Chứng tá cho việc đi theo Đức Ki-tô

Đăng lúc: Thứ bảy - 28/03/2015 02:13 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Chứng tá cho việc đi theo Đức Ki-tô
 
 
Công Đồng Vaticano II đã giúp chúng ta tìm lại được bản chất của đời tu với tư cách là môn đệ. Với tư cách này, tu sĩ cũng ở trong số những người đi theo Đức Ki-tô chứ không phải ở trên những người Ki-tô hữu. Đời tu, cũng giống như các ơn gọi Ki-tô hữu khác,  nhưng là một lối đi theo Đức Ki-tô cách đặc biệt. Đời tu tự nó không phải là một hình thức sống đời Ki-tô hữu cao hơn. Nó cũng không phải là một lối sống Ki-tô hữu khác bởi sự tách biệt với thế giới.

Vậy thì chúng ta phải hiểu thế nào về đời tu? Sự khác biệt của đời tu nằm ở đâu với tư cách là một lối đi theo Đức Ki-tô? Lumen Gentium số 44 mở ra một hướng dẫn quan trọng: “Mọi thành viên của Giáo Hội đều phải không ngừng thực thi các bổn phận ơn gọi Ki-tô hữu của mình. Việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm tỏa chiếu trước họ như là dấu có thể làm và phải linh hứng cho họ làm như vậy cách hữu hiệu.”  Trong cái nhìn này, đời tu là một lối sống được cấu thành bởi việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm,  có giá trị như là một dấu hiệu truyền cảm hứng cho các Ki-tô hữu khác thực thi ơn gọi Ki-tô hữu của họ, trong việc bước theo Chúa Ki-tô. 

Cương vị người môn đệ đòi hỏi vừa gắn kết với con người của Đức Ki-tô vừa từ bỏ triệt để mọi sự khác. Khi quyết định đi theo Đức Ki-tô, người ta không chỉ từ bỏ tội lỗi mà còn phải từ bỏ  mọi sự (Lc 14: 33). Bằng việc chấp nhận mở ra vương quốc của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô, mọi thứ khác đều trở nên thứ yếu đối với người môn đệ. Vì thế, tiếng gọi đi theo Đức Ki-tô có nghĩa là gắn bó với con người của Ngài và từ bỏ mọi sự khác, coi mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. Và đây là tiếng gọi chung của mọi Ki-tô hữu. 

Trong tiếng gọi chung này, đời tu phục vụ như là một dấu hiệu cho người khác bằng hai cách:

1. Bằng việc tuyên khấn, đời tu bày tỏ cách hữu hiệu đòi hỏi “ bỏ mọi sự” để đi theo Đức Ki-tô. Tu sĩ “là những người từ bỏ những gì vốn là mình.” Tuyên khấn, họ từ bỏ những gì thể hiện mình trong thế giới: bạn đời, tiền của, nghề nghiệp, chức vị và quyền lực. Họ “bỏ những thứ mà con người tìm kiếm cho sự an toàn của bản thân” (T. Radcliffe).

 2. Bằng việc từ bỏ mọi sự, tu sĩ chẳng còn gì để tìm kiếm cho bản thân và sự an toàn của mình, ngoại trừ tương quan duy nhất với Chúa Ki-tô. Nghĩa là trong đời tu, cuộc sống của con người không hình thành trên giá trị trung tâm nào khác ngoài tương quan duy nhất với Chúa Ki-tô. Vì vậy, đời tu minh chứng cách rõ ràng rằng tương quan với Chúa là một giá trị tối hậu,  đáng trao hiến trọn cuộc đời. 

Tóm lại, đời tu là một chứng tá cho cương vị người môn đệ. Đó là một cương vị mời gọi sự lưu tâm đến và bày tỏ tính ưu việt của việc đi theo Đức Ki-tô trong cuộc sống của các Ki-tô hữu khác.

Nếu đời tu được hiểu chủ yếu như là một chứng tá cho cương vị môn đệ, thì đời tu lại được xem như là một chứng tá ngôn sứ và là một sự đi theo Đức Ki-tô triệt để trong việc công bố vương quốc của Thiên Chúa hay Phúc âm của Người. 

I. Các lời khấn mang tính ngôn sứ

Vaticano II đã mở ra bước ngoặt mới của Giáo Hội từ những tranh luận trước kia về lập trường ngôn sứ đối với thế giới. Vì thế, trong những năm gần đây lại nhấn mạnh về đặc điểm ngôn sứ của việc đi theo Đức Ki-tô, đặc điểm của đời sống Ki-tô hữu.
 
Ngôn sứ là công bố về Đấng Tuyệt Đối. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa và Giao ước của Người là tuyệt đối. Trong Tân Ước, Thiên Chúa và Vương Quốc của Người là tuyệt đối. Chúa Ki-tô, vị ngôn sứ ưu tú, bằng lời nói, hành động và lối sống của Ngài đã mở ra vương quốc của Chúa trong thế giới. Lời tuyên bố vương quốc của Chúa là trung tâm rao giảng có tính ngôn sứ của Đức Ki-tô. Tất cả những ai đi theo ngài đều chia sẻ sứ vụ ngôn sứ này. Và mọi hình thức sống đời Ki-tô hữu đều phải mang ý nghĩa ngôn sứ.

Đời tu là ngôn sứ

Cùng với việc tái khám phá đặc tính ngôn sứ của Giáo Hội, đã có một sự phục hồi về những cội nguồn ngôn sứ của đời tu. Lịch sử cho thấy rằng các hình thức sống Ki-tô hữu đã xuất hiện vào các thời điểm lịch sử khác nhau như là những cách đặc biệt của việc đi theo Đức Ki-tô trong sứ vụ công bố Phúc âm, đáp lại những nhu cầu đa dạng của Giáo Hội và xã hội. Bất cứ hình thức sống đích thực nào của đời tu đều có một lối đi theo Đức Ki-tô được Thần Khí khai sáng nhằm công bố vương quốc của Thiên Chúa. Vì thế, đời tu một khi đi theo Đức Ki-tô trung thành, thì không thể không thực sự đáp lại tiếng gọi ngôn sứ của mình.
Sứ vụ ngôn sứ được thực thi bởi mọi lời nói, hành động và cuộc sống của vị ngôn sứ. Đời tu là một hình thức ngôn sứ trên mức độ sống, nó là một hình thức sống đời Ki-tô hữu bày tỏ những ân huệ của Nước Trời ở hiện tại và trong tương lai (x. LG,44).

Hơn cả lời nói và hành động, Đức Ki-tô đã công bố vương quốc của Thiên Chúa bằng chính cuộc sống của Ngài. Trong kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đức Giê-su đã chọn một lối sống: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, trong việc phục vụ nước Chúa.
 
Như Vita Consecrata số 1 giải thích: “Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, các nét đặc trưng của Đức Giê-su - khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục - trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời.” Vậy khi đời tu là một sự tái thực hiện lối sống của Chúa Giê-su, thì nó là một loại lối sống ngôn sứ.

Đời tu có thể được hiểu như là một chứng tá cho lối sống ngôn sứ bằng hai cách.
Thứ nhất, ngôn sứ không đơn giản bao gồm việc lên án những thực tại đối lập với Nước Trời như: bất công, bạo lực, đàn áp, thống trị vv… Quan trọng hơn, đó là diễn tả một loạt những giá trị có tính lựa chọn mà Nước Trời mời gọi. Đời tu, bằng những giá trị tìm kiếm Thiên Chúa, cầu nguyện, sống tình huynh đệ, giữ các lời khấn và phục vụ tha nhân, diễn tả cho thế giới một hệ thống những giá trị có tính lựa chọn. Khi hệ thống giá trị này khác với hệ thống giá trị nổi bật mà thế giới chọn lựa, thì đồng thời nó cũng phục vụ như là một sự phê phán hệ thống giá trị của thế giới.   

Thứ hai, đời tu được xem như là một dụ ngôn. Một dụ ngôn với tư cách là một loại văn chương Kinh Thánh, một trình thuật lấy từ đời sống thường nhật nhắm tới một số những khía cạnh của Nước Trời. Nhưng một dụ ngôn, khi tách ra khỏi ý nghĩa ban đầu của nó là một trình thuật bằng lời, thì cũng có thể là một hành động hay một lối sống. Ví dụ: cử chỉ rửa chân cho các môn đệ của Chúa Giê-su trong bữa tiệc sau hết là một dụ ngôn bằng hành động. Thật vậy, đời sống của Chúa Giê-su: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục cũng là một dụ ngôn về Nước Trời. Như vậy, đời tu là một ký ức sống động về lối sống của Chúa Giê-su, là một dụ ngôn sống về Nước Trời trong ý thức.

Các lời khấn với tư cách là ngôn sứ

Các lời khấn được nhìn trong ngữ cảnh thần học này là những giá trị mang tính ngôn sứ. Một đàng, các lời khấn có một khía cạnh từ bỏ. Bằng việc tuyên khấn, các tu sĩ từ bỏ những đặc điểm thường nhật và những hình thức an toàn cho bản thân như: bạn đời, tiền của, công việc, địa vị và quyền lực. Từ bỏ tất cả những thứ này, các lời khấn như là một lời phê phán những giá trị nhân loại vốn được con người đánh giá cao. Hơn nữa, các lời khấn như là những chứng tá chống lại những thực tại đối nghịch với Nước Trời. Chẳng hạn như lời khấn khó nghèo diễn tả việc từ bỏ quyền làm chủ những thứ vật chất, cương vị quản lý và hướng tới việc chia sẻ, là một chứng từ chống lại xu hướng mạnh mẽ trước của cải và lợi nhuận. 

Đàng khác, các lời khấn có một khía cạnh tích cực. Bộ ba khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục có những yếu tố tích cực. Trong khi vừa là một sự từ bỏ: hôn nhân, tài sản và quyền lực, các lời khấn cũng là một chọn lựa bày tỏ: tình yêu Chúa Ki-tô cho thế giới, Thiên Chúa là gia sản lớn lao nhất, và tự do cho thánh ý Chúa. Nên khi các lời khấn là một chứng tá ngôn sứ cho những giá trị Nước Trời, chúng bày tỏ tính ưu việt của Thiên Chúa và nước của Ngài trong cuộc sống của con người. Như những dụ ngôn nhỏ bé, các lời khấn diễn tả một số những khía cạnh của Nước Trời. 

Để minh họa cho ý nghĩa ngôn sứ của từng lời khấn, chúng tôi trình bày ở đây một lược đồ về các lời khấn dựa vào hai tài liệu quan trọng của Giáo Hội. 

A.    Lược đồ các lời khấn dòng mang những giá trị ngôn sứ theo "Vita Consecrata".
 
LỜI KHẤN THÁCH THỨC TRƯỚC ĐÁP LẠI
 
BIỂU LỘ
      KHIẾT TỊNH Văn hóa hưởng lạc 
(sùng bái bản năng tính dục) 
Niềm vui 
Sống niềm vui khiết tịnh hoàn hảo
Một chứng tá cho sức mạnh của tình yêu Chúa trong sự yếu đuối của thân phận con người
Tình yêu phổ quát và triệt để
·         Sự cân bằng
·         Tự chủ
·         Tinh thần dũng cảm
Trưởng thành tâm lý- tình cảm
      KHÓ NGHÈO Một chủ nghĩa duy vật, khao khát chiếm hữu  (Sùng bài tiền của) Khó nghèo Phúc âm làm chứng rằng Thiên Chúa là gia sản đích thực của lòng người. Cuộc sống huynh đệ được gợi hứng bởi những nguyên tắc giản dị và hiếu khách. Một chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, tham dự tích cực vào sự thăng tiến đức bác ái và tình liên đới
      VÂNG PHỤC  
Những ý niệm tự do tách biệt khỏi chân lý và những quy tắc luân lý
Vâng lời là nét đặc trưng cho đời sống thánh hiến
Chứng thực rằng không có đối lập giữa tự do và vâng lời
Đời sống huynh đệ được sinh động bởi đức ái :
Hiệp nhất trong sứ vụ và chứng tá Đối thoại
Quyền bính : phục vụ cho sự biện phân và hiệp thông
 
 
B.     Theo Công Đồng Miền lần thứ hai tại Phi Luật Tân 
 
CÁC LỜI KHẤN (460) Chứng tá chống lại những chướng ngại làm ngăn cản sự hiện diện của Nước Trời Làm chứng cho những giá trị của Nước Trời
 
KHÓ NGHÈO (461)
 
Bóc lột, tham lam
 
Từ bỏ cương vị quản lý, sống đơn sơ phó thác vào Chúa
 
KHIẾT TỊNH(462)
Tình dục bị tách ra khỏi tình yêu, sự dâng hiến và có trách nhiệm
Lạm dụng, áp bức phụ nữ và trẻ em
 
Tình yêu, lòng trắc ẩn mang tính phổ quát
 
VÂNG PHỤC (463)
 
Áp đặt ý chí bằng sức mạnh và bạo lực
Mở ra với thánh ý Chúa
Dấn thân cho tự do và công bình của tất cả mọi người
 
 

 
Hiểu và thực hành các lời khấn như là những giá trị ngôn sứ là một tiến trình năng động. Tính ngôn sứ phải được sống ra qua những ngữ cảnh khác nhau. Điều này đòi hỏi một tiến trình không ngừng ngữ cảnh hóa đặc điểm ngôn sứ của các lời khấn. Đi theo tiến trình đó cần phải:  

1. Đáp lại. Điều đầu tiên đòi hỏi chúng ta là đáp lại trước những thách đố của ngữ cảnh. Chúng ta phải lưu ý đến những thực tế của ngữ cảnh, do đó dẫn đến hai vấn đề căn bản: (1) Theo Vaticano II, chúng ta phải nghiêm túc “đáp lại việc đọc ra những dấu chỉ của thời đại và việc giải thích chúng trong ánh sáng Phúc Âm” ( GS. 4); (2) Chúng ta phải lưu ý đến lời mời gọi của Vaticano II là liên đới với người nghèo “ Niềm vui và hy vọng, lo lắng và ưu phiền của con người thời đại, đặc biệt của những người nghèo, những người bị đặt ra bên lề, cũng phải là niềm vui và hy vọng, lo lắng và ưu phiền của những người theo Chúa Ki-tô. Không gì có thể khiến con người không tìm được một lời đáp trả trong trái tim mình” (GS.1).  
  
2.Trung thành cách sáng tạo với đặc sủng của dòng.  Thứ đến, chúng ta phải suy tư mang tính phê bình về đặc sủng của dòng mình và tái giải thích cách sáng tạo thực tiễn của dòng, đáp lại những nhu cầu trong ngữ cảnh của mình, mà vẫn luôn duy trì lòng trung thành với đặc sủng của dòng. Giáo Hội không muốn chúng ta quên đi đặc sủng của mình mà đúng hơn là làm mới lại đặc sủng ấy cách sống động trong thời đại của chúng ta. Đức Thánh Cha Phaolo VI nói, “  Đối với một thực thể đang sống, việc thích nghi với môi trường không phải là bỏ đi căn tính đích thực của nó mà là nhìn nhận nó tồn tại như là chính nó” (ET. 51). Lòng trung thành sáng tạo như vậy có thể đôi khi đòi hỏi mở ra với những tác vụ mới.  
 
3. Thần nhiệm. Một lối sống ngôn sứ không thể không có ân sủng. Các ngôn sứ xưa kia là những người có một kinh nghiệm sâu xa về Chúa, cả về Lời lẫn Thần Khí. Họ là những người đã nhận Lời Chúa (“Lời Chúa đã đến với tôi”) và những ai “được sức dầu bởi Chúa Thánh Thần.” Chính Chúa Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể, đã bắt đầu công khai tuyên bố Nước Trời sau khi Thần Khí xuống trên Ngài trong lúc chịu phép rửa tại Gio-đan, và nhận được những lời xác nhận: “Con là Con yêu dấu của Ta.” ( Mc 1: 9-11) Thực tế uy quyền của Chúa Giê-su được bắt nguồn và thúc đẩy từ tương quan  sâu xa của Ngài với Chúa Cha. Chúa Giê-su đã nói với Thiên Chúa như là người Cha yêu quý của Ngài. Ngài đã gọi Thiên Chúa là “Cha” một cách trìu mến cho thấy một tương quan mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha. Và Ngài đã nuôi dưỡng tương quan này bằng sự hiệp thông liên lỉ với Chúa Cha. Chúa Giê-su lúc nào cũng tìm giờ để ở với Chúa Cha, trong cầu nguyện, trong sự thinh lặng hay cô tịch (Mc 1:35; 6:46; Lc 4:42; 5:16; 6:12). Không còn hoài nghi gì nữa, Chúa Giê-su chính là một nhà chiêm niệm. Nếu như những lời nói, hành động và cuộc sống của Chúa Giê-su đã mạc khải uy quyền của Thiên Chúa thì đó là do Ngài đã có một tương quan tình yêu mật thiết với Chúa Cha. Chúa Giê-su là một ngôn sứ bởi vì Ngài cũng là một mầu nhiệm. Tư cách ngôn sứ của Chúa Giê-su bày tỏ sự huyền nhiệm của Ngài.
                                                                                                                             (Còn tiếp)
 
  Nt. Maria-Stephano, fmsr, chuyển ngữ

( Nguyên bản: Paradigm shifts in understanding of the vows - Mô Thức Làm Thay Đổi Cách Hiểu Về Các Lời Khấn Dòng. Tác giả: Quirico T. Pedregosa, Jr., OP)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận