Thánh đường tưởng niệm Môsê trên đỉnh Nebo

Đăng lúc: Thứ bảy - 05/11/2016 11:42 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thánh đường tưởng niệm Môsê trên đỉnh Nebo

Sau 10 năm trùng tu, thánh đường tưởng niệm nhà tiên tri vĩ đại của người Do Thái là Môsê trên đỉnh Nebo một lần nữa đã được mở cửa, đánh dấu tầm quan trọng của những địa điểm linh thiêng trong công cuộc bảo vệ và truyền bá đức tin.

Núi Nebo nằm cách thủ đô Amman của Jordan khoảng 32 cây số về hướng tây nam. Đối với các tín hữu Kitô giáo, núi Nebo chẳng phải là một địa điểm xa lạ. Từng được đề cập trong Kinh Thánh, đây là nơi đã chứng kiến ôngMôsêhướng về vùng đất hứa trước khi qua đời. Từ đây, Đất Thánh trải rộng trước mắt người xem, và thậm chí có thể nhìn thấy một phần thung lũng của sông Jordan. Cũng như Jerusalem, thành phố Jericho trên Bờ Tây có thể lọt vào tầm nhìn trong những ngày đẹp trời.

Tôn vinh đức tin

Báo Catholic News Agency dẫn lời Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công giáo Đông Phương, phát biểu trong lễ mừng khai trương vào giữa tháng 10: “Thông qua nghệ thuật tôn giáo, nhân loại không những tôn vinh đức tin của họ mà còn để lại một dấu ấn cho các thế hệ tương lai”. Đức Hồng y Sandri cũng là đặc phái viên của Đức Giáo hoàng tham gia sự kiện đặc biệt này. Ngài nhận định:“Chúng tôi mong muốn xác nhận tại đây một lần nữa vai trò vô giá của văn hóa và nghệ thuật: chúng góp phần bày tỏ sự cao thượng của linh hồn từng người, bất kể tuổi tác. Hãy để chúng ta cùng nỗ lực cam kết bảo tồn nơi này, đặc biệt khi đây là địa phương được dùng để biểu lộ sự hướng về Thiên Chúa”.

Đức Hồng y nói tiếp: “Đức Thánh Cha muốn bày tỏ lòng tôn kính đối với địa phương mang tính biểu tượng và đầy quan trọng này, vốn đóng vai trò là điểm gặp gỡ của sự đối thoại và tiếp xúc của 3 tôn giáo vĩ đại, tất cả đều được sinh ra trên vùng đất Trung Đông”. Dẫn lại lịch sử, ngài nhấn mạnh ông Môsê, với vai trò nhà tiên tri, người bạn của Thiên Chúa và người thiết lập luật lệ, đều nhận được sự kính trọng sâu sắc của các anh em tín hữu Do Thái giáo, Công giáo và Hồi giáo. Và bất chấp chiến tranh vẫn tiếp tục hoành hành ở Trung Đông, công cuộc trùng tu được triển khai hết sức khẩn trương trong nỗ lực “mang lại ánh sáng cho những báu vật lịch sử và tôn giáo mà nơi này đang gìn giữ, và giờ đây đã được trao về cho Jordan cũng như toàn thể nhân loại dưới dạng một công trình hoàn chỉnh và mới mẻ”.

Vào thời buổi nhiều kho báu trong lịch sử tôn giáo tại khu vực lâm vào cảnh bị cướp phá và hủy hoại, như thảm trạng của mộ phần nhà tiên tri Jonah, ĐứcHồng y Sandri bày tỏ lòng biết ơn và sự cảm kích đối với tất cả những người góp sức vào công cuộc trùng tu đài tưởng niệm trên. “Vương quốc Jordan, với biên giới cận kề ngọn núi này, trong những năm gần đây đã trở thành địa điểm chào đón, cưu mang và chữa lành cho hàng ngàn di dân và những người phải bỏ xứ vì chiến tranh, loạn lạc tại Palestine, Syria và Iraq”, theo Đức Hồng y. Và thánh đường tưởng niệm nhà tiên tri Môsê được xem là nơi “an ủi linh hồn và thể xác, nơi trú ẩn của mọi người không kể xuất xứ, những người bị thương tổn về mặt tinh thần và chịu nỗi đau khổ vạn phần về thể xác”, ngài dẫn lại một bản văn vinh danh nơi này từ thế kỷ thứ 5.

Di tích lộ diện

Jordan đã được trao quyền kiểm soát Đất Thánh vào năm 1932, dưới thời vua Abdullah I. Sau đó, các tu sĩ của dòng Phanxicô chịu trách nhiệm tiếp tục công cuộc khai quật các phế tích từ tay các nhà khảo cổ học thuộc Studium Biblicum Franciscanum, tức hội học giả Phanxicô ở Jerusalem. Năm 1933, tại điểm cao nhất của ngọn núi, các nhà khảo cổ học đã tìm được phần còn lại của nhà thờ và tu viện Byzantine từ thế kỷ thứ 4. Cùng năm, họ xác định đây là nơi tưởng niệm ông Môsê, hay nói chính xác hơn là nơi nhà tiên tri vĩ đại trút hơi thở cuối cùng.

Nhà thờ cổ được xây dựng theo kiểu thánh đường, đã được mở rộng vào cuối thế kỷ thứ 5 và kế tiếp được trùng tu vào năm 597.Tổng cộng có sáu ngôi mộ đã được tìm thấy tại đây. Người thời đó đã đặt mộ phần vào những cái hốc tự nhiên bên trong nền đá phía dưới sàn nhà được phủ đầy những bức phù điêu.Vào thời điểm mở lại thánh đường sau thời gian dày công trùng tu, các chuyên gia đã tìm cách bảo tồn những phần còn lại của sàn nhà được khảm hoa văn tuyệt đẹp từ nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, bao gồm phần cổ nhất của nhà thờ ban đầu với một pa-nô có cây thánh giá được viền xung quanh.

Cả hai Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI đều đã đặt chân đến địa điểm linh thiêng trên núi Nebo. Đức Gioan-Phaolô II đến thăm vào ngày 20.3.2000 trong khi thực hiện cuộc hành hương đến Đất Thánh. Ngài đã trồng một cây ô liu bên cạnh nhà thờ từ thời Byzantine này để thay lời cầu nguyện cho hòa bình. Còn khi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đến đây vào năm 2009, ngài đã có bài phát biểu và đứng trên rìa đá nhìn về hướng Jerusalem như người xưa.

Khi nghĩ về vô số di dân và những người bị trôi dạt khỏi quê hương như Palestine, Syria và Iraq, Đức Hồng y Sandri đã gởi lời kêu gọi cộng đồng thế giới và những người có trách nhiệm lẫn quyền lực hãy cùng hợp lực kiến tạo hòa bình cho nhân loại:“Cũng giống như nhà tiên tri từng suy ngẫm tại cửa ngõ của những người được chọn trước khi đến vùng Đất Thánh, chúng ta cũng sẽ chờ được đến lúc rạng đông, khi mà cuối cùng lời hứa về sự hòa giải giữa người với người sẽ được thực hiện, và rằng công lý cũng như hòa bình lâu dài sẽ được thiết lập”.

LING LANG


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận