Thánh lễ cầu cho Giáo dân

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/02/2018 02:44 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

THÁNH LỄ CẦU CHO GIÁO DÂN

 

Thánh lễ cầu cho Giáo dân (Missa pro populo), còn gọi là Lễ Họ, là Thánh lễ các Giám mục Giáo phận và các Cha xứ dâng để cầu nguyện cho Giáo dân thuộc quyền chăm sóc mục vụ của các ngài. Ngay sau khi nhận nhiệm sở, các ngài phải thực thi bổn phận này. Việc Giáo luật buộc một cách nghiêm ngặt, vừa cho thấy tầm quan trọng của Thánh lễ do các ngài dâng đối với đời sống tinh thần của Giáo dân, vừa nhấn mạnh trách nhiệm Mục tử của các ngài, những người được Chúa Ki-tô sai đến để “chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).

1. Bổn phận dâng lễ theo luật:

a. Giáo luật đ. 388 quy định đối với các Giám mục Giáo phận:

“1. Giám Mục giáo phận, sau khi đã tựu chức, phải dâng thánh lễ cầu cho đoàn dân đã được giao phó, vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác trong miền của mình.

2. Giám Mục phải đích thân dâng thánh lễ cầu cho dân trong những ngày đã nói ở triệt 1 trên đây; nếu vì ngăn trở hợp lệ không dâng lễ được, thì trong những ngày đó phải nhờ người khác dâng lễ, hoặc đích thân dâng lễ vào các ngày khác.

3. Giám Mục nào, ngoài giáo phận riêng của mình còn được ủy thác các giáo phận khác kể cả với danh hiệu Giám Quản, thì chỉ buộc dâng một thánh lễ cho toàn dân đã ủy thác cho ngài mà thôi.

4. Giám Mục nào có bổn phận bó buộc như nói ở các triệt 1-3 trên đây, nếu thiếu sót bổn phận, thì phải lo sớm hết sức để chỉ cho đoàn Dân bao nhiêu số lễ đã bỏ sót.”

Là người đứng đầu một cộng đoàn Giáo phận, các Giám quản Giáo phận, cũng phải thi hành nghĩa vụ này (x. Gl 429). Các Đức Giám quản Tông Tòa cũng vậy, trừ khi các ngài đang làm Giám mục Chính Tòa thì chỉ cần dâng một lễ cho tất cả (x. Gl 388 §3 ở trên).

b. Tương tự, nhưng dành cho các Cha xứ, đ. 534 viết:

“1. Sau khi đã nhận giáo xứ, Cha Sở có nghĩa vụ phải dâng thánh lễ cho đoàn dân đã ủy thác cho mình vào các ngày Chúa Nhật và lễ buộc trong giáo phận; ai bị ngăn trở hợp lệ thì phải nhờ một người khác dâng lễ thay trong chính các ngày đó hoặc chính mình dâng lễ vào các ngày khác.

2. Cha Sở nào lo săn sóc nhiều giáo xứ thì chỉ buộc dâng một thánh lễ cho tất cả đoàn dân đã ủy thác cho ngài vào những ngày nói ở triệt 1.

3. Cha Sở nào không chu toàn nghĩa vụ nói ở các triệt 1 và 2, thì ngài phải lo dâng thánh lễ cho dân sớm hết sức, tất cả số lễ mà ngài đã bỏ sót.”

Hai khoản luật gần như giống nhau, chỉ khác ở chỗ một dành cho các Đức Giám mục Giáo phận, một dành cho các Cha xứ. Sau đây là những gì liên quan đến Cha xứ.

2. Thời hạn trách nhiệm:

a- Cha xứ có bổn phận dâng Thánh lễ cầu cho Giáo dân ngay sau khi nhận giáo xứ. Do đó, nếu ngài đến nhận giáo xứ vào chiều thứ Bảy, ngài có bổn phận dâng lễ cầu cho Giáo dân ngay ngày Chúa nhật hôm sau; nếu ngài nhận giáo xứ vào ngày Chúa nhật, thì ngài phải thi hành ngay trong ngày đó (Gl 527 §1).

b- Bổn phận này kéo dài cho đến khi ngài không còn là Cha xứ của giáo xứ đó nữa, tỷ dụ như khi ngài được thuyên chuyển (Gl 191 §1), chấp nhận cho về hưu (Gl 538 §3) hay bị bãi nhiệm (Gl 1747 §1). Vì việc thi hành bổn phận này nhằm lợi ích thiêng liêng cho Giáo dân, nó không lệ thuộc thời hiệu; do đó, bao lâu còn “nợ”, ngài phải chu toàn đầy đủ (Gl 534 §3; 199, n05).

3. Các Thánh lễ:

a. Luật chung:

Hai nhóm lễ mà các Cha xứ buộc phải dâng lễ cầu nguyện cho Giáo dân là Chúa nhật lễ buộc. Theo Giáo luật đ. 1246 §1:

1) Các ngày Chúa nhật: luôn là những ngày lễ buộc bậc nhất;

2) Các ngày lễ buộc khác: (1) lễ Sinh Nhật Chúa Giêsu, (2) lễ Hiển Linh, (3) lễ Chúa Lên Trời, (4) lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu, (5) lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa, (6) lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, (7) lễ Ðức Mẹ Lên Trời, (8) lễ Thánh Giuse, (9) lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ, (10) lễ Các Thánh.

Theo Giáo luật đ. 534 §1, các Thánh lễ trên đây là những lễ mà Cha xứ cần dâng để cầu cho Giáo dân.

Cần lưu ý, trong năm, vài trong số mười lễ này luôn trùng với ngày Chúa nhật (do lịch Phụng vụ quy định) hay ngẫu nhiên rơi vào ngày Chúa nhật (do thời gian vô tình vần xoay); khi đó, chúng làm một với Thánh lễ Chúa nhật và bổn phận dâng lễ pro populo cũng giảm thiểu.

Bên cạnh đó, Giáo luật đ. 534 §1 viết: “Sau khi đã nhận giáo xứ, Cha Sở có nghĩa vụ phải dâng thánh lễ cho đoàn dân đã ủy thác cho mình vào các ngày Chúa Nhật và lễ buộc trong giáo phận…” Nhóm từ “trong giáo phận” đưa ta đến lưu ý thứ hai: bên cạnh các ngày Chúa nhật luôn cố định, các ngày lễ buộc khác thì theo ý Đức Giám mục hay dựa vào truyền thống của Giáo phận; lễ nào trong Giáo phận không phải là lễ buộc thì không tính.

b. Quy định của Hội Đồng Giám mục Việt Nam:

Hàng năm, cuốn “Những Ngày Lễ Công Giáo” do Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh phát hành vẫn ghi lại quy định về Lễ Họ (Lề cầu cho Giáo dân) ở số II, mục “Những Điều Cần Biết Trước.” Theo đó, các Giám mục và Cha xứ ở Việt Nam mỗi năm chỉ phải dâng 11 (mười một) Thánh lễ cầu cho Giáo dân. Đó là:

 

1- Lễ Chúa Giáng Sinh

2- Lễ Hiển Linh

3- Lễ Thánh Cả Giuse (19-03)

4- Lễ Phục Sinh

5- Lễ Chúa Lên Trời

6- Lễ Hiện Xuống

7- Lễ Mình Thánh và Máu Thánh

8- Lễ hai thánh Phêrô và
Phaolô (29-06)

9- Lễ Đức Mẹ Lên Trời (15-08)

10- Lễ Các Thánh Nam Nữ (01-11)

11- Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (08-12).

 

Quy định này được in ở phần đầu, nên chi phối cả cuốn lịch, nhưng liệu nó còn giá trị hay không, xin phân tích và nhận định:

- Văn thư của Bộ Truyền giáo đề ngày 11-11-1987 và cho phép áp dụng trong 10 năm, tức đến hết ngày 11-11-1997. Theo bản chất, đây là một Phúc Nghị ban cấp một Đặc Ân, đáp lại “đơn xin của HĐGM Việt Nam”. Giáo luật điều 59 §1 định nghĩa:

“Phúc nghị là một hành vi hành chánh mà nhà chức trách có thẩm quyền hành pháp cấp phát bằng giấy tờ, và do bản chất, nhằm ban một đặc ân, một miễn chuẩn hay một ân huệ nào khác do lời thỉnh cầu của một người nào đó.”

+ Về giá trị, Văn thư ấy phải dựa trên thời hạn. Giáo luật đ. 78 §1 ghi: “Ðặc ân được suy đoán là vĩnh viễn, trừ khi có bằng chứng ngược lại.” Vì Văn thư “có bằng chứng ngược lại” là quy định “10 năm”, nên nó đã hết hạn hơn 20 năm (1997-2018). Điều 83 §1 viết: “Đặc ân chấm dứt khi đã mãn kỳ hạn hoặc đã hết số trường hợp đã dành, đừng kể khi phải giữ qui tắc điều 142 §2.” Đặc ân khi có thời hạn, thì chấm dứt khi hết thời hạn, trừ trường hợp liên quan đến một hành vi thuần túy ở tòa trong.

+ Về động lực cho việc ban cấp và thụ hưởng đặc ân, Giáo luật đ. 83 §2 nói: “Ðặc ân cũng chấm dứt nếu, theo sự thẩm định của nhà chức trách có thẩm quyền, hoàn cảnh thời gian đã thay đổi khiến nó trở thành có hại, hoặc khiến sự xử dụng trở nên bất hợp pháp.” Đặc ân luôn nhằm thiện ích của người thụ hưởng, nhưng khi hoàn cảnh thay đổi làm cho việc thụ hưởng không còn phù hợp, thì với phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền, đặc ân phải chấm dứt.

Như thế, về thời gian, nó đã tự động chấm dứt lúc 0g00 ngày 12-11-1997; trong trường hợp hồ nghi, phải hỏi lại Bộ Truyền giáo (x. Gl 67 §3). Về hoàn cảnh cho và nhận đặc ân: Hoàn cảnh ở Việt Nam ngày nay, theo thiển nghĩ, đã khác những năm của thập niên 1980 hay 1990, khi sự khó khăn mọi mặt đã thúc đẩy Hội Đồng Giám mục Việt Nam xin Tòa Thánh đặc ân này. Do đó, theo người viết hiểu, bổn phận dâng Thánh lễ pro populo ở Việt Nam đã phải trở về theo luật chung như ở điều 534, với sự tham chiếu điều 1246 §1.

Nếu vậy, mỗi năm, tính hết các ngày Chúa nhật và lễ buộc, các Cha xứ phải dâng gần 60 Thánh lễ cầu nguyện cho Giáo dân, thay vì chỉ 11 Thánh lễ.[1]

4. Bổn phận thuộc về ai?

a- Cha xứ

- Cha xứ (Gl 515 §1) buộc phải dâng lễ cầu cho Giáo dân, cả người sống và kẻ chết. Luật cho phép ngài, khi có “ngăn trở hợp lệ” không thể thi hành ngay, có thể nhờ một linh mục khác dâng lễ và chỉ ý thay cho ngài trong chính ngày lễ hay đích thân ngài dâng vào một ngày khác.

Tính hợp lệ của ngăn trở chủ yếu do chính Cha xứ phán đoán. Vài ví dụ như đau bệnh, nghỉ phép theo Giáo luật hay phải dâng cho một ý khác như lễ cưới hay an táng… Giáo luật không định ra tiêu chuẩn nào về vị linh mục ngài sẽ nhờ hay về nơi dâng lễ, nên ngài có thể nhờ ai tùy ý và vị ấy dâng lễ ở đâu tùy ý, miễn là dâng vào chính ngày lễ; còn ngài có thể dâng vào một ngày khác, ở đâu cũng được.

- Khi một Linh mục coi nhiều Giáo xứ (x. Gl 526 §1), ngài chỉ buộc dâng một Thánh lễ cho hết tất cả các cộng đoàn Giáo xứ thuộc quyền ngài.

- Khi một đội Cha xứ coi một hay nhiều Giáo xứ (x. Gl 517 §1), thì một vị được đặt làm Điều phối viên (x. Gl 526 §2) để điều hành công việc và chịu trách nhiệm trước Giám mục Giáo phận cũng như trước dân luật. Về phẩm chất, tất cả các vị trong đội được xem như đều nhau, tức đều có đủ phẩm chất và năng lực để làm Cha xứ (Gl 521); hơn nữa, tất cả đều phải thi hành bổn phận và chức năng của một Cha xứ, được định ra ở các điều 528, 529 và 530 cùng những quy định dành cho dạng Cha xứ này (Gl 543). Bổn phận dâng lễ cho Giáo dân là bổn phận chung của cả đội (in solidum, in solidarity), nhưng bổn phận này chỉ được trao cho vị nào do đội đồng lòng chọn ra; vị ấy có thể nhưng không nhất thiết phải là vị Điều phối viên. Ai được chọn cũng chỉ buộc dâng một lễ mà thôi để cầu cho Giáo dân vào mỗi Chúa nhật và ngày lễ buộc.

b- Các vị khác không phải Cha xứ:

1) Giám quản Giáo xứ:

Khi giáo xứ khuyết vị hay Cha xứ tạm thời không thể thi hành mục vụ như bị tù đày, quản thúc, phát lưu, mất năng lực hay sức khỏe sa sút hoặc một lý do khác, Giám mục Giáo phận, phải sớm hết sức có thể, đặt một Linh mục làm Giám quản giáo xứ (Gl 539). Tương tự, khi Giáo phận trống tòa chưa trọn một năm, Giám quản Giáo phận hay Giám quản Tông tòa chỉ có thể đặt Giám quản Giáo xứ (Gl 525, n02). Dù là trường hợp nào, chức Giám quản đều không được hưởng tính vững bền như chức Cha xứ.

Cha Giám quản có quyền và bổn phận như một Cha xứ, trừ khi Đức Giám mục định rõ cách khác (Gl 540 §1). Do vậy, bên cạnh các bổn phận khác, ngài cũng phải dâng Thánh lễ cầu cho Giáo dân. Nhưng nếu ngài đang là Cha xứ của một hay nhiều giáo xứ khác, ngài chỉ bị buộc dâng một lễ cho tất cả.  

Khi một Linh mục đang bị cản trở nhưng vẫn giữ chức vụ Cha xứ của một Giáo xứ, nhưng vì nhu cầu mục vụ, Đức Giám mục phải đặt một Giám quản phụ trách Giáo xứ tạm thời, thì (1) Đức Giám mục quyết định hoặc (2) Cha xứ và Cha Giám quản nhất trí với nhau, xem ai sẽ dâng lễ cho Giáo dân. Theo luật, cách mặc nhiên bổn phận này vẫn thuộc về Cha xứ.

2) Cha Phó:

Khi Cha xứ bị ngăn cản thi hành mục vụ hay đi vắng hơn một tuần mà vị Giám quản chưa được đặt ra, thì, trừ khi Đức Giám mục Giáo phận đã quy định cụ thể về người coi xứ tạm thời (Gl 533 §3), quyền điều hành giáo xứ tạm thời thuộc về Cha phó. Nếu có nhiều Cha phó, vị nào được bổ nhiệm về làm phó Giáo xứ đó trước, vị đó được hưởng quyền này, bất chấp tuổi tác (Gl 541 §1); nếu được bổ nhiệm cùng lúc thì dựa vào một lý do khách quan khác (như tuổi đời hay tuổi Linh mục, hay theo thứ tự abc hoặc ai to con nặng ký hơn…). Cha xứ tuyệt nhiên không thể lạnh lùng nhờ một Linh mục nhàn rỗi nhưng thân quen nào đó “ngồi xứ” cho mình, khiến (các) Cha phó phải bẽ bàng còn Giáo dân thì bơ vơ!

Không có Cha phó và cũng không có quy định về người coi xứ tạm thời, Cha xứ phải hỏi ý kiến của Bản quyền Giáo phận về người coi xứ tạm thời cho mình.

Khi tạm thời điều hành giáo xứ, Cha phó phải chu toàn mọi bổn phận của Cha xứ, nhưng không phải dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Giáo dân (Gl 549).

Tóm lại: Cha xứ và Cha Giám quản phải dâng lễ pro populo, Cha phó thì không.

5. Bổng Lễ:

Vì Thánh lễ pro populo là Thánh lễ có ý cầu cho Giáo dân, nên không có bổng lễ. Nói cách khác, Cha xứ không được nhận bổng lễ dưới bất cứ danh nghĩa nào khi ngài dâng Thánh lễ này. Thánh lễ này cũng không thể kèm theo hay gộp với một ý nào khác.

Tuy nhiên, ngài vẫn được nhận một bổng lễ khác trong ngày, nếu ngài dâng Thánh lễ thứ hai. Trong Bộ Giáo luật 1983, không nơi nào cấm nhận bổng lễ trong ngày Cha xứ dâng Thánh lễ pro populo; hơn nữa, điều 951 §1 của Bộ Giáo luật ấy viết: “Khi tư tế dâng nhiều Thánh lễ trong một ngày, có thể áp dụng mỗi Thánh lễ theo một ý chỉ có bổng lễ dâng. Tuy nhiên, đừng kể ngày lễ Giáng sinh, tư tế chỉ được hưởng một bổng lễ thôi, còn những bổng lễ khác phải nhường về các mục đích do Bản quyền quy định, tuy rằng đương sự có thể nhận một phần thù lao vì danh nghĩa ngoại tại.”

Dựa vào điều luật này, nhà Giáo luật Navaretta lập luận rằng, ngoài Thánh lễ pro populo là Thánh lễ không được áp dụng bổng lễ hay ý lễ nào khác, Cha xứ vẫn được nhận một trong số các Thánh lễ khác mà ngài dâng trong ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc.[2] Theo tinh thần Giáo luật, Thánh lễ pro populo ở đ. 534 §1 là Thánh lễ đi kèm với chức vụ Cha xứ, còn việc nhận bổng lễ ở đ. 951 §1 là việc thực hiện một ý xin và dâng cúng của Giáo dân; các Linh mục có quyền hưởng điều mà luật ban, khi các ngài dâng lễ trong ngày.

Kết luận:

Các Cha xứ, các Cha Giám quản Giáo xứ phải dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Giáo dân vào các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc. Khi có lý do hợp lệ, các ngài có thể nhờ người khác dâng thay cho mình trong chính ngày lễ hay chính ngài dâng lễ vào một ngày khác, miễn sao các ngài chu toàn. Vì là Thánh lễ cầu cho Giáo dân trong Giáo xứ, Cha xứ nên cho Giáo dân biết để hiệp ý cầu nguyện.

Việc dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Giáo dân là bổn phận đi kèm với chức vụ Cha xứ. Nó không phải là hành vi bác ái hay do lòng sốt mến, mà đơn giản chỉ vì ngài là Cha xứ. Do đó, dù vô tình quên lãng hay cố ý làm ngơ bổn phận này, Cha xứ đã tự làm nên lý do hợp lệ để Giám mục Giáo phận bãi nhiệm chức vụ của ngài, nếu sau khi được cảnh cáo mà ngài không lay chuyển (x. Gl 1741, n0 4).

Ở Giáo phận Phan Thiết, Đức Cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống nhiều lần nhắc nhở các Cha xứ về bổn phận dâng lễ pro populo. Ngài cũng nhắc lại trong cuốn Sổ Tay Linh Mục 2017: các Linh mục “không được nhận bổng lễ khi cử hành Lễ Họ (Missa pro populo) vì bổn phận.”[3]  

Thánh lễ pro populo là biểu hiện rõ nét nhất mối liên kết linh thánh giữa vị các Mục tử với đoàn chiên được trao phó cho các ngài. Nó cũng thể hiện rõ tình yêu và tinh thần phục vụ Dân Chúa theo gương Đức Ki-tô Mục Tử, khi các ngài thi hành chức năng thánh hóa cho họ qua các Thánh lễ, mà trong đó, các ngài cử hành trong hiện thân của Chúa Ki-tô là Đầu -in persona Christi Capitis và nhân danh toàn thể Giáo Hội -in nomine totius Ecclesiae./.[4]

 

Lm. GB. Nguyễn Hồng Uy

 


[1] Ví dụ tính theo lịch Phụng vụ 2017-2018, từ Chúa nhật I Mùa Vọng cho đến Chúa nhật XXXIV Thường Niên, có 59 Thánh lễ Chúa nhật và lễ buộc để cầu cho Giáo dân.

[2] x. A. Mendonça, Canon 534, Roman Replies and CLSA Advisory Opinions, 2000, trg. 81.

[3] Giáo Phận Phan Thiết, Sổ Tay Linh Mục 2017, Lưu hành nội bộ, trang 41. 

[4] x. GLCG, số 1548-1553.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận