Hiểu thêm về cuộc gặp lịch sử

Đăng lúc: Chủ nhật - 21/02/2016 02:59 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Hiểu thêm về cuộc gặp lịch sử

Bà Constance Colonna-Cesari, nhà báo và chuyên gia về Vatican, vừa trả lời phỏng vấn 2 báo Le Point và Le Nouvel Observateur về cuộc gặp gỡ lịch sử tại Havana (Cuba) giữa ĐTC Phanxicô và Đức Thượng phụ Chính Thống giáo Nga Kirill.

 Thứ sáu vừa qua tại Havana, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ Đức Thượng phụ Kirill. Đâu là tầm quan trọng của cuộc hội kiến ấy?

- Trước hết đây là sự kiện quan trọng về tôn giáo và minh chứng rằng công cuộc đại kết đang tiến một bước dài dưới triều đại giáo hoàng này. Trước Công đồng Vatican II, một cuộc hội kiến như thế không thể xảy ra. Cuộc gặp giữa Đức Phaolô VI và Thượng phụ Constantinople, Đức Athénagoras Đệ nhất, tháng giêng 1964, là lần gặp gỡ đầu tiên kể từ Công đồng Florence năm 1436!

Với Thượng phụ Constantinople hiện nay, Đức Batôlômêô Đệ nhất, mà Đức Phanxicô đã gặp tại Đất thánh, để cùng với vị này ký kết văn kiện thiết lập “một giai đoạn mới hướng về hiệp nhất”, qua đó cho thấy các mối quan hệ diễn ra rất tốt đẹp.

Nhưng với Đức Thượng phụ Moscow - từ thời Đức Gioan-Phaolô II đến ngày nay - mối quan hệ luôn khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên cục diện đã thay đổi rõ ràng với Đức Phanxicô, là người mang lại một phong trào đại kết chân thành. Sự kiện này được giải thích bởi nguyên quán của ngài, Argentina, vốn là một quốc gia được thành lập trên nền tảng người nhập cư, gốc gác đa dạng.

● Tại sao cuộc hội ngộ diễn ra lần này?

- Trước tiên Đức Phanxicô đã gửi những thông điệp thân hữu… Ngài nói với Đức Kirill: “Tôi có thể gặp ngài ngay ngày mai, nơi nào tùy ngài muốn!”. Tiếp đó, việc họp Công đồng liên hiệp các Giáo hội Chính Thống giáo tại Crete (Hy Lạp) vào tháng 6 tới là một sự kiện mang tính thời sự và là yếu tố quyết định. Công đồng này được dự kiến từ 1.300 năm nay và việc tiến hành luôn gặp trở ngại do các mối tranh chấp rất quyết liệt giữa các Giáo hội Chính Thống giáo với 16 Thượng phụ. Thật thế, ngay cả đối với ĐTC, công đồng liên - Chính Thống giáo là một sự kiện cực kỳ quan trọng về đại kết.

Nhà báo Constance Colonna Cesari

● Trước Đức Phanxicô, Đức Gioan-Phaolô II cũng đã là vị tông đồ của phong trào đại kết, đặc biệt khi ngài tổ chức các buổi gặp gỡ tại Assisi năm 1986…

- Tất nhiên. Đức Gioan-Phaolô II đã hiểu rằng đại kết là một lợi thế về mặt ngoại giao: để mở cửa “biên giới”, phải duy trì các mối liên hệ tốt đẹp với các tôn giáo. Triều đại giáo hoàng của Đức Gioan-Phaolô II là triều đại của những kỳ tích ngoại giao. Do đó, Vatican đã tái bang giao với Mỹ vào năm 1984 (sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao từ hơn năm mươi năm trước) và với Israel vào năm 1993. Mỗi lần như thế, cuộc đối thoại liên tôn lại đi kèm với việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao.

● Tại sao Đức Phanxicô lại bỏ ra khá nhiều công sức cho cuộc gặp lần này với Đức Kirill?

- Với tư cách là người Argentina, ngài rất quan tâm đến công cuộc đại kết. Ngài muốn tháo dỡ cuộc ly giáo năm 1054, vốn đã phá vỡ sự hiệp nhất giữa các Giáo hội Công giáo Roma và Chính Thống giáo Byzantin. Đằng sau vấn đề đại kết và cuộc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Kirill, ĐTC còn có ý muốn tạo mối quan hệ với Nga. Mối giao hảo với các nước là cách để Tòa Thánh tìm kiếm những giải pháp phi quân sự cho các cuộc khủng hoảng hiện nay.

  VIẾT HIỆP (chuyển ngữ)


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận