Nên chăng cho phép an tử?

Đăng lúc: Thứ ba - 30/09/2014 02:23 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Nên chăng cho phép an tử?
 
I. Dẫn nhập

Trong những năm gần đây, khi tiếp xúc gặp gỡ với một số bệnh nhân đang lâm cảnh đau đớn cùng cực, tôi đã từng nghe họ than rằng: “khổ lắm thầy ơi! Giá như mà được chết ngay bây giờ hoặc sớm hơn thì tốt biết mấy”. Nghe những lời họ than trách, lòng tôi cũng không khỏi thổn thức suy nghĩ và tự hỏi: phải chăng con người không có quyền được chết khi họ muốn hay sao? Và người khác có thể giúp cho bệnh nhân được “an tử” khi chính đương sự yêu cầu hay không? Để tìm ra câu trả lời cho những vấn đề này, trước hết theo tôi nghĩ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu an tử là gì? Kế đến chúng ta sẽ bàn về những lý do để ủng hộ và chống đối việc an tử? Cuối cùng chúng ta sẽ phán đoán và lượng giá là có nên cho phép an tử, nhất là khi chính bệnh nhân yêu cầu hay không? 

II. An tử là gì? 

“An tử” (Euthanasia) theo tiếng Hy-lạp “eu” có nghĩa là “tốt” và “thanatos” có nghĩa là “cái chết”[1]. Nhiều từ điển ngày nay vẫn định nghĩa euthanasia là cái chết tốt đẹp, cái chết êm dịu và không đau đớn. Trong tiếng Việt “an tử” còn được gọi là “trợ tử” hay một thuật ngữ khác quen thuộc là “cái chết êm dịu”, tất cả đều nói đến hành vi rút ngắn đời sống của một bệnh nhân.

1. Nguồn gốc và sự hình thành của việc “Euthanasia”

Hành động an tử chắc chắn đã có từ lâu, nhưng khái niệm an tử và những tranh luận chung quanh khái niệm này mới xuất hiện từ khoảng hai thế kỷ nay tại Tây phương. Người chống đối an tử đầu tiên chính là Hippocrate (TK V – IV trước CN), ông tổ của ngành y học Tây phương, ngược lại với quan điểm của đa số thầy thuốc Hy Lạp thời bấy giờ. Trong lời tuyên thệ, ông kêu gọi người thầy thuốc “không bao giờ cho ai một liều thuốc độc, dù người đó yêu cầu, và không bao giờ gợi ý về điều đó”. Vào thời Trung Cổ, thái độ chống an tử trở thành đa số, và tình trạng này tiếp diễn tới thế kỷ thứ XIX, mặc dù có vài người như Thomas More (TK XVI) và Francis Bacon (TK XVII) lên tiếng chủ trương hành động an tử bởi các nhà thầy thuốc. Francis Bacon là người đầu tiên dùng chữ euthanasia, trong một cuốn sách in năm 1623. Ông viết : “Phận sự của người thầy thuốc không phải chỉ là chữa khỏi bệnh tật, mà còn làm vơi dịu những khổ đau do bệnh tật gây nên. Và không phải chỉ làm vơi dịu khổ đau và khỏi bệnh, mà còn đem lại cho bệnh nhân khi không còn hi vọng sống sót, một cái chết êm dịu và an lành. An tử như vậy là một phần không nhỏ của hạnh phúc”.[2]
Đầu thế kỷ 19, khoa học về an tử thường làm những việc đơn giản như: làm cho phòng bệnh được thoáng khí hơn, thay đổi vị trí của giường nằm hay thay giường khác, hay kêu mời những người thân hiện diện… Họ bỏ tất cả những cách chữa trị không làm cho bệnh nhân khá hơn như mổ xẻ nhưng bằng lòng với việc điều trị những triệu chứng của bệnh và điều trị giảm đau. Lúc đó, euthanasia là những việc làm giúp cho người bệnh ra đi trong bình an. Còn cuối thế kỷ 19, người ta dùng euthanasia cho một ý nghĩa khác đó là “mang lại cái chết êm dịu”, nghĩa là chấm dứt cuộc sống của ai đó một cách ít đau đớn nhất hay không đau đớn để giúp họ khỏi kéo dài cuộc sống trong những điều kiện không mong muốn. Đây cũng là ý nghĩa chính yếu của từ euthanasia hiểu theo thời đại hôm nay.[3]

2. Phân loại an tử[4] 

An tử được phân chia thành nhiều loại khác nhau. Cụ thể là những loại sau: 
An tử tự nguyện là an tử do người bệnh yêu cầu một cách rõ ràng, với sự chấp thuận sáng suốt của người đó. 
An tử không tự nguyện là an tử trên người bệnh trong tình trạng hôn mê hoặc lú lẫn, không còn khả năng yêu cầu an tử. 
An tử không tùy ý là an tử trên người bệnh còn minh mẫn, không yêu cầu cái chết hoặc không chấp thuận an tử (chẳng hạn như khi câu hỏi không được đặt lên cho người đó). 
Trợ giúp tự tử hay tự tử trợ giúp bằng y khoa là sự giúp đỡ, thường thường do một người thầy thuốc, một người bệnh đã quyết định chấm dứt cuộc sống của mình, bằng một liều thuốc độc hay một phương tiện khác. Hành động đưa tới cái chết là do người bệnh, nhưng người trợ giúp là người thầy thuốc. 
Giảm đau cuối đời, còn gọi là an tử gián tiếp là sự điều trị bằng thuốc giảm đau loại morphine, nhằm giảm đau cho bệnh nhân, nhưng có thể đưa tới cái chết do tai biến suy giảm hô hấp vì loại thuốc này. Thật ra, ai cũng biết rằng tất cả là tùy liều thuốc, nhẹ hay nặng, mà hành động này mang tính chất giảm đau hay an tử. 
Điều trị tạm thời là điều trị không nhằm khỏi bệnh, mà nhằm thuyên giảm sự đau đớn của người bệnh, về thể xác cũng như tinh thần. 
Điều trị tới cùng là điều trị bằng mọi cách, nhằm kéo dài cuộc sống, tuy biết rằng bệnh nhân ở trong tình trạng cuối đời.
Tình trạng thực vật là một thực thể y khoa xuất hiện từ những năm 1960-1970, do những bước tiến của các phương pháp hồi sinh. Đó là một trong những hình thái tiến hóa của hôn mê, sau khi não bị chấn thương nặng hoặc thiếu oxy. Người bệnh có vẻ tỉnh, mở mắt, nhưng không có hoạt động ý thức nào và hoàn toàn phụ thuộc sự điều dưỡng trong đời sống hàng ngày. Sau một thời gian khoảng một năm, tình trạng có thể gọi là thực vật mạn tính, không còn hi vọng đảo ngược lại, với những biến chứng xảy ra do liệt giường lâu ngày. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là người ta có quyền giết chết người khác hay không? Chúng ta thử xem lập trường của các trường phái ủng hộ và chống đối như thế nào? 
 
III. Những lập luận về chống đối và ủng hộ việc an tử 

1. Ủng hộ việc an tử 

Hầu hết những người ủng hộ thường theo quan điểm thực dụng. Trường phái “Emotivism” cho rằng, an tử là một thực hành mang tính nhân đạo, giúp cho bệnh nhân chấm dứt sự vật vã đau đớn, đồng thời giúp cho người thân đỡ đau xót khi hằng ngày phải chứng kiến cảnh người bệnh của mình. Đối với trường phái “Utinitarianism”, an tử sẽ giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, thứ nhất là đỡ tốn phí thời giờ chăm sóc chữa trị của các bác sĩ, y tá để họ có thể lo cho những ca khác còn hy vọng chữa lành; đỡ những liều thuốc đắt đỏ cần thiết có thể giúp cho người khác sống; đỡ chật chội trong bệnh viện, trong gia đình đỡ ô nhiễm do những mùi khó chịu phát ra từ giường bệnh. Còn với trường phái “Egoism” lại quả quyết, chúng tôi ủng hộ an tử vì đỡ tốn kém cho gia đình người bệnh. Bên cạnh đó đối với “Social contract” thì an tử tự nguyện do người bệnh yêu cầu một cách rõ ràng, với sự chấp thuận sáng suốt của người đó, trong trường hợp này phải tiến hành càng sớm càng tốt vì hai bên đã hoàn toàn đồng ý thỏa thuận với nhau. Nhiều người trong xã hội, nhất là xã hội Mỹ ngày nay, viện cớ “quyền tự do”. Họ nói rằng “sự sống của tôi là của tôi”, và họ cũng nói rằng “sự chết của tôi là của tôi”, tôi có quyền lựa chọn, định đoạt, không ai có quyền ngăn cản sự tự do của tôi. Hiện nay Tiểu bang Oregon có luật cho phép bác sĩ tiêm thuốc giúp cho bệnh nhân an tử. Nhiều nơi cũng tranh đấu nhưng chưa được. Nhiều người đòi quyền được chết. Họ cho đó là quyền của họ chứ không phải của ai cả mà phải cấm đoán.[5] Vấn đề an tử lại đặt lên vào thế kỷ thứ XIX, với sự xuất hiện của gây mê và thuốc morphine. Cường độ của các cuộc tranh luận này tùy thuộc ở bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa của mỗi địa phương. Các nước Anh, Hoa Kỳ, Đức và Hòa Lan là những nơi mà các cuộc tranh luận về an tử xẩy ra sôi nổi nhất. Năm 1920, một bác sĩ và một luật sư Đức, tên là Hoche và Binding, đồng xuất bản một cuốn sách trình bày quan điểm sau: một số bệnh nhân bị chứng nan y, bệnh tâm thần và trẻ con dị dạng, sống những cuộc sống “không đáng sống”, vì thế đem lại cái chết cho họ là một lối điều trị nhân đạo, phù hợp với y đức. Tác giả cũng nhấn mạnh tới gánh nặng kinh tế phải trả để kéo dài cuộc sống của những bệnh nhân đó. Quan điểm của Hoche và Binding đã có ảnh hưởng lớn trên tư tưởng Đức sau này và được Đức quốc xã Nazi áp dụng một cách triệt để.[6] Năm 1931, bác sĩ Killick Millard đề nghị trước Hội đoàn Sĩ quan Y khoa Anh một đạo luật hợp pháp hóa an tử, và từ đó, các hội đoàn y sĩ ủng hộ an tử được thành lập, các bài của các chứng nhân về hành động an tử, cùng những yêu cầu an tử của bệnh nhân được đăng tải trong báo chí. Tại Hòa Lan, năm 1970 xẩy ra vụ án Geertruida Postma, một người thầy thuốc đã bị truy tố về tội giết người vì cố ý tiêm cho một bệnh nhân bị liệt, câm và điếc đã nhiều lần yêu cầu ông làm việc đó, một liều thuốc morphine nặng làm người đó qua đời. Bản án rất nhẹ cho ông bị ở tù một tuần, và quản thúc tại gia một năm. Trong những năm 80, nhiều trường hợp an tử đã bị truy tố trước pháp luật, và dần dần xã hội Hòa Lan đã tiến tới ủng hộ an tử. Một sự thỏa thuận ngầm xuất hiện về sự cho phép an tử và không bị pháp luật truy tố, nếu hội đủ ba điều kiện sau: thứ nhất sự yêu cầu an tử phải tới từ bệnh nhân, và được lặp lại nhiều lần, một cách có ý thức và tự do. Thứ hai, bệnh nhân phải ở trong tình trạng vô cùng đau đớn, không có phương pháp nào làm thuyên giảm, ngoài cái chết. Thứ ba người thầy thuốc phải tham khảo ý kiến một thầy thuốc khác, và người đó cũng phải xem an tử như là một giải pháp có thể chấp nhận được. Sau nhiều lần hội họp của nhiều ủy ban và nhiều dự án đạo luật, Nghị viện Hòa Lan ban ra năm 1993 một đạo luật miễn truy tố pháp luật các thầy thuốc an tử với điều kiện là hội đủ ba yếu tố trên và báo cáo những trường hợp an tử[7]. Tóm lại, những người ủng hộ an tử cho rằng đây là cách ít tốn kém so với chi phí điều trị lâu dài. Cách an tử là cách ít phiền phức vì khỏi tìm người chăm sóc bệnh nhân. Cách an tử là cách đỡ gánh nặng cho xã hội nhất. Vì thế tại sao người ta phải mất công nghiên cứu và tốn nhiều tiền của cho những cách chữa trị khác trong khi có thể làm cho bệnh nhân chết với chi phí rất ít mà bệnh nhân lại ít phải chịu đau khổ. Có lẽ vì những lý do trên mà nhiều người đồng tình với việc chấm dứt đời sống bệnh nhân đang bị đau đớn vì cơn bệnh không thể chữa khỏi. Nhiều người, nhất là những người trực tiếp săn sóc, cảm thấy người bệnh ấy chết sớm thì hạnh phúc hơn. 

2.Phản đối việc an tử 

Giáo hội Công giáo được Thiên Chúa trao ban quyền gìn giữ kho tàng đức tin và phong hóa luôn luôn tôn trọng nguyên tắc hợp với tự nhiên, nghĩa là Giáo hội chủ trương: “From the womb to the tomb”: “Từ lòng mẹ tới lòng đất”, nói cách khác: Giáo hội chủ trương tôn trọng mạng sống con người từ khi thành thai trong lòng mẹ cho tới khi chết tự nhiên được đem chôn trong lòng đất. Do đó ta hiểu những vấn đề khác như là Giáo hội không chấp nhận ngừa thai ngược tự nhiên, phá thai, giao hợp tránh sinh con, mang thai mướn,..và bắt chết hay để cho chết khi chưa đến giờ Chúa gọi ra khỏi đời này. Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu ta sống, là sống cho Chúa, nếu ta chết, ta cũng chết cho Ngài. Dù sống hay chết, ta thuộc về Chúa” (Rm 14,18). Thiên Chúa là Đấng Chăn Chiên nhân lành, trong chương trình của Ngài, khi bắt buộc phải gửi đau khổ để thanh luyện con cái, Ngài cho phép được chữa trị, Ngài cũng ban ơn để con cái chịu đựng, lập công, đền tội. Sống chết lúc nào là tùy quyền Ngài. Năm 1943, trước Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Piô XII đã viết trong Thông điệp Mystici Corporis như sau: “Từ một nỗi buồn sâu xa, chúng tôi thấy những người dị hình, điên khùng và những người đau khổ vì bệnh gia truyền trong cuộc sống kéo dài của họ. Họ đã bị người ta coi như gánh nặng vô ích trong xã hội, một xã hội văn minh như ngày nay… Tuy nhiên, những ai thấm nhuần giáo lý lành mạnh đều chân nhận rằng, chết êm dịu không những xâm phạm luật tự nhiên và luật Chúa ghi khắc trong lòng mọi người, mà còn là một tai họa cho chiều hướng thăng tiến của nhân loại” (AAS. 35, 1943, 239). Năm 1965, Công đồng Vatican 2 trong Hiến chế Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, khi đề cao nhân vị con người đã tuyên bố: “Tất cả những gì đi ngược với chính sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai, giết chết cách êm dịu, hoặc tự tử trực tiếp…Tất cả những điều nói trên và những điều tương tự, đều thực sự ô nhục, làm thối nát nền văn minh nhân loại, bôi nhọ những kẻ chủ động, xúc phạm nặng nề đến Danh dự Đấng Tạo hóa…” (HC. Mục vụ số 27).
Ngày 22/4/1988, các Đức Giám mục California đã tuyên bố chống lại đề nghị xin hợp pháp cái chết êm dịu của hội này. Các Giám mục nói: “Giết người vô tội, dù theo lời họ xin đi nữa, cũng là cướp mất quyền tự do của con người ngày nay và mai ngày trên trần thế”.

Ngày 8 /9/1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã lưu ý các nhân viên thuộc Hiệp hội gây Thuốc Mê (Anesthetist) Âu châu về họp tại Rôma như sau: “Một số người đương thời chúng ta đang cổ võ chấm dứt mạng sống con người bằng cái chết êm dịu như là giải pháp thông cảm sự đau khổ nhân loại, nhưng: chết êm dịu là một hành động sát nhân luôn luôn đáng phải loại bỏ. Phải loại bỏ ngay cả khi bệnh nhân yêu cầu được chết cách đó. Đôi khi lời kêu van của bệnh nhân xin được chết, phải được hiểu rằng, họ không có ý xin chết êm dịu cho bằng xin được GIÚP ĐỠ và YÊU THƯƠNG họ trong nỗi thống khổ. Ngài nói tiếp: “Khổ sở và đau đớn là phần không thể tránh được của kinh nghiệm con người. Những người có nhiệm vụ về thuốc cần phải từ bỏ lời biện hộ của những ai coi chết êm dịu như một giải pháp thông cảm.” Kế đến Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Không bác sĩ, không y tá, không chuyên viên thuốc, không được ai là trọng tài cuối cùng của sự sống con người, kể cả sự sống của mình và sự sống người khác”. Trong Thông điệp Tin mừng về Sự Sống (EV 25/3/1995) số 81 ngài nhắc lại “Sự sống con người, là quà tặng Chúa ban, là thiêng liêng và không thể xâm phạm. Vì vậy, không thể chấp nhận phá thai và làm cho chết êm dịu. Không những không được cất mạng sống, mà còn phải quan tâm cách yêu thương để bảo vệ nó. Xã hội phải tôn trọng, bảo vệ, và đề cao nhân phẩm của mọi người, mọi lúc, và mọi điều kiện của đời sống con người”.

Cuối cùng chúng ta sẽ cùng lắng nghe lời vị chủ chăn đương kim, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI[8]: việc chấm dứt cuộc sống của con người là một giải pháp “sai lầm” trước vấn đề đau khổ, và không xứng đáng với phẩm giá con người. Cái chết êm dịu vẫn luôn là một cám dỗ lớn đối với những người đang phải chịu những sự đau khổ trong cuộc sống, nhưng đó không phải là giải pháp cho con người. Giải pháp dành cho họ đó phải là Tình Yêu. Ngài khẳng định: “Chúng ta chắc chắn rằng không có nước mắt, dầu của chính người đang chịu đau khổ hay của những người thân của họ, thì sẽ vô cảm trước Thiên Chúa”. 

Chúng ta cùng tiếp tục tìm hiểu xem Giáo Lý Công Giáo (GLCG) nói gì về an tử: GLCG số 2276:“Những người có sự sống bị suy giảm hoặc bị yếu đi, đòi hỏi một sự tôn trọng đặc biệt. Những bệnh nhân và những người bị khuyết tật cần phải được nâng đỡ để có thể sống một cuộc đời bình thường theo mức có thể”. GLCG Số 2277 viết: “Dù với lý do nào và với phương tiện nào mặc lòng, sự trực tiếp làm cho chết êm ái cũng chỉ là chấm dứt cuộc đời của những người bị khuyết tật, đau yếu hoặc đang chết dần chết mòn. Về luân lý, cách làm này không thể chấp nhận được. Bởi vậy, một hành động hoặc sự bỏ qua một hành động, tự nó hoặc do chủ ý của ta, mang lại cái chết cho một người hầu chấm dứt đau khổ, sẽ là một tội sát nhân, nghịch lại cách trầm trọng với phẩm giá con người và với sự tôn kính mà ta phải có đối với Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo thành con người”. GLCG Số 2278 viết: “Còn như ngưng những phương thuốc y khoa quá tốn kém, nguy hiểm, dị thường hoặc không xứng với những kết quả mong muốn, thì là một việc làm hợp pháp”. GLCG Số 2279 viết: ” Việc sử dụng các thuốc tê để giảm đau cho bệnh nhân đã hấp hối, dù có nguy cơ giảm ngày sống của người đó, thì có thể được coi là phù hợp với phẩm giá con người về phương diện luân lý… Những thứ giảm đau là một hình thức rất tốt của đức bác ái vô vị lợi: theo danh nghĩa này, chúng phải được khuyến khích”. 

IV. Phản tỉnh và Kết luận 

Tạm gác lại những lập luận nêu trên, theo quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy rằng sự sống luôn là mục tiêu của con người, chứ không phải cái chết. Nếu mục tiêu là cái chết thì thà rằng con người chúng ta đừng sinh ra thì hơn. Do đó, dù cách thế nào đi chăng nữa, ngày nay người ta vẫn hiểu an tử là hành động làm chấm dứt mạng sống của đương sự. Hành động đó liên kết chặt chẽ với cái chết của đương sự và dĩ nhiên người gây cái chết đó phải chịu trách nhiệm về cái chết của người kia. Vì đương sự không đủ can đảm, không đủ sức khỏe để hành động hoặc không đủ phương tiện, kiến thức để đạt được cái chết êm dịu nên đương sự mới nhờ đến sự trợ giúp của người khác. Chính vì thế, luật pháp phải can thiệp vào để những người làm hành động đó không bị luật pháp xử về tội giết người. Tuy nhiên, phải chăng luật pháp không xử tội thì việc làm chết người khác không để lại một dấu vết nào đó nơi lương tâm những người hành động? Theo tôi nghĩ dù người thầy thuốc có làm cho bệnh nhân chết vì lòng thương, vì sự nài nỉ của đương sự, vì luật lệ đòi buộc… thì hành động làm chết người khác cũng gây một dấu vết nơi lương tâm người thầy thuốc. Nếu làm thế thì chức năng của người thầy thuốc bị thay đổi, nghĩa là, người thầy thuốc không chỉ là người cứu người, nhưng còn là người giết người; không chỉ nghiên cứu những cách cứu người hiệu quả nhất nhưng còn nghiên cứu những cách giết người nhanh chóng nhất, ít đau đớn nhất. Do đó, theo tôi, an tử là xúc phạm nhân phẩm con người bởi vì sự sống là tài sản quý nhất, là chính con người. Không được giết chết bằng bất cứ hình thức nào (kể cả tử hình); Trong thực tế, trường hợp giết thai nhi cứu mẹ là luật trừ: trong những tình huống xấu phải chọn hình thức ít xấu nhất. Hơn nữa, vì sự sống là quà tặng của Tạo hóa: không ai sở hữu sự sống, nên không có quyền quyết định trên sự sống, kể cả người ngoài cuộc (bác sĩ) lẫn người trong cuộc bệnh nhân. Vì bệnh nhân thường không sáng suốt, tự do đủ trong quyết định: họ chỉ muốn đào thoát, trốn tránh cơn đau đớn mà thôi. Theo như những gì đã phân tích, tôi thấy rằng người bệnh cũng không có quyền trên sự sống của mình. Vì thế, tôi chống an tử, không chỉ theo lập trường ở trên mà còn vì lương tâm và niềm tin tôn giáo. Trong cuộc sống, sự tiện dụng, thỏa mãn bản thân không là tối hậu; không một giá trị nào không đòi trả giá. Ai quý trọng sự sống, tôn trọng Tạo Hóa thì phải chấp nhận trả giá. Là người công giáo tôi nghĩ chúng ta cần phải có trách nhiệm là làm sao dung hòa được giữa tình thương với bệnh nhân và tôn trọng luân lý. Để được như thế tôi xin đề nghị: thứ nhất, trong đức ái, cần phải tôn trọng và nâng đỡ những người già cả, người bệnh tật kinh niên, người khuyết tật, cách đặc biệt. Thứ hai, không thể chấp nhận với bất cứ lý do nào, phương tiện nào cho việc chết êm dịu trực tiếp hay gián tiếp những người nói trên. Thứ ba bệnh nhân và người hữu trách có quyền được chấp nhận ngưng những cách chữa trị quá tốn kém, mà không nắm chắc kết quả. Thứ tư, không được ngưng những săn sóc bình thường, dù bệnh nhân sắp chết; nhưng được dùng và khuyến khích dùng thuốc làm giảm đau, ngay cả khi vì dùng thuốc đó bệnh nhân có thể chết sớm hơn. Tóm lại, không ai có quyền hành gì trên sự sống, nên cũng không ai có quyền gì trên sự chết. Hơn nữa, trong trường hợp an tử, trách nhiệm an tử luôn thuộc về “người trợ giúp” cách gián tiếp hay trực tiếp, bởi lẽ bệnh nhân quẫn bách, không tự do. Dù sao, vấn đề này vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi vì câu trả lời tùy thuộc vào nhân sinh quan (triết học, nhân học) và vào lương tâm (đạo đức học, tôn giáo) của mỗi người. Thế nhưng, nếu quyết định trợ giúp an tử hoàn toàn vì lý do thực dụng thì là xúc phạm đến giá trị sự sống, đến nhân phẩm của người bệnh. Vì thế, quan điểm của cá nhân tôi là không nên trợ tử, ngay cả khi người bệnh yêu cầu, và nếu được nên áp dụng biện pháp dung hòa như đã nói trên.
                                                                                                                 
Anthony Lợi


[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Euthanasia
[2] Jeff McMahan, The Ethics of killing, Oxford University press, 2002, pp.455-460
[3] Andrew Goddard, A Pocket Guide to Ethical Issues, Lion Hudson, 2006, pp.212-220
[4] David F.Kelley, Medical Care at the End of the Life, Georgetown University Press, Washington DC, pp.118-130
[5] Jeff McMahan, The Ethics of killing, Oxford University press, 2002, pp.460-470
[6] Andrew Goddard, A Pocket Guide to Ethical Issues, Lion Hudson, 2006, pp.207-212
[7] Jeff McMahan, The Ethics of killing, Oxford University press, 2002, pp.460-496
[8] http.www.Zenit.org,01.02.2009
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận