Theo dấu chân Thầy

Đăng lúc: Thứ hai - 07/12/2015 21:33 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Theo dấu chân Thầy

Trong hơn 5 năm làm chánh xứ Mẹ Thiên Chúa (huyện Hàm Tân, Bình Thuận), cha Giuse Nguyễn Công Hoàng đã rửa tội cho khoảng 400 tân tòng. Đây quả là một chứng từ truyền giáo ấn tượng.

Linh mục Giuse Nguyễn Công Hoàng

Gieo yêu thương

“Sợt” Google Map, nhắm chừng sắp tới nhà thờ, chúng tôi dừng xe hỏi thăm một cụ bà ven đường. Sau một hồi cố gắng chỉ bảo tận tình bằng giọng Phú Yên đặc quánh, cụ dặn dò như để “vớt vát”: “Nhà thờ nhỏ khó thấy lắm nhưng dọc đường cứ hỏi, ở đây ai cũng rành”.

Chia tay cụ bà, đi thêm một đoạn lối 10 cây số, chúng tôi đã đến được nơi cần tìm. Đó là một ngôi thánh đường nhỏ nép mình bên những hàng cây cao. Tại đây, tiếng tăm về ông linh mục tốt bụng, hết mình luôn là đề tài được bàn tán trong câu chuyện của người trong vùng, cả giáo dân lẫn lương dân. 

Chịu chức linh mục khá muộn, khi đã gần 40, hành trình ơn gọi là một chặng đường dài nhưng với cha: “Khi đã chọn Ngài làm gia nghiệp thì mọi khó khăn ắt vượt qua”. Cha Hoàng kể mình sinh năm 1971 ở giáo xứ Gio Linh, Quảng Trị, về sau theo gia đình di cư vào Đà Nẵng, rồi lại chuyển vào Bình Thuận. Sống tại nhiều nơi đã giúp cha am hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa, sinh hoạt các vùng miền, từ đó giúp ích nhiều trong việc mục vụ sau này…

Ngày còn nhỏ, gương mặt và tính cách cậu Hoàng luôn được họ hàng và bà con xóm đạo đánh giá ngoan hiền nên thường “rót” vào tai những ý hướng để sau này cậu đi tu. Những lời tưởng bông đùa vô tình đánh động và lớn dần lên trong cách sống và lối suy nghĩ của cậu bé 10 tuổi. Năm lớp 7, đứa em bị bệnh, mỗi tuần cậu phải đạp xe hàng chục cây số đưa em từ nhà xuống tận dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết để nhờ các dì châm cứu, trị bệnh cho em. Vì đường xa nên cậu ở lại luôn trong dòng. Thấy cậu bé đạo đức, hằng ngày các dì lại “tỉ tê”: “Mai mốt đi tu nghe con!...”. Hành trình đó kéo dài nhiều tháng, ý định vốn có từ trước nay lại được cơ hội để lớn dần.

Lễ rửa tội cho các anh chị em tân tòng

Sau ngày học hết cấp ba, cậu thiếu niên có tên trong danh sách trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Trở về sau hai năm quân ngũ, cậu theo học lớp dự tu tại giáo hạt. Qua hai năm tìm hiểu, cậu lại dành thêm 5 năm học ngoại ngữ tại một trường đại học. Để rồi đến năm 2000 thì chính thức bước vào cánh cổng Tiểu chủng viện Thánh Nicôla và sau đó là Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Tháng 11.2009, thầy Giuse Nguyễn Công Hoàng thụ phong linh mục.

Sau ngày chịu chức, cha được cắt cử về làm phó xứ Thanh Xuân. Tháng 3.2010, cha được bổ nhiệm làm chánh sở giáo xứ Mẹ Thiên Chúa, một vùng miền núi có nhiều sắc tộc, đa tôn giáo và điều kiện sống thiếu thốn tư bề. Đó là một xứ nhỏ chưa tới 1000 giáo dân, nhưng địa bàn rộng lớn, lại một thời gia dài vắng bóng chủ chăn. Quả là một thử thách. Đầu tiên, cha ra sức củng cố các hội đoàn và luôn theo sát để thôi thúc, hướng dẫn.  Ngày về, mọi cơ sở giáo xứ chỉ là tạm bợ, không nhà xứ, bất đắc dĩ cha đành phải “tạm trú” trong một phòng giáo lý. Thấy các em hằng tuần phải học giáo lý ngoài sân bãi, liền sau đó, cha ngược xuôi lo toan tiền của xây một nhà sinh hoạt đa năng, vừa làm phòng giáo lý vừa tổ chức nhiều công việc trong xứ. Tới nay mọi cơ sở và hoạt động trong xứ tạm ổn định.  

Hàm Tân vốn là vùng kinh tế mới nên quy tụ người tứ xứ, do đó trong mỗi bài giảng hay những dịp gặp gỡ cộng đoàn, cha luôn nhắc giáo dân sống hòa hợp, yêu thương người chung quanh, đối xử thân tình, gắn kết với anh em tôn giáo khác. Cha cũng thường xuyên tổ chức những đợt thăm hỏi, phát quà cho cả người trong và ngoài Công giáo. Riêng cha, với lối sống khiêm nhường, giản đơn, hết mình vì đoàn chiên và việc nhà Chúa làm cho giáo dân ngày một thêm quý. Người trong vùng ngày càng kính trọng ông cha nhà thờ, từ đó đem lòng mộ mến đạo.

Gặt hạnh phúc…

Một sáng đầu năm 2011, có cặp vợ chồng già chở nhau đến nhà xứ, sau chút bối rối ban đầu, người đàn ông thổ lộ: “Vợ con Công giáo, con là người ngoại, ngày lấy nhau tụi con không làm phép, nay tới xin cha cho vợ con được trở lại”. Cha vui vẻ, ân cần hướng dẫn những thủ tục cần thiết. Câu chuyện tưởng gói gọn chỉ có vậy nhưng sau vài ngày ông quay lại, lần này là xin được theo đạo. Dù rất vui nhưng để thử thách lòng mến của ông, cha đã để ông ba tháng suy nghĩ. Đúng hẹn, ông lại đến, dẫn theo cả hai anh con trai cùng hai đứa cháu nội xin học đạo. Và chính cha đứng lớp dạy giáo lý cho cả gia đình. Lễ Mẹ Lên Trời 15.8 năm đó, những thành viên chưa Công giáo của gia đình này được rửa tội. Thuật lại kỷ niệm của chính mình, ông Dũng Dầu bộc bạch: “Tôi mến mộ đạo Chúa từ lâu, điều đó càng tăng lên khi thấy được lối sống cùng cách ứng xử của cha với mọi người. Nên quyết tâm gia nhập đạo”.

Phát quà cho người nghèo dịp Giáng sinh

Chuyện về gia đình tân tòng đầu tiên được lan truyền. Nhiều người trước từng có ý định xin làm Kitô hữu nay như được tiếp thêm động lực. Người tìm tới nhà thờ ngày một đông. Phòng học cũ được cha cho sơn sửa, cơi nới rộng thêm để mở lớp giáo lý. Dù bận bịu nhiều công việc trong họ đạo, cha vẫn dành thời gian ưu tiên dạy đạo cho tân tòng, có khi chỉ với một người. Mỗi khóa học được cha lên kế hoạch cẩn thận, khéo léo sắp xếp linh động tùy từng trường hợp. Nhận thấy khóa học kéo dài sẽ là rào cản khi nhiều người còn phải bươn chải trong cuộc sống, cha rút ngắn thời gian nhưng vẫn bảo đảm những kiến thức nền tảng. Nhiều khi đang mở giữa khóa, bất chợt có người xin theo, cha cũng không chờ để gom đủ lớp mà liền cho người dạy kèm để họ theo kịp. Trong giảng dạy, cha lồng thêm những  câu chuyện tốt đẹp để mọi người nhận ra đạo yêu thương… Guồng quay cứ vậy đều đặn trôi, người ngoài thấy đạo tốt đẹp thì ngỏ ý xin theo, những người được rửa tội trở thành chứng từ cho nhiều người khác. Nên cứ vào những lễ lớn, trung bình 10, có khi 20 người lại được cha rửa tội.

Lễ Khánh nhật Truyền giáo năm 2011, cha lập ra Ban Truyền giáo với nhiệm vụ hằng tuần đến từng gia đình để thăm hỏi, tìm hiểu nhu cầu, nâng đỡ tinh thần các giáo hữu tân tòng. Từ đó, nghe gia đình nào trắc trở, cha lại lặn lội ngược xuôi đến tận nơi tìm cách tháo gỡ. Hình ảnh ông cha hòa đồng, gần gũi, tận tụy ngày một lớn dần lên trong lòng bổn đạo mới, giúp họ có thêm niềm tin và chỗ dựa. Trong những lần bầu lại HĐMV, cha lại giới thiệu những tân tòng tham gia.

Siêng năng lui tới hỏi thăm nên khi thấy gia đình nào phải sống trong những căn nhà ẩm thấp, dột nát, nước đọng sau mưa, cha chạy vạy khắp nơi, “vơ vét” hết những gì còn lại của mình để dựng cho họ những nhà tình thương che mưa, trú nắng. Mỗi năm, cha đều kêu gọi sẻ chia chút hơi ấm của Chúa Hài Đồng, Chúa Phục sinh đến với anh em tân tòng qua những đợt phát quà tình thương. Những khi giáo phận tổ chức cho người tân tòng hội ngộ, cha thuê xe chở toàn bộ anh chị em lên tham gia. Cha cũng đang dự tính nếu đủ kinh phí sẽ tổ chức những buổi gặp gỡ thường xuyên hơn giữa anh em tân tòng, để giúp họ thắt chặt tình đoàn kết. Trong số con em tân tòng hiện vài em có ý hướng đi tu, hằng tuần tập trung đến nhà xứ để cha dạy thêm giáo lý, giúp chúng có được kiến thức vững vàng...

Câu chuyện đang say sưa như khó dứt thì cha ngưng lại: “Cậu ở lại đây chờ, tới giờ cha phải đi làm phép nhà cho một gia đình mới theo đạo”. Và cứ thế, dấu chân cha dày thêm trên vùng đất nắng gió Bình Thuận, để rồi qua từng năm, số tân tòng trong xứ lại tăng thêm. Hỏi cha nguyên cớ có nhiều người trong vùng cảm mến rồi theo đạo? Cha cười, nói đó là “việc Chúa làm”, còn mình chỉ theo dấu chân Thầy Chính Thánh, là loan truyền tình yêu thương.

Đình Quý


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận