“Sao anh siêng lần chuỗi”

Đăng lúc: Thứ hai - 01/10/2018 15:24 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

“SAO ANH SIÊNG LẦN CHUỖI”

 

Đức Ông Thi sĩ Xuân Ly Băng viết bài thơ “Sao không”, rất tâm tình và cũng rất dễ thương. Lời thơ như một lời nhắc nhở, hãy siêng năng cầu nguyện với Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi một cách tâm tình như nói chuyện với Mẹ vậy. Nhạc sĩ Thông Vi Vu dệt thành ca khúc “Sao không”. Tam Ca Áo Trắng hát với cả tâm hồn mến yêu. Tháng Mân Côi nghe ca khúc “Sao em không lẫn chuỗi” với giai điệu Rumba, thấy lòng lâng lâng tình thương của MẸ, nghe ơn thánh trải qua từng lời kinh.

 

Hôm nay tình cờ nghe ca khúc “Sao anh siêng lần chuỗi” của tác giả “Dấu chân” với giai điệu tănggô vui tươi.

 

“Hỡi này anh kia ơi, sao anh siêng lần chuỗi

Dẫu trời nắng hay mưa, dù là sáng hay trưa

Giữa phố phường rong ruổi.

Tràng chuỗi vẫn trên tay

Theo bước anh từng ngày

Chẳng ngại gì trời gió mưa

Những lời kinh Mân Côi.

 

Tuy đơn sơ là thế

Vẫn còn nở trên môi

Mặc ngày tháng tới lui

Với tấm lòng chân thành

Mẹ sẽ xót thương anh

Xin Chúa ban phước lành

và chở che suốt cuộc đời”.

 

Dường như ca khúc này lấy cảm hứng từ bức hình người đàn ông chạy xe ôm đang cầm tràng chuỗi trên tay để lần hạt trong khi chờ khách.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

***

Ngày 7 tháng 10, Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. ĐGH Piô V thiết lập lễ này để tạ ơn Đức Mẹ và ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7.10.1571. Chiến thắng là nhờ các tín hữu lần Chuỗi Mân Côi dâng kính Đức Mẹ ở Rôma vào ngày giao chiến. Một phép lạ của Đức Mẹ trong Tháng Mân Côi. ĐGH Leo XIII đã thiết lập Tháng Mười là Tháng Mân Côi vào ngày 1.9.1883 và đã công bố 11 Tông thư về Chuỗi Mân Côi trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Description: http://www.lamhong.org/wp-content/uploads/2012/10/DucMe_1.jpgSuốt tháng Mân Côi, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Mân Côi chính là hoa hồng. Mân Côi là bông hồng đẹp, viên ngọc quí. Như thể, bằng chuỗi Mân Côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền.

Nói đến Mân Côi là nói đến hoa. Những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước toà Mẹ. Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng Mẹ. Những bông hoa hi sinh, bác ái muốn toả hương dưới chân Mẹ.

Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền. Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ.

Thật vậy, giữa ngàn hoa, Đức Maria nổi bật như bông hoa cao quí xinh đẹp nhất. Đẹp đến độ "đẹp lòng Thiên Chúa".

Đức Maria là bông hoa thanh khiết diễn tả được nét đẹp của Thiên Chúa vì Mẹ là tác phẩm của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần "rợp bóng trên Mẹ" nên Mẹ sống dưới sự che chở của Thánh Thần, theo ơn hướng dẫn của Thánh Thần và sống trong tình yêu của Thánh Thần.

 

Thiên Chúa muốn Con của Ngài vào đời làm người, nên đã chuẩn bị cho Con một người mẹ tuyệt hảo.Maria là người được Thiên Chúa đặc biệt mến thương.Thiên Thần gọi Mẹ là “Đấng đầy ân sủng”, là người được “Đức Chúa ở cùng”, là người “đẹp lòng Thiên Chúa” .

 

Maria đã là một thụ tạo tuyệt vời ngay từ trước khi làm Mẹ Đức Giêsu. Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của Mẹ. Ngài cần sự ưng thuận của một thụ tạo nhỏ bé trước khi trao cho Maria chức vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Tiếng “xin vâng” khởi đầu cho một chuỗi xin vâng làm nên cuộc đời người nữ tỳ của Chúa.

 

Kinh Mân Côi là một chuỗi “xin vâng” của người tín hữu dâng Thiên Chúa, theo mẫu gương đáp trả của Mẹ Maria.

Tràng chuỗi Mân Côi là một phương thế giúp chúng ta gần gũi thiết thân với Mẹ Maria.

Đức Thánh Cha Piô X đã nhắn nhủ các gia đình Công giáo : “ Khi gia đình được an vui hoà thuận, hãy lần chuỗi Mân Côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng chỗi Mân Côi, để xin Mẹ cảm hoá mình. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân Côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông “.

 

Thánh Gioan Phaolô II, ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo Hoàng, đã nói với tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô khi đọc kinh Truyền Tin: “ Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy”.

 

150 Thánh vịnh đã được thay thế bằng 150 Kinh Kính Mừng. Miệng đọc lòng suy ngắm 15 Mầu Nhiệm Mân Côi: Năm Sự Vui, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng. Đó chính là bản tóm tắt cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô và cũng là của Đức Maria. Vì hơn ai hết, Đức Mẹ đã cùng với Con bước các chặng đường Vui-Thương-Mừng ấy với tinh thần của lời “xin vâng” mà Mẹ đã tuyên xưng trước khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng Mẹ.

 

Khi đọc sự tích về các cuộc Đức Mẹ hiện ra, dù ở Lộ Đức hay ở Fatima, dù ở Guadalupe hay ở Mễ Du, hay ở La Vang…. chúng ta đều thấy Đức Mẹ nhắn nhủ người tín hữu hãy canh tân đời sống và siêng năng lần hạt Mân Côi để làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi, ta đã đến để cảnh báo các tín hữu canh tân đời sống và xin ơn tha thứ tội lỗi của họ. Họ không được xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì Ngài đã quá phiền muộn vì tội nhân loại. Loài người hãy lần chuỗi Mân Côi. Họ hãy tiếp tục lần chuỗi hàng ngày.” (Thông điệp Đức Mẹ gởi cho chị Lucia 13/10/1917).

Thánh Đaminh là người có công rất lớn trong việc quảng bá việc đọc kinh Mân Côi trong Giáo hội, để cầu xin Chúa bảo vệ Giáo hội trước sự tấn công của kẻ thù.

Thánh Piô Năm Dấu Thánh chia sẻ: “Vũ khí của tôi là tràng hạt Mân Côi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi Mân Côi. Muốn làm Đức Mẹ vui lòng và muốn được Đức Mẹ thương yêu hãy lần chuỗi Mân Côi”.

Còn cha Stefano Gobbi viết: “Chuỗi Mân Côi mang lại hòa bình cho bạn. Với lời Kinh Mân Côi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về với Chúa trong sự ăn năn tội, tình yêu và thánh ân”. Và “Chuỗi Mân Côi là lời kinh của tôi. Những lời kinh này dù khiêm nhường và mong manh cũng sẽ nên như xích sắt để khóa lại quyền lực tối tăm của thế giới, kẻ thù của thế giới và của các tín hữu” .

 

Trong tông huấn “Marialis cultus” Đức Phaolô VI đã chỉ ra những giá trị của kinh Mân Côi như sau: đó là một kinh nguyện dựa trên Phúc âm; giúp cho việc chiêm niệm; sát với kinh nguyện phụng vụ.

Những điểm chính của kinh Mân Côi:

  1. Kinh nguyện đơn giản. Kết cấu của nó là những kinh Lạy Cha, Kính mừng, Sáng Danh mà người Kitô hữu nào cũng thuộc lòng. Kinh Mân Côi thích hợp cho những người đơn sơ bình dân, và dành cho những tâm hồn mang tinh thần khó nghèo của Phúc âm.
  2. Kinh nguyện chiêm niệm. Tuy đơn giản, nhưng kinh Mân Côi mang một nội dung phong phú, bởi vì đi đôi với việc đọc kinh, người tín hữu được mời chiêm ngắm những mầu nhiệm căn bản của Đức tin Kitô giáo: Mầu nhiệm Nhập thể và Mầu nhiệm Vượt qua. Việc lập đi lặp lại những câu kinh tạo ra sự than thản nội tâm để có thể nhìn ngắm những cảnh tượng của cuộc đời Chúa Cứu thế.
  3. Kinh nguyện huấn giáo. Chính vì chú trọng vào những mầu nhiệm căn bản của Kitô giáo, nên việc xướng lên các mầu nhiệm hoặc giải thích chúng là cơ hội để học hỏi và đào sâu thêm nhưng chân lý căn bản của Đức tin, và đáp lại cũng với tâm tình thuận nhận tin yêu
  4. Kinh nguyện đi sát với cuộc đời. Khi cùng với Đức Maria rảo qua cuộc sống của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ qua những chặng đường từ Nazareth, Bêlem, Giêrusalem, qua biến cố vui thương buồn, người tín hữu gặp thấy những bài học cho cuộc sống thường nhật của mình, trộn lẫn vui buồn âu lo hy vọng.
  5. Kinh nguyện thanh luyện tu đức. Nhờ việc chiêm ngắm cuộc đời của Đức Kitô và Đức Maria, người tín hữu học đòi những nhân đức của các vị, cố gắng hoạ cuộc đời của mình theo gương các vị.
  6. Kinh nguyện dẫn vào phụng vụ. Những mầu nhiệm Mân Côi, dựa vào Phúc âm, đặc biệt là về mầu nhiệm Nhập thể và Vượt qua, chuẩn bị tâm hồn tín hữu cử hành sốt sắng các bí tích, đặc biệt là Thánh thể, tưởng niệm cuộc tử nạn và sống lại của Đức Kitô.

 

Như thế, Chuỗi Mân Côi mang hai đặc điểm nổi bật là chất Tin Mừng và tính Hội Thánh.

Chuỗi Mân Côi là một bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối.

 

Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh của mọi tín hữu. Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.

 

Chuỗi hạt Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria. Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến.

 

Chuỗi hạt Mân Côi mang đến vô vàn ơn phúc huyền diệu cho con người.

 

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Từ khóa:

phố phường

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận