tiệm tiến như vậy. Họ chỉ làm quen với nền văn minh chữ viết khi tiếp xúc cùng các sắc dân Canaan sau cuộc vượt thoát khỏi Ai Cập, được tường thuật trong Sách Xuất Hành ( Exodus).
 
          Khi theo học các lớp Giáo lý, nhất là Gldt, rất nhiều anh chị bở ngỡ khi được giới thiệu 1 cách đột ngột về Ngũ Thư (Torah), nhất là Sách Sáng Thế ( Genesis ), trong đó trình bày câu chuyện thi vị hóa về Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người, câu chuyên Ađam – Eva, nguyên tội  ( péché originel )… Đây là đề tài cho nhiều luận điểm khích bác, châm chọc, của nhiều học thuyết xưa nay, cũng như những bênh vực mù quáng, giáo điều, ấu trĩ của nhiều tín hữu. Để có thể cảm nhận tương đối những điều Cựu Ước trình bày, chúng ta lần lượt cùng nhau tìm hiểu:
 
1.      Lược sử dân Israel.
 
          Lịch sử cận đại nhận định có 5 nền văn minh lớn ảnh hưởng đến phát triển của cộng đồng nhân loại : Lưỡng Hà ( Lưu vực 2 sông Euphrate- Tigre), Sông Nil ( Ai Cập cổ), Hằng Hà ( Ấn Độ), Hoàng Hà ( Trung Hoa ), Châu Mỹ ( Maya, Incas). Trong đó, văn minh Lưỡng Hà và Ai Cập cổ có sự giao lưu tương đối phát triển. Rất nhiều bộ tộc du mục di chuyển giữa 2 nền văn minh nầy qua 1 giải đất hẹp: vùng Palestine.
 
         Khoảng 18 thế kỷ trước Công nguyên, trong số các bộ tộc du cư từ Lưỡng Hà sang Ai Cập, có bộ tộc do Abraham đứng đầu.Trên khía cạnh lịch sử, Abraham là nhân vật không mấy tên tuổi. Tuy nhiên, dưới nhãn quan tôn giáo, ông được nhìn nhận như tổ phụ của nhiều dân tộc trung cận đông, đó cũng là ý nghĩa tên của ông. Thú vị là nhân chủng học hiện đại phát hiện: dân Israel và Á Rập có cùng ông tổ.
 
         Trong các thời kỳ đói kém, nhiều bộ tộc du mục thường hay nương nhờ tại các vùng biên thùy Ai Cập, tại thời điểm nầy, chính quyền cai trị là người Hyksos. Trong đó có Abraham và con cháu ông, mà Yuse, là khuông mặt nổi bật. Ông làm quan tướng  cho chính quyền sở tại.
 
         Đến thế kỷ 13, người Ai Cập tại phương nam khôi phục lại vương quyền trên toàn bộ lãnh thổ Ai Cập với những tên tuổi như Ramses I, II…nhiều dân du mục bị cưỡng ép lao động nặng nhọc, phục vụ cho công cuộc xây dựng các kiến trúc của các triều Pharaoh. Du mục là dân ưa thích sự tự do, họ trốn chạy vào vùng sa mạc hoang địa, sống đời phóng khoáng như cha ông. Môsê nổi lên như một lãnh tụ đã đưa Israel thoát khỏi thân phận nô lệ để hình thành nên 1 dân đặc biệt,  Dân của Giao Ước, Dân Thiên Chúa. Trên 200 năm tiệm cận đất Canaan, dân Israel bằng nhiều hình thức: đánh chiếm, giao hảo, chen lấn dần giữa dân cư trong xứ rồi sáp nhập… Đây là giai đoạn Cựu Ước gọi là thời các thủ lãnh với  nhũng tên tuổi như Deborad, Ghideon, Samson…
 
         Thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên, năm 1000, David với tài  chính trị và  dụng binh khéo léo đã bắt các thế lực chống đối quy phục, tiến vào Yêrusalem, hình thành nên trung tâm tôn giáo, chính trị của Israel. Đây là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử Israel, kéo dài 69 năm, dưới triều đại David và Salomon. Sau thời kỳ hoàng kim nầy, Israel bắt đầu trượt dài do não trạng địa phương, tranh dành trong nội bộ các chi tộc, và hậu quả là cuộc phân chia  Nam Bắc : Bắc quốc Israel, còn gọi là Ephraim, với 10 chi tộc, đế đô là Samarie, Nam quốc Yuđa với chi tộc Yuđa và Bengiamin, thủ đô Yêrusalem. Cùng với việc phân chia đất nước, việc ly khai tôn giáo cũng thành hình.
 
         Bắc quốc tồn tại được 200 năm, tận diệt vào năm 721 trước Công nguyên, vào thời Sargon đệ nhị của Assur. Toàn dân bị lưu đày khắp đế quốc và dân nơi khác lại định cư tại Samarie, theo chính sách chống nổi loạn của chính quyền Assur. Nam quốc Yuđa cũng lâm vào hoàn cảnh không khá hơn, chính trị lúc dựa bên nầy, lúc ngã bên kia, hậu quả bị Nabucho Đonosor, đế quốc Babylone đánh chiếm năm 587 trước Công nguyên. Đền thờ bị phá hủy, toàn dân phải lưu đày tại Babylon, ngoại trừ 1 số nhỏ, số sót lại, theo ngôn từ của các ngôn sứ.
 
          Sau 50 năm lưu đày tại Babylon, dân Israel có cơ hội suy tư, cảm nhận những gì Thiên Chúa đã làm cho dân tộc. Năm 538, vua Kyrô của Batư tiến vào Babylon, cho phép các dân lưu đày hồi hương. Nhiều nhóm Israel xuất hành, trở về kiến tạo lại đất nước. Từ đây, vương quyền của Israel chỉ còn trên bình diện tôn giáo, mà các thượng tế, kinh sư là người lãnh đạo. Năm 332, lại 1 biến cố làm thay đổi cục diện chính trị vùng Đất Hứa, Alexandre đại đế của Hy Lạp phá tan đế quốc Batư. Tuy nhiên, Alexandre mất sớm, đế quốc được chia cho các tướng lĩnh: Ai Cập với các vua Ptolémé, (Israel thuộc quyền các vua nầy); Syria với các vua Antiôkô. Bất hạnh thay, năm 200, Antiôkô xứ Syria thôn tính Ptolémé, Israel lại rơi vào tay Syria với các cuộc cấm cách bách hại đạo Do Thái dữ dội, đặc biệt dưới triều Antiôkô Êpiphanê (-175-163). Cuộc cấm cách bách hại nầy làm trổi đậy cuộc chiến phục quốc Israel do anh em nhà Hasmônê lãnh đạo, điển hình là Maccabê  (Sách Maccabê ). Cuộc chiến thắng lợi, dòng họ Hasmônê thu tóm mọi quyền lực chính trị và tôn giáo và điều hành đất nước từ 142 đến 63 trước Công nguyên.
 
        Đế quốc Roma nổi lên như kẻ kế thừa đế quốc Hy Lạp, lần lượt xâm nhập và đánh chiếm các nước khác. Nhân cuộc tranh chấp quyền lực của anh em nhà Hasmônê năm
-63 trước Công Nguyên, Pompéius kéo quân vào Yêrusalem, chiếm quyền cai trị và chỉ để nhà Hasmônê nắm quyền tôn giáo. Chính trong giai đoạn nầy mà Đức Yêsu, vị Mêssia được mong đợi ra đời. Đế quốc Roma đã tận diệt Israel vào năm 131, triều vua Hadriano,  sau nhiều cuộc nổi loạn của dân bản xứ. Ông phát vãng toàn bộ dân Israel, Yêrusalem trở nên 1 thành dân ngoại, cấm tuyệt không cho bất kỳ người Do Thái nào vào. Mãi 1948, Israel mới được tái lập dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
 
2.      Giải thích lịch sử của các ngôn sứ.
 
         Phải nói ngay từ ban đầu, Kinh Thánh Cựu Ước được viết đa phần trong khoảng thời gian từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 6 trước Công nguyên, dựa trên những truyền kỳ, ký ức của cha ông, nhất là với biến cố lưu đày tại Babylone năm 587.
 
         Làm thế nào dân Do thái lại sống sót, trong khi biết bao dân tộc khác đã đánh mất bản ngã, danh tính, khi trà trộn làm dân của các đế quốc Tiểu Á cổ thời? Không mấy dân bị tàn phá, bại trận liên tiếp, bị phát lưu tha phương, vẻn vẹn chỉ còn một nhóm sót lại, dưới ách đô hộ lâu năm của những quyền bính xa lạ, văn minh, thế mà người Do Thái vẫn tồn tại. Chẳng những thế, họ còn tái thiết cộng đoàn và chuyển lại một truyền thống phát triển thêm, có ảnh hưởng kiến tạo trên tất cả lịch sử về sau. Tại sao? Câu trả lời chỉ có thể là : Các ngôn sứ trong vòng 2 thế kỷ 8 – 6 đã tổ thuật được một giải thích đặc biệt về trình tự lịch sử và gây được người hưởng ứng, một số người vừa đủ để làm cho lịch sử đến sau phải chuyển qua hướng mới.
 
         Thật ra, chính các ngôn sứ đã không nghĩ thế. Họ không phải là những triết gia lập thuyết 1 cách trừu tượng, sau khi đã chiêm nghiệm, quan sát lịch sử. Các vị tự giới thiệu bằng kiểu nói của sứ giả : Chúa Thượng phán thế nầy !... Họ tin chắc chính Thiên Chúa đã phán với họ cũng như đã phán với cha ông họ qua các truyền kỳ. Bằng cách nào là 1 vấn đề thuộc hiện tượng thần bí.
 
         Phương thức giải thích lịch sử của ngôn sứ không phải do hoạt động trí khôn họ. Thiên Chúa đã phán với họ qua biến cố họ sống, đó là ý nghĩa họ thấy chính trong biến cố, khi lòng trí họ mở ra cho Thiên Chúa cũng như giác quan họ mở ra cho biến cố bên ngoài. Vì thế, việc giải thích lịch sử do các ngôn sứ, cũng như định hướng và ảnh hưởng trên lịch sử, được đồng hóa với Lời Thiên Chúa ngỏ cùng loài người. Chúng ta có được tường thuật ơn thiên triệu nầy trong các sách ngôn sứ, nhất là trong Isaya 6, 1-8.
 
         Kinh nghiệm của Isaya là kinh nghiệm căn bản, cắm sâu vào bản ngã của 1 con người. Chính tại kinh nghiệm ấy, đã tóm tắt tất cả những cốt yếu cho việc giải thích lịch sử của các ngôn sứ : Có kinh nghiệm ý thức về uy quyền và thánh thiện của Yahveh Thiên Chúa là điều căn bản mọi sự, có con người trước nhan Thiên Chúa, vừa bị lên án vừa được thứ tha. Có lời kêu gọi của Thiên Chúa và tiếng đáp ứng của con người ( Các anh chị tham dự lễ mùng 1 tết Quý Tỵ 2013 đã được nghe ơn gọi nầy của Isaya ). Đấy chính là Thiên Chúa đứng trước mặt loài người, trong sự phán xét và trong lòng thương xót của NGÀI, ra lời hiệu triệu, đòi hỏi phải đáp ứng. Ngôn sứ giải thích lịch sử như thế, và họ đã lôi kéo được 1 số người sẵn sàng đón nhận. Các chuỗi biến cố cùng với sự am hiểu theo nhãn giới các ngôn sứ đã có những hậu quả kỳ vỹ cho lịch sử những thế kỷ về sau.
 
          Các sách Cựu Ước, trong hình thức còn lưu lại, đều được viết sau thời các ngôn sứ và mang dấu tích ảnh hưởng của các ngài. Các sách lịch sử được soạn lại, theo những biên niên sử và hồ sơ xưa sưu tập, nhưng do tay các đồ đệ của các ngôn sứ. Như vậy, ngũ kinh ( Torah ) cũng được san định dưới ảnh hưởng của các ngôn sứ. Ơn kêu gọi của Abraham, của Môsê, đều được tường thuật bằng từ ngữ các ngôn sứ dùng để diễn đạt ơn thiên triệu của họ. Các môn đệ của các ngôn sứ đã tra tay viết lại lịch sử thánh của Israel là có ý định cho thấy ý nghĩa chất chứa trong đó, chiếu theo giáo huấn của các ngài.
 
3.      Nguồn tài liệu.
 
                  Khi soạn lại các sách, đồ đệ các ngôn sứ đã căn cứ vào các truyền kỳ, truyện tích được lưu truyền từ thời cha ông, kết hợp lại với những gì được thu nhận với nền văn minh tiếp xúc, nhất là ảnh hưởng các ngôn sứ, để hình thành đại bộ phận các sách Cựu Ước. Các truyền thống nầy đan xen nhau, bổ túc cho nhau, đôi khi song song… thể hiện dẫy đầy trong các sách. Khoa nghiên cứu Kinh Thánh có nhiều nhận định về các nguồn tài liệu nầy, tuy nhiên, phổ biến nhất là nguồn 4 truyền thống. Gọi là J E D P.
 
               Nguồn tài liệu J được hình thành khi vào giai đoạn lập quốc của Israel kéo dài đến vương quốc Yuđa ở phương nam, Gọi Thiên Chúa là Yahveh. Ký hiệu J. Nguồn tài liệu E được biên soạn tại phía bắc, vương quốc Israel Ephraim, gọi Thiên Chúa là Elohim ( số nhiều của EL: Thần ), Ký hiệu E. Sau khi Israel Ephraim bị tàn phá, 2 nguồn tài liệu nầy được đúc kết chung với nhau (JE). Đến thời vua Yôsia của Yuđa, vào thế kỷ VII trước CN, có thêm nguồn tài liệu Đệ nhị luật, còn được gọi là Thứ luật (Deuteronomium) được phối hợp vào (JED). Sau thời lưu đày Babylon, có thêm 1 nguồn do các tư tế, môn đệ ngôn sứ san định, gồm luật lệ và 1 số trình thuật. Ký hiệu P. Trình thuật Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người mở đầu trong Sách Sáng Thế và cả Cựu Ước, là công trình của các vị tư tế nầy.
 
           Hiện nay, khoa nghiên cứu Kinh Thánh vẫn đang nổ lực tìm hiểu thêm về các nguồn tài liệu , theo nhiều phương pháp, hướng nghiên cứu khác nhau. Chúng tôi mong muốn trình bày cho các anh chị đôi nét sơ lược để bớt chút ngõ ngàng khi tham gia khóa học.
 
          
        
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

                 TẠO  DỰNG - SA  NGà -  LỜI  HỨA  CỨU  ĐỘ .

 
1.      SÁCH SÁNG THẾ.
 
 Khát vọng con người trong mọi thời là muốn biết nguồn cội của mình. Đây chính là nỗi khao khát Thiên Chúa đặt  trong lòng mọi người, như công cụ mặc khải về sự hiện diện của Ngài. Con người luôn tìm kiếm quá khứ của mình, khởi từ các nhóm người rồi đến các dân tộc, nỗ lực tìm kiếm như để tìm thấy trong quá khứ những điều mà ngày hôm nay họ tin tưởng. Kể lại lịch sử mình là cách khẳng định căn tính bản thân giữa bao cộng đồng dân tộc lớn nhỏ. Sách Sáng Thế cũng như vậy. Sách nầy được hình thành từng khúc, từng đoạn, trong nhiều thế kỷ. Đến thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, mới được định hình vĩnh viễn. Có nghĩa, dân Israel sau lưu đày Babylon, đã đem niềm tin của mình viết thành văn tự. Đây là một áng văn bình dị nhưng tuyệt diệu để diễn đạt tình yêu của Thiên Chúa
 
Chúng ta không tìm đọc trong Sáng Thế như một tài liệu về nguồn gốc vũ trụ, hay một tội phạm của nguyên tổ loài người. Những áng văn diễn tả trong những chương đầu của sách, mang đậm nét một bài thánh ca phụng vụ, trong đó, con người cảm nhận được Thiên Chúa  là Đấng tạo thành, Ngài vượt xa các công trình sáng tạo đang làm cho chúng ta ngây ngất chiêm ngưỡng, thán phục. Các chương nầy cố gắng đưa ra một chuổi nối kết những khoảng thời gian vô tận từ lúc tạo thành cho đến các “ Tổ phụ tiên khởi của lòng tin ” mà người được ghi nhớ đầu tiên là Abraham. Phần thứ hai, gợi nhớ hình ảnh các thị tộc du mục, đã tin vào Thiên Chúa thời bấy giờ. Một Thiên Chúa của cha ông họ rất gần gũi, thân mật, luôn che chở họ. Phần thứ ba trong sách là câu chuyên ông Yuse, làm lóe lên tia sáng đầu tiên trong những tấn bi kịch đời sống con người. Loài người cần một vị Cứu Tinh và ơn cứu thoát của họ sẽ đến, nhờ những người mà trước đây, chính họ ngược đãi và loại trừ .
 
Sách Sáng Thế hình thành do nhiều tác giả và nhiều giai đoạn từ lúc bán khai du mục không có chữ viết và được ấp ủ truyền khẩu cho đến khi định cư tại Palestin và dần gia nhập vào nền văn hóa chữ viết. Các tác giả đầu tiên đã vay mượn nhiều của văn chương người Babylon và phần thi ca của họ về đôi vợ chồng nguyên thủy, về nạn hồng thủy, nhưng cải biên lại để đưa ra cái vũ trụ quan xuất phát từ niềm tin của cha ông. Các trình thuật cổ xưa nầy còn được các tác giả khác bổ sung thêm những yếu tố thuộc về truyền thuyết khác, thường trùng lắp nhau. Sau cuộc lưu đày từ Babylon trở về, các tư tế lại viết thêm nhiều đoạn. Một trong đó, là bài thơ sáng thế trong sáu ngày, bài khởi đầu trong sách Sáng Thế và là chương mở đầu cho toàn bộ Kinh Thánh .
 
   2. THIÊN CHÚA TẠO DỰNG . ( St 1,1-31 và  2,1-4a ) ( St 2, 4b-25)
 
Như đã nói ở phần trên, chúng ta có hai đoạn văn đơn sơ nói về sáng tạo nên vũ trụ và con người, do các tác giả khác nhau biên soạn. Các đoạn văn nầy không thể gán ghép vào nhau, nhưng mỗi đoạn đều thấm đẫm những ý nghĩa soạn giả muốn truyền đạt. Chúng ta sẽ lần lượt cùng tìm hiểu :
 
2.1 Tạo dựng trong sáu ngày ( St 1,1-31)
 
Trước tiên  bài ca tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày có tiết điệu  nhịp nhàng mang dấu chỉ một bài thánh ca phụng vụ, chứ không phải là  một bài giáo khoa khoa học, miêu tả vũ trụ hình thành như thế nào, như những tranh luận trong hơn mấy trăm năm qua. Chắc hẳn, ai là người Việt Nam cũng thuộc tích con Rồng cháu Tiên, nhưng không ai tin đó là một luận thuyết khoa học. Bài ca tạo dựng vũ trụ cũng thế, nó cho chúng ta điều cảm nhận đầu tiên về một Thiên Chúa Hằng hữu, vượt xa mọi công trình tạo dựng của Ngài, dù các công trình đó đang làm cho chúng ta ngây ngất chiêm ngưỡng, cũng như hãi sợ, vì không hiểu hết các cơ chế của nó. Cũng trong trình thuật nầy cho thấy toàn bộ công trình Ngài tạo dựng  là một  sức sống, mà Lời và Thần Khí được nói ở đây như đôi bàn tay của Thiên Chúa Tạo Thành.
 
Chương nầy ( St 1 và 2,1-4a) thuộc truyền thống P, cho thấy sự uyên bác của hàng tư tế hơn đâu hết. những dòng viết nầy không phải được viết trong sáng chiều, nhưng là đúc kết, suy nghĩ, cân nhắc trước sau minh bạch, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Không thể xem đây là một chương ấu trĩ, luộm thuộm. Chương nầy là một mệnh đề đức tin. Lời văn trong câu nêu lên đạo lý cơ bản : Thiên Chúa tạo nên vũ trụ bởi ý định hoàn toàn tự do của Ngài.
 
Câu “ Thiên Chúa phán ” hàm ý đây là ranh giới giữa Đấng Tạo Thành và các loài thụ tạo. Thế giới thụ tạo không phải là Thiên Chúa, không phải là khuôn mặt của Ngài và Ngài càng không lệ thuộc nó.
 
“ Liền có” Cụm từ khẳng định Thiên Chúa Toàn Năng, tạo thành vũ trụ từ hư không, mọi tạo thành được hiện diện theo ý định của Thiên Chúa, một ý định tốt lành thánh thiện được trình thuật trong câu thường hay lặp lại: “ Thiên chúa thấy thế là tốt đẹp ”, mang một tín yếu cơ bản là Ngài không tạo nên gì xấu.
 
Thiên Chúa quan phòng tạo dựng vũ trụ theo 1 trình tự. Ngài không tạo ra  cách ngẫu nhiên, nhưng theo 1 tiến trình tuyệt hảo, được Sách Sáng Thế diễn đạt bằng cuộc phân tách trong 3 ngày đầu và trang trí trong 3 ngày tiếp theo.
 
Thiên Chúa cho thấy sự huyền nhiệm phong phú sâu thẳm nơi Ngài, Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc. “ Thần khí bay lượn trên mặt nước ( St 1, 2)… Lời phán ( St 1, 3)… Chúng ta hãy taọ dựng con người ( St 1,26)…”
 
Chương đầu tiên nầy cho biết: Thiên Chúa là Đấng duy nhất hiện hữu và vũ trụ cùng các định luật của nó đều là thụ tạo của Ngài. Thật tuyệt vời! Trong lúc các nền văn minh chói lọi cổ đại còn tin tưởng thờ thụ tạo như thần mặt trời ( Ai Cập, Aton), mặt trăng ( lưỡng hà, Ur), lại có một nhóm dân không lấy gì nổi bật, bé tí, chẳng văn minh bằng ai, xác quyết vũ trụ nầy là thụ tạo.
 
Con người cũng là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên, nhưng có vị thế đặc biệt trong tạo dựng. Đoạn trình thuật cho thấy tính chất trang trọng, như có sự bàn thảo:   “Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để làm bá chủ…và Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa” Câu  nầy cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương và trao cho con người phẩm giá cao quý:
 
-           Thiên Chúa sáng tạo nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Đây là  một trong những điều quan trọng nhất mà Kinh Thánh khẳng định . Con người không thể bị giam hãm trong các ảo ảnh mình tạo ra, không là tù nhân của các phạm trù do mình đặt, nhưng là con người được tạo ra cho Sự Thật. Thiên Chúa đã cho con người biết những điều nầy bằng chính ngôn ngữ và kinh nghiệm con người rằng chúng ta được sáng tạo để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa ( Mặc khải tiên khởi)
 
-    Thiên Chúa sáng tạo con người có Nam có Nữ. Đây chính là phẩm giá của họ. Thật đáng kinh ngạc,  một xã hội cổ mà khẳng định tính chất bình đẳng nam nữ, tôn trọng phẩm giá con người. Như thế, điều nầy nói lên rằng, Tình yêu đứng đầu trong chương trình Thiên Chúa, sự tiến hóa lâu dài về tình dục chỉ nhằm chuẩn bị cho tình yêu mà thôi.
 
-    Hãy thống trị mặt đất mang lại ý nghĩa trao phó cho vũ trụ cho con người để tiếp tục góp phần vào sự thăng hoa của vũ trụ. Thiên Chúa nâng cao phẩm giá con người, như một đồng chủ nhân, một cộng tác viên tham gia vào công cuộc tạo thành. Con người sẽ sử dụng mọi khả năng để làm cho cuộc sống phát triển.
 
Đến đây, không thể không nói đến khoa học. Có một số những kẻ mệnh danh là nhà khoa học, từ xưa đến nay, xem Thiên Chúa như là như là một trở ngại, kìm hãm sự phát triển của con người. Những tưởng một mớ kiến thức mình có được là một sự khám phá kỳ vỹ, đẩy Thiên Chúa tới sự tiêu vong, trong lúc thực chất những cái mà họ ngỡ của mình phát minh ra chỉ là những công cụ Thiên Chúa ban tặng cho con người để làm chủ vũ trụ
 
Sau khi hoàn tất việc tạo dựng, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi, mang ý nghĩa  thánh hóa con người khỏi những ách thường ngày trong cuộc sống, để gặp gỡ Thiên Chúa, tha nhân cũng như soi rọi bản thân trong mối quan hệ của thân phận thụ tạo  và Đấng Tạo Thành .
 
Qua đoạn trình thuật trên, chúng ta nhận thấy Kinh Thánh đề cao phẩm giá con người khi khẳng định con người xuất phát từ Thiên Chúa, chứ không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên. Các dân tộc cổ đại tin rằng, họ lệ thuộc các sở thích thất thường của các vị thần, con người vô phương thoát khỏi sức mạnh của định mệnh. Ngay cả những người vốn rất tự hào là những người tự do, như người Hy Lạp, cũng phải khuất phục sức mạnh nầy. Truyền thuyết về Oedipus là một minh chứng. Trái lại, Kinh Thánh lại giới thiệu những con người không sợ quyền lực tự nhiên, được phú bẫm năng lực để làm chủ chúng. Con người có tự do.
 
Đằng sau trình thuật nầy, chúng ta có mặc khải đầu tiên về Ba Ngôi Thiên Chúa. “ Chúng ta ( Elohim ) hãy làm ra người theo hình ảnh chúng ta ” (St 1,26 ) Thiên Chúa đã  tạo dựng người như chóp đỉnh của tạo thành, như hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh tuyệt vời không gì sánh được.
 
2.2 Thiên Chúa tạo dựng Con Người, Thử thách ( St 2, 5-25 )
 
Liền ngay sau trình thuật tạo dựng trong 7 ngày, chúng ta gặp một trình thuật còn cổ xưa hơn nhiều: Người Nam và người Nữ trong vườn địa đàng. Truyền thuyết mang ý nghĩa cách con người đang hiện hữu chọn lựa tương lai họ. Phần trình thuật nầy cho thấy nhân loại có bước phát triển, từ bán khai du mục tiến đến định cư, phản ảnh  câu chuyện Ađam được đặt trong vườn Eđen để chăm sóc vườn và cai quản muôn thú.
 
Truyền thuyết Ađam như nói trên được biên tập lại từ thần thoại của văn minh Lưỡng Hà nhưng mang một nội dung mới. Tiếng Hipri, Ađam có nghĩa là Con người, loài người. Thiên Chúa được miêu tả như người thợ gốm nhào nặn nắm bụi đất trong tay, cho nó đón nhận sinh khí, sự sống từ chính hơi thở mình. Đây là hình ảnh nên thơ và tuyệt diệu miêu tả mối quan hệ yêu thương Thiên Chúa đối với con người: Nhận lấy sức sống từ Ngài.( Hình ảnh nầy, chúng ta được gặp lại trong Tin Mừng, vào Ngày thứ nhất trong tuần, khi Chúa Yêsu sống lại. Ngài cũng thổi hơi trên đầu các tông đồ để ban Thánh Thần cho họ, để trở thành tạo vật mới trong cuộc tạo thành mới).
 
Ađam ( Con Người) được trao phó để làm chủ. Thiên Chúa giàu nhân ái cho con người làm chủ  khu vườn qua việc đặt tên các loài thú, chim muôn…thu hoạch mọi hoa trái trong vườn để sử dụng. Con người có được mọi thứ, bao gồm cây Trường Sinh để sống mãi trong hạnh phúc, nhưng cần vâng lời Thiên Chúa tránh xa cây Biết Lành Biết Dữ( Con Thiên Chúa là vâng phục Thiên Chúa, các bạn lưu ý để đối chiếu lại với 3 cơn thử thách của Chúa Yêsu trong hoang địa) Như thế, làm chủ không phải là ăn không ngồi rồi, nhưng vui sướng trong công việc được chúc phúc, thiên nhiên hài hòa và mang hoa trái cho việc lao động đó.
 
Đến đây, chúng tôi giải thích thêm để các bạn hiểu: Biết Lành Biết Dữ chỉ tất cả nội dung sự biết. Hai từ đối chọi đó hợp làm một, diễn tả tính toàn diện. Biết không thuần lý như hiểu biết cách thực hiện, khéo léo, giỏi việc gì…nhưng ý nói đến tài năng siêu phàm, hiểu theo nhãn giới vùng Tiểu Á, là các phù phép ma thuật. Đối với các ngôn sứ, các loại ma thuật là quyền năng trộm của Thiên Chúa, nghịch lại Thánh Ý Thiên Chúa. Tác giả đặt tội trộm quyền phép Thiên Chúa, vào ngay nguồn gốc nhân loại.
 
 Con người còn được đặt trong môi trường tuyệt vời để phát triển, Thiên Chúa cũng đã ban cho con người một trợ tá tương xứng, để họ kết hợp trong tình yêu, trao hiến chính mình và chia sẻ hạnh phúc với nhau. Người Nữ xuất hiện như người bạn đời, chứ không là tỳ nữ. Cả hai trở thành một xương một thịt biểu hiện tính duy nhất của đôi lứa chứ không phải là một tạm ước, để hai bên tận hưởng nhau ( Một phương thức sống thường bắt gặp trong thời buổi hiện nay ) Họ làm nên một  gia đình, nơi đó, công trình Thiên Chúa được thực hiện. Từ gia đình đó con cái sinh ra và như thế, đôi lứa hoàn lại cho nhân loại kho báu nhân tính họ đã nhận.
 
Trình thuật nầy không có tham vọng mô tả phương thức loài người xuất hiện. Trình thuật mang một sứ điệp tiên tri: Khi tạo dựng lứa đôi, Thiên Chúa cho chúng ta hiểu phần nào mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng đến với nhân loại như vị hôn phu. Như Eva ngày xưa xuất phát từ cạnh sườn Adam khi ông đang ngủ thế nào thì từ cạnh sườn  Đức Yêsu trên thập giá, nước và máu trào ra sản sinh nên một Hội Thánh  thanh tẩy, hôn thê yêu quí của Ngài .
 
2.3  SA NGÃ . ( St 3, 1-7 )
 
 Chúng ta không ảo tưởng về con người đầu tiên như một anh Tarzan Adam  trong khu rừng Eden, đã phạm một sai lầm kếch sù, làm di hại đến toàn thể loài người hậu bối. Chúng ta cùng theo dõi trình thuật gồm 3 bước: Cám dỗ, sa ngã, phán xét.
 
Tiếp sau trình thuật con người trong môi trường thân tình với Thiên Chúa, lại nói ngay hiện trạng số kiếp con người. Lỗi tại ai? Khẳng định đầu tiên: cái xấu, không đến từ Thiên Chúa, nhưng từ thủ lãnh kiêu ngạo là Satan, sách Gióp đã mô tả. Con rắn trong sách mang dáng dấp của tên thủ lãnh tối tăm nầy. Trong ký ức của nhân loại, loài bò sát nầy đã gây ra nhiều tổn thất nhân mạng từ buổi sơ khai tới giờ, nên sách đã mượn hình ảnh nầy, để diễn tả bộ mặt tên xấu xa đó.
 
Chước cám dỗ đến, ngụy trang dưới khuôn mặt tốt đẹp: tìm sự khôn ngoan. Satan đặt để trong lòng con người mối hoài nghi về tình yêu của Thiên Chúa.Trình thuật sự sa ngã nầy là áng văn diễn tả tâm lý hay tuyệt của tác giả:
 
Satan đặt câu hỏi bâng quơ, có vẻ như quá đáng về điều cấm của Thiên Chúa. Nó  để người nữ ngây thơ tự nhiên liên tưởng đến, rồi đính chính, làm như đã đề phòng, bênh vực Thiên Chúa. Nhưng những lời đính chính nầy cũng đã làm tổn thương sự đơn sơ vâng phục. Thế là Satan trắng trợn quả quyết : “ Chẳng chết chóc gì đâu…” một bước lớn trong quá trình quyến rũ. Thế là, nó để mặc cho người nữ phân vân nghi hoặc.
 
Không chống lại được cám dỗ thì tất yếu phải sa ngã phạm tội. Trình thuật tiếp nối với cuộc đối thoại tay ba giữa Thiên Chúa, người Nữ, người Nam, nghe thật kỳ lạ Người nữ thèm ăn mà người nam mới là thủ phạm. Thật ra tác giả trình thuật nầy thấy vào thời bấy giờ người ta khai thác phụ nữ cũng như sự khéo léo của người bị khai thác để lấy lòng chủ nhân mình, nên đã có suy nghĩ đàn bà là kẻ đầu tiên bất trung, nhưng Thiên Chúa tỏ hết mọi sự, đâu chấp nhận kiểu chạy tội của người đàn ông.
 
 Chi tiết nói lên một cách mỉa mai nỗi thất vọng ê chề của con người khi có tội: thấy mình trần truồng. “Xấu hổ vì trần truồng” : ám chỉ đến xúc động giác quan ngoài ý muốn. Điều nầy chỉ sự hỗn loạn trong con người, không làm chủ được mình. Sự rạn vỡ của bản lĩnh con người. Xấu hổ, diễn tả sự đảo lộn trật tự đó. Con người thay vì biết điều thiện, điều ác, như các vị thần, chỉ còn biết điều ác. Bi đát hơn, trốn vào cây cối để tránh Thiên Chúa, được coi là  lý tưởng đạt cho kỳ được. Tan tành các phấn khởi muốn làm nên một thần linh.
 
Trình thuật tả cảnh cuộc phán xét là cách nói lên thân phận kiếp người lầm than khi ra khỏi ân nghĩa Thiên Chúa: gánh nặng lao động, mối tương quan vợ chồng theo kiểu thống trị ( Adam dặt tên cho vợ ) sinh hạ và dưỡng dục …Nhưng liền sau các phán quyết đó, trình thuật liền cho thấy  niềm hy vọng của chiến thắng sự ác một lần dứt khoát. Đây chính là nguồn động lực khích lệ con người xuyên suốt lịch sử Sách Thánh. Đây cũng chính là niềm hy vọng khiến chúng ta tỉnh thức, khi đâu đâu cũng thấy những cái ác, cái thất vọng hoặc cái ru ngủ chúng ta, hoành hành.
 
Đến đây, các anh chị, các bạn lại thắc mắc: vậy thì tội nguyên tổ hay tội tổ tông là gì, khi tường thuật từ sách Sáng Thế chỉ nói lên như một trực giác, có thể hiểu điều nầy được không ?
 
Thú thật, tất cả chúng tôi, đều trãi qua thắc mắc nầy. Khi còn là trẻ con, chúng tôi cũng tin một cách xác tín và đơn sơ rằng, quả thật tội nầy ta mắc phải là tại ông Ađam đã dại đột nghe lời bà Eva, xơi ngay trái Cấm khiến Thiên Chúa nổi giận,làm án trên suốt con cháu ông bà. Hiện nay, nhiều người đạo gốc, vẫn còn suy nghĩ ấu trĩ như vậy. Tuổi tác ngày càng cao, nhưng căn bản lòng tin vẫn không trưởng thành, không quan tâm học hỏi để phát triển, bằng lòng với những kiến thức được trang bị cho trẻ em.
 
Như thế, nguyên tội phải hiểu như thế nào mà mỗi người đều vướng? Phải nói ngay rằng các nhân vật trong sách Sáng Thế cũng như con rắn là do tác giả vay mượn từ thần thoại cổ, mà thần thoại là các mãnh vỡ còn lại của thông điệp cổ nhân muốn truyền lại. Bài học đó ở đây là tất cả chúng ta đều sa ngã, kẻ nặng người nhẹ, tất cả chúng ta đều bất trung với Thiên Chúa. Nhìn ngắm các sự kiện trong lịch sử, đặc biệt trong lịch sử Israel, có thể hiểu ngay ra rằng: tội lỗi chúng ta không phải là tội lỗi một cá nhân riêng lẻ. Mỗi người trong chúng ta ngay từ lúc chưa lọt lòng mẹ đã dầm mình trong một thế giới bạo lực: người chung quanh, văn hóa, các kinh nghiệm đầu đời đều dạy cho chúng ta biết tội là gì. Dùng theo ngôn ngữ tâm phân học thì chúng ta nhiễm tội từ vô thức tập thể.
 
Câu chuyện nguyên tổ sa ngã nói lên thực trạng chung nhất nơi con người, muốn tự mình phán quyết điều lành dữ, nhân danh điều tốt, điều thiện. Làm người, ai cũng vướng vào nguyên tội là vậy.
 
Cũng phải nói rằng, sự dữ xuất hiện từ thời gian cụ thể trong lịch sử là sự kiện không ai biết, nhưng hậu quả tràn lan của nó, đã không còn là vấn đề phải nghi ngờ. Sáng Thế cho ta thấy một thứ trực giác từ biến cố đau thương nầy, biến cố làm thay đổi hẳn cuộc sống con người, phải đau đớn, gian truân như kinh nghiệm mà mỗi người trong chúng ta đã trãi. Kinh nghiệm nầy chúng ta nhận ra trong tất cả mọi hình thái của sự dữ đang  hoành hành làm cho cuộc sống băng hoại đi, không phải chỉ một lần trong dòng thời gian, nhưng tiếp tục mỗi ngày : Hận thù, chiến tranh, ghen ghét, gian dối, lừa đảo … đè nặng  lên cuộc sống nhân loại. Thế đấy, nguyên tội là cách nói tính chất tội gốc do con người muốn tự tại, muốn tự mình phán xét mọi sự dù mình là “Không” trước mặt Thiên Chúa.
 
2.4 Lời hứa cứu độ.
 
Thật ra, nguyên tội là mặt khác của ơn cứu độ, chẳng thế mà trong Công Bố Phục Sinh đã gọi lại tội hồng phúc đó sao? Con người vô phương thoát khỏi ách thống trị của Satan, thủ lãnh của sự dữ, nếu không được ơn hòa giải với Thiên Chúa. Trình thuật cho thấy hé rạng một tia hy vọng chiến thắng về phía loài người  “Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi ”, dấu chỉ Đức Mêsia Yêsu sau nầy. Thiên Chúa đã đi trước một bước, trong tiến trình giải cứu chúng ta, nhờ Đức Yêsu Kitô. Nguyên tội chỉ có thể hiểu được nhờ ánh sáng Tin Mừng. Có thể mượn hình ảnh nầy để hình dung : chúng ta ở trong bóng tối nhưng không biết mình trong bóng tối, chỉ khi có ánh sáng (ơn Cứu Độ), chúng ta mới nhận thấy mình đang ở trong bóng tối. Thiên Chúa bẽ gãy mưu toan của tên ác thần bằng cách cho Con Một xuống trần, vào một vị thế cùng tận nhất của nhân loại để rồi từ đó “ Kéo tất cả lên với người  ” (Ga 12,32 ).
 
Để hiểu được, Lời hứa cứu độ từ đâu, mong các anh chị kiên nhẫn theo dõi tiếp đến phần các ngôn sứ, sẽ có cái nhìn phản hồi lại trình thuật nầy. ( trình thuật nầy được biên tập lại vào khoản thế kỷ  thứ 8 đến thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, dưới ảnh hưởng các ngôn sứ, là người được mặc khải tuyên Lời Thiên Chúa). Chúng ta sẽ cùng theo dõi trong các chương kế tiếp.
 
3.HẬU QUẢ NGUYÊN TỘI.
 
3.1. Đổ vỡ trong bản lĩnh con người.
 
           “ Xấu hổ vì trần truồng” là cụm từ diễn tả sự băng hoại tự bản lĩnh con người. Con người không còn làm chủ được bản năng và để thú tính bắt đầu chi phối. Hình tượng ngây thơ trong trắng nhường chổ cho lăng kính cầm thú. Sự hài hòa, làm chủ bản thân và thiên nhiên được thay thế cho thất vọng về chính bản thân.
 
3.2. Đổ vỡ trong mối quan hệ vợ chồng.
 
        Còn đâu “ Xương nầy bởi xương tôi, thịt nầy bởi thịt tôi”. Thay vào đó là sự đổ vạ và lăng nhục : “ Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con ăn trái cây ấy…” Tội lỗi không làm con người hợp nhất, dù là đồng phạm. Chính cái Tôi không chấp nhận mình tội lỗi, đổ thừa cho kẻ khác. Thiên Chúa cũng bị coi là tác nhân gây nên. Mối quan hệ yêu mến thâm tình biến thành tương quan quyền lưc. Adam đặt tên cho vợ cho thấy sự bình đẳng đã mất.
 
           Mối tương quan bình đẳng, yêu thương nầy chỉ được tái tạo lại khi Chúa Kitô đến, đặc biệt trong bí tích hôn nhân Công Giáo.
 
3.3. Đổ vỡ trong gia đình, quyến thuộc. Cain – Abel ( St 4, 1-16)
       
Thoạt đầu, câu chuyện Cain và Abel cũng là một câu chuyện không ăn nhập gì với Adam và Eva nhưng được biên tập lại để nói lên một ý nghĩa khác. Trình thuật cho thấy: bạo lực là nhân tố quyết định của lịch sử loài người. Gốc rễ của bạo lực nằm ngay trong thâm tâm con người ( St 4,7 ) và Thiên Chúa, Đấng thi hành công lý, chống lại thứ công lý trả đũa bạo lực nầy ( St 4,15
 
Anh em không dung nhau dù được cảnh báo. Hậu quả nguyên tội nhanh chóng lan tràn và sức hủy diệt nó ngày càng mãnh liệt. Sự trầm trọng thể hiện nơi sâu thẳm con người, không từ thủ đoạn. Trình thuật nầy gợi nên con người cần Đấng Cứu độ như thế nào. Nói như Phaolô, cái tốt đẹp biết vẫn không làm, cái xấu biết nhưng lại làm, là thế.
 
3.4. Đổ vỡ trên toàn nhân loại. Lụt hồng thủy. ( st 6,5-21; 7,1-23; 8, 1-22)
 
Phải nói ngay cơn hồng thủy đã để lại một dấu ấn mạnh mẽ trong ký ức nhân loại và nó xuất hiện gần như trong thần thoại của các nền văn minh nhân loại, từ dân tộc nầy sang dân tộc khác. Chúng ta không đề cập đến sử tính của nó, trình thuật nầy muốn nói với chúng ta điều gì ?
 
Khi nguyên tội là căn bản, mối tương quan xã hội tràn ngập tội lỗi. Sáng Thế trình bày Thiên Chúa nhìn xuống trần gian và thấy: Nếu con người làm được điều gì, thì đó là tội lỗi. Con người cần được tẩy luyện để trở nên trong sạch, Thiên Chúa sẽ thực hiện ý định Cứu Độ của Ngài.
 
Cơn hồng thủy là ẩn dụ của bí tích thanh tẩy ngày nay. Nước của Thần Khí tuôn đổ để xóa bỏ tất cả tội lỗi, thánh hóa, biến con người nên trong sạch trong ơn nghĩa Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, chiếc tàu ông Noê, chính là Hội Thánh ngày nay. Chúng ta gia nhập vào nhờ lòng tin và bí tích thanh tẩy, được Chúa Yêsu Kitô là Noê mới tiếp nhận. Sau đó, không phải chỉ co rút trong lòng Hội Thánh nhưng còn có sứ vụ cứu độ thế gian, xây dựng thế giới mới trong đó Thiên Chúa hiển trị là ý nghĩa của đoạn trình thuật nầy vậy.
 
3.5.  nguyên tội : Bản chất con người. Tháp Babel.( St 11,1-9)
 
Trình thuật nầy cũng lấy một phần huyền thoại của Babel (babylon cổ) là thủ đô nổi tiếng một thời với các dinh thự bằng gạch nung và các tòa tháp bị bỏ dở dang một cách kỳ lạ. Huyền thoại Babylon cho rằng các thần sợ hãi khi bị loài người ngạo nghễ   (Lại kiêu ngạo, không phải tội nguyên tổ nầy chỉ được nói đến trong Sáng Thế mà còn bàng bạc trong kho tàng văn minh nhân loại )  đe dọa ngay trong nơi cư ngụ của các vị thần. Thế nhưng đâu là ý nghĩa mà soạn tác muốn nói đến ?
 
Chắc chắn là Thiên Chúa không ngại con người xâm phạm nơi ở như các thần linh Babylon, mà xuất chiêu làm con người không còn hiểu ngôn ngữ của nhau, đành chia tay tản mác theo từng nhóm ngôn ngữ. Trong quá trình phát triển, con người khám phá ra những kỹ thuật mới và dần đưa đến tham vọng quyền bính tập trung trong tay, tham vọng thống trị, chống lại các mối đe dọa cũng như rũi ro. Đó là nội lực của các đế quốc từng xãy ra từ cổ chí kim, huy động sức người sức của hòng duy trì phát triển tham vọng của thiểu số thống trị. Tất cả sẽ bị tan vỡ.
 
Tội lỗi không làm nhân loại đoàn kết, là điều khẳng định. Chính nguyên tội là tội gốc muốn mọi người suy tôn thần phục mình, là lý do con người chia rẻ, chẳng ai phục ai. Một trình thuật mang tính dụ ngôn tuyệt hảo.
 
 Duy nhất chỉ một mình Thiên Chúa quy tụ chúng ta lại : Khi Thánh Thần ngự vào tâm hồn các tín hữu trong lễ Ngũ Tuần (Cv 2) thì Ngài làm cho họ hiểu được nhau trong ngôn ngữ độc nhất của tình yêu. Sẽ chỉ còn một dân duy nhất là Hội Thánh .
 
4 . THỰC HIỆN LỜI HỨA : TỪ ABRAHAM ĐẾN YUSE .
 
4.1 Thiên Chúa kêu gọi Abraham. ( St 12,1-9 )
 
Mở đầu cho đoạn trình thuật nầy, chúng ta lại thấy câu : “Thiên chúa phán…”  Xem lại trong sách Sáng Thế, chúng ta thấy Thiên Chúa có ba lời phán :
 
Lời phán thứ nhất, (chương 1): Đó là lời phán tạo dựng. Lờì Ngài sáng tạo vũ trụ với các định luật tự nhiên của nó và vũ trụ không ngừng tùy thuộc vào Ngài. Thiên Chúa đã đặt để cho nó hầu như tự điều khiển, nhưng không phải tất cả Ngài đã ấn định ngay từ đầu và tự buộc mình, dù muốn dù không. Hoàn toàn không phải như thế nhưng nên hiểu như trong Tin Mừng Yoan : “ Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc ” (Ga 5,17) Thiên Chúa không ngừng bộc lộ chính mình qua các công trình Ngài thực hiện và tạo thành vẫn đang được tiếp tục .
 
Lời phán thứ hai (chương 9 ) cho ông Noê cũng mang nhiều ý nghĩa. Ngài đã thiết lập một giao ước với mọi dân tộc vì tất cả đều là dòng dõi của Noê . Thiên Chúa giáng phúc cho họ qua con đường cứu độ và họ sẽ gặp con đường nầy qua 1001 nền văn hóa và tôn giáo của họ ( Cv 17,27 ) Điều nầy thể hiện khi Lời hoặc sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa tự lộ diện trong cuộc tìm kiếm khôn ngoan của họ. Thế nhưng, khi trao phó kho tàng vũ trụ cho nhân loại ngày càng lý trí hơn thì Thiên Chúa vẫn chưa lộ ra điều lạ lùng đó là một tình yêu năng động với các sáng kiến mà chỉ mình Ngài mới hiểu. Như thế, Ngài kêu gọi những con người, nhóm người cùng sống với Ngài trong một lịch sử  độc đáo và thường trái ngược với các kinh nghiệm chung. Đó là nội dung lời phán thứ hai.
 
Lời phán thứ ba (chương 12 ) với lời gọi Abraham khởi đầu cho một dân của Thiên Chúa, khác với các dân khác, giữa những người được chọn và không được chọn đôi khi làm cho lương tâm nhiều Kitô hữu cảm thấy khó chịu. Câu chuyện về sau của Êsau và Giacóp là một thí dụ .Chúng ta sẽ phải nhận thấy tính chất độc đáo nơi ơn gọi của mỗi một người. Tất cả hoạt động trong thánh sử đều là sáng kiến của Thiên Chúa và do Ngài điều khiển:
 
 “ Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi, Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn,  sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối chúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc ngươi. Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rũa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc .
 
Trong trình thuật nầy, chúng ta rút ra được những gì ?
 
Dân Thiên Chúa được bắt đầu với Abraham. Ý định cứu rỗi của Thiên Chúa trên nhân loại được xác định rõ rệt: Ngài chọn 1 dòng dõi, chính với dòng dõi đó Thiên Chúa dấn mình vào lịch sử. Ơn thiên triệu Abraham phản ảnh :
 
- Thiên Chúa chọn Abraham, tương phản với muôn dân đông đảo: Hoạt động trong thánh sử là do Thiên Chúa điều khiển.
- Lời Thiên Chúa đòi hỏi cắt đứt với mọi dây liên lạc tự nhiên: Ngài kể tỉ mỉ những điều phải từ bỏ. Ngài biết khó khăn của sự đòi hỏi nầy, yêu cầu mọi việc phó thác cho Ngài đẫn dắt. Đích hành trình sẽ được trỏ cho biết : Hãy dựa vào Ngài.
 
Thánh sử dựa trên Lời Thiên Chúa can thiệp, định đoạt ( Tv 39,13)
 
4.1.1 Abraham : Người lĩnh nhận Lời Hứa.
 
Thiên Chúa ban cho Abraham điều mà người ta cố sức đoạt lấy không thành ( ám chỉ Babel). Lời Hứa không chỉ dành cho ông và huyết thống, nhưng còn là sự chúc lành đại đồng.
 
-                             Trình thuật diễn tả việc lĩnh nhận bằng hình thức chúc lành.
-                             Lời chúc lành đó là nguồn gốc cho đạo lý về Mêsia, Đấng Cứu Độ, được thực hiện theo từng giai đoạn liên lạc chặt chẽ với nhau, bật nên sự trung tín nhưng không của Thiên Chúa
-                             Lời Hứa gồm 3 điều : *  Đất đai phì nhiêu
* Dòng dõi đông đúc
* Số mệnh nhân loại.
 
4.1.2       Abraham : Cha các kẻ tin, Tổ phụ lòng tin tiên khởi.
 
-                             Tuân thủ lệnh ra đi đến nơi bất định khi tuổi đã xế chiều.
 
Tính tuyệt đối của đức tin Abraham nơi Thiên Chúa trái ngược với những bảo đảm theo tiêu chuẩn loài người. Lời Thiên Chúa đến đòi hỏi phải cắt đứt với mọi dây liên lạc tự nhiên. Thiên Chúa kể tỉ mỉ các điều cần từ bỏ. Ngài biết khó khăn của từ bỏ đó. Abraham từ bỏ mọi thứ ông thụ đắc để phó thác cho Thiên Chúa hướng dẫn. Đích của cuộc hành trình cũng vô định : “ …đi tới đất mà Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Thiên Chúa yêu cầu trông cậy tuyệt đối vào Ngài, không phân vân e ngại. Chính vì Tin vào Ngài, Lời Hứa nên hiện thực cũng như dấu lạ sẽ xãy ra cho kẻ tin sau nầy.
 
-                             Sẵn sàng hy sinh Isaac.
 
Abraham hẳn phải khổ tâm khi nghe 1 yêu cầu tưởng chừng phi lý: Sát tế đứa con huyết thống của mình. Tuy nhiên, lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không phải là lĩnh nhận 1 đạo lý khôn ngoan, bảo đảm, an toàn cho cuộc sống. Lòng tin Abraham đáp ứng với một ơn gọi : Tế nhận và chịu lấy sáng kiến của Thiên Chúa. Người Thiên Chúa chọn không ngụy biện, lấy sự khôn ngoan của con người để lấn át sự đòi hỏi của Thiên Chúa. Đó là lòng tin kiểu mẫu. Tất cả những ai đón nhận ý định Thiên Chúa như thế, chính là dòng dõi Abraham. Dòng dõi theo Lời Hứa của Thiên Chúa chứ không phải theo huyết thống. Ơn Cứu độ Thiên Chúa dạm hứa cho toàn nhân loại là thế.
 
4.2. ISMAEL – ISSAC .
 
Thiên Chúa, luôn trung thành với giao ước, chọn đúng thời điểm thích hợp, để thực thi ý Ngài. Con người chúng ta thường lo lắng vượt quá khả năng mình rồi hay tìm biện pháp để đạt cho được. Có lẽ câu chuyện bà Sarah, vợ của Abraham, là một thí dụ điển hình. Thấy mình đã có tuổi mà cả hai ông bà vẫn không con nối dõi, bà chủ động cho người hầu nữ Hagar chung đụng với chồng, như tục lệ thời bấy giờ. Kết quả là cậu bé Ismael ra đời. Ông tổ của người Arab ngày nay.
 
Tuy nhiên, con huyết thống không phải là con Lời Hứa và Thiên Chúa chọn lựa người thừa kế Ơn Cứu Độ theo ý định thẳm sâu của Ngài. Khi đến thời điểm thích hợp, Thiên Chúa đã cho Abraham người con do chính Sarah sinh ra, đứa con được chọn  theo lời hứa, được đặt tên là Isaac.
 
Isaac là dung mạo không nổi bật trong truyền thống Kinh Thánh lắm. Ông là gạch nối giữa Abraham – Giacóp, chỉ sự trung tín liên tục của Thiên Chúa trong quá trình thực hiên Lời Hứa.
 
4.2 Dung mạo Giacóp.
 
          Giacóp, điển hình cho dân Thiên Chúa chọn, như Abraham. Tuy nhiên, nơi Abraham  mọi trình thuật về ơn gọi vẫn chưa thể hiện hết ý định Thiên Chúa. Giacóp, phương thức được chọn xác định rõ hơn :
 
-                             Gốc của Israel xuất phát từ 12 người con của Giacóp (St 35, 23-26). Kể từ đây, con số 12 nầy luôn biểu trưng cho toàn thể dân Chúa thời Cựu Ước, cũng như  12 tông đồ sau nầy là trụ cột cho một dân được tái tạo mới trong Thần Khí.
 
-                             Thiên Chúa cho biết sự tự do lựa chọn của Ngài. Chọn con thứ, bỏ con cả. Ơn Thiên Chúa không nhất thiết phải theo lẽ tự nhiên hay suy đoán thường tình của con người. ( Cain- Abel, Ismael-Isaac, Êsau-Giacop… và còn nhiều trong diễn trình lịch sử cứu độ nữa)
 
-                             Sự lựa chọn của Thiên Chúa diễn ra trong hoàn cảnh không lấy gì làm gương mẫu của thường nhân : Giacóp, kẻ gạt gẫm, láu cá ( St 25; 26;27;36) ngay từ lúc sinh ra. Trình thuật cho thấy tội lỗi loài người không cản trở được Thiên Chúa trong ý định của Ngài. Một cách bí nhiệm, Thiên Chúa còn sử dụng cả sự  khiếm khuyết tội lỗi để thực hiện ý định.
 
-                             Vừa chống nghịch , vừa là công cụ của Thiên Chúa, Giacóp bịp bợm đã kết nối Thiên Chúa cách lạ kỳ, hầu như luôn đọ sức cùng Thiên Chúa. Chính vì thế Giacóp có tên mới: Israel.
 
Giacóp tiêu biểu cho dân Thiên Chúa chọn.( Dnl 32, 28 ; Is 65,9). Tội lỗi và Lời Hứa luôn kèm theo ơn được gọi. Con người được Thiên Chúa dạm ban ân sủng trong sự bất toàn của mình mà Giacóp là biểu trưng đó.
 
4.3  Mười hai chi tộc.
 
Mười hai chi tộc, thành phần của giao hiếu thánh, coi như phát sinh từ 12 người con của Giacop. Hai bộ tộc liên minh với nhau tạo nên mối liên lạc máu huyết giả tạo, coi nhau như anh em. Giao hiếu nầy không chỉ riêng cho người Tiểu Á mà còn phổ biến trong các xã hội khác, ngay tại Việt Nam.
 
Trên khía cạnh lịch sử, không phải tất cả 12 chi tộc nầy đều di cư xuống Ai Cập để rồi sau nầy làm cuộc xuất hành tiến về Đất Hứa. Có nhiều bộ tộc sống rãi rác, hoạt động bán du muc… chẳng thế mà sau nầy Moshe trốn sang Madian để ngụ cư nơi nhà người đồng chủng.
 
Phải nói mười hai chi tộc nầy được hình thành cách lỏng lẽo và chỉ bắt đầu với cuộc tiến chiếm dần Canaan trong thời gian 300 năm. Tuy nhiên, lịch sử Cứu Độ trình bày cho chúng ta mặc khải cứu độ được hình thành qua từng giai đoạn và Thiên Chúa trung tín với Lời Hứa của Ngài với các tổ phụ tiên khởi.
 
Số 12 không chỉ có trong  trong Israel mà còn nơi các bộ tộc khác, sách Sáng Thế cũng đã đề cập. Đây là con số mang tính chất tôn giáo: liên minh để duy trì sung bái tại 1 đền thờ trung ương. Địa điểm thờ phượng, đền thờ trung ương là mối liên kết các bộ tộc. Thời du mục là các trướng cung di động, có lúc tại Sichem, lúc tại Gilgal, Bethel. Với cuộc định cư tại Canan, Yêrusalem trở thành Đền thờ trung ương và đi vào lịch sử Dân Thiên Chúa.
 
5.      CHÂN DUNG VỊ CƯU TINH ( St 37-50)
 
Trong 13 chương nầy, trình thuật giải thích cho việc di dân sang Ai Cập làm tiền đề cho cuộc Xuất hành của Israel 500 năm sau. Giacop sang Ai Cập, người lĩnh Lời Hứa và những ai ở cùng ông, trở thành tâm điểm của trình thuật. Những chương nầy cho thấy dung mạo sơ khởi của vị cứu tinh qua câu chuyện cảm động của Yuse.
 
Yuse, con yêu của Giacop và Rachel, là cậu con ngoan và có biệt tài đoán mộng. ( đừng vin vào các trình thuật nầy để biện minh cho việc xem bói toán, chiêm tinh, giải mộng). Trình thuật nầy soạn giả muốn đề cập đến sự quan phòng của Thiên Chúa cũng như ơn gọi ngôn sứ.
 
Tất cả mọi biến cố trong cuộc đời, đều là công cụ để thực hiện Ý Định Cứu Độ của Thiên Chúa, bất chấp những mưu đồ bất chính. Điển hình là cuộc đời Yuse. Cuộc mưu hại vì ganh ghét của anh em trong gia đình, sự vu khống vì không chấp nhận thỏa mãn thói trăng hoa của bà chủ, bị bạn đồng cảnh ngộ lãng quên, tất cả không qua được ý định của Thiên Chúa trên người tôi trung.
 
Câu chuyện Yuse là chân dung đầu tiên được phác thảo của Vị Cứu Tinh: Có những người bị anh em bách hại, trở thành nguồn Cứu Độ của anh em mình. Nếu Yuse không nếm trãi những thử thách cay đắng, ông làm sao có thể cứu giúp anh em thân tộc và dân chúng đói khổ? Cũng thế, theo Ý Định Cứu Độ của Đức Chúa, Chúa Yêsu không nhập thể, chịu khổ nạn và phục sinh, làm sao con người được giải thoát, được sống và sống dồi dào trong ân nghĩa Thiên Chúa?
 

                                                            XUẤT  HÀNH

 
1.      Dẫn nhập sách Xuất Hành.
 
Sách xuất hành, tập sách thứ hai trong ngũ kinh được người Do Thái gọi là    “Torad ”, thường được dịch là Lề Luật. Sách Xuất hành đề cập đến việc thành lập dân được chọn và việc thiết lập lề luật và tôn giáo. Trình thuật được ghi lại thông qua khung cảnh cuộc đời của Môsê. Hai đề tài chính trong Xuất hành: việc giải phóng khỏi Ai Cập và giao ước tại Sinai. Hai đề tài được nối kết nhau bằng 1 đề tài phụ là cuộc hành trình trong sa mạc.
 
Sách Xuất hành là trung tâm của Cựu ước khi trình bày cho chúng ta một Thiên Chúa giải thoát con người. có thể nói, Sách xuất hành là Tin Mừng thời Cựu ước. Sách nầy, mang lại cho Do Thái giáo và Đức Tin Kitô giáo, định hướng khác hẳn các tôn giáo khác. Thiên Chúa không đến để cho người ta tôn kính hay chỉ vẽ con đường linh đạo thường thấy ở các tôn giáo khác, nhưng Ngài đến để chọn lựa một dân và rồi thông qua họ mà Ngài hoạt động giữa lòng lịch sử nhân loại. Thiên Chúa tự mặc khải mình cho Môsê, vì Ngài muốn chọn cho mình một dân riêng. Đó chính là Israel, như lời hứa với tổ phụ Abraham. Các Kitô hữu về sau nhận ra chân dung Đức Yêsu chính là Môsê mới. Chính Ngài sẽ khai mào cuộc mạo hiểm mới và những hình ảnh trong Cựu ước được tìm thấy trong thực tại Hội Thánh như vượt biển Đỏ là phép Rửa, tảng đá phát sinh dòng nước là Đức Kitô …
 
Tuy nhiên, Xuất Hành, trong ý nghĩa đầu tiên: Cuộc giải thoát khỏi nô lệ và sự chọn lựa của dân Israel. Thiên Chúa đem Israel ra khỏi Ai Cập, như người hộ sinh đem đứa trẻ sơ sinh khỏi bụng mẹ. Các trình thuật trong sách Xuất Hành dẫy đầy những chuyện hay. Những chuyện nầy dệt nên những bức tranh hoành tráng chúng ta sẽ cùng nhau  nghiên cứu các ý nghĩa của nó .
 
Cuộc xuất hành trở về Đất Hứa của Israel diễn ra khoảng năm 1240 trước công nguyên, khi mà người Ai Cập trổi dậy nắm giữ lại vương quyền tuyệt đối, các dân du mục lưu cư trên lãnh thổ nầy không còn được tôn trọng. Nhiều nhóm trong số nầy phải trốn chạy để tránh các khoản thuế hà khắc hay lao động cưỡng bức, trong đó có hậu duệ của Yuse ngày xưa. Chính trong bối cảnh nầy mà có cuộc xuất hành trốn chạy trong đêm và bị binh đoàn Ai Cập truy đuổi và họ chỉ được cứu thoát nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa. Vị thủ lãnh dẫn đầu cuộc trốn thoát đó đã giải thích cho họ biết biến cố đó là do chính Thiên Chúa độc nhất, Thần của cha ông họ, chọn họ làm dân của Ngài  đã cứu họ. Thời gian lưu lại trong sa mạc Sinai là thời gian họ được trao luật Thiên Chúa và huấn luyện sao để trở thành dân riêng của Ngài .
 
Trong Xuất Hành chúng ta gặp thấy lịch sử nhưng ngoài ra sách còn tường thuật nhiều hơn nữa mà lịch sử hiểu theo nghĩa hiện đại không đồng thuậnSách không phải là tác phẩm cuả một tác giả, nhưng là thành quả của một quá trình lâu dài và được dùng dưới nhiều phương thức khác nhau để nói lên lịch sử xa xưa. Hình thức cuối cùng, được các tư tế định hình vào thời lưu đày Babylon trở về. Họ tập hợp các kỷ niệm, các bản văn, biên soạn và triển khai theo phương thức mà dân Israel phải nhìn lại quá khứ của mình để hiểu chính mình. Làm như thế, các soạn  tác chỉ cho dân đương thời nhận ra cách  cha ông làm Dân Thiên Chúa và đến lượt họ, họ phải thực hiện tiếp như thế nào . Chính từ đây mới có quan niệm về một dân đông đảo được huấn luyện, có tổ chức, có Thánh điện trong sa mạc, có tư tế, có cả công nghệ đúc kim loại ( thế mới đúc được bò vàng ) và đám dân nầy bước đi như một con người duy nhất, được nuôi dưỡng bằng Manna trong suốt bốn mươi năm. Toàn dân đã được trang bị cẩn thận để tiến vào Hứa Địa.
 
Chúng ta, những Kitô hữu ngày nay, phải đối diện với một thực tại lịch sử kép: Lịch sử của khoa học và lịch sử đã huấn luyện dân Israel ngày xưa, dân Chúa ngày nay. Lịch sử đầu tiên, cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa thật sự đi vào nhân loại và hoạt động như thế nào, đồng thời mở ra cho thấy: phương pháp sư phạm rất kiên nhẫn của Ngài. Lịch sử thứ hai cho chúng ta là những kẻ đón nhận Ngài, biết chúng ta là ai và chỉ mang trọn vẹn ý nghĩa với ai thực sự đón nhận Đức Kitô là gia nghiệp.
 
Chúng ta không tách rời hoàn toàn hai lịch sử ấy nhưng thông qua các trình thuật mà cảm nghiệm  thấy Thiên Chúa hằng sống, Đấng Giải Thoát Israel, được các soạn tác ghi nhận để truyền cho chúng ta ngọn lửa đã được thắp sáng từ núi Sinai .
 
2 . Môsê được kêu gọi và giao sứ mạng .
 
2.1 Dung mạo Vị Cứu Tinh trong Cựu Ước.
 
Trong cuối thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, các nhà điện ảnh làm một tập phim hoành tráng với tựa đề “ Mười điều răn ” mô tả cuộc vượt thoát cảnh nô lệ của dân Israel dưới sự dẫn dắt của Môsê khỏi AiCập. Tất nhiên phim ảnh thì phải có hư cấu mới hấp dẫn người xem, trong đó có câu chuyện tình tay ba giữa Môsê, Pharaoh và vị công chúa xinh đẹp. Tuy nhiên, thiết nghĩ cần nói trước với các anh chị, phim ảnh làm méo mó đi sứ điệp mà Kinh Thánh muốn truyền đạt, tạo cho người xem cái cảm tưởng sự kiện trên phim ảnh diễn ra thực như buổi tường thuật tại chỗ như chúng ta đang xem tivi ngày nay một phóng sự nào đó. Vậy, Môsê, Ông là ai?
 
Trước tiên, chúng ta cần loại bỏ cách hiểu của Mặc khải trong Kinh Thánh  cách thô thiển. Khi trình bày về Môsê như vị cứu tinh đưa dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập, các trình thuật đã được biên tập để nói cách Thiên Chúa cứu độ dân Ngài.
 
Môsê, Nhân vật nổi bật trong ngày đầu của Israel, khi trở thành 1 dân được định danh, khó vạch rõ dung mạo, tâm tình, hoạt động. Kinh thánh không thõa mãn những yêu cầu sử hạnh con người đó, chỉ cho thấy tính chất vị cứu tinh là thế nào:
 
Yannes, Yambres là các đại pháp sư Ai Cập, báo trước cho Pharaoh về sấm 1 trẻ nhỏ Do Thái sẽ hủy diệt Ai Cập khi đến ngày cùng tháng tận ( Safer ha Yashar), dẫn dân Do Thái khỏi Ai Cập. Pharaoh và những người khôn ngoan, dân Ai cập kinh hãi, bàn mưu kế để thoát hiểm. Lệnh tru diệt trẻ em Do Thái được ban hành.
 
Amran, người chi tộc Lêvi, đề nghị mọi người không sinh con 1 cách vô ích: Hãy ly thân. Ông làm gương trước bằng cách ly thân với vợ là Yokhabed, không biết bà đã có thai được 3 tháng. Myriam, nữ tiên tri, con gái ông cho biết : Chính ông sẽ sinh vị cứu tinh cho dân tộc. Ông tái hôn bà Yakhabed. Điều đó lý giải: Môsê sinh ra đã ba tháng  mà không bị phát hiện. Môsê thoát nạn và được công chúa Ai cập nuôi nấng cách kỳ diệu. Môsê nghĩa là được vớt lên khỏi nước.
 
Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự phát họa chân dung 1 vị cứu tinh cùng với những kỳ tích. Sau nầy, Matthêu cũng dùng chính những hình ảnh nầy mô tả triệu báo sinh nhật của Vị Cứu Tinh Yêsu.
 
2.2 Môsê ở Ai Cập.
 
Dòng dõi Lêvi thuộc nhóm di dân cầu thực, hoặc là tù binh. Công việc họ phải làm nặng nhọc như: hái nho, đào hầm mỏ, xây dựng. Khá hơn là viên chức nhỏ, ký lục. Muốn thế, họ cần được đào tạo dưới quyền quản đốc của các mệnh phụ quý tộc. Điều nầy giải thích về thiếu thời của Mô sê.
 
Môsê được đào tạo thành viên chức nhưng vẫn giữ liên lạc họ hàng thân tộc. Lúc nầy Ai Cập có chiến tranh với Hattu nên phải đề phòng bằng cách xây tường lũy, kho tàng. Nhân công chính là các dân du mục lưu cư, tù binh, bao gồm cả Israel. Dân du mục thường chuộng tự do tất nhiên chống đối. Bị cưỡng bách là việc dễ hiểu.
 
2.3 Môsê tại Madian.
 
Trong 1 biến cố, Môsê phải trốn sang Madian, một bộ tộc du mục có họ hàng thân tộc với dân Israel. Ông có cơ hội sống đời tự do phóng khoáng như các tổ phụ từng sống. Sinh con, lập nghiệp. Cuộc đời của ông sẽ đi vào quá khứ như 1 thường nhân nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa. Trong 1 lần chăn thả súc vật tại Khoreb, Thiên Chúa đã thay đổi tận cùng cuộc đời Môsê.
 
2.4 Ơn gọi của Môsê.
 
 Thiên Chúa tỏ mình cho Môsê như là Thiên Chúa của tổ tiên ông, mang tính liên tục, dấu chỉ Thiên Chúa trung tín, sống động ( nghe, nhìn, yêu thương). Với lời kêu gọi và sai đi, Môsê thoạt đầu đã năm lần bảy lượt chối từ. Có lẽ đây là kinh nghiệm của ngôn sứ khi nhận ra tình trạng bất xứng của mình trước Thiên Chúa và lời mời gọi của người. Thiên Chúa đã gọi, tất nhiên ân sủng sẽ được ban cho người thừa sai thi hành sứ vụ. Môsê cũng thế.
 
2.5 Mặc khải Danh Đức Chúa.
 
Khi được hỏi về Danh Thiên Chúa để loan báo cho dân, Môsê được cho biết Ngài Là YHWH ( Yahveh). Dịch nghĩa văn vẻ “ Ta là Đấng hiện Hữu”. Nhưng như thế cũng chưa diễn đạt được sự huyền nhiệm sâu thẳm thần tính của Ngài :
 
-         Thiên Chúa làm cho có, hoặc Có đó.
-         Ta là ai, việc đó không phải việc của ngươi.
-         Chính là Ta ( Chúng ta sẽ thấy Chúa Yêsu mặc khải về Ngài với từ nầy trong Tân Ước) , hãy tựa vào Ta… Ta là Ta.
 
Mặc khải về hình thức có Tên, nhấn mạnh đến sự hiện diện của Ngài. Ngài long trọng cam kết sự sự hiện diện của Ngài. Mặt khác, điều nầy lại không phải thuộc tính đích thực của bản chất YHWH. Bản tính Thiên Chúa vô phương đạt thấu, Ngài cho biết Ngài điều khiển hoàn vũ theo ý định Ngài. Chỉ duy nhất Ngài : Đấng hiện hữu. Tất cả còn lại là không.
 
(Các anh chị lưu tâm đến việc mặc khải nầy để có thể hiểu về tuyên ngôn Nước Trời về sau, trong các Mối Phúc Thật)
 
3.Xuất hành khỏi Ai Cập.
 
             Sách xuất hành sử dụng thể văn truyền kỳ, chung chung mang âm hưởng thiên anh hùng ca, thường được kể lại, diễn kịch, dưới lều trại,  trong các chợ phiên để ca tụng kỳ công Thiên Chúa đã cứu thoát Israel khỏi ách nô lệ. Chính vì thế chúng ta cần châm chước nhiều với các biến cố có tính cường điệu:
 
-         Pharaoh : một vị tướng lĩnh biên thùy nào đó.
-         Tai ương : phóng đại các hiện tượng tự nhiên ngày nay vẫn còn xãy ra.
-         Vượt Biển Đỏ : Thủy triều lên xuống…
 
          Khía cạnh lịch sử, dân Do Thái bị bắt bớ đọa đày có lẽ vào thời SETI (1314-1232) và biến cố xuất hành dưới thời RAMSES II (1298-1232). Tuy nhiên, chúng ta không quá quan trọng về lịch sử theo nghĩa cận đại nhưng theo những gì soạn giả nhân danh Thiên Chúa để nói với mỗi người.
 
3.1. Lễ Vượt qua ( Paskha)
 
           Nghi tiết nầy có từ rất lâu trong dân du mục, bán du mục. Nghi lễ không cần tư tế, bàn thờ. Quan trọng là: dùng máu bôi lên cửa lều trại để xua đuổi tà thần xấu xa. Vào khoảng trăng rằm mùa xuân, người ta bắt con chiên non béo tốt, cho ở gần gia đình, hàm ý như 1 thành viên. Sau đó, người ta giết thịt, lấy máu bôi lên lều trại. Chiên được nướng, đơn giản vì không cần dụng cụ, ít hao nước, ăn với ít rau đắng mọc hoang trong sa mạc, có độc nhưng như là gia vị.
 
          Đến thời Môsê, nghi tiết vượt qua nầy có ý nghĩa thánh sử: Đánh dấu việc Thiên Chúa can thiệp để cứu dân khỏi ách nô lệ Ai Cập, một việc làm công chính mà Thiên Chúa vì trung tín với Lời Hứa, đã thực hiện. Nghi thức nầy xãy ra sau tai ương giáng xuống Pharaoh và vương quốc. Trong đó, việc tường thuật giết con đầu lòng người Ai Cập, gây cho người đọc khá nhiều phản cảm. Vậy chúng ta hiểu các vấn đề nầy thế nào?
 
 
3.2. Các tai ương gieo xuống Pharaoh và Ai Câp.
 
Rất nhiều và rất nhiều anh chị trong các khóa học hay có dịp đọc các đoạn trình thuật nầy tỏ ra rất bất bình, cảm thấy Thiên Chúa thật bất công giáng họa trên dân Ai Cập, trừng phạt tập thể. Đặc biệt với tai ương thứ 10: giết con đầu lòng người và vật Ai Cập, hình như để chứng tỏ uy quyền tối thượng.
 
Ngoài ra, khi trả lời các chất vấn nầy, do nhiều nguyên nhân, người trình bày không diễn đạt được tường tận nên cũng tạo sự bất mãn ngấm ngầm trong lòng các học viên. Quả thật, đây là một trong nhiều đoạn trình thuật khó nuốt trôi khi miêu tả Thiên Chúa vốn mệnh danh là Thiên Chúa tình yêu, lại ra tay thanh trừng sắc tộc. Cứu lấy một đám dân nầy mà tàn sát dã man vô số kẻ khác. Một Thiên Chúa được miêu tả như thế, người Ai Cập ngày nay khi đọc, làm sao có thể tin yêu, phó thác trọn vẹn được? Một Thiên Chúa như thế, liệu có đáng cho chúng ta tin theo? Vậy, đâu là ý nghĩa trình thuật nầy đề cập đến?
 
Phải nói rằng, trình thuật về tai ương giáng xuống Pharaoh và người Ai Cập không phải là sự trừng phạt tập thể nhưng diễn tả tính liên đới. Nếu lưu ý, tường thuật miêu tả khi nghe triệu báo về vị cứu tinh Israel sinh ra, Pharaoh và triều thần cùng dân chúng đều kinh hãi, bàn mưu và cùng đồng phạm trong quyết định giết trẻ em sơ sinh.
 
 Pharaoh và vương quốc của mình được biên tập như tiêu biểu cho quyền lực xấu xa tàn ác, thống trị, nô lệ con người, cụ thể là người Do Thái. Thiên Chúa giết con đầu lòng người và vật Ai Cập là dấu chỉ Thiên Chúa tận diệt tới tận mầm mống của sự dữ để giải phóng con người khỏi ách nô lệ ( Khi đề cập con đầu lòng , là đề cập tính kế thừa liên tục ).
 
 Thật ra, trình thuật nầy mang sứ điệp tiên tri. Bằng cái chết và sự phục sinh của Đức Yêsu Kitô, Ngài đã tiêu diệt tận cùng ách nô lệ tội lỗi do tên ác thần tròng vào nhân loại, mà đỉnh cao của sự dữ là cái chết. Do đó, khi đọc tới đoạn văn nầy, các anh chị đừng bận tâm theo nghĩa đen mà các tư tế viết lại để mang lại một ý nghĩa tuyệt đối về ơn cứu độ Thiên Chúa đã làm cho Dân mà Ngài chọn.
 
Câu chuyện Thần hủy diệt Vượt Qua mà không giết con đầu lòng người Do Thái, khi thấy dấu máu chiên con bôi trên cửa nhà, cho chúng ta sứ điệp gì trong ngày hôm nay ?
 
Trong một lần trao đổi với nhau sau buổi hướng dẫn, chúng tôi chợt nhận ra, cần chia sẽ với các anh chị thêm về sứ điệp nầy: Hiện nay, với chủ trương hạn chế sinh sản bằng bất cứ giá nào của nhiều chế độ, cộng với truyền thông lệch lạc, nhiều cha mẹ, thân nhân của các thai nhi nhẫn tâm loại bỏ con mình. Đa phần trong các thai nhi đó chẳng phải là con đầu lòng? Thế thì: Ai là người giết con đầu lòng? Con người lệch lạc hay Thiên Chúa? Chính thủ lãnh thế gian nầy: satan, lung lạc và điều khiển tay chân nó thực hiện tội ác ghê gớm, che đậy dưới nhiều lý do hoa mỹ. Đối  với những kẻ có Máu Chiên Con ( nghĩa là những người thật sự nhận lấy Đức Yêsu Kitô là Chiên Thiên Chúa)  Đấng đã lấy máu và cái chết khổ nhục trên Thập giá cùng sự phục sinh vinh hiển,  đóng dấu ấn Máu Cứu độ vào cửa tâm hồn, thì các lý do vô luân của ác thần vô phương xâm nhập được ngôi đền Thánh Thần, là thân xác họ, thì con đầu lòng họ được cứu.
 
           Trình thuật nầy cho người tín hữu chúng ta ý nghĩa mới: Máu chiên con xưa kia xác nhận giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài đã tuyển chọn giữa các dân khác. Thiên Chúa sẽ để cho Đức Yêsu chết và sống lại trong dịp lễ Vượt Qua. Như vậy , máu của Đức Yêsu sẽ xác nhận giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại. Lễ Vượt Qua mới sẽ là lễ mừng con người được giải thoát hoàn toàn nhờ giá máu của Đức Yêsu Kitô. Mỗi thánh lễ cử hành, đều nhắc nhở chúng ta thập giá và sự phục sinh của Ngài, đã qui tụ những người ý thức mình đã được giải thoát và nay cần dấn thân vào công cuộc giải thoát cho nhân loại.
 
3.3 . Xuất hành .
 
Chúng ta không ngộ ngận Israel làm một cuộc xuất hành ngoạn mục như trong phim ảnh sau đêm can thiệp hiển hách của Thiên Chúa. Thực tế, để tránh sự truy lùng của quyền bính biên thùy Ai Cập, họ phải lén lút ra đi bằng nhiều  phương tiện và người dẫn đầu là Môsê, có kinh nghiệm đi lại trong sa mạc.
 
Trình thuật mô tả ngày hôm sau toàn dân Israel rộn ràng lên đường làm cuộc phiêu lưu kỳ vỹ tiến về Đất Hứa dưới sự lãnh đạo của Môsê và các cộng sự. Phải nói là phiêu lưu vì khi tiến về Đất Hứa, họ không có một chỉ dẫn nào cụ thể phải đi tới đâu, tổ chức thế nào mà chỉ có một niềm tin duy nhất vào sự quan phòng của Thiên Chúa. ( hệt như hình ảnh ngày nào tổ phụ Abraham lìa bỏ quê hương để theo lời gọi của Thiên Chúa) Trình thuật dùng hình ảnh Thiên Chúa ban ngày đi trước họ trong cột mây để dẫn đường, ban đêm trong cột lửa để soi sáng và dân Ngài có thể đi cả đêm lẫn ngày.
 
Ngay từ đoạn văn khởi đầu ra khỏi Ai Cập nầy, chúng ta dễ dàng nhận thấy ý nghĩa muốn đề cập . Đây là hình ảnh lý tưởng khi đoàn người được nhận ơn Cứu Độ, trở thành đoàn người tự do khỏi ách nô lệ của  satan, nhận lấy Thiên Chúa làm gia nghiệp và bước đi vững vàng trong ân nghĩa dư tràn của Ngài. Đây cũng là hình ảnh của Ngày Yahveh, ngày Cánh Chung khi Thiên Chúa hiển trị “dưới đất cũng như trên trời ”
 
3.4 Biển Đỏ .
 
Các anh chị nào nếu có dịp xem  bộ phim “ Mười điều răn ” sẽ thấy vẻ hoành tráng khi dân Israel vượt qua biển giữa hai vách tường nước cao vòi vọi, bên trên bờ là Môsê với tay cầm gậy đưa cao. Các tình tiết trong phim được lấy cảm hứng từ thiên anh hùng ca trình thuật trong chương 14 của sách Xuất hành. Chương nầy nói gì ?
 
Pharaoh và triều thần nuối tiếc một nguồn lực từng phục vụ nên ra quân truy đuổi, hy vọng buộc đám dân vừa nếm mùi tự do lại lâm vào cảnh nô lệ cho họ. Đám dân vừa tập tễnh biết tự do, đã vội lên tiếng trách móc Môsê và Thiên Chúa mà quên khuấy ngay kỳ công Thiên Chúa đã làm cho họĐức Tin không bám rễ sâu vào lòng, khi có biến cố thử thách là dễ bị chối bỏ và trở về ngay thân phận nô lệ tội lỗi. (Chúng ta sẽ thấy lại hình ảnh nầy trong Tin Mừng Mt 12,43-45 và Lc 11,24-26 với đề tựa Quỷ phản công )
 
 Tuy nhiên, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đã không bỏ mặc con người yếu hèn kém tin. Trong trường hợp nầy cũng vậy, Ngài đã cho Môsê đưa gậy trên biển và nước rẽ hai, toàn dân an toàn vượt biển. Chiến mã và kỵ binh Ai Cập thấy thế cũng tràn xuống, đuổi theo,  nước biển  đổ ập vùi chôn họ. Thật ra thì các trình thuật cổ xưa hơn, không cho các chi tiết rõ ràng và chỉ nói những kẻ đuổi theo được phát hiện phơi thây trên bờ biển. Đoạn trình thuật này có ý nghĩa Thiên Chúa phù trợ dân Ngài. Các anh chị cũng nên biết sự thực thì không phải dân Do Thái ra đi một cách rầm rộ khí thế nhưng là các cuộc đào thoát nhỏ lẻ trong đêm và bị truy kích, có thể trong khi mãi mê truy kích như thế, quân binh Ai Cập bị thủy triều cuốn phăng đi. Thế là dưới ngòi bút và dưới nhãn quan lòng tin, các tư tế nhận thấy đây là ơn Đức Chúa đã làm cho tổ tiên mình nên biên tập lại cho khí thế.
 
Ý nghĩa thứ nhất chúng ta rút ta được là những người như Môsê  phải chiến đấu để vực dậy anh em mình và làm cho họ thành những người tự do . Chính những người được chọn lựa phải cũng cố lòng tin của anh em . ( Phêrô sau nầy cũng được trao phó sứ mạng nầy và qua ông là các kẻ kế nhiêm, thí dụ như  Đức Gioan Phaolô II, Benêđíchtô 1… ) Thủ lãnh thế gian cũng như Pharaoh xưa kia, không dễ dàng buông tha những nô lệ của mình và không từ bỏ thủ đoạn nào để tái lập ách thống trị trên những người được cứu rỗi. Chúng ta là những người còn kém tin, nên những biến cố trong cuộc đời, những thử thách đôi khi nghiệt ngã, dễ làm chúng ta buông xuôi trách móc ngược lại.  Nhưng Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta không để mặc chúng ta trong cơn thử thách.Thông qua Hội Thánh, Thiên Chúa không ngừng gia ân để cũng cố chúng ta được bền đổ và vượt qua biển Đỏ của chính mình để vào Đất Hứa, nhờ công nghiệp của Môsê mới là Đức Yêsu Kitô. Sau nầy khi dạy cho chúng ta cầu nguyện tại Kinh Lạy Cha, Ngài đã chẳng hướng dẫn chúng ta xin cho khỏi sa cơn thử thách đấy sao. Câu chuyện từ Cựu ước mà được sáng tỏ trong Tin Mừng là vậy. Càng thấy sự mỏng dòn yếu kém thì chúng ta càng khẩn thiết xin lòng thương xót vô biên của Đức Chúa .
 
Đối với anh chị, những người sẽ là tân tòng, bài học nầy còn có ý nghĩa tuyệt vời hơn: Khi chịu phép thanh tẩy, anh chị cũng bước qua khỏi biển Đỏ, theo lời mời gọi và ân sủng của Thiên Chúa. Anh chị đã dứt khoát bỏ lại sau lưng cuộc đời trước kia và bắt đầu khám phá một khung trời tự do mới, tự do con cái Chúa. Chúng ta sẽ không làm việc đó một mình nhưng cùng cộng đoàn những người tin dưới tác động của Thánh Thần Thiên Chúa
 
4. Hành trình trong sa mạc.
 
4.1 Vai trò Môsê.
 
            Môsê không phải nhà cầm quân đánh giặc, đã có Yoshuê. Ông cũng không phải người hướng đạo, đã có dân Madian dẫn đường. Ông cũng không phải trông nom lễ tế, đã có Aaron cùng các tư tế. Môsê là người cầu nguyện.( Xh 17,8-16)
 
          Cầu nguyện là thân thiết với Thiên Chúa (Xh 24,8-18;33,18). Ông chịu lấy những chỉ thị Thiên Chúa mà ban xuống cho dân bằng các sấm ngôn cũng như luật lệ. Phân giải các tranh chấp giữa các bộ tộc. Hun đúc, tôi luyện họ trở thành 1 dân, có liên lạc với nhau theo truyền thống đạo giáo Đức Chúa truyền.
 
4.2 Sự nghiệp Môsê.
 
          Môsê được xem như người sáng lập nên 1 dân và ban bố lề luật theo lệnh truyền của Đức Chúa. Ông có ảnh hưởng trên các bộ tộc, đặc biệt bộ tộc xuất phát từ Yuse là Mơnasse và Ephraim, tôi luyện cho họ lòng sùng bái Đức Chúa, chuẩn bị cho dân đón nhận giao ước với Đức Chúa.
 
4.3 Trong sa mạc.
 
         Sa mạc, trong kinh thánh gồm 2 hình thức cựu trào. Dân Israel không ưa gì sinh hoạt trong sa mạc. Cain, có tội mà bị lưu vong trong sa mạc. Ismael, dân du mục tha phương trong sa mạc. Như thế, sa mạc là nơi cư trú của những kẻ bị trục xuất, ngoài vòng pháp luật. Sa mạc còn là nơi mãnh thú, quái vật, tà ma quỹ dữ ẩn náu. Con chiên (dê) mang tội ( bouc émissaire) bị đuổi vào sa mạc, làm mồi cho Azaxel quỷ sứ ăn. Như thế, sa mạc là nơi thử thách.
 
        Tuy nhiên, dưới nhãn quan của các ngôn sứ, sa mạc được coi như thời thanh xuân của Israel. Đây chính là ý nghĩa Sách Xuất Hành muốn đề cập đến: Tôn giáo Israel toàn vẹn và trung tín dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa. Trình thuật cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc như là cuộc tẩy luyện, lột xác của con bé lọ lem ngốc nghếch, được cứu thoát khỏi thân phận nô lệ, trỏ thành người yêu kiều diễm của vị Thần Duy Nhất. Chẳng thế mà về sau các ngôn sứ, nhất là Hôsê, xem như là giai đoạn trăng mật giữa đôi hôn phối mà tuyệt đỉnh là hôn ước Sinai.
 
          Tất nhiên, để đạt được hôn ước nầy, hai bên đã không ngừng thử thách nhau, đòi hỏi cũng như đáp ứng. Các câu chuyện về bánh Manna, chim cút, Nước từ đá… là hình ảnh cho các thử thách, đáp ứng nầy.
 
5. GIAO ƯỚC SINAI.
 
5.1 Giao ước trong Cựu Ước.
 
          Cựu Ước là 1 chuỗi các giao ước mà trong đó ân sủng luôn đi trước. Ân sủng là nền tảng của lề luật, là phương cách sống để kết thân với Thiên Chúa. Được thể hiện bằng các lời chúc lành, chúc dữ :
 
-         Giao ước với Noê : diễn tả ý định phổ cập, đại đồng của Ơn Cứu Độ.
-         Giao Ước với Abraham : bước đầu cụ thể hóa Ơn Cứu độ nơi một dòng tộc.
-         Giao ước Sinai: Giao ước tuyệt đỉnh của Cựu Ước, nền tảng cho mọi giai đoạn Thánh sử Cựu Ước.
-         Giao Ước David : Lời Hứa vô điều kiện về thực hiện ơn Cứu độ cùng tận.
-          
5.2 Tính chất giao ước.
 
-         Được xây dựng trên sáng kiến tuyệt đối của Thiên Chúa. Ngài tự do lựa chọn chứ không tự buộc mình vào liên đới với một dân nào đó, do tư cách của họ.
-         Giao ước của Thiên Chúa đáng tin cậy, không bội ước, thay đổi thái độ. Sự trung tín của Thiên Chúa là nền tảng để mỗi người trong giao ước có thể xây dựng một đời sống vững vàng, chổ nương tựa bền vững. Tuy nhiên, trung tín là trung tín với LỜI của Ngài chứ không lệ thuộc vào sự trung tín của dân. Sự trung tín nầy vô điều kiện.
-         Hứa và giữ Lời của Thiên Chúa là một. Chính vì thế Thánh sử mới có 1 hướng  đi, quá khứ bảo đảm cho tương lai để tiến đến tột cùng : LỜI Thiên Chúa trở thành 1 nhân vật : Lời đã thành xác phàm và ở giữa chúng ta.
 
5.3 Giao ước Sinai – Thập giới.
 
           Khi đề cập đến giao ước Sinai, không ít người tín hữu chẳng nhận ra ân huệ Thiên Chúa trao ban. Thật thế, nhìn về khía cạnh luân lý, người ta xem thập giới như những điều buộc phải thế nầy, thế khác mà không phải là ân huệ, cảm thấy nặng nề khi gìn giữ.
 
          Khi con người mất đánh mất mối thâm tình với Thiên Chúa, con người đánh mất luôn phẩm giá cao quý “ giống hình ảnh Thiên Chúa”. Mối quan hệ với Thiên Chúa đổ vỡ dẫn đến việc con người không còn làm chủ được bản thân, tương quan nhân ái với nhau. Thay vào đó, bạo lực trở thành động lực phát triển và chi phối con người. Hành vi tiêu biểu của loài thú.
 
          Với Thập giới trên núi Sinai, Thiên Chúa đã tiến hành một bước quan trọng để khôi phục phẩm giá con người. Ân huệ ban sự sống là như thế. Thập giới như những mốc cắm chặng để con người được bảo vệ khỏi những sa đọa.
 
          Trong ba giới đầu tiên, Thiên Chúa muốn con người nhìn nhận lại mối quan hệ Đấng Thánh – Thụ tạo. Chỉ khi nhìn nhận Thiên Chúa là tất cả trong cuộc đời, con người mới thấy sự yếu đuối mỏng dòn để được Ngài nâng đỡ, mới có năng lực để xây dựng mối tương quan với nhau trên căn bản con người
 
          Các giới răn thứ tư trở về sau, cho con người khuôn phép để sống xứng đáng với vị thế con người, tách con người thoát bản năng thú vật. Con người cần cư xử  với nhau đúng mực, giới hạn cái tôi vị kỷ, đã là nguyên nhân gây đổ vỡ ban đầu.
 
          Sau nầy, khi nhìn lại những ân sủng Đức Chúa đã thực hiện nơi Dân của Ngài, các ngôn sứ có lý khi xem Thập giới như Cây Trường Sinh, được ban cho nhân loại. Những ai ăn trái nầy, họ được sự sống đời đời Thiên Chúa trao tặng. Ân huệ nầy không chỉ dành riêng cho Israel, nhưng còn được ban tặng cho toàn thể nhân loại.
 
5.4 Đặc ân của giao ước.
 
          Khi nhận lấy giao ước, dân Israel được hưởng các ân sủng của Đức Chúa, làm họ trở nên cao quý trước muôn dân :
 
a / Israel trở thành  “ một dân thánh ” nghĩa là dân được thánh hiến cho Thiên Chúa. Thuộc về Thiên Chúa thì gọi là thánh. Israel là vương quốc mà vị vua duy nhất của vương quốc nầy là ĐỨC CHÚA. Chính vì thế  nhiệm vụ trước tiên của lãnh đạo Israel là thiết lập công lý. Dân Israel là những người tự do chỉ thuộc về Thiên Chúa nên không được để lây nhiễm bời các ngẫu tượng, các tập tục ô uế và các giá trị sai lầm của các nước khác .
 
b /  Israel là  “ một vương quốc tư tế ”. Trong  tôn giáo, tư tế là người đến gần Đấng Thánh và là người trung gian giữa Ngài và con người. Thế nhưng với đặc ân nầy thì toàn dân Israel được nhận biết và đến gần Thiên Chúa theo cách mà các dân khác không có. Họ sẽ nhận được các lời Thiên Chúa hứa cho loài người và Ngài phái đến cho họ các ngôn sứ để họ là người đầu tiên được hiểu biết rõ ràng những đòi hỏi của công lý và tình huynh đệ .
 
Các đặc ân trên giúp chúng ta hiểu điều sau nầy Đức Yêsu nói với các tông đồ trong buổi Tiệc ly về Giao ước mới (Mc 14,24 ) Trong lời cầu nguyện kế tiếp, Ngài đòi hỏi các người tin trở nên dân mới, thánh hiến cho Thiên Chúa và là tư tế của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Các đặc ân nầy chính là vương tử , tư tế và ngôn sứ mà mỗi người khi chịu phép thanh tẩy nhận được vậy .
 
6 .  Lề luật .
 
Thập giới được xây dựng như một khung sườn quy định cách thức dân Israel phải ứng xử thế nào trong mối tương quan với Thiên Chúa và với anh em. Lề luật Môsê được mặc khải, là bánh ( lương thực) Thiên Chúa nuôi dưỡng Dân. Triển khai chi tiết hơn , các thủ lãnh trong dân hình thành các lề luật chi tiết để tiện quản trị dân chúng ngày một thành một xã hội phức tạp. Các luật nầy  gồm cả những  quy định về vệ sinh, sức khỏe cộng đồng. Chẳng may, con người vốn hay cực đoan, dần biến lề luật thành gánh nặng trên đầu cổ dân, biến thành công cụ bóc lột và tránh né nghĩa vụ đối với đòi hỏi của Thiên Chúa. Đức Yêsu đã có thái độ đối với cách hành xử lề luật kiểu nầy trong cuộc đời rao giảng của Ngài, đặc biệt trong chương nói về sự Công Chính Mới.
 
Môsê đã dẫn dân Israel đi đến đất hứa với bao lo toan nhưng chính Thiên Chúa quan phòng đã gìn giữ và huấn  luyện dân Ngài . Khi gần đến Đất Hứa , ông giao quyền cho Yoshuê và không lâu từ trần trong ân nghĩa Thiên Chúa .
 
 Chúng ta sẽ theo dõi tiếp phần lịch sử Cứu Độ trong chương tiếp theo ./.
 
 
 

                                       CÁC  CHẶNG  ĐƯỜNG  LỊCH  SỬ

 
          (  Từ khi vào Hứa Địa đến thời các vương triều và lưu đày )
 
Môsê đã hoàn tất sứ mạng đưa dân Israel “ đi lên ” từ cảnh nô lệ đến ngưỡng cửa Đất Hứa. Yosuê ( chữ Yôshuê và Yêsu trong tiếng Hipri là một ) là người được ủy thác đưa dân vào đất gia nghiệp . Đám dân ông dẫn dắt ở đây chỉ là một số bộ tộc du mục và được tăng cường thêm một số phần tử trên đường lữ hành nhưng họ đã có một gia tài kinh nghiệm phong phú . Do đó , khi gặp lại các chi tộc khác vẫn lưu ngụ tại Palestin , kinh nghiệm nầy trở thành gia sản thiêng liêng của tất cả mọi người . Khi đối mặt với cư dân khác tại Canaan trong các thành phố và vùng phụ cận , họ dần dần nhận ra bản sắc và căn tính riêng của mình : Họ là Dân Riêng của Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải và ban giao ước cho họ trên núi Sinai , đã thực hiện bao kỳ công cho họ khi mang họ ra khỏi đất Ai Cập . Thế nhưng, khi tiếp xúc với cư dân bản địa, họ không thể không ngưỡng mộ nền văn minh của các dân nầy với các thành quách cung điện cho đến nghi lễ hội hè. Đây quả là thử thách ghê gớm . Các sách như Yôshuê, Thủ Lãnh, Samuel, Các Vua, không ngừng cho thấy dân Israel dễ bị lôi cuốn như thế nào trước sức hấp dẫn của nền văn minh nầy và bỏ rơi các phong tục và niềm tin của mình. Trong suốt thời kỳ các vua, Thiên Chúa đã phái các ngôn sứ không ngừng nhắc nhở dân Israel những đòi hỏi của giao ước và lòng trung thành với ĐỨC CHÚA .
 
Cuộc sống chung giữa đám dân thành thị và du mục hẳn gây ra nhiều cuộc xung đột , khi thua khi thắng . Dần dần, các chi tộc du mục Israel thắng thế và đặt để luật lệ của họ trên dân bản xứ . Đến thời vua Saul, dân du mục đã biến thành thị dân và cai trị xứ sở nầy. Thời David và Salomon xác định cũng cố thêm địa vị thống trị trong vùng. Thế là thiểu số năng động đã làm nên lịch sử. Điều nầy làm  chúng ta nhận ra Hội Thánh sau nầy. Thoạt đầu, Hội Thánh chỉ là một thiểu số những người tin và với sức mạnh năng động từ Thánh Thần, Nhiệm thể Đức Kitô sẽ mang lại cho nhân loại một Hứa Địa mới .
 
Cũng trong giai đoạn nầy, một yếu tố mới được nhấn mạnh, các ngôn sứ, được Thiên Chúa gởi đến, để tuyên lời Thiên Chúa cho dân. Truy nguyên nguồn gốc thì Môsê có thể gọi là vị ngôn sứ vĩ đại đầu tiên.Thật ra, các ngôn sứ có vai trò rất to lớn trong việc hình thành các sách Cựu Ước. Trước thời các ngôn sứ, đã có những truyền thống khẩu truyền và những biên niên ký cùng các hồ sơ. Các tài liệu nầy còn lưu lại được nhờ các tác giả đời sau thu lượm. Các sách Cựu Ước trong quy điển, đều được viết từ thời các ngôn sứ lớn về sau, nghĩa là từ thế kỷ thứ tám AJ, với những Amos, Hôsê, Mica, Ysaya. Vì lẽ đó, chính các ngôn sứ đã định đoạt cách gián tiếp hay trực tiếp đến các Kinh Thánh Cựu Ước
 
I . HỨA ĐỊA.
 
1.      Cảnh báo của Môsê.
 
            Dân Thiên Chúa, dân Giao ước là cụm từ chỉ dấu sự yêu thương Đức Chúa đối với dân Ngài tuyển chọn. Sự yêu mến đặc biệt nầy được miêu tả bằng hình ảnh Cha-Con, Chồng – Vợ…cách nồng nàn. Thiên Chúa trung tín, những muốn dân giao ước sống đúng phẩm giá Ngài trao tặng, qua Thập giới. Đối với Môsê, làm sao cho dân luôn trung thành với giao ước là nổi trăn trở thao thức không  nguôi. Sách Đệ nhị Luật (Thứ luật) phản ảnh mối bận tâm nầy của Môsê. Ông khuyên nhủ, cảnh cáo dân phải sống phù hợp với giao ước đã ký kết. Đức Chúa sẽ ban cho ngôn sứ để dân biết ý định của Ngài ( Dnl 18). Môsê không phải lo hảo. chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân.
 
           2. Đôi nét về cư dân Canaan.
 
           2.1 Thần linh Canaan : Baal – Astartê.
 
            Dân cư trong xứ Palestine được gọi chung là dân Canaan. Nền văn minh phức tạp của Canaan có nhiều thần. Trong Cựu Ước, thần của Canaan được gọi chung là Baal chứ không chỉ riêng một vị thần nào. Đây là quan niệm của dân Sem về thiên nhiên: Mọi vật đều sống và có thần, thần giếng nước, thần cây, thần ruồi ( baal zêbul) thần mưa…Để bảo đảm cho hoa màu và vị thế của mình trong tự nhiên giới, dân Canaan muốn biểu lộ sự thân thiện với các vị thần. Mục đích chính của việc thờ phượng thần linh Canaan: cũng cố sinh lực của thiên nhiên và là giao ước của người - vạn vật. Khía cạnh nào đó là tốt, vì không khai thác quá độ môi trường. Tuy nhiên, sự thờ phượng không dừng tại đó.
 
            Dân bản địa Canaan hóa thần toàn vũ trụ nhưng không buộc phải thờ tất cả, họ chỉ tập trung vào một ít vị thần biểu hiện sức sống và mãnh lực. Trong Canaan, Baal thường được tạo hình bò tót. Đơn giản vì bò là con vật quan trọng nhất trong xứ. Hoạt động nông nghiệp nhờ cả vào nó. Từ đó, Baal dần biến tướng, thành mãnh lực có uy vũ như trời cao, thần hộ mệnh của thành trì cư dân sinh sống.
 
            Bên cạnh Baal còn có các bà Baal: Baalath. Các nữ thần nầy biểu trưng cho sản lực, chủ yếu thiên về tính dục. Cựu Ước thường đề cập đến Astartê và Asherad như là các thần biểu trưng của phì nhiêu, sinh đẻ, tính dục … Việc hôn nhân của các Baal được chính vua Canaan làm thay, là 1 phần trong nghi tiết cầu  sản lực. Sau nầy, việc hôn nhân nầy không chỉ dành cho ngày chính lễ và nhà vua, nhưng còn dành cho các vãi đền thờ, mà người ta có thể thăm viếng. Việc giao hoan với các điếm thần nơi cực thánh của đền thờ Canaan, được cho là giúp phát triển sản lực, là sự chúc lành cho người thông dự và cả xã hội. Đây là tôn giáo phồn thực.
 
          2.2 Văn minh bản địa Canaan
 
           Canaan vào thế kỷ 13 trước CN đã hình thành chế độ phong kiến, không có chính quyền trung ương. Trong mỗi thành, có một vị thủ lãnh tự xưng là vua, cùng tầng lớp quý tộc. Bên dưới là tầng lớp lê dân phức tạp: thương nhân, nông dân, thợ thủ công. Thế lực đồng tiền đã hình thành khá đậm nét, đến nỗi sau nầy khi nói đến Canaan, là có nghĩa: người buôn bán, với thành kiến xấu. Dân Israel xem đó là hành vi bịp bợm không thể chấp nhận được khi so chiếu với giao ước mà họ đã được huấn luyện.  Thành trì Canaan được xây dựng kiên cố. Quân đội được tổ chức chuyên nghiệp với  giáp binh, xe sắt ngựa chiến. Có thể nói nền văn minh ngoại đạo nầy là thử thách cho Israel, Dân giao ước, Dân Thiên Chúa.
 
           3. Yôshuê tiến vào Hứa địa.
 
            Yôshuê không phải tác giả trực tiếp của sách mang tên ông. Sách được viết dựa vào nhiều nguồn tài liệu khác nhau và là một trong những tập sách hỗn tạp nhất. Sách Yôshuê trình bày cuộc đánh chiếm trọn vẹn Đất Hứa, như công trình của mọi chi tộc  dưới quyền chỉ huy của Yôshuê. Thực ra, các chi tộc đã chiến đấu riêng lẻ để dành phần đất cho mình và thường xuyên bị thất bại. Cuộc xâm nhập Đất Hứa kéo dài trong khoản thời gian 250 năm, chứ không phải chỉ sau vài năm chinh chiến, sách các Thẩm Phán cho biết.
 
           Sách Yôshuê trình bày cuộc chiếm cứ Đất Hứa cách đơn giản và lý tưởng hóa, tiếp nối thiên anh hùng ca Xuất Hành. Lý tưởng vì cho thấy Thiên Chúa can thiệp cách trực tiếp và ngoạn mục để bênh vực Israel. Đơn giản vì Yôshuê được mô tả như 1 nhân vật xuất hiện trong mọi biến cố, điều khiển mọi chiến dịch và được coi như người phân chia đất đai cho mọi chi tộc. Sách kết thúc bằng cái chết của ông sau khi đã tuyên thệ  luôn trung thành với Thiên Chúa.
 
            Yôshuê được xem như dung mạo báo trước của Chúa Yêsu. Yôshuê và Yêsu cùng có nghĩa: được Thiên Chúa cứu. Ông đưa dân qua sông Yorđan vào Đất Hứa, là hình ảnh bí tích thanh tẩy của Chúa Yêsu về sau: Đấng đưa nhân loại vào Nước Thiên Chúa. Cuộc đánh chiếm Canaan là hình ảnh sự phát triển của Hội Thánh Chúa Kitô. Mỗi Kitô hữu phải dùng toàn bộ sức mạnh của mình, dưới sự lãnh đạo của Chúa Yêsu, là Yôshuê mới, để được vào Đất Hứa Nước Thiên Chúa.
 
            4. Các thẩm phán. ( Thủ Lãnh)
 
            Phần dẫn nhập sách các thẩm phán trình bày sơ lược về việc các chi tộc lập cư tại Canaan. Họ hoạt động đơn lẻ và thường thất bại. Phần nầy muốn giải thích tình trạng bị đe dọa của Israel dưới thời các thẩm phán, là hình ảnh người tín hữu ngày nay, khi không đủ trung tín với Thiên Chúa.
 
            Phần chính sách thẩm phán đề cập đến lịch sử các thẩm phán gồm các thẩm phán lớn như : Otniel, Ehud, Baraq ( Deborad), Ghêđêon, Yeptê, Samson cùng 6 vị thẩm phán nhỏ.
 
           Từ thẩm phán gợi cảm tưởng: họ là những vị quan tòa xử kiện và tuyên án. Vai trò nầy, trong Dân Giao Ước, đã có hàng kỳ lão Zêqênim nơi đền thờ hoặc các tư tế đảm trách. Thẩm phán, đúng hơn là thủ lãnh, là người biết, giải thích, tuyên bố, đốc thúc việc áp dụng luật Thiên Chúa trong hoàn cảnh mới. Cùng với lề luật, họ cũng có nhiệm vụ trừng phạt những ai bất tuân giao hiếu thánh, cho dù đó là cả chi tộc, như trường hợp chi tộc Bengiamin.
 
            Các soạn giả sách thẩm phán đem lại cho giai đoạn này ý nghĩa tôn giáo : Con cái Israel bất trung cùng Yahveh và đã bị Ngài phó nộp cho kẻ áp bức. Khi họ tỉnh ngộ và kêu cầu Danh Ngài, Ngài đoái thương ban cho vị cứu tinh là thẩm phán. Sau đó, đân lại bội phản…Sách thẩm phán dạy con cái Israel rằng sự áp bức là hình phạt do lòng bất tín và chiến thắng là hậu quả của sự trở về cùng Thiên Chúa. Thiên Chúa, nhà sư phạm tuyệt hảo đang kiên trì nhẫn nại tôi luyện Israel để có thể xứng đáng vào Hứa Địa.
 
 5 . Samuel vị ngôn sứ, thẩm phán (thủ lãnh) cuối cùng.
 
5.1. Sách Samuel 1-2.
 
Sách Samuel là tác phẩm đặc biệt quan trọng trong phần sách lịch sử của Kinh Thánh. Sách theo quy điển Hipri chỉ 1 cuốn, nhưng với bản 70 thì tách làm 2. Sách ghi lại bước ngoặt đưa dân Israel từ cơ chế thẩm phán sang vương quyền với các nhân vật  như Samuel, Saul, David. Sự thay đổi thể chế sẽ làm đảo lộn xã hội, tinh thần, tình cảm con người. Sách Samuel phản ảnh cái nhìn lịch sử của Do Thái giáo về mặc khải Thiên Chúa qua chiều dài lịch sử.
 
Sách Samuel là chuỗi truyền thống nguyên thủy của dân gian và của các trung tâm thờ phượng xa xưa ( Silô, Mispa…) hoặc từ huyền thoại được kết tinh từ các anh hùng giải phóng dân Israel. Trình thuật gồm :
 
- Trình thuật về hòm bia Thiên Chúa : Được tổ thuật theo khuôn khổ các tập tục xưa của các dân tộc láng giềng. Hòm bia được coi như tượng các thần linh, theo quân ra chiến trường, bị cướp hoặc hoàn trả theo thắng bại, mang phúc họa tùy thuộc thái độ của dân Israel. Mục đích trình thuật cho thấy chỉ Đức Chúa mới là thần linh duy nhất, điều khiển mọi sự.
 
- Trình thuật về vua Saul : Trình bày về những ngày đầu Saul được tôn phong mang tính chất chuyện cổ dân gian. Saul đã hình thành vương triều đầu tiên trong Israel. Thật ra trước đây cũng đã có lúc người Do Thái muốn suy tôn thẩm phán Ghêđêon làm vua nhưng bị từ chối. Ông quan niệm chỉ có vị vua duy nhất là Đức Chúa. Truyền thống nói đến những trận đánh với Ammôn, Philitin, sự dũng cảm của Yonathan, con Saul. Mục đích cho thấy Thiên Chúa tôn trọng sự tự do con người, dù họ đi ngược lại Ý Định của Ngài.
 
- Trình thuật về vua David : Có nhiều truyền thống đang xen nhau với mục đích cho thấy việc David thay thế Saul nắm giữ vương quyền là chính đáng.
 
Xuyên suốt các trình thuật là hoạt động của Samuel, được soạn tác như nhân vật chủ đạo.
 
5.2 Samuel, vị ngôn sứ - thẩm phán cuối
 
Samuel, vị thẩm phán cuối cùng đồng thời là một ngôn sứ, xuất hiện vào thời điểm mà các chi tộc Israel bị phân hóa và phải đối mặt với dân Philitin cùng các lân bang  hùng mạnh. Vì vậy, các chi tộc cảm thấy cần phải có một chính quyền hùng mạnh để đương đầu. Lý do không phải lúc nào cũng có các thủ lãnh. Các trình thuật trong sách Samuel dùng một ngữ điệu bình thản giúp chúng ta khám phá công trình Thiên Chúa thực hiện trong tâm hồn con người và hiểu con người cộng tác thế nào cho triều đại Thiên Chúa mau đến. Samuel là gạch nối, giữa giai đoạn thủ lãnh và vương quyền Israel. Ông đã xức dầu tấn phong cho cả Saul và David .
 
Samuel được giới thiệu như đứa con cầu tự, được thánh hiến cho Thiên Chúa trong đền thờ và được Thiên Chúa gọi đích danh. Trình thuật cho biết: ông vừa là thẩm phán, vừa là ngôn sứ đem lời Thiên Chúa đến cho tư tế Heli, cũng như đảm nhận vai trò ngôn sứ đến hết đời, thậm chí sau khi đã chết. Chính nhờ Samuel hiệu triệu dân chúng, kêu gọi họ sám hối, cầu nguyện chân thành cùng Đức Chúa, mà Israel thắng Philitin.
 
Samuel khổ tâm khi Israel không trọn niềm tin vào Đức Chúa, mặc dù đã được phù trợ cách nhãn tiền. Họ sợ quân thù và mong mỏi có vị vua cầm đầu để tập hợp họ, chuẩn bị chống đánh. Theo truyền thống ngôn sứ: Israel là Dân Thiên Chúa, vì thế chỉ có Đức Chúa mới là vị lãnh đạo duy nhất. Ngôn sứ, thẩm phán là người được Thiên Chúa ủy thác sứ mệnh dẫn dắt. Không ngạc nhiên khi trình thuật nói đến việc Samuel miễn cưỡng tuân mệnh xức dầu tấn phong.
 
Đạo lý trong sách Samuel cho thấy chỉ có Đức Chúa mới là lãnh đạo tối cao đích thực. Người được ủy thác phải tuân thủ luật của vị lãnh đạo tối cao, bằng không sẽ bị loại bỏ. Trung tín được chúc phúc, bất trung sẽ tiêu vong.
 
 
II . Thiết lâp chế độ quân chủ .
 
Dân du mục Do Thái trước đây, đã biến đổi thành những nông gia, sống thành từng làng hay thành thị như các cư dân khác trong vùng. Cơ cấu xã hội trong sa mạc xưa kia không còn phù hợp. Điều nầy là bình thường trong lịch sử tiến hóa của xã hội loài người. Con người biến đổi không ngừng theo các biến cố và tiến bộ kỹ thuật: Dân Israel đề nghị Samuel lập cho họ một vị vua, vì ông đã già, các con lại bất tài. Samuel xác tín: dân Israel chỉ nên lựa chọn duy nhất Thiên Chúa làm vua, bằng lòng sống trong sự quan phòng của Ngài. Là một vì vua đúng nghĩa: phải chăm lo cho dân mà không phải cho bản thân và dòng tộc. Samuel, như cảm thấy được, khi thiết lập vương triều, dân chúng sẽ bị áp bức bóc lột để cung phụng. Thế nhưng, các cảnh báo của ông không được lưu tâm. Với ông, thiết lập vương quyền là bội phản giao ước cùng Thiên Chúa. Một lần nữa Thiên Chúa chấp nhận sự tự do chọn lựa của con người. Samuel đã xức dầu tấn phong cho Saul, con ông Kit thuộc dòng tộc Benjamin .
 
1 . Saul  lên ngôi .
 
Tuy đã xức dầu tấn phong cho Saul nhưng Samuel cũng phải thông qua thủ tục bốc thăm, từ từng chi tộc, thị tộc. Cuối cùng, cũng đúng vào Saul. Ngay từ đầu, Saul cảm thấy mình cũng không có khả năng điều hành đám dân nầy. Một mặt họ muốn có một vị vua để có thể cự lại những đe dọa bên ngoài, mặt khác, họ lại không muốn khuất phục quyền bính nào. Có lẽ, thấy khó lòng nắm được đám dân như vậy nên Saul trốn biệt. Bản văn dí dỏm nói ông trốn trong đống hành lý và được lôi ra ngoài và tung hô. Thật ra Saul là người khôn khéo biết tận dụng thời cơ để cũng cố địa vị mình khi đứng ra bênh vực dân thành Giavết đánh tan bọn người Ammon . Ông cũng không cho trả thù những người trước đây khiêu khích coi thường ông. Tại Gilgal, dân chúng tôn ông làm làm một vị vua thật sự. Samuel đã giao quyền cho Saul. Tuy vậy, Samuel  đã cảnh báo: người nắm vương quyền cũng phải trung thành tuân giữ Giao ước y như thần dân. Tiếc thay, trong lịch sử cho thấy rất nhanh chóng các vua Israel tưởng mình được miễn giữ lòng trung tín đó
 
Khi Saul nắm được vương quyền và cai trị, ông đã tổ chức lại quân đội thành đội quân thường trực chứ không còn tình nguyện như xưa. Saul có những tướng sĩ kiêu dũng và ông liên tục động binh cùng các kẻ thù tứ phía, nào là Philitin, Ammon  Êđom , Moab, Amalek … và trận nào ông cũng thắng. Từ thắng sinh kiêu, Ông chọn con đường hành động theo quan điểm riêng của mình mà ông cho là hợp lý. Thiên Chúa đã không chọn ông nữa .
 
Khi tường thuật chuyện các vua, Kinh Thánh muốn chúng ta hiểu rằng: quyền bính là một trách nhiệm nặng nề quá sức người. Cầm quyền cai trị một quốc gia là cách nào đó chia sẻ quyền bính của Thiên Chúa. Người cầm quyền không biết tuân phục và lắng nghe Ngài nhiều hơn chính mình, chẳng chóng thì chầy sẽ bất cập trong trách nhiệm cao trọng được giao phó. Chúng ta không bình luận ở đây việc Saul hành động theo quan điểm của mình là đúng hay sai. Thật ra nếu ông đã làm đúng những gì lương tâm mách bảo, Thiên Chúa không trách ông. Trình thuật cũng cho thấy Samuel đâu tốt hơn: Ông cũng nghĩ mình có quyền, tự cho phép mình thất hứa và không ít lần tiếc nuối quyền lực một thời. Tường thuật nầy nhắc nhỡ chúng ta lần nữa phải biết khiêm tốn, biết tự do thực sự là thế nàoNếu tinh ý một chút các bạn sẽ thấy các sách trong Cựu ước giải thích nguyên tội như thế nào, cho dù là vị vua hay là ngôn sứ … hễ có tí quyền là thấy biểu lộ ngayChính vì thế mà Đức Yêsu  nói “ Phúc cho người nghèo khó .” là vậy
 
2 . Ngôi báu David.
 
Thiên Chúa sai Samuel lần nữa lên đường đến Bethlehem, đến nhà Yessê, xức dầu tấn phong cho David, cậu con trai út của nhà nầy. Câu chuyện chọn người được xức dầu cũng ý nhị: Cái mà con người suy nghĩ và thấy hợp lý chưa hẳn là cái Thiên Chúa chọn.
 
2.1 . David lên ngôi .
 
Càng cuối đời, Saul càng mất dần khí thế: Không động viên được khối đoàn kết trong dân, cộng thêm nổi u uất khi thấy lòng người đang ngã về David. Tường thuật dùng một hình ảnh rất thương tâm để diễn tả nổi cô đơn không biết tin tưởng vào ai:  Saul đi tìm một bà đồng bóng để thăm hỏi vận mạng mình, hạng người ông từng cấm hoạt động. Thất vọng, Ông đem binh đi đánh và đã tử trận cùng các con, kể cả chàng dũng tướng Jonathan tốt bụng.
 
  Hình ảnh nầy gợi cho chúng ta thấy nỗi bất hạnh của Yuđa Iscariốt  sau khi phản bội. Tận cuối cuộc đời mà vẫn cứ tưởng rằng mình tự quyết định được đời  mình mà không chút lòng tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chết, vì không có lòng tin.  Do đó các anh chị sẽ không ngạc nhiên khi chịu bí tích Thanh Tẩy, vị đại diện Hội Thánh hỏi : “ Các anh chị xin gì cùng Hội Thánh ” “ Thưa con xin Đức Tin ”  “Đức Tin làm gì cho con ” “ Thưa Đức Tin cho con sự sống đời đời ”Thế đấy, trong hoàn cảnh nào  lòng nhân hậu vô bờ của Thiên Chúa cũng dõi theo chúng ta, nhất là khi Máu Cứu Độ của Con Một Thiên Chúa đã đổ ra vì nhân loại thì Ngài không để ai mất cơ hội được sống đời đời . Tuyên xưng con xin tin là vậy .
 
Sau khi Saul chết, David được tôn lên làm vua làm vua xứ Yuđa, riêng môt số tướng lĩnh Saul tôn người con khác của Saul là Iboseth làm vua Israel, chia Israel thành Nam Bắc triều lần thứ nhất. Nam là Yuđa, Bắc là Israel. Cũng như bao đời nay  quyền tướng mà hơn vua thì dễ sinh loạn. Abner, người tôn Iboseth làm vua, đi lại với tỳ thiếp của Saul. Bị quở trách, ông nầy cự cãi với vua và sinh nhị tâm, kéo bè cánh theo David  Thế nhưng Abner cũng không thọ vì trước đây trong chiến tranh đôi bên, ông đã giết em của tướng Yoab nên bị ông nầy ám sát dù David đã tha không xét đến. Sau đó, Bắc triều Israel có nội loạn, nhà vua bị ám sát. Lòng dân hướng về David, thế là ông thống nhất được đất nước .
 
2.2 . Vương triều David .
 
Đây là thời hoàng kim trong lịch sử Israel . Đất nước phát triển mọi mặt : võ bị cũng như về văn học, nông nghiệp, thương mại. David cho rước Hòm Bia Giao Ước về Yêrusalem, David nhảy mừng như một chú bé trước  Nhan Đức Chúa. Ông đã không thấy mình là cao trọng trước Tôn Nhan Thiên Chúa. Nhờ thế, ông được sử sách về sau coi như là Vua thánh David, cho dù cuộc đời khi về già của ông cũng lắm tật.  Ông cũng cảm thấy áy náy khi ở nhà bằng gỗ bá hương ( loại gỗ quý  tại Liban ) trong lúc Hòm Bia Thiên Chúa phải đặt trong lều nên muốn xây dựng một thánh điện cho Thiên Chúa. Thiên Chúa và quân vương là đối tác bất phân ly trong cai trị đất nước theo quan niệm bấy giờ. Thế nhưng, một yếu tố mà tới thời điểm nầy mới xuất hiện rõ nét lần đầu trong lịch sử Kinh Thánh: Ngôn sứ .
 
Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ để bày tỏ ý định Ngài từ trước, nhưng nay mới thể hiện rõ. Nathan xuất hiện trong bối cảnh đó. Không có tường thuật nào nói Thiên Chúa kêu gọi ông ra sao, nhưng thấy ông đột ngột xuất hiện như vị linh hướng cho David. Ông cho biết :  Thiên Chúa chúc lành cho ý tưởng của David và Ngài cho ông biết Ngài hiện diện trong  mọi nơi y như xưa kia mặc khải cho Môsê “ Ta là Đấng Hằng Hữu ”. Chính Ngài đã cân nhắc David từ chú bé chăn chiên ngoài đồng nên vị vua. Ngài đã chúc phúc cho dòng tộc ông và Ngài cho từ dòng dõi ông người xây dựng được Ngôi Đền Đức Chúa. Điều nầy ứng nghiệm nơi nghĩa đen, khi Salomon hoàn thành xây đền thờ Yêrusalem. Thế nhưng với biến cố lưu đày tại Babylon thời vua Nabucho, đền thờ bị phá hủy thì lời giao ước của Thiên Chúa biến đi đâu ? Thật ra, phải đến khi Đức Yêsu  Kitô đến, lời hứa của Thiên Chúa cùng David mới trở nên thành tựu trọn vẹn. Tin Mừng nhiều lần nhắc đến người ta gọi Ngài là “ Con vua David ”. Ngài chính là Đền Thờ Đức Chúa trong ý nghĩa tuyệt đối nhất .
 
Cũng như David, nhiều khi chúng ta nổi hứng, muốn làm một cái gì cho Thiên Chúa, nhưng thật ra Thiên Chúa đã đi trước chúng ta. Ngài đã ban ơn cho chúng ta trước khi chúng ta có mảy may ý tưởng phụng sự Ngài. Kinh tiền tụng trong thánh lễ hướng dẫn cho chúng ta biết rằng: Khi chúc tụng Thiên Chúa, chúng ta không làm cho Danh Thánh Ngài hiển thánh hơn, nhưng nhờ đó mà chúng ta được hồng phúc của Ngài. Hơn nữa, Ngài còn không muốn chúng ta xây cho Ngài những đền đài bằng vật chất cho bằng  ngôi đền thiêng liêng nơi con người đổi mới của chúng ta. Thánh Phao lô xác quyết : “ Anh em là đền thờ của Thánh Thần ” . Đã là nơi Thiên Chúa ngự thì thân xác các anh chị cũng như chúng tôi không còn là của mình nhưng là của Thiên Chúa, đừng hạ phẩm giá đền thờ nơi mình cũng như của người khác .
 
Triều đại David là thời kỳ thịnh trị. Các bài thánh vịnh nói lên tình yêu của Thiên Chúa  cũng như những bài tụng ca ngợi khen Danh Thánh Ngài chủ yếu xuất hiện trong thời kỳ nầy. Ngày nay, các thánh vịnh nầy vẫn được sử dụng thường xuyên trong các nghi thức phụng vụ, đặc biệt là trong thánh lễ. Các anh chị có thể tham khảo thêm trong sách Thánh Vịnh của Cựu ước. Tương truyền rằng đa số các thánh vịnh nầy  là do vua David viết cũng như sách khôn ngoan là của vua Salomon. Chúng ta không cần thiết phải tin như thế, thường thì do nhiều tác giả viết nhưng vẫn lấy tên vua nầy vua kia cho long trọng. Vấn đề nầy cũng thường thấy trong các nền văn hóa khác .
 
2.3. Thân phận con người
 
2.3.1 Con người tội lỗi.
 
Nhi nữ tình trường , anh hùng khí đoản ;  anh hùng khó qua ải mỹ nhân . Kinh nghiệm ngàn đời nầy hầu như chính xác. David cũng vậy. Trong một buổi chiều đi bách bộ trên sân thượng, ông nhìn thấy một người đàn bà đẹp đang tắm. Đó là Bethsheba ,vợ của Urigia , một tướng thuộc cấp. Với quyền thế trong tay, ông không khó chiếm hữu bà trong khi chồng đang ở tại mặt trận. Phát hiện có thai, bà hốt hoảng báo tin cho David. Sau khi tính kế, David cho vời Urigia từ mặt trận về, để âm mưu xóa tan bằng chứng ngoại tình. Urigia là người nghiêm cẩn giữ luật: Trong khi mang nhiệm vụ không được gần về nhà, suốt đêm ông chỉ quanh quẩn trong của đền vua. Thấy không ổn, David đưa mật thư cho Yoab, chủ tướng của Urigia, bố trí ông nầy vào vị trí nguy hiểm nhất và không cho viện quân. Thế là sau ma chay, David  đàng hoàng đem bà Bethsheba về làm vợ  và sinh cho ông đứa con ông đã gian dâm .
 
Âm mưu tàn độc của David không che được mắt Đấng Chí Công: Ngôn sứ Nathan tiến đến gặp David, kể ông nghe một câu chuyện và yêu cầu David thẩm định. Câu chuyện như sau: Có hai người ở chung một thành, một người giàu có tột cùng, lắm chiên bò; một người cùng khổ chỉ có một con chiên cái nhỏ ông đã mua. Người nầy yêu mến con chiên cái mình vô cùng, cho ăn chung, ngủ chung. Có người khách kia đến thăm ông nhà giàu, tên nầy tiếc của không làm thịt bò chiên mình mà bắt con chiên của người nghèo làm thịt đãi khách. Vừa nghe tới đây, David bừng bừng nộ khí tuyên án ngay tên nhà giàu thật đáng chết. Nathan nói thẳng ngay vào mặt ông: “ Kẻ đó chính là ngài ”.Ngôn sứ Nathan quất thẳng vào mặt David. Những gì che giấu sẽ được phơi bày trước ánh sáng.
 
Câu chuyện nầy của David chúng ta hiểu thế nào ?
 
Tội của David giúp ta suy nghĩ về tình trạng yếu đuối và đồi bại mà ngay cả những người làm bạn với Thiên Chúa cũng có thể sa vào. Thiên bi tình sử nầy cho thấy Kinh Thánh là Lời Mặc Khải của Thiên Chúa cho chúng ta theo một nghĩa mạnh mẽ không che đậy sự thật cho dù đối tượng nói tới được ví như một vị vua thánh. Khi suy gẫm Kinh Thánh, chúng ta học cách nhận biết Thiên Chúa và nhận chân chính thân phận con người đang mang trong ánh sáng của Ngài. Là phàm nhân thì không khỏi có tội và cần vị Cứu Tinh do Thiên Chúa gởi đến.
 
Chúng tôi không nhấn mạnh chuyện Thiên Chúa ra tay trừng phạt David thế nào dưới nhãn quan các nhà soạn tác. Thiên Chúa là Đấng chậm tức giận và đầy lòng khoan nhân. Ngài không bao giờ lấy tội ác để đối chọi lại tôi ác. Không thể hình dung ra Thiên Chúa giết con của David và Bethsheba vì tội họ, càng không thể Ngài để cho con cái nhà David loạn luân và tương tàn nhau, phản loạn cùng cha. Cảnh mà các soạn tác kể lại cho chúng ta xãy ra phổ biến trong vương triều của tất cả các nền văn minh nhân loại. Từ Ai Cập đến Lưỡng hà, Ấn Độ đến Trung Hoa, châu Âu châu Á rồi châu Mỹ … những câu chuyện loạn luân tương tàn, tranh đoạt vương quyền  mà làm những chuyện thương luân bại lý vô số.  Những chuyện vừa đề cập nhan nhãn trong lịch sử nhân loại. Ngay tại Việt Nam chúng ta vào thời nhà Lý, thời được ca tụng là phong hóa đạo đức nức sử xanh, nhưng khi vua mới nằm xuống, các hoàng tử đã đem quân tranh ngôi ngay trước quan tài cha, chỉ đến khi Lê Phụng Hiểu chém chết một vị mới bảo vệ được vương quyền cho thái tử.  Có thể nói rằng : chính sự dữ từ khi con người  lựa chọn  làm bản chất, đã gây nên những chuyện đó chứ không phải Thiên Chúa. Tuy nhiên, qua các biến cố hằn sâu nầy trong lịch sử, soạn tác xem như sự công bằng của Thiên Chúa. Kinh Thánh nói lên sự thật là ngay từ khởi nguyên Thiên Chúa muốn con người sống trong sự công chính. Thế nhưng các nhân vật trong dân được tuyển chọn, không phải lúc nào cũng tốt lành hơn những người không biết Chúa, thế nhưng tội lỗi thì biết rõ không kém cạnh ai .
 
2.3.2 Thiên Chúa nhân lành .
 
Nghe ngôn sứ Nathan hạch tội, David thật lòng sám hối, nhận ra mình đã dám xúc phạm đến Đức Chúa. Ông đã thành khẩn ăn năn tội đã phạm. Thánh vịnh 50 gợi nên lòng hối hận của ông đến muôn đời. Có lẽ điều đáng khen trong thái độ vua David là ông đã khiêm tốn chấp nhận  mọi thử thách Thiên Chúa đưa đến để cảnh tỉnh ông. Thành thật mà nói, mãi rất lâu về sau khi đọc lại đoạn văn nầy, chúng tôi mới nhận thấy việc Thiên Chúa cất đứa bé con David và Bethsheba gian dâm là một hành vi thương xót,  như bằng chứng Ngài đã tha tội cho ông. Thiên Chúa đã không để đứa bé vốn sinh ra trong mầm tội, sống với ông bà như là một bằng chứng luôn nhắc nhở tội ác tầy trời ông bà vấp phạm suốt ngày trong đời. Cả bản thân đứa bé cũng sẽ không lớn lên trong cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh vì tội lỗi không do nó gây nên. Ngài đã mang nó về để hưởng lòng thương xót của Ngài . Chính điều nầy lý giải làm sao David đang ăn chay nằm đất, không ăn uống lại đứng lên sinh hoạt bình thường sau khi chú bé qua đời. Thiên Chúa đã ban cho ông bà một người con khác để kế vị, Salomon, lòng độ lượng của Ngài còn lớn hơn những gì ông đã phạm và biết sám hối .
 
Đây cũng chính là sứ điệp Thiên Chúa muốn nói với chúng ta ngày hôm nay khi ban chính Con Một của Ngài cho chúng ta, như là bằng chứng lòng thương xót vô biên. Một khi chúng ta vấp ngã, dù tàn tệ đến đâu, nhưng biết ngước nhìn lên Thập Giá của Đức Yêsu Kitô, thì ơn Ngài tuôn đổ dư tràn để mang chúng ta về sum họp trong Ngài .
 
3 . Từ Salomon đến thời lưu đày Babylon .
 
David chiếm đươc Yêrusalem, vào khoảng năm 1000 AJ. Tiếp nối ông là Salomon, băng hà năm 931 AJ. Sau đó, vương quốc bị phân chia. Miền Bắc gọi là Israel, gồm mười chi tộc, thủ đô là Samari và mất nước năm 721 AJ. Miền Nam là Yuđa với hai chi tộc. thủ đô là Yêrusalem, mất nước vào năm 587 AJ  vào tay đế quốc Babylon thời đại đế Nabucho Donôsor. Bốn thế kỷ tiếp theo là các thế kỷ quan trọng nhất trong lịch sử thánh, là thời kỳ cao trào của các ngôn sứ được Thiên Chúa gửi đến giữa dân của Ngài. Đa phần Kinh Thánh được viết trong giai đoạn nầy. Giai đoạn lịch sử nầy được biết khá chính xác. Bốn thế kỷ nầy là chứng tích sự thoái suy dần của Israel, từ chính trị đến kinh tế, mặc dù giữa những thời kỳ cũng có đôi lúc thịnh vượng. Thế nhưng ở khía cạnh khác, trước các cơn thử thách và bách hại, lòng tin của dân Israel vào Thiên Chúa đạt tới một chiều sâu với sự tỏa sáng của các ngôn sứ lớn mà chỉ có Đức Yêsu với tư cách ngôn sứ cuối cùng mới vượt qua mà thôi. Các anh chị sau nầy nếu có dịp đọc lại toàn bộ Cựu Ước thì cũng đừng nên quên, đây là lịch sử tôn giáo nên có những biến cố lớn lại không được đề cập kỹ lưỡng mà lại nhấn mạnh những sự kiện khác mang ý nghĩa giáo huấn tôn giáo. Thành thật mà nói, rất ít và rất ít người biết tầm quan trọng giai đoạn nầy, hơn rất nhiều so với các sách Khởi Nguyên và Xuất hành. Các trích dẫn về sau  trong Tân Ước để làm sáng tỏ vai trò Đấng Mêsia, gần như xuất phát toàn bộ từ lời các ngôn sứ trong thời kỳ bốn trăm năm nầy. Rất mong và rất mong các anh chị thu xếp thời gian để tiếp cận, vì cho dù chúng tôi cố gắng lắm cũng không chuyển tải hết các điều muốn trình bày cùng các anh chị .
 
3.1 Triều đại Salomon .
 
Salomon lên ngôi vua, nhờ sự hổ trợ không nhỏ của ngôn sứ Nathan và tư tế Sađốc, sau khi loại trừ các âm mưu phế lập của các quyền thần. Salomon nổi tiếng là người cực kỳ khôn ngoan, đến nổi trước ông và sau ông, không thể có người qua măt . Trình thuật nói ông khôn ngoan do được Thiên Chúa ban khi xin cho được “ một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái ”. Một trong những điều nói lên sự khôn ngoan của ông còn lưu truyền là việc phân xử vụ án tráo con nổi tiếng trong sử sách . Các anh chị có thể xem tại 1V 3,16-27 .
 
 Salomon là ông vua đa tài từ văn học nghệ thuật, thi từ ca phú cho đến quản trị, từ kiến trúc xây dựng cho tới giao dịch thương mại bao gồm cả ngoại thương,  từ việc binh bị cho đến ngoại giao. Trong chuyện 1001 đêm nổi tiếng cũng có nhắc đến ông như một vị thần lớn đã đóng triện ( lá bùa ) giam ông thần trong chiếc chai mà người ngư phủ nghèo tìm thấy. Tương truyền, Sách Khôn Ngoan cũng là một trước tác của ông.
 
Công việc đầu tiên khi lên ngôi là xây dựng ngôi đền cho Đức Chúa. Yêrusalem, được kể như là một tuyệt tác nghệ thuật xây dựng cổ đại. Đến đây thì cũng xin nói lại với các anh chị phần đã đề cập bên trên, là Đức Chúa không cần đền thờ nhưng chính người dân cần với những lý do :
 
-  Bày tỏ lòng chân thành tôn vinh Thiên Chúa bằng cách xây ngôi đền thật hoành tráng, đền thờ do đó được gọi là Nhà Đức Chúa .
 
-  Chứng minh sự thịnh đạt của Israel, con dân cảm thấy tự hào vì có một ngôi đến kỳ vỹ không kém các ngôi đền xứ khác
 
           - Nổi mong mỏi được cảm nhận Thiên Chúa hiện diện giữa dân để bảo vệ họ mặc dù Ngài không ở bất kỳ ngôi đền nào tại toàn thể vũ trụ .
 
Thế nên khi đền thờ bị phá hủy thì không phải Ngài không hiện diện với dân nhưng là hiện diện với họ theo nghĩa sâu hơn .
 
3.2 . Mây đen trên vương quốc Salomon .
 
Trong Kinh Dịch có câu “ Vật cực tất phản ” Cuộc đời Salomon cũng thế. Ông quên khuấy lời cầu xin với Đức Chúa ngày mới lên ngôi về sự khôn ngoan của người trị dân. Cái nguyên tội nằm ngay trong con người khi có cơ hội là bùng lên ngay. Sự giàu sang phú quý làm Salomon cảm thấy kiêu hãnh. Các bà vợ ngoại giáo từ các cuộc hôn nhân vương giả của vua được mang về Israel, cùng các thầy cúng và lối tế tự ngoại giáo,  lôi kéo cả nhà vua lẫn một số dân chạy theo lối tôn thờ ngẫu tượng, vật chất mà quên đi giao ước. Cám dỗ của nhà lãnh đạo là thế. Ngôn sứ Akhigia đã theo lời sấm trao cho Yêrôbôam mười mãnh vải áo tượng trưng mười chi tộc cho ông cai trị. Nhờ công nghiệp David, dòng họ ông còn tồn tại với hai chi tộc. Một điềm báo trước sự suy vong của Israel .
 
III. Nam – Bắc phân khai.
 
1. Cuộc ly khai chính trị và tôn giáo.
 
Tại đại hội chuẩn bị phong vương cho thái tử tại Sikhem, Robôam, kẻ nối nghiệp Salomon đã làm chuyện dại dột khi ham thích sự xa hoa đã được hưởng từ xưa, trong lúc dân chúng chịu cảnh sưu cao thuế nặng. Ông khước từ  người dân khi họ đề nghị bớt sưu  thuế. Cuộc chính biến do Yêrôbôam cầm đầu tách hai nước mà phần lớn hơn thuộc về ông, mang tên Israel. Nhận thấy người dân vẫn tuôn về Yêrusalem để hành lễ, Yêrôbôam sợ lòng người ngã theo Yuđa nên ông cho lập một tế đàn tại Bêthel và làm ngẫu tương  Bò vàng ( hình ảnh Thiên Chúa của người Canaan) và đặt để các tư tế mình chọn. Ông buộc dân phải đến đó thờ lạy vị thần nầy thay vì Đức Chúa  Hậu quả thế nào thì các anh chị cũng có thể đoán ra, ông và dòng tộc ông không có cơ hội tồn tại trong các cuộc lật đổ sau nầy khi thực hiện chuyện tệ hại tại Bêthel .
 
            Chiêu bài nầy vẫn thường được các nhà cầm quyền sử dụng: Từ nước Anh đến Pháp rồi cận đại nhất là Trung Quốc và một số các quốc gia khác, nhà cầm quyền vẫn muốn chia tách Giáo Hội Công Giáo thành những giáo hội khu vực thuộc quyền lãnh đạo họ cho dễ sai khiến. Nhiều tín hữu đã bị hại vì giữ lòng trung thành với Mẹ Hội Thánh duy nhất, nhiệm thể của Đức Kitô.
 
2. Ngôn sứ, ngài là ai ?
 
Đến đây, chúng ta tạm ngắt diễn tiến để đề cập đến một yếu tố cực kỳ quan trọng trong lịch sử ơn cứu độ, đó là các ngôn sứ, hay thường được đề cập là các tiên tri. Tiếng Hipri gọi các vị nầy là Nabi, tiếng gốc có nghĩa là loan báo, được gọi. Cả hai nghĩa nầy đều nói lên điều cốt yếu ngôn sứ của Israel là như thế nào.
 
Một ngày nào đó trong đời, ngôn sứ được Thiên Chúa kêu gọi, đặt Lời của Ngài nơi miệng họ và họ đã không thể cưỡng lại. Họ được chọn làm sứ giả của Ngài, được sai đi để nói lên ý định Thiên Chúa và để họ trở nên “ dấu chỉ ”. Họ nói tiên tri không chỉ bằng lời, bằng hành động, mà bằng cả cuộc sống của họ. Chúng ta có các bằng chứng sinh động nầy : Cuộc hôn nhân đau đớn của Hôsê là một biểu tượng, Isaya phải dạo quanh trần truồng để làm 1 dấu hiệu, cuộc đời Yêrêmia là một giáo huấn, khi Ezêkiel thi hành các mệnh lệnh kỳ lạ của Thiên chúa, ông là dấu cho nhà Israel.
 
Tín thư Thiên Chúa đến với ngôn sứ bằng nhiều cách, trong một thị kiến như Isaya hay Ezêkiel, Daniel… nhưng không phải là thị kiến ban đêm bởi nghe được   (không nằm mơ ).Tuy nhiên, thường xuyên hơn là bởi sự linh ứng bên trong, đôi lúc rất bất ngờ nhưng cũng đôi lúc rất thường tình. Ngược lại, ngôn sứ loan truyền tín thư cũng rất đa dạng, có thể là các vần thơ trữ tình, văn xuôi, các dụ ngôn hoăc các câu sấm, châm biếm, ai ca… phần lớn tùy thuộc tính khí, tài năng của từng vị. Điểm chung là các ngôn sứ đều có ý thức rõ rệt mình chỉ là công cụ. Xác tín rằng họ lãnh nhận lời từ Thiên Chúa, họ phải rao truyền.
 
          Tín thư các ngôn sứ hiếm khi đến một cá nhân như trong trường hợp Nathan và David, nhưng được ngõ cùng toàn dân. Tín thư thường liên quan đến hiện tại và tương lai. Ngôn sứ có thể thông báo  một biến cố sắp đến như dấu chỉ mà sự thể hiện chứng nhận cho lời nói và sứ vụ của họ. Họ báo trước họa tai như hình phạt lỗi lầm họ công kích và giải thoát như phần thưởng của sự trở lại. Tín thư mang tính lưỡng diện, vừa nghiêm khắc, vừa trấn an,vừa cứng cỏi đe dọa lẫn trách móc đến độ người ta coi dấu nghiêm khắc nầy như dấu chứng thực cho lời tiên tri là đích thực.
 
Ngôn sứ có ý thức mình tuyên sấm nhân danh Thiên Chúa, nhưng làm sao nhận ra, làm sao biết đâu là ngôn sứ thật, đâu là giả vì quả thật có nhiều ngôn sứ giả. Thánh kinh có hai tiêu chuẩn để phân biệt :
 
-         Lời tiên tri được ứng nghiệm ( Iz 28, 9 ; Tl 18, 22 )
-         Phù hợp giữa giáo huấn loan báo với giáo lý của đạo Yahvê ( Yr 23,22 ; Tl 13,2-6).
         
           Như thế, Thứ luật cho thấy, ngôn sứ là một thể chế, được tôn giáo chính thức nhìn nhận. Tóm lại, ngôn sứ là một người có kinh nghiệm trực tiếp về Thiên Chúa, đã lãnh nhận mặc khải về sự thánh thiện và ý định của Ngài, phê phán hiện tại và thấy trước tương lai qua ánh sáng của Thiên Chúa và được Ngài sai đi để nhắc nhở cho con người những đòi hỏi của Ngài, đưa họ về con đường vâng phục và yêu mến Ngài. Hiểu như thế thì ngôn sứ có những điểm giống với hiện tượng tôn giáo của các tôn giáo khác, nhưng vẫn là một hiện tượng riêng của Israel, là một trong những phương thức quan phòng của Thiên Chúa trong việc dẫn đắt dân được tuyển chọn.
 
2.1 Phong trào các ngôn sứ.
 
          Môsê được xem như là vị ngôn sứ hàng đầu nếu như đánh giá theo tính chất trên và nhiều người thừa hưởng ân huệ làm ngôn sứ từ ông không thiếu trong lịch sử Israel mà khởi đầu là Yôsuê, Deborath, Samuel … Đến lúc nầy thì tinh thần ngôn sứ được phát triển thành một nhóm người được thần hứng rồi biến thành một cộng đoàn “ Anh em ngôn sứ ”, sau đó, hiệp hội ngôn sứ nầy biến đi. Ngoài các cộng đoàn nầy, còn xuất hiện những nhân vật nổi bật khác như Gath, ngôn sứ của David, Nathan, Akhiya, Yêhu, đặc biệt với hai dung mạo lớn được Sách các vua dành nhiều tường thuật là Êlia và Êlisa. Các tiên tri nầy được biết đến nhờ các bản văn tường thuật việc họ can thiệp trong những giai đoạn khủng hoảng đi trước hay kèm theo những khúc ngoặt lớn của lịch sử dân tộc Israel : Mối đe dọa của Assur và sự sụp đổ của vương quốc phía Bắc dưới tên Israel, sụp đổ của vương quốc Yuđa và cuộc lưu đày, cuối lưu đày và hồi hương.
 
        Tín thư của các ngôn sứ trong giai đoạn nầy có tầm mức rộng lớn  nên đã được ghi chép lại và tiếp tục có ảnh hưởng. Amos được biết đến như ngôn sứ đầu tiên trong loai nầy. Ông hoạt động vào khoản bán thế kỷ VIII  AJ, tức khoản 50 năm sau khi ngôn sứ hay làm phép lạ Êlisa qua đời. Phong trào các ngôn sứ lớn kéo dài cho đến thời lưu đày, khoản 2 thế kỷ và được đánh dấu bởi các khuôn mặt lớn của Isaya, Yêrêmia, Hôsê, Mica, Nahum, Sôphônia, Habacuc, Ezêkiel…
 
          Với Ezêkiel tiếp nối sứ vụ của Yêrêmia thời lưu đày, văn ngôn kém phần hùng hồn nhường chổ cho các thị kiến vĩ đại nhưng phức tạp, mối quan tâm ngày mỗi lớn về thời sau hết. Mạch văn khải huyền do Ezêkiel khởi đầu nầy được trào dâng thêm lần nữa với các ngôn sứ Yôel, Zacaria rồi tràn vào sách Daniel. Đến đây, nguồn thần hứng ngôn sứ dần cạn kiệt và Zacaria 13, 2-6 cho thấy sự mai một của thể chế ngôn sứ nhưng một thời mới sẽ đến với lời của tiên tri của Yôel 3, 1-5: Thánh Linh được đổ tràn vào thời Cứu Độ. Thời mới nầy được Yoan tẩy giả, vị ngôn sứ cuối cùng của Lề Luật Củ loan báo.
 
2.2 Giáo lý các ngôn sứ.
 
           Các ngôn sứ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tôn giáo của Israel. Các ngài gìn giữ, hướng dẫn dân trong con đường của Đức Chúa một cách đích thực. Chính các ngài là Mặc Khải tiệm tiến của Yahvê. Mỗi vị đã có một vai trò riêng biệt, phương thức đóng góp riêng, cho lâu đài giáo lý nầy. Sự đóng góp phối hợp nhau theo 3 hướng chính : Độc thần, nền luân lý Cựu Ước, sự chờ đợi Ơn Cứu Độ.
 
2.2.1 Độc thần.
 
          Israel chỉ đi đến một định nghĩa Độc thần, bằng cách quả quyết về sự hiện hữu một Thiên Chúa độc nhất và loai bỏ sự hiện hữu các thần linh khác, cách dần dần. Trong một khoản thời gian dài, người ta có ý tưởng chấp nhận các dân tộc khác có thần khác nhưng họ không quan tâm vì Israel chỉ nhìn nhận có duy nhất Yahvê, quyền thế hơn các thần khác, và là Đấng chỉ chấp nhận cho Israel tôn thờ một mình Ngài. Sự biến chuyển từ ý tưởng là có thể có các thần của các dân khác, đến duy nhất có một Yahvê Thiên Chúa, là thành quả của việc rao giảng của các ngôn sứ.
 
         Amos trình bày Yahvê điều khiển mọi sức lực thiên nhiên, làm chủ trên con người và trên mọi biến cố. Các ngôn sứ khác, trong khi nhấn mạnh đến mối liên lạc giữa Yahvê và dân người, cũng cho thấy Ngài hướng dẫn vận mệnh của các dân tộc khác và sử dụng họ như khí cụ. Tất nhiên, Ngài cũng không lệ thuộc Israel.
 
        Yahvê, chủ vũ trụ, không để chỗ cho các thần khác. Các ngôn sứ quả quyết sự bất lực của các thần giả ( Êlia và cuộc thi trên núi Carmel ) và tính chất hư vô của các thần tượng. ( Hs 2,7-15 ; Yr 2, 5-13, 27-28; 5,7 ; Ys 40,10-20…) Thiên Chúa là Đấng siêu việt và các ngôn sứ đã rao giảng tính siêu việt nầy khi nói Ngài là Đấng Thánh, vượt trên con cái loài người nhưng lại rất gần bởi lòng nhân từ và yêu thương. Sự gần gủi nầy là đề tài ưa thích của Isaya, Hôsê, Yêrêmia, Ezêkiel…
 
2.2.2 Nền luân lý.
 
          Đối chọi với sự thánh thiện của Thiên Chúa là sự nhơ uế của con người và trong sự tương phản nầy mà các ngôn sứ  có ý thức sâu sắc về tội lỗi. Nên luân lý nầy đã ghi khắc trong Thập giới và rồi các tiên tri không ngừng réo gọi lên :
 
-         Tội lỗi làm con người xa Thiên Chúa ( Ys 59, 2 )
 
-         Tội lỗi phạm đến Thiên Chúa công bằng ( Amos ) với Thiên Chúa tình thương ( Hôsê ) tới Thiên Chúa thánh thiện ( Ysaya )
 
         Yêrêmia cho thấy toàn dân đã chìm trong tội lỗi không phương hối cải và Ysaya thấy rằng tội lỗi tất yếu kéo đến hình phạt và sự phán xét trong “ Ngày  của Yahvê ”. Đối với Yêrêmia, họa tai là dấu của lời tiên tri đích thực, tội lỗi tập thể kéo theo hình phạt tập thể. Tuy vậy, việc thưởng phạt cá nhân cũng bắt đầu được ông đề cập và được quả quyết với ngôn sứ Ezêkiel. 
 
         Để tránh hình phạt, phải “ Tìm kiếm Thiên Chúa”, nghĩa là thi hành các phán quyết của Ngài, đi theo đường chính trực, sống trong khiêm nhường. Điều Thiên Chúa đòi hỏi, là lòng đạo, tôn thờ bên trong. Điều nầy được Yêrêmia nêu lên như điều kiện của giao ước mới ( đề cập rõ trong Cựu Ước ). Nói chung, các ngôn sứ cực lực chống đối mọi tinh thần vụ nghi lễ hình thức bên ngoài, xa lạ với đời sống luân lý.
 
2.2.3 Chờ đợi Ơn Cứu Độ.
 
          Hình phạt không phải tiếng nói sau cùng của Thiên Chúa, Đấng hoàn tất những gì Ngài đã hứa, mặc dù các bội phản của dân. Ngài sẽ tha cho một số sót thoát khỏi hiểm họa và được cứu thoát. Nhóm nầy trong mỗi giai đoạn là mầm mống cho Dân Thánh tương lai được hứa ban (Ez). Tương lai ấy là một thời thịnh trị vật chất, nhưng sự thịnh vượng nầy chỉ là phần phụ kèm theo cho việc thiết lập Nước Thiên Chúa trong bầu khí Công chính, Thánh thiện, sự trở lại bên trong và ơn tha thứ của Thiên Chúa.
 
        Để thiết lập và cai trị Nước của Ngài trên mặt đất, Yahvê sẽ có một người đại diện, Người sẽ được xức dầu ( Mêsia ). Mêsia thuộc dòng tộc David, xuất phát từ Bethlehem và Ngài sẽ lãnh nhận những tước hiệu cao cả nhất. Thần Khí Yahvê đậu trên Ngài. Sẽ là Emmanuel đối với Isaya,  Yahvê là đức nghĩa của chúng ta  đối với Yêrêmia, là Tôi trung của Thiên Chúa với Ysaia II, là Mục tử nhân lành…
 
        3. Đôi nét về lịch sử Israel ( Bắc quốc )
 
Mười bộ tộc Bắc và Trung phần Palestin hình thành nước Israel. Về mặt chính trị  có mối tương quan khá phức tạp với các lân quốc về binh bị cũng như giao thương. Các bộ tộc không có tính thống nhất cao nên thường có các cuộc đảo chính. Về tôn giáo, họ không có Đền Thờ trung ương, hàng tư tế chính thống cũng không. Vương quốc nầy kết thân với xứ Tyr về kinh tế và hôn nhân nên làm bành trướng  việc sùng bái các thần Baal. Các ngôn sứ đã đứng lên phản ứng kịch liệt cuộc suy thoái về mắt tôn giáo và đả kích thậm tệ các vua. Êlia và Êlisa là hai dung mạo đặc biệt thời nầy. Tiếp đến là một loạt các ngôn sứ khác như Amos, Hôsê … Chính Êlisa đã làm một cuộc cải cách mạnh mẽ về tôn giáo tại Israel bằng cách phong vương cho Yêhu . Tuy nhiên cuộc cải cách nầy không kéo dài lâu sau khi vị ngôn sứ nầy qua đời. Đến thời kỳ đế chế Assur hùng mạnh lên, Israel bị thôn tính và bị lưu dày vào năm 721 AJ
.
5.1 Ngôn sứ Êlia .
 
Khi nói đến thời Nam Bắc triều nầy của Israel, không thể không nhắc tới vị ngôn sứ nổi tiếng mà cho đến nay người Do Thái vẫn mong đợi ông trở lại để dọn đường cho Đức Mêsia . Ông là ai mà ngay Tin Mừng cũng đề cập đến và đặt ngang hàng với Môsê?
 
Akhab con Omri làm vua cai tri Israel  từ năm 874-853 AJ. Vua nầy có mối quan hệ khắng khít với xứ sở người Tyr và Siđôn mà chúng ta biết dưới tên người Phênici . Mối quan hệ nầy mang lại một thời kỳ thịnh vượng cho Israel về kinh tế cũng như quân sự. Thế nhưng, đỉnh cao danh vọng nầy lại mang đến một cuộc khủng hoảng đức tin . Căn bản của mối giao hảo nầy là cuộc hôn nhân giữa Akhab và Jezabel, ái nữ vua xứ Siđôn. Vị hoàng hậu nầy dùng ảnh hưởng của mình làm bành trướng việc sùng bái các thần Baal trong xứ sở. Bà cũng không ngần ngại truy diệt các ngôn sứ  của Đức Chúa là những người đối địch với các cộng đoàn  theo các Baal .
 
Thiết tưởng cũng nói thêm với các anh chị đôi chút về thứ tôn giáo làm mê hoặc lòng người thường hay đề cập trong Kinh Thánh. Các thần Baal là thần của sự sống, giới tính, mua gió và thời tiết. Dân chúng tin rằng các vị thần nắm quyền sinh sản nên họ cầu khẩn họ bằng cách quan hệ với các cô gái điếm đã được dâng hiến cho các vị thần. Trong Kinh Thánh khi nói từ làm điếm chỉ tội hoang dâm và lìa bỏ Thiên Chúa mà đi điếm đàng với các vị thần. Tôn giáo nầy không sai lầm khi ca tụng sự sống  và coi sự sống là thiêng liêng nhưng nó chỉ dừng lại tại mức độ bản năng mà thôi. Đây là thứ tôn giáo phồn thực thường bắt gặp trong những xã hội sơ khai khi con người muốn tăng dân số. Tại Việt Nam chúng ta cũng đã từng hình thành loại tôn giáo bán khai nầy như tục thờ “ Nõn Nường ”. Các anh chị có thể tham khảo trong Tín Ngưỡng Viêt Nam của cụ Toan Ánh .
 
Trong bối cảnh đó thì Êlia xuất hiện bênh vực mạnh mẽ lòng tin vào Đức Chúa. Ông tuyên sấm hạn hán trong toàn xứ không có mưa và sương móc cho tới khi ông ra lệnh nhân danh Đức Chúa. Lời tuyên bố mạnh mẽ đánh vào sự thịnh vượng nhưng vô đạo của Israel dưới sự cai trị của Akhab và Jezabel. Sau đó  ông bỏ đến xứ Sarepta. Tại đây ông cư ngụ trong nhà một bà góa nghèo cùng con trai bà. Êlia đã làm hai phép lạ có ý nghĩa quan trọng như một sứ điệp loan báo các dấu lạ sau nầy Đức Yêsu thực hiện với cương vị Mêsia là bánh hằng sống và nước trường sinh : Đó là phép lạ bột và dầu ăn không vơi cho đến khi hết hạn hán và phép lạ hồi sinh cho con bà. Đây là dấu lạ hồi sinh đầu tiên nói trong Kinh Thánh .
 
Khi nạn đói kém đang hoành hành Samari thì Êlia đến gặp Akhab theo lệnh Đức Chúa. Akhab mắng ông là người mang họa cho xứ sở nhưng Êlia cho biết chính nhà vua đã bội ước cùng Đức Chúa nên mới gây ra họa hoạn khôn lường. Để minh định Đức Chúa là Đấng Tối Cao, ông đưa ra cuộc thách đố giữa ông và  tư tế của các thần Baal tại núi Carmel, tổ chức một cuộc tế lễ cho thần mình tôn thờ. Lửa toàn thiêu sẽ quyết định ai là chân thần  ai là tà thần để dân Israel chọn lựa. Quyết không để dân  “khập khiễng ” không rõ ràng . Hy lễ trên núi Carmel là một trong các lần tỏ hiện vĩ đại của Thiên Chúa trong Cựu Ước làm thức tỉnh cả dân tộc đang thờ ơ lãnh đạm . Toàn đân tụ họp tại Carmel theo lời gọi. Đôi bên có của lễ như nhau là một con bò. Lửa tự trời thiêu rụi của ai, thì đó là Thiên Chúa. Phía các Baal và Ashêrad, có hơn 850 tư tế đang hưởng lộc của Jezabel tham gia cuộc thách đấu. Thế nhưng kêu cầu mãi mà chẳng thấy tăm hơi dưới sự cười nhạo châm biếm của Êlia.  Thậm chí họ lấy dao tự đâm làm đổ máu mình cũng chẳng có tác dụng. Đến lượt mình, Êlia lễ vật đặt trên 12 phiến đá tượng trưng cho các chi tộc, đào đất làm mương chung quanh. Dân chúng tự tay tưới nước ướt đẫm lên lễ vật cũng như củi đốt 3 lần làm đầy mương. Lời nguyện xin cho Danh Ngài Hiển Thánh của Êlia khiến lửa ập xuống thiêu rụi của lễ cũng như toàn bộ củi đá và tiêu hết nước trong mương. Toàn dân thấy thế liền phủ phục  tung hô Đức Chúa và vùng lên thanh toán các tư tế của Baal cũng như Ashêrad, như quyết tâm từ bỏ tà thần của dân chúng.
 
Chúng ta hiểu ý nghĩa ngọn lửa nầy như sau : Lửa có tác dụng tàn phá , thanh lọc và biến đổi ( luyện thép chẳng hạn ) Ngọn lửa tại núi Carmel làm biến đổi dân Israel ngày xưa thì sau nầy Đức Yêsu nói Ngài cũng thanh tẩy và đổi mới chúng ta trong    “Thánh Thần và Lửa”.
 
Sau cuộc đối đầu kịch tính như vậy, Êlia phải bỏ trốn đến núi Khoreb, nơi 400 năm trước Thiên Chúa đã mặc khải cho Môsê, thoát khỏi sự truy sát của Jezabel. Tại đây, Êlia được mặc khải phải làm gì để chiến đấu cũng cố lòng tin của dân. Êlia còn đụng độ với vợ chồng Akhab và Jezabel một lần nẩy lửa nữa nhân chuyện vườn nho nhà ông Nabot. Vườn mất người chết do sự gian ác của Jezabel, Êlia tuyên phán án lệnh Thiên Chúa chó sẽ liếm máu Akhab và ăn thịt Jezabel. Sau nầy quả xãy ra như thế. Câu chuyện Êlia còn nhiều  không thể nói miên man hết. Sau khi truyền lại sứ vụ cho đồ đệ là Êlisa, Sách Thánh nói ông được mang về trời trong cơn lốc. Thật ra thì  Êlia  là vị ngôn sứ cô đơn không vương mùi thế tục nên Thiên Chúa không để ông chết như người khác tương tự như Môsê, không ai biết chết và chôn chốn nào. Cả hai ông là trụ cột của Giao Ước Cũ. Hai ông cũng có những nét tương đồng và cùng xuất hiện trong cuộc hiện dung của Đức Yêsu tai núi Tabor sau nầy. Êlia là điển hình con người “ bị nung nấu bởi lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa ” Thiên Chúa ông tôn thờ .
 
5.2 Ngôn sứ Êlisa và cuộc cải cách thời Yêhu .
 
Êlisa là môn đệ có được“Thần Khí” của Êlia, từ nầy chúng ta sẽ còn gặp lại trong Tin Mừng khi nói về Yoan Tẩy giả . Ông đã nối chí Êlia để cũng cố lòng tin cho dân. Trong trình thuật về các vua Bắc quốc, chúng ta thường thấy hay nói tới vua làm điều dữ trước mắt Thiên Chúa có nghĩa họ đã lạm dụng quyền bính, một ân sủng ban cho người lãnh đạo, quyền nầy chỉ thức sự bền vũng khi có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Bài học David là vậy, ông thấy mình là hèn mọn trong tay Ngài nên dòng tộc của ông được thừa hưởng lòng thương lâu bền. Sau nầy được Đức Yêsu chính danh mạnh mẽ hơn khi nói người làm đầu phải phục vụ anh em. Đạo lý nầy từ trước đến nay mấy ai thực hiện ?
 
Êlisa xuất hiện như một người hay làm phép lạ tuy rằng một số trong đó bị truyền thống dân gian thổi phồng hay làm méo mó đi. Êlisa là một trong các ngôn sứ sống gần gũi người nghèo khổ nên các phép lạ ông thực hiện vẫn còn mang nét đặc thù dân dã, nào là làm dầu của bà góa đầy để trả nợ và sinh sống, cho con người phụ nữ Sunêm sống lại, hóa bánh ra nhiều, chữa lành cho quan của Syrie Naaman, giải độc thức ăn, bắt trọn đám quân định thanh toán ông … Nhưng quan trọng hơn cả là ông đã hậu thuẫn Yêhu làm vua Israel, tiêu diệt các thành phần bất trung từ vua quan đến tư tế các thần ngoại đạo. Hoàng hậu Jezabel vợ của Akhab cũng không thoát tội. Yêhu đã loại trừ các tôn giáo ngoại ban do Jezabel du nhập vào và làm cớ vấp phạm cho dân .
 
Thế nhưng, cuộc cải tổ của Êlisa không kéo dài được lâu khi mà  quyền lực làm mờ mắt các nhà lãnh đạo, đặc biệt là sau khi Êlisa qua đời .
 
Sau thời kỳ Êlisa, triều đại của Bắc quốc còn kéo dài thêm khoản 60 năm với một thời kỳ tương đối thịnh vượng đời Yôram II trị vì. Thế nhưng sự thịnh vượng nầy xây dựng trên sự bóc lột dân chúng. Đây chính là thời kỳ mà ngôn sứ Hôsê và Amos xuất hiện lên án tình trạng bất công tràn lan và báo trước ngày tàn của Bắc quốc Israel gần kề .
 
Năm 721 AJ , Samari thất thủ. Dân cư bị lưu đày đến nơi tận cùng của đế quốc Assur và các cư dân tỉnh xa khác sẽ định cư trên Samari. Đây là chính sách của đế quốc Assur nhằm di dời và pha trộn dân cư tránh nổi dậy. Từ thời điểm nầy, người Samari là dân bị pha tạp chủng tộc và tôn giáo. Dân xứ Yuđa sẽ không bao giờ còn xem họ như người anh em bình đẳng. Đến thời Đức Yêsu, người Samari vẫn là người láng giềng mà không người Do Thái nào muốn tiếp xúc do nghi kỵ .
 
5. Đôi nét về vương quốc Yuđa .
 
Nằm hẻo lánh trong một vùng núi dài khoảng 50 km và ngang 40 km, Yuđa không có thế lực về chính trị hay binh bị. Yuđa trung thành với truyền thống vương triều David, chỉ duy nhất có một lần đảo chính vào thời Athalya và vương quốc tồn tại được bốn thế kỷ. Nhờ có Đền Thờ Yêrusalem và hàng tư tế Lêvy truyền thống, các vua trị vì cũng  thuần phác nên tôn giáo tại Yuđa tương dối vũng chãi. Sách Thánh cho thấy không có tiên tri nào lên án Yuđa nặng nề như Hôsê và Amos tại phương Bắc .
 
Khi Bắc quốc Israel bị thôn tính, Yuđa còn tồn tại nhưng phải làm chư hầu cho đế quốc Assur. Êzêkya, một vị vua sùng đạo, cố gắng cải cách tôn giáo dưới ảnh hưởng của ngôn sứ Ysaya. Đến khoảng 705 AJ, ông vào liên minh chống Assur và Yuđa đã phải trả giá dắt cho hành vi chống đối nầy, thành quách bị triệt hạ, triều cống nặng nề . Sau đó, Yuđa đã có thêm một cuộc nổi dậy nữa nhưng may mắn là Sennakêrib của Assur bị nội loạn  giết chết nên cuộc hãm thành thất bại. Đến thời các vua kế vị là Manasê và Amôn, Yuđa buộc phải hàng phục Assur và chịu ảnh hưởng nặng nề chính trị cũng như tôn giáo .
 
Sau khi đạt đến cực thịnh, Assur bắt đầu suy đồi nên các chư hầu dần dành lại độc lập. Vào khoảng 605 AJ, Vua Yôsya bắt đầu cuộc cách tân tôn giáo . Đây cũng là hình thức tuyên bố độc lập với Assur. Năm 621 AJ  tuyên bố Thứ Luật làm phương châm cho công cuộc cải cách, áp dụng luật Môsê theo tinh thần các ngôn sứ. Áp dụng triệt để việc tập trung tế tự tại Yêrusalem. Công cuộc nầy được sự ủng hộ của ngôn sứ Yêrêmia. Thế nhưng, Yuđa bị lôi kéo vào cuộc chiến với Ai Cập, Yôsya tử trận. Yuđa hết rơi vào tay Ai Cập thì lọt vào túi Babylon.  Công cuộc cải cách tôn giáo bị tan thành mây khói khi tôn giáo Babylon một lần nữa xâm nhập ngay vào chính Đền Thờ Yêrusalem. Lúc nầy ngôn sứ Yêrêmia nổi lên, một mình kháng cứ với sự mê tín của dân. Yuđa ngầm dấy loạn bằng cách liên kết với Ai Cập năm 598 AJ nhưng thất bại . Babylon phát vãn vua  quan và hạng khá giả trong nước về Babylon. Lần thứ hai nổi lên, Babylon làm cỏ Yuđa năm 587 AJ. Vua Sêđêkya bị hành quyết, Đền thờ bị phá hủy, rất đông dân cư bị lưu đày tại Babylon, số khác chạy tản mát sang Ai Cập. Cùng đi với họ có Ngôn sứ Yêrêmia. Yuđa  diệt vong .
 
IV . Lưu đày Babylon ( 587-538 AJ )
 
Thời gian đầu cuộc lưu đày, dân Israel sống trong thất vọng , u uất muốn làm càn.  Tuy nhiên, với truyền thống tôn giáo soi sáng và nhất là trong họ được Đức Chúa cho xuất hiện ngôn sứ Êzêkiel chỉ dạy. Israel ngang qua kiếp nạn mà vẫn sống. Các qui chế tôn giáo củ tan rã thì tại nơi tha phương nầy, họ tổ chức lễ bái không tế tự nhưng bằng ca hát Thánh Vịnh và đọc Sách Thánh ( lúc nầy đã được chép lại một phần) Các anh chị thấy tầm quan trọng thế nào của Thánh Vịnh và Lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh nơi cuộc sống thế nào .
 
Dân Israel trong giai đoạn nầy có dịp nhìn lại lịch sử dân tộc mình dưới ánh sáng Thứ Luật thư, sưu tầm và ghi chép lại các truyền khẩu, các lời sấm các ngôn sứ cùng các tập tục phụng vụ. Đạo Do Thái dần hình thành là một Giáo hội chứ không còn như một dân; như một tôn giáo bị chi phối bởi một cuốn sách : Kinh Thánh . Khi trà trộn với các dân khác, Israel cũng có cơ hội mở rộng tri thức và thấy vũ trụ bao la. Lần đầu xuất hiện vấn đề số phận dân ngoại trong họ .
 
Khoảng năm 540 AJ , Kyrô có những trận thắng liên tiếp trên các dân Tiểu Á làm cho người lưu dày phấn khởi. Một ngôn sứ vô danh nhưng được gán cho tên là Isaia II xuất hiện loan báo thời hạn lưu đày sắp chấm dứt, Sion sẽ được trùng hưng . Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là ông loan báo cho Israel biết quyền năng của Yahveh trên vũ trụ , kế đồ cứu rỗi toàn diện và giá trị thực của nổi thống khổ lưu đày. Quả thế, mùa thu 739 AJ, Kyrô ra sắc chỉ cho phép các dân bị phát vãn hồi hương, thế là hằng đoàn đứng dậy sôi nỗi về cố quốc .
 
V . Đế quốc Ba Tư  ( 538-332 AJ )
 
Sau cơn đại nạn trở về, đoàn người hồi hương cũng phải trãi qua nhiều gian nan trong mối tương quan với thiên nhiên cũng như láng giềng  tại cố quốc gồm nhiều sắc dân. Họ hồi hương theo từng đợt khác nhau và cũng rất vất vả  mới xây dựng lại được một đền thờ khiêm tốn ( 520-515 ). Mãi đến 445 AJ, Nêhêmia mới sử dụng thế lực riêng để xây dựng nên tường thành Yêrusalem .
 
Lòng mộ đạo của người Israel diễn ra cách đặc biệt nhiệt thành trong tế tự và đối với Đền Thờ. Các ngôn sứ trong giai đoạn nầy như Haggai, Zacaria, Malaki nâng đỡ và khích lệ lòng mộ đạo của dân.  Vào một thời gian khó xác định, có lẽ khoảng 398 AJ , đạo Do Thái được hình thành hoàn chỉnh với việc ban hành bộ Thứ Luật mới  cùng với việc san định lần cuối các truyền thống và tập tục Israel .
 
Cùng với việc lập quốc, các nhóm Do Thái khác không hồi hương cũng phát triển như tại Lưỡng hà, Ai Cập  và là nguồn hổ trợ cho dân tại quê nhà. Họ cũng lập thành các nhóm sinh hoạt tôn giáo và tình trạng nầy kéo dài cho đến tận thời kỳ Đế chế Hy Lạp. Có lẽ đây cũng là kinh nghiệm sống tiềm tàng  có thể lý giải phần nào nước Israel ngày nay lập quốc lại được sau gần hai ngàn năm vong quốc .
 
VI . Đế chế Hy Lạp ( 332-142 AJ )
 
Alexandre đại đế vượt cương thổ Ba Tư sau chiến thắng Issos và gần như ngay sau đó toàn đế chế Ba Tư bao gồm Palestin nằm dưới quyền cai trị của Hy Lạp. Sự va chạm giữa văn hóa Hy Lạp và Do Thái giáo chẳng chóng thì chày cũng xãy ra. Hy Lạp dựng nên một nước tại Syrie, một tại Ai Cập. Palestin nằm dưới quyền của Ptôlêmê  Ai Cập nên vẫn tương đối yên hàn giữ đạo theo luật Ezra đã ban hành .
 
Năm 200 AJ, vua Syrie là Antiôkhô II đánh chiếm Palestin. Một số tư tế Do Thái chuộng văn hóa Hy Lạp nên muốn thâu nhận cả thói tục Hy Lạp, trong họ có những kẻ còn tự động xin với vua Antiôkhô IV Êpiphanê là vị vua cổ súy hết mình cho văn hóa Hy Lạp, thay thế luật Ezra bằng luật quốc gia Hy Lạp. Nhà vua chấp thuận. Luật và các tục lệ Do Thái bị bãi bỏ và cấm nhặt. Ngay tại Đền Thờ Yêrusalem cũng có cả bàn thờ kính thần Zeus và cả cử hành các lễ bái tế tự ngoại giáo. Các cuộc cấm cách bách hại một cách gắt gao. Tuy cũng có người bỏ đạo nhưng không ít người cam lòng chịu chết giữ vững niềm tin .
 
Dưới sự điều khiển của anh em nhà Macabê, phong trào nổi dậy vừa có tính chất dành độc lập dân tộc vừa có tính chất tôn giáo gây tổn thất nặng nề cho Syrie bằng các cuộc đánh úp đồng thời với cuộc thanh lọc hàng ngũ Do Thái theo văn hóa Hy Lạp . Cuộc chiến xoay chuyển với lợi thế nghiêng về Israel khi Yônathan lên nắm quyền . Cuối cùng, đến thời Simon ( 143-134 ) thì dành được độc lập .
 
VII . Israel dưới thời dòng họ Hasmônê . ( 142- 63 AJ )
 
Simon và những người kế vị kiêm luôn quyền đạo lẫn quyền đời. Trãi qua giai đoạn mới khôi phục nên rất chú trọng việc binh bị và công việc thế tục cách quá đáng Các người thành tín ủng hộ cuộc đấu tranh chống Syrie vì tôn giáo ngày càng xa rời họ và lập thành một phong trào cổ súy nhiệt thành đối với lề luật. Họ chủ trương tách quyền đạo ra khỏi quyền đời. Tự nhóm nầy hình thành một phái riêng  lấy tên là Biệt phái. Họ xác tín niềm tin vào Sống Lại, Thiên Thần, là niềm tin phổ biến trong Israel .
 
Hàng tư tế quý phái thì lại theo phái Sađốc, lệ thuộc quyền hành chính trị nhưng về đạo lý thì không tin vào sự sống lại, tin các thiên thần. Chúng ta thấy nhân dạng họ khi muốn phản bác Đức Yêsu về việc sống lại bằng cách hỏi ai là vợ của bảy anh em khi sống lai trong Tin Mừng .
 
Cũng trong thời kỳ nầy còn có một nhóm đạo đức khác sống chung với nhau trong khó nghèo và độc thân trong nơi hoang địa. Họ chăm giữ sự trong sạch theo nghi tiết và nghiền ngẫm luật Thiên Chúa. Đó là nhóm Essênien mà kinh sách của họ còn  lưu truyền và mới được khám phá  trong năm 1947 .
 
Sau khi Syrie suy tàn, Đế quốc Rôma nổi lên và len lỏi vào các khu vực phương Đông. Thế nên có thể hiểu anh em nhà Macabê thành công trong cuộc chiến chống Syrie thì một cách gián tiếp lọt vào ảnh hưởng của đế chế Rôma. Sau các cuộc tranh chấp trong nội bộ anh em nhà Hasmônê  Rôma can thiệp. Năm 63 AJ, Pompeius đã  vào Yêrusalem và đến tận nơi Cực Thánh  trong đền thờ. Sau đó thì Rôma chỉ còn cho dòng dõi Hasmônê cầm quyền tôn giáo. Chính trong bối cảnh ấy mà Đức Yêsu, Đấng Mêsia của Lời Hứa xuất hiện mang lại một cục diện mới cho nhân loai.
 
Các bạn , các anh chị thân mến. Thế là chúng tôi đã  trình bày lượt qua lịch sử Ơn Cứu Độ. Mấy mươi thế kỷ huấn luyện và dạy dỗ của Thiên Chúa cho Dân Israel, bốn mươi sáu cuốn sách mà trình bày như thế nầy thì thật quá ư thiếu sót, quá ư giản lược. Tuy thế, chúng tôi kỳ vọng đây chỉ là khúc dạo đầu và hết sức mong muốn các anh chị, dưới tác động của Thánh Thần Thiên Chúa, đọc và tìm hiểu Kinh Thánh. Chúa Thánh Thần ban sự khôn ngoan để các anh chị cảm nhận điều Thiên Chúa nói với từng người chúng ta hôm nay trong hướng dẫn của Mẹ Hội Thánh .
 

                                                Phụ lục : Các ngôn sứ

 
1.      Các ngôn sứ đề cập trong Sách các vua.
 
1.1 Ngôn sứ Êlia : Vị ngôn sứ cháy bỏng lòng yêu Thiên Chúa.
 
      Êlia người xứ Tisbi. Galaad. Không biết Thiên Chúa kêu gọi ông như thế nào. Ông xuất hiện và biến đi cũng thần bí không kém Môsê. Cả hai đều được đề cập đến trong cuộc hiển dung trên núi Tabor, rạng ngời vinh quang của cuộc thần hiện . Êlia đến với Akhab (-853), vua Israel, tuyên sấm chống lại Akhab vì đã bất trung cùng Thiên Chúa bằng án 3 năm không mưa và sương móc, đánh vào cuộc sống phồn vinh mà bất nghĩa cùng Thiên Chúa. Kết thúc của bản án cũng là cuộc quyết đấu không khoan nhượng trên núi Carmel giữa một mình Êlia, đại diện duy nhất cho Đức Chúa và 850 tư tế của Baal và Ashera, để minh chứng cho dân chúng thấy chỉ có Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, ngoài Ngài ra chỉ là những ngẫu tượng. Hành động nầy của ông đánh động dân chúng, để họ xác quyết chỉ có một Yahveh Thiên Chúa là cao cả, để tôn thờ.
 
       Êlia còn được nhắc đến như ngôn sứ chống lại bất công, cường quyền, khi ông tuyên án chết trên Akhab và hoàng hậu Jezabel, vì đã cướp đoạt vườn nho gia nghiệp của Nabót.
 
        Cuộc đời ông cũng là dấu chỉ cho thấy số phận những người theo Đức Chúa phải gian nan nguy hiểm thế nào, khi đối đầu với cường quyền. Jezabel đã cho người truy sát Êlia và ông phải trốn chạy trong 40 ngày đêm đến núi Thiên Chúa là Khoreb. Thần sứ Thiên Chúa được sai đến để nâng đỡ và trao ban lương thực để ông có sức đến Núi của Thiên Chúa. Ông cũng là vị ngôn sứ đầu tiên khi xin Thiên Chúa cứu sống người đã chết, dấu lạ bánh hóa nhiều… Cuối cuộc đời, ông đượcThiên Chúa cất đi và người ta tin ông không chết, sẽ xuất hiện lại để chuẩn bị cho Đấng Messia đến.
 
1.2 Ngôn sứ Êlisa : Ngôn sứ huyền thoại hay làm phép lạ.
 
       Là môn đệ kế thừa của Êlia, Êlisa được nhiều truyền thống đề cập đến như người hay làm dấu lạ, thậm chí còn phóng đại qua các thời kỳ khi nhắc đến hạnh tích của ông. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của Êlisa là công cuộc chấn hưng tôn giáo, tiếp nối tryền thống Êlia. Ông đã ủng hộ cuộc cách mạng của Yêhu, loại bỏ các tà thần và hướng dân tôn thờ Thiên Chúa duy nhất, Thần của cha ông họ. Trong cuộc cải cách nầy, án chết của Jezabel đã thực hiện như sấm ngôn của Êlia. Tuy nhiên, với tính bất trung , khi Êlisa chết, vua quan lẫn dân chúng chỉ chuộng hình thức tôn thờ Thiên Chúa vụ hình thức bên ngoài. Khoảng 50 năm sau, các  ngôn sứ văn sỹ bắt đầu lên tiếng nói của Thiên Chúa mà Amos là người đầu tiên trong số đó.
 
2.      Các ngôn sứ văn sỹ.
 
      Các ngôn sứ tăm tiếng như Nathan, Gath, Akhiya, Êlia, Êlisa thường được nhắc đến trong Sách các vua, Sách Samuel. Bản thân các ngài không để lại lời văn nào. Ngược lại, đến thời Yêroboam II tại Bắc quốc Israel, phong trào các ngôn sứ văn sỹ bắt đầu rộ lên. Amos chính là người khởi đầu.
 
2.1 Amos : Ngôn sứ của sự công bằng.
 
      Amos, người chăn gia súc xứ Tơqua, Nam quốc Yuđa, được Yahveh sai lên Israel để thi hành sứ vụ tại Bêthel và Samari, sau đó bị trục xuất về lại Yuđa. Ông thi hành sứ vụ triều đại Yêroboam II, 783-743, là thời đại vinh quang thịnh trị về mặt con người. Tuy nhiên, dưới nhãn quan của một ngôn sứ, ông thấy đây là một xã hội đầy dẫy bất công và bóc lột. Sự huy hoàng của lễ nghi che dấu sự thiếu sót một lòng đạo đích thực, che dấu một tình trạng sa đọa, đồi trụy.
 
        Sấm ngôn mở đầu của Amos hạch tội các lân quốc Israel, nhưng bất ngờ lớn nhất,  bị án phạt nặng nề lại là Israel. Điều nầy cho thấy làm Dân Thiên Chúa có nghĩa mang một trách nhiệm đặc biệt chứ đâu để hưởng đặc ân ( Am 3,2 ).
 
       Lễ nghi tế tự dù có linh đình long trọng không thay đổi sự thật: Thiên Chúa chí công của vũ trụ, Ngài chuộng sự chính trực, sự thiện muôn thuở, hơn là quyền lợi của Israel, kẻ đang rẻ rúng sự thiện. Án Thiên Chúa sẽ đến trên họ. Đâu có tội, đó có vạ. Chỉ có thể ngăn đại  họa bằng cách chuộng sự lành, loại sự dữ.( Am 5,15 )
 
2.2 Hôsê : Ngôn sứ tình thương.
 
        Hôsê vốn người Bắc quốc, đương thời với Amos. Ông bắt đầu sứ vụ dưới triều Yêrôboam II và các triều vua kế tiếp. Có lẽ ông không chứng kiến sự sụp đổ của Samari  năm 721.
 
        Hôsê nhận sứ vụ trong thảm kịch gia đình. Ông cưới 1 người vợ và bà này đã ruồng bỏ ông để làm 1 điếm thần. Tuy nhiên ông vẫn yêu mến và nhận về lại sau khi đã thử luyện. Kinh nghiệm đau thương nầy trở thành hình ảnh cho cách cư xử của Yahveh với dân của Ngài. Chính Yahveh đã cưới lấy, nhưng Israel đã ăn ở bất trung, hành xử như 1 con điếm, đã làm Yahveh phẫn nộ, ghen tức. Tuy nhiên, Yahveh vẫn yêu thương  Israel, Ngài sẽ sửa trị họ để đưa về lại với Ngài và ban cho niềm vui hòa hợp ban đầu.
 
       Hôsê là người đầu tiên diễn tả mối liên hệ Yahveh và Israel trong ngôn ngữ 1 cuộc hôn nhân. Tín thư của ông đề cập tình thương của Thiên Chúa không được dân Ngài đón nhận. Trái lại còn bất trung, bội phản. Hôsê nhắm đến cách riêng thành phần lãnh đạo, bất xứng với Yahveh, làm cho dân được tuyển chọn rơi vào đồng hàng với các dân khác. Các tư tế tham lam, dốt nát đưa đất nước đến chỗ diệt vong.
 
      Cũng như Amos, Hôsê lên án bất công và tàn bạo. Tuy nhiên, ông chú trọng đến mặt thất trung về tôn giáo. Yahveh không bao giờ chia sẻ người mà Ngài thương cho kẻ khác. Thế nên, Israel không khỏi bị trừng trị. Trong cơn gian nan bị bóc lột, hạ nhục, họ nhớ lại thời mình còn trung tín với Thiên Chúa và khẩn cầu, hối cãi, Thiên Chúa lại đón nhận họ về cho hưởng hạnh phúc an bình.
2.3 Ysaya : Ngôn sứ chính trực.
 
       Ysaya sinh khoảng -765 và nhận lãnh sứ vụ khoảng -740, loan báo sự sụp đổ của Israel và Yuđa, hình phạt của sự bất trung. ( Is 6,1-13 ). Ông thi hành sứ vụ trong 40 năm, thời gian mà mối đe dọa từ Assur ngày mỗi trầm trọng. Sứ vụ của ông có thể tạm chia thành 4 giai đoạn :
 
-       740-736: Khởi đầu sứ vụ đến năm Akhaz lên ngôi. Giai đoạn nầy ông quan tâm đến sự đồi trụy về mặt luân lý do cảnh thịnh vượng mang đến cho Yuđa.
-       Ysaya chống lại nền chính trị phàm tục của Akhaz với các lân quốc, đưa đến sụp đỗ của Israel và lệ thuộc của Yuđa vào Assur.
-       Dưới thời Ezêkya, Ysaya mong muốn người ta đặt tin tưởng vào Thiên Chúa và khước từ mọi liên minh quân sự.
-       Ysaya xuất hiện giúp chống Sennakêrip của Assur.
 
      Ysaya được xem như một vị anh hùng của Yuđa vì tham gia tích cực vào các vấn đề quốc gia. Ông cũng là thi sĩ có biệt tài. Ông luôn mang ấn tượng sâu đậm cảnh ông được kêu gọi trong đền thờ và mặc khải về tính siêu việt của Thiên Chúa cũng như sự bất xứng của con người.
 
       Thiên Chúa được Ysaya đề cập là Đấng Thánh, Quyền Phép, Oai Hùng, Mạnh Mẽ, là Vua hiển trị. Đối lại, con người là thực thể nhơ uế vì tội lỗi và phải đền tội. Nguyên nhân họ đã không công bằng trong những liên lạc xã hội cũng như chân thành trong tế tự dâng lên Ngài. Ông là ngôn sứ của lòng tin. Trong các cuộc khủng hoảng của dân tộc, ông đòi lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa và đó là cơ may giải thoát duy nhất. Ông biết sự thử thách sẽ nặng nề nhưng trông cậy vào “số sót” được dung tha, và Messia sẽ là vua của họ. Messia sẽ xuất phát từ dòng dõi David và thiết lập trên trần gian hòa bình và công bằng, sự hiểu biết về Thiên Chúa sẽ được lan truyền. ( Is 2,1-5; 9,1-6;28,16-17 ).
 
          Cũng như các ngôn sứ trước, Ysaya đề cập một Thiên Chúa hằng sống và công minh, chưởng trị lịch sử nhân loại, phán xét và thương xót. Tương truyền ông bị vua vô đạo Mơnassê cưa chết vì chủ trương thẳng thắn của ông.
 
      2.4. Ysaya II : Ngôn sứ an ủi.
 
       Các chương 40-55 trong sách Ysaya là công trình của một ngôn sứ vô danh được mệnh danh là Ysaya II. Ông thi hành sứ vụ tại Babylon vào những năm đầu  khi Kyrô có những chiến thắng trên Babylon.
 
         Sấm ngôn trong giai đoạn nầy mang tính an ủi. Phán xét đã hoàn tất qua sự sụp đổ của Yêrusalem và thời khôi phục đã gần bên. Một cuộc xuất hành mới sẽ đưa dân trở về một Yêrusalem mới tươi đẹp hơn. Ông đề cập đến thời đã qua và thời sẽ đến, mở đầu cho giáo lý về thời Cánh Chung.
 
      Chính trong giai đoạn nầy, giáo lý về độc thần được quả quyết và cho thấy tính chất hư vô của các tà thần. Sự khôn ngoan và quan phòng vô cùng của Thiên Chúa  được đề cao cũng như tính chất đại đồng về mặt tôn giáo được đề cập lần đầu tiên và rõ ràng.
 
        Bốn đoạn thơ “Những bài ca của người tôi tớ” ( 42,1-49 ; 49,1-6 ; 50,4-9 ; 52,13 ; 53,12 ) trình bày dung mạo người tôi tớ trọn hảo của Yahveh, quy tụ dân ThiênChúa, ánh sáng của các dân tộc, rao giảng lòng tin đích thực, chịu chết để tẩy xóa tội lỗi của dân và được Thiên Chúa tôn dương. Hội Thánh nhận ra nơi Chúa Yêsu dung mạo người tôi tớ Yahveh  của Ysaya II.
 
2.5. Yêrêmia : Ngôn sứ của Giao ước mới.
 
       Yêrêmia thuộc dòng dõi tư tế vùng quê. Ông là vị ngôn sứ được biết khá rõ ràng trong Cựu Ước, được trình bày bằng một dung mạo cô quạnh, bi thảm trong một đất nước suy vi gần tàn lụi. Thời Yêrêmia thực hiện sứ vụ cũng là lúc Yuđa bắt đầu khánh tận với cuộc vây hãm, thôn tính của Nabukho Donosor, vua đế chế Babylon.
 
       Yêrêmia tiếp tục truyền thống các ngôn sứ, lập lại các giáo huấn căn bản thích ứng với thời kỳ đen tối. Ông nhận định cách sáng suốt số phận Yuđa và đi đến kết luận cuộc hỏi tội mà các ngôn sứ khác tiên báo, giờ đã đến, vô phương tránh khỏi. Ông chứng kiến sự tàn phá xứ sở, dân chúng Yuđa bị lưu đày hết hết đoàn nầy đến đoàn kia. Luân thường đạo nghĩa suy sụp. Án phạt Thiên Chúa kinh khủng bày trước mặt ông.
 
        Thế nhưng, với mạc khải xuyên suốt của Ngôn sứ, được mệnh danh để nhổ, để lật, để phá, để xây, ông nhận thấy khi thi hành án công minh, Thiên Chúa còn hoạt động theo lòng lân mẫn xót thương. Một khi đã yêu thương tuyển chọn, Thiên Chúa không bao giờ dứt hẳn tình thương yêu dân Ngài. Giao ước đã bị dân bất trung đơn phương gạt bỏ và xóa mọi đặc ân có được trước mặt Ngài, thì nầy đây, Thiên Chúa sẽ lập một giao ước mới, một giao ước vĩnh cữu. (Yr. 31,31-34 )
 
        Quả thật, Yêrêmia là ngôn sứ lớn đã có  sấm ngôn có tính chất cắm mốc lịch sử tôn giáo khi đề cập Giao ước mới. Giao ước được ghi khắc trong tâm hồn đổi mới chứ không phải trên gỗ đá, trong lòng thành tâm nhận lấy chứ không phải  đãi bôi vụ hình thức bên ngoài.
 
       Yêrêmia đề cập đến giáo huấn lòng đạo thâm sâu, cho thấy một Thiên Chúa thấu hiểu và dò xét lòng dạ, trao trả cho mỗi người chén họ đong, tùy hành động mỗi người. Giáo lý của ông đặt nền tảng trên lòng thành tín nội tâm, ảnh hưởng sâu rộng đến các ngôn sứ về sau, Ezêkiel là một thí dụ.
  
2.6.  Ezêkiel : Ngôn sứ của tái thiết.
 
          Ezêkiel là ngôn sứ của thời lưu đày Babylon, thi hành sứ vụ vào khoản 598-582. Ông thuộc dòng dõi tư tế tại kinh thành Yêrusalem, thuộc dòng Sađốc, chủ trì tại đền thờ.
 
        Ông chủ trương  đến việc cải tổ cộng đoàn và nhìn thấy một viễn kiến : Dù thế nào Israel cũng có một tương lai, tuy rằng xét theo thực trạng thì chẳng có tí ti hy vọng gì. Lý do làm ông trông cậy không phải vì biết nhìn thời cuộc, nhưng chính là tin vào sự trung thành bất biến của một Thiên Chúa Giao Ước. Ông cũng như các ngôn sứ khác, đặt trọn niềm tin vào 1 Thiên Chúa trung tín, giàu lòng thương xót đối với dân Ngài đã chọn.
 
       Ezêkiel thấm nhuần đạo lý Yêrêmia về trách nhiệm cá nhân trong giao ước mới. Mỗi người phải nhận trách nhiệm cá nhân hành động mình trước mặt Đấng Chí Công. Ông cho thấy không thể canh tân một cộng đoàn mà mỗi cá nhân trong đó không thành tâm đổi mới. Nguyên nhân của cuộc đổi mới lại là lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng thương xót đó kêu gọi mọi người đáp ứng lại. Ông cho thấy sự huyền nhiệm của Thiên Chúa, ở khắp mọi nơi, nhất là trong tâm hồn mỗi một người. Trong một chương đặc sắc Ez 37, 1-14, Ezêkiel cho thấy một cuộc phục sinh  từ xương cốt của tử sỹ, dấu chỉ một cuộc tạo thành mới nhờ Lời của Thiên Chúa. Chính Ngài sẽ dẫn dắt lịch sử tiến lên mà không lực nào cản nỗi. Lòng tin của ông để lại dấu ấn đặc biệt trên những kẻ lưu đày, nâng đỡ họ khi chạm trán với một tương lai mịt mù của dân tộc.
 
Cũng như Yêrêmia, ông đề cập đến một Giao ước mới Thiên Chúa sẽ thiết lập. Không phải để thưởng công dân trở về với Ngài, nhưng bởi lòng nhân từ nhưng không. Thực hiện giao ước nầy là một vị Messia, nhưng vị nầy không còn tính chất vương giả hiển vinh. Thay vào đó, Messia là một mục tử của dân.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận