Cộng đoàn “Kitô hữu thầm lặng” ở Nhật được UNESCO tôn vinh

Đăng lúc: Thứ ba - 14/08/2018 01:51 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Cộng đoàn “Kitô hữu thầm lặng” ở Nhật được UNESCO tôn vinh

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vừa công bố quyết định bổ sung 12 địa điểm từng ghi lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử phát triển Công giáo ở Nhật Bản vào danh sách Di sản thế giới.

 

Vào thời Edo (1603-1867), Nagasaki và Amakusa là điểm nóng của phong trào bách hại Kitô giáo. Trong số 12 cái tên vừa được công nhận là di sản của nhân loại, nổi bật nhất là nhà thờ Chánh tòa Oura, hiện là báu vật quốc gia của Nhật Bản, và tàn tích lâu đài Hara, nơi chứng kiến vụ nổi dậy Shimabara-Amakusa của nông dân theo Kitô giáo vào thế kỷ 17.

Được xây dựng từ giữa thế kỷ 16 đến 19, những công trình này song hành cùng giai đoạn không thể nào quên được của cộng đồng Kitô hữu thiểu số trên đảo Kyushu. “Chúng phản ánh những hoạt động lâu đời nhất của các nhà truyền giáo đạo Kitô tại Nhật Bản. Đó là giai đoạn của sự đối đầu, kế tiếp là những thời kỳ cấm đoán và bức hại đối với tôn giáo lan truyền từ phương Tây, và giai đoạn cuối cùng của nỗ lực khôi phục các cộng đồng Kitô giáo sau khi dỡ bỏ lệnh cấm đạo vào năm 1873. Các địa điểm nói trên là minh chứng độc nhất vô nhị của một truyền thống văn hóa do những người âm thầm theo đạo Kitô dày công nuôi dưỡng và phát triển tại vùng Nagasaki. Chính nhờ họ, đức tin vẫn tiếp tục được loan truyền, bất chấp những cấm đoán hà khắc từ thế kỷ 17 đến 19”, theo UNESCO.

Nhà thờ Chánh tòa Oura (Tổng giáo phận Nagasaki) là thánh đường bằng gỗ lâu đời nhất được xây theo kiến trúc gothic từng tồn tại cho đến ngày nay ở Nhật Bản. Hội Thừa sai Paris đã tiến hành xây dựng nhà thờ vào năm 1864, vì vậy được người dân thời đó tại thành phố Nagasaki gọi là “đền thờ Pháp”. Mục đích ban đầu của nhà thờ Chánh tòa Oura đền thờ tưởng niệm 26 vị tử đạo đã bị hành quyết trên đồi Nishizaka vào năm 1597, trong đó vị trẻ nhất chỉ mới 12 tuổi, bị treo trên thập tự giá vì không chịu từ bỏ đức tin.

Nhà thờ Chánh tòa Oura

Trước đó 1 năm (1596), một tàu Tây Ban Nha tên San Felipe (thánh Philip) đã dạt vào bờ tại Tosa (ngày nay là tỉnh Kochi). Sự kiện này đánh động lãnh chúa thời đó là Toyotomi Hideyoshi, người đột nhiên phát hiện rằng các nhà truyền giáo Kitô đã âm thầm loan báo Lời Chúa mà không xin phép. Lãnh chúa Hideyoshi lập tức ra lệnh bắt 24 Kitô hữu ở Kyoto để răn đe dân chúng, và ấn định địa điểm hành hình ở thị trấn tập hợp nhiều tín hữu là Nagasaki. Từ Kyoto, 24 người bị buộc phải đi bộ qua quãng đường khoảng 1.000 km và họ mất một tháng mới đến nơi. Thêm 2 người bị bắt vào nhóm này dọc đường. Hai vị cũng sẵn sàng đến nơi mà họ biết chắc chắn sẽ bị hành quyết vì trung kiên với Thiên Chúa chứ không chối bỏ. 26 vị tử đạo ở Nagasaki là những trường hợp bị xử tử đầu tiên ở Nhật Bản vì theo đạo Kitô.

Tưởng niệm các vị tử đạo Nhật ở Oura

Sau này, Oura cũng chứng kiến một câu chuyện cảm động. Vào tháng 3.1865, các Kitô hữu che giấu thân phận từ Urakami đã tìm đến nhà thờ Chánh tòa Nagasaki và chia sẻ với cha Petitjean rằng họ là tín hữu. Khi nghe kể lại, Đức Giáo Hoàng Piô IX (triều đại 1846-1878) vô cùng xúc động vì đức tin đã không mai một bất chấp nhiều thế kỷ bị bức hại, và tuyên bố đây chính là “phép mầu Phương Đông”.

Tàn tích của lâu đài Hara

Trong khi đó, tàn tích lâu đài Hara lại là một câu chuyện đầy máu và nước mắt. Vụ nổi dậy Shimabara-Amakusa bắt đầu từ ngày 17.12.1637, do một nông dân trẻ tên Amakusa Shiro dẫn đầu. Đây là cuộc khởi nghĩa của những nông dân theo Kitô giáo và các samurai lang thang nhằm chống lại chính sách thuế khóa nặng nề và nạn đàn áp đạo Chúa. Ước tính có khoảng 17.000 đàn ông và vợ con họ (3.000 người) bao vây thành Shimabara của tổng trấn Terazawa Hirotaka, chiếm cứ lâu đài Hara. Chống lại họ là 125.000 binh lính với sự ủng hộ của người Hà Lan theo Tin Lành. Một trong các chiến thuyền của người Hà Lan đã nã tổng cộng 426 loạt đạn trong suốt 15 ngày vào pháo đài. Khi quân đội đánh phá được nơi này, toàn bộ 17.000 người nổi dậy bị tàn sát. Vợ con họ được quyền lựa chọn giữa việc bỏ đạo và cái chết, nhưng tất cả đều từ chối, và chịu chung số phận. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt vào ngày 15.4.1638. Lâu đài bị đốt trụi và san bằng.

Ngày nay, tàn tích lâu đài Hara vẫn nằm ở đó, chẳng hề có viên đá hoặc đài tưởng niệm nào gợi lại lịch sử bi thống xa xưa, ngoài cây thánh giá trắng toát và bức tượng ronin. Hy vọng vị thế di sản thế giới sẽ giúp các thế hệ sau này vẫn luôn nhớ về những thời khắc đau thương và tàn bạo, để họ thêm trân trọng hiện tại và tương lai.

LING LANG (cgvdt.vn)

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận