Đức Giêsu, Thầy Dạy Thuật Sử Dụng Ngôn Từ Trong Bài Giảng

Đăng lúc: Thứ tư - 24/09/2014 16:36 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

ĐỨC GIÊSU THẦY DẠY THUẬT SỬ DỤNG NGÔN TỪ TRONG BÀI GIẢNG

 
Đức Giêsu là một bậc thầy sử dụng ngôn từ trong giảng thuyết. Thuật sử dụng ngôn từ của Ngài rất điêu luyện và khéo léo. Ngài không chỉ dùng ngôn từ Kinh Thánh mà còn dùng những ngôn từ gợi hình, giản dị, gần gũi phù hợp với đối tượng trong cuộc sống hằng ngày của dân chúng.

1. Dùng những ngôn từ trong Kinh Thánh

Sau khi công bố Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia: “Thần Khí Chúa ngữ trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa[1], Chúa Giêsu đã nói với dân chúng rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người[2].
Thật thế, Kinh Thánh là nền tảng chính trong việc giảng lễ. Mục đích của giảng lễ là trình bày những gì Thiên Chúa muốn nói cho dân nghe. Vì thế, người giảng là người trình thuật lại những Lời đã được hấp thụ bởi Lời Thiên Chúa. Bởi đó, khi mấy kinh sư và người Pharisêu đến với Đức Giêsu đòi xem dấu lạ của Ngài. Đức Giêsu đã nói với các ông về hình ảnh ông Giona trong Kinh Thánh rằng: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giona. Quả thật, ông Giona đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì con người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giona rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giona nữa. Trong cuộc phán xét nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômon; mà đây thì còn hơn Salômon nữa[3].
Như vậy, khoa chú giải Kinh Thánh đã làm nổi bật bối cảnh lịch sử của các tài liệu đã được viết ra và là thành phần làm nên cuốn Kinh Thánh. Các tài liệu này cũng là những lời đã đâm rễ sâu vào trong các cộng đoàn cụ thể và được gởi tới những người tin, thuộc về một nền văn hóa đã được xác định. Vì thế, thừa tác viên của Lời phải nắm vững điều mà bản văn Kinh Thánh muốn truyền đạt, chứ không phải phỏng đoán theo điều sách viết ra, lại càng không được thế vào đó bằng cách giải thích có tính cách đạo đức hoặc ý tưởng “độc đáo”[4] của mình. Đã có một thời, bản văn Kinh Thánh đã được sử dụng như là nguồn các câu chuyện, các luận chứng để bênh vực cho một tư tưởng[5]. Pascal viết: “Ai muốn cắt nghĩa Kinh Thánh mà không lấy nghĩa đó từ Kinh Thánh, thì người ấy là kẻ thù của Kinh Thánh[6]. Quả thật, các ngôn từ Đức Giêsu dùng để mạc khải cho dân chúng đều lấy từ hình ảnh Kinh Thánh Cựu ước như: Bánh Manna nuôi dân chúng trong sa mạc[7]; nước từ tảng đá vọt ra để giúp dân được giải khát[8]; con rắn đồng trong sa mạc “treo lên cây gỗ” để dân chúng nhìn lên đó mà được cứu sống[9]… Như thế, những hình ảnh của Cựu ước đã được Đức Giêsu thực hiện: Bánh hằng sống, Nước trường sinh, Con Người được treo lên thập giá nhằm ban ơn cứu độ.
 Dân Israel hiểu biết Kinh Thánh, họ đã từng nghe nói về việc Thiên Chúa nuôi tổ tiên họ trong sa mạc bằng bánh Manna từ trời xuống: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn Manna trong sa mạc, như Kinh Thánh chép:Người đã cho họ ăn bánh bởi trời’. Đức Giêsu trả lời:Không phải ông Môisê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian[10]. Khi nghe nói điều ấy, họ liền xin Chúa Giêsu cho họ thứ bánh đó. Từ hình ảnh bánh Manna thời Cựu ước, Đức Giêsu nói đến chính bản thân Ngài là bánh trường sinh từ trời xuống: “Chính Tôi là bánh trường sinh. Ai đến với Tôi, không hề phải đói[11]. Thật thế, “Tổ tiên các ông đã ăn bánh Manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết[12]. Như thế, từ câu chuyện bánh Manna trong Kinh Thánh Cựu ước, Đức Giêsu đã mạc khải cho dân chúng bánh hằng sống là chính thịt Ngài: “Tôi là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống[13].
Quả thật, trong cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu, Ngài trích dẫn Kinh Thánh rất nhiều: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: Các người là những bậc thần thánh’? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ[14].
Từ việc Đức Giêsu dùng ngôn từ trong Kinh Thánh để mạc khải cho dân chúng về Tin Mừng cứu độ, thì đến các thừa tác viên của Lời cũng phải bắt chước cách dùng của Thầy Chí Thánh để rao truyền chân lý cho người thời đại hôm nay. Cùng với Thánh Truyền và Thánh Kinh, Giáo hội xem như là luật tối thượng hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh hứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời. Do đó, Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua thừa tác viên của Lời. Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo hội cũng như chính Giáo hội Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn[15].

2. Dùng ngôn từ phù hợp với từng đối tượng

Khi giảng, diễn giả cần sử dùng các ngôn từ phù hợp với từng đối tượng, để người nghe có cảm giác gần gũi, thoải mái và dễ dàng tiếp thu. Thật thế, hiểu rõ tâm lý và tình cảm của thính giả là cơ hội thành công trong việc giảng thuyết. Bởi vì, khi đó diễn giả xác định được trong trường hợp nào cần dùng những ngôn từ này, hoặc không nên dùng những ngôn từ kia, dùng những ngôn từ nào thì có thể đánh động được người nghe, làm cho người nghe cảm nhận được điều mình nói[16].
Thật vậy, Đức Giêsu khi giảng cho đối tượng nào thì Ngài dùng những ngôn từ phù hợp với đối tượng đó. Ngài lấy những hình ảnh đời thường để mặc vào đó một tư tưởng cao siêu. Khi Ngài giảng cho người trí thức như ông Nicôđêmo, thì Ngài dùng những ngôn từ triết lý cao siêu để trình bày cho ông: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”. Nhưng ông không hiểu, nên Chúa đã cắt nghĩa cho ông: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông ngạc nhiên vì tôi nói: Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thôi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy"[17]. Đến đây, ông vẫn chưa thông điều Chúa nói, nên ông hỏi: “Làm sao chuyện đó có thể xảy ra được?” Bởi đó, Chúa mạc khải cho ông một cách rõ ràng hơn: “Thật, tôi bảo thật ông: Chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy… Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống… Ai tin vào Người thì được sống muôn đời”[18]. Từ đó, ông Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do thái đã khâm phục Đức Giêsu. Ông không chỉ khâm phục sự hiểu biết của Chúa mà còn tin Chúa là Đấng phải đến trong thế gian.
Còn khi Đức Giêsu giảng cho một người bình dân, thì Ngài dùng những ngôn từ hình ảnh hằng ngày, như trường hợp Ngài giảng cho người phụ nữ xứ Samari. Ngài đã lấy hình ảnh “nước tự nhiên” dùng hằng ngày để nói về nước hằng sống: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” Người phụ nữ thắc mắc và trả lời: “Ông là người Do thái mà lại xin tôi, một người phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?” Từ câu trả lời này, Chúa Giêsu đã nói cho chị biết ai cần xin ai: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”. Chúa Giêsu khiến chị ta thắc mắc này đến thắc mắc khác: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacop, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của người cũng vậy”. Từ sự thắc mắc này, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chị ta biết chính Ngài là Nước hằng sống mà nhân loại đang trông chờ: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Sau sự mạc khải này, chị ta đã xin Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. Chị ta chưa hiểu được nước mà Chúa Giêsu muốn nói, nên Chúa đã nói tiên tri về con người của chị. Khi nghe điều đó, chị ta đã tuyên xưng: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ”. Sau đó, Chúa Giêsu đã mời gọi chị ta hãy tin vào Ngài: “Này chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ đấng các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết. Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”. Rồi chị ta thưa: “Tôi biết Đấng Mêsia sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu trả lời chị ta: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Và chị ta đã tin vào Ngài, rồi rao giảng cho người khác biết về Ngài: “Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi làm[19].
Quả thật, Đức Giêsu là mẫu gương tuyệt vời về việc sử dùng những ngôn từ trong giảng thuyết. Ngài hiểu rõ đối tượng và dùng ngôn từ phù hợp với sự hiểu biết của đối tưởng đó để rao giảng. Nhờ đó, họ đã tin và đón nhận Tin Mừng một cách dễ dàng.

3. Dùng những ngôn từ đơn giản, gần gũi với thính giả

Ngôn từ đơn giản, gần gũi thường dễ làm xúc động lòng người. Khi giảng, diễn giả cần dùng những lời lẽ đơn giản, gần gũi với người nghe sẽ tạo được ấn tượng tốt. Đây cũng là một nghệ thuật biểu đạt ngôn từ tinh tế[20], vì người nghe luôn háo hức muốn nghe những điều liên quan đến họ. Chúa Giêsu hiểu được điều này, nên Ngài nói về những vấn đề thiết thực với người nghe: “Ai cứ xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó bọ cạp?” Từ dẫn chứng tình yêu giữa cha con nhân loại với nhau, Chúa Giêsu nói đến tình yêu Chúa Cha dành cho con người: “Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người[21].
Thật vậy, Chúa Giêsu đưa vào bài giảng của mình những ngôn từ giản dị và những dẫn chứng đời thường. Vì thế, thính giả luôn chú ý đến những lời của Ngài thốt ra, vì nó có liên quan đến cuộc sống của họ, nhắc đến những lợi ích thiết thực và những khó khăn trong cuộc sống mà họ đang gặp phải [22]. Quả thật, Chúa luôn quan tâm đến những con người bé mọn. “Ngài chạnh lòng thương dân chúng lầm than không người dẫn dắt[23]. Vì thế, Ngài hiểu được nỗi lòng con người. Khi rao giảng Nước Trời, Ngài dùng những ngôn từ đụng chạm “sát sườn” người nghe mà họ đang bận tâm lo lắng. Ngài làm cho họ có cảm giác gần gũi và giáo lý thì mới mẻ. “Ông này là ai mà sao ăn nói lại có uy quyền, còn giáo lý thì mới mẻ”! Thật vậy, không một đám đông nào lại không chú ý đến diễn giả đang nói về những lợi ích thiết thực của chính họ[24]. Bởi đó, Đức Giêsu đã nói: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy[25]. Chính vì thế, “đông đảo môn đệ của Ngài, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Ngài giảng và để được chữa lành bệnh tật[26].
Khi giảng về vị mục tử nhân lành, Chúa Giêsu đưa hình ảnh người chăn chiên. Hình ảnh người chăn chiên, người Do thái ai cũng hiểu, vì điều này gần gủi với họ. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh mục tử tốt để nói về Ngài: “Tôi chính là mục tử nhân lành, mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn[27]. Cũng vậy, khi Chúa Giêsu nói đến việc liên kết với Thiên Chúa để sinh nhiều ơn ích trong cuộc sống, thì Ngài dùng đến cây nho: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ bị khô héo[28]. Thật vậy, trong Cựu ước, hình ảnh cây nho được áp dụng cho dân Israel[29]. “Khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng xửng sốt về lời giảng dạy của Ngài, vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ[30].
Thật thế, ngôn từ giảng thuyết càng đơn giản, gần gũi bao nhiều thì người nghe càng dễ tiếp thu tư tưởng người giảng bấy nhiêu. Nếu nghĩ đến năng lực tiếp thu của người nghe thì diễn giả dùng văn phong phải đơn gian và nho nhã. Ngôn từ không được tối nghĩa, khó hiểu[31], vì nó làm cho người nghe khó nắm bắt được vấn đề.

4. Dùng những ngôn từ gợi hình

Diễn giả muốn người nghe hiểu rõ vấn đề, hãy dùng những ngôn từ gợi hình về điều mình muốn truyền đạt cho họ. Vì tính ưu việt của ngôn từ là gợi lên những hình ảnh sống động. Bởi lẽ, dây thần kinh từ mắt tới não lớn hơn rất nhiều lần dây thần kinh từ tai tới não. Các nhà khoa học cho biết rằng những gì đập vào mắt bằng hình ảnh lôi kéo sự chú ý gấp 25 lần những gì nghe được từ tai[32]. Tục ngữ có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Thật vậy, thính giả vừa nghe vừa mường tượng lại những hình ảnh đã thấy hoặc đã sống thì họ sẽ dễ dàng nắm bắt tư tưởng và hứng thú lắng nghe.
Bởi đó, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn này: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn ông đào giậu; trong vườn ông khoét vườn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hát nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: Chúng đánh người này giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: Nhưng bọn tá điền đối xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: ‘Chúng sẽ nể con ta’. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đạt lấy gia tài nó!’ Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho và giết đi. Vậy xin hỏi: ‘Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gi bọn tá điền kia?’ Họ đáp: Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đến mùa họ nộp hoa lợi cho ông’… Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: ‘Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. Nghe dụ ngôn Ngài kể, các Thượng tế và người Pharisêu hiểu là Ngài nói về họ”[33]. Đức Giêsu đã “vẽ” trước mắt thính giả bức tranh rất nhiều chi tiết sống động cụ thể và rõ ràng, những bức tranh tưởng tượng này đã đi vào trong tâm trí các Thượng tế và Pharisêu rất sắc nét đến nỗi họ hiểu ngay là Chúa đã nói về họ. Do đó, họ đã tức giận bỏ đi và tìm cách tiêu diệt Ngài.
Còn khi dân chúng tụ họp đông đảo bên Đức Giêsu, để nghe Ngài giảng. Ngài liền dùng những ngôn từ gợi hình để nói về những người đang lắng nghe Lời Chúa rằng: “Người gieo giống đi ra gieo giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm[34]. Quả thật, Chúa Giêsu đã gợi lên một hình ảnh người gieo giống, người nông dân ai cũng hiểu được. Từ hình ảnh người gieo giống, Đức Giêsu mặc vào cho nó một sứ điệp thật tuyệt vời, và Ngài giải thích thêm: “Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Hạt rời vào bụi gai: Đó là những kẻ nghe, nhưng dọc được bị nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Hạt rơi vào đất tốt: Đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả[35].
Đức Giêsu cho dân chúng biết Ngài chính là vị mục tử tốt lành. Nhưng dân không biết mục tử tốt lành là như thế nào thì Ngài đã dùng đến hình ảnh mục tử chăn chiên để nói cho họ hiểu. Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành biết rõ từ con chiên, anh đi trước đoàn chiên theo sau. Anh sẽ dẫn đoàn chiên đến những đồng cỏ xanh tươi và nguồn nước trong lành, để cho chiên được sống và sống dồi dào. Nếu đoàn chiên gặp nguy hiểm, thì mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên[36]. Thật vậy, trong cuộc đời rao giảng, Đức Giêsu dùng rất nhiều hình ảnh sinh hoạt hằng ngày để giảng dạy cho dân chúng về Tin Mừng cứu độ. “Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa[37].
Bởi đó, diễn giả nên dùng những ngôn từ gợi hình sống động sẽ giúp cho người nghe nắm bắt được vấn đề, vì những ngôn từ gợi hình sống động sẽ làm cho người nghe liên tưởng đến những hình ảnh trong cuộc sống mà họ đã trải nghiệm. Một khi giúp họ hình dung được các tình tiết sống động như vậy, chắc chắn họ sẽ nhớ được những gì người giảng trình bày. Nếu họ nhớ được những gì diễn giả trình bày, thì đó là một thành công lớn trong việc giảng thuyết.

Kết luận

Mục đích của giảng lễ là chuyển tải sứ điệp Lời Chúa đến cho người nghe giúp họ hiểu, đón nhận và sống Lời ấy. Ngôn từ chỉ là công cụ mà diễn giả dùng để tỏ bày tình cảm, trao đổi tư tưởng, biểu đạt ý kiến và bênh vực chân lý. Hơn nữa, ngôn từ còn mang một vai trò quan trọng là chuyển tải sứ điệp Lời Chúa đến cho thính giả. Vì thế, để thực hiện được điều đó, diễn giả cần vận dụng các phương cách sử dụng ngôn từ của Đức Giêsu: Dùng những ngôn từ trong Kinh Thánh, dùng những ngôn từ gợi hình sống động, dễ hiểu, gần gủi với thính giả nhằm tạo cho họ có được sự thoải mái lắng nghe.
Phương cách tốt nhất cho các thừa tác viên của Lời là học theo Đức Giêsu: Chiêm ngắm và học hỏi với Ngài qua các phương pháp sử dụng ngôn từ mà Ngài đã dùng để thông truyền Lời hằng sống cho giáo dân[38]. Bởi lẽ, vị linh mục nào cũng có thể trở thành một nhà giảng thuyết có thẩm quyền và đáng được mọi người nghe theo, nếu vị linh mục đó cố gắng vun trồng kĩ năng dùng ngôn từ và sống rập khuôn theo Đức Giêsu[39].
Tuy nhiên, thừa tác viên của Lời quan tâm đến “nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong giảng lễ theo cách thức của Đức Giêsu”, không phải là để tìm vinh quang cho mình, nhưng chỉ nhắm đến mục đích duy nhất là đem hạt giống Lời Chúa được gieo đúng nơi, đúng lúc và đúng cách để mang lại mùa gặt bội thu cho Nước Thiên Chúa.
 
Phó tế JB.Trần Thái Quốc
 
 

[1] Lc 4,18-19
[2] Lc 4,21-22
[3] Mt 12,38-42: Ba câu chuyện ông Giona, dân thành Ninivê và hoàng hậu Phương Nam là những câu chuyện trong Kinh Thánh Cựu ước, mà dân Do thái đều biết
[4] Ý tưởng xa lạ, không phù hợp với truyền thống của Giáo hội.
[5] FERDINAND VALENTINE, O.P, The Art Of Preaching- Giảng Thuyết Một Nghệ Thuật, Lm Phêrô Vũ Văn Tự Chương, dg., Burns, Oates Wasbourne, London, Nxb Tôn Giáo, tr.148
[6] PENSÉES, Éd La Fuma, tr.532
[7] Xh 16,1-31
[8] Xh 17,1-6
[9] Ds 21,4-9
[10] Ga 6,32
[11] Ga 6,34
[12] Ga 6,49-50
[13] Ga 6,51
[14] Ga 10,34-35
[15] CÔNG ĐỒNG VATICANO II, Dei Verbum, số 21
[16] NHIỆM VĂN CẬT, Nghệ Thuật Nói Hay, Nguyễn Huy, dg., Nxb Đông Phương, tr.244
[17] Ga 3,3-8
[18] Ga 3,3-15
[19] Ga 4,1-42
[20] CHU SĨ CHIÊU, Thuật Hùng Biện, Trần Minh Nhật, dg., Nxb Tổng Hợp Đồng Nai, tr.37
[21] Mt 7,7-11
[22] DALE CARNEGIE, Phương Pháp Luyện Tập Kỹ Năng Nói Chuyện Có Hiệu Quả Trước Công Chúng, Tuyết Minh, dg., Nxb Lao Động Xã Hội, tr.103
[23] Mt 10,35-38
[24] DALE CARNEGIE, Phương Pháp Luyện Tập Kỹ Năng Nói Chuyện Có Hiệu Quả Trước Công Chúng, Tuyết Minh, dg., Nxb Lao Động Xã Hội, tr.105
[25] Lc 6,37-38
[26] Lc 6,17-19
[27] Ga 10,11-13
[28] Ga 15,1-2.4-6
[29] Is 5,1-7; 27,2-4; Gr 2,21; 12,10; Ed 15,1-8; 17,6-10; 19,10-14; Hs 10,1; Tv 80,9-17
[30] Mt 7,28-29
[31] PHONG LIỄU, Diễn Thuyết Trước Công Chúng, Nxb Thanh Hóa, tr.131
[32] DALE CARNEGIE, Phương Pháp Luyện Tập Kỹ Năng Nói Chuyện Có Hiệu Quả Trước Công Chúng, Tuyết Minh, dg., Nxb Lao Động Xã Hội, tr.159
[33] Mt 21,33-45
[34] Lc 8,4-8
[35] Lc 8,11-15
[36] Ga 10,1-21
[37] Mt 13,34-35
[38] PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM & ĐAMINH TRẦN THÁI HIỆP, Khi Con Tim Lên Tiếng Gọi, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Năm 2011, tr.122
[39] FERDINAND VALENTINE, O.P, The Art Of Preaching- Giảng Thuyết Một Nghệ Thuật, Lm Phêrô Vũ Văn Tự Chương, dg., Burns, Oates Wasbourne, London, Nxb Tôn Giáo, tr.7

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận